Trung Quốc bất chấp thông lệ quốc tế ở Hoàng Sa
Việt Hà, phóng viên RFA
2016-08-15
Bản đồ các đảo và bãi đá thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Courtesy of thiemthu62.blogspot.com
00:54/10:15
Báo chí trong nước mới đây dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại Giao cho biết phía Trung Quốc hôm 12/8 đã từ chối không cho 6 tàu cá của ngư dân Việt Nam vào tránh sóng to gió lớn ở đảo Bông Bay thuộc quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp giữa hai nước với lý do quần đảo này không thích hợp để tránh trú.
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc từ chối các tàu thuyền của ngư dân Việt Nam đánh cá gần khu vực quần đảo Hoàng Sa vào trú bão, khiến ngư dân Việt Nam phải đối mặt với những nguy hiểm trên biển.
Hành động này của Trung Quốc bị cho là trái với thông lệ quốc tế trên biển và đi ngược với những thỏa thuận giữa hai nước. Việt Hà phỏng vấn tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng ban Biên giới chính phủ về vấn đề này. Trước hết, nhận định về hành động mới đây của Trung Quốc, tiến sĩ Trần Công Trục cho biết:
“Các bạn biết là quần đảo Hoàng Sa bao gồm một số đảo và bãi cạn, các đầm nước lặng. Bong Bay là một vị trí, một vùng có thể cho tàu thuyền vào tránh bão được. Bong Bay nằm trên một rạn san hô, giữa đó là đầm nước lặng. Ngư dân đánh cá ở đây lâu đời và họ biết được là họ có thể tránh bão ở đầm nước lặng đó. Cho nên Trung Quốc nại ra lý do là không thích hợp cho trú bão là để họ từ chối không cho người dân bị gặp nạn trên biển vào trú đậu thôi chứ không phải là lý do chính đáng.”
Hành động sai trái
Tiến sĩ Trần Công Trục: Các bạn biết là quần đảo Hoàng Sa bao gồm một số đảo và bãi cạn, các đầm nước lặng. Bông Bay là một vị trí, một vùng có thể cho tàu thuyền vào tránh bão được. Bông Bay nằm trên một rạn san hô, giữa đó là đầm nước lặng. Ngư dân đánh cá ở đây lâu đời và họ biết được là họ có thể tránh bão ở đầm nước lặng đó. Cho nên Trung Quốc nại ra lý do là không thích hợp cho trú bão là để họ từ chối không cho người dân bị gặp nạn trên biển vào trú đậu thôi chứ không phải là lý do chính đáng.
Việt Hà: Vậy theo tiến sĩ thì hành động này của Trung Quốc có trái với những thỏa thuận hay thông lệ quốc tế hay không?
Hành xử theo thông lệ quốc tế là khi người đi biển gặp nạn thì họ phải có trách nhiệm và nghĩa vụ cứu giúp nhưng họ đã làm trái với văn hóa ứng xử thông thường của người đi biển.
– Tiến sĩ Trần Công Trục
Tiến sĩ Trần Công Trục: Theo tôi nghĩ họ nói như vậy thì có một số điều mà chúng ta cần bình luận. Thứ nhất quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam mà họ dùng vũ lực chiếm đóng từ những năm 70 của thế kỷ trước. Đây là thuộc lãnh thổ Việt Nam mà giờ họ chiếm đóng. Người Việt đến đây làm ăn thì họ bắt bớ và có nhiều hành động thì đó là sai về pháp lý.
Cái sai thứ hai là họ không để ngư dân Việt Nam làm ăn ở đây khi gặp tai nạn trên biển được cứu đậu. Hành xử theo thông lệ quốc tế là khi người đi biển gặp nạn thì họ phải có trách nhiệm và nghĩa vụ cứu giúp nhưng họ đã làm trái với văn hóa ứng xử thông thường của người đi biển. Đó là hành xử không tốt đẹp không được loài người hoan nghênh. Cho dù có mâu thuẫn và tranh chấp, nhưng khi người ta gặp nạn thì phải rộng lòng cứu giúp người ta.
Việt Hà: Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc từ chối không cho ngư dân Việt Nam vào trú bão ở quần đảo Hoàng Sa. Theo ông thì đâu là lý do thực sự đằng sau lý do mà họ đưa ra là Hoàng Sa không thích hợp để trú bão?
Tiến sĩ Trần Công Trục: Lần này họ không sẵn lòng cứu giúp ngư dân thì đúng như chị nói không phải là lần đầu tiên mà trước đây cũng rất nhiều lần rồi. Những ngư dân gặp nạn do thiên tai hoặc bị tàu họ húc đâm thì họ vẫn để mặc cho ngư dân chống chọi với sóng to gió lớn. Đó là điều mà mọi người không ngạc nhiên lắm. Ý của họ là không muốn có sự hiện diện của người Việt ở khu vực họ đã đánh chiếm của Việt Nam. Điều đó là mục tiêu của họ.
Ý sâu xa của họ là gì? Họ tạo nên một tình huống hết sức căng thẳng để đe dọa ngư dân hàng ngày ra đó làm ăn sinh sống từ xưa. Họ làm như vậy để tạo tình huống khó khăn, để răn đe ngư dân không ra khu vực này nữa. Về mặt pháp lý, làm như vậy họ nói họ có quyền làm chủ quần đảo này cho nên họ làm bất kỳ điều gì thuộc quyền của họ. Tất cả mọi hành động để nhằm mục đích để họ chứng tỏ trên thực tế quyền lực của họ đối với khu vực họ đánh chiếm của Việt Nam.
Triển vọng đàm phán?
Việt Hà: Mới đây Philippines và Trung Quốc đã cho thấy những tín hiệu về đàm phán giữa hai nước để giải quyết tranh chấp. Ông có hy vọng gì về việc Việt Nam và Trung Quốc có thể đàm phán và hợp tác trong việc chia sẻ ngư trường truyền thống ở Hoàng Sa như hai nước đã làm ở vịnh Bắc Bộ không?
Hai bên đã đàm phán có được đường ranh giới và có những hoạt động tuần tra chung, hợp tác cứu nạn cứu hộ với ngư dân hoặc những người hoạt động trên biển gặp nạn.
– Tiến sĩ Trần Công Trục
Tiến sĩ Trần Công Trục: Chuyện Việt Nam đã nhiều lần nói với Trung Quốc là cùng Trung Quốc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trong đó giải quyết bằng đàm phán, hoặc chưa giải quyết được thì có những vấn đề có thể hợp tác được như hợp tác đánh cá, bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học ở những khu vực có tranh chấp. Đó là chủ trương của Việt Nam.
Tôi nghĩ Trung Quốc khó có thể đáp ứng được nguyện vọng chính đáng đó của Việt Nam cũng như của một số nước khác. Khi họ thỏa thuận đàm phán thì họ chỉ tạo ra hình ảnh là có thiện chí nhưng trong thực chất họ phải đàm phán trên điều kiện là họ phải có quyền trong đó, quyền cho phép và không cho phép theo ý muốn của họ chứ không đàm phán bình đẳng, không như chúng ta hy vọng Trung Quốc phân chia mọi lợi ích trong khu vực họ đã đánh chiếm. Tôi nghĩ cho dù có thể có tín hiệu nhưng vì lý do nào đó họ vẫn đàm phán nhưng thực chất họ dùng cái đó để khẳng định hơn nữa cái quyền mà họ nói là họ có chủ quyền trong những vùng biển thuộc yêu sách của Trung Quốc.
Việt Hà: Xin ông cho biết là giữa Việt Nam và Trung Quốc có những thỏa thuận nào trong hợp tác cứu nạn trên biển không?
Tiến sĩ Trần Công Trục: Giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng từng có những hợp tác ở vịnh Bắc Bộ chẳng hạn. Hai bên đã đàm phán có được đường ranh giới và có những hoạt động tuần tra chung, hợp tác cứu nạn cứu hộ với ngư dân hoặc những người hoạt động trên biển gặp nạn. Trong đàm phán giữa hai nước thì hai bên cũng thỏa thuận phải tính đến những giải pháp để dần dần từng bước tháo gỡ những khó khăn để đến thỏa thuận cuối cùng.
Tôi nghĩ vấn đề cứu nạn cứu hộ là lẽ thường tình và tất cả các nước trên thế giới này khi gặp hoàn cảnh đó đều cứu vớt mà không phân biệt họ là ai, vi phạm gì chăng nữa. Đó mới là ứng xử văn minh. Còn Trung Quốc làm như vậy là bất chấp thông lệ quốc tế và thỏa thuận chính trị hai bên đạt được từ trước đến nay.
Việt Hà: Xin cảm ơn tiến sĩ Trần Công Trực đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.