Trung Quốc xây 3 phi trường lớn ở Trường Sa
MANILA 26-4 (NV) – Trung Quốc không phải xây một mà tới ba phi trường kích thước đủ cho phi cơ quân sự cỡ lớn lên xuống tại các đảo nhân tạo đang xây dựng ở quần đảo Trường Sa.
Không ảnh chụp ngày 17/4/2015 bãi đá Xu Bi đang được xây dựng một phi trường, so sánh với tấm hình chụp ngày 6/2/2015 hoàn toàn khác hẳn. (Hình: DigitalGlobe) |
Theo các tấm không ảnh được tạp chí thời sự chính trị The Diplomat ngày 25/4/2015 phân tích, chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn từ năm ngoái đến nay, Trung Quốc ráo riết tiến hành các kế hoạch xây dựng các căn cứ, doanh trại, cảng biển và cả phi trường tại 7 bãi đá ngầm cướp của Việt Nam năm 1988 hiện đã trở thành các đảo nhân tạo.
Đối chiếu những không ảnh mới nhất của tổ chức Digital Globe chụp từ đầu Tháng Hai đến giữa Tháng Tư 2015, người ta thấy chúng đang biến đổi vô cùng nhanh chóng. Điều này chứng tỏ Bắc Kinh ráo riết thực hiện mưu đồ khống chế nuốt trọn Biển Đông qua các căn cứ hải quân và không quân tầm cỡ lớn đặt tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Phần phía bắc của đảo nhân tạo Vành Khăn đang tiếp tục được bồi đắp thêm. Hình chụp ngày 13/4/2015. (Hình: DigitalGlobe) |
Trước các sự phản đối suông của Việt Nam, Phi Luật Tân và các nước khác liên quan tới vấn đề Biển Đông, chế độ Bắc Kinh có dấu hiệu tiến hành thật nhanh việc xây dựng ở các bãi đá ngầm nay là các đảo nhân tạo, đặt các nước khác ở tình trạng đã rồi.
Một số nhà phân tích thời sự quốc tế từng dự báo Trung Quốc sẽ thiết lập vùng nhận diện phòng không tại Biển Đông khi các căn cứ quân sự tại Trường Sa đã hoàn tất.
Phân tích các tấm không ảnh chụp từ vệ tinh vào ngày 17/4/2015 cho thấy chỉ trong khoảng 10 tuần lễ, Trung Quốc đã biến bãi đá Xu Bi (một rạn san hô thuộc cụm đảo Thị Tứ của quần đảo Trường Sa) mà Trung Quốc gọi là Zhubi Jiao (Chử Bích Tiêu) thành một đảo nhân tạo.
Đảo nhân tạo Vành Khăn qua so sánh không ảnh chụp ở các thời điểm 17/2/2015 và 13/4/2015. (Hình: DigitalGlobe) |
Dựa trên diện tích và hình thể và chiều dài của đảo nhân tạo này đang tiến hành, người ta có thể phỏng định dấu hiệu Trung Quốc xây dựng một phi đạo dài đến 3,300 mét. Nó tương ứng với chiều dài của phi đạo mà Trung Quốc đang xây dựng tại đảo nhân tạo Đá Thập của quần đảo Trường Sa.
Giới chuyên viên quân sự cho rằng một phi đạo dài tới 3,300 mét có thể đủ để cho các phi cơ quân sự chiến đấu cũng như tiếp liệu của không quân và hải quân Trung Quốc lên xuống.
Không ảnh chụp ngày 6/2/2015 chỉ thấy các hoạt động nạo hút cát đá lòng biển bồi đắp ở đá Xu Bi. Nhưng đến ngày 17/4/2015 chụp lại thì thấy diện tích mặt đất của đảo nhân tạo đã lên thành 2.27 km2. Nó chỉ nhỏ hơn đảo nhân tạo Đá Thập phần nào, được xác định khoảng 2.65 km2.
Theo tạp chí The Diplomat, sự khác biệt hoạt động giữa hai đảo nhân tạo vừa nói là đảo nhân tạo Đá Thập có cảng biển khá lớn và phi đạo đang được xây dựng. Chưa thấy cảng biển quân sự nào hiện diện ở đá Xu Bi, nhưng các hoạt động của đoàn tàu nạo hút cá đá ở khu vực phía nam của đảo này gần hoàn tất việc tạo lập một vòng quây kín từ các bãi đá ngầm thiên nhiên. Điều này cho hiểu khu này hình thành dần một cảng biển được bảo vệ bởi rạn đá ngầm thiên nhiên mà hoạt động hút cát đá bồi lấp ở cực nam sẽ tạo ra cầu cảng.
Các không ảnh hoạt động của Trung Quốc tại bãi đá ngầm Vành Khăn (Mischief reef, Trung Quốc gọi là Meiji Jiao hay Mỹ Tế Tiêu) từng được tạp chí an ninh quốc phòng Jane’s Defense đưa tin mấy tuần trước, nay đang là đảo nhân tạo diện tích khoảng 2.42 Km2 dựa trên sự do đạc không ảnh chụp ngày 13/4/2015.
Đảo nhân tạo Đá Thập thay đổi nhanh chóng khi so sánh hai tấm hình chụp ngày 14/2/2015 và ngày 17/4/2015. (Hình: DigitalGlobe) |
Vài tháng trước đó chỉ là bãi đá ngầm nay hoàn toàn là đảo nhân tạo với sự hoạt động ngày đêm của đoàn tàu hút cát đá. Không ảnh mới nhất cho thấy sự hiện diện của 28 chiếc xe tải, trộn xi măng hoạt động tại đây bên cạnh hàng chục chiếc xe tải chuyên ngành xây dựng khác cũng có mặt.
Với những gì nhìn thấy, giới chuyên viên cũng cho rằng một phi đạo dài hơn 3,000 mét cũng có thể được xây dựng tại Vành Khăn trong những ngày sắp tới. Các đảo nhân tạo Xu Bi, Vành Khăn, Chữ Thập là ba trong số 7 bãi đá ngầm ở Trường Sa được Bắc Kinh làm thành đảo nhân tạo mà không ai tin rằng chúng không phải là các căn cứ quân sự.
Cướp của người làm của mình, Bắc Kinh khi bị đả kích đều ngang ngược tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi” và muốn làm gì thì làm.
Khi tham dự cuộc họp ASEAN ở thủ đô Mã Lai đang diễn ra, Ngoại trưởng Phi Luật Tân Albert del Rosario báo động với các người đồng cấp của hiệp hội khu vực rằng Trung Quốc “đang củng cố sự kiểm soát thực tế tại Biển Đông.” (TN)