Trung Quốc dùng sách giáo khoa của Việt Nam ‘đòi chủ quyền’

Trung Quốc dùng sách giáo khoa của Việt Nam ‘đòi chủ quyền’
June 12, 2014

Nguoi-viet.com

NEW YORK (NV) .- Ngoài công hàm 1958, Trung Quốc còn dùng tập bản đồ mà Việt Nam in năm 1972,  sách địa lý lớp 9 mà Việt Nam dùng để dạy cho học sinh để chứng minh chủ quyền trên biển Đông.

Bản đồ minh họa yêu sách chủ quyền “Lưỡi Bò” của Trung Quốc ở biển Đông. TQ dẫn một số tài liệu cho thấy CSVN từng công khai ủng hộ yêu sách này. (Hình: Đời sống – Pháp luật)

Hôm 9 tháng 6, Trung Quốc từng gửi cho Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc một văn bản, cáo buộc Việt Nam vi phạm chủ quyền của Trung Quốc, cản trở hoạt động của tập đoàn dầu khí Trung Quốc trên biển Đông.

Đại diện Phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc chuyển văn bản này cho 193 thành viên của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, cáo buộc Việt Nam “vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển”.

Văn bản vừa kể đính kèm một số tài liệu, trong đó ngoài công hàm mà ông Phạm Văn Đồng ký năm 1958, còn có tập bản đồ mà Việt Nam in năm 1972, sách địa lý lớp 9 của Việt Nam in cách nay 40 năm và cả ba tài liệu này cùng cho thấy, chính quyền CSVN từng công khai thừa nhận các yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông.

Ông Vương Dân, Phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, người gửi văn bản và tài liệu cho Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, tuyên bố, đó là sự thật là Trung Quốc muốn trình bày với cộng đồng quốc tế để sửa lại cách hiểu sai của cộng đồng quốc tế về chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông.

Đại sứ của Việt Nam tại LHQ đã gặp Chủ tịch Đại hội đồng LHQ “thông báo cụ thể tình hình, đồng thời phản bác tất cả thông tin trong những văn bản của Trung quốc”, phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng CSVN Phạm Bình Minh nói với báo chí hôm Thứ Năm về những điều mà ông gọi là “Trung quốc vu vạ Việt Nam”.

Trả lời VOA, ông Nguyễn Nhã, một người chuyên nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông, xác nhận, sách địa lý mà Việt Nam sử dụng cách nay 40 năm để dạy học sinh lớp 9 từng viết rằng quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc gọi là Tây Sa,  thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Tuy nhiên theo ông Nhã, tài liệu này không có giá trị pháp lý.

Ông Nhã giải thích thêm rằmg lúc đó, hai miền Nam – Bắc Việt Nam đang đối đầu với nhau và miền Bắc có tâm lý “ủng hộ đồng chí, đồng minh của mình” nhưng sự ủng hộ này vô giá trị vì lúc ấy, quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa.

Sau khi Việt – Trung đối đầu, tố cáo lẫn nhau tại Liên Hiệp quốc, ông Stephane Dujarric, Phát ngôn nhân của Liên Hiệp Quốc vừa cho biết, Liên Hiệp Quốc sẵn sàng làm trung gian để hòa giải những bất đồng về chủ quyền lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ông Dujarric nói thêm rằng, Liên Hiệp Quốc mong muốn cả Việt Nam lẫn Trung Quốc sẽ giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Giới quan sát nhận định, việc Trung Quốc đưa tranh chấp chủ quyền với Việt Nam ra Liên Hiệp Quốc là điều rất đáng chú ý, bởi trước nay, Trung Quốc chủ trương chỉ “đàm phán song phương” và chỉ trích “quốc tế hóa các tranh chấp song phương”.

Giới này phán đoán, việc Trung Quốc đột ngột nộp hồ sơ cho Liên Hiệp Quốc có thể vì lo ngại các lân bang sử dụng luật pháp quốc tế để triệt tiêu ưu thế quân sự của Trung Quốc trong các tranh chấp tại biển Đông.

Trên tờ The Diplomat, ông Zachary Keck nhận định, luận cứ của Trung Quốc đối với chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa có vẻ vững chắc hơn Việt Nam. Có thể Trung Quốc hy vọng, do đuối lý, Việt Nam sẽ từ bỏ ý định đưa tranh chấp quần đảo Hoàng Sa ra Tòa án Trọng tài Quốc tế và điều này sẽ khiến những quốc gia khác ngần ngại trong việc sử dụng luật pháp quốc tế để chống lại Trung Quốc.

Ông Keck cũng nói thêm rằng, khi Trung Quốc đi theo con đường “quốc tế hóa tranh chấp”, nâng cao vị trí của luật pháp quốc tế, lấy đó như cơ sở cho các yêu sách về chủ quyền và giải quyết tranh chấp thì yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở phần lớn biển Đông sẽ gặp rủi ro vì yêu sách đó hoàn toàn trái ngược với luật pháp quốc tế. (G.Đ)

Xem thêm:

TQ đưa sách giáo khoa VN ra làm chứng về chủ quyền Biển Đông ( VOA )

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay