HÀ GIANG, Việt Nam (NV) – Từ mờ sáng đến tối mịt, hàng chục đứa trẻ người H’Mông bất chấp nguy hiểm cheo leo phơi mình trên bãi thải quặng Antimon Mậu Duệ, huyện Yên Minh để kiếm sống.
Theo tường thuật của Báo Tuổi Trẻ, ngày 26 Tháng Sáu, nhìn từ quốc lộ 4C, bãi thải quặng Antimon Mậu Duệ đã được khai thác hơn 20 năm, sừng sững như một ngọn núi màu trắng bạc.
Mậu Duệ những ngày Hè Tháng Sáu nắng bỏng rát, bất chấp nguy hiểm rình rập, những đứa trẻ cheo leo phơi mình trên ngọn đồi được hình thành từ đất đá thải của mỏ quặng Antimon, sau khi trải qua quá trình sàng tuyển quặng chặt chẽ.
Mỗi khi chiếc xe tải chở đá thải tiến đến và đổ xuống vực là hàng chục đứa trẻ lao đến, chúng trườn theo những viên đá đang lăn xuống và bắt đầu dùng búa đập vỡ để lấy phần thịt Antimon – một nguyên liệu quan trọng được sử dụng để sản xuất ắc quy, hợp kim chống ma sát, hợp kim đúc chữ in hay lớp bọc cho sợi cáp, còn sót lại nằm ở lõi đá. Chúng nhọc nhằn dùng tay mót từng viên quặng nhỏ để bán lấy tiền mua sách vở tới trường và đỡ đần mẹ cha.
Giữa màn đêm đen kịt, con đường mòn dẫn tới nơi mót quặng khá dốc và trơn trượt, song với một chiếc búa và một chiếc đèn pin đội trên đầu, em Lý Thị Tú (10 tuổi) lầm lũi tiến vào “đồi” để mót từng viên quặng. Đây là công việc từ nhiều năm nay của em để có tiền sinh sống.
Gần bên, cô bé Vừ Thị Kế (9 tuổi), đang mót quặng cùng với cha mẹ, công việc của Kế là giúp bố chọn được những viên đá có thể chứa quặng để đập vỡ.
Em Thào Mí Trơ, học sinh lớp 7 trường cấp 2 Mậu Duệ cho biết: “Những ngày đi học bọn em chỉ đi mót quặng vào ban đêm, còn ngày hè được nghỉ học thì bọn em có mặt ở mỏ cả ngày, ngày nào may mắn thì mót được 2 đến 3kg, có ngày quặng ít thì chỉ được vài lạng.”
Ngay tại bãi thải, các thương lái tập trung khá đông để thu mua quặng mót của người dân với giá dao động từ 15,000 đến 30,000 đồng/kg.
Những đứa trẻ người dân tộc H’Mông lam lũ cứ thế cắm mặt vào đất đá để mót từng viên quặng nhỏ. Đứa còn đi học, có đứa thì đã bỏ học, cái nghèo vẫn bám riết mảnh đất này từ nhiều năm nay và có thể còn nhiều năm về sau nữa. (Tr.N)