Trở về trên chuyến tàu Việt Nam Thương Tín
Nguyễn Ngọc Dung
(Bài viết cho mục Hồi Ức 30 Tháng Tư và Đời Tị Nạn)
Mùa Xuân đang về, thời tiết lý tưởng, với chồi non, nụ thắm… dễ làm người ta yêu đời hơn.
Ngày dài hơn, nắng vàng của những ngày đầu mùa Xuân làm cho tôi ngồi vào bàn, viết lại một quãng thời gian đầy biến động và thay đổi cho cả gia đình mình. Một công việc đã âm ỉ trong lòng, chưa được viết ra, như một gửi gấm đến các con cháu mình những gì đến với cuộc đời của tôi, và phần nào muốn chia sẻ với các bạn, như một lời tâm tình của một thành viên bé nhỏ trong cái tập thể “vợ những người tù cải tạo” quanh đây.
Phú Quốc – 1970. (Hình: Tác giả cung cấp)
30 Tháng Tư, 1975, lịch sử Việt Nam sang một trang mới. Tôi lấy chồng trong những ngày cuộc chiến cao độ (1970), chàng là một người lính Hải Quân, nay đây mai đó, lúc ở căn cứ hải quân mãi tận Phú Quốc, lúc đi tàu biển, rồi có khi về ngay bộ tư lệnh Hải Quân Sài Gòn và đơn vị cuối cùng, là giang đoàn ở Đồng Tâm, Mỹ Tho.
Tôi đi học, đi làm và không theo chân anh đi các vùng xa xôi như thế. Ngày 27 Tháng Tư, 1975, anh về thăm tôi 1 chút rồi trở về Long An, lúc đó là nơi anh được huy động về tiếp tay với các bạn giữ vùng 4 sông ngòi. Anh và tôi xa nhau, gặp nhau như chuyện thường ngày của các gia đình quân đội – nhất là hải quân – trong thời chiến, nào có biết rằng cũng là lần cuối gặp nhau mang hình ảnh anh trong bộ quần áo tác chiến hải quân.
Chúng tôi mất liên lạc từ đó, vài ngày sau, với lời tuyên bố đầu hàng sáng 30 Tháng Tư, 1975, tôi biết cuộc đời mình sẽ có những thay đổi rất lớn, mà chẳng biết nó sẽ như thế nào. Tôi chờ anh trở về Sài Gòn, chờ anh về nhà, tuy biết là không thể trở về với chiếc tàu, để đón gia đình hai bên và tôi. Về sau này, tôi mới biết, giang đoàn của anh được biệt phái từ Đồng Tâm, tới Nhà Bè, rồi về Long An, nằm trong Lực Lượng Đặc Nhiệm 99, gồm rất nhiều tàu bè, một mũi nhọn xung kích mạnh mẽ nhất của Hải Quân miền Nam lúc bấy giờ.
Lực Lượng Đặc Nhiệm 99 được thành lập để bảo vệ an ninh thủy trình sông Soài Rạp và sông Lòng Tào, và bảo vệ chính phủ rút về miền Tây, khi tình thế xấu.
Bến Bạch Đằng quen thuộc, gần nhà bố mẹ tôi, nay đã chẳng còn một chiếc tàu nào mang lá cờ xưa.
Chiều tối hôm 29 Tháng Tư, 1975, tôi cùng đoàn người gần nhà ra bến Bạch Đằng, mong có một cơ may nào lên được sà lan, tàu buôn hay cả ghe nhỏ để cứ đi vào một bến bờ vô định. Đi như trong giấc ngủ vật vờ, đêm xuống, bờ sông hỗn loạn, hàng kẽm gai kéo ngang, họng súng gờm sẵn sàng nhả đạn. Tên anh cũng chẳng ích gì trong việc xin 1 chỗ cho mình tôi lên tàu hải quân, ai thoát được, cứ lạnh lùng bỏ đi.
Thôi rồi, số phận mình ra sao, anh ở đâu và có an toàn?
Phi trường Tân Sơn Nhất, 4 Tháng Bảy, 1991. (Hình: Tác giả cung cấp)
Một đêm không ngủ nghe tiếng trực thăng bay liên tục, nhìn những chiến hạm không đèn trên sông Sài Gòn, tôi biết mọi hi vọng ra đi đã bị cắt đứt. Đi qua bộ tư lệnh Hải Quân, qua cầu tàu nơi có khi anh chỉ cho tôi, kia là con tàu anh đang làm việc trên đó, nay chỉ là một quãng sông đen ngòm, đe dọa và nhận chìm mọi hi vọng của chúng tôi.
Ngày qua ngày, qua lời 1 anh lính cận kề với anh ở giang đoàn, anh ta về nhà nhưng không muốn gặp mặt tôi, tôi biết anh đã dẫn đoàn ghe ra cửa biển, đón tàu khác để di tản.
Tôi vẫn phải đi làm, sáng ra phải dự các buổi gọi là “giao ban,” gặp tất cả các bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ và ban quân quản bệnh viện. Không khí căm thù bàng bạc suốt buổi, nhiều đe dọa, chúng tôi chỉ biết nhìn nhau, im lặng, vì quanh mình chẳng biết ai là bạn ai là thù.
Bên cạnh đó, những buổi học tập tại chỗ, những bài tự khai thật nặng nề, những câu hỏi mơ hồ khiến câu trả lời nào của chúng tôi cũng không thỏa mãn được họ. Nhất là với tôi, khi tôi khai ông chồng tôi…mất tích… Thì đúng là mất tích chứ sao bây giờ, khi Tháng Năm, Sáu, Bảy, Tám 1975 không biết anh ở đâu. Họ đâu có chịu cho tôi yên với hai chữ mất tích kia, cái mất tích hàm nhiều ý nghĩa…có thể là đã chết, di tản, vô bưng hoạt động chống lại họ, hay trốn ở đâu. Họ bắt tôi lên họp, chỉ một với một, họ hạch hỏi quanh chữ “mất tích.” Tôi cũng hoang mang lắm, không biết anh sống chết thế nào.
Bức màn sắt đã trùm xuống toàn miền Nam, toàn vùng chỉ là đêm đen giữa ban ngày. Chỉ có một đường radio VOA, BBC để biết tin nước ngoài, được nghe trong sự trốn tránh che giấu. Sáng đi làm, nhìn những lá cờ đỏ trên đường, rùng mình như màu máu đang rút dần ra khỏi cơ thể tôi, ngủ dậy mới thấy đã qua được 1 ngày yên ấm, chưa bị bắt như các người lớn trong bệnh viện, nay ông bác sĩ bệnh viện trưởng, mai ông phụ tá hành chánh, mốt ông điều dưỡng trưởng.
Không khí trong bệnh viện đầy đe dọa, dò xét, ngay cả hộp đồ ăn trưa cũng được bà trưởng phòng về tiếp quản, đổ ra ngoài xem có dấu gì trong đó, hay xem bọn “ngụy” ăn uống cao lương mỹ vị gì.
Đến khoảng Tháng Tám 1975, tôi nhận được 1 điện tín gửi từ Pháp, như sau: sẽ hồi hương, cho biết ý kiến.
Bức điện tín ngắn gọn, mà thật là khó giải quyết. Tôi xin ý hai bên cha mẹ. Bố mẹ anh không biết nên bảo anh về lại Việt Nam hay bảo anh qua Mỹ, được sung sướng cho anh, thì lại khổ cho con dâu mà ông bà rất yêu quý. Bố mẹ tôi bảo anh trở về, thì thương anh bị ở tù khổ cực lắm. Ngay bản thân tôi, cũng chẳng biết sao là đúng. Biết là anh đang rất cần câu trả lời để có quyết định, về hay ở?
Sau cùng, chúng tôi đành đánh điện tín qua: “Tùy ý quyết định.” Những ngày tháng sau đó, tôi sống như một người có tội, tội đẩy anh vào nơi lao lý, biết có ngày về ?
Sau đó các đài phát thanh, VOA, BBC báo tin cho biết sẽ có một chuyến tàu mang tên Việt Nam Thương Tín sẽ đưa một số người muốn hồi hương, khoảng Tháng Mười sẽ trở về. Thuở ấy, sau bức màn sắt là một thế giới khác, bít bùng, mọi tin tức đều không thể đến với người dân. Tôi đi làm, lòng đầy hoang mang, anh có về, nếu anh về, thì có phải ở tù không? Người ở đây, còn vào tù, huống gì người đã đi, nay trở lại, mang theo những câu nghi ngờ về các anh, có phải đã mang về những công việc dọ thám, đánh phá chế độ…
Rồi được tin nghe lén, chiếc tàu mang tên Việt Nam Thương Tín (VNTT) đã chở người di tản dạo 30 Tháng Tư, 1975, nay được dùng để đưa đoàn người hồi hương. Tôi tự hỏi, liệu có anh trong đó, nếu có thì anh sẽ ra sao. Ngay bản thân tôi ở Sài Gòn, còn bị đe dọa đi kinh tế mới, vì đã được đặt tên là vợ của ngụy quân, tội ác đầy mình, cần phải cải tạo cái đầu tư sản bằng con đường lao động.
Hai bàn tay một Nha Sĩ như tôi, thay vì điêu khắc lên miếng trám cho thật đẹp, thật giống những hình dáng thật của răng, nay có lúc phải cầm cuốc đi trồng dứa (thơm) ở nông trường, cầm cuốc trồng khoai mì sau khi đã cuốc hết sân cỏ xanh mướt tốn công biết bao, ở sân trước bệnh viện Chợ Rẫy nổi tiếng ở Sài Gòn.
Có lần chúng tôi phải đi đào kinh, giẫm chân trên dòng kinh lúp xúp nước, chuyền những miếng đất được các vị bác sĩ, các giáo sư đại học Y Khoa Sài Gòn trao cho, để tạo con kênh dẫn nước phèn vào ruộng. Dòng nước váng lên những phèn, cây nào sống nổi. Sau những lần khổ cực như thế, số bác sĩ quyết chí rời bỏ nước lại càng tăng lên. Họ đã không trọng vọng nhân tài, yêu quí những vị “cứu nhân, độ thế.”
Qua những sự việc hàng ngày như thế, tôi đã có thể hình dung cuộc sống trong tù “cải tạo” của các quân nhân chế độ cũ, và nhất là các anh đã về theo chuyến tàu VNTT sẽ khổ như thế nào.
Lá thư anh gửi từ trại tù Tuy Hòa đã xác định, anh đã trở về.
Tết đầu tiên ở Hoa Kỳ, 1992. (Hình: Tác giả cung cấp)
Tôi lên phòng nhân viên của bệnh viện tôi làm việc, xin điều chỉnh tình trạng chồng mình. Chữ “mất tích” nay đổi thành một địa chỉ lạ hoắc, ở một nơi rừng sâu núi thẳm nào đó miền Trung. Tưởng rằng đã yên cho mình, tưởng rằng không còn cái cảnh gọi lên làm lại lý lịch tôi đã thuộc lòng, với lời nghi ngờ là ông chồng tôi đang ở một nơi nào, đe dọa đến an ninh của chế độ mới.
Bây giờ họ đem chồng tôi để “dụ” tôi vào một công tác mới. Họ hỏi, tôi có muốn đi thăm nuôi anh, có muốn gặp anh? Dĩ nhiên là tôi muốn lắm chứ, nhưng tôi cũng biết dè chừng cái thâm ý của họ.
Đằng sau cái đề nghị ngọt ngào đó, hẳn là sẽ có điều kiện gì đây?
Thì ra, họ muốn tôi làm một thứ “ăng ten” để tìm hiểu về một nhân vật trong bệnh viện mà họ muốn bắt. Tôi tuy còn non trẻ, nhưng cũng đã biết lưu ý kịp thời, để không mắc mưu họ, giữ an toàn cho người ấy và cả cho mình. Cuộc sống bấy giờ, là một sự đối phó, là những cẩn thận và căng thẳng. Rồi cũng qua ngày, tôi tìm quên trong công việc. Trong bệnh viện, ngày ngày có tin người này đi thoát, bạn khác bị bắt. Tôi đã tìm cho mình một hướng đi, dứt khoát ở lại với anh. Chúng tôi chưa có con, tưởng như không có điều chi ràng buộc, nhưng tình nghĩa vợ chồng sâu nặng, nhất là sự trở về của anh, thì sự dứt khoát kia trở thành một điều không lay chuyển.
Chuyến tàu VNTT về đến hải phận Vũng Tàu từ Tháng Mười, 1975, thế mà chúng tôi chỉ biết đến tin nhau qua vài lá thư, thư đầu tiên từ Tuy Hòa, ngày gửi là Tháng Hai, 1976, thư thứ hai từ Nghệ Tĩnh. Anh đã bị còng tay, giải đi thật xa, đến một nơi nghèo nhất nước, để đói khát, bệnh tật sẽ giết lần mòn nhóm sĩ quan ưu tú của quân đội. Những lá thư được rập khuôn, vài ba chữ hỏi thăm là đã hết, anh chẳng đả động gì đến chuyện đi thăm, sự cô lập trong rừng sâu, sự cô lập với dân quanh vùng và ghê sợ hơn cả là sự cách chia với gia đình.
Anh sống thế nào nhỉ?
Sự chờ đợi mỏi mòn cho đến cuối năm 1978, anh mới báo tin cho tôi đi thăm nuôi. Hai chữ “thăm nuôi” thật giản dị mà đầy ý nghĩa.
Nghĩa là có hai việc trong lần được gặp này: thăm và nuôi. Anh viết thư về, danh sách các thứ “nuôi” dài thậm thượt, với một người gọi là “khảnh ăn” như anh, mà phải liệt kê bao nhiêu món như thế, chắc chắn anh thiếu thốn ghê gớm.
Quãng đường Hà Nội vào Vinh bằng tàu chợ đã là một ám ảnh tôi cho đến bây giờ, xe lửa cho những con buôn đanh đá, cảnh hỗn loạn cho những tay cướp hoạt động, nơi những tay anh chị và đồng bọn hoành hành với những luật chơi riêng của họ. Những chị đi thăm nuôi cứ chết dí, né tránh và chịu đựng. Nói sao cho hết những nhục nhằn chịu đựng trên đường thăm nuôi.
Gia đình, năm 2015. (Hình: Tác giả cung cấp)
Lần đầu tiên gặp lại sau 3 năm xa cách, anh đã trở thành một người khác, cả người sưng phù, khuôn mặt giữ nước trông như mập ra, anh như một người khác trong bộ bà ba đen có lần tôi gửi vào theo đường bưu điện.
Vợ chồng nhìn nhau qua 1 chiếc bàn lớn, xa cách như tội nhân. Chúng tôi tội tình gì nhỉ, muốn nói bao điều, mà chỉ nói bằng ánh mắt. Giờ được thăm loáng cái đã hết, chúng tôi bịn rịn, anh ngay đây mà như một người xa lạ, gặp nhau và chia tay, chỉ yên tâm là chúng tôi vẫn còn sống, ngày mai sẽ ra sao, chẳng ai biết.
Anh quay vào trại, sống kiếp tù đày, tôi trở về lại Hà Nội đợi máy bay vào Sài Gòn. Ra đến Hà Nội mới biết các chuyến bay tạm ngưng vì chiến tranh Tháng Mười Hai, 1978 giữa Việt Nam và Cambodia, tôi kẹt ở lại, tôi đánh điện tín về bệnh viện xin nghỉ, họ không tin, cứ nghĩ tôi đã vượt biên. Sau khi có máy bay trở lại, tôi đi làm và đã bị làm khó dễ không ít với sự việc này. Đất nước đã được rêu rao là “thống nhất,” là hạnh phúc, mà sao vẫn sợ dân mình bỏ nước ra đi?
Cuộc sống ngay cả ngoài tù còn đầy rẫy khó khăn, đói ăn, thiếu mặc, thiếu tự do. Thử hỏi trong tù, nhất là người tù luôn kèm theo bốn chữ Việt Nam Thương Tín, thì khổ thế nào. Bốn chữ ấy có nghĩa là luôn nằm trong sự nghi ngờ của chính quyền, sự thương cảm của bạn bè, sự tiếc nuối có khi tức giận của những người đang tìm đường vượt biên. Riêng tôi, bị nhìn như nguyên nhân chính của sự trở về của anh.
Tôi tự giận mình, quyết định để anh trở về, như đang ở thiên đường mà lại xuống địa ngục. Nhiều khi tôi phải tự tìm ra câu trả lời, là, quyết định lúc nào, là đúng nhất vào lúc ấy, không ân hận và không tiếc gì. Hỏi rằng có ai can đảm như anh, biết trở về là tù đày mà chỉ nghĩ đến một ngày sẽ trở về với gia đình và tôi.
Nhiều bạn anh lúc còn ở Guam, đã ngăn anh trở về, nhưng các bạn mạnh miệng vì họ đang ở trong sự đầy đủ của vợ, con, cha mẹ. Anh tâm sự, có những buổi chiều ở Guam, ngồi ở bãi biển, nhìn đôi chim bay cùng nhau trong nắng xế, nhìn người ta bên cạnh vợ con, tuy chưa biết ngày mai nhưng vẫn ánh lên hạnh phúc vui vầy. Anh đã về vì chẳng có ai trong gia đình anh, gia đình tôi di tản được.
Mãi đến bây giờ, 40 năm sau ngày đau thương ấy, chúng tôi vẫn thấy quyết định quay về là đúng. Chúng tôi hãnh diện khi có người hỏi, có phải anh đã trở về trên chuyến tàu định mệnh, VNTT. Chúng tôi ngẩng cao đầu với niềm tự hào, với sự can đảm khó có của anh, vui với một kết thúc “có hậu” như bây giờ.
Anh ra khỏi tù Tháng Mười, 1982, từ xứ Nghệ Tĩnh rất xa, vào đến miền Nam là cả một lòng thương yêu của dân chúng, họ giúp đỡ, trên đường di chuyển về Sài Gòn. Hai năm sau, chúng tôi có đứa con trai đầu tiên và 3 năm sau, một đứa con trai thứ ra đời khi tôi đã ở tuổi 40. Bạn bè của anh thường lui tới thăm hỏi, nựng nịu hai cháu nhỏ nhất khóa. Chúng tôi muốn sống yên bình, nhưng thấy luôn luôn có những phân biệt, ngăn cản bước tiến của con mình từ phía chính quyền mới. Và năm 1991 bốn người chúng tôi ra đi định cư ở Mỹ trong chương trình H.O., chúng tôi phải làm lại từ đầu, bắt đầu một cuộc đời mới ở một xứ sở mới đã dang tay đón nhận chúng tôi.
Chúng tôi với tuổi thanh xuân, với thời điểm đẹp nhất cho việc tạo dựng một cuộc đời tốt đẹp, lúc ấy, đã bị cướp đi, phải bắt đầu một cuộc đời mới bằng hai bàn tay trắng. Những mất mát ấy, chẳng cách gì lấy lại được. Thật là nhiều thua thiệt, chỉ còn những an ủi là những ngày tháng cuối đời được sống bình an nơi xứ sở này, nơi chúng tôi xin nhận làm quê hương.
Anh đã từ Mỹ, trở về Việt Nam, trải qua 7 năm gian khổ, và 9 năm sau gia đình chúng tôi đã cùng nhau trở lại “thiên đường” tưởng đã đánh mất, sau 19 năm tuổi trẻ, đã qua đi vô ích, tuổi đẹp nhất của một đời người.
Qua những gian khó ban đầu ai cũng phải sống như thế, chúng tôi đã hội nhập được với “dòng chính,” các cháu học hành nên người, cuộc sống không đến nỗi kham khổ.
Để đến bây giờ, chúng tôi vẫn hãnh diện trả lời, “Vâng, chúng tôi là người của chuyến tàu VNTT, con tàu mang tên Định Mệnh, từ Guam trở về Việt Nam Tháng Mười, 1975.”