Tôi đi bịnh viện
(Tôi rất hy vọng bài viết này của tôi sẽ được ai đó làm trong bệnh viện Bình Dân đọc được)
Sau 6 tháng nằm nhà uống thuốc tan sỏi thận vì sợ con Corona Vũ Hán, cũng đến lúc phải đi siêu âm lại rồi. Cầm kết quả siêu âm ghi rõ sỏi niệu quản 13 li, thận ứ nước độ 2 (6 tháng trước viên sỏi còn nằm trong thận phải, giờ nó rớt xuống niệu quản) tôi gọi điện thoại cho rất nhiều người để tư vấn rồi chốt với chồng:
” Phải đi Bình Dân thôi anh à!, anh nghĩ coi một ngày mà mổ 100 con gà, thì tay nghề sẽ tốt gấp trăm lần 10 ngày mới mổ một con”
Vợ chồng dắt nhau đi khám ở khu dịch vụ công nghệ cao, vì nghĩ rằng trả tiền nhiều thì sẽ được ưu tiên và chăm sóc tốt hơn. Vào đến nơi mới biết mình bé cái nhầm, khi nhìn người bệnh nhiều như quân Nguyên ngồi chật kín khắp nơi.
Sau 2 ngày làm hết các loại xét nghiệm, chụp X quang, chụp CT, siêu âm tim, đo điện tim và hẹn với bác sĩ sẽ mổ nội soi vào ngày thứ hai đầu tuần (15 tháng 6) vợ chồng ra về, chồng còn hào hứng nói “Nếu chỉ ở có một ngày trong bệnh viện thì mổ xong mình xin về nhà luôn”.
Sáng 15 tôi dậy lúc 5 giờ, nấu một bát cháo loãng ăn theo lời khuyên của bác sĩ rồi theo chồng vào bệnh viện, người còn khỏe mạnh tươi tỉnh nên vào chào bác sĩ mổ rồi đi đến phòng xếp hồ sơ ngồi chờ.
8h00 cô điều dưỡng xuất hiện dắt cả đoàn chừng chục người leo cầu vượt sang bên khu phẫu thuật. Vào phòng thấy rất đông bệnh nhân ngồi và 3 cô y tá đang sắp xếp các loại hồ sơ. Một lúc một cô lanh lảnh gọi:
“Chu thị Hồng Hạnh”
– Có tôi đây
– Có bị tiểu đường không?
– Cô không bị tiểu đường, chỉ bị huyết áp cao.
– Đề nghị bệnh nhân hỏi gì nói nấy nhá!
– Có bị huyết áp cao không?
– Thì cô vừa mới nói cô bị huyết áp cao mà.
Tôi ngồi im re nhìn những người khác bị kêu tên đi bổ sung hồ sơ do bác sĩ dặn không kĩ nên người thì chưa xét nghiệm máu, người thì chưa chụp CT, người thiếu siêu âm tim…
Khoảng một tiếng sau, hộ lý tới gom chừng chục người chúng tôi sang căn phòng khác (gọi là phòng chờ), trong đó cả đàn ông đàn bà đã ngồi kín trên các giường rồi dặn chúng tôi chờ, khi nào kêu tên thì vào phòng mổ. Cô phát cho mỗi người một bộ quần áo bệnh nhân và một con dao cạo râu rồi chỉ vào cái nhà vệ sinh bé tí xíu kêu chúng tôi tự xử. Tôi trợn tròn mắt nhớ lại cách đây 20 năm sinh mổ con gái ở bệnh viện Từ Dũ thì việc này là hộ lý làm cho chúng tôi mà. Tiền xét nghiệm đã hết hơn 2 triệu, tiền mổ đã đóng tạm ứng 17 triệu mà lại khổ thế này.
Vào bên trong không sữa tắm, không xà bông gì hết nên ai cũng phải hì hụi chừng 20 phút đến nửa tiếng mới chui ra. Nằm sát cạnh tôi là một chị ốm yếu, xanh xao vì phải đi từ Kiên Giang lên từ lúc 10 giờ đêm và chưa hề ăn chút gì, chị kêu chóng mặt quá. Tôi bảo chị nói người nhà đi mua cho viên kẹo ngậm tạm đi. Giường sát bên một bà lão hơn 80 tuổi than thở rằng tháng nào cũng phải lặn lội từ quê lên Sài Gòn thay ống nhựa trong người, nếu có 30 triệu đặt ống kim loại thì mang đến lúc chết nhưng 7 đứa con đều nghèo rớt không gom đủ tiền cho mẹ nên thân già đành chịu khổ. Nhìn xung quanh toàn những khuôn mặt khắc khổ, nhợt nhạt vì mệt. Đúng lúc đó Zalo,Viber của 2 người đàn ông ré lên, thế là họ say sưa bật loa ngoài tám chuyện ầm ầm. Tôi mấy lần nhắc họ đừng nói to cho bà con cô bác nghỉ trước khi mổ nhưng họ cứ lờ tịt đi. Cửa phòng thỉnh thoảng mở ra, hộ lý gọi tên mấy người đã nằm chờ từ hôm thứ sáu tuần trước (hôm nay là thứ hai) đi trước.
Rốt cuộc cũng gọi tới tên tôi. Tôi mừng hụt vì lại bị đưa vào phòng khám gặp bác sĩ chỉ để hỏi khi leo cầu thang có bị mệt không. Sau khi trả lời rằng “nếu vừa leo vừa nghỉ tôi có thể leo được 20 tầng” thì cô y tá lúc trước nói:
– Giờ bệnh nhân đi về phòng chờ nghỉ ngơi đi
– Thôi con cho cô ngồi tạm phòng này chứ về đấy cô vỡ tung đầu vì nghe điện thoại, phòng chừng 15 mét vuông mà nhốt đến hơn 20 người
– Tại bệnh nhân đông quá, bệnh viện quá tải, đang xây bệnh viện mới đấy cô.
Ngồi lủi thủi một góc, chờ đến 12 giờ hộ lý tới kêu (Bên ngoài chồng tôi cũng chờ từ 8h sáng)
“Bệnh nhân Chu thị Hồng Hạnh”
Tôi mừng rỡ xách túi đồ mang ra cửa giao cho chồng, cả đôi dép, điện thoại với cặp kính cũng bị tháo ra đưa nốt. Tôi tròng cái mũ ni lông lên đầu, xỏ chân vào hai bịch ni lông rồi mò mẫm đi theo hộ lý vì mắt tôi một bên mù, một bên cận 6 độ không có kính nhìn gì cũng nhòe. Tôi ngồi chừng mười phút thì thấy có người vỗ nhẹ vào vai rồi cười
” Chị Hồng Hạnh phải không, chút xíu nữa tôi mổ cho chị”
Tôi mừng quá cảm ơn rồi thấy người ấy biến nhanh như cơn lốc. Bệnh viện quá tải, bệnh nhân đông, phòng mổ thiếu. Bệnh nhân của bác sĩ nào khám thì bác sỹ ấy mổ. Tôi ngồi chờ mãi. Thỉnh thoảng lại có người tới ngồi bên cạnh, người thì sỏi 9 mm, người 15 mm, họ đều được kêu tên vào phòng mổ còn tôi cứ ngồi trơ trọi một chỗ. Đến khi thấy lâu quá tôi đành liều hỏi mấy giờ rồi và giật mình khi biết là đã 2 giờ chiều (chồng tôi vẫn chờ bên ngoài và nghĩ khoảng 45 phút sẽ đón tôi về phòng nghỉ hồi sức như lời bác sĩ nói).Tôi lại quờ quạng đi thẳng ra cửa, mấy cô hộ lý la lên
– Cô đi đâu đấy, ai cho cô ra ngoài
– Cô chỉ nói với chồng cô một câu thôi
(Suốt 6 tiếng mà chồng tôi vẫn chờ trước phòng mổ, chỉ đứng và đi đi, lại lại vì không có chỗ ngồi để chờ kêu người nhà bệnh nhân..)
Tôi đẩy cửa ra và kêu:
– Anh ơi họ vẫn chưa mổ cho em, anh đi ăn uống vệ sinh đi.
Rồi đóng ngay cửa vào nhưng cũng kịp nghe được tiếng chồng tôi “Trời ơi là trời! anh khát nước và mắc tiểu từ sáng đến giờ “
Tôi lại lê bước về chỗ cũ, tiếp tục ngồi chờ, khoảng 20 phút sau, một cô y tá mập mạp, trắng trẻo kéo cái xe nhỏ ra, cô bảo tôi.
– Cô đưa tay ra đây
Sau đó buộc ga rô cổ tay tôi lại, tôi không biết làm gì nên hỏi
– Làm gì hả con?
– Lấy ven
– Có đau không?
Chỉ hỏi có vậy thôi mà cô sừng sộ, tháo ngay garo ra rồi hất tay tôi.
– Thôi không làm cho cô nữa, tí vào phòng mổ làm.
Tôi điếng người, chị bệnh nhân kế bên giải thích
“Lấy ven để chút nữa cắm ống truyền dịch chị à!”
Nói xong, cô y tá lấy ven cho chị và không thèm nhìn tôi lấy một cái. Sau khi chị ấy vào phòng phẫu thuật thì một người đàn ông khác lại tới ngồi bên cạnh. Cô kia lại đến lấy ven, tôi mới chìa tay ra giải thích
– Con làm cho cô đi, mấy hôm trước cô bị lấy máu xét nghiệm liên tục nên cô đau quá mới hỏi con vậy thôi!
Cô ta lạnh lùng
– Không, cô chờ vào phòng phẫu thuật mà lấy.
Rồi quay sang lấy ven cho bệnh nhân kia.
Huyết áp tôi bắt đầu lên. Ông trời ơi! tôi đã nộp cho các người cả đống tiền mà các người cư xử với tôi như vậy à? Tôi uất ức muốn bỏ về luôn thì một người y tá khác ra dẫn tôi vào gian mổ. Hỏi giờ đã gần 4 giờ rồi. (vậy là tôi vào đây ngồi đã gần 4 tiếng rồi).
Cô bác sĩ gây mê nói chuyện rất nhẹ nhàng, tình cảm, tôi nói
– Con làm ơn đo huyết áp giúp cô, cô thấy không ổn rồi.
– 170/110 cô
– Con báo lại cho bác sĩ giúp cô nhé, bình thường nếu uống thuốc rồi huyết áp cô chỉ khoảng 135/85 thôi.
Cô bác sĩ vừa chích thuốc tê vừa nói
– Cô cứ yên tâm, bác sĩ sẽ biết cách xử lý.
Chừng 2 phút sau khi chân tôi tê cứng lại và mất hết cảm giác thì bác sỹ xuất hiện và bắt đầu mổ, vừa làm bác sĩ vừa hỏi
– Chị làm nghề giáo hả?
– Trước kia tôi là giáo viên.
– Tại tôi thấy cách nói chuyện của chị nên đoán vậy.
Tôi nhìn lên màn hình thấy có cái gì giống như mũi khoan đang nhắm thẳng vào viên sỏi của tôi bắn nát ra rồi sau đó máu ra đỏ kín màn hình.
Ca mổ từ lúc bắt đầu cho đến kết thúc kéo dài chừng 10 phút.
Sau khi cột vào tay tôi cái bịch nilon có mấy miếng sỏi lụn vụn họ đẩy tôi về cuối dãy nằm cạnh những người đã mổ xong để theo dõi. Khoảng 30 phút sau khi ngón chân tôi bắt đầu nhúc nhích thì một cô điều dưỡng đến kéo giường tôi đi. Vừa ra đến cửa cô gọi to
“Người nhà Chu Thị Hồng Hạnh đâu”
Chồng tôi vừa chạy tới chạm tay vào cáng băng ca thì cô lôi tôi như tên bắn, quẹo phải, quẹo trái, vào thang máy, xoay vòng vòng rồi lại quẹo tiếp, bảo chồng tôi đẩy, còn cô thì kéo lên cầu vượt sang khu bên kia đường, (Tôi là người ngồi máy bay qua vùng thời tiết xấu, lộn nhào đủ kiểu cũng không sao) giờ đây tôi thấy chóng mặt, quay cuồng, buồn nôn quá. Tôi kêu lên với chồng “Em mắc ói quá”
Vừa kịp vào phòng, chồng tôi đưa cho cái bịch nilon tôi ói ra mật xanh, mật vàng, toàn nước.
Sau khi dặn dò chồng tôi cách đổ nước tiểu cô y tá đi ngay (Lúc này đã đúng 5h30).
Phòng rộng 10 mét vuông kê được 2 cái giường giá 1.1 triệu đồng /giường/ngày. Giường bên cạnh là của một bệnh nhân nam, sỏi có 5 li nhưng vì đau nên phải mổ.
Cứ khoảng nửa tiếng thì phải đi đổ nước tiểu một lần nhưng từ 10 giờ rưỡi đêm thì chồng tôi nói nước tiểu không chảy ra nữa. Tôi bảo
Thôi anh leo lên giường ráng nghỉ ngơi chút đi.
Hai vợ chồng xếp chặt cứng trên giường, đến 2 giờ sáng tôi lay chồng
“Anh đi gọi y tá đi, bụng em cứng lại rồi”
Chồng tôi dụi mắt đi 2 lần liền đều quay về nói không tìm thấy ai.
– Anh đi nữa đi em chịu hết nổi rồi! Tôi năn nỉ
Lại đi. Lần này y tá tới chỉ cho cách mở túi để thông khí thì tôi mới tiểu được.
Hơn 3 giờ dịch truyền hết .Tôi lại lay
“Anh ơi! dịch truyền hết rồi”
Chồng tôi ngái ngủ làu nhàu
– Anh mới chợp mắt được, để yên cho anh ngủ
– Anh gỡ ra đi không máu nó chảy ngược ra này
Chồng tôi rướn người kéo bình dịch truyền xuống.
6 giờ sáng y tá vào chích thuốc cho tôi. Sau đó máy điện thoại báo có tin nhắn. Là Bác sỹ Phạm Ngọc Thắng chúc mừng Sinh nhật. Tôi lấy cái tay còn đang cắm một mớ kim run run bấm mấy chữ cảm ơn anh.
7 giờ một cô điều dưỡng vào tịch thu remote máy lạnh, bắt mở toang cửa thông thoáng để hưởng ứng lời kêu gọi của UBND phòng trừ dịch CoViD (Thật nực cười, tiết kiệm điện thì có). Sau đó bác sĩ của bệnh nhân giường bên đến khám rồi cho làm thủ tục xuất viện. Một lúc sau đến lượt bác sĩ của tôi đến khám và cũng cho tôi được xuất viện sau khi chích mũi cuối cùng lúc 11 giờ. Hẹn tái khám rút ống trong người tôi ra sau 1 tháng (ngày 15 tháng 7).
Buổi tối hôm trước có người khách của bệnh nhân giường bên cạnh nói cho tôi biết, bệnh viện Bình Dân quá tải, chất lượng phục vụ rất kém nên cứ khám ở Bình Dân nhưng thỏa thuận với bác sĩ đến mổ ở bệnh viện khác vì tay nghề của bác sĩ Bình Dân rất cao. Tôi mà biết trước thì tôi đã không khổ sở thế này.
Xuất viện, chồng tôi xin chứng từ để làm thanh toán với Bảo hiểm (tôi mua bảo hiểm Bảo Việt) Nhân viên văn phòng nói
“Bệnh viện phải giữ lại tất cả hồ sơ của bệnh nhân, sao chú không photo lại trước đi”
– Các phiếu chỉ định của bác sĩ và kết quả siêu âm, xét nghiệm bên bảo hiểm họ điều yêu cầu phải có. (Chồng tôi nói)
– Vậy chú phải làm đơn xin trưởng khoa đề nghị cấp bản pho to và đóng 30 ngàn chiều mai chú đến lấy.
Về nhà, hôm sau chồng tôi xem lại chi tiết thanh toán rồi nói.
Cái chỗ mà em ngồi chen chúc mấy tiếng chờ đó họ tính nữa ngày 240 ngàn đồng , còn giường em nằm từ 5h30 chiều hôm trước đến 11 giờ trưa hôm sau họ tính một ngày rưỡi là 1.65 triệu đó.
Đi buôn cái gì mà lời bằng mở bệnh viện ở Việt Nam?
Nhưng thôi. Chỉ cần 10, 20 năm nữa chẳng may em lại bị đi bệnh viện thì chỉ mong khi người ta gọi người nhà bệnh nhân… là thấy anh, thế là được rồi. Già cũng được, chậm cũng được, lẫn cũng được, lầu nhàu cũng được. Miễn là còn nhìn thấy nhau.
Chu Thị Hồng Hạnh
share từ FB Dung Tran