TÔI CHỌN

TÔI CHỌN

Chúa gọi?

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Chuỵện thật như bịa thứ nhất: Một người thất vọng uống thuốc sâu tự tử. Xét thấy đương sự lúc sinh thời có một vài biểu hiện thiếu làm chủ bản thân, tôi bèn giải thích cho đoàn tín hữu rồi vẫn tiến hành làm phép xác, tẩm liệm và cho đưa thi hài vào nhà thờ dâng Lễ an táng. Khi đưa thi hài vào nhà thờ, ca đoàn bỗng cất bài hát quen thuộc: “Khi Chúa thương gọi tôi về, lòng tôi hân hoan như trong một giấc mơ. Miệng tôi nức vui tiếng cười…” Tôi đã đắng họng không biết khởi đầu Thánh Lễ bằng lời dẫn nhập nào bèn nói thằng: “Tôi không tin trường hợp này là do Chúa thương gọi về. Chuyện thứ hai: Cũng bài hát đó trong thánh lễ an táng một thanh niên chết vì ẩu đả, bị đâm mấy nhát vào tim, phổi, tôi  cũng khẳng định rằng không đời nào Thiên Chúa gọi người ta kiểu này ra khỏi trần gian. Chuyện thứ ba: Một thanh niên vốn là giáo lý viên của giáo xứ đi làm việc. Qua sông cùng các bạn đồng nghiệp, một bạn đứng lên chụp hình, thuyền chòng chành, lật úp. Sáu thanh niên tử nạn, trong số đó có bạn giáo lý viên ấy. Tôi đến làm phép xác và tẩm liệm tại tang gia. Sau nghi lễ, một vị hội đồng thay mặt tang quyến ngõ lời cám ơn. Và như để an ủi tang gia, cùng với lời cám ơn, vốn đã từng nghe nhiều mục tử khuyên bảo trong các đám tang, vị ấy nói rằng: “Cánh hoa nào đẹp thì Thiên Chúa ngắt về”. Tôi đắng họng khi chợt nhớ tới cảnh tình vừa vị kỷ vừa thiếu văn hoá của một số bà con ở thủ đô Hà Nội khi tham quan một hội hoa đã từng chen chân ngắt giành hoa đẹp làm xấu cả bộ mặt thủ đô nước nhà vài năm trước đây. Sao chúng ta lại nỡ gán ghép cho Thiên Chúa cái hành vi vừa thiếu văn hoá vừa đầy vị kỷ như thế nhỉ? Rất nhiều nạn nhân của các chế độ độc tài chẳng hạn như những cái chết trong các lò hơi ngạt thời phát xít Đức, rất nhiều nạn nhân của các thiên tai như trận động đất gây sóng thần ở Nam Á  ngày 26-12-2004  hay ở Nhật Bản ngày 11-3-2011 vừa qua, phải chăng những cái chết bi thương ấy cũng đều do Thiên Chúa gọi?

Chắc chắn không ai dám to gan gán ghép cho Thiên Chúa là nguyên nhân của những cái chết ấy. Rất có thể cách giải thích nào đó của truyền thống đạo đức đã làm xuất hiện nhiều triết gia vô thần như Jean Paul Sartre hay Albert Camus. Còn chuyện cha già Gioan Baotixita Hồ Sĩ Cai, 91 tuổi, một vị linh mục giáo phận Ban Mê Thuột nghỉ hưu tại Toà Giám Mục. Đêm Thứ Bảy ngài còn nói chuyện với giám mục, còn chuẩn bị để 04g30 sáng hôm sau dâng Lễ thì lúc 4g00 sáng Chúa Nhật ngài đã an bình ra đi. Xin thử hỏi rằng việc an nghỉ ngàn thu của cha già có phải là do Thiên Chúa gọi không? Tôi xin khẳng định rằng không. Ngài ra đi như ngọn đèn hết dầu thôi. Giả như Thiên Chúa gọi thì cái đích của người được gọi phải chính là Thiên Chúa, thì có thể nói nhiều khi chẳng cần lời cầu nguyện, chẳng cần Thánh Lễ…

Chúa chọn?

Một vị hội đồng tâm sự với tôi: “Cha ơi, bà con giáo dân xứ con phàn nàn về cha xứ chúng con đủ điều. Đúng là ngài khó quá, lại nóng nảy nữa chứ. Con đã an ủi họ là các cha, các sơ, các thầy là những người Chúa chọn, nên mình phải cố chịu đựng”. Nhân chuyện Đức Bênêđictô XVI thoái vị, tôi đã kêu gọi bà con cầu nguyện cho Ngài cũng như cho các Hồng Y trong việc bầu tân Giáo Hoàng. Một em thiếu nhi hỏi tôi: “Cha ơi, Giáo Hoàng là do Chúa chọn rồi thì mình cầu nguyện làm gì?” Vậy có phải bất cứ ai được bầu làm Giáo Hoàng cũng là người đã được Chúa chọn? Một câu hỏi xem ra khó có lời giải đáp, dù rằng với niềm tin đại đa số tín hữu thì Giáo Hoàng đều do Chúa chọn. Nếu Chúa đã chọn rồi thì cầu nguyện để làm gì? Và các Hồng Y phải cần có thời gian làm quen, tìm hiểu, cầu nguyện và bầu bán làm gì nhỉ?  Đọc lịch sử Giáo Hội chúng ta có xác tín rằng tất cả những vị Giáo Hoàng đều là do Chúa chọn không? Rồi đến các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, phải chăng đều do Thiên Chúa chọn? Đức tân Giáo Hoàng Phanxicô I bông đùa với các Hồng Y: “Xin Chúa tha tội cho anh em (vì đã dại chọn tôi làm Giáo Hoàng!) (Lời Đức Hồng Y Dolan). Nếu bỗng dưng tôi nói rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô I là không do Chúa chọn thì chắc bà con tín hữu sẽ cho rằng ông cha này “bị chạm” hoặc mất đức tin rồi. (không nghe và không thấy báo đài khắp nơi đều ca ngợi tân Giáo Hoàng chúng ta đó ư?). Nhưng nếu nói rằng Chúa không chọn, nhưng Người soi sáng cho các Hồng y chọn thì chẳng ai dám trách cứ. Cụ thể là phải đến vòng bỏ phiếu thứ năm các Hồng Y mới chọn được tân Giáo Hoàng. Tuy nhiên nếu chỉ có vậy thì chưa đủ và tôi có thể xin phép Đức tân Giáo Hoàng để thêm một tí vào câu dí dỏm của Ngài nói với các Hồng Y ở trên, đó là cũng xin Chúa tha tội cho Ngài, vì nếu Ngài không nhận, nghĩa là không chọn, thì ngai Giáo Hoàng vẫn còn trống.

Vào trần gian, Chúa Kitô đã nên giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi, nghĩa là Người vẫn chịu sự chi phối của các quy luật tự nhiên. Các tin mừng, cách riêng tin mừng thánh Gioan cho ta thấy Chúa Kitô chỉ làm dấu lạ khi cần thiết để mạc khải Nước Trời. Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ vạn vật với quy luật vận hành của nó và Người dựng nên con người có lý trí và ý chí tự do. Thiên Chúa không phải là Đấng thích ngẫu hứng làm phép lạ hoặc thích tuỳ tiện nhúng tay làm thay đổi các quy luật Người đã lập nên.

Sự xuất hiện của một con người mới trên trần gian này là do quyền năng của Thiên Chúa nhưng vẫn lệ thuộc vào sự tự do của con người. Thiên Chúa đã trao ban điều đó thì Người không rút lại. Khi bố mẹ muốn có một sinh linh mới, thì Thiên Chúa phú ban linh hồn. Thậm chí một thai nhi hiện hữu do bởi một hành vi thú tính của hai người nam nữ nào đó (như hiếp dâm, loạn luân…) thì Thiên Chúa cũng phú ban linh hồn. Những trường hợp này có thể khẳng định rằng dù không hợp thánh ý Thiên Chúa nhưng Người vẫn theo quy luật Người đã đặt ra, vì Người không thể mâu thuẩn với chính Người.

Như thế có thể nói rằng sự sinh sôi nẩy nở của nhân loại lệ thuộc vào quy luật tự nhiên và sự tự do mà Thiên Chúa tặng ban cho loài người. Với hệ luận ấy chúng ta có thể khẳng định rằng chính tự do của con người và các quy luật tự nhiên đã làm nên cái chết của con người. Sự ra đi của cha già hưu nói ở trên chỉ là kết thúc quá trình “thành trụ hoại không” của một kiếp người xét như một sinh vật mà nói theo ngôn ngữ bình dân là khi đèn hết dầu thì tự nhiên tắt, thế thôi. Sáng ngày 12-3-2013 trong Thánh Lễ an táng cha già, Đức Giám Mục giáo phận Ban Mê Thuột và Đức Ông Tổng Đại Diện cũng nhìn sự ra đi của ngài như đèn hết dầu. Cái chết của rất nhiểu trẻ thơ vô tội trên bờ  biển Bali – Inđônêsia  hay ở Nhật Bản là do sự vận hành của giới tự nhiên. Cái chết của anh bạn trẻ giáo lý viên vừa là do quy luật tự nhiên: vật nặng rơi xuống nước thì chìm, người không biết bơi thì ngạt thở, uống nước, khi rơi xuống dòng nước sâu và cũng vừa do sự bất cẩn của các bạn đi cùng thuyền và nhiều lý do chủ quan hay khách quan khác. Cái chết của người tự tử thì có thể có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân lớn là cái quyết định của chính họ. Cái chết của nhiều người trong trại Auschwitz thì ai cũng nhận đó là do sự độc ác của nhà độc tài Hitler và nhiều người dưới quyền ông ta lúc bấy giờ. Chúng ta có thể khẳng định rằng cùng với quy luật của giới tự nhiên đã tạo lập thì Thiên Chúa còn trao ban cho con người quyền chọn lựa trên chính sự sống lẫn sự chết của mình và của nhau. Đây là một hồng ân cao cả nhưng cũng là một thách đố khó vượt qua. Nếu có sự lựa chọn nào xấu xa, gây hậu quả nghiêm trọng cho bản thân, cho tha nhân, cho xã hội và giáo hội thì xin chớ đổ thừa cho Thiên Chúa.

Trở lại với các bậc sống, các vai vị trong giáo hội. Lật các trang Tin mừng chúng ta nhận ra hiện thực này: Khi vào trần gian, Đấng luôn tự xưng là Con Người đã thức suốt một đêm trắng để cầu nguyện rồi sáng hôm sau chọn gọi Nhóm Mười Hai đặt làm Tông đồ. Chúa Cha không đích thân chọn nhưng Người trao phó cho Đấng làm người chọn tập thể Nhóm Mười Hai. Các bậc sống: tu sĩ, linh mục, giám mục hay các vai vị: Bề trên cộng đoàn, Bề trên Tổng quyền, Quản xứ, Giám mục giáo phận…và cả Giáo Hoàng thì Thiên Chúa cũng trao phó cho con người quyết định chọn lựa cho chính mình hay cho người khác. Đã có chọn lựa thì có thể đúng có thể sai, có thể đúng và đẹp thánh ý Thiên Chúa và cũng có thể chưa. Chúng ta tin rằng dù có lúc con người chọn sai nhưng Thiên Chúa vẫn luôn hướng dẫn dòng lịch sử nhân loại theo lòng từ bi và quyền năng của Người, nói theo ngôn ngữ tu đức là Thiên Chúa vạch đường thẳng bằng những nét cong của con người. Tuy nhiên nội dung niềm tin này không hề xem nhẹ hay bỏ qua vai trò chọn lựa của loài người. Sự chọn lựa của con người qua các quyết định căn bản luôn có đó vai trò thiết yếu làm nên sự sống sự chết, làm nên hạnh phúc hay đau khổ cho mình và tha nhân đến độ thánh giáo phụ Âugustinô dám khẳng định rằng “Thiên Chúa có thể dựng nên tôi mà không cần có tôi nhưng Người không thể cứu độ tôi mà không cần có tôi”.

Phó mặc mọi sự cho Thiên Chúa là một hành vi lỗi Đức Cậy cũng giống như thái độ quá cậy dựa vào sức riêng của mình. Thiên Chúa dựng nên loài người giống hình ảnh Người và Người muốn tạo vật cao cả này vốn được ban cho linh hồn với hai cơ năng là sự hiểu biết và ý chí tự do, phải biết sống cách trưởng thành để cộng tác với Người hoàn thành công cuộc sáng tạo. Nhiệm vụ vinh dự này vừa nói lên nét cao cả của con người cũng vừa là chìa khoá mở cánh cửa vào sự sống đời đời của con người để hưởng vinh phúc vĩnh cửu hay để trầm luân mãi mãi.

Tản mạn đôi điều về sự chọn-gọi chỉ mong sao Kitô hữu chúng ta đừng hữu ý hay vô tình làm cớ cho sự dữ tồn tại khiến nhiều người đã từng phẩn uất và đã chọn con đường “vô thần”. Công đồng Vatianô II cũng đã từng nhìn nhận phần trách nhiệm của Kitô hữu khi sống quá thụ động khiến cho chủ nghĩa vô thần phát triển. Phải chăng cũng do sự thụ động của chúng ta mà các chế độ độc tài vẫn còn tồn tại? Phải chăng vì sự thụ động của chúng ta mà xã hội vẫn còn tồn tại nhiều bất công, gian dối, bạo lực, hận thù, áp bức?

Sự sống, sự chết, đau khổ, hạnh phúc của bản thân và tha nhân một cách nào đó đang ở trong sự lựa chọn của chúng ta. Thay vì chủ trương như Tổng thống Obama là “freedom of choice” thì Kitô hữu chúng ta phải biết cầu nguyện trong chân thành và khiêm hạ rồi  can đảm đưa ra những lựa chọn, quyết định cách sáng suốt và có trách nhiệm. Có thể nói rằng tương lai của xã hội, của dân tộc, của đất nước, của Giáo hội đang tuỳ thuộc sự lựa chọn của mỗi người chúng ta vậy. Một câu hỏi rất thời sự: “Đâu là sự lựa chọn của bạn, của tôi về nội dung Bản Hiến Pháp nước nhà đang được đề nghị sửa đổi?”

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay