Tình Liên đới Quốc tế là một Điều Có Thật

  • Tình Liên đới Quốc tế là một Điều Có Thật

 

Bút ký của Đòan Thanh Liêm

 

Từ xa xưa cha ông ta vẫn thường nói “Bốn bể một nhà”, “Mọi người đều là anh em”. Trong văn học Trung quốc, có chuyện Thủy Hử viết về những Anh hùng Lương Sơn Bạc, thì bản dịch sang tiếng Anh lại có nhan đề là “All Men are Brothers”. Và đây cũng là nhan đề của cuốn suy nghĩ tự thuật của Thánh Gandhi ở Ấn Độ :

– All Men Are Brothers : Autobiographical Reflections by Mohandas Gandhi –

Vào hồi giữa thập niên 1950, lúc còn là một sinh viên trường Luật ở Saigon, thì tôi hay gặp trên sách báo một từ ngữ bằng tiếng Pháp “ La Solidarité Internationale” có nghĩa là “Tình Liên đới Quốc tế”. Và tôi rất thích thú với từ ngữ này, nó gợi ra cho tôi một chân trời mở rộng, một tình cảm cao quý, một thái độ lạc quan trước sự cảm thông, hiểu biết và yêu thương lẫn nhau giữa những con người vượt ra khỏi biên giới chật hẹp của mỗi một quốc gia. Nay nhân dịp đầu Xuân Nhâm Thìn 2012, tôi muốn thuật lại với quý bạn đọc về những kinh nghiệm chính bản thân mình đã trải qua suốt trên 50 năm nay, qua bao nhiêu gặp gỡ với những bạn bè quốc tế, cũng như tham gia các sinh họat mà có liên hệ trực tiếp đến sự Hợp tác và Liên đới Quốc tế là chủ đề chính yếu của bài viết này. Do sinh họat thuần túy trong các tổ chức thiện nguyện tư nhân độc lập, nên tôi không hề bị một sự ràng buộc hạn chế nào như là đối với một nhân viên thuộc cơ sở hành chánh của chính quyền nhà nước Việt nam Cộng hòa thời kỳ trước năm 1975.

Để bắt đầu, tôi xin lần lượt ghi lại theo thứ tự thời gian cái diễn trình làm quen và cộng tác với bạn hữu từ nhiều quốc gia trong những việc làm cụ thể thiết thực nhằm phục vụ nhân quần xã hội.

I – Những năm giữa thập niên 1950, hồi còn đi học ở Saigon.

 Lần đầu tiên tôi có dịp tiếp cận với một cơ quan từ thiện nhân đạo quốc tế. Đó là vào cuối năm 1954 khi một số sinh viên mới di cư từ Hanoi vào Saigon, thì được cơ quan CARE trao cho thực hiện một công việc cũng nhẹ nhàng đơn giản thôi. Đó là ghi chép lại tên tuổi, địa chỉ của một số nhà hảo tâm mà đã gửi tặng những phần quà cho lớp người di cư tỵ nạn Việt nam. Các món quà do các nhà hảo tâm này từ nước Mỹ và Canada cung cấp gồm phần lớn là quần áo, khăn mặt, xà bông, tập vở, bút viết, đồ chơi dành cho trẻ em tại các trại di cư tỵ nạn ở miền Nam thời đó. Qua việc này, tôi được biết về sự thông cảm và chia sẻ của những bạn hữu quốc tế đối với người di cư tỵ nạn cộng sản từ miền Bắc vào miền Nam như chúng tôi.

Thế rồi vào các năm 1956 – 58, lúc tôi đến cư ngụ tại cư xá sinh viên có tên là Câu lạc bộ Phục Hưng trên đường Nguyễn Thông do các linh mục thuộc Dòng Đa minh chi Lyon bên Pháp điều hành, thì tôi hay được dịp gặp những người khách phần lớn từ Âu châu ghé thăm và trao đổi chuyện trò với lớp sinh viên chúng tôi. Sát với cư xá nơi chúng tôi ở, thì có nhà thương Saint Paul và nhà dòng của các Nữ tử Bác ái (Filles de la Charité), hồi đó còn có nhiều nữ tu người Pháp, người Hòa lan, Thụy sĩ nữa. Nơi đây còn có những lớp đào tạo nữ y tá (infirmières) do Hội Hồng Thập Tự Pháp bảo trợ. Và cả lớp đào tạo nữ cán sự xã hội (assistantes sociales) và lớp đào tạo nữ giáo viên vườn trẻ (jardinières). Các lớp này đều được giảng dậy theo chương trình của bên Pháp, nên có nhiều giảng viên người Pháp lui tới đây để giảng bài và giúp đỡ trong việc thực tập nữa.

Cũng gần đó, thì lại có Cư xá Thanh Quan dành cho nữ sinh viên do các nữ tu AFI phụ trách (Auxiliaires Féminines Internationales = Nữ Trợ tá Quốc tế). Các chị này có một số là người Pháp, Bỉ, Ý Đại Lợi, họ thật lòng chăm sóc cho giới sinh viên và học sinh Việt nam, và chúng tôi thường có dịp gặp gỡ trao đổi và sinh họat chung với nhau qua những cuộc du ngọan đi thăm các vùng xung quanh thành phố Saigon. Trong thời gian còn học ở trường Luật, tôi lại tham gia làm hội viên của tổ chức văn hóa Pháp có tên là Alliance Francaise (Pháp văn Đồng minh Hội), nên lại có thêm dịp tiếp cận với văn hóa Pháp, cụ thể như đọc sách báo mới từ Pháp gửi qua, tham dự các buổi diễn thuyết của các học giả, giáo sư từ bên nước Pháp qua Saigon, để nhằm phổ biến văn hóa Pháp.

  • Cũng từ năm 1957 trở đi, thì tôi được một số bạn rủ rê tham gia sinh họat cắm trại và làm công tác xã hội giúp một số địa phương ở ngọai ô thành phố, mà thường được gọi là “Work Camp”. Nhóm này về sau vào năm 1960 – 61 thì được phát triển thành một tổ chức có danh xưng chính thức là : “Hội Thanh niên Thiện chí – Công tác và Nghị luận “. Trong một số buổi Họp Mặt Thân Hữu, tôi cũng đã có dịp gặp gỡ với mấy người bạn ngọai quốc từ nhiều quốc gia ghé qua thăm Việt nam nữa. Hồi đó, cũng như nhiều bạn khác cùng lứa tuổi, trình độ tiếng Anh của tôi vẫn còn rất hạn chế, tôi có thể đọc và nghe tiếng Anh thì hiểu hầu hết được, nhưng khinói thì vẫn còn chậm chạp ngượng nghịu, chứ chưa thể phát biểu dễ dàng trôi chảy như sau này lúc du học ở Mỹ về lại Việt nam.

II – Thời gian du học tu nghiệp tại Mỹ 1960 – 61.

Năm 1958, sau khi tốt nghiệp đại học Luật khoa Saigon, thì tôi được nhận vào làm chuyên viên nghiên cứu luật pháp (legal analyst) tại Quốc hội Việt nam Cộng hòa. Rồi đến năm 1960, cơ quan này gửi tôi đi du học tu nghiệp tại Mỹ do học bổng của cơ quan Viện trợ Mỹ USOM đài thọ.

Tại thủ đô Washington, tôi được bố trí đến tập sự tại một bộ phận chuyên về việc sưu tầm và sọan thảo tài liệu cho ngành Lập pháp, có tên là Legislative Reference Service (LRS) thuộc Thư Viện Quốc Hội (Library of Congress = LOC). Các bậc đàn anh đàn chị tại đây đã hết sức tận tâm hướng dẫn cho tôi trau dồi học hỏi thêm về lãnh vực nghiên cứu luật pháp, sưu tầm tài liệu tham khảo cần thiết cho công tác của ngành Lập pháp. Đồng thời vào các buổi chiều tối, tôi lại đi học thêm về luật pháp tại Đại học George Washington và về kinh tế tại Đại học American University cũng gần nơi tôi cư ngụ.

Trong suốt nửa năm theo học và tập sự tại Washington, tôi đã có nhiều dịp gặp gỡ quen biết với các chức sắc làm việc tại văn phòng Hạ nghị viện, Thượng nghị viện và đặc biệt tại LOC, cũng như học tập và sinh họat chung với nhiều bạn sinh viên Mỹ và sinh viên du học đến từ các quốc gia khác. Vào những dịp nghỉ lễ dài ngày như lễ Tạ Ơn, Lễ Giáng Sinh (Thanksgiving, Christmas), tôi còn được mời đến nhà ăn bữa cơm gia đình với các nhân viên cùng làm việc trong cơ quan. Một trong số nhân viên làm ở Quốc hội Mỹ thời đó mà làm cho tôi nhớ hòai, đó là ông Roger Cohen – trưởng văn phòng của một Ủy ban thuộc Thượng nghị viện. Ông này hồi thế chiến 2 là sĩ quan trong đội quân đồng minh đổ bộ lên bờ biển Normandie của Pháp để mở đầu chiến dịch tấn công quân Đức quốc xã ở Âu châu. Sau khi chiến tranh kết thúc, ông cưới được một bà vợ người Pháp. Do vậy, ông nói tiếng Pháp khá trôi chảy. Ông thích nói chuyện với tôi bằng tiếng Pháp và nói ít khi ông gặp được người khách nào đến văn phòng này mà nói được tiếng Pháp như tôi. Từ đó mà hai người chúng tôi khá thân thiết với nhau.

Nói chung, thì tôi được bà con làm việc tại Quốc hội Hoa kỳ đón tiếp rất là thân tình chu đáo, điều này quả thật đã gây cho tôi một ấn tượng tốt đẹp khó quên. Thủ đô Washington hồi đó thật là yên tĩnh thanh bình, hằng ngày trên đường từ nhà đến trụ sở của Thư viện Quốc hội tại khu đồi Capitol (Capitol Hill), tôi đều phải đi ngang qua công viên Lafayette đối diện với Tòa Bạch Ốc dọc theo đại lộ Pennsylvania, mà không hề thấy những ụ rào cản ngăn chặn xe cộ đi lại như hiện nay nhằm đề phòng quân khủng bố tấn công. Những hôm trời mát mẻ, tôi có thể lững thững đi bộ xuyên qua khu downtown dài chừng 2-3 miles để đi làm, đường xá tấp nập đông người qua lại trông thật vui mắt sinh động.

Tại nhà trọ, tôi ở chung với các bạn người Mỹ, người Đại Hàn, nên hay có dịp chuyện trò tâm sự với nhau. Gần Tòa Bạch Ốc hồi đó còn có một quán ăn do người Đại Hàn làm chủ lấy tên là Jenny’s chuyên bán đồ ăn Á châu, nên mỗi khi đến ăn tại đó thì tôi lại gặp rất nhiều các bạn sinh viên người Việt, Nhật, Đài Loan, Phi Luật Tân, Thái Lan, Lào, Cambodia, Indonesia, Mã Lai, Ấn Độ… và dĩ nhiên là cả người Mỹ nữa. Cũng gần đó lại còn có quán trọ của tổ chức YMCA (Young Men Christian’s Association) chuyên môn phục vụ giới thanh niên trong việc nối kết họ sinh họat gắn bó với cộng đồng địa phương, tôi hay được mấy bạn Mỹ rủ tới đó họp mặt ăn sáng, uống cà phê và trao đổi những câu chuyện bằng hữu thân tình vào các buổi sáng ngày chủ nhật.

Đặc biệt nhất là các buổi sinh họat gặp gỡ thân hữu do tổ chức Trung tâm Quốc tế Washington (WIC = Washington International Center) đứng ra sắp xếp, nhằm giới thiệu cho các sinh viên mới đến vùng thủ đô (newcomer) làm quen với nhau, cũng như đi thăm các cơ sở chính quyền, các viện bảo tàng, các danh lam thắng cảnh ở địa phương. Trung tâm này được nhiều người volunteer (thiện nguyện viên) đến giúp đỡ hướng dẫn cho sinh viên chúng tôi làm quen được với khung cảnh văn hóa xã hội ở Mỹ. Sinh viên chúng tôi rất thích thú với các sinh họat tại WIC, đến nỗi sau này dù đã quá quen thuộc với lối sống tại thành phố này, thì lâu lâu chúng tôi lại ghé qua thăm để gặp lại nhau và gặp được các bạn từ các nơi xa mới đến nước Mỹ nữa.

Nói chung, thì qua thời gian học tập và tu nghiệp ở Washington DC, tôi đã có dịp học hỏi được rất nhiều điều bổ ích để trau dồi cho nghề nghiệp chuyên môn về nghiên cứu luật pháp của mình, được chứng kiến cái lối sống văn minh ngăn nắp trong xã hội Mỹ, và còn làm quen được với rất nhiều bạn người Mỹ cũng như người từ các quốc gia xa lạ khác nữa. Tuổi trẻ chúng tôi thật là hồn nhiên, vô tư trong sáng, nên thời gian sống ở Washington vào năm 1960 – 61 đã để lại trong ký ức của tôi một dấu ấn thật sâu đậm, không bao giờ có thể phai mờ đi được.

Nhân tiện, tôi cũng xin ghi sơ qua cái cảm nghĩ về Lễ Nhậm chức của Tổng thống Kennedy vào tháng Giêng năm 1961. Bữa đó trời rất lạnh, nên tôi phải ở nhà coi TV, lâu lâu mới thả bộ ghé ra khúc đại lộ Pennsylvania gần nhất để coi các đòan diễn hành, rồi lại trở về nhà tiếp tục coi TV, thì càng thấy đày đủ chi tiết hơn. Hồi đó chưa có TV màu, nhưng trình độ phóng sự của các chuyên viên đã đạt tới mức độ cao về sự chính xác và mau lẹ. Tôi thật phấn khởi được trực tiếp nghe Tổng thống Kennedy đọc bài diễn văn thật hùng hồn, rõ ràng mạch lạc dứt khóat, có tác dụng làm nổi lên ngọn lửa nhiệt thành say mê nơi thế hệ trẻ như lớp sinh viên chúng tôi đang ở vào lứa trên dưới 25 tuổi. Câu nói bất hủ : “ Ask not what the country can do for you, but ask what you can do for your country” của Tổng thống, thì không bao giờ thế hệ sinh viên chúng tôi lại quên đi được. Báo chí mấy ngày sau đã thi đua nhau hết lời ca tụng bài diễn văn nhậm chức có tính cách lịch sử này (an historical inaugural address).

III – Sinh họat với các bạn trẻ trong tổ chức Đòan Thanh Niên Chí

Nguyện Quốc Tế (IVS = International Voluntary Services) trong thập niên 1960 – 70.

Năm 1961, sau thời gian tu nghiệp tại Mỹ tôi trở về lại Việt nam và tiếp tục đi làm tại văn phòng Quốc hội ở khu trung tâm thành phố Saigon. Vào những lúc rảnh rỗi, tôi hay đến gặp gỡ trao đổi với các bạn trẻ công tác tại Đòan Thanh Niên Chí Nguyện Quốc Tế có trụ sở ở khu vực Trại Chăn Nuôi Tân Sơn Nhất, gần với Ngã Tư Bảy Hiền. Các bạn này phần đông cũng vào tuổi ngòai 20, vừa mới tốt nghiệp đại học và tình nguyện tham gia họat động ở Việt nam như là giáo sư dậy Anh ngữ hay làm việc về canh nông, y tế tại địa phương các tỉnh. Phần đa số đó là người Mỹ, nhưng cũng có một số là người Nhật, Đài Loan, Phi Luật Tân, Ấn Độ, Pakistan… nữa.Trong các buổi sinh họat do Hội Thanh Niên Thiện Chí tổ chức, thì thường có một vài đòan viên IVS đến tham dự, và tuổi trẻ chúng tôi dễ dàng kết bạn thân tình với nhau qua những cuộc họp bạn vui chơi ca hát, thi đua thể thao, hay qua những trại công tác xã hội như sửa chữa vài lớp học, dọn dẹp vệ sinh rác rưởi, khai thông đường cống thóat nước, mở rộng lối đi… tại một vài địa phương vùng ngọai ô thành phố.

Vào cuối năm 1964, mấy đòan viên IVS lại đã hết sức tích cực giúp đỡ giới thanh niên sinh viên chúng tôi trong chiến dịch cứu trợ nạn nhân bão lụt tại các tỉnh miền Trung từ Tuy Hòa ra đến Quảng Ngãi, Quảng Nam. Qua những công tác cụ thể thiết thực như vậy, giới trẻ Việt Nam chúng tôi càng thêm gắn bó thân thiết với nhau, cũng như với các bạn thanh niên IVS. Và rồi vào năm sau, với Chương Trình Công Tác Hè 1965 (Summer Youth Program 65), thì IVS đã tận tình giúp đỡ chúng tôi bằng cách vận động với cơ quan Viện trợ Mỹ USAID cấp phát một ngân khỏan lên đến 20 triệu đồng cho quỹ điều hành của chương trình này. Có thể coi Chương trình này là một thứ dự án chung của giới thanh niên sinh viên Việt Nam hợp tác với các bạn trẻ của IVS (joint project).

Tôi xin ghi ra đây tên của một số bạn IVS này, điển hình như sau :

Don Luce, John Sommer, Charlie Sweet, Gene Stoltzfuss, Mark Lynch, Hugh Manke, Dan Wheatfield, Jackie Chagnon, Masafumi Nagao, Rick Pyeat, Tom Cooper…Các bạn này còn đến hỗ trợ cho công tác của chương trình phát triển cộng đồng của chúng tôi tại các quận 6,7,8 Saigon từ những năm 1965 trở đi. Đặc biệt, do sự yêu cầu của chúng tôi, thì các anh đi vận động với các cơ quan xã hội như CARE, VNCS, ACS (Vietnam Christian Service, Asian Christian Service) để họ yểm trợ mấy chương trình về huấn nghệ được tổ chức trong khuôn viên của những chùa, nhà thờ tại đia phương các quận nói trên nữa.

Vào năm 1968 trở đi, IVS còn mời các anh Trần Ngọc Báu, Trần Văn Ngô và tôi xung vào Ban Cố vấn (Advisory Board) cho họ nữa. Và chúng tôi lại có dịp sát cánh thân thiết hơn nữa với các bạn thanh niên chí nguyện này. Mỗi khi IVS có quan khách nào từ Washington qua thăm, thì họ lại cũng mời anh em trong Ban Cố vấn chúng tôi đến gặp gỡ trao đổi với vị quý khách này nữa. Nhờ có sự hợp tác lâu bền với IVS như vậy, mà giới thanh niên Việt nam chúng tôi đã có thể mở rộng tầm nhìn và cả quy mô sinh họat mỗi ngày thêm khởi sắc hơn trong chiều hướng hội nhập quốc tế, ít nhất là trong phạm vi cuả Xã hội Dân sự.

IV – Vận động quốc tế yểm trợ các chương trình phát triển xã hội tại Việt nam trong giai đọan 1965 – 1975.

Vào tiết thu năm 1965, anh chị em thanh niên sinh viên chúng tôi khởi sự một chương trình phát triển cộng đồng tại một địa phương nghèo khó nhất tại Saigon, đó là ở quận 8 phía bên kia cầu chữ Y và cầu Chà Và. Khu vực này hồi đầu thập niên 1950 là căn cứ địa của phe Bình Xuyên do Tướng Bảy Viễn cầm đầu. Dân cư ở đây phần đông là người từ các vùng Long An, Cần Giuộc, Cần Đước vì tình hình mất an ninh, nên trong nhiều năm họ đã phải đổ xô về tá túc tại ngọai ô thành phố, họ sinh sống trong những căn nhà xây cất tồi tàn tạm bợ lẩn sâu trong các khóm hẻm, thường được gọi là những “khu ổ chuột”, thiếu thốn mọi tiện nghi tối thiểu về vệ sinh công cộng, cũng như về cơ sở giáo dục y tế, về đường xá giao thông đi lại.

Sau một thời gian dò dẫm làm quen được với giới thân hào nhân sĩ ở địa phương, cũng như giới tu sĩ, giới giáo chức, chúng tôi đã bắt đầu phát động được một phong trào quần chúng tự nguyện dấn thân vào những dự án cải tiến dân sinh trong các khóm hẻm. Cụ thể như xây dựng hệ thống thóat nước, san bằng các đường hẻm lồi lõm, lầy lội, tu bổ các nhà vệ sinh công cộng và nhất là mở thêm nhiếu lớp học sơ cấp. Công trình cải thiện môi trường sống tại khu vực kém mở mang như vậy đã gây được sự chú ý của nhiều giới chức trong chính quyền, giới chức ngọai giao, giới truyền thông báo chí, cũng như giới họat động xã hội quốc tế mà có quan tâm đến việc xây dựng và phát triển tại Việt nam giữa thời kỳ chiến tranh mỗi ngày một leo thang, tạo ra số đông những nạn nhân chiến cuộc nhan nhản tại vùng ven biên thành phố.

Vì là một tổ chức thiện nguyện xã hội của tư nhân mà được sự bảo trợ của Tòa Đô Chánh và Bộ Thanh Niên, nên chương trình phát triển chúng tôi được tự do liên hệ với bất kỳ tổ chức từ thiện nhân đạo nào của Việt nam, cũng như của ngọai quốc, để xin họ yểm trợ cho một số dự án cải tiến xã hội tại địa phương 3 quận này. Điển hình như việc trang bị máy móc cho các lớp dậy nghề do các tổ chức tôn giáo đứng ra thiết lập và điều hành, giúp đỡ việc trang bị bàn ghế cho các lớp học tại những khu vực còn thiếu thốn về cơ sở giáo dục phổ thông v.v…

Nhất là vào năm Mậu Thân 1968, cả 3 quận đều bị tàn phá nặng nề về nhà cửa và các cơ sở công cộng lên đến hàng mấy chục ngàn đơn vị gia cư, thì chương trình chúng tôi phải tận lực lo lắng tổ chức cho bà con chỉnh trang tái thiết lại nhà cửa. Tính ra trong 20 khu tái thiết, chúng tôi đã cùng với bà con ở địa phương hòan thành được đến 8,000 đơn vị gia cư. Công trình tái thiết này không những đã gây được sự tin tưởng của gia đình các nạn nhân ở địa phương, mà còn được nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế đành giá cao. Kết quả là các tổ chức này đã hết sức tín nhiệm đối với chương trình phát triển cộng đồng của anh chị em chúng tôi. Các tổ chức như CARE, Catholic Relief Services (CRS = Tổ chức Cứu Trợ Công giáo Mỹ), OXFAM (Tổ chức Cứu Đói của Anh quốc), Adenauer Foundation của Đức quốc v.v… đều hết sức yểm trợ cho các dự án phát triển tại địa phương.

Và ngay chính bản thân mình, thì tôi đã được mời vào Ban Cố Vấn cho các tổ chức như Asian Christian Service (ACS), IVS (như đã ghi ở đọan trên) và nhất là vào Ban Quản trị cho Shoeshine Boys Foundation (Tổ chức trợ giúp các trẻ em đánh giày). Thành ra thông qua những công tác xã hội cụ thể, thiết thực nhằm giúp đỡ các nạn nhân chiến cuộc, tôi đã có cơ hội liên kết được với nhiều bạn bè quốc tế và sát cánh với họ trong nhiều dự án nhân đạo từ thiện tại nhiều địa phương khác nữa ngòai thủ đô Saigon, đặc biệt là tại mấy tỉnh miền Trung là nơi chiến sự đã diễn ra ác liệt tàn khốc hơn cả, cụ thể như những cuộc tấn công trong chiến dịch Mùa Hè Đỏ Lửa vào năm 1972.

Trong hai năm 1972 – 74, tôi còn được mời cộng tác với tổ chức Hội Đồng Tôn giáo Thế giới có trụ sở chính đặt tại Geneva Thụy sĩ (The World Council of Churches – WCC) với chức vụ Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu và Liên lạc tại Saigon. Trong thời gian này, tôi đã có dịp tham gia bàn thảo về việc thành lập Quỹ Tái Thiết và Hòa Giải tại Đông Dương với trụ sở đặt tại Bangkok Thái Lan nữa (Funds for the Reconstruction and Reconciliation in Indochina

FRRI)

Kể từ năm 1970, tôi còn hay được mời đi qua nước Pháp, Thụy Sĩ, Hòa Lan ở Âu châu và một số nước ở Á châu như Thái Lan, Phi Luật Tân để tham dự những cuộc hội thảo quốc tế bàn về những vấn đề văn hóa xã hội tại các quốc gia trong thế giới thứ ba (third world). Đây là những dịp để cho tôi học hỏi thêm về kinh nghiệm của những bạn bè quốc tế trong lãnh vực xây dựng và phát triển xã hội. Và đồng thời cũng là cơ hội cho tôi được trình bày trước diễn đàn thế giới về những suy nghĩ của một người cán bộ xã hội thiện nguyện ở Việt Nam giữa lúc chiến tranh đang ở vào giai đọan đen tối khốc liệt nhất, đặc biệt là sau cuộc Tổng tấn công vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968, mà báo chí và TV đều tường thuật rất đày đủ tin tức với nhiều hình ảnh rất thương tâm phổ biến đến với công chúng tại khắp nơi trên thế giới.

V – Nhận định tổng kết.

 Bài viết đến đây kể đã dài rồi, tôi xin tóm lược sự trình bày bằng mấy nhận định tổng kết thật ngắn gọn trong mấy điểm như sau đây:

1 – Ngày nay với sự tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là trong ngành truyền thông và giao lưu kinh tế văn hóa, con người dễ dàng gần gũi với nhau hơn. Do vậy mà tính cách nhân bản và tình nhân ái bảo bọc gắn bó giữa con người với con người – dù khác biệt nhau đến mấy đi nữa – thì cũng vẫn có điều kiện thuận tiện mà được thể hiện một cách cụ thể rõ ràng, chứ không chỉ là một ước mơ không tưởng như ở thời kỳ xa xưa nữa. Sau bao nhiêu cuộc chiến tranh tàn sát đẫm máu, con người đã tỉnh ngộ và tìm ra được một bài học quý báu, đó là : “ Chỉ có thể đem lòng yêu thương cao thượng rộng lớn ra thì mới dứt khóat hàn gắn được mối hận thù ân óan lâu đời trong xã hội.” Và càng ngày lý tưởng Hòa bình Nhân ái càng được đề cao trân trọng nơi tâm hồn con người ở mọi quốc gia trên thế giới.

2 – Tại miền Nam hồi trước năm 1975, mặc dù nếp sinh họat trong thời chiến tranh vẫn còn bị gò bó hạn chế nhiều về mặt chính trị quân sự, nhưng Xã hội Dân sự thì vẫn tồn tại và lại phát triển tương đối khởi sắc qua sự kiện là các tổ chức phi chính phủ và bất vụ lợi (non-governmental/non- profit organisations) như các đòan thể, hiệp hội tư nhân – điển hình như Hội Hồng Thập Tự, Hội Hướng Đạo, Hội Thanh Niên Thiện Chí – thì vẫn được tự do họat động, mà còn được tự do liên lạc và hợp tác cả với các tổ chức thiện nguyện quốc tế nữa. Những điều tường thuật trong bài viết này là một chứng minh cụ thể cho tính cách thông thóang cởi mở trong xã hội ở miền Nam Việt nam thời kỳ trước năm 1975 vậy.

3 – Là một người có cái duyên được gặp gỡ quen biết với nhiều bạn bè quốc tế ngay từ thời còn là một sinh viên đại học ở Saigon, cũng như trong thời gian đi du học tu nghiệp tại nước Mỹ, tôi đã chứng kiến rõ rệt sự thông cảm, thân ái quý trọng lẫn nhau giữa những bạn trẻ xuất phát từ mọi quốc gia với tinh thần hồn nhiên trong sáng của thế hệ những con người đang được thụ hưởng đày đủ sự tiện nghi tiến bộ do nền kinh tế thịnh vượng cung ứng và cũng do sự hòa hõan quốc tế bảo đảm cho họ có được một nếp sống thanh bình an lạc.

Và thông qua những công tác xã hội phục vụ những nạn nhân chiến cuộc ngay tại vùng ngọai ô thành phố Saigon, nhất là sau cuộc tổng tấn công hồi Tết Mậu Thân năm 1968, tôi đã nhận được sự chia sẻ những gánh nặng khó khăn từ những bạn bè quốc tế với những sự yểm trợ cụ thể, thiết thực cho các dự án tái thiết và cải tiến xã hội tại địa phương các quận 6,7,8 Saigon, cũng như tại một số nơi khác nữa như ờ miền Trung chẳng hạn.

Một cách hết sức tóm lược, bài viết mà quý bạn đọc đang coi ở đây chính là một sự minh họa cho cái Tình Liên Đới Quốc Tế thật là cao quý trong thời đại của chúng ta ngày nay vậy./

California, những ngày cuối năm Tân Mão 2011

Đòan Thanh Liêm

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay