TIẾNG HÁT TRƯƠNG CHI
Tạ Quang Khôi
Nữ tỳ Vân Hương khép nép đứng im lặng, cúi đầu nhìn xuống đất. Chưa bao giờ, từ ngày vào làm tôi tớ cho phủ Tướng Công đã nhiều năm, nó thấy chủ có sắc giận như lúc này. Tướng Công vốn là người thâm trầm, ít nói, nhưng rất nghiêm khắc. Ngài làm việc gì cũng tính toán cẩn thận, vì thế, hầu như chưa có việc nào bị hư. Những việc quan trọng, ngài thường hỏi ý kiến những người thân cận.
“Mày có chắc tiểu thư mê tiếng hát của thằng lái đò không ?” Tướng công chợt hỏi.
Vân Hương kính cẩn đáp một cách bình tĩnh :
“Bẩm Tướng công, điều đó không còn nghi ngờ gì nữa.”
“Như vậy, bệnh của tiểu thư là…tương tư ? Tương tư …thằng lái đò ?”
Vân Hương lúng túng, không biết trả lời Tướng công ra sao. Nhưng, trong bụng, nó tin chắc tiểu thư mắc bệnh tương tư. Tướng công lại hỏi :
“Tiểu thư đã gặp thằng lái đò lần nào chưa ?”
Vân Hương lo sợ, ấp úng :
“Bẩm…Bẩm…không ạ…Tiểu thư chưa bao giờ ra khỏi nhà.”.
Tướng công gật gù :
“Ừ, như vậy là chỉ…tương tư tiếng hát thôi ?”
“Dạ, chỉ nhớ tiếng hát. Đêm nào được nghe hát thì tiểu thư vui, còn không thì…buồn bã, thẫn thờ.”…
“Rồi mấy bữa nay không có tiếng hát, tiểu thư bệnh ? Mày có biết tại sao thằng lái đò không hát nữa ?”
“Con đã đi hỏi dò thì nghe đâu nó cũng bệnh, nghỉ cả chèo đò”.
Tướng công giữ im lặng một lúc khá lâu, rồi hỏi tiếp :
“Mày có biết tên tuổi, mặt mũi nó ra sao không ?”
“Bẩm tướng công,con chưa gặp nó lần nào, nhưng người ta nói nó còn trẻ, chỉ mười bảy mười tám và…rất đẹp trai.”
Tướng công giật mình :
“Mày nói sao ? Nó đẹp trai ? Mà tên nó là gì ?”
“Bẩm Trương Chi ạ….Vì nó đẹp trai lại hát hay, nên có nhiều ngườI mê… Có cả những cô con nhà giầu.”
“Thế nó bằng lòng ai chưa ?”
“Dạ…Dạ…Con cũng không hỏi kỹ chuyện đó….Mới đây tiểu thư không nghe tiếng hát nên nhớ, sai con đi hỏi…Con chỉ biết có vậy thôi.”
Tướng công tỏ vẻ lo lắng :
“Mày đã nói hết cho tiểu thư nghe chưa ?”
“Bẩm, chưa ạ. Mấy bữa nay tiểu thư lúc tỉnh lúc mê, con chưa nói được.”
Tướng công mừng rỡ :
“Ừ, tốt. Không được nói đó”.
Vân Hương ngạc nhiên :
“Bẩm…Nhưng tiểu thư sai con đi hỏi… »
Tướng công nghiêm giọng :
“Tao nói không là không”.
Thấy tướng công giận, nó sợ, im lặng cúi đầu.
Tướng công chậm rãi bước đến bên cửa sổ, nhìn ra ngoài trời trăng sáng vằng vặc. Không xa lâu đài của Tướng công, một dòng sông nhỏ lấp lánh dưới ánh trăng. Tướng công đã ngắm cảnh trăng này cùng phu nhân không biết bao nhiêu lần và đều thấy cảnh đẹp. Nhưng đêm nay, cái vẻ thơ mộng của nó bỗng biến đi đâu mất. Thật ra, cảnh vẫn thế. Trăng vẫn vằng vặc sáng, dòng sông vẫn lững lờ trôi ngoài xa kia, nhưng lòng Tướng công đã thay đổi. Con gái yêu của Tướng công đã bị bệnh vì cảnh trăng đẹp đó, vì tiếng hát của một tên lái đò. Điều nguy hiểm hơn hết là nó vừa hát hay vừa đẹp trai. Tất nhiên Tướng công không thể gả con gái cho một tên lái đò nghèo hèn. Nhưng phải làm cách nào để tiểu thư quên đi tiếng hát quyến rũ đó. Còn mê tiếng hát là còn thương nhớ tên lái đò. Thoáng trong một giây, Tướng công nghĩ đến việc sai thủ hạ giết chết tên lái đò. Không, Tướng công thầm nhủ, cách đó không ổn, mà còn có thể làm tăng lòng thương nhớ của tiểu thư. Cách nào để tiểu thư không còn mê tiếng hát nữa mới quan trọng. Bỗng Tướng công nhớ tơi Mao Nhị, một mưu sĩ đang là khách nhân trong phủ Tướng công. Mao là người khôn ngoan, quỷ quyệt, đã giúp Tướng công giải quyết nhiều công việc khó khăn. Tướng công chợt reo to :”À !” rồi quay trở vào. Thấy con Vân Hương còn khép nép đứng chờ ở một góc phòng, Tướng công hơi ngạc nhiên, nhưng nhớ ngay ra chuyên đang hỏi nó. Ngài vung tay áo ra lệnh “Cho mày lui”.
Dù đã chờ câu nói đó từ lâu, nữ tỳ Vân Hương cũng không dám bỏ đi ngay. Nó kính cẩn cúi gập người chào Tướng công,rồi từ từ đi lùi ra cửa.
Sáng sớm hôm sau, Tướng công cho gọi Mao Nhị lên hầu ngay. Ngài kể lại chuyện tiểu thư ốm tương tư tiếng hát cho Mao nghe. Và cũng cho Mao biết Trương Chi vừa đẹp trai vừa hát hay. Ngài chỉ nói vắn tắt, nhưng Mao hiểu ngay rằng tên lái đò hát hay không còn chỗ đứng ở vùng đất này.
Suy nghĩ một lát, Mao thưa :
“Bẩm Tướng công, muốn tiểu thư không còn thương nhớ tiếng hát của tên lái đò, chỉ có cách là cho tiểu thư gặp hắn”…
Tướng công giật mình :
“Tiên sinh nói sao ? Tiên sinh quên rằng nó vừa đẹp trai vừa hát hay ?”
Mao Nhị cười, lắc đầu :
“Dạ, bẩm tướng công, tại hạ không quên điều quan trọng đó…”
Rồi Mao nhìn trước nhìn sau, dù biết là vắng người, vẫn ghé tai Tướng công thì thầm một lúc khá lâu.
Nghe xong, Tướng công tươi hẳn nét mặt, nhưng còn thắc mắc :
“Làm sao làm được điều đó càng sớm càng tốt, vì bệnh của tiểu thư mỗi ngày một nặng…”
Mao cười :
“Xin tướng công an tâm. Tại hạ sẽ làm xong việc này trong vòng hai ngày.”
Mao ngưng một chút, rồi lại nói :
“Xin Tướng công cho tại hạ hai tên lính để giúp tại hạ lo vụ này…Tại hạ cần hai tên bạo tợn, nhưng phải biết vâng lệnh trên.”
Tướng công cười :
“Hai thằng hay hai chục thằng cũng có thể có ngay, miễn được việc”
“Dạ, cảm ơn Tướng công. Hai tên là đủ rồi.”
X X X
Nữ tỳ Vân Hương ngồi trực cạnh giường tiểu thư liên tục ngày đêm. Nó là một con đầy tớ trung thành,hết lòng lo cho chủ. Thật ra, nó cũng rất thương tiểu thư. Ngoài tình chủ tớ, nó còn thêm tình quyến luyến riêng, vì tiểu thư đã đối xử với nó thật tốt, không khác gì tình chị em. Tiểu thư tuy ít tuổi nhưng cách cư sử của nàng tỏ ra rất người lớn. Nàng rộng lượng, sẵn sàng tha thứ cho kẻ hầu người hạ khi chúng phạm lỗi. Riêng đối với Vân Hương, nàng lại còn đặc biệt hơn.
Thấy tiểu thư cứ li bì mê man nó cũng lo sợ. Lúc nào hơi tỉnh một chút, nàng lại hỏi nó :
“Vân Hương ơi, chị có nghe thấy tiếng hát không ? Sao…sao người ta lâu quá không hát nữa ? Người ấy tên chi, chị có biết không ?”
“Dạ, thưa tiểu thư, người lái đò đó tên là Trương Chi.”
“À à…tôi nhớ ra rồi…Chàng tên là Trương Chi…Bao giờ chàng lại hát, chị có biết không ?”
“Thưa tiểu thư, em cũng không rõ…Dường như anh ta bệnh…”
“Tại sao chị biết chàng bệnh ? Chị đã gặp chàng ?”
Vân Hương lúng túng :
“Dạ…Dạ, chưa ạ…Em chỉ nghe người ta nói thôi.”
“Vậy hả ?…Bao giờ chàng khỏi ?”
Vân Hương bỗng nghe xót xa trong lòng. Tiểu thư vốn là người thông minh, nay hỏi như vậy thì nó hiểu nàng không còn minh mẫn nữa. Tiểu thư thẫn thờ nhìn ra cửa sổ, lẩm bẩm :
“Chàng khỏi bệnh thì chàng mới hát được…”
Nàng bỗng hỏi :
”Này, Vân Hương, chị có cách nào cho tôi gặp chàng không ?…Tôi mà gặp chàng thì cả chàng và tôi đều khỏi bệnh đó”
Vân Hương không ngờ tiểu thư lại nói được một câu thật đúng. Nhưng nó chợt hãi hùng tự hỏi rằng sau cuộc gặp gỡ, chuyện gì sẽ xẩy ra ? Tiểu thư sẽ yêu Trương Chi hơn nữa vì anh ta đã hát hay lại đẹp trai. Về phần Trương Chi , chắc chắn anh ta sẽ không thể không rung động trước nhan sắc xinh đẹp và thùy mị của tiểu thư. Rồi cuộc tình ấy sẽ đi về đâu ? Một anh lái đò nghèo hèn, dù đẹp trai như Phan An, Tống Ngọc, làm sao có thể sánh duyên với một tiểu thư khuê các, con một vị quan lớn trong triều ? Trương Chi sẽ chuốc lấy khổ đau, tủi hận, mà bệnh của tiểu thư sẽ mỗi ngày một trầm trọng hơn, khó có thuốc nào chữa khỏi. Cái viễn ảnh khủng khiếp ấy làm Vân Hương hốt hoảng,lo sợ. Không. Nó thầm nói trong lòng, hai người không thể gặp nhau được.
“Vân Hương !” tiểu thư bỗng gọi, “chị có nghe tôi nói gì không ?”
“Dạ, em có nghe…Nhưng làm sao tiểu thư có thể gặp được Trương Chi ? Anh ta chỉ là một anh lái đò nghèo hèn. Anh ta còn không đáng là tôi tớ của tiểu thư.”
Tiểu thư nhìn người nữ tỳ đăm đăm :
”Sao chị lại bảo chàng không đáng là đầy tớ của tôi ? Không, chàng không là đầy tớ…”
Giọng nàng bỗng nghẹn ngào, rồi nàng bật lên tiếng khóc. Nàng cũng đã nhận ra cái thực tế phũ phàng trong nhận xét của Vân Hương. Tướng công và phu nhân, cha mẹ nàng, có bao giờ lại chịu gả nàng cho một tên lái đò, trong khi có cả chục vương tôn, công tử đang ngấp nghé hỏi cưới nàng. Người nào cũng mũ cao áo dài, giầu sang tột bực.
Trong khi tiểu thư và Vân Hương đang lo sợ nghĩ tới tương lai đầy khó khăn, cửa bỗng mở. Vân Hương giật mình ngoảnh ra. Nó hốt hoảng vội đứng lên, kính cẩn cúi chào :
“Bẩm phu nhân tới vấn an tiểu thư.”
Phu nhân nhẹ nhàng bước đến gần nó, rồi hỏi khẽ :
”Tiểu thư ngủ ?”
“Dạ bẩm phu nhân, tiểu thư mới thức.”
Thấy mẹ, tiểu thư vội vàng gượng ngồi dậy để chào đón, nhưng không nổi, lại nằm xuống, ngước nhìn mẹ bằng đôi mắt buồn bã, lờ đờ. Phu nhân bỗng nghe xót xa trong lòng. Ngày nào phu nhân cũng tới thăm con gái mấy lần, mà lần nào cũng thấy nàng đổi khác, cứ sa sút hoài. Bà không ngờ con gái lại ủy mị như vậy, mê tiếng hát của tên lái đò đến mang bệnh liệt giường liệt chiếu. Nàng cất tiếng chào :
”Mẹ !”
Phu nhân khoát tay nói :
”Con cứ nằm tĩnh dưỡng. Hôm nay con thấy trong người thế nào ? “
Tiểu thư cố nói để an lòng mẹ :
“Con thấy khá nhiều rồi.”
Phu nhân gật đầu :
”Ừ !” rồi bà nói tiếp ”Tối nay, Tướng công sẽ cho dẫn tên lái đò đến đây gặp con.”
Cả tiểu thư lẫn Vân Hương đều giật mình, nhưng mỗi người một ý nghĩ khác. Tiểu thư thì mừng rỡ, nũ tỳ thì lo sợ. Nó không hiểu tại sao Tướng công lại dám cho Trương Chi gặp tiểu thư, khi mà nó đã cho Tướng công hay rằng Trương Chi đẹp trai, không thua gì Phan An, Tống Ngọc ngày xưa. Hay là… Tướng công đã bằng lòng cho tiểu thư kết duyên với Trương Chi ? Không, không bao giờ chuyện đó lại xẩy ra.
Còn tiểu thư thì tỏ vẻ rất vui. Nghe nói sắp được gặp Trương Chi, nàng bỗng thấy trong người khỏe hẳn ra. Nàng hớn hở hỏi phu nhân :
”Thật không, Mẹ ? Phụ thân cho phép con được gặp …Trương Chi ?” Suýt nữa thì nàng gọi anh lái đò bằng chàng. Phu nhân gật đầu :
”Chắc chắn như vậy. Tướng công vừa cho mẹ rõ.”
Trong lòng Vân Hương chợt nẩy sinh một mối nghi ngờ. Phải chăng Tướng công có âm mưu gì đây vì nó không tin tướng công lại dễ dãi như vậy. Nó vẫn biết ông là một người nghiêm khắc, việc gì cũng tính toán kỹ lưỡng. Nó tin chắc rằng không đời nào ông lại dễ dàng cho phép tiểu thư gặp Trương Chi trong khi tiểu thư đang ốm tương tư tiếng hát của người đó.
X X X
Một tháng sau khi tiểu thư gặp Trương Chi, nữ tỳ Vân Hương được tướng công và phu nhân cho nghỉ việc để trở về quê hương. Đó cũng nhờ tiểu thư van xin mẹ và phu nhân năn nỉ tướng công. Sau cái đêm người ta đưa Trương Chi vào phòng tiểu thư, với sự có mặt của tướng công và phu nhân, Vân Hương bị khủng hoảng tinh thần khá nặng.. Bộ mặt mà nó nghe nói đẹp chẳng thua gì Phan An, Tống Ngọc chỉ là một mặt quỷ hiện hình, xẹo chằng chịt và có nhiều vết máu mới khô. Vừa nhìn thấy cái mặt đó, tiểu thư hét lên một tiếng rồi ngất xỉu ngay. Vân Hương cũng hét to, nhưng chỉ run rẩy nép sát vào tường, rồi bật tiếng khóc. Phu nhân, dù đã được báo trước, cũng mở to mắt nhìn cái mặt gớm khiếp đó. Mặt bà tái hẳn đi. Chỉ có Tướng công bình tĩnh gật gù, mỉm cười, đánh giá cao “tác phẩm” của mưu sĩ Mao Nhị. Trong một thoáng, Trương Chi đã gây xúc động mạnh cho ba người đàn bà đang ở trong phòng. Thấy đã có tác dụng tốt trong việc chạy chữa bệnh tương tư của tiểu thư, Tướng công phất tay áo cho hai tên lính hầu dắt Trương Chi ra khỏi phòng.
Hôm sau, vì xúc động mạnh, tiểu thư trở bệnh nặng hơn. Một ngự y cao tay nhất triều được triệu tới. Sau mấy thang thuốc, tiểu thư dần dần hồi phục, khỏi dứt bệnh tương tư. Thoạt đầu, nàng không chịu tin rằng “con quỷ hiện hình” ấy là Trương Chi. Phu nhân đã phải đoan chắc với nàng nhiều lần là không ai đánh tráo tên lái đò với kẻ khác. Chả còn biết hỏi ai hơn, nàng đành tin lời mẹ. Bây giờ mỗi lần nghĩ tới anh lái đò có giọng hat ngọt ngào, quyến rũ nàng lại rùng mình hốt hoảng. Nàng chưa quên hẳn tiếng hát đó nhưng không còn thổn thức khi tưởng nhớ tới.
Riêng Vân Hương, con nữ tỳ trung thành, thì chả có ai săn sóc, chữa chạy. Bệnh của nó là bệnh tâm thần sau một cơn xúc động quá mạnh mà cũng vì uất ức, bất mãn trước hành động tàn nhẫn của Tướng công. Gương mặt đẹp của Trương Chi đã bi Tướng công hủy hoại. Nó vừa sợ vừa ghê tởm Tướng công nên không còn bụng dạ nào ở lại hầu hạ nữa. Nó năn nỉ tiểu thư tìm cách trả lại tự do cho nó. Tiểu thư vốn là người tốt bụng, hiền lành, đã cố van xin mẹ cho nó được về quê.
Sau nhiều ngày suy nghĩ, Tướng công đã ban cho nó một đặc ân, được trở về quê hương. Hơn mười năm trước, bố mẹ nó, vì nghèo và nợ nần ngập đầu ngập cổ, đã bán nó cho phủ Tướng công. Nó trở thành một con nô lệ, không phải là một con hầu bình thường. Đúng ra nó phải làm đầy tớ cho phủ Tướng công suốt đời và không công. Thế mà khi trả lại tự do cho nó, phu nhân và tiểu thư đã lén lút cho nó một số tiền rất lớn để chữa bệnh và làm vốn lấy chồng.
Khi ra khỏi phủ tướng công, Vân Hương liền đi hỏi dò về anh lái đò Trương Chi. Người ta cho biết Trương Chi đã chết. Sau đêm được đưa vào phòng tiểu thư, anh ta bị ốm nặng, mặt mày xưng vù và đầy mủ. Không tiền chữa thuốc, cũng không thể chèo đò để kiếm ăn độ nhật, Trương Chi chết trong một túp lều ven sông vắng lạnh. Khi có người biết thì xác anh đã bắt đầu rữa. Dân làng thương tình xúm nhau bó chiếu, chôn anh ở một bãi hoang ven rừng, rất xa làng mạc, thôn xóm.
Theo lời chỉ dẫn, Vân Hương tìm đến thăm ngôi mộ của anh lái đò hát hay và đẹp trai trước khi tìm về quê cũ
X X X
Ba năm trôi qua, Vân Hương đã khỏi bệnh, trở lại chốn cũ để thăm phu nhân và tiểu thư. Nhưng trước khi vào phủ tướng công, nó ghé thăm ngôi mộ Trương Chi. Nhưng nó tìm mãi mà không thấy dấu vết của ngôi mộ hoang ven rừng. Cảnh vẫn không thay đổi, vẫn bụi cây, vẫn đám cỏ gai chằng chịt, nhưng không có một gò đất nào có thể coi là mồ mả. Nó đành trở lại thôn xóm để hỏi thăm.
Người ta cho nó biết cách đây không lâu, cứ vào đêm trăng sáng, dân trong vùng lại nghe tiếng hát, đúng tiếng hát của anh lái đò Trương Chi, như hồi anh còn sống. Tiếng hát vẫn hay, vẫn trong trẻo, nhưng không còn quyến rũ như xưa nữa. Người nghe có cảm giác rờn rợn. Dân làng bèn đi tìm nơi phát xuất của tiếng hát ma quái đó. Nhưng họ không sao tìm ra. Tiếng hát có lúc mơ hồ như gió thoảng trên sông, lại có lúc như tiềng khóc ai oán. Người ta đành tìm đến ngôi mộ ven rừng và khai quật lên. Trong mộ, chẳng có gì ngoài cái chiếu nát và một hòn đá màu hồng có hình dáng một trái tim. Họ xem kỹ hòn đá, không có gì đặc biệt, nên định ném trả lại huyệt rồi vùi đất chôn đi. Nhưng một người trong bọn lên tiếng xin hòn đá. Người này là một anh thợ đẽo và mài đá làm thành những vật dụng hàng ngày. Từ ngày đó, tiếng hát ma quái cũng hết luôn.
Vân Hương tìm đến nhà anh thợ đẽo đá Anh tiếp nó một cách e dè, ngại ngùng. Nó đi thẳng vào chuyện viên đá trong mộ Trương Chi, ngỏ ý muốn được xem. Anh thợ cho biết đã biến nó thành một cái chén uống nước. Anh lấy chén ra cho Vân Hương coi. Đó là một cái chén tống màu hồng, trông thô kệch và hơi nặng so với loại chén người ta thường dùng. Vân Hương bỗng nẩy ra ý muốn mua cái chén để làm quà cho tiểu thư. Nó hỏi :
”Bác định bán cái chén này bao nhiêu ?”
Anh thợ lắc đầu :
”Tôi không biết. Ai thích thì trả bao nhiêu cũng được. Tôi mất mấy ngày công đó.”
Vân Hương mở bọc lấy tiền trả ngay. Số tiền có lẽ quá lớn với anh thợ, nên anh trố mắt nhìn Vân Hương, chưa dám cầm ngay. Nó phải dúi vào tay anh, rồi bỏ chén vào bọc.
X X X
Trong những món quà nữ tỳ Vân Hương tặng, tiểu thư thích nhất cái chén tống bằng đá hồng, có thể vì lai lịch kỳ lạ của nó. Anh lái đò có giọng hát quyến rũ đã chết, cả thân xác anh kết tinh lại thành một viên đá hinh trái tim màu hồng, rồi viên đá đó được mài đẽo thành cái chén. Tiểu thư hỏi Vân Hương :
”Chén này có dùng để uống nước được không ? “
Vân Hương đáp :
”Em chắc là được. Xin tiểu thư thử rót trà vào xem.”
Tiểu thư liền làm theo lời nó. Nàng vô cùng ngạc nhiên vì trong chén nước có bóng một người chèo một con đò nhỏ xíu, nhưng trông rất rõ, với gương mặt thật đẹp. Nàng càng ngạc nhiên hơn khi nghe bên tai văng vẳng tiếng hát ngọt ngào, quyến rũ. Đúng là tiếng hát năm xưa đã từng làm nàng say mê đến tương tư. Thấy tiểu thư ngó đăm đăm vào lòng chén với vẻ mặt ngẩn ngơ, khác lạ, Vân Hương cũng vội nhìn vào chén nước, nhưng nó không thấy gì hết. Nó hỏi :
”Tiểu thư làm sao vậy ?”
Nó phải hỏi đến lần thứ ba, tiểu thư mới giật mình như choàng tỉnh, ngước nhìn nó, hỏi lại :
”Chị không nghe thấy gì sao ? Tiếng hát…Tiếng hát ngày xưa…Có cả hình bóng người chèo đò nữa…”
Vân Hương lại nhìn vào chén nước và lắng tai nghe, nhưng tuyệt nhiên nó không thấy mà cũng không nghe gì hết. Nó bỗng lo sợ vì nghĩ rằng cái chén ma quái đã thu mất hồn vía tiểu thư. Nó định giật cái chén lại, nhưng tiểu thư đã bình tĩnh nói :
”Chị đừng sợ, tôi không sao đâu. Tôi tỉnh mà.”
Vân Hương gặng hỏi :
”Tiểu thư có tỉnh thật không ? Tiểu thư tỉnh mà sao nói mê ?”
“Ai bảo chị tôi mê ? Rõ ràng tôi có nghe tiếng hát và thấy bóng anh lái cùng con đò.”
“Vậy tiểu thư cho em coi lại xem sao.”
Lần này Vân Hương cũng không thấy gì. Nó tức mình đổ hết nước đi, rồi trả lại chén cho tiểu thư. Chén không có nước, tiểu thư cũng không nghe tiếng hát và không thấy bóng anh lái đò. Tiểu thư chợt hiểu ra hai điều : phải có nước mới có bóng anh lái đò và có tiếng hát, và chỉ mình nàng được thưởng thức những điều ấy. Khi hiểu ra như vậy, nàng bỗng thấy một niềm vui rào rạt trong lòng. Nàng nói với Vân Hương :
”Anh Trương Chi chỉ muốn mình tôi thấy anh, mình tôi nghe anh hát, có lẽ để đáp lại mối tình tôi dành cho anh khi anh còn sống.”
Vân Hương thắc mắc :
”Tiểu thư có thấy mặt anh ta xấu xí như hôm anh ta được đưa vào phòng tiểu thư không ?”
Tiểu thư lắc đầu :
”Không, người này đẹp lắm. Tôi sợ Phan An, Tống Ngọc ngày xưa còn thua.”
Vân Hương gật đầu :
”Vậy thì đúng anh lái đò Trương Chi rồi. Em nghe người ta nói anh lái đò vừa đẹp vừa hát hay.”
Tiểu thư cau mày :
”Sao chị không cho tôi biết sự thật từ hồi đó ?”
Vân Hương cẩn thận nhìn trước ngó sau, khẽ nói vào tai tiểu thư :
”Tướng công cấm em nói thật với tiểu thư.”
Trầm ngâm một lát, tiểu thư có giọng buồn buồn :
”Bây giờ tôi hiểu rồi. Phụ thân tôi sai người hủy hoại gương mặt của anh lái đò.”
“Dạ, đúng như vậy, vì tướng công không thể cho phép tiểu thư hạ mình xuống ngang hàng với anh lái đò nghèo hèn.”
Tiểu thư chợt buông một tiếng thở dài não nuột..
Từ ngày Vân Hương trở về quê, tiểu thư lại thui thủi một mình một bóng trong phòng riêng, nhưng nàng không còn thấy cô đơn nữa. Nàng bây giờ đã có bạn, có thú vui riêng, tiếng hát của Trương Chi.
Ba năm trước, khi tướng công và phu nhân trả tự do cho Vân Hương, tiểu thư rất cô đơn, dù rằng phu nhân đã cho một nữ tỳ khác vào hầu hạ thế Vân Hương. Một phần vì nó còn mới quá, phần khác nó không được khôn lanh như Vân Hương , nàng chỉ coi nó như một đứa ở thuần túy, không tâm sự với nó như đã tâm sự với Vân Hương. Thế rồi bỗng Vân Hương trở lại thăm và tặng nàng một món quà khác thường và vô cùng quý giá.
Từ ngày có chiếc chén tống hồng ngọc, tiểu thư thường đuổi con nữ tỳ đi nơi khác, để được một mình ở trong phòng. Nàng suốt ngày say mê nghe tiếng hát phát ra từ cái chén và ngắm hình anh lái đò không chán mắt. Nàng cũng luôn luôn từ chối tham dự các cuộc vui tổ chức trong phủ Tướng công. Những ca công, ca nữ trong các buổi liên hoan ấy cũng có vài người hát hay, nhưng họ chỉ được quyền dùng giọng ca hay của họ để ca tụng Tướng công và những việc làm của ngài. Nghe mãi những lời tán tụng vô duyên, tiểu thư cũng thấy nhàm chán. Nay đã có tiếng hát Trương Chi, chỉ hát cho riêng mình nàng nghe, nàng đâu cần tham dự những buổi liên hoan nữa. Trong những lúc đó, nàng cảm thấy được an ủi rất nhiều và vui hẳn lên.
Tạ Quang Khôi
(1999)