Thanh trừng nội bộ: Kim Jong Un áp đặt luật huyết thống

Thanh trừng nội bộ: Kim Jong Un áp đặt luật huyết thống

Bà Kim Kyong Hui (T) và Kim Jong Un (P) trong lễ kỷ niệm 60 năm đình chiến Triều Tiên, Bình Nhưỡng, 25/07/2013

Bà Kim Kyong Hui (T) và Kim Jong Un (P) trong lễ kỷ niệm 60 năm đình chiến Triều Tiên, Bình Nhưỡng, 25/07/2013

REUTERS

RFI

Vụ hành quyết nhân vật số hai của chế độ, ông Jang Song Taek, chú rể của lãnh đạo Kim Jong Un, cho thấy cuộc tranh giành quyền lực quyết liệt và tàn khốc giữa các phe phái và dòng họ tại Bắc Triều Tiên. Giới quan sát cho rằng, dường như lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un muốn áp đặt luật huyết thống và bà Kim Kyong Hui, vợ của Jang Song Taek, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì quyền lãnh đạo Bắc Triều Tiên của dòng họ Kim. Việc bà Kim Kyong Hui vừa được chỉ định vào ban Tang lễ một nhân vật cao cấp của chính quyền Bình Nhưỡng càng củng cố giả thuyết này.

Theo nhận định báo Le Figaro, vụ triệt hạ Jang Song Taek cho thấy tình liên đới bản năng của phe gia đình họ Kim, sẵn sàng làm mọi việc để bảo vệ sự thống trị của họ. Chuyên gia Andrei Lankov, thuộc đại học Kookmin giải thích : Mục tiêu của một vị lãnh đạo Bắc Triều Tiên là nắm quyền cho đến khi chết. Do vậy, họ không bao giờ chia sẻ quyền lực.

Vụ thanh toán ông Jang Song Taek làm lộ rõ vai trò quyết định của một nhân vật cho đến nay ít được nhắc tới, thậm chí bị coi nhẹ : Đó là bà Kim Kyong Hui, cô của lãnh đạo Kim Jong Un, vợ của nhân vật bị hành quyết.

Với cặp kính đen trên khuôn mặt xanh tái và dáng người mảnh khảnh, bà Kim Kyong Hui, năm nay 67 tuổi, thường xuất hiện trong các nghi lễ chính thức với vẻ như một người hưu trí hiền lành, vô hại. Thế nhưng, người con gái út của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành lại là nhân vật trung tâm trong thảm kịch. Ông Lee Yun Keol, nguyên là nhân viên cơ quan an ninh ở Bình Nhưỡng, hiện tỵ nạn tại Seoul nói với báo Le Figao : « Bà Kim Kyong Hui thực sự là nhân vật số hai của chế độ. Chính bà là người đóng vai trò chủ chốt trong vụ thanh trừng ». Ông Lee đang làm việc cho Bộ Thống nhất Hàn Quốc, do có nhiều mối liên lạc với các quan chức tại Bắc Triều Tiên.

Sau hơn 40 năm chung sống vợ chồng, cuối cùng, bà Kim Kyong Hui đã hạ tay quyết định số phận ông chồng thay lòng đổi dạ mà bà đã ly thân một cách không chính thức từ nhiều năm qua. Việc hành quyết mau lẹ ông Jang chấm dứt mối quan hệ đã đưa một cán bộ trẻ nhanh chóng lên đến đỉnh cao quyền lực, nhưng chưa bao giờ có được sự tin tưởng hoàn toàn của gia đình họ Kim. Vì tình yêu, nữ sinh viên Kim Kyong Hui đã bất chấp sự phản đối của người cha, Kim Nhật Thành, để kết hôn với Jang Song Taek. Thế rồi, chính người vợ bị phụ bạc này đã bắn « viên đạn ân huệ », kết thúc cuộc đời ông Jang.

Báo chí Hàn Quốc nói nhiều đến khả năng trả thù vợ chồng. Tiếng tăm về tính tình trăng hoa và thú vui rượu chè của ông Jang đã tạo cái cớ bằng vàng cho cơ quan tuyên truyền Bắc Triều Tiên cáo buộc nhân vật này có « quan hệ không phù hợp với nhiều phụ nữ ». Điều này càng làm cho nhiều người suy đoán về mối liên hệ giữa số phận của của ông Jang với vụ hành quyết khoảng một chục ca sĩ « bốc lửa » của dàn nhạc quốc gia Triều Tiên, bị hành quyết hồi mùa hè vừa qua.

Trên thực tế, kết cục bi thảm của ông Jang phù hợp với chính sách thực dụng của chế độ độc tài ở Bình Nhưỡng, nhằm khẳng định sự thống trị, tính ưu việt của dòng họ núi Trường Bạch (Paektu), nơi được coi là ngọn núi thiêng, gắn liền với sự ra đời của đất nước Triều Tiên và cố lãnh đạo Kim Jong Il.

Tình trạng sức khỏe tồi tệ của bà Kim Kyong Hui đã thúc đẩy việc thanh toán nhanh chóng ông Jang Song Taek. Bị mắc bệnh thận nặng, sau khi kín đáo đi kiểm tra sức khỏe tại Singapore, bà Kim Kyong Hui biết rằng mình chẳng còn sống thêm được bao lâu nữa.

Từ tháng Chín đến nay, bà không còn xuất hiện trước công chúng nữa. Điều này càng làm tăng tin đồn, suy đoán là bà sắp qua đời. Nếu tình huống này xẩy ra, lãnh đạo trẻ Kim Jong Un sẽ mất đi một chỗ dựa thân tín, vững chắc. Theo ông John Delury, đại học Yonsei, Hàn Quốc thì nhiều người cho rằng cái chết của bà Kim Kyong Hui sẽ là một trắc nghiệm thực sự đối với Kim Jong Un, còn hơn cả khi người cha, ông Kim Jong Il qua đời. Bởi vì bà cô Kim Kyong Hui là người kế thừa trực tiếp cuối cùng của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, bà có trách nhiệm chuyển giao quyền lãnh đạo « chính đáng » cho đứa cháu, Kim Jong Un, vốn được ăn học tại Thụy Sĩ.

Trên giường bệnh, trong giờ phút lâm chung, cố lãnh đạo Kim Jong Il đã trao trách nhiệm cho người em gái của mình đỡ đầu, dẫn dắt cháu, Kim Jong Un, được chỉ định làm người kế thừa. Dấu hiệu rõ ràng nhất của sự dặn dò, thỏa thuận này là cả hai cô cháu cùng được phong làm tướng bốn sao trong cùng một ngày, năm 2010.

Ông Lee Yun Keol khẳng định : « Kim Jong Il đã nhắc nhở cả hai cô cháu về tính giả dối, hai mặt của ông Jang, nhấn mạnh là ông ta có thể lật đổ sự thống trị của Đảng duy nhất, bằng cách tiến hành các cải cách theo hướng tư bản chủ nghĩa ».

Nếu bà cô Kim Kyong Hui đột ngột ra đi, người cháu trẻ tuổi, Kim Jong Un, vẫn đang trong quá trình « học nghề », phải « đơn thương độc mã », đối mặt với ông Jang và mạng lưới bạn bè, chiến hữu của ông ta, được kết dựng từ 40 năm qua. Ông Jang có thể sẽ lạm dụng ánh hào quang bên gia đình vợ, nhẩy ra giành quyền lãnh đạo, thay thế cho đứa cháu vợ, vốn được ăn học ở Thụy Sĩ mà tính khí bốc đồng và trẻ tuổi làm cho giới lãnh đạo già rất khó chịu. Rủi ro này, phe họ Kim không thể chấp nhận được.

Trong bầu không khí hoang tưởng hoảng loạn, Kim Jong Un ra tay hành động từ giữa tháng 11/2013. Chỉ có thể trao nhiệm vụ cực kỳ nhậy cảm này cho một người thân tín trong gia đình. Lãnh đạo trẻ Bắc Triều Tiên đã chọn người anh cả, cùng cha, cùng mẹ, Kim Jong Chol, trong độ tuổi 30, rất kín tiếng, ít khi xuất hiện trước công chúng.

Kim Jong Chol, có khuôn mặt hiền lành, không được cha chọn làm người kế thừa vì tính tình « ủy mị », lần này ra tay như một vệ sĩ, bảo vệ sự nghiệp của gia đình. Một số quan chức Bắc Triều Tiên cho ông Lee Yun Keol biết là Kim Jong Chol đã hiện diện khi bắt giữ và hành quyết hai cố vấn thân cận của ông Jang. Sự hiện diện của Jong Chol là cần thiết, bởi vì nếu không có một đại diện của cá nhân lãnh đạo Bắc Triều Tiên, không một nhân viên an ninh nào dám bắt giữ ông Jang.

Chi tiết này cho thấy sự căng thẳng trong chế độ Bình Nhưỡng, giữa việc tuân thủ truyền thống Khổng giáo và luật huyết thống mà Kim Jong Un muốn áp đặt. « Nhiếp chính đỏ » Jang Song Taek biết trước số phận của mình và cam chịu. Là người trong bộ máy, ông ta hiểu được sự tàn nhẫn của chế độ.

Giới chuyên gia dự báo là cuộc thanh trừng nội bộ còn tiếp tục, nhắm vào những người thân cận với ông Jang và gia đình của họ.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay