THANH THIẾU NIÊN VÀ CÔNG TÁC XÃ HỘI (BÀI 1) – VIỆC TRỢ GIÚP NẠN NHÂN BÃO LỤT Ở MIỀN TRUNG NĂM 1964.
Đoàn Thanh Liêm
Lời mở đầu – Đã từ lâu, tôi dự tính viết một Bản Phác thảo về Lịch sử Sinh hoạt của giới Thanh Thiếu niên tại Miền Nam Việt nam trong giai đoạn 1950-1975. Nhưng vì còn bận rộn với nhiều chuyện khác có tính cách thời sự cấp bách hơn, nên việc soạn thảo này đã phải tạm gác lại, để khi nào có điều kiện thâu thập được nhiều tài liệu chính xác hơn, thì sẽ lại tiếp tục với công trình biên soạn có tính cách sử liệu này.
Tạm thời, người viết xin ghi lại một cách đại cương ngắn gọn về những công tác xã hội tương đối có quy mô rộng rãi, mà giới thanh thiếu niên ở miền Nam Việt nam đã thực hiện được trong thời gian 1964 đến 1975, dưới đề mục : “ Thanh thiếu niên và Công tác xã hội”. Loạt bài này sẽ gồm 3 bài, mỗi bài chỉ dài chừng 2,000 – 2500 chữ mà thôi.
Người viết chưa có điều kiện để đi sâu vào chi tiết về các sinh hoạt của phong trào thanh thiếu niên trong giai đoạn trước năm 1975 tại miền Nam Việt nam, nhất là của từng đơn vị đoàn thể, hiệp hội đã từng được thành lập từ lâu và đã có những hoạt động khá sôi nổi, bền vững trong một thời gian dài. Điển hình như Hội Hướng Đạo, các đoàn thể thanh thiếu niên do các tôn giáo tổ chức v.v… Do đó tác giả mong ước rằng tại mỗi một đơn vị đoàn thể, hiệp hội, sẽ có một ban đặc trách biên soạn về lịch sử sinh hoạt của riêng tổ chức của mình. Các tài liệu này sẽ là căn bản cho sự tham khảo của giới viết về lịch sử chung của toàn thể phong trào thanh thiếu niên ở miền Nam trong giai đoạn 1950-1975 vậy.
Xin mời quý bạn đọc quan tâm theo dõi mấy bài sau đây như là một gợi ý cho một công trình biên soạn hoàn chỉnh và đày đủ hơn trong tương lai vậy nhé.
Xin cảm ơn sự thông cảm của các bạn. ĐTL
* * Năm 1964 vào tháng 10 và 11, có trận bão lụt rất lớn tại một số tỉnh Miền Trung, đặc biệt Tuy Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi và Quảng Nam là các nơi bị thiệt hại nặng nề nhất. Đáp ứng lời kêu cứu của các bạn hữu là nạn nhân từ các địa phương bị lụt, giới thanh niên, sinh viên, học sinh tại Saigon đã hợp tác chung với nhau nhằm ra tay tiếp cứu những bà con nạn nhân của trận bão lụt dữ dội này. Anh chị em lập ngay ra một tổ chức lấy tên là “Ủy ban Phối hợp Cứu trợ Bão lụt Miền Trung” và chia nhau đảm trách các công việc tùy theo khả năng chuyên môn của mình. Đây đúng là sự phối hợp của nhiều đoàn thể, tổ chức của giới thanh niên, sinh viên và học sinh các trường Đại học cũng như Trung học, với tổng số người tham dự lên đến hàng vạn người.
Bắt đầu là do sáng kiến của Tổng Nha Thanh niên do Ông Nguyễn Đình Tú làm Tổng Giám Đốc. Ông Tú kêu gọi các đoàn thể đến Nha Thanh niên để bàn thảo cách thức hỗ trợ khẩn cấp cho các nạn nhân bão lụt. Và kết quả là Ủy ban Phối hợp đã được thành lập với sự tham gia tích cực của hầu hết các tổ chức tư nhân như Hội Thanh niên Thiện chí, Hội Hướng Đạo, ngành Nam cũng như ngành Nữ, Đoàn Sinh viên Phật tử, Đoàn Sinh viên Công giáo, Đoàn Thanh niên Chí nguyện, Phong trào Học đường Phục vụ Xã hội, Đoàn Thanh niên Ích thiện, Tổng hội Sinh viên, Ban Chấp hành Đoàn sinh viên và học sinh các trường v.v…
Có thể nói đây là lần đầu tiên có sự quy tụ đông đảo của các tổ chức tư nhân của giới trẻ ở thủ đô Saigon, nhằm đóng góp vào công tác xã hội nhân đạo cấp bách tại một số tỉnh xa xôi ở miền Trung. Các bạn trẻ đã có dịp phát huy sáng kiến về mặt tổ chức sinh hoạt nội bộ, và phân công cho nhau đi quyên đậu sự đóng góp của bà con từ khắp các ngõ ngách của thành phố. Các nhà thờ, các chùa, các trường học đều mở rộng cửa cho đoàn cứu trợ mượn làm kho chứa gạo, quần áo, vật dụng và thực phẩm do đồng bào đích thân mang đến tặng cho Ủy ban Cứu trợ. Để tránh sự lạm dụng, Ủy ban không trực tiếp đứng ra nhận tiền bạc của bà con có nhã ý hiến tặng. Nhờ sự thận trọng đó, mà anh chị em thanh niên sinh viên, học sinh tránh được sự dị nghị, thắc mắc của một số người vốn có tính đa nghi đối với những cuộc lạc quyên công cộng.
Hồi đó vào năm 1964 ở Saigon, thì chưa có đài truyền hình. Cho nên sự vận động công chúng tham gia cứu trợ, thì hoàn toàn phải nhờ vào đài phát thanh và các báo chí, cũng như cơ quan thông tin địa phương của chánh quyền cấp thành phố, cấp quận xuống đến tận cấp phường khóm. Trên phương diện cấp bộ, thì Bộ Xã hội là cơ quan tập trung các tin tức về tình hình biến chuyển từng ngày, từng giờ tại các địa phương. Và trên nữa, thì có một cơ quan cấp liên bộ do Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Oánh điều khiển, để phối hợp các hoạt động cứu trợ cho toàn thể các khu vực bị lâm vào cảnh cô lập, rất khó tiếp tế, bởi lẽ đường xá giao thông bị úng ngập không sao di chuyển dễ dàng được. Cho nên Ủy ban Cứu trợ của giới thanh niên phải làm việc ăn ý với các cấp chánh quyền ở địa phương, cũng như ở trung ương, thì mới có thể hoạt động có hiệu quả được.
Những phái viên của Ủy ban Phối hợp Cứu trợ được cử đến các tỉnh bị lụt, thì thường được sự cộng tác rất chặt chẽ và thân tình của các đoàn thể thanh niên cũng như của những cơ quan chánh quyền tại địa phương. Đặc biệt anh em chúng tôi lại được sự tiếp sức của các sinh viên Mỹ thuộc Đoàn Thanh niên Chí nguyện Quốc tế (IVS = International Voluntary Services) vốn đã từng làm việc trong ngành giáo dục và canh nông tại địa phương từ lâu, nên họ đã giúp chúng tôi hết sức hiệu quả, bằng cách liên hệ với các giới chức người Mỹ để cung cấp phương tiện chuyên chở người, và đặc biệt là phẩm vật cứu trợ đến tận tay các nạn nhân bị kẹt tại các vùng bị cô lập lâu ngày, vì đường xá bị hư hỏng, xe bình thường khó mà di chuyển đến được.
* * Kết quả là trong 3 – 4 tháng cùng chung nhau hoạt động trong Ủy ban Phối hợp Cứu trợ này, anh chị em thanh niên chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều về các phương diện “đối nhân xử thế” đối với đồng bào tại các địa phương hẻo lánh, ”về sự giao tế “với các cấp chánh quyền trung ương cũng như địa phương, và nhất là được “chứng kiến tận mắt nỗi khó khăn vất vả” của người nông dân tại các tỉnh miền Trung, vốn xưa nay là vùng đất khô cằn, mà “đất cày lên sỏi đá”.
Thế hệ chúng tôi lúc đó mới ở vào lứa tuổi 20-30, lòng còn đày nhiệt huyết, mà có dịp được sát cánh với nhiều bậc cha bác, các vị huynh trưởng ở Saigon, cũng như ở các địa phương nhằm cứu trợ những nạn nhân rất đông đảo ở các vùng quê bị bão lụt tàn phá, thì mở rộng được nhãn quan để hiểu biết và yêu mến xã hội đất nước và dân tộc của mình hơn trước đây, chỉ có ru rú ở một nơi tiện nghi an toàn của thành phố thủ đô, mà dễ bị lây nhiễm theo lối sống hào nhoáng kiêu sa của lớp người phong kiến, quan liêu trưởng giả. Và chúng tôi cũng đón nhận được những tình cảm thân thương, chân tình và bền chặt của đồng bào các giới, đặc biệt là của bà con từ các miền quê hẻo lánh. Nhờ sự tiếp cận cụ thể với các tầng lớp quần chúng nhân dân như vậy, mà lớp anh chị em chúng tôi có được cái ý thức sâu sắc hơn về các vấn đề xã hội, cũng như văn hóa trong cộng đồng dân tộc thân yêu của mình.
Rõ ràng là qua “chiến dịch cứu lụt” này, anh chị em chúng tôi đã trưởng thành, chín chắn, và chững chạc hẳn ra. Và rút kinh nghiệm từ giai đoạn hoạt động xã hội nhân đạo thực tiễn này, vào đầu năm 1965, bọn chúng tôi lại dấn thân vào một số chương trình hoạt động có quy mô còn lớn hơn công việc cứu lụt này rất nhiều. Đó là “Chương Trình Công Tác Hè 1965” và “Chương Trình Phát Triển Quận 8 Saigon” cũng khởi sự từ năm 1965, mà người viết sẽ xin được trình bày chi tiết cặn kẽ hơn trong các bài sau./
California, Tháng Ba 2010
Đoàn Thanh Liêm