Ông Ngô Đình Nhu cùng phu nhân, bà Trần Lệ Xuân cùng các con.
AFP photo
Ngày 1 tháng 11 năm 1963, Tổng Thống nền Cộng Hòa đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm cùng với bào đệ là Cố Vấn Tổng Thống Ngô Đình Nhu bị giết tại Sài Gòn trong một cuộc đảo chính. Đây cũng là khoảnh khắc khép lại thời vàng son của dòng họ Ngô Đình. Và đây cũng là thời điểm mà cố hương của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm gặp nhiều nguy biến nhất. Có thể nói rằng số phận lênh đênh của dòng họ xuất chúng này vẫn chưa bao giờ ngừng.
Cố hương vời vợi…
Một người tên Hàm, sống ở Lệ Thủy, Quảng Bình, chia sẻ: “Ông đầu tiên học trường thuộc địa, gọi là trường Hậu Bổ, sau đó ra làm quan Tuần Vũ, cũng như tỉnh trưởng vậy đó. Sau đó nhờ tài năng ông được rút về trung ương, tức triều đình Huế. Sau đó đụng chạm với Phạm Quỳnh, đụng phải sự cố chấp, không chịu canh tân, ông từ quan. Sau đó nữa ông âm thầm hoạt động cách mạng độc lập, để có nền Việt nam Cộng Hòa sau này là nhờ ông biết hoạt động độc lập…”.
Theo cụ Hàm, quê gốc của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm không phải ở làng Đại Phong, xã Phong Thủy, Lệ Thủy, mà là ở phủ Xuân Dục, Quảng Bình. Cụ Ngô Đình Dinh, ông nội của Tổng Thống Diệm là một con chiên mộ đạo. Do tránh nạn tiêu diệt Ki-Tô giáo của triều đình Huế, cụ đã trốn vào làng Đại Phong, Phong Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình để sống.
Ban đầu cụ làm nghề chèo đò, nấu nước trà cho làng mỗi khi có lễ lạc. Bởi quan niệm dân gốc và dân trú thời đó nên cụ gặp rất nhiều khó khăn, sống trong nghèo khổ, bần hàn. Cụ sinh được một người con là Ngô Đình Khả, chính là thân sinh của Tổng Thống Ngô Đình Diệm sau này. Cụ Dinh mất sớm do bệnh tật, lúc đó, Ngô Đình Khả là đứa bé sáu tuổi. Một vị linh mục người Pháp mang Ngô Đình Khả về nuôi và cho học hành tử tế. Vốn có tư chất thông minh, Ngô Đình Khả nhanh chóng thăng tiến sau này nhờ vào học hành.
Với đời vợ cả, cụ Ngô Đình Khả sinh ra được hai người con trai là Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Thục. Sau khi vợ cả qua đời, cụ Khả tái hôn với bà Phạm Thị Thân, sinh ra sáu người con là Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn, Ngô Đình Luyện, Ngô Đình Thị Giáo và Ngô Đình Thị Hiệp.
Với gia thế làm quan kể từ sau giai đoạn khó khăn của ông nội Ngô Đình Dinh, có thể nói rằng đến thời cụ Ngô Đình Diệm là thời phát tiết của tộc Ngô. Cụ nổi tiếng là người học giỏi, cụ được Pháp đưa sang mẫu quốc để du học nhưng cụ không chịu đi để giữ khí tiết chống thực dân đô hộ, cụ ra Hà Nội để học Hành chính quốc gia, còn gọi là trường Hậu Bổ. Năm 1921, cụ tốt nghiệp trường Hậu Bổ và về làm quan tại Huế. Thời kì làm quan của cụ là thời kì mà nhân dân địa phương được sống sung túc nhất dưới sự dẫn dắt của cụ.
Cụ tổ chức đào kênh, đắp đường lộ, làm nhiều việc có lợi cho dân. Sau nhiều biến thiên lịch sử, cụ phải trốn sang nhiều nơi, thậm chí nhiều nước. Và đến năm 1954, cụ làm Thủ tướng dưới quyền của Quốc trưởng Bảo Đại. Mười năm sau, năm 1955, nền Cộng Hòa đầu tiên của Việt Nam ra đời dưới sự dẫn dắt của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm.
Cuối năm 1955, cụ Diệm làm Quốc Trưởng và sau này đổi thành danh xưng Tổng Thống cho đến tháng 11 năm 1963.
Ông Hàm cho rằng cái chết và sự lưu vong của gia đình họ Ngô là do một thủ đoạn tính toán về phong thủy. Bởi lúc đó, Quảng Bình nằm phía Bắc vĩ tuyến 17, thuộc lãnh địa của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Nghiệt nỗi, mộ cụ nội của Tổng Thống Ngô Đình Diệm vẫn nằm trên đất Đại Phong, Phong Thủy, Quảng Bình. Mà theo lời của một nhà chiêm tinh có uy tín lúc bấy giờ thì đất Lệ Thủy sinh ra bậc kỳ tài, ứng vào tộc Ngô và tộc Võ.
Sông Kiến Giang, đoạn ngang qua ngôi mộ cụ Dinh. RFA photo
Nếu giữ bậc hiền tài tộc Ngô thì khí vận của nhân tài tộc Võ không đủ để lay chuyển thời vận. Và người ta đã nhắm đến mộ của cụ Ngô Đình Dinh, ông nội cụ Ngô Đình Diệm để phá phách, trấn yểm. Việc trấn yểm, phá phách này kéo dài gần chục năm, cho đến khi ngôi mộ của cụ Dinh bị phá tan hoang cũng là lúc Tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu bị ám sát.
Hiện tại, không còn dấu vết nào của dòng họ nhà Ngô Đình trên đất Đại Phong, Phong Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình. Mặc dù trong quá trình di cư, vẫn còn nhiều người họ hàng của tộc Ngô Đình sống lại làng Đại Phong nhưng đã đổi thành một họ khác như Trần, Lê. Sau biến cố ngày 1 tháng 11 năm 1963, những người họ hàng này lại một lần nữa rời bỏ quê hương, sống lưu vong.
Dấu xưa không còn và ngôi mộ thiên táng
Cụ Hải, sống ở Đại Phong, Lệ Thủy, Quảng Bình, chia sẻ: “Nhà ông Giáp và ông Diệm gần nhau. Rõ ràng ông Diệm phải giỏi ngang ngửa với ông Giáp mới đấu nổi với nhau chứ. Nhưng do người ta giết hại ông Diệm nên đành vậy thôi.”.
Theo cụ Hải, lúc cụ Ngô Đình Dinh, tức ông nội của Tổng thống Ngô đình Diệm qua đời, vì gia cảnh nghèo khó, vợ chết sớm, chỉ có một con trai nhỏ là Ngô Đình Khả mới sáu tuổi. Hai cha con sống lây lất qua ngày bằng việc chèo đó thuê ban ngày và ngủ nhờ đình làng ban đêm. Khi cụ Dinh mất, dân làng thương tình mua áo quan khâm liệm và chèo thuyền đưa thi hài ông dọc theo sông Kiến Giang, đến núi Bến Đẻ để an táng.
Nhưng đi nửa đường thì trời đổ mưa, nghe tiếng cọp gầm, dân làng sợ quá đào qua loa một huyệt bên đường lên núi để chôn tạm rồi sáng mai tiếp tục an táng. Đang đào thì cọp gầm gần quá, người dân hoảng hốt lấp vội đất và bỏ chạy. Sáng mai, bà con lại bơi ghe lên chỗ huyệt mộ để lấp đất cho tử tế. Nhưng khi đến nơi thì thấy một gò đất tròn, cao đã phủ trên ngôi mộ. Gò đất này do mối đụn lên mà tạo thành. Người làng kháo nhau ngôi mộ được thiên táng, tức trời chôn, đời sau sẽ phát tích. Và chuyện này đã thành sự thật.
Cùng lúc đó, bên khu nhà thờ làng tộc Võ, một cây dừa bị bão đánh đã lâu, từ thân khô của nó mọc ra hai nhánh và phát triển rất nhanh. Tin đồn về khí vận ở Lệ Thủy đang phát tiết lan rộng. Trong đó, ngôi mộ thiên táng của tộc Ngô được cho là tụ khí hơn khu nhà thờ làng có cây dừa mọc đôi của tộc Võ.
Đến những năm 1950, công cuộc đào phá long mạch mộ tộc Ngô bắt đầu nhưng không có tác dụng. Đến năm 1961, một đường hầm đào xuyên qua trước ngôi mộ, gọi là công sự để chế tạo vũ khí nhưng thực chất chưa bao giờ có vũ khí nào chế tạo ở đây.
Sau đó một thời gian, các đường công sự đào ngang đào dọc và ngôi mộ cũng tự dưng biến mất. Cuối cùng là cái chết thương tâm của gia đình Tổng thống Ngô Đình Diệm và cuộc đời tứ tán của dòng họ Ngô. Dấu vết xưa của dòng họ Ngô trên đất Lệ Thủy, Quảng Bình cũng không còn.
Theo như chia sẻ của cụ Hải thì khi mà khí vận của đất Lệ Thủy bị tuyệt, từ đó đến giờ, đời sống khó khăn, người đỗ đạt cao một cách nghiêm túc rất hiếm và niềm tự hào của người dân về gia tộc họ Ngô cũng bị triệt tiêu một cách đáng sợ. Nhưng cụ Hải cũng khẳng định rằng nếu chọn một điều gì đó để nói về quê hương mình, ông sẽ chọn gia tộc họ Ngô bởi đây là một gia tộc đi từ nghèo khổ đến đỗ đạt và cống hiến cho dân tộc này rất nhiều.