“TA THẤY EM ĐÊM ĐÊM ĐÒI LẠI TIẾNG NÓI”

“TA THẤY EM ĐÊM ĐÊM ĐÒI LẠI TIẾNG NÓI”

 Tác giả:  Lm. Vĩnh Sang, DCCT

Người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn đã ra đi, để lại cho chúng ta một kho tàng âm nhạc tuyệt vời, không chỉ những dòng giai điệu nhưng còn là cả ca từ nữa, ngoài những nét mộng mị triết lý, người nghe còn cảm nhận sự ngạc nhiên đến lạ lùng về tính tiên báo đầy cảm xúc của Trịnh qua mỗi câu chữ.

 

Kể từ khi xuất hiện bài hát “Gọi tên bốn mùa”, có ai ngờ một ngày hình ảnh những người tham gia tuần hành vì biến cố xả độc ra biển của Formosa, bị những thanh niên mạnh khỏe đầy sức trẻ đánh tóe máu đầu, nạn nhân là bà mẹ trẻ và đứa con thơ, để câu chữ “Tuổi xuân ơi sao lạnh dòng máu trong người ?” vẩn vơ trong tâm trí mọi người ? Ngày 30 tháng 4 năm 75, ông cầm đàn hát trên đài phát thanh Sàigòn lời “Huế – Sàigòn – Hà Nội” để hí hửng ca tụng cái gọi là “giải phóng”, thì cũng có ngày bao nhiêu con người ngậm ngùi lời “Gia tài của mẹ, một nước Việt buồn” của ông sau hơn 40 năm xây dựng một đất nước, trong đó có công sức đóng góp của chính ông làm thay đổi vận mệnh đất nước này, sự mắm muối là hơn 40 năm rồi lời ca mới thấm, mới xót !

  Và bây giờ, hôm nay, nhìn những người dân vùng biển Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, đã hơn sáu tháng, ngụp lặn từng ngày trong bầu khí chết chóc, âm u, buồn thảm. Đang “đi quanh từng giọt nước mắt”, đang “đi quanh từng ngọn nến tắt” và đang “kêu tên một ngày xa lắc” mà không ứa nổi nước mắt ? nghẹn họng và đắng lòng quá ! Bài “Ru đời đã mất” diễn tả thực tế thật lạ lùng. Đúng thật, đêm nay, người dân vùng biển chết đang “run từng ngọn gió bấc sang mùa”.

 Những hình ảnh gởi lên mạng truyền thông từ đoàn người đi thâu đêm “đòi lại tiếng nói”, những chuyến xe đêm âm thầm, căng thẳng, muộn phiền ! “Ta biết riêng em thôi buồn vì gian dối con người”.

 Có ai cảm được bầu khí u ám bao quanh những con người chờ chết không lối thoát, không phải một người, một xóm người, một làng người… Đừng tưởng như thế, đây là cả một giống dòng, một dân tộc, một đất nước. Cái chết đang len vào bàn cơm của mọi người qua mắm, qua muối, qua rau quả, qua nước uống ! Bao giờ chúng ta nhận ra để thuộc về những con người “đêm đêm đòi lại tiếng nói” ?

 Tôi nhìn thấy ở sân nhà xứ Giáo Xứ Phú Yên câu khẩu hiệu “Khởi kiện Formosa là mệnh lệnh của lương tâm”. Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh nói: “Khởi kiện Formosa là cứu lấy chính mình, cứu lấy dân tộc mình và cứu lấy chính họ, giúp cho họ thấy cái sai mà ngừng ngay lại”. Họ là ai vậy ?

 Hãy cùng nhau đòi lại tiếng nói của chính mình !

 Lm. VĨNH SANG, DCCT, 29.9.2016

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay