SUY NGHĨ TỪ VỤ SẠT LỞ Ở TRÀ LENG (NAM TRÀ MY)…
Vụ sạt lở kinh hoàng đã vùi lấp toàn bộ 11 gia đình ở xóm 1, xã Trà Leng, Nam Trà My, trong đó có gia đình bí thư xã.
Dân cư ở Trà Leng trên 95% là người Mơ Nông. Nghề chính của họ là trồng quế (quế Trà My nổi tiếng), kết hợp trồng các cây dược liệu, ăn quả, thu hoạch sản phẩm rừng. Đất đai ở đây phì nhiêu với chất đất đỏ bazan nổi tiếng của Tây Nguyên, độ cao trên 1200m rất lý tưởng về thời tiết và khí hậu ôn hòa để trồng dược liệu. Địa hình vùng này rất dốc, núi cao, chia cắt bởi các dãy núi và khe suối, sông hình thành từ bao đời nay.
Người M’Nông bao đời nay chung sống với rừng, ở trong rừng, khai thác nguồn lợi từ rừng, bảo vệ rừng để tồn tại và duy trì nòi giống. Họ nghèo, lạc hậu, nhưng cuộc sống bao đời nay ổn định.
Khác với nam Tây Nguyên, khu vực này địa hình rất dốc, không được phá rừng mà phải bảo tồn với sự góp sức của chính người dân bản địa. Sự tàn phá rừng của người Kinh bao năm nay (những Đoàn Nguyên Đức, những Nguyễn Thị Như Loan đêu kiếm hàng trăm triệu đô từ phá rừng khu vực này…) đã gần như làm trụi các khu rừng nguyên sinh, chỉ để lại những cây bụi vô dụng.
10 năm nay sự phát triển của thủy điện (Riêng Nam Trà My có Sông tranh 2 rất lớn cộng gần chục thủy điện nhỏ) tàn phá nốt những gì còn lại của các khu rừng đặc dụng, rừng bảo tồn ở Nam Trà My (xem ảnh vệ tinh khu ngã ba Đông Dương).
Dân vẫn nghèo. Họ không còn khả năng làm những ngôi nhà tranh xinh xắn đặc trưng Tây Nguyên với nhà dài, nhà rông nữa. Họ được “kinh hóa” với nhà mái tôn, với đường giao thông chở gỗ được về xuôi, con cái được đi học, có cả điện… Nhưng họ mất hết rừng tự nhiên là mái nhà nuôi che họ, mất hết nguồn sống truyền thống là dựa vào rừng.
Lũ lụt và sạt lở đất là nguy cơ hiển hiện.
Xóm 1 nằm ngay dưới chân ngọn núi lớn, phía trên là quả núi cao đã bị phá trụi (xem được qua ảnh vệ tinh google).
Và thảm họa đã xảy ra…
Giờ thì đã quá muộn để quay lại như xưa.
Quá muộn để dân cư ở đây có cuộc sống bền vững…
KIM VAN CHINH