Sài Gòn: Trẻ em mắc bệnh tâm thần tăng vọt
Tuesday, May 27, 2014 ng
SÀI GÒN (NV) – Thống kê của bệnh viện tâm thần Sài Gòn cho thấy, có đến 25,000 trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 15 mắc bệnh tâm thần được điều trị trong năm 2011. Năm 2012, con số này lên tới 28,000 em, và năm 2013 là 32,000.
Báo Thanh Niên dẫn phúc trình của Khoa Tâm Lý Tâm Thần Trẻ Em thuộc bệnh viện tâm thần ở Sài Gòn nói rằng, đa số bệnh nhân nhỏ tuổi đến khám bệnh tăng vọt bất thường vào mùa thi. Thế nhưng kể từ đầu năm 2014 đến nay, theo Bác Sĩ Lâm Hiếu Minh, phó trưởng khoa Tâm Lý-Tâm Thần Trẻ Em, số bệnh nhân vị thành niên đến bệnh viện này tăng vọt đến chóng mặt. Bác Sĩ Hiếu Minh xác nhận rằng, mỗi tuần có đến 700 em đến khám và chữa bệnh, trung bình là 100 em một ngày.
![]() Bệnh nhân bệnh viện tâm thần. (Hình: Báo Người Ðưa Tin) |
Báo Thanh Niên dẫn lời Bác Sĩ Lâm Hiếu Minh nói rằng, nếu con số thực tế trên không giảm, chắc chắn trong vòng 5 năm tới bệnh viện tâm thần Sài Gòn sẽ không còn chỗ chứa bệnh nhân trẻ em. Triệu chứng thường thấy ở số bệnh nhân này là trạng thái hay hốt hoảng, lo âu thái quá. Trong số này, có rất nhiều em là học sinh giỏi, hoặc đang theo học các “trường chuyên” ở Sài Gòn.
Báo Thanh Niên đưa trường hợp của một nam sinh đang học lớp 10 vừa đoạt giải “Học sinh giỏi cấp thành phố” ở Sài Gòn làm bằng chứng điển hình. Em này đang trong thời gian ôn luyện để tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia thì lâm vào tình trạng khủng hoảng tinh thần. Gặp bác sĩ ở bệnh viện tâm thần, em kể bị bệnh run tay chân, đổ mồ hôi lạnh, và đâm ra sợ hãi, hoảng loạn khi nhìn thấy cuốn sách…
Bác Sĩ Hiếu Minh còn liệt kê một số dấu hiệu cho thấy, học sinh có triệu chứng của bệnh tâm thần như không muốn đến trường học, sợ tiếp xúc với bạn bè; và… tiểu trong quần khi vừa nhìn thấy cô giáo. Cũng theo Bác Sĩ Minh, nguyên nhân trực tiếp khiến các em đi đến nguy cơ bị mắc bệnh tâm thần là tình trạng bị cha mẹ thường xuyên la rầy vô cớ hoặc ép buộc phải học ngày, học đêm.
Dư luận cũng cho rằng, một số vụ học sinh nhảy lầu hoặc thắt cổ tự tử thời gian qua cũng vì sống trong tình trạng căng thẳng quá lâu trong gia đình, hoặc bị sức ép tâm lý nặng nề từ phía cha mẹ. Từ nhiều năm trước, có em nữ sinh bị mẹ ép học ngày đêm mà không đạt kết quả mong muốn, đã lao vào xe lửa để tự tử tại quận 3, Sài Gòn.
Theo Bác Sĩ Hiếu Minh, cha mẹ cần quan tâm và dành thời gian để nói chuyện, chia sẻ những khó khăn trong việc học hành, kể cả vui buồn trong cuộc sống với con em mình để giúp ngăn chặn tình trạng trên. (PL)