SỰ RA ĐI CỦA MỘT NGƯỜI
Tác giả: Tuyết Mai
Trước tiên xin Thiên Chúa mở rộng lòng từ bi Chúa, đón nhận tất cả mọi linh hồn đã chết bằng cách tự tử để chấm dứt cuộc đời của họ, ngoài ý muốn của Chúa; trong một tâm trạng mù rối và tuyệt vọng. Cần thiết và quan trọng nhất là người ở lại (survivors) là gia đình cần thêm lời cầu nguyện thật nhiều cho linh hồn người thân của họ.
Buồn đau nhất là những linh hồn có đạo, không biết động lực xúi biểu nào đã dẫn đưa linh hồn ấy đi tìm cái chết để thôi muốn sống?. Đã làm cho chẳng những gia đình buồn đau mà còn cả bao nhiêu bạn hữu thân thiết. Tất cả đều tỏ lộ sự bất mãn vì hành động thiếu suy xét và điên rồ ấy, không nhất thiết phải để xẩy ra như vậy!.
Chẳng lẽ những linh hồn này lại có thể yếu đuối và bất lực đến như vậy hay sao? Trong khi ta hãy nhìn xã hội mà xem biết bao nhiêu người không nhà không cửa, không người thân thương, không đủ miếng ăn nước uống, không thuốc men, thì họ sống ra làm sao?. Ta có thấy ai tự tử đâu chỉ trừ khi họ bị giết hại thì không nói làm gì, thưa có phải?.
Các bác sĩ về Tâm Bệnh khuyên hết thảy chúng ta hãy để ý đến những dấu hiệu của người có ý định tự tử. Nhưng khổ nỗi con người thường khi nghe ai hăm he tự tử thì
chẳng những không tin mà còn phá ra cười rũ rượi. Thật phải vì hầu hết khi ai nói như vậy thì ta cho là họ đùa cợt cách thái quá, cách lố lăng, và cần sự chú ý của chúng ta, hay lợi dụng thời giờ của chúng ta mà than vãn về đời tư của họ.
Điều này thì cháu gái lớn nhà tôi đã trải qua bao nhiêu kinh nghiệm với sự lợi dụng của bạn bè, vì cháu có tấm lòng rất tốt. Họ lợi dụng thời giờ của cháu và sự chăm sóc thật tận tình của cháu nữa. Thế thì trong một cuộc sống quá xô bồ, quá bận rộn
thì lấy ai hay lấy thời giờ đâu để mà lắng nghe hay thông cảm cho người?. Sự thật thì ngay cả trong gia đình chúng ta mà sự gần gũi và cho nhau thời giờ đã là chuyện hiếm thấy có của rất nhiều gia đình.
Có phải đó là nguyên do chính cho những vũ tự tử, đã xẩy ra không? Những lần ta nghe thấy trường hợp như thế thì ai là người có trách nhiệm trên người đã chết ấy?. Hay chúng ta cũng chẳng cần biết vì chẳng phải chuyện của ta và tin rằng chẳng bao giờ lại có thể xẩy đến cho ta hay cho gia đình?.
Để tin được như thế thì hy vọng rằng gia đình chúng ta luôn phải sống bám vào Thiên Chúa, là điều cần thiết hơn cả!. Kế đến là cố gắng dành thời giờ cho nhau ít là trong giờ cơm tối của gia đình. Hoặc tập thói quen tốt lành là chung nhau đọc kinh tối. Chỉ có thế thì Thiên Chúa và Mẹ Maria sẽ luôn ngự trị trong lòng và tâm hồn của từng người chúng ta.
Còn vấn đề sức khỏe, chúng ta cũng nên thường xuyên để ý lẫn nhau, để có thể đoán được một người có tâm trạng chán sống như: ít nói hẳn, thích co rút một mình vào một nơi trống vắng, không thích trò chuyện cùng ai, uống rượu giải sầu, hay có những thái độ hay hành động đáng nghi ngờ, v.v… Chúng ta có thể mang người nhà của chúng ta đến gặp bác sĩ để được bác sĩ khám bệnh và trị liệu, nếu người ấy mang chứng bệnh trầm cảm trầm trọng; cần phải có thuốc uống, để có thể quân bình lại những gì rối rắm trong bộ óc không được bình thường ấy.
Dầu gì đi chăng nữa thì người thân thương của chúng ta cũng cần thiết và quan trọng hơn nhiều đối với những vật chất vô tri vô giác mà chúng ta mãi hoài kiếm tìm ở ngoài kia!?. Hy vọng những lời khuyên trên cũng giúp được ít nhiều cho anh chị em và xin hiểu rằng sự sống của chúng ta ảnh hưởng đến rất nhiều người chung quanh. Vì uổng lắm thay Thiên Chúa tác tạo ra từng người là để nhờ ta một tay hoàn tất chương trình của Chúa trên thế gian này. Tưởng tượng hình ảnh ấy chẳng khác nào Thiên Đường là ngọn Núi Cao, nhưng thiếu người làm Đường thì con đường Thiên Đàng ấy sẽ bị chậm lại vì thiếu nhân lực. Mà con đường xây cất ấy vẫn cứ phải liên tục được xây cho đến khi xong; như câu “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”
vậy!.
Y Tá của Chúa,
Tuyết Mai
12-05-12