Sợ

Sợ

Nguoi-viet.com

Tạp ghi Huy Phương

Con người ta suốt đời quanh quẩn trong một chữ “sợ.” Câu nói này không có gì là quá đáng, nếu bạn để ý quan sát trong nhóm người trung lưu, là thị dân ở chung quanh đây thôi.

Người phụ nữ sợ già, sợ xấu nên phải lui tới thẩm mỹ viện căng da, hút mỡ bụng, nâng ngực, sửa mũi, hay trang điểm, phấn son nhuộm tóc, mang lông mi giả, phun xăm lông mày, môi; sợ chồng chê nên phải “làm đẹp vùng kín…” Cũng có những người sống bằng những nỗi sợ của người khác là ông bác sĩ thẩm mỹ, những nhà trang điểm hay cả người thợ nhuộm tóc.

Sinh ra làm người, ai cũng sợ đói khát, sợ nghèo nàn, sợ chiến tranh, sợ chết chóc, sợ chia lìa. Có ai cho mình là người hoàn toàn không biết sợ. Với cảm giác thì sợ lạnh, sợ nóng, sợ đắng, sợ chua. Với vật thể thì có người sợ rắn, sợ gián, sợ giun, sợ…vợ, với tình cảm thì sợ buồn, sợ khổ. Người ngay thẳng thì sợ lưu manh, lường gạt, kẻ gian tà thường sợ cảnh sát, quan tòa và nhà tù. Trong xã hội bất an thì sợ tù đày, giam cầm, bắt bớ. Lo cho tấm thân thì phải biết sợ để kiêng cữ ăn uống, luyện tập cơ thể; sợ miệng tiếng mang họa thì giữ ý, nhịn lời; sợ người ta chà đạp đến danh dự của mình và cả của gia tộc thì phải biết giữ gìn nhân cách.

Sự sợ hãi lớn lao nhất là sự sợ hãi trước quyền lực. Bạo quyền thường tạo sự sợ hãi để khuất phục quần chúng, đã dùng roi điện, dùi cui, cùm kẹp, lưỡi lê, súng ống, nhà tù và cả xe thiết giáp như chiến xa Liên Xô vào Budapest năm 1956 hay của Trung Quốc dàn trận tại Thiên An Môn năm 1989.

Trong một xã hội độc tài sắt máu, chỉ những người không biết sợ mới trở nên anh hùng. Họ đối diện với sự đàn áp, trả thù, đánh đập và tù đày. Họ là những người như Đỗ Thị Minh Hạnh, Trần Khải Thanh Thủy, Tạ Phong Tần, Huỳnh Thục Vi, Điếu Cày, Phạm Thanh Nghiên, Việt Khang… sống dưới chế độ Cộng Sản mà dám thách thức đấu tranh trực diện với chính quyền có đủ quyền lực trong tay.

Trong khi chúng ta, những người đang sống trên mảnh đất tự do, được pháp luật bảo vệ, không ai dò xét, đàn áp mà lại sợ hãi, ngay cả những người vỗ ngực mang tiếng đấu tranh cho những người trong nước, đấu tranh cho dân chủ, tự do, nhân quyền.

Những buổi giới thiệu tác phẩm của một tác giả bình thường của hải ngoại, một tác giả chống Cộng, lại thường được chặn đường bằng những người mang danh chống Cộng. Tác giả vinh danh lá cờ vàng của tổ quốc ở trong hội trường, có đông đủ cử tọa, những người đã đóng góp công sức, xương máu và những năm tháng tù đày cho tổ quốc, thì bên ngoài cũng có những người mang lá cờ cùng màu sắc với bên trong, đang la ó, kêu gào chửi rủa, chỉ với một lý do: Họ đả đảo cái địa điểm tổ chức.

Họ dùng lá cờ và những lời mạ lỵ để hăm dọa, cản bước những người muốn đến tham dự một sinh hoạt văn học của một người quốc gia chân chính. Và chính vì lý do này, nhiều người đã …sợ.

Một ban nhạc có tiếng đấu tranh cho dân chủ, tự do và nhân quyền từ nhiều năm qua, kể cả những người trong cuộc đã từng là nạn nhân của chế độ trả thù của Cộng Sản trong nước, đã chùn chân vì một lời nhắn qua của một người vô danh, đứng trong bóng tối, không biết tên, biết họ, ném đá giấu tay. Chúng hăm dọa nếu ban nhạc này đến đây, sẽ có biểu tình lớn.

Cuối cùng là… buổi sinh hoạt có tính cách văn học, nói lên tội ác Việt Cộng này không có cái ban nhạc như đã ghi trong chương trình và trong thư mời độc giả, vì người chủ trì ban nhạc …sợ! Và chỉ vì sợ một lần, chúng ta sẽ phải sợ mãi mãi, và những người hăm dọa trở thành những người đắc thắng như thực sự họ có quyền lực vậy.

Buổi sinh hoạt giới thiệu tác phẩm mới này, cuối cùng cũng quy tụ được những người, có lẽ là những người… không biết sợ. Cuộc biểu tình theo lời hăm dọa không lớn lắm, nếu thời còn bé chúng ta bắt đầu dùng 10 ngón tay của mình để tập đếm trong giờ toán học đầu tiên của mình.

Cũng có nhiều người là cấp chỉ huy một thời oanh liệt, đụng trận đối đầu với cả một trung đoàn Cộng Sản xâm lược, đã nhiều lần mang thương tích ngoài mặt trận, không hề sợ Việt Cộng vì chuyên săn lùng và giết Việt Cộng, đã chùn bước vì sợ một lời kêu… “đả đảo” vô nghĩa của một người vô danh. Những người này đã nhân danh lá cờ chính nghĩa của chúng ta để áp lực, hăm dọa những người không làm theo và dám trái ý họ.

Nhiều người cho rằng “tránh voi không xấu mặt,” nhưng càng tránh, người ta càng lấn tới, càng tránh người ta tưởng rằng họ có chính nghĩa, chính nghĩa đó có nghĩa là bắt người khác phải theo mình, ai không giống tôi, họ là kẻ thù của tôi!

Chúng ta thông cảm và hiểu nỗi áp bức của những người trong nước, đang sống dưới chế độ công an trị, phải “giả dại qua ải,” chính Nguyễn Tuân xác nhận, ông gìn giữ được suốt đời là “nhờ biết … sợ,” vậy mà cũng phải ở tù 10 năm. Nhưng chúng ta đang sống trên đất tự do, không ai có quyền dọa nạt, uy hiếp, khủng bố bằng cách gọi điện thoại, hăm he hay tập họp để la lối, xỉa xói vào mặt người khác vì những lý do rất buồn cười, khó chấp nhận. Và, vì có người sợ, nên họ tiếp tục ngang nhiên sách nhiễu người khác.

Nếu ở đây, trong cái “ghetto” với những thế lực vô minh, chỉ dùng những lời hù dọa đã làm cho chúng ta lo sợ, như sợ những bóng ma mà chịu cúi mình, thì ở trong nước ai vào tù, ra khám, tranh đấu cho điều mà chúng ta thường gọi là tự do, dân chủ và nhân quyền?

Như vậy chúng ta còn dám tranh đấu cho ai hay nhân danh ai mà tranh đấu?

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay