TẠP GHI HUY PHƯƠNG….
Quên là không còn nhớ?!
Bây giờ chúng ta không còn lấy lý do vì tuổi già mà quên nữa, bằng chứng là một thanh niên chỉ mới 19 tuổi, Connor Spear, ở Anh Quốc, đi dự một lễ hội âm nhạc, đậu cái xe của mình ở đâu, mà mãi một tuần sau vẫn chưa nhớ ra.
Cái quên vớ vẩn thì ai cũng có lần quên, cái chìa khóa xe, cái kính lão. Đi ra khỏi nhà quên cái điện thoại, cái ví đựng tiền và bằng lái xe cũng là việc thường tình. Nếu không ghi vào tờ lịch treo tường, thì ngày đi dự đám cưới, tang lễ bạn bè cũng có khi quên. Có người quên cả tên người bạn cũ, quên cái tên đường, quên tên cái quán ăn.
Nhưng cái quên đau đớn nhất của con người là quên trẻ nhỏ trên xe giữa trời nóng mà không nhớ ra. Chỉ trong năm 2018, trên nước Mỹ đã có hơn 50 em bé thiệt mạng vì cha mẹ không nhớ ra, là trước khi xuống xe, khóa cửa mà đứa con mình còn ngồi trong cái car-seat. Có những bà mẹ “đoảng” ham hú hí với bạn trai mà bỏ con trên xe, nhưng cũng có nhà thông thái là giáo sư đại học, thay vì trước khi đến trường, phải ghé qua gửi con ở nhà trẻ, lại quên mất là con mình đang ở trên xe, đến chiều ra parking lấy xe về nhà mới phát hiện con mình đã chết.
Có những bà mẹ trẻ để con bị chết nóng trên xe bị kết án 20 năm tù, nhưng cũng có tòa kết luận tha bổng vì tòa án cho đây là một việc làm không có chủ đích, mà chỉ vì quên, nhưng chính bản án lương tâm sẽ làm ray rứt bậc cha mẹ suốt đời, nếu vì quên mà để xẩy ra những thảm kịch mất con như thế!
Đôi khi chúng ta tự nghĩ: “Làm sao để không quên!”
Và cũng ngược lại, có nhiều điều chúng ta muốn quên đi mà không quên được!
Trong đời sống hiện tại, có rất nhiều điều cần nhớ, mà cũng có rất nhiều cái cần quên đi. Chỉ tiếc là chúng ta đôi khi phải nặng lòng nhớ những điều không đáng nhớ, và đã quên đi những điều không đáng quên! Nhà thơ Trạch Gầm, thay vì những điều không đáng nhớ, ông phải chôn vào huyệt quên, thì trớ trêu thay, ông đã chôn lầm vào huyệt nhớ nên phải nhớ suốt đời!
Người xưa khuyên người đời nên quên đi những oán thù và những điều gì người khác làm tổn hại mình, nhưng phải nhớ kỹ những điều người khác đã ra ơn, làm tốt cho mình.
Chuyện có hai người thương buôn thân thiết cùng đi qua sa mạc. Trong cuộc hành trình, họ cũng có những chuyện va chạm. Một lần hai người cãi nhau, một người bị đánh đến đổ máu. Sau đó, không nói một lời, trước khi tiếp tục ra đi, nạn nhân bình tĩnh viết lên đồng cát ven đường: “Hôm nay bạn tôi đã đánh và chửi tôi…” Một lần khác, cũng nạn nhân này bị trượt chân sa xuống suối, được người bạn đồng hành nỗ lực cứu sống. Lần này, người được cứu, dùng dao khắc trên đá: “Hôm nay bạn tôi đã cứu sống tôi…”
Ngạc nhiên trước hành động của bạn mình, người kia hỏi: “Sao chuyện lần trước, anh viết lên cát, và lần này, anh lại khắc lên đá?” Người kia trả lời: “Những gì bạn làm tổn thương tôi, tôi muốn quên, nên viết lên cát cho gió thổi bay đi, nhưng những gì bạn đã làm tốt cho tôi, tôi nguyện không quên, nên đã phải khắc vào đá!”
Tâm lý người đời, người ta thường quên ơn nhưng hay nhớ hận.
Câu ngạn ngữ “Người quân tử mười năm trả thù chưa muộn!” nói về nhân vật Câu Tiễn mang mối hận mất nước, phải lưu vong. Sau khi thua trận Cối Kê, Vua Ngô Phù Sai bắt hai vợ chồng Câu Tiễn về nước, cho ở trong một ngôi nhà đá, hằng ngày phải đi chăn ngựa, quần áo lam lũ, ăn toàn cám và rau dại (một lối tù “cải tạo” dành cho người thua trận!).
Nuốt hận, sau khi bị bắt làm “tù binh” từ nước Ngô trở về, không bao giờ quên mối nhục mất nước, Câu Tiễn ngày đêm un đúc ý chí phục thù. Vị vua mất nước cố sức chăm chỉ làm việc suốt ngày đêm, khi buồn ngủ thì lấy cỏ lục xoa vào mắt cho cay làm mắt phải mở, chân lạnh muốn co thì dầm vào nước lạnh, mùa Ðông lạnh thì ôm băng tuyết. Mùa Hè nóng nực thì ngồi bên lửa, lấy gai, lấy củi lót làm giường mà nằm. Một quả mật luôn luôn được treo trước mắt, thỉnh thoảng lại nếm mật đắng để đừng quên những nỗi tủi nhục, khổ đau, đêm nào cũng sùi sụt khóc.
Nhờ ý chí “không quên,” về sau Câu Tiễn đã đánh bại được nước Ngô, báo thù cho nước Việt.
Trong Cổ Học Tinh Hoa có chuyện, “một chiếc đò sang sông. Có chiếc thuyền không có người lái ở đâu trôi đến, đâm phải. Người lái đò tuy hẹp bụng đến đâu cũng không lấy làm giận. Giả sử trên thuyền có người ngồi, thì người lái đò tất đã tru tréo, rồi đến buông lời chửi rủa thậm tệ!” Có điều khi chúng ta ra ơn cho ai đó, một người xa lạ, không biết tên biết tuổi thì chúng ta không nhớ, nhưng những ai đó, quen thân đã chịu ơn mình, thì khó mà quên được, nhất là lúc họ không biết điều! Nhất là khi kẻ hàm ơn chúng ta ngày nay đã trở nên thành đạt giàu có mà ngoảnh mặt làm ngơ ơn nghĩa cũ, hẳn chúng ta sẽ nguyền rủa không tiếc lời.
Và cũng có nhiều điều chúng ta có thể tha thứ, nhưng không bao giờ quên!
Những người quên hẳn hạnh phúc hơn người nhớ. Bệnh lãng quên hay lú lẫn không làm hại ai, nhưng bệnh nhớ chất chồng trong lòng có thể làm cho người ta điên loạn. Khi đời sống nhọc nhằn chúng ta muốn quên, nhưng vì sao chúng ta thường có khuynh hướng trăn trở nhớ đến những khổ đau trong đời, mà ít khi nhớ đến những hạnh phúc chúng ta đã có.
Rồi một ngày nào đó, chúng ta cũng vậy, trí óc trống không, không biết “tiết” còn “trực” không, nhưng “tâm” hoàn toàn “hư.” Chẳng nhớ gì, chẳng biết thương ai, ghét ai, mọi sự như để ngoài cửa, ta như người sống trong mộng, đi trên mây. Rồi cầm tay người vợ hiền, ngọt bùi năm mươi năm mà hỏi: “Ai đây!”
Thánh nhân thì cũng vậy thôi.
Nhưng trước khi đi vào thế giới quên hãy ráng nhớ một vài điều.
Chuyện đại sự thì phải hỏi: “Tôi là ai, từ đâu đến và vì sao mà ta đến đây?”
Thật ra, trên đời này, có những điều không nhớ, thì không lớn nổi thành người!
Chuyện tiểu tiết thì nhớ trả bills kẻo trễ, kéo thùng rác ra đường, cuối tuần này nhớ ghé qua Peek Family viếng bạn già mới ra đi. Buổi sáng sợ ngủ quên thì để đồng hồ báo thức, chuyện khác thì ghi vào tấm giấy để trước mặt. Tuổi này không ai trách móc, lên án những chuyện quên, nhưng chớ bao giờ “giả vờ quên!”
Bây giờ bạn già gặp nhau thường than thở bệnh quên, quên nhiều thứ.
Được nhớ cũng là tốt, nhưng quên được cũng là vui, nhiều khi đó là thứ hạnh phúc mà chúng ta không bao giờ nghĩ đến!
Nhớ như Xuân Diệu: “Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh. Anh nhớ em, anh nhớ lắm! Em ơi!” thì thôi xin hãy quên đi, cho đời bớt khổ!