QUAN CHỨC VIỆT VÀ “LÝ ÔNG MÈO” (I)

Le Tu Ngoc
QUAN CHỨC VIỆT VÀ “LÝ ÔNG MÈO” (I)

H’mông là một dân tộc có lịch sử lâu đời, có sức sống mãnh liệt, và cá tính độc đáo. Trên thế giới, người H’mông luôn được biết đến như một trong những cộng đồng vừa thượng võ/cương cường, vừa lãng mạn/hào hoa. Tổ tiên của họ từng làm chủ một vùng đất rộng lớn nằm kẹp giữa vùng hạ du Hoàng Hà và Trường Giang. Từ sau khi Hạng Võ bại trận dưới tay Lưu Bang, tiền nhân của tộc H’mông bắt đầu cuộc sống mới với những xu thế khác nhau: đa số trong đó bị Hán hóa hoàn toàn, được người Hán gọi là “Thục Miêu” (ngụ ý rằng, họ là những người đã được giáo hóa); thiểu số còn lại không chịu khuất phục, bắt đầu cuộc sống tha hương, vừa bảo tồn văn hóa truyền thống của cha ông, vừa sáng tạo nên các truyền thống mới. Bộ phận này bị người Hán miệt thị gọi là “Sinh Miêu” (ngụ ý họ là những kẻ sống sít/man rợ). Họ có mặt trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ở Thailand thì tôi không biết, riêng ở Việt Nam và Lào, tất cả những người H’mông đều có một điểm chung: thù giặc Hán đến tận xương tủy. Điều này được ghi lại trong tất cả các bài “khúa kê” (bài cúng tiễn hồn người chết về đất gốc Dương Châu) của các dòng họ H’mông.

Mặc dù mới chỉ có mặt tại lãnh thổ Việt Nam trên dưới 300 năm, người H’mông đã có những đóng góp không nhỏ trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Là những người đến sau, tất cả các thung lũng chân núi đều đã có chủ. Vì thế, ở phía Bắc Việt Nam, người H’mông luôn sinh sống trên các vùng núi cao nhất. Tại các vùng biên giới với Trung Quốc, vô hình trung, mỗi thôn làng H’mông đều trở thành một pháo đài/điểm tựa. Trong cuộc chiến tranh chống bè lũ bành trướng Bắc Kinh xâm lược tháng 2/1979, không có bất cứ một người dân H’mông nào khuất thân làm tay sai dẫn đường cho giặc. Ngược lại, họ còn là lực lượng quan trọng, vừa tham gia trực tiếp chiến đấu, vừa hỗ trợ hậu cần cho các lực lượng quân sự của Chính phủ.

Để ca ngợi tộc H’mông thần thánh, chắc phải mất rất nhiều thời gian cũng như giấy mực. Chỉ tiếc rằng, bên cạnh những ưu điểm vượt trội, những người anh em thiện lành H’mông của tôi lại “sáng tạo” nên một thuật ngữ có phần hơi củ chuối: “Lý ông Mèo”.

Vậy “Lý ông Mèo” là gì? Một thời gian, nhiều người đã từng đặt câu hỏi như vậy và đã có rất nhiều câu trả lời khác nhau: người thì ca ngợi, người thì dè bỉu chê bai. Nhưng bản chất của nó thì chưa ai thực sự chỉ ra được.

Năm 1991, tôi đi xe ôm từ Lùng Phình về thị trấn Bắc Hà. Cung đường Bắc Hà-Lùng Phình dài 12km, lúc lên toàn leo, lúc về toàn xuống dốc. Lái xe chở tôi là một “tì lầu” (anh) người H’mông đẹp trai (như rất nhiều trai H’mông khác) và luôn có nụ cười thường trực với một chiếc răng bọc vàng rất duyên. Xe đổ đèo, anh ta tắt máy thả trôi vù vù. Bất chợt, anh ta tránh một con trâu từ trong rừng lao ra, đâm phải chiếc xe đạp dựng lề đường phía bên kia. Vành trước của chiếc xe đạp cong veo. Ông nhóc, chủ nhân của chiếc xe đạp – cũng là người H’mông, đang lấy củi gần đó, nhảy ra bắt đền. Hai người cãi nhau bằng tiếng H’mông, dùng dằng mãi chả ai chịu ai. Tôi không hiểu gì hết. Nhưng thấy mãi không đi được, mới hỏi vì sao? Ông nhóc xe đạp bảo “Xe tôi dựng bên đường, tì lầu đâm hỏng mà không chịu đền tiền cho tôi sửa”. Tài xế xe ôm bảo “nó không để xe ở đấy, thì làm sao tôi đâm vào được. Là tại nó chứ, sao tôi phải đền?” Thấy vậy, tôi hỏi “cái xe này nếu sửa thì hết bao nhiêu?” Ông nhóc xe đạp nói “Ha mưa nghì” (hai mươi nghìn). Tôi bảo tì lầu xe ôm, “thôi, trả cho người ta nhanh rồi còn đi.” Người anh em thiện lành cười duyên “Ô, mài phải trả chứ sao lại tôi?” Tôi cáu “Ơ, anh chạy xe chứ có phải tôi đâu?” Người anh em lại cười rất duyên “Ơ, mài không thuê tôi chở về thì làm sao tôi đâm vào xe nó được?” Tôi đành móc 20k trả cho chú nhóc. Thấy vậy, tì lầu xe ôm lắc đầu “chưa đủ đâu. Mài phải trả thê (thêm) cho nó năng nghì (năm nghìn) công nó vác xe từ đây về nhà nữa chứ”. He he, thua! Về đến thị trấn Bắc Hà, nhận tiền xong, tì lầu xe ôm dặn “lần sau lên Lùng Phình, nhớ phải vào nhà tôi hẩu chớ (uống rượu) đấy. Cứ hỏi nhà vợ chầng (chồng) Páo Dín là đến thôi. Vợ tôi làm món dưa cải xào thịt treo ngoong lắng (ngon lắm). Ăng (ăn) thấy ngoong thì mua hộ một ít. Nhé.” He he, yêu!

(Rút trong tập bản thảo “Muôn nẻo đường làng Việt” – còn nữa).
#GOTA chia sẻ từ fb Mai Thanh Sơn

Image may contain: 2 people, people smiling, hat, child, selfie, closeup and outdoor
Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay