QUA THẬP GIÁ ĐẾN VINH QUANG

QUA THẬP GIÁ ĐẾN VINH QUANG

Năm 1982, các nữ tu Dòng Con Đức Bà Phù Hộ, quen gọi là Dòng nữ Salêsiên ở Cáp bên Haiti, muốn thuê nhà điêu khắc Pêrikhêt làm một cây thánh giá lớn để đặt trong nhà thờ mới của các chị.  Nhưng lúc đó, ông Pêrikhêt đã bị ung thư nặng.

Các chị nhờ một nữ tu cùng dòng đến gặp nhà điêu khắc để nói về ý định này.  Hôm đó viên bác sĩ của ông cũng có mặt, ông nói với chị nữ tu:

–        Lẽ ra chỉ phải đến đây sớm hơn.  Rất tiếc là bây giờ căn bệnh ung thư của ông Pêrikhêt đã quá nặng rồi.

Im một lát, bác sĩ quay sang nói với nhà điêu khắc:

–        Ông là người có đức tin, vậy ông cứ tiếp tục hy vọng dù có điều gì xảy ra đi nữa.

Từ ngày đó, nhà điêu khắc Pêrikhêt chẳng muốn cầm bút để rèn tác phẩm nghệ thuật nào nữa.  Vài ngày sau, một nữ tu lại đến gặp ông và năn nỉ:

–        Ông Giovani Pêrikhêt à, các nữ tu ở nhà thờ mới tại Cáp mong muốn ông làm cho các chị ấy một cây thánh giá thật đẹp, dài hai mét.  Họ biết tài năng của ông mà.  Trước khi trả lời dứt khoát cho họ, tôi muốn hỏi ý kiến ông một lần nữa.

Nhà điêu khắc trầm ngâm suy nghĩ và cầu nguyện, rồi ông bình thản nói với chị nữ tu:

–        Tôi xin nhận lời.  Cây thánh giá này sẽ là tác phẩm cuối cùng, tôi sẽ làm cây thánh giá nầy để chuẩn bị chết, và xin Chúa thương xót tôi.

Thế là nhà điêu khắc bắt tay vào công việc với tất cả tâm hồn của một người mong gặp được         Chúa Giêsu.  Đây thật là một công việc nặng nhọc vì bệnh tình của ông.  Nhưng ông cảm thấy một điều thật lạ lùng, mỗi nhát búa đập trên thanh sắt nóng đỏ, thay vì làm cho ông mệt mỏi thêm, thì lại làm cho ông cảm thấy như được bồi dưỡng sinh lực trở lại.  Ông tiếp tục làm việc ngày qua ngày, và khi ông hoàn thành cây thánh giá thật đẹp, ông cảm thấy như khoẻ hẳn.  Chúa Giêsu đã giải thoát ông khỏi căn bệnh quái ác.

Ngày nay, cây thánh giá do ông thực hiện vẫn còn được treo ở nhà thờ thánh phố Cáp và tiếp tục thu hút nhiều tín hữu: người lành mạnh cũng như kẻ yếu đau đến kính viếng thường xuyên.

**********************************************

Anh chị em thân mến,

Nhà điêu khắc Giovani Pêrikhêt tưởng rằng cây thánh giá ở nhà thờ thành phố Cáp ấy sẽ là tác phẩm cuối cùng.  Ông dùng cây thánh giá ấy để chuẩn bị chết.  Nhưng với niềm tin và lòng hăng say rèn cây thánh giá, Pêrikhêt đã được Chúa thương cách đặc biệt và chữa cho khỏi bệnh ung thư.  Đó là hình ảnh ơn cứu độ mà Thánh giá Chúa Kitô đã, đang và sẽ còn đem đến cho nhân loại.  Chính vì để củng cố niềm tin của chúng ta vào ơn cứu độ và niềm hy vọng vào sự sống vinh quang, ngang qua mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô, mà hằng năm, vào Chúa Nhật 2 Mùa Chay, phụng vụ Giáo Hội cho nghe bài đọc Tin Mừng tường thuật cuộc biến hình vinh quang của Chúa Giêsu.  Nhờ đó người Kitô hữu ý thức rằng sự Chết và Phục Sinh, thập giá và vinh quang, là hai mặt của cùng một thực tại cứu độ không thể tách rời nhau.  Vinh quang mà không có khổ nạn chỉ là vinh quang của thế tục, sẽ nhạt nhòa theo năm tháng.  Ngược lại, khổ nạn mà không có vinh quang thì vô nghĩa và là một thất bại hoàn toàn.  Do đó, sống tinh thần Mùa Chay có nghĩa là gắn bó chặt chẽ với cái Chết và sự Phục Sinh của Đức Kitô: chết đi cho con người cũ và tội lỗi, chết đi cho con người đối nghịch với Thập giá để cùng sống lại với Đức Kitô, Đấng có thể “biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Ngài” (Bđ. 2).

chua-hien-dung

Đây chính là một quá trình lột xác đầy gian khổ nhưng cũng tràn ngập vinh quang mà sự kiện Chúa biến hình được gợi lại trong Chúa nhật hôm nay, đã trở nên như một lời loan báo và một lời động viên khích lệ tín hữu.  Loan báo điểm tới là Phục Sinh đang ở phía trước, đồng thời động viên khích lệ người Kitô hữu hãy can đảm tiếp tục cuộc hành trình dù lắm gian nan.

Để có thể trung thành bước theo con đường Chúa Giêsu đã sống và vạch ra, người Kitô hữu không thể coi nhẹ hay dửng dưng với tâm tình cầu nguyện.  Chính trong giây phút cầu nguyện, chìm sâu trong cuộc gặp gỡ ân tình với Chúa Cha, Chúa Giêsu đã đón nhận kế hoạch cứu độ của Cha như lẽ sống của đời mình, đây cũng là lúc Ngài biến hình vinh quang; được tỏ lộ khi Ngài chấp nhận cái chết như một phương thế tuyệt hảo để tỏ lòng vâng phục Cha và yêu thương nhân loại, đến nỗi hiến dâng chính mạng sống mình.  Vì thế, trong cuộc sống còn lắm vất vả bon chen và không hề thiếu vắng những cạm bẫy thử thách hôm nay, chỉ có sự chuyên cần cầu nguyện, thường xuyên đón nhận ánh sáng soi dẫn, và sức mạnh đỡ nâng của Chúa, người Kitô hữu mới thoát khỏi sự hoang mang sợ hãi, hay trạng thái mê ngủ, trốn tránh thực tại trần thế với những bổn phận và trách nhiệm phải thi hành.  Đành rằng quê hương vĩnh cửu ở trên trời nhưng đường lên trời lại khởi đi từ mặt đất, từ chính cuộc sống mà chúng ta phải xây dựng và làm cho phát triển mỗi ngày.

Anh chị em thân mến,

Một khi đã chiêm ngưỡng Đức Giêsu Kitô trên núi biến hình như Phêrô, Giacôbê và Gioan rồi, thì việc còn phải làm là đi theo Ngài trên con đường khiêm tốn phục vụ anh em.  Chúng ta không thể vắng mặt trên các nẻo đường tiến lên đỉnh Golgotha, những nẻo đường đau thương và tử nạn thập giá với Ngài, với niềm xác tín rằng Đức Kitô Phục Sinh sẽ chia sẻ vinh quang cho các tín hữu trung thành.

Ước gì Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa chúng ta lãnh nhận trong thánh lễ hôm nay sẽ bổ sức, giúp chúng ta mạnh mẽ bước vào lòng đời để sống cho Chúa và hiến mạng vì anh em trong một cuộc sống lắm hy sinh gian khổ, nhưng cũng không kém vinh quang, vinh quang thấp thoáng hôm nay sẽ bộc lộ trọn vẹn mai sau.

Trích trong “Niềm Vui Chia Sẻ”

(BĐ1: St 15:5-12, 17-18; BĐ2: Pl 3:17-4:1; PÂ: Lc 9:28b-36)

**********************************************

Con gởi ước Mơ
Vào Thơ cầu Nguyện
Mong lòng tan biến
Bao chuyện buồn đau
Chấp tay khẩn cầu
Chúa mau tuôn dổ
Để ngàn bão tố
Mãi mãi lìa xa
Cho những mái nhà
Âm êm hạnh phúc
Dẫu đời lắm lúc
Tủi nhục ùa vây
Xin Cha từng ngày
Dang tay nâng đỡ
Phần con xin nhớ
Nguyện cầu Ngài luôn

HBT

Anh chị Thụ & Mai gởi

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay