Nhà làm phim tài liệu Stephan Koester là một thành viên thuộc Ủy ban sáng kiến ủng hộ ngành điện ảnh và truyền hình Việt Nam (gọi tắt là IK), do một nhóm trí thức trẻ ở Tây Đức thành lập hỗ trợ về truyền thông cho Chính phủ Hà Nội trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Sau 43 năm ngày chiến tranh Việt Nam kết thúc, ông Stephan Koester chia sẻ với RFA về thời gian 65 ngày ông có mặt ở Sài Gòn trong thời điểm lịch sử cận đại của Việt Nam sang trang.
Trước hết, ông Stephan Koester nói về những ấn tượng mà ông không bao giờ quên trong những giây phút cuối cùng của cuộc chiến diễn ra tại Sài Gòn.
Ông Stephan Koester: Tôi rất ấn tượng về những thanh niên Việt Cộng, bởi vì không thể nhìn thấy họ là những người nghèo nàn, bị đói khát và dơ bẩn vì bước ra từ các trận đánh và khi họ xuất hiện ở thành phố, họ e thẹn và rất lịch sự ít nhất là với chúng tôi, những phóng viên nước ngoài. Tôi cũng rất ấn tượng về những người lính của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Chúng tôi lo sợ binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa có thể chống lại những phóng viên phương Tây và những người Mỹ, bởi vì Hoa Kỳ đã bỏ rơi họ. Là phóng viên, chúng tôi nghĩ rằng tính mạng của mình có thể bị gây hại chỉ trong vòng một phút đồng hồ do họ có vũ khí hạng nặng trong tay. Tuy nhiên, không có gì xảy ra. Những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã quăng bỏ súng ống và lặng lẽ bỏ đi mất dạng. Cánh phóng viên chúng tôi còn rất trẻ. Chúng tôi nhìn vào mắt nhau, nhìn vào mắt của các thanh niên Việt Cộng và nhìn vào mắt của những binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa và cả những người Mỹ với mong muốn chúng tôi có thể là bạn bè và gặp nhau trong một hoàn cảnh khác để cùng nhau uống bia và tâm sự chuyện đời, nhưng chúng tôi không có thời gian và mạnh ai nấy làm công việc của mình. Tất cả mọi người vào thời điểm đó đều có kỷ luật cao mặc dù họ rất bị căng thẳng. Tôi không nhìn thấy người dân đi trên phố tỏ ra sợ hãi các thanh niên Việt Cộng. Tôi đến Sài Gòn vào ngày 26/04. Tôi không thể biết được nhiều hơn vì tôi chỉ lòng vòng chỗ khách sạn Continental Palace và những gì tôi nhìn thấy là một bức tranh hoàn mỹ.
Hòa Ái: Ông đến Sài Gòn để giúp Chính phủ Hà Nội ghi lại những hình ảnh tư liệu lúc bấy giờ. Do đó, ông được có cơ hội gặp gỡ và làm việc trực tiếp với những người Cộng sản Việt Nam mà ông gọi là Việt Cộng sau ngày 30/04. Cảm nhận đầu tiên của ông về họ như thế nào?
Ông Stephan Koester: Bạn hãy tưởng tượng xem, tôi là một sinh viên đến từ Đức, 25 tuổi và tôi biết về Việt Cộng qua hình ảnh tuyên truyền họ chiến đấu vì tự do và chống lại chuyên chế. Đối với giới sinh viên chúng tôi ở Đức, những người Việt Cộng là anh hùng nên với riêng tôi đó là khoảnh khắc lý thú và quan trọng trong đời khi được gặp gỡ với các anh hùng này. Tôi yêu mến họ. Họ trông có vẻ nguy hiểm, nhưng khi nhìn vào mắt họ, tôi có thể cảm nhận được những khó khăn mà họ đã trải qua một tuần trước đó. Tôi được tiếp xúc với nhiều thanh niên ở các quốc gia và nền văn hóa khác nhau, nhưng tôi ngưỡng mộ những trải nghiệm của thanh niên Việt Cộng. Họ rất lịch sự khi trả lời câu hỏi của những người xung quanh. Và đừng quên điều tôi đã nói là nhiều người dân Sài Gòn không lẩn trốn trong nhà, họ đi ra đường mà không sợ hãi những người Việt Cộng. Tôi là phóng viên độc lập thiện nguyện và những gì tôi nhìn thấy tại thời điểm đó thật sự là hoàn hảo. Tôi đã ghi lại được những thước phim về các hình ảnh đẹp của họ ở Sài Gòn.
Tôi là một sinh viên đến từ Đức, 25 tuổi và tôi biết về Việt Cộng qua hình ảnh tuyên truyền họ chiến đấu vì tự do và chống lại chuyên chế. Đối với giới sinh viên chúng tôi ở Đức, những người Việt Cộng là anh hùng nên với riêng tôi đó là khoảnh khắc lý thú và quan trọng trong đời khi được gặp gỡ với các anh hùng này. Tôi yêu mến họ
-Phóng viên Stephan Koester
Hòa Ái: Tôi được biết sự phấn khích của ông về những người Cộng sản Việt Nam bị dần thay đổi và suy nghĩ của ông về cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm của họ cũng thay đổi theo trong thời gian 65 ngày ông ở Sài Gòn. Vì sao như vậy, thưa ông?
Ông Stephan Koester: Tôi đã thay đổi suy nghĩ của mình sau vài tuần lễ ở Sài Gòn và trong nhiều tháng sau đó. Bởi vì, có quá nhiều thứ lần lượt bị thay đổi. Chúng tôi là những sinh viên người Đức, chúng tôi có ảo tưởng rằng những thành viên trong Mặt trận Giải phóng miền Nam như Bà Ngô Bá Thành, Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa và những giáo sư, sinh viên sẽ góp mặt trong thành phần của chính phủ mới tại Việt Nam. Nhưng thực tế đã không diễn ra như vậy. Không lâu sau ngày 30/04, quân chính quy Bắc Việt từ Hà Nội vào với tư tưởng tôn thờ thần tượng một cách tuyệt đối. Đó không phải là điều tôi trông đợi. Chúng tôi nghĩ là họ theo thuyết chủ nghĩa xã hội nhưng theo một cách tự do chứ không phải rập khuôn.
Theo quan điểm cá của tôi, tôi không thích nhìn thấy trẻ em mặc đồng phục thắt khăn quàng đỏ diễu hành làm cho tôi nhớ đến chế độ Đông Đức, tôi không thích hàng loạt loa phóng thanh hàng ngày lặp đi lặp lại cả trăm lần những điều tuyên truyền. Tôi dần sau đó cảm thấy cuộc cách mạng ở Việt Nam không còn tốt đẹp nữa. Việt Nam thay đổi không như những gì thanh niên Đức mong đợi. Tôi rời Việt Nam trong tâm trạng u sầu với lời cầu chúc tốt nhất cho đất nước này.
Khi về lại Đức, IK muốn tôi lên tiếng tuyên truyền về Việt Nam với truyền thông Đức hay có những buổi nói chuyện với sinh viên Đức, nhưng tôi đã không làm theo ý họ. Tôi đưa tất cả tư liệu phim và hình ảnh ở Việt Nam cho các đồng chí của mình. Tôi đã ẩn mình vì tôi bị chán nản và buồn thảm, không thể nào tiếp tục công việc tuyên truyền cho Hà Nội được nữa. Tôi rất thất vọng với Chính phủ Hà Nội bởi vì họ đã xóa bỏ vai trò của cái gọi là Mặt trận Giải phóng Miền Nam trong chính phủ mới ở Sài Gòn. Bởi vì Mặt trận Giải phóng Miền Nam cởi mở hơn với phương Tây trong khi Hà Nội chỉ cứng nhắc theo quan điểm chính trị giống như Liên Xô và Trung Quốc. Tôi không có nhận xét gì về điều này, nhưng tôi nghĩ rằng họ sẽ không xây dựng Việt Nam theo chiều hướng tự do.
Hòa Ái: Tôi cũng được biết ông tiếp tục theo đuổi nghề nghiệp phóng viên và làm phim cho đến tận bây giờ. Có bao giờ ông làm việc liên quan đến những người tị nạn Việt Nam ở Đức trong 4 thập niên qua, hay tình trạng buôn người từ Việt Nam đến Đức trong những năm gần đây hay không?
Ông Stephan Koester: Không. Sau khi rời Việt Nam, tôi chưa bao giờ trở lại. Tôi cũng không làm thêm bất cứ phim nào liên quan đến Việt Nam. Tôi vẫn luôn nghĩ đến cơ hội được làm việc với người Việt về vấn đề tị nạn, nhưng tôi không biết tại sao không có dịp nào cả. Tôi vẫn hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ đến Sài Gòn và thăm lại những nơi chốn cũ vì tôi rất yêu thích Việt Nam.
Tôi rất thất vọng với Chính phủ Hà Nội bởi vì họ đã xóa bỏ vai trò của cái gọi là Mặt trận Giải phóng Miền Nam trong chính phủ mới ở Sài Gòn. Bởi vì Mặt trận Giải phóng Miền Nam cởi mở hơn với phương Tây trong khi Hà Nội chỉ cứng nhắc theo quan điểm chính trị giống như Liên Xô và Trung Quốc. Tôi không có nhận xét gì về điều này, nhưng tôi nghĩ rằng họ sẽ không xây dựng Việt Nam theo chiều hướng tự do
-Phóng viên Stephan Koester
Hòa Ái: Ông đã thực hiện một phim tài liệu, với nhan đề “Bản báo cáo thành tích”, để giải bày về sự cay đắng của ông về một lý tưởng bị sụp đổ, được đài truyền hình Đức ZDF phát sóng và được công chiếu tại Liên hoan phim Berlin Biennale 1983. Trong phim này, ông đã nói rằng “sau ngày 30/04/1975 Việt Nam bị chia cắt không phải vì địa lý mà tâm hồn”. Đã 43 năm trôi qua, bây giờ ông nghĩ sao về điều đó?
Ông Stephan Koester: Với sự hiểu biết của tôi thì người ta không thể nào dễ dàng thay đổi mong ước hay quan điểm ý thức hệ của mình. Cho nên tôi nghĩ rằng nhiều người Việt Nam, trong đó những người lớn tuổi vẫn còn bị “chia cắt”. Tôi vẫn không quên những gì tôi chứng kiến ở Sài Gòn và những gì cha mẹ của các thanh niên Việt Nam đã nói với họ lúc đó. Tôi nghĩ rằng người Việt Nam còn bị “chia cắt” và dĩ nhiên vẫn chưa có sự bình yên trong tâm hồn, nhưng tôi nghĩ mỗi người họ cần hàn gắn vết thương lòng và thoát ra khỏi nỗi đau từ cuộc chiến Việt Nam. Tôi không dám có lời nhận xét nào về chiến tranh Việt Nam. Tôi chỉ có thể cầu chúc điều tốt lành nhất cho Việt Nam được độc lập như ông Hồ Chí Minh đã từng nói rằng đất nước phải được độc lập và được xây dựng tốt đẹp trong tương lai.
Hòa Ái: Chân thành cảm ơn ông Stephan Koester dành thời gian cho cuộc trò chuyện này cùng Đài Á Châu Tự Do.
Tham khảo: Phim tài liệu “Bản báo cáo thành tích” của Stephan Koester (có phụ đề tiếng Việt):
https://www.youtube.com/watch?v=XMGjEE5LW5s&t=524s