Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ hôm 28/5 làm lễ dâng hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến chống Trung Quốc ở biên giới phía Bắc.
Báo Nhà nước vào cùng ngày cho biết, ông Chính cùng đoàn cấp cao gồm các uỷ viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Hà Giang đã thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Đây là nơi yên nghỉ của hơn 1.870 liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hi sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, theo báo Nhà nước.
Vị Xuyên là một trong những điểm nóng trong cuộc chiến chống Trung Quốc suốt giai đoạn từ cuộc chiến Biến giới hồi tháng 2/1979 cho đến năm 1987 sau khi quan hệ Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu có những cải thiện.
Báo Nhà nước trong các bài viết về lễ dâng hương tưởng niệm năm nay không nói rõ tên Trung Quốc trong xung đột với Việt Nam nhưng xác nhận: “Riêng tại mặt trận Vị Xuyên, hơn 4.000 cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh, hơn 9.000 người bị thương và hiện vẫn còn hàng nghìn hài cốt của cán bộ, chiến sỹ nằm rải rác trong khe đá, thung sâu chưa tìm thấy và quy tập được. Chiến công và tên tuổi của các Anh hùng Liệt sỹ đã trở thành bất tử, khắc ghi vào lịch sử dân tộc và mãi mãi được ghi nhớ trong tâm trí mỗi thế hệ người dân Việt Nam.”
Việc các lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ Việt Nam thắp hương tại các nghĩa trang liệt sĩ trong các cuộc chiến chống Trung Quốc không được diễn ra thường xuyên, liên tục, ít nhất là điều này cũng không được truyền thông Nhà nước đưa tin thường xuyên.
Phần lớn các cuộc tưởng niệm thường do người dân, những người hoạt động xã hội tự động tổ chức ở các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM, nhưng một số cuộc tập trung như vậy đã bị chính quyền địa phương can thiệp, giải tán.
Hôm 17/2/2016, truyền thông Nhà nước đưa tin Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thắp hương từng ngôi mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ Trà Lĩnh (Cao Bằng), nơi yên nghỉ của hơn 300 liệt sĩ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979.
Sau đó, vào năm 2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã có những chuyến đi thăm, thắp hương riêng biệt tại các nghĩa trang liệt sĩ ở khu vực biên giới phía Bắc.
Hôm 26/1/2022, ông Chính cũng đến thăm hương tại Đài tưởng niệm Pò Hèn. Theo báo Nhà nước, đây là nơi cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 209, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh và cán bộ Lâm trường Hải Sơn, nhân viên thương nghiệp Móng Cái đã ngoan cường chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc trong cuộc chiến biên giới ngày 17/2/1979.
Chuyến thăm mới nhất của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến một nghĩa trang liệt sĩ ở biên giới phía Bắc diễn ra vào khi quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đang có những căng thẳng sau khi Trung Quốc điều tàu khảo sát Hướng Dương Hồng cùng các đoàn tàu hộ tống liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ đầu tháng năm tới nay. Các tàu này, bất chấp yêu cầu phải rời đi của Chính phủ Việt Nam, trong các ngày qua tiếp tục ở lại trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tiến gần tới giàn khoan dầu trong liên doanh dầu khí giữa Nga và Việt Nam ở vùng biển phía Nam.
Trong chuyến thăm nghĩa trang liệt sĩ lần này, ông Chính đã dự Lễ và cắt băng khánh thành Bảo tàng tỉnh Hà Giang và thực hiện nghi thức khởi công xây dựng cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1)
Cũng theo truyền thông Nhà nước, trong buổi lễ dâng hương, “Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ, tri ân công ơn của các Anh hùng Liệt sỹ; nguyện tiếp tục nỗ lực bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; xây dựng đất nước ngày một hùng cường, thịnh vượng, cuộc sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.”
Theo tường thuật của báo Tuổi Trẻ, ông Chính viếng nghĩa trang Vị Xuyên “trong chương trình công tác tại Hà Giang.”
Nghĩa trang Vị Xuyên quy tụ mộ của 1,800 liệt sĩ và mộ tập thể các liệt sĩ trong cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung hồi năm 1979.
Trong nhiều năm qua, địa điểm này được cho là nơi “nhạy cảm” với giới chức “tứ trụ” đương chức, vì có thể khiến Bắc Kinh phật ý, nhất là trong ngày tưởng niệm 17 Tháng Hai (Trung Quốc phát động chiến tranh ở biên giới phía Bắc Việt Nam) hoặc 14 Tháng Ba (cuộc hải chiến Gạc Ma).