Hai nhân chứng khai được chữa lành qua sự can thiệp của ĐHY Thuận
Thánh Máccô
Thánh Máccô
Những gì chúng ta biết về Thánh Máccô thì trực tiếp từ Kinh Thánh Tân Ước. Ngài thường được coi là nhân vật Máccô trong Tông Ðồ Công Vụ 12:12 (Khi Phêrô thoát khỏi ngục và đến nhà mẹ của Máccô).
Phaolô và Barnabas muốn đem theo Máccô trong chuyến truyền giáo đầu tiên, nhưng vì một vài lý do nào đó, Máccô đã ở lại Giêrusalem một mình. Trong cuộc hành trình thứ hai, Phaolô lại từ chối không muốn đem theo Máccô, bất kể sự nài nỉ của Barnabas, điều đó chứng tỏ Máccô đã làm phật lòng Phaolô. Sau này, Phaolô yêu cầu Máccô đến thăm ngài khi ở trong ngục, điều đó cho thấy sự bất hòa giữa hai người không còn nữa.
Là phúc âm đầu tiên và ngắn nhất trong bốn Phúc Âm, Máccô nhấn mạnh đến việc Ðức Giêsu bị loài người tẩy chay trong khi chính Người là Thiên Chúa. Phúc Âm Thánh Máccô có lẽ được viết cho Dân Ngoại tòng giáo ở Rôma — sau cái chết của Thánh Phêrô và Phaolô khoảng giữa thập niên 60 và 70.
Cũng như các thánh sử khác, Máccô không phải là một trong 12 tông đồ. Chúng ta không rõ ngài có biết Ðức Kitô một cách cá biệt hay không. Một số sử gia cho rằng vị thánh sử này đã nói đến chính ngài trong đoạn Ðức Kitô bị bắt ở Giệtsimani: “Bấy giờ một người trẻ đi theo Người chỉ khoác vỏn vẹn một tấm vải gai. Họ túm lấy anh, nhưng anh tuột tấm vải lại, bỏ chạy trần truồng” (Máccô 14:51-52).
Nhiều người khác cho rằng Máccô là giám mục đầu tiên của Alexandria, Ai Cập. Thành phố Venice, nổi tiếng với quảng trường San Marco, cho rằng Thánh Máccô là quan thầy của thành phố này; một vương cung thánh đường vĩ đại ở đây được coi là nơi chôn cất thánh nhân.
Dấu hiệu của Thánh Máccô là sư tử có cánh, do bởi đoạn Máccô diễn tả Gioan Tẩy Giả như một “tiếng kêu trong hoang địa” (Máccô 1:3), mà các nghệ nhân so sánh tiếng kêu ấy như tiếng sư tử gầm. Ðôi cánh của sư tử là vì người ta dùng thị kiến của Êgiêkien về bốn con vật có cánh mà áp dụng cho các thánh sử.
Lời Bàn
Cuộc đời Thánh Máccô đã hoàn tất những gì mà mọi Kitô Hữu được mời gọi để thi hành: rao truyền Tin Mừng cứu độ cho mọi người. Ðặc biệt, phương cách của Thánh Máccô là qua sự viết văn. Những người khác có thể loan truyền Tin Mừng qua âm nhạc, nghệ thuật sân khấu, thi văn hay giáo dục con em ngay trong gia đình.
Lời Trích
Hầu hết những gì Thánh Máccô viết đều có đề cập đến trong các Phúc Âm khác — chỉ trừ bốn đoạn. Sau đây là một đoạn: “… Chuyện nước trời cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Ðêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Ðất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa” (Máccô 4:26-29).
Người công chính gặp nhiều nỗi gian truân, nhưng Chúa giúp họ luôn thoát khỏi
(Tv 34, 2) nguồn: từ Maria Mai gởi
LỜI CHỨNG CỦA PHÊRÔ BÙI VĂN LINH
LỜI CHỨNG CỦA PHÊRÔ BÙI VĂN LINH
15/10/2011 – 19:03
Tôi là một người bệnh tật, nghèo khổ sống ở Giáo xứ Thuận Nghĩa, Q.Lưu, Nghệ An. Nơi đây đã sinh ra ông Thánh Phê rô: Vũ Đăng Khoa, đã tử vì đạo và đã được phong thánh vào danh sách 117 thánh tử đạo của Việt Nam.
Tôi sinh ra đã bị bệnh rò tủy sống, nguy cơ chết là rất cao. Nhờ sự soi sáng của Chúa, tôi đã được một ân nhân bảo lãnh qua Mỹ chữa bệnh. Khi qua tới nơi được 2 ngày thì tôi được nhập viện, bệnh viện đó có tên là Shriner Hospital For Childern ở Portland, Oregon. Sau khi được ông giám đốc bệnh viện cho xét nghiệm thì ông bảo: Nếu trễ thêm một thời gian nghắn nữa là tôi sẽ không sống được. Và ngay sau đó thì tôi được ký giấy để phẫu thuật, ca mổ xương cột sống để chèn cho tủy không ra nữa dài tới 8 tiếng, trước khi mổ thì ông bác sỹ nói là sự thành công chỉ có 30/100% thôi, tôi thất vọng vô cùng nhưng rồi cũng chấp nhận ký giấy và để cho họ phẫu thuật.
Ca phẫu thuật thành công, tuy không chữa cho tôi đi được nhưng sự sống của tôi đã được cứu, ông bác sỹ rất mừng vì ông nói đây là ca mổ đầu tiên thành công chứ hầu hết các ca mổ như vậy thương bị thần kinh, tức là sau khi mổ thì bệnh nhân sẽ không biết gì nữa, cho gì ăn nấy.
Được 3 năm sau tôi phải trở về lại Việt nam và bệnh phát lại, gia đình tôi đã tạo hết mọi điều kiện để đưa tôi đi chữa tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội nhưng các bác sỹ ở đó nói là bó tay, không thể làm gì được Tôi không còn sức để chống cử nữa và gia đình tôi đi mời cha xứ vào xức dầu cho tôi và để tôi xưng tội chủ lễ trước khi chết. Sau khi đọc kinh, xưng tội chủ lễ xong thì mẹ tôi đi vào đền thánh Khoa cầu nguyện và hái một số lá cây trong đền Thánh về sắc lên cho tôi uống. Sau được 3 ngày thì tôi tỉnh và khỏe hẳn. Bây giờ thì bệnh của tôi cũng như vậy nhưng lạ một cái là tôi vẫn khỏe mạnh, hiện tại thì tôi đi chữa bệnh tại các bệnh viện lớn nhưng họ cũng không thể nào chữa được.
Tôi thầm nghĩ đây là phép lạ Chúa đã làm cho tôi, Cầu xin các bạn hãy cầu nguyện với Chúa và những gì mình tin vào Chúa thì sẽ được. Xin Chúa chúc phúc cho những người Mục tử, xin Chúa soi sáng cho họ để họ dẫn dắt đoàn chiên lạc của Chúa trở về. Xin cầu nguyện cho tôi và tôi sẽ cầu nguyện cho các bạn.
nguồn: thanhlinh.net
Thánh Gioan La San
Thánh Gioan La San
(1615 – 1719)
Cố gắng chu toàn những gì được coi là thánh ý Thiên Chúa, đó là cuộc đời của Thánh Gioan La San. Năm 1950, Ðức Giáo Hoàng Piô XII đặt ngài làm quan thầy của các bậc mô phạm vì nỗ lực của ngài trong việc giáo dục.
Là một người trẻ của thế kỷ 17, Gioan có tất cả mọi sự: năng khiếu học thuật, đẹp trai, gia đình quyền quý giầu có và được giáo dục tử tế. Nhưng khi mới 11 tuổi, ngài xuống tóc đi tu làm linh mục, và sau đó được chịu chức vào năm 27 tuổi. Dường như một cuộc đời dễ dàng với phẩm trật cao trọng trong Giáo Hội đang sẵn sàng chờ đón ngài.
Nhưng Thiên Chúa đã có những chương trình khác cho Cha Gioan, mà dần dà mới được tỏ lộ trong những năm sau đó. Trong một cơ hội gặp gỡ ông Nyel ở Raven, ngài cảm thấy muốn thiết lập một trường học dành cho các em trai nhà nghèo ở Raven, là nơi ngài đang sinh sống. Mặc dù công việc lúc đầu thật ghê tởm đối với ngài, nhưng sau đó, càng ngày ngài càng say mê hoạt động cho các thiếu niên nghèo túng.
Tin rằng đây là sứ vụ mà Thiên Chúa đã trao phó, Cha Gioan hết lòng lao mình vào công việc, bỏ nhà, bỏ gia đình, bỏ cả chức vụ kinh sĩ ở Rheims, bán hết tài sản để trở nên giống như các người nghèo mà ngài đã tận hiến cuộc đời để phục vụ họ.
Cuộc đời còn lại của Cha Gioan là sống sát với tu hội mà ngài đã thành lập, Các Thầy Trường Công Giáo (Sư Huynh La San). Tu hội này phát triển mau chóng và thành công trong việc giáo dục các nam thiếu niên của gia đình nghèo với phương pháp sư phạm mà Cha Gioan đề ra, đó là sự dạy dỗ cả lớp thay vì chỉ bảo cá nhân, và dùng tiếng bản xứ thay vì tiếng Latinh. Ðồng thời tu hội cũng còn mở trường huấn luyện các giáo chức và thiết lập trường nội trú cho các thiếu niên ngỗ nghịch của các gia đình giầu có. Yếu tố năng động đằng sau các nỗ lực này là mong muốn các thiếu niên trở nên một Kitô Hữu tốt lành.
Mặc dù rất thành công, Cha Gioan cũng không thoát khỏi những thử thách, đó là sự đau lòng khi các sư huynh bỏ dòng, sự chống đối cay đắng từ các hiệu trưởng ngoài đời khi họ bực bội với phương pháp giáo dục mới và hữu hiệu của ngài, cũng như thường xuyên bị phe Jansen (*) thời ấy chống đối mà Cha Gioan kịch liệt phản đối lý thuyết của phe này trong suốt cuộc đời.
Trong những năm cuối đời, vì bị bệnh suyễn và thấp khớp, ngài từ trần vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh khi được 68 tuổi, và được Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII phong thánh năm 1900.
Lời Bàn
Thật hiếm có ai hoàn toàn tận hiến cho ơn gọi của Thiên Chúa, bất kể ơn gọi đó là gì. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta “hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và hết sức lực của mình” (Mc 12:30b). Thánh Phaolô cũng có lời khuyên tương tự: “Bất cứ những gì anh chị em làm, hãy làm hết lòng…” (Colossians 3:23).
Lời Trích
“Còn gì cao quý hơn là uốn nắn tính tình của các người trẻ? Tôi tin rằng người biết uốn nắn tâm tính của giới trẻ thì cao trọng hơn mọi họa sĩ, điêu khắc gia và tất cả những người giống như vậy” (Thánh Gioan Chrysostom).
* Jansen xuất phát từ học thuyết của Cornelius Jansen (1585 – 1638), giám mục của Ypres. Trong cuốn Augustinus, Jansen đề xướng nền thần học dựa trên học thuyết của Augustine về định mệnh. Thần học này khẳng định rằng loài người hoàn toàn hư hỏng vì tội nguyên tổ và theo bản năng, loài người thích làm sự dữ hơn sự lành. Bởi bản tính suy đồi, loài người không thể làm gì khác để đáng được ơn cứu độ. Sự cứu chuộc là do ơn của Chúa mà Ngài chỉ ban cho những ai được chọn. Phần đông nhân loại là bị án phạt đời đời.
Sau khi xuất bản được hai năm, cuốn Augustinus đã bị GiáoHội Công Giáo lên án và cấm phát hành bởi Ðức Giáo Hoàng Urbanô VIII.
Chúng Ta Thật Hạnh Phúc
Chúng Ta Thật Hạnh Phúc
Tác giả: Tuyết Mai
Tôi có đọc được mẩu chuyện ngắn để răn đời như sau rằng có một thằng bé kia nghèo lắm, sống thất tha thất thểu, tìm miếng ăn cho từng bữa, nhờ vào lòng quảng đại của những ai có lòng bác ái để sống qua ngày. Một bữa nọ nó gặp một ông lão tóc râu bạc phơ kia, bảo với nó rằng: “Mày, tao thấy mày thật là giầu có”. Với cái nhìn mỉa mai của nó chằm chặp vào lão ông kia nó bảo: “Một xu tôi cũng chẳng có mà ông nói cái gì kỳ vậy? Ông không thấy rằng quần áo của tôi rách bươm không có miếng vải để vá hay sao?”.
Chắc rằng ông già râu tóc bạc phơ này là ông thần, hiện ra để muốn giúp thằng nhỏ này chăng?. Ông bèn lên tiếng với thằng nhỏ rằng: “Thế bây giờ tao muốn mua bàn tay của mày 1 triệu đồng mày có bán không?”. Chẳng cần phải suy nghĩ, thằng nhỏ lắc đầu quầy quậy và bảo rằng ông có khùng không, tôi không bán. Rồi ông lại hỏi nó tiếp: “Nếu mày không chịu vậy tao cần mua hai bàn chân của mày 10 triệu đồng, mày có bán không?”. Một lần nữa nó cũng trả lời với ông lão là không. Rồi ông tiếp tục hỏi nó: “Vậy tao muốn mua bộ đồ lòng của mày cho 50 triệu đồng ….”. Ông chưa hỏi dứt câu thì nó xua xua tay bảo ông khỏi hỏi nữa, vì nó đã hiểu Ý của ông muốn nói gì rồi!. Là quả thật hiện nó đang giầu có mà nó không nhận biết.
Qua câu chuyện trên thì có phải tất cả chúng ta là con cái Chúa, ai cũng được hạnh phúc đấy hết thảy!. Hạnh phúc đích thật cái mà Chúa đã tác tạo ra chúng ta từ hình hài giống Chúa cho đến thể xác của chúng ta. Nhờ nó mà chúng ta mới trở thành một con người hữu ích và hữu dụng, cho chính chúng ta, gia đình, và xã hội. Rồi chúng ta không nhiều thì ít trong thời buổi văn minh hiện đại của ngày hôm nay, chúng ta ai ai cũng biết rất rành về YouTube, và cũng không nhiều thì ít anh chị em đã chứng kiến một con người thật đặc biệt, cho chúng ta rất nhiều ấn tượng, và ấn tượng ấy đã cho chúng ta thật nhiều cảm xúc khó quên.
Tôi không nhớ tên của anh ta được, nhưng anh là một con người mà Chúa sinh ra không có hai cánh tay và không có chân. Phần chân của anh chỉ là một miếng thịt dư ở dưới phần mông bên phải của anh. Cuộc sống của anh thuở còn niên thiếu rất là cam go và luôn cần có sự giúp đỡ của gia đình, cho bất cứ việc gì và điều gì anh cần làm. Vâng, anh cần từ cái đút ăn cho đến vấn đề vệ sinh. Không việc gì anh muốn đụng đến mà không cần người giúp đỡ. Tinh thần của anh ngày càng suy sụp theo tuổi đời của anh. Bao nhiêu lần anh muốn tự tử mà không thành. Vì Chúa có chương trình sẵn cho anh trên thế gian này!. Một ngày nọ cũng giống như bao nhiêu ngày tuyệt vọng khác của anh, thì Chúa đã đến và đã sống trong anh. Chúa đã đến và đã ban cho anh một sức mạnh phi thường. Sức mạnh ấy đã khiến anh lên tinh thần và thay đổi con người anh toàn diện. Anh đã tự học cách lo cho chính mình. Từ những việc vặt vẵn cho đến anh tự nấu nướng một mình, và tự lo được công việc vệ sinh thường ngày của anh. Anh chị em có thể tưởng tượng rằng anh sống riêng một mình hay không?. Phải nói anh có làm được tất cả cũng là nhờ anh có chiếc xe lăn rất đặc biệt, dành riêng cho anh, thay cho hai chân của anh.
Ngày hôm nay chẳng những anh sống riêng một mình, làm được tất cả mọi việc cho chính mình, mà anh còn được mời đi toàn khắp thế giới để thuyết trình, và để làm gương sống động cho rất nhiều người. Chẳng những anh làm gương cho những con người đang sống trong tuyệt vọng giống như anh là mù điếc câm, tật nguyền, liệt giường liệt chiếu, vô dụng trong xã hội, mà anh còn làm gương sáng cho những ai Chúa ban cho đầy đủ từ cái đầu cho đến tứ chi. Quả thật con người như anh chúng ta phải ngả mũ mà khen thưởng, mà luôn thắc mắc rằng sao anh có thể làm được như vậy?. Có thể Chúa cũng ban cho anh một gia đình thật hạnh phúc sau này!. Vì anh quả là một người đàn ông tuyệt vời và là tấm gương sáng cho những ai đang có tất cả nhưng vẫn thấy mình là rất nghèo nàn.
Vâng, thưa đúng như vậy! Sự nghèo nàn nhất mà chúng ta được biết là từ những người thật giầu có như mẹ thánh Têrêsa nước Ấn Độ ám chỉ những con người ở những quốc gia giầu mạnh. Hình như đời thường là thế, không ai có thể có cả hai. Một là có tình mà không có tiền, hay ngược lại. Nhưng thưa anh chị em, nếu chúng ta là con cái Chúa là chúng ta Có được tất cả!. Vì ai cũng hiểu rằng Thiên Chúa là Đấng rất nhân từ và Người rất yêu thương con người. Không ai phủ nhận điều đó!. Chỉ có khác nhau là nếu chúng ta phó mặc cho Chúa quan phòng, đừng tự mình, và đựng tự phụ vào sức rất hạn hẹp của mình, thì tất cả chúng ta là những con người giầu có nhất và hạnh phúc nhất trên trần gian này!.
Tựu trung có phải lỗi của chúng ta khi đánh mất đi cái hạnh phúc tuyệt vời và tuyệt hảo Chúa ban cho từng mỗi người chúng ta?. Ai bảo chúng ta có lòng tham lam và hay muốn tích lũy?. Ai bảo chúng ta đóng cửa lòng và nhỏ nhen?. Ai bảo chúng ta khinh thường sự sống muôn đời?. Và ai bảo chúng ta chọn tiền bạc, danh lợi, thú vui, quyền lực, hão huyền?.
Hạnh phúc Chúa ban cho từng con người là ở trong tầm tay vói của chúng ta. Chỉ cần chúng ta mời Người luôn ngự trong căn nhà tâm hồn của chúng ta, thì trong Nhà của Người có gì, chúng ta sẽ hưởng được thứ nấy. Ngay tại ở đời này và cả ở đời sau. Amen.
** Xin bấm vào mã số dưới đây để hát theo:
http://www.youtube.com/watch?v=PpzML3waimw
(Con Cảm Ơn Cha)
Y Tá Của Chúa,
Tuyết Mai
(04-23-12) nguồn: thanhlinh.net
Tại sao lại gọi là Dòng Tên ?
Tại sao lại gọi là Dòng Tên ?
(S.J.: Societas Jesu – Gesellschaft Jesu – The Society of Jesus)
“Tại sao lại gọi là Dòng Tên? Tất cả mọi dòng đều có tên, nào là dòng Đa-Minh, dòng Phan-xi-cô, dòng Biển Đức….Không lẽ hết tên để đặt cho nhà dòng rồi, nên mới kêu là Dòng Tên?”
Không ít người đã hỏi như vậy. Mỗi lần như thế, tôi lại phải từ từ giải thích, để ít nhất giải bày được thắc mắc rất hợp lý trên.Hôm nay, trong tâm tình chia sẻ với quý vị độc giả của báo Dân Chúa, và đặc biệt với các bạn trẻ, tôi xin giới thiệu đôi nét về Dòng Tên. Đầu tiên xin trình bày vài nét về ông tổ sáng lập Dòng Tên. Đó là Thánh I-Nhã, người Tây Ban Nha. (Ignace de Loyola, 1491-1556)
1. Những bước ngoặc đầu tiên
- Thời trai trẻ
Khi còn là một thanh niên 26 tuổi, I Nhã đã muốn hưởng sự hoan lạc trên thế giới, vì thế đã xin đi “tòng quân”. Trong một trận trấn thủ pháo đài tại Pamplona. Trước sự tấn công của Pháp, cấp chỉ huy và các hiệp sĩ biết rằng, mình không thể chống trả được, nên điều đình xin đầu hàng. Nhưng I Nhã mạnh mẽ tranh luận với cấp trên, là phải nhất định trấn thủ pháo đài cho bằng được. Khi bị quân pháp bắn súng pháo và đại bác, I Nhã đã bị thương nặng và sau đó tất cả các binh sĩ đầu hàng.
Vì bị thương nặng gãy chân và phải di chuyển xa, nên vết thương càng trầm trọng. Bác sĩ không hy vọng sẽ lành, sức khoẻ càng lúc càng tồi tệ. Khi cảm thấy cái chết đã gần kề, I Nhã đã xin nhận bí tích giải tội lần cuối. Hơn nữa, Bác Sĩ nói rằng, nếu đến nửa đêm mà sức khoẻ của I Nhã không khả quan, thì đành bó tay để cho chết. Nhưng I Nhã là người có lòng mến mộ Thánh Phêrô một cách đặc biệt, Ngài đã tín thác hoàn toàn vào Chúa, và cũng xin Thánh Phêrô cầu bầu. Nửa đêm qua đi, tử thần không “viếng thăm” I-Nhã, ngược lại tình trạng sức khoẻ khả quan hơn, và sau đó vài ngày I Nhã được coi là người đã thoát khỏi cái chết. Xương chân bắt đầu lành lạnh nối lại với nhau, nhưng khổ thay dưới khủy đầu gối, khúc xương gãy nằm chồng lên nhau, cho nên một chân bị ngắn hơn, và vì khúc xương lòi ra nên trông thật xấu xí khó coi. I Nhã thấy rằng với một tướng đi khập khễnh, và cái chân quái dị như thế, thì sẽ hủy hoại đi cuộc đời sự nghiệp. Nên I Nhã đã xin bác sĩ giải phẩu cắt khúc xương đó đi, mặc dầu biết rằng mình sẽ phải chịu cực hình còn đau đớn hơn lần bị thương trước. I Nhã thích đọc sách tiểu thuyết và kiếm hiệp, vì thế khi nằm trên giường bệnh, I-nhã muốn tìm sách này để đọc giết thời gian, nhưng tìm chẳng thấy. Thay vào đó, người ta đưa cho I Nhã cuốn “Vita Christi” (Cuộc đời Đức Kitô) và cuốn sách Hạnh các Thánh. Ðọc đi đọc lại, đôi khi I-Nhã cảm thấy thích thú. Ðọc về Cuộc Ðời Chúa và các Thánh, thỉnh thoảng ông dừng lại và tự hỏi mình: “Giá mà tôi cũng làm được những việc như Thánh Phanxicô (thành Assisi) hay Thánh Ða-Minh đã làm thì sao?” Như thế, ông suy niệm về nhiều việc lành có thể làm được, cũng không thấy khó khăn cho lắm! Mỗi lần như thế, ông lại tự nhủ: “Thánh Phanxicô đã làm việc này thì tôi cũng phải làm được! Thánh Ða-Minh đã làm được việc kia thì tôi cũng phải làm!” (Hồi ký I-nhã số 7)
Và từ từ với ơn của Chúa, I Nhã quyết định bỏ mọi sự theo Đức Kitô.
- Đổi đời
Sau đó chàng hiệp sĩ I-Nhã đã quyết định làm một chuyến hành hương đến Giêrusalem, trên đường Ngài ghé Monserrat và kính viếng Đức Mẹ ở đó. Trên đường từ Navarrete tới Monserrat, I-Nhã lủi thủi cỡi trên một con La. Tình cờ một người Mauri (người Hồi Giáo) cũng cỡi lừa đi ngang qua, và hai người bắt chuyện với nhau. Chuyện họ nói là về Đức Mẹ. Người Mauri nói rằng anh ta thừa nhận Đức Mẹ thụ thai khi không biết người nam nào, nhưng làm sao lại có chuyện Đức Mẹ sinh con ra vẫn còn đồng trinh. Hai người tranh luận, nhưng I-Nhã không thể thuyết phục được tư tưởng của anh chàng Mauri, nên anh chàng này thúc lừa đi nhanh tiến về phía trước rồi khuất dạng. I Nhã một mình trên con La tiến bước, nhưng vẫn suy tư không hài lòng, vì mình đã không làm tròn bổn phận, để thuyết phục người Mauri, và như thế là không làm vinh danh Đức Mẹ.
Tức qúa, chàng hiệp sĩ liền thúc La đuổi theo, với ý định là sẽ rút dao đâm tên này mấy nhát. Nhưng suy đi nghĩ lại, I Nhã không biết có nên làm như vậy không. Vì thế, khi đến một ngã ba trên đường, I Nhã quyết định thả dây, để tự con La nó rẽ đi con đường nào thì tùy nó. Tuy vậy, I-nhã cũng vẫn nuôi ý tưởng, nếu đi cùng đường với tên Mauri thì I Nhã sẽ nhất định đâm cho nó vài nhát, nhưng con La đã chọn rẽ đi lối khác.
Khi tới Monserrat, I Nhã đã giành ba ngày tĩnh tâm, để chuẩn bị cho việc xưng tội. Sau khi làm phép hòa giải với Cha Linh Hướng, I-nhã nhận được sự bình an. Sau đó chàng hiệp sĩ I Nhã bỏ lại con La, còn cây kiếm và dao găm, là hành trang và là một vật làm nên căn tính của người hiệp sĩ, thì I-Nhã treo trước bàn thờ tại Đền Đức Mẹ Monserrat, dâng lên cho Đức Mẹ.
Sau đó I-nhã đến Manresa. Ở tại đây I-Nhã đã nhận được ơn soi sáng của Chúa cách đặc biệt. Thời gian một năm ở Manresa (1522-1523) Chúa đối sử với I-Nhã như thày giáo dạy học trò, như qua những kinh nghiệm bị cám dỗ, kinh nghiệm bối rối và bị thử thách, kinh nghiệm sợ hãi về sự chết, kinh nghiệm về sự trông cậy và tin tưởng vào Chúa, kinh nghiệm an ủi và cảm nhận được lòng thương xót của Chúa nơi mầu nhiệm Ba Ngôi, mầu nhiệm Thánh Thể. Đặc biệt, I-Nhã đã được Chúa mở lòng và mở đôi mắt tâm hồn, để “am tường nhiều điều, vừa thuộc đức tin vừa văn hoá, dưới một luồng sáng rực rỡ khiến mọi điều trở nên mới mẻ”“ (Hồi Ký I-Nhã số 30).
Tất cả những kinh nghiệm trên đã củng cố đức tin của của I-Nhã, và I-Nhã được kêu gọi trở nên Linh Mục của Chúa. Trong thời gian này Linh Thao là con đường thiêng liêng đặc biệt của I-Nhã.
2. Dòng Tên và những bước đi chập chững
- Paris – Thành Phố tình yêu, nơi sinh của Dòng
Sau đó với tuổi 30, I-Nhã quyết định đi học Thần Học. Dù đã hết tuổi sinh viên, I-Nhã vẫn kiên tâm mài dũa kinh sử, bắt đầu miệt mài học tiếng La-tinh. Khi chuyển tới học tại đại học Paris, I-Nhã đã quy tụ được một nhóm bạn cùng chí hướng, và rồi tình Bạn của họ đã được chăm bón và phát triển trong sự quan phòng và tình yêu của Chúa. Hằng tuần, mỗi Chúa Nhật, ngài cùng với các bạn đến xưng tội và dự lễ tại đan viện Notre-Dame de Vauvert dòng Chartreux. Sau thánh lễ, các bạn chia sẻ với nhau bữa ăn huynh đệ và lý tưởng tông đồ. Những buổi sinh hoạt như vậy ai muốn đến dự cũng được, khi nào chán thì bỏ, thấy thích hợp thì tiếp tục. Sau nhiều gạn lọc, có 6 người thực sự muốn gắn bó với nhóm. Rồi mỗi người lần lượt tập Linh Thao 30 ngày do I-nhã hướng dẫn. Một lý tưởng tông đồ nung nấu những sinh viên trẻ đầy nhiệt huyết, đồng thời một tình bạn thiêng liêng lớn dần, nối kết bảy người lại thành một, vượt qua mọi ngăn cách tự nhiên sẵn có. Kết quả là nhóm bạn đi đến một quyết định chung: cùng nhau tuyên khấn sống theo ơn gọi và lý tưởng tông đồ theo Chúa Kitô.
Sáng ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, 15.8.1534, bảy sinh viên Đại Học Paris cùng nhau đến nhà thờ Các Thánh Tử Đạo ở Montmatre để tuyên khấn. Chân phước Phêrô Favre, linh mục duy nhất của nhóm, dâng lễ, một lễ dành riêng cho họ. Trước khi rước Mình Thánh Chúa, mỗi người lần lượt đọc lời khấn đã viết sẵn. Trong tinh thần này, bảy anh em đã ý thức được một tâm tình: Tất cả là những người Bạn của Chúa Kitô. Trong số bảy người đó, ngoài Thánh I-Nhã ra còn có Thánh Phanxicô Xaviê. Hôm nay, tại nhà thờ Montmatre, chúng ta còn có thể đọc được một bảng bằng đồng viết bằng tiếng La-tinh: “Societas Jesu Quae Sanctum Ignatium Loyolam Patrem agnoscit, Lutetiam matrem Hic nata est. – Dòng Tên sinh tại nơi đây. Cha: Thánh I-Nhã, Mẹ: Paris”.
- Roma – Nơi Dòng được đặt tên
Sau thời gian sống ở Paris, I-Nhã và nhóm bạn bảy người đã nuôi mộng sẽ đi Giêrusalem và dấn thân ở đó. Tuy nhiên, họ cũng có một ý tưởng thứ hai, là nếu điều kiện không cho phép họ đi Giêrusalem, thì tất cả sẽ xin tự nguyện tùng phục Đức Thánh Cha, và sẽ đi bất cứ nơi đâu và làm bất cứ việc gì để phục vụ Giáo Hội.
Khi từng người lần lượt đã đến Roma, thì họ nhận được sự chúc lành của Đức Thánh Cha, Ngài cũng cho phép họ đi Đất Thánh. Hơn nữa, Ngài còn cho phép tất cả được chịu chức Linh Mục. Trong năm đó, năm 1537, vì điều kiện không cho phép, nên việc đi Giêrusalem phải hoãn lại, và với thời gian Chúa đã muốn hướng đi khác cho những người trẻ này. Đặc biệt trong thời gian này I-Nhã đã có được một thị kiến tại La Storta: “Một hôm khi còn cách xa Roma mấy dặm, đang khi cầu nguyện trong một nhà thờ, I-Nhã nhận thấy một sự thay đổi lớn lao trong tâm hồn, và thấy rõ ràng Chúa Cha đặt ông cùng Chúa Kitô, con của Ngài. I-Nhã không thể nào nghi ngờ điều đó chỉ biết rằng Chúa Cha đặt mình cùng Chúa Con.” (Hồi ký I-nhã số 96) Đó chính là một trong những kinh nghiệm giúp I-Nhã và các anh em nhận ra được ơn gọi để trở nên những người kết thân với Chúa Kitô, trở nên những môn đệ của Ngài và cùng Ngài lên đường phục vụ Thiên Chúa và các linh hồn.
Ngoài ra, thời gian này, các anh em tiếp tục sống tinh thần tông đồ, cụ thể là giúp các các linh hồn, và đưa mọi người về với Đức Kitô, đúng theo tinh thần của Linh Thao. Đây cũng là một trong những trọng tâm sống của họ. Ngoài ra, các anh em đều tiếp tục xây dựng cuộc sống của mình trên đặc sủng Linh Thao. Họ cũng nhận định và suy nghĩ về tương lai của mình. Một trong những điều họ suy nghĩ là: “Nên đặt tên cho nhóm bạn mình là gì đây?” Với tâm tình “là những người bạn trong Chúa Kitô”, tất cả đều đồng tâm chọn chính tên của Đấng đã làm cho mọi người yêu mến và ao ước phục vụ. Vì thế, họ đã chọn tên cho nhóm là: “Societatis Jesus – Cộng đoàn Giêsu hữu”.
Sau đó, vào Mùa Chay năm 1539 tại Roma, I-nhã và các bạn đã nhất trí xin lập một dòng tu mới. Đức Thánh Cha Phaolô III đã chính thức phê chuẩn Dòng Chúa Giêsu vào năm 1540, với tên gọi
“Cộng đoàn Giêsu hữu”. Ở đây xin mở ngoặc để phần nào trả lời cho câu hỏi: “Tại sao ở Việt Nam lại kêu Dòng Chúa Giêsu là Dòng Tên?” Vì khi Dòng Chúa Giêsu vào Việt Nam, thì trong bối cảnh xã hội thời đó, ai kêu tên của Ông Bà Cha Mẹ, đặc biệt tên của Chúa, thì rất phạm thượng, nên “Dòng Chúa Giêsu” đã được kêu là “Dòng Tên”, để không phạm húy, để mọi người dễ chấp nhận, và cũng dễ dàng cho anh em Giêsu Hữu thời đó trong việc truyền giáo.
- Phố phường và thế giới – Tu viện của Dòng Tên
Khi Dòng Tên được phê chuẩn và hình thành, I Nhã và các anh em đã quyết định một vài điều liên quan đến đời sống thiêng liêng và phục vụ. Cộng đoàn dòng Tên sẽ không có giờ kinh phụng vụ chung, tu sĩ dòng không có áo dòng như các tu viện và dòng Tu thời đó, và Dòng Tên cũng không là một tu viện với một “chỗ gối đầu” êm ấm, được bao quanh bởi bốn bức tường kiên cố. Nhưng tại sao lại có những quyết định như thế? Đơn giản là các tu sĩ Dòng Tên cần phải sống ơn gọi tông đồ mà Thiên Chúa đã mời gọi. Vì thế, họ đã chọn lựa một số cách thức giúp họ dễ dàng thi hành sứ mạng tông đồ hơn.
Vì thế, tu viện của Dòng Tên sẽ là phố phường và thế giới, nơi các tu sĩ Dòng Tên đặt chân tới để giúp các linh hồn và phục vụ anh chị em. Đó chính là tinh thần sống của I Nhã, một người lữ hành, và của những anh em Dòng Tên từ xưa cũng như hôm nay.
Từ đó trở đi, theo gương của Chúa Giêsu, các tu sĩ Dòng Tên đã đi đến từng phố phường, làng mạc…, để đem tin mừng của Chúa đến khắp mọi nơi, cùng chia sẻ và giúp đỡ từng tâm hồn nhận ra được tình yêu của Chúa, tin vào Tin Mừng của Ngài, và tập sống theo mẫu gương của Đức Kitô. Đặc biệt, ở đâu cần giúp đỡ hơn, ở đâu khó khăn hơn, ở đâu Tin Mừng Chúa cần “nở hoa” hơn, thì các anh em Dòng Tên quyết tâm lên đường dấn thân nơi đó. Vì vậy mà Phanxicô Xaviê đã phải xa lánh nhóm bạn, đáp tàu đến một vùng đất xa xôi và lạ lẫm ở Ấn Độ và Nhật Bản, Matteo Ricci và Adam Schall ở Trung Quốc, Alexandre de Rhode ở Việt Nam, và còn bao tu sĩ Dòng Tên khác đã đặt chân lên Nam Mỹ, Châu Phi.
Ngoài ra, môi trường phục vụ của dòng Tên ngày xưa, cũng như hiện nay với trên 20 ngàn tu sĩ tại 127 quốc gia, không giới hạn ở một chân trời nào cả. Không chỉ có chân trong triều đình nhà Vua thời xưa, mà còn ở những góc phố dơ bẩn tại Manila thời nay. Không chỉ ở tại những đại học danh tiếng như Georgetown University – Hoa Kỳ, mà còn tại những vùng hoang vu đất đỏ ở Việt Nam. Thực vậy, nơi nào Vinh Danh Thiên Chúa hơn, thì các tu sĩ Dòng Tên có mặt ở đó.
3. Những nét chính yếu làm nên khuôn mặt Dòng Tên
- Để vinh Danh Thiên Chúa hơn – Ad Maiorem Dei Gloriam
“Để Vinh Danh Chúa Hơn” là cụm từ đã được thánh I nhã dùng rất nhiều lần, và đã trở thành châm ngôn của Dòng Tên. Châm ngôn này được các tu sĩ dòng Tên thấm nhuần và trở thành một trong những mục đích chính yếu cho đời sống dâng hiến của mình. Nên trong cả cuộc đời mình, nghĩ gì, nói gì, làm gì, các tu sĩ dòng Tên đều hướng về tâm tình: “Để cho vinh danh Thiên Chúa hơn”. Thực vậy, còn vinh danh ai khác, nếu không phải là vinh danh Thiên Chúa, Đấng vì yêu thương đã dựng nên con người. Chính vì vậy, mà theo I-nhã thì nguyên lý nền tảng cho đời người là: “Con người được dựng nên để ca tụng, tôn kính và phục vụ Thiên Chúa Chúa chúng ta, để nhờ đó cứu linh hồn mình” (LT. 23). Vâng, ca tụng, tôn kính và phục vụ Thiên Chúa, như các Thiên Thần làm. Như thế là Thiên Chúa đang được tôn vinh, đang được vinh quang.
Tuy nhiên, vinh quang Thiên Chúa là điều con người không chỉ nhắm tới trên bình diện ý hướng, nhưng còn cả trên bình diện thực hành nữa. Nghĩa là cần phải bắt tay vào, cần phải là chính muối đất và ánh sáng của cuộc đời. Trong tâm tình này, đối với Dòng Tên, thì vinh quang Thiên Chúa thúc đẩy từng cá nhân và toàn dòng phải cùng với Đức Kitô đi vào cuộc đời, cần xả thân vào công việc rao truyền Tin Mừng và bảo vệ Đức Tin, hay nói khác đi cần phải cùng với Đức Kitô „quăng lưới người“, nghĩa là rao truyền, xây dựng nước Trời tại trần thế hôm nay, và mời gọi mọi người bước qua “cánh cửa” là Chính Đức Kitô, để vào sống nơi đồng cỏ xanh tươi và dòng suối ngọt ngào đem lại ơn cứu độ. Ngày hôm nay, với dòng Tên việc rao truyền Đức Tin luôn cần được gắn liền với công việc bảo vệ công bình trong trong xã hội.
- Xắn tay áo và lao vào cuộc đời
Thực vậy, ngày xưa khi Đức Kitô đi vào cuộc đời, Ngài luôn quan tâm đến từng tâm hồn, đặc biệt là những anh chị em nghèo khổ và thấp cổ bé miệng. Với Thánh I-Nhã, trong thời gian học ở Paris và rồi làm việc và sống ở Roma, thì công việc phục vụ các tâm hồn là một điều tối quan trọng. Dù có bận bịu đến đâu, nhưng Ngài luôn có giờ để hướng dẫn thiêng liêng và giúp Linh Thao cho rất nhiều người. Vì thế, Tu Sĩ dòng Tên, những người Bạn đường của Đức Kitô, không chỉ giảng hay và nói giỏi, mà cần phải “xắn tay áo và lao vào cuộc đời”, cần sống sống đúng theo tinh thần của Đức Kitô, là trở thành những người phục vụ các tâm hồn, đặc biệt những anh chị em nghèo khó. Khi đã đồng ý bước theo tiếng gọi của Giêsu, thì cần phải cùng với Ngài đi vào trong từng ngõ ngách của cuộc đời, rảo bước trên từng con đường dẫn vào thành thị và làng mạc, để chia sẻ và phục vụ cho anh chị em bất hạnh, nhờ đó họ có thể sống và sống được dồi dào hơn.
Vì vậy, ngay trong thời gian huấn luyện, các tu sĩ Dòng Tên không chỉ làm bạn với sách vở, không chỉ “ngồi Thiền” mãi, mà còn phải xắn tay áo lên đường, đi vào những nơi nghèo nàn và cần đến sự giúp đỡ nhất. Đó chính là những góc phố của các trẻ em bụi đời, là những nhà dưỡng lão của nhiều cụ già neo đơn, là góc rừng sâu thẳm không chỉ có khỉ ho cò gáy, mà còn có nhiều anh chị em người dân tộc thiểu số nghèo nàn. Tuy nhiên, dòng Tên không chỉ lo giúp cho người nghèo, mà nơi nào Giáo Hội cần đến, thì dòng Tên sẵn sàng có mặt.
- Lao vào cuộc đời với sự Vâng Phục
Khi xắn tay áo lên lao vào cuộc đời, tu sĩ Dòng Tên không mù quáng như những con thiêu thân. Thực vậy, những lúc lên đường là những lần sống tinh thần Vâng Phục. Vâng phục như chính Đức Kitô đã vâng phục Cha mình, để hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc muôn người. Hơn nữa, trong chiều sâu của linh đạo, tu sĩ dòng Tên ao ước được nên giống Đức Giêsu trong mọi sự, ao ước được tham dự cùng sứ vụ với Đức Giêsu, ao ước có cùng số phận với Đức Giêsu, đó là được chết và phục sinh với Đức Giêsu, ao ước nên giống Đức Giêsu trong cách thức thi hành sứ mạng: vâng phục như người tôi tớ trong khiêm tốn khó nghèo, chịu xỉ nhục khinh chê.
Vì thế, sự vâng phục bề trên là một trong những điều rất quan trọng. Ý nghĩa của sự vâng phục này có nhiều khía cạnh. Vâng phục trong sự đối thoại, nhưng khi cần thiết, thì sẽ vâng phục bề trên một cách triệt để. Có thể, “ngày hôm trước qua ngày hôm sau, đã vâng phục bề trên xắn tay áo, khăn gói lên đường, rời nơi ở thân thương và tiện nghi đang có, đến một nơi cực khổ hơn, để thi hành sứ mạng tông đồ của mình, nghĩa là phục vụ các linh hồn và làm vinh danh Thiên Chúa hơn.
Dòng Tên còn có lời khấn vâng phục Đức Giáo Hoàng trong những gì liên quan đến sứ vụ, và với ý hướng để việc giúp đỡ các linh hồn hữu hiệu hơn, và Chúa được tôn vinh hơn. Đó chính là Lời khấn thứ tư. Lời khấn này không chỉ được hình thành trong quyết định lập dòng vào năm 1539, nhưng nó đã được hàm chứa trong lời khấn ở Montmartre năm 1534. Lời khấn thứ tư là một điểm đặc biệt và chính yếu của Dòng Tên, nó đã được suy nghĩ và quyết định dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần. Như vậy, Dòng Tên hiện hữu tựa trên lời khấn thứ tư “vâng phục giáo hoàng.” Nói theo ngôn ngữ của chân phước Phêrô Favre: “lời khấn này là nguyên lý và nền tảng của Dòng.” Lời khấn này không ràng buộc các tu sĩ Dòng Tên ở bất cứ vùng đất đặc biệt nào, trái lại nó giúp họ đi đến bất cứ nơi nào, ở đó vinh quang Chúa và lợi ích các linh hồn được mưu cầu hơn.
- Lao vào cuộc đời với hành trang là tình yêu
Vâng phục đã là tốt lắm rồi, nhưng nếu chỉ vâng phục như một cái máy thì chưa đủ. Người tu sĩ dòng Tên khi vâng phục để “lao vào cuộc đời”, thì sẽ mang theo một hành trang quý giá. Đó chính là Tình Yêu với Đức Kitô. Tình yêu mà Đức Kitô đã biểu lộ qua chính toàn bộ cuộc đời Ngài, qua hang lừa đơn sơ nghèo nàn, qua những năm ẩn dật tại Na-gia-rét, qua thời gian dấn thân phục vụ mọi người và rao truyền Tin Mừng ơn cứu độ, đặc biệt tình yêu của Ngài được “nở hoa” trên chính Thánh Giá. “Không có tình yêu nào cao quý hơn là tình yêu của người thí mạng sống mình vì người mình yêu”. Và tình yêu của Ngài được đơm trái trong ngày Phục Sinh.
Người tu sĩ dòng Tên, cả cuộc đời mình, từ những ngày chập chững tìm hiểu, cho đến khi tóc bạc răng long, luôn luôn cần phải tiếp tục khám phá, chăm bón và làm cho tình yêu của mình đối với Đức Kitô được thắm nồng hơn, qua chính những kinh nghiệm Linh Thao, qua những giờ cầu nguyện chiêm ngắm và những giây phút hồi tâm hằng ngày, cũng như qua chính những kinh nghiệm sống của mình và qua những anh chị em mà mình phục vụ. Thực vậy, con người chỉ có thể bước chân theo Đức Kitô, để dấn thân sống “phục vụ chứ không để được phục vụ”, khi con người nhận được hồng ân cao quý này, là được kết thân với Đức Kitô, để rồi “Ngài với Ta tuy hai mà một, Ta với Ngài tuy một mà hai”. Hay với Rupert Mayer, một linh mục dòng Tên tại Đức, thì “Đức Kitô là tất cả đời tôi”. Vì thế, nếu ai không có ơn này và không quyết tâm sống trong tình yêu với Đức Kitô, thì khó có thể trở thành một tu sĩ dòng Tên.
Được kết thân với Đức Kitô. Đó là một ân sủng thực sự. Nhưng ân sủng của Chúa cần đến “sự mở lòng” của con người. Vì thế với I-nhã, sự khát khao của con người được trở nên những người kết thân với Đức Kitô đóng một vai trò quan trọng. Lòng khát khao cũng chính là một trong những điều kiện cần có, cần được chuẩn bị cho những ai bước vào Linh Thao. Dưới đây xin gởi một vài tâm tình về Linh Thao, đặc sủng của dòng Tên.
4. Linh Thao – một con đường thiêng liêng
- Linh Thao là gì vậy?
Có một anh bạn trẻ với bằng cấp cử nhân Thần Học rất tò mò muốn biết Linh Thao là gì. Anh đã đăng ký đi dự một khóa Linh Thao cuối tuần. Sau ngày đầu tiên của khóa, anh vào gặp tôi và nói: “Cậu biết không, mình đã nghe nói nhiều về Linh Thao và cũng thắc mắc, không hiểu tại sao nhiều người lại đi Linh Thao như vậy. Bây giờ qua ngày thứ nhất, mình đã hiểu được hết Linh Thao là gì rồi. Đâu có gì đặc biệt, cũng là cầu nguyện, là nghe giảng…” Tôi để cho Anh bạn nói cho đã. Sau đó mới chia sẻ với anh: “Vâng, nếu Anh muốn hiểu Linh Thao qua “cái đầu” không thôi, thì chẳng có gì khó cả, Anh chỉ cần đọc một số tài liệu là xong ngay. Nhưng Anh có biết chương trình trọn vẹn của Linh Thao không phải là một ngày, một cuối tuần hay một tuần lễ, mà là một tháng trời, theo như đề nghị của thánh I-nhã không? Hơn nữa, Linh Thao không chỉ giới hạn trong thời gian và cũng chẳng “nằm gọn” trong bộ óc của con người, mà còn phải được đưa vào cuộc sống, được nấu chín và trở nên của ăn thật sự cho từng tâm hồn trong đời sống thường ngày. Vì vậy, hiểu Linh Thao là một chuyện, nhưng biết sâu sa và sống tinh thần Linh Thao là một chuyện khác. Hơn nữa, mới có một ngày mà đã dám nói rằng: “Giờ này tôi đã hiểu hết về Linh Thao.”
Vậy Linh Thao là gì? Đơn giản mà nói, thì Linh Thao là hai chữ gói gọn một tâm tình: “Vì như đi dạo, đi bộ, chạy, là những việc thể thao, thì cũng thế, gọi là “Linh Thao” tất cả những cách dọn và chuẩn bị linh hồn để xa bỏ những quyến luyến lệch lạc và sau đó tìm kiếm ý Chúa trong cách xếp đặt cuộc đời để mưu ích cho linh hồn mình.” (Linh Thao số 1) Nói khác đi, Linh Thao là một cách thức tĩnh tâm giữa muôn ngàn phương cách tĩnh tâm trong Giáo Hội.
Và ai đi tĩnh tâm Linh Thao thì người đó đang tập thể thao cho tâm hồn mình, cho chính đời sống nội tâm của mình. Cụ thể người làm Linh Thao sẽ tập cầu nguyện, tập suy niệm, chiêm ngắm và sắp xếp cuộc đời mình theo tinh thần của Thánh Kinh. Ngoài ra qua Linh Thao, họ sẽ hiểu được cuộc sống thường ngày theo một lăng kính khác – lăng kính của Thiên Chúa, cũng như sẽ hướng cả cuộc sống của mình theo tinh thần của Ngài. Trong Linh Thao, họ cũng sẽ được tập để nhận định những tiếng nói của Thần Lành và Thần Dữ, nhờ đó họ có thể dễ dàng chọn lựa và tìm đến một quyết định, một con đường đem lại cho họ nhiều niềm tin, tình yêu, niềm hy vọng và bình an. Như vậy, Linh Thao là một chuỗi bài tập cầu nguyện trong thinh lặng cho từng cá nhân một, có hệ thống, có phương pháp. Thời gian có thể trong vòng một cuối tuần, hay một tuần lễ, hay bốn tuần lễ. Nơi chốn thường là trong một nhà tĩnh tâm. Nhưng nếu ai không có thời gian và điều kiện, thì có thể làm Linh Thao thường nhật tại nhà. Thời gian có thể là hai tháng, sáu tháng, một năm hoặc đôi khi hai năm, với sự đồng hành của người giúp Linh Thao. Trong thời đại Internet này, cũng có những chương trình Linh Thao thường nhật qua email, qua Internet, và được đồng hành, chia sẻ qua điện thoại, email hay qua chatroom.
Với các tu sĩ dòng Tên, thì Linh Thao không chỉ là chuỗi bài tập, mà còn là nền tảng cuộc sống, và là một con đường thiêng liêng. Thực vậy, Người tu sĩ dòng Tên sống, làm việc, và phục vụ theo tinh thần của Linh Thao. Vì thế, khi mới chập chững vào nhà tập, các tập sinh đã phải tập bước đi trên con đường Linh Thao. Tôi vẫn còn nhớ những ngày ngồi trong ghế nhà Tập. Cuốn sách Linh Thao trên bàn không chỉ được đọc, được tranh luận, nghiên cứu, mà còn được tập sống. Từng từ từng chữ được thấm từ từ vào đời sống của chúng tôi. Đến đây, tôi phải thành thật rằng, cuốn sách Linh Thao mà Thánh I-Nhã viết bằng tiếng Tây Ban Nha, nhưng bản in đầu tiên là tiếng La Tinh vào năm 1548, và sau đó được dịch ra rất nhiều thứ tiếng, không phải là một cuốn sách văn học để đọc. Vì vậy, theo ý kiến của một số người chuyên môn thì sách Linh Thao không phải là cuốn sách cho người đi làm Linh Thao đọc, mà là một cuốn cẩm nang cho người hướng dẫn Linh Thao. Thực vậy, ai tò mò cầm cuốn sách Linh Thao lên đọc, thì sẽ thất vọng, vì ở đấy người ta sẽ không tìm thấy những nét văn hoa của văn chương, ngược lại là một sự khô khan và chẳng thú vị gì.
- Tôi đi Linh Thao
Cách đây khoảng 16 năm, lần đầu tiên tôi đi tĩnh tâm Linh Thao một tuần lễ. Trước khi vào Linh Thao, Cha hướng dẫn nhắc là không cần phải đưa sách vở gì theo cả, ngoại trừ cuốn Thánh Kinh và giấy viết để ghi chép.Thú thực tôi rất hồi hộp, chẳng biết phải làm gì cho hết cả tuần. Rồi còn phải im lặng suốt tuần nữa chứ? Làm sao chịu nổi đây? Rồi sau đó vào nhà tập, thì đến lần đi làm Linh Thao 4 tuần. Cũng hồi hộp nữa, vì không biết mình chịu nổi một tháng trời thinh lặng không? Vâng, một tháng chỉ tập trung cầu nguyện và gặp gỡ Chúa, mỗi ngày chỉ gặp cha hướng dẫn nhiều lắm là 01 tiếng để trao đổi thôi.
Nhưng khi vào Linh Thao thì hoàn toàn khác. Mỗi ngày tôi được Cha hướng dẫn đưa bài gợi ý cầu nguyện cho 04 lần. Mỗi lần cầu nguyện từ 45 phút đến một tiếng. Các bài cầu nguyện và gợi ý dựa trên chính Lời của Chúa và cuộc đời của tôi. Những đề tài cầu nguyện gồm: “Ý nghĩa của cuộc đời là gì?” “Tại sao tôi có mặt trên đời này?”, “Tội lỗi con người và lòng nhân hậu tha thứ của Thiên Chúa”, “Bước đi trên con đường của Đức Kitô – từ biến cố Giáng Sinh đến lúc Ngài phải mang vác Thánh Giá trên đường thương khó, rồi cuộc tử nạn trên thập giá, sự sống lại hiển vinh.” Đặc biệt, trong tiến trình này, người làm Linh Thao sẽ có những bài cầu nguyện và suy niệm về tiếng gọi của Đức Kitô, về sự nhận định thần lành và thần dữ, sự chọn lựa một lối sống, và cuối cùng là những bài chiêm niệm thật bổ ích để khám phá và thấm nhuần tình yêu của Thiên Chúa.
Khi người làm Linh Thao cầu nguyện, suy niệm và đào sâu những đề tài này, đặc biệt luôn liên hệ đến cuộc sống của mình, thì họ sẽ từ từ được biến đổi trong chiều sâu nội tâm, sẽ tìm thấy một “lăng kính” mới của Thiên Chúa để nhìn cuộc sống rõ ràng hơn, thực tế hơn và nhân hậu hơn, cũng như họ có thể sẽ tìm thấy một hướng đi mới, một quyết định mới cho đời mình. Ngoài ra, qua Linh Thao, họ sẽ khám phá được sự gần gũi của Thiên Chúa và tình yêu dịu ngọt của Ngài giành cho chính bản thân mình. Đây chính là một khám phá rất đặc biệt, có động lực thúc đẩy nhiều người không chỉ sắp xếp lại cuộc đời mình, mà còn đổi đời mình theo Thánh Ý của Chúa. Vì vậy, khi đi tĩnh tâm Linh Thao, là lúc người ta đi gặp chính Chúa, Ngài là một người bạn mà mình sẽ tâm sự với Ngài nhiều, Ngài là một Đấng Tạo Dựng, mà qua Lời và Thần Khí của Ngài, sẽ trực tiếp ảnh hưởng và tác động trên người làm Linh Thao. Còn người giúp Linh Thao chỉ đóng vai trò đồng hành, giúp người làm Linh Thao tìm thấy “con đường” riêng của họ, hướng dẫn họ phần nào, nhưng không bao giờ xen vào tương quan của người làm Linh Thao với Thiên Chúa.
Lời kết
Thật là vui mừng khi được phép giới thiệu về dòng Tên. Mừng hơn nữa, nếu các Bạn Trẻ và quý độc giả tìm thấy được ít nhiều điều về dòng Tên qua những nét chấm phá trên. Và niềm vui lớn lao nhất sẽ “nở tươi”, khi Thiên Chúa được vinh danh hơn, nếu ngày ngày có thêm nhiều thợ gặt của Chúa, dám can đảm xắn tay áo và lên đường đi vào đồng lúa của cuộc đời hôm nay.
Nguyễn ngọc Thế sj nguồn: từ Vinh Phùng gởi
Thánh Fidelis ở Sigmaringen
Thánh Fidelis ở Sigmaringen
(1578 — 1622)
Nếu có người nghèo cần đến quần áo, Thánh Fidelis thường lấy ngay quần áo của mình đang mặc mà chia sẻ cho họ. Sự hoàn toàn độ lượng là đặc tính của cuộc đời thánh nhân.
Sinh năm 1578 trong một gia đình giầu có ở Sigmaringen, Thánh Fidelis có tên gọi là Mark Rey, ngay từ nhỏ rõ ràng ngài đã có những khả năng đặc biệt. Sau khi được vinh dự nhận bằng tiến sĩ triết và luật tại Ðại Học Freeburgh, Mark Rey cùng với ba người bạn đi khắp Âu Châu trong vòng sáu năm. Ngài hành nghề luật sư, và các thân chủ đều mến mộ sự khôn ngoan và công chính của ngài. Nhưng dần dà ngài cảm thấy ghê tởm sự thối nát trong giới đồng nghiệp, và khi được hối lộ để kéo dài một vụ kiện ngài đã quyết định đi tu, gia nhập dòng Phanxicô và lấy tên Fidelis. Tài sản của ngài được chia cho người nghèo và nhà dòng.
Với quyết tâm rao giảng cho mọi người biết về đức tin chân thật, sau khi thụ phong linh mục, Cha Fidelis được phép hoạt động truyền giáo cho người Tin Lành, đó là một công việc đầy nguy hiểm trong thời ấy. Ngài chuẩn bị cho sứ vụ này bằng việc học hỏi, viết lách, cầu nguyện và hãm mình. Với những lời đầy nhiệt huyết ngài bài bác lạc thuyết của Calvin và Zwingli. Nhiều người Tin Lành cũng như người Công Giáo sa ngã đã trở về với đức tin Công Giáo.
Sau đó Cha Fidelis làm Giám Ðốc của một tu viện và là nguồn khai sáng cho các tu sĩ với tinh thần chiêm niệm luôn bao trùm nhà dòng. Chính ngài và các thầy chăm sóc các quân nhân về thể xác cũng như tinh thần khiến các sĩ quan Tin Lành tức giận.
Có lần ngài nói với một linh mục bạn về hai điều ước của ngài; một là được ơn không bao giờ phạm tội trọng, và hai là được chết vì Ðức Tin. Thiên Chúa đã nhận lời ngài.
Trong ba năm, ngài được Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô XV sai đến Thetia hoạt động và ngài hoán cải rất nhiều người. Các giáo sĩ theo phái Calvin(*) xách động dân chúng, và vào ngày 24 tháng Tư 1624, đó là lần rao giảng chót của Cha Fidelis. Khi ngài vừa lên toà giảng để nói về “Một Thiên Chúa, Một Ðức Tin, Một Phép Rửa”, đám đông la ó phản đối, họ lôi ngài ra khỏi nhà thờ và dùng gậy gộc đánh đập và dùng gươm đâm ngài chết.
Lời Bàn
Sự liên lỉ cầu nguyện của Thánh Fidelis đã giữ ngài luôn trung thành với Thiên Chúa và không nhượng bộ sự lãnh đạm và thờ ơ. Người ta thường nghe ngài nói, “Khốn cho tôi, nếu tôi chỉ là một người lính thiếu tận tâm phục vụ vị Thủ Lãnh đội mão gai.” Sự cầu nguyện đối với sự thờ ơ, và sự lưu tâm đối với người nghèo đã khiến thánh nhân trở nên một gương mẫu có giá trị cho ngày nay. Giáo Hội thường kêu gọi chúng ta hãy noi gương người “luật sư của người nghèo” này bằng cách chia sẻ tài năng chúng ta với những người kém may mắn, và hoạt động cho sự công bằng của thế giới.
Lời Trích
“Hành động vì sự công bằng và tham dự trong việc biến đổi thế gian thực sự là một yếu tố cơ bản trong việc rao giảng phúc âm hoặc, nói cách khác, trong sứ vụ của Giáo Hội để cứu chuộc loài người và giải thoát con người khỏi mọi áp bức” (“Sự Công Bằng Trong Thế Giới,” Thượng Hội Ðồng Giám Mục, 1971).
Người công chính gặp nhiều nỗi gian truân, nhưng Chúa giúp họ luôn thoát khỏi
(Tv 34, 20) nguồn: từ Maria Mai
Thánh George.
Thánh George.
(c. 304)
Người ta thường vẽ hình Thánh George đang giết con rồng để cứu thoát một phụ nữ xinh đẹp. Con rồng tượng trưng cho sự dữ. Người phụ nữ tượng trưng cho chân lý thánh thiện của Thiên Chúa. Thánh George là vị tử đạo can đảm đã chiến thắng sự dữ.
Cuộc đời Thánh George thì đầy những huyền thoại đến nỗi thật khó để phân biệt thực hư. Người ta cho rằng Thánh George xuất thân từ Cappadocia thuộc Tiểu Á, là một sĩ quan trong đạo quân của Hoàng Ðế La Mã Diocletian (245 — 313), và là người được Hoàng Ðế mến mộ.
Lúc bấy giờ, Diocletian là người ngoại đạo và thù ghét Kitô Giáo. Ông giết bất cứ Kitô Hữu nào mà ông gặp. Thánh George là một Kitô Hữu can đảm, một người lính đích thực của Ðức Kitô. Không sợ hãi, ngài đến gặp Hoàng Ðế và nghiêm nghị quở trách sự tàn ác của ông. Sau đó ngài từ bỏ địa vị trong quân đội La Mã. Vì lý do đó ngài bị tra tấn bằng mọi cách khủng khiếp nhất và sau cùng bị chém đầu.
Sự can đảm và hăng hái tuyên xưng đức tin của Thánh George đã đem lại niềm phấn khởi cho các Kitô Hữu thời ấy. Nhiều bài hát và bài thơ đã được sáng tác về vị tử đạo này. Ðặc biệt, các quân nhân là những người sùng kính ngài.
Ngài được phong thánh năm 494, Ðức Giáo Hoàng Gelasius tuyên xưng ngài là một trong những người “mà tên tuổi thật xứng đáng để người đời kính trọng, và chứng từ tử đạo của ngài đáng để dâng lên Thiên Chúa.”
Thánh George được đặt làm quan thầy của nước Anh, Bồ Ðào Nha, Ðức, Aragon, Genoa và Venice.
Lời Bàn
Tất cả chúng ta đều có những “con rồng” để khuất phục. Nó có thể là sự kiêu ngạo, sự nóng giận, sự lười biếng, sự tham lam, hoặc bất cứ gì khác. Hãy biết rằng chúng ta chiến đấu những “con rồng” đó với sự trợ giúp của Thiên Chúa. Và rồi, chúng ta có thể tự hào mình là chiến sĩ đích thực của Ðức Kitô.
Lời Trích
“Mỗi khi nhìn đến đời sống của những người đã trung tín theo Ðức Kitô, chúng ta lại có thêm một lý do nữa để phấn khởi tìm kiếm Thành Thánh tương lai” (Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội, 50) nguồn: từ Maria Mai
Chuyện gia đình
Chuyện gia đình
Ngay từ nhỏ, ai đi học cũng đều được dạy và thuộc lòng câu tục ngữ:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ, kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
Gia đình là cái nôi. Ai cũng có một gia đình. Người ta có thể tự chọn cho mình nhiều thứ, nhưng không ai có thể chọn cha mẹ cho mình. Dù cha mẹ có thế nào thì cũng vẫn là người sinh thành và dưỡng dục, là con thì không ai được hất hủi cha mẹ. Không thể lấy cớ là “tại, vì, bởi, nếu” mà biện hộ cho động thái bất xứng của mình dành cho song thân phụ mẫu.
CHUYỆN MẸ CON
Bà Bùi Thị Hồng Nhung (44 tuổi) đã ly hôn năm 2009, bà sống với con trai tên Nguyễn Hữu Tài ở phường 2, Bảo Lộc (Lâm Đồng). Khi ly hôn, bà hứa sẽ cho anh em Tài một mảnh đất ở xã Đại Lào (Bảo Lộc). Nhưng sau bà lại định bán mảnh đất đó nên Tài không bằng lòng. Mặt khác, do Tài ham chơi, không giúp đỡ mẹ, nên thường bị mẹ la mắng, vì thế Tài càng ấm ức.
Khoảng 23 giờ ngày 16-8-2009, khi hai mẹ con đang ở trong phòng xem ti-vi, Tài hỏi: “Mẹ định bán miếng đất ở Đại Lào hả?”. Bà Nhung trả lời: “Tao bán thì sao?”. Thế là Tài nảy sinh ý định giết mẹ.
Lợi dụng lúc mẹ không để ý, Tài dùng tay đánh mạnh vào gáy mẹ. Bị đánh đau bất ngờ, bà Nhung hét lên rồi ngã xuống nền nhà, Tài lao theo siết cổ mẹ đến chết.
Lúc 12g10 ngày 20-8-2009, người dân phát hiện một xác người bị vùi tại bồn hoa trước nhà. Công an xác minh nạn nhân là bà Bùi Thị Hồng Nhung, thủ phạm giết bà Nhung lại chính là Nguyễn Hữu Tài (sn 1992), con ruột của bà Nhung.
CHUYỆN CHA CON
1. Năm 2009, Nghiêm Viết Thành (sn 1991) đã nhẫn tâm sát hại cha ruột là ông Nghiêm Viết Yên (sn 1958, nhà số 312, đường Điện Biên Phủ, P. Bình Hàn, TP Hải Dương). Không chỉ giết chết cha mà Thành còn dùng dao chém nhiều nhát khiến khuôn mặt nạn nhân biến dạng đến mức không thể nhận ra, và cắt rời thi thể nạn nhân làm 4 khúc.
Xong việc, Thành “biến mất”. Tuy nhiên, Thành vẫn lên mạng để liên lạc qua chat với bạn bè. Thành nói với bạn bè rằng khi đi chơi tối về thì phát hiện ông Yên đang ở với một người phụ nữ khác. “Xốn mắt” nên Thành bỏ đi, khi quay về thì phát hiện trong nhà có nhiều vết máu nên nghĩ có thể bố mình đã bị người phụ nữ kia sát hại nên Thành lại bỏ đi tiếp.
Công an Hải Dương bất ngờ ập vào nhà nghỉ tại số 60 đường Giải Phóng nối dài (TP Nam Định). Lúc này, Thành đang chuẩn bị tắm giặt sau mấy ngày lẩn trốn. Chiếc xe Future Neo mà Thành lấy đi của bố vẫn vương vài giọt máu. Vải thưa không che được mắt thánh. Lời khai của “cậu học trò ít nói và sống khép kín” dần hiện ra những chi tiết bí ẩn khiến cho chính các điều tra viên dày dạn kinh nghiệm nhất cũng không khỏi rùng mình.
Tối hôm đó, Thành đi chơi game về khuya nên bị ông Yên tra hỏi đi đâu mà về muộn. Thành nói: “Con đi học”. Biết con mê chơi game, ông Yên la rầy Thành. Cơn giận kìm nén bấy lâu trong người chợt bùng phát, Thành quay ra ngoài thấy trên bàn có con dao (loại dao chặt) liền nảy sinh ý định giết bố.
Thành lấy dao đến chỗ ông Yên ngồi và chém thẳng vào cổ. Thấy bố ngã ra, Thành tiếp tục “vung dao” cho đến khi bố gục hẳn xuống đất. Sợ bị phát hiện, Thành đã nhẫn tâm chặt xác ông Yên thành 4 khúc rồi lấy xe máy chở ra khu vựv cách nhà chừng 2 km để phi tang giữa lúc nửa đêm về sáng.
Láng giềng và các thầy cô giáo trường PTTH dân lập Thành Đông hết sức ngạc nhiên vì thấy Thành là một học sinh khá lành tính, sống khép kín. Chính bà ngoại của Thành cũng thực sự bất ngờ trước hành vi của đứa cháu. Bề ngoài hiền lành của Thành lại có “bí ẩn” khác là… nghiện game Chiến quốc!
2. Ngày 28-2-2012, Tòa án tỉnh Vĩnh Long đã tuyên phạt tù chung thân Huỳnh Văn Quyên (50 tuổi) về tội giết người và tuyên phạt 4 năm, 4 tháng, 7 ngày tù Lê Thị Tám (45 tuổi, vợ của Quyên) về tội che giấu tội phạm. Hai vợ chồng ngụ tại ấp Tân Hòa, xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
Theo cáo trạng, khoảng 2g ngày 7-2-2007, bị mẹ là bà Dương Thị Tám la (trước đó bà Tám đã la rầy nhiều lần), Quyên một tay nắm cổ, một tay ôm lưng bà kéo lại khoảng vài phút thì buông ra, và bà Tám không còn cử động. Quyên vội ẵm mẹ để lên giường và gọi vợ ra nói cho biết “lỡ tay giết chết mẹ”. Hai vợ chồng Quyên khiêng bà Tám để trên xuồng và ném thi thể bà xuống sông.
VĨ NGÔN
Giết người là tội tày trời. Các nghịch tử kia là những “siêu nhân”, thường nhân chúng ta không thể hiểu nổi, vì họ đã cả gan sát hại chính cha mẹ ruột của mình vì những chuyện “không đáng gì” và vì họ đòi hỏi riêng thái quá. Đó là trọng tội mà “trời không dung, đất không tha”.
Người đời còn kết án huống gì Thiên Chúa, vì trong Thập Giới (10 điều răn), Chúa đã dạy giới răn thứ bốn là “Thảo kính cha mẹ”, và giới răn thứ năm là “Chớ giết người”. Như vậy, các nghịch tử kia đã phạm một lúc cả hai trọng tội!
Ca dao Việt Nam có những “lời khuyên” chí lý, thế mà…! Chẳng hạn:
Con có cha như nhà có nóc
Con không cha như nòng nọc đứt đuôi
Còn cha gót đỏ như son
Một mai cha chết, gót con đen sì
Hoặc:
Dù cho đi hết cuộc đời
Cũng không đi hết những lời mẹ ru
Hoặc:
Lòng mẹ như bát nước đầy
Mai này khôn lớn, ơn này tính sao
Nhớ ơn chín chữ cù lao
Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình
Con ho lòng mẹ tan tành
Con sốt lòng mẹ như bình nước sôi
Hoặc:
Mẹ già ở túp lều tranh
Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con
Biết chuyện về những nghịch tử kia mà thấy “ngán ngẩm” sự đời, ngay cả sự đời là tình máu mủ ruột rà!
Trầm Thiên Thu nguồn:từ Maria Mai
Bữa Ăn Thiên Ðàng Và Hỏa Ngục
Bữa Ăn Thiên Ðàng Và Hỏa Ngục
Một ký giả kia được phép xuống hỏa ngục và lên thiên đàng để làm một bản phóng sự về đời sống của nhân dân tại đó.
Sau một cuộc hành trình gay go, ký giả trên lọt được vào địa ngục đúng vào giờ ăn. Nhìn vào bàn ăn, anh ta không khỏi lấy làm lạ khi thấy trưng bày toàn sơn hào hải vị đang bốc khói hương ngào ngạt làm anh ta không khỏi nuốt nước bọt.
Nhưng lúc các kiều dân địa ngục tiến vào phòng ăn, chàng ta lại càng ngạc nhiên hơn khi thấy họ ốm o gầy mòn, chỉ còn da bọc xương, vài người đi không muốn nổi. Sự kinh ngạc tan biến khi chàng phóng viên chứng kiến cảnh họ dùng bữa. Vì muỗng nĩa rất dài buộc dính vào đôi tay không cho phép họ đưa thức ăn vào miệng, nên dù họ có cố gắng thế nào đi nữa, thức ăn chỉ đổ tháo ra đầy bàn hay rơi tung tóe xuống mặt đất. Tệ hại hơn là cảnh họ tranh giành nhau: vài người dùng muỗng nĩa để thay vì đưa thức ăn vào miệng, lại biến chúng thành những khí giới đập đánh nhau. Thật là một bãi chiến trường. Khi chuông báo giờ ăn đã mãn, họ buồn phiền rời phòng ăn, dạ dày vẫn trống rỗng.
Quá sợ hãi, chàng ký giả lập tức từ giã địa ngục để tiếp tục lên phóng sự trên thiên đàng. Ðến nơi cũng đúng vào giờ cơm. Bàn ăn cũng trưng bày những thức ăn ngon miệng. Quan sát nhân dân, chàng ta thấy ai nấy đều phương phi, khỏe mạnh, tuy đôi tay họ cũng được gắn chặt những muỗng nĩa rất dài. Có khác là thay vì họ cố gắng đưa thức ăn vào miệng mình, họ lại dùng muỗng nĩa để đút thức ăn cho nhau. Phòng ăn vang lên những giọng nói cười vui, thỏa mãn.
Kết thúc bài phóng sự tường trình về những điều mắt thấy tai nghe, chàng ký giả viết: Ích kỷ và vị tha là hai điểm khác biệt giữa địa ngục và thiên đàng.
Kết thúc thời gian sáng thế, Thiên Chúa phán với hai ông bà nguyên tổ: “Hãy sinh sôi nảy nở và hãy nên đầy dẫy trên đất. Hãy làm bá chủ nó. Hãy trị trên cá biển và chim trời và mọi loài sinh vật nhung nhúc trên đất. Này Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ lá sinh hạt giống có trên mặt đất, và mọi thứ cây có quả sinh hạt giống, chúng sẽ làm thức ăn cho các ngươi”.
Với công trình sáng tạo và lời chúc phúc trên, Thiên Chúa muốn biến mặt đất thành Vườn Ðịa Ðàng, nhưng con người đã chia mặt đất thành đông, tây, nam, bắc, thành những nước thống trị và những nước bị đô hộ, thành những quốc gia giàu và những nước nghèo. Ðó là chưa kể con người đã và đang biến Vườn Ðịa Ðàng thành địa ngục qua bao nhiêu cuộc chiến tranh lớn nhỏ mà xét cho cùng cũng chỉ vì tranh giành quyền lợi, tranh nhau miếng ăn, manh áo. Thật vậy, ích kỷ và vị tha là hai điểm khác biệt giữa địa ngục và thiên đàng.
Người công chính gặp nhiều nỗi gian truân, nhưng Chúa giúp họ luôn thoát khỏi.
(Tv 34, 20)
nguồn: từ Maria Mai