25 Mùa Xuân… sống đời tận hiến với người bệnh phong

 
 
25 Mùa Xuân… sống đời tận hiến với người bệnh phong

Triều Dương
 
1/25/2013
 
Nguồn: Vietcatholic.net
 
Bỏ sau lưng cái tấp nập của Hà  Nội, tôi về thăm Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh hay người ta vẫn quen  gọi là trại phong Quả Cảm vào một buổi chiều đông khi những cơn gió lạnh từ  phía Bắc vẫn dồn dập kéo nhau bay về. Không mặc chiếc áo của nữ tu mà thay vào  đó là chiếc áo blouse, cô Nguyễn Thị Xuân tiếp chúng tôi trong căn phòng  khách rộng chừng mười hai mét vuông bằng những câu chuyện nghe như truyện cổ  tích.

Xem hình ảnh

1. Nữ tu đến từ “hành tinh lạ”

Nằm cách trung tâm thành phố Bắc Ninh chừng 5km, Bệnh viện Phong và Da liễu  Bắc Ninh có diện tích khoảng 2ha tọa lạc trên mấy ngọn đồi thuộc xã Hòa Long  (Yên Phong, Bắc Ninh). Có cảm giác không gian ở đây như đặc sánh lại khi bước  chân vào khu nhà an dưỡng của các bệnh nhân. Vẻ u tịch càng tăng lên, vài dãy  nhà cấp bốn nằm lọt thỏm giữa những bóng cây xanh lá dù đang độ giữa đông .  Ngôi nhà thờ đổ nát trên đỉnh đồi giống như số phận của những bệnh nhân phong  nơi đây với chứng tích đau thương nhưng niềm tin vẫn luôn rực sáng.

Trại phong Quả Cảm (sau này được đổi tên thành Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc  Ninh) được một linh mục ở tòa giám mục Bắc Ninh thành lập năm 1913, nhưng từ  năm 1954 đến nay nhà nước đã trưng thu và quản lý. Hiện nay, trại phong Quả  Cảm có hơn 100 thành viên, đa số họ là bệnh nhân đã khỏi bệnh nhưng vẫn còn  mang di chứng bệnh phong và con em của các bệnh nhân. Qua mấy chục năm trời  tồn tại, nơi đây là mái nhà chung cho những số phận không lành lặn.

Những người dân trong ngôi làng lạ này cho biết, kể từ năm 1954 khi nhà nước
quản lý thì gần như không có người lui đến đây thăm nom những người bệnh
ngoại trừ một vài y tá được cử đến. Trong thời gian chiến tranh, những người
có số phận không may ở nơi đây rơi vào cảnh cô độc. Cái bệnh cái tật không
đau đớn, không sợ hãi bằng nỗi cô độc. Họ như bị cách ly khỏi thế giới bên
ngoài, tự lao động để nuôi sống bản thân và chiến đấu với bệnh tật. Trại
phong Quả Cảm trở thành một nơi “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Dường như cả thế giới đã quên lãng những số phận bất hạnh đang âm thầm chịu đựng cả nỗi  đau thể xác và tinh thần.

Thế nhưng niềm vui đã trở lại khi năm 1988, tòa giám mục Bắc Ninh đã gửi cô
Nguyễn Thị Xuân một nữ tu thuộc tu hội Đức Mẹ Hiệp Nhất đến sống và phục vụ  các bệnh nhân. Ông Tâm – trưởng trại phong bồi hồi kể lại: “ngày đầu khi sơ  Xuân đến đây, mọi người trong này ngạc nhiên lắm, cứ tưởng cô là người đến từ  “hành tinh lạ” nào đó. Mấy chục năm không có ai quan tâm nay tự nhiên lại có  người bình thường đến ở cùng, sống ùng, ăn cùng, làm cùng ai mà không bất  ngờ, không vui sao được.

Kể từ đó đến nay thấm thoát đã hơn 20 năm trôi qua, mái tóc xanh ngày nào của  cô Xuân mà có người vẫn gọi là sơ Xuân đã điểm bạc. Nhưng với tình yêu
thương, bác ái, người nữ tu đến từ “hành tinh lạ” vẫn đang miệt mài, nỗ lực
để giúp cho những con người không được lành lặn về thể xác được lành lặn về
tinh thần.

2. Nữ tu khoác áo blouse

Sinh năm 1957 trong một gia đình Công giáo đạo đức thuộc giáo xứ Xuân Hòa ( xã Đại Xuân, huyện Quế Võ – Bắc Ninh) Nguyễn Thị Xuân đã thừa hướng một tài  sản Đức tin quý giá và tình yêu thương con người. Là chị cả của một gia đình  có 5 chị em, cha mẹ lại mất sớm nên Xuân phải nghỉ học đi làm chắt chiu từng  đồng để nuôi dạy các em. Ban ngày đi làm đồng cho hợp tác, tối về Xuân lại  tất bật ngồi đan lát kiếm thêm thu nhập.

Khi đương thời thiếu nữ có bao người theo đuổi nhưng Xuân không lấy chồng mà  quyết tâm theo con đường tận hiến. Đây là một bước ngoặt cực kỳ quan trọng và  chứa đầy mạo hiểm của cô Xuân bởi sự quản lý gắt gao về tôn giáo nên những ngày đó muốn đi tu cũng không phải là dễ. Trước những khó khăn thời cuộc, Đức  cố Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tùng đã thành lập Tu Hội Hiệp Nhất Bắc Ninh  trong âm thầm nhằm quy tụ những chị em muốn sống tận hiến ngay giữa đời  thường. Xuân đã tìm hiểu và xin ra nhập vào Tu Hội đồng thời vào làm cô nuôi  dạy trẻ của một trường mầm non trong xã với tinh thần “làm tông đồ ở ngay  giữa đời”.

Trong thời gian này, cô Xuân đọc được một cuốn sách viết về một linh mục người  Pháp đã tự nguyện lên Di Linh (Lâm Đồng) chăm sóc những người dân tộc bị bệnh phong. Gấp cuốn sách lại, ở Xuân lại mở ra bao nhiêu suy tư trăn trở: “Cha ấy là người nước ngoài mà còn có tấm lòng với người Việt, còn mình
đã làm được gì cho những người có chung dòng máu chưa?”.

Năm 1987, sau khi đi thăm người bệnh tại Trại phong Di Linh, Lâm Đồng, tận
mắt chứng kiến cuộc sống của những người bị căn bệnh quái ác hành hạ khổ sở, tàn phế, đến mức nhiều người thân trong gia đình còn phải lánh xa. Ấy vậy mà  có nhiều chị nhà tu tự nguyện đến đây chăm sóc cho họ còn hơn cả người thân  trong gia đình khiến cô Xuân không khỏi xúc động.

Trở về nhà mang theo bao nỗi băn khoăn, cô Xuân đã nhiều lần đắn đo suy nghĩ. Năm 1988, cô tự nguyện xin Bề trên đến phục vụ trong trại phong. Ban đầu khi vừa nghe đề nghị của cô, Bề trên phải hỏi đi hỏi lại một cách chắc chắn. Rời xa công việc nuôi dậy trẻ, cô Xuân đến với trại phong. Những ngày đầu đến đây cô không khỏi ngỡ ngàng trước cuộc sống của những mảnh đời kém may mắn. Vượt qua những mặc cảm, cô Xuân đã sống cùng, ăn cùng và làm cùng họ. Cô chia sẻ những đắng cay ngọt bùi, những vui buồn trong cuộc sống với mọi người trong cả làng phong nhất là những người có chung đức tin với cô.

Cô Xuân xúc động kể lại: “Những ngày đầu đến đây khó khăn lắm, có nhiều người coi mình như người từ hành tinh lạ lạc đến. Dần dần họ cũng quen với sự có mặt của mình, và tất cả đã hòa nhập thành một gia đình. Cũng chẳng biết tự
khi nào mình đã coi đây là ngôi nhà thứ hai.”

Ở trại phong này vừa phải chăm sóc cho những số phận không may vừa phải giữ trọn vẹn đời sống tu trì quả là việc không dễ, nhưng đối với cô Xuân chăm sóc những người trong ngôi làng đặc biệt này cũng chính là động lực giúp cô sống trọn đời tận hiến. Ở đây người ta ít khi thấy cô Xuân mặc áo của một nữ tu. Có lẽ, chỉ khi nào đi cầu nguyện, cô Xuân mới mặc nó. Điều đó không phải do cô đã quên mình là một nữ tu mà chính chiếc áo nữ tu đã hóa thân vào chiếc áo blue mà cô vẫn đang mặc thường ngày.

2. Nữ tu trở thành “kỹ sư” sản xuất tay chân giả

…Một năm sau ngày tự nguyện đến đây, cô Xuân được gửi đi học tại Trại phong Quy Hòa (Quy Nhơn, Bình Định). Khi trở lại Bắc Ninh, công việc chủ yếu của cô là cấp phát thuốc cho các bệnh nhân. Nhận thấy đây là một công việc tốt nhưng chưa trực tiếp giúp đỡ được nhiều cho các bệnh nhân nên cô Xuân đã xin được trở lại vị trí hộ lý trước đây.

Lúc ấy, chuyện đi lại, sinh hoạt bình thường đối với bệnh nhân phong trở
thành một ước mơ xa xỉ. Con vi khuẩn Hansen tàn ác ăn mòn từ ngón tay, ngón chân cho đến bàn tay, bàn chân, ăn sang cả khủy tay, cẳng chân… Khổ nhất là những người bị vi khuẩn ăn đến đầu gối. Có người bị vi khuẩn ăn mất một chân, có người mất cả hai.

Không chịu khuất phục số phận, “cái khó ắt ló cái khôn” những bệnh nhân cụt
chân mày mò và nghĩ ra cách gò miếng tôn thành hình trụ, rồi độn lớp giẻ lên
trên, lắp vào chân để di chuyển. Tuy có nhúc nhắc đi lại được, song người
bệnh đau đớn vô cùng, chỗ tiếp xúc giữa chân với ống tôn sắc nhọn cứ loét
dần, máu rỉ ra thấm đầy vào rẻ.

Chứng kiến trực tiếp nỗi đau của bệnh nhân phong, cô Xuân không cầm nổi nước mắt. Dù gắn bó với bệnh nhân chưa lâu, song cô Xuân đã coi họ như những người thân trong gia đình mình. Họ đau cô cũng đau chẳng kém. Đêm đêm không ngủ được cô lại ngồi cầu nguyện xin Chúa soi sáng giúp cô có thể làm được việc gì đó để giảm bớt nỗi đau cho họ. Qua sự giới thiệu của bề trên về một trại phong trong Nam, người ta có thể tự sản xuất được dụng cụ sinh hoạt cho người bệnh rất tốt. Thế là năm 1992, cô Xuân lẽo đẽo một thân, một mình lên đường đi học nghề làm tay chân giả cho bệnh nhân phong.

Học hành xong xuôi, cô Xuân lại cơm đùm cơm nắm trở ra Bắc. Một nhà xưởng nho nhỏ được mở ngay trong Trại phong để cô Xuân hiện thực hóa mong ước của mình. Cô bảo, để uốn được một thanh nhôm vừa với chân người bệnh thì phải dồn tất cả tâm huyết vào đó, coi làm cho người cũng như làm cho mình. Lúc đầu, cô cũng phải nếm trải nhiều thất bại. Chân giả làm xong tới lúc thử thì không vừa chân người bệnh. Vậy là bao công sức lại đổ xuống sông, xuống biển; không nản chí cô Xuân tiếp tục mày mò suy ngẫm, cải tiến cách làm. Quả thực, thành công không bao giờ từ chỗi những người nhiệt tâm, tận lực.

Bao năm trôi qua, cô Xuân đã miệt mài làm việc không kể ngày đêm, mưa nắng vì lòng mến Chúa yêu người. Cô chia sẻ: “bất cứ khi nào ý tưởng vụt lóe lên trong đầu, thì tôi phải chạy lên xưởng thực hành ngay, không thì sợ lúc sau
quên mất”. Chính đời sống tận hiến phục vụ của cô Xuân giữa trại phong
Quả Cảm đã thành một nhân chứng Đức tin sống động cho Tin mừng Phục Sinh và có nhiều người đã xin theo Chúa.

Thời gian thấm thoát hơn 20 năm đã trôi qua, cô Xuân đã nỗ lực làm việc không phải vì những đồng lương nhỏ bé mà vì tình yêu vĩ đại dành cho những số phận không may mắn. Bởi thế mà giờ dù đã ở tuổi nghỉ hưu nhưng nữ tu Nguyễn Thị Xuân vẫn tình nguyện ở lại phục vụ bệnh nhân phong và tiếp tục đảm nhận công việc sản xuất tay giả, chân giả, các dụng cụ sinh hoạt… cho hơn 100 bệnh nhân phong ở đây. Các bệnh nhân đã dành tặng cho cô danh hiệu “người có bàn tay vàng”

Cũng qua tay “bà mối” Xuân nhiều gia đình đã hình thành và tràn ngập hạnh
phúc tại nơi từng được mệnh danh là “miền đất chết” này. Dẫu còn
gặp vô vàn khó khăn, sóng gió, song Quả Cảm đang trở thành một đại gia đình
đầm ấm. Đó cũng là niềm vui, niềm hạnh phúc của nữ tu kiêm “kỹ sư”
Nguyễn Thị Xuân.

Con đường tận hiến của cô Xuân thật đáng khâm phục. Cô vẫn làm việc âm thầm lặng lẽ với niềm tin yêu mãnh liệt. Chính sự hy sinh miệt mài ấy đã trở nên Men, nên Muối cho đời và bừng sáng niềm hy vọng nơi những người có số phận không lành lặn. Như cái tên của mình, người nữ tu ấy đã đem đến Quả Cảm 25 mùa Xuân ấm nồng với những chồi non xanh ngát để băng qua những mùa đông lạnh lẽo tưởng như có lúc ngủ vùi trong quên lãng.

Bắc Ninh, ngày 12 tháng 01 năm 2013

 

‘Ba năm trong nhà xác vì khiếu kiện’

‘Ba năm trong nhà xác vì khiếu kiện’

thứ bảy, 26 tháng 1, 2013

nguồn: BBC

Bà Trần Khánh Hà cương quyết đi kiện vì chồng

Bà Trần Khánh Hà cương quyết đi kiện vì chồng

Một phụ nữ Trung Quốc, đi khiếu kiện vì chính quyền hành hạ chồng bà ở một trại lao động, đã bị giam suốt ba năm trong một nhà xác bỏ hoang, theo truyền thông Trung Quốc.

Bà Trần Khánh Hà đã phải sống trong trại cải tạo 18 tháng, nhưng không khuất phục và sau đó chính quyền đã đưa bà vào nhà xác.

Tin tức về vụ này ở tỉnh Hắc Long Giang khiến các mạng xã hội tranh cãi và phẫn uất.

Bà Trần được nói là ở trong tình trạng sức khỏe kém.

Theo các phóng viên, có thể vụ việc sẽ được xem lại sau khi một ủy ban điều tra cấp thành phố được thành lập để xem xét vụ việc.

Mấy tuần qua, có tin đồn chính quyền Trung Quốc có thể cải cách hệ thống lao động cải tạo.

Đau khổ của bà Trần bắt đầu năm 2003 khi chồng bà bị giam vì định phá vỡ cách ly trong trận dịch Sars, theo tờ Global Times.

Sau khi được tự do, sức khỏe của ông, cả thể chất và tâm thần, xuống tới mức mà bà Trần quyết định phải lên thủ đô để khiếu kiện.

Việc này đã khiến bà bị tống vào trại cải tạo 18 tháng.

Sau khi thụ án, bà lại bị giữ trong nhà xác vì vẫn muốn tiếp tục đi kiện.

Có tin nói nay bà được tiếp xúc hạn chế với thân nhân.

Theo báo Global Times, chồng bà được nhập viện để chữa bệnh tâm thần.

Sống cho người nghèo

Sống cho người nghèo

Đăng bởi lúc 1:25 Sáng 26/01/13

nguồn:chuacuuthe.com

VRNs (26.01.2013) – Đồng Nai – Mẹ Têrêsa Calcuta đã trở nên mẹ của người nghèo, mẹ của những con người cùng khổ, bất hạnh và bị bỏ rơi. Với cuộc đời luôn sống với người nghèo, cho người nghèo, mẹ càng trở nên cao trọng giữa muôn người trong thế kỷ thứ 20. Mẹ đã được cả thế giới gọi mẹ bằng một tên gọi đầy kính trọng Mẹ Têrêsa
Calcutta. Và có lẽ chẳng mấy ai còn nhớ đến tên gọi của mẹ do hai cụ thân sinh
đã đặt từ ấu thơ Agnes Gonxha Bojaxhiu.

Trong thánh lễ phong chân phước cho  Mẹ, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đề cao mẹ như là một chứng nhân phục vụ theo gương Thầy Chí Thánh Giêsu. Ngài nói: “Mẹ Têrêsa không những đã chọn chỗ thấp nhất mà còn muốn đi phục vụ những người hèn mọn nhất của xã hội. Tựa như một người mẹ của những người nghèo. Người nghiêng mình xuống trên những người cùng khổ vì đủ mọi thứ nghèo khổ”. Mẹ đã dấn thân đến với người nghèo hầu mong nâng cao phẩm giá họ lên giữa một xã hội còn đầy những kỳ thị chủng tộc, kỳ thị  sang hèn, giai cấp .. . Chính  Mẹ đã từng nói: “Cái nghèo khổ nhất trên đời này là bị xua đuổi, không còn được ai đoái hoài đến nữa”. Mẹ còn muốn cho công việc của Mẹ được nhân rộng thêm lên, Mẹ đã thành lập hội dòng Thừa sai bác ái với ước nguyện: “Thiên Chúa vẫn mãi yêu thương thế gian và Người sai chị em chúng ta ra đi biểu lộ tình yêu và lòng thương cảm của Người đối với người
nghèo”.

Lời Chúa hôm nay có thể nói là tin vui cho những người nghèo khổ, những người bất hạnh và bị bỏ rơi. Chúa Giêsu đã chọn người nghèo để dấn thân, để phục vụ. Không phải là Chúa Giêsu khinh bỉ người giầu, người quyền thế mà có thể nói Ngài đến để giúp cho những con người thấp hèn kia được nâng cao, được tôn trọng như những con người giầu có, quyền quý. Chính Ngài đã chọn sinh ra trong thân phận một người nghèo. Chính Ngài đã sống một cuộc đời nghèo khó. Nghèo khó đến nối “không có nơi gối đầu”. Mỗi bước chân của Ngài đều hướng đến những người khổ đau. Mỗi ánh mắt của Ngài đều hướng về những con người bất hạnh. Mỗi cái nhìn của Ngài đều chạnh lòng thương những ai đang đau khổ bơ vơ vì bị bỏ rơi, vì thiếu thốn tư bề. Ngài đã thực hiện trọn  vẹn sứ vụ của Đấng Messia mà các tiên tri đã loan báo. “Khi Người đến mắt người mù sẽ được nhìn thấy. Tai người điếc sẽ được nghe. Người câm nói được và người què nhảy nhót như nai”. Tất cả những điều đó hôm nay đã ứng nghiệm trong con người Đức Giêsu miền Nagiaret. Thiên Chúa đã nhập thể làm người để nâng con người nên làm con Thiên Chúa. Thiên Chúa đã trở nên Emmanuel ở lại luôn mãi với nhân trần. Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người để yêu thương và ban phát ơn lành. Đấng Thiên Sai đã chọn người nghèo, người cùng khổ để dấn thân phục vụ. Đấng Thiên Sai đã sống một kiếp người trong nghèo khó, thiếu thôn tư bề để cảm
thông với những lắng lo của kiếp người truân chuyên.

Đó cũng là sứ điệp mà Lời Chúa muốn  nhắn nhủ con người hôm nay. Giữa một xã hội quá chênh lệch giầu nghèo, địa vị. Giữa một xã hội quá phân biệt giai cấp và địa vị. Mức sống của từng giai cấp, địa vị đều khác nhau. Có những người ăn tiêu một bữa ăn bằng tiền lương cả một tháng lao động vất vả của một công nhân quèn.  Ở Việt Nam hôm nay có những trường học phổ thông dành cho con nhà giầu, mỗi tháng thu lệ phí mỗi em cả hàng chục triệu đồng, trong khi đó nhiều gia đình phải chật vật để kiếm vài trăm ngàn cho con có cơ hội đến trường, đến lớp. Có những người ốm đau bệnh tật kéo dài cả cuộc đời vì không có tiền trang trải cho viện phí nên đành chấp nhận đau
đớn mỗi khi trái gió trở trời, đang khi đó có biết bao người giầu có dư tiền dư
của đến nỗi bỏ ra hàng triệu đồng để lột da cho tươi trẻ, và còn khoét thêm má
lún đồng tiền để thêm phần duyên dáng thanh cao. Có những người cơm không đủ
no, áo không đủ mặc đang khi đó có biết bao người áo chỉ mặc một lần và đồ ăn
thức uống vất ngổn ngang quanh nhà.

Giữa một xã hội quá nhiều những thị phi như thế, Chúa đang cần chúng ta hãy tiếp tục công việc của Chúa. Hãy là những chứng nhân cho công việc phục vụ anh em. Hãy đem tình yêu Chúa trải rộng khắp mọi nẻo đường chúng ta đi. Hãy biết chạnh lòng thương với những ai đang khốn khổ lầm than. Hãy biết chia sẻ cơm bánh cho những anh em nghèo đói. Hãy cúi mình phục vụ những ai không có gì để đền đáp lại chúng ta.

Ước gì với tinh thần sống đời kytô giáo yêu thương và phục vụ sẽ là dấu chỉ thật đẹp của người môn đệ Chúa Kytô giữa thế giới hôm nay. Amen

Lm. Jos Tạ duy Tuyền

Chia sẻ kinh nghiệm Đức Tin

Chia sẻ kinh nghiệm Đức tin

nguồn: thanhlinh.net

Trong năm Đức Tin, xin gởi đến mọi người chia sẻ kinh
nghiệm Đức Tin của một tín hữu ẩn danh.

Đức Chúa Cha là ai đối với con? 40 năm trước con được học
kinh và Bổn, các Soeur dạy: “Chỉ có một tội trọng mà thôi đã đáng bị phạt đời
đời ở dưới hỏa ngục. Nạn lụt Đại Hồng Thủy, Thiên Chúa tiêu diệt cả loài người
tội lỗi, chỉ có gia đình ông Noe và súc vật được chọn thì được cứu sống trên
tàu”. Nên lúc đó con nghĩ, Thiên Chúa là quan tòa độc ác, vì thế trong thời
gian đó con giữ đạo chỉ vì sợ bị phạt xuống hỏa ngục mà thôi.

Biến cố lớn nhất con được Chúa thương xót cứu qua Mẹ chí ái.
Miền Nam Cộng Hòa sụp đổ, và Bắc Việt xâm chiếm, con là Thượng Sĩ Hải Quân, với
21 năm lính, bị đối xử khắc nghiệt, gia đình đói khổ cùng cực. Con chạy đến
dưới chân Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, và Mẹ đã dẫn con đến với Chúa Giê-su
Ki-tô. Con được học Kinh Thánh ở Dòng Chúa Cứu Thế tại Nha Trang từ năm 1976,
và ở Tòa Giám Mục Nha Trang con học lén lút vào mỗi chiều thứ sáu và thứ bảy.
Sau 14 năm ở Việt Nam và 5 năm tỵ nạn ở Phi-luật-Tân, con luôn được học và thực
hành Kinh Thánh. Chúa Giê-su Ki-tô đã cải thiện con với LỜI + MÁU + THỊT cực
thánh của Ngài. Nên Chúa Giê-su Ki-tô là CHA, CHÚA, ANH HAI, là BẠN CHÍ THIẾT
của con.

Nền tảng quan trọng của con trong đời sống Đức Tin vào Chúa.
Tin vào Chúa Giê-su Ki-tô đã phục sinh vinh hiển. Ngài đã chiến thắng tử thần.
Thắng và truất quyền tên đầu mục thế gian là Satan. Ngài đã cứu chuộc loài
người, và ban cho những ai TIN YÊU vào Ngài, được phúc trở nên con cái của
Thiên Chúa. Cùng chịu thương khó với Ngài, thì sẽ cùng được phục sinh vinh hiển
với Ngài.

Tại sao con lai TIN YÊU vào Thiên Chúa?Thiên Chúa là TÌNH YÊU. Ngài đã yêu thương con là kẻ tội lỗi, dù con đã đóng đanh Đức Giê-su Ki-tô, Con Chí Thánh, Chí Ái của ĐỨC CHÚA CHA, rất nhiều lần, mỗi lần con phạm tội trọng.

Đức Giê-su phán “Kẻ được tha nhiều thì yêu nhiều”.

Biến cố thứ hai không thua gì biến cố thứ nhất: Nhờ Mẹ đến với Chúa.
Mẹ Chí Ái bảo con: Ngài bảo gì, con hãy làm theo. Vậy Chúa Giê-su bảo con:

1.     Hãy cầu xin Lòng Thương Xót của Chúa.

2.     Hãy tín thác vào Chúa.

3.     Hãy thực hành Lòng Thương Xót của Chúa.

Điều 1 và điều 2 thực hành thì tương đối dễ, nhờ ơn Mẹ Chí Ái giúp. Nhưng
điều 3 quả là khó, trải qua 2 năm cầu nguyện và cố gắng thực hành Lòng Thương
Xót của Chúa. Với sự trợ giúp của Mẹ Chí Ái, từ từ mỗi ngày một ít, con đã biết
phải quên mình đi, mới có thể yêu CHÚA qua những người nghèo cả linh hồn và thể
xác. Yêu thương và tha thứ cho kẻ làm hại con,

để từ nay con sống, là sống cho TÌNH YÊU,

và dầu cho con chết, là chết cho TÌNH YÊU.

Một tín hữu ẩn danh.

 

ĐÁM TANG NGHÈO

ĐÁM TANG NGHÈO

Tác giả: Vũ Hưu Dưỡng

nguồn:conggiaovietnam.net

Trời Sài Thành hôm nay se lạnh, nhưng đã hứa thì dẫu có lạnh cỡ nào thì tôi cũng
phải đến.

Điểm đến sáng hôm nay là căn phòng quàn khiêm tốn nằm trong một góc nhỏ của một bệnh viện lớn. Tưởng chừng như bao đám tang khác cũng kẻ đón người đưa nhưng rồi chỉ vỏn vẹn hình bóng của 4 nữ tu. 4 nữ tu quây quần bên quan tài đang đọc kinh lòng Chúa Thương Xót.

Đã quá giờ hẹn một chút mà chẳng thấy bóng ai, lòng cũng không vui lắm bởi lẽ vẫn
thích rằng đúng hẹn. Hóa ra rằng trong góc phòng đó lặng lẽ dáng dấp của người
cha và người mẹ tiều tụy là đấng bậc sinh thành ra em và dáng dấp nữ tu chuyên
lo hậu sự cho những phận đời cơ nhỡ. Sơ đang lo những gì cần thiết cho Thánh Lễ
an táng chuẩn bị được cử hành.

Thánh  Lễ an táng cho người quá cố nghèo diễn ra trong âm thầm lặng lẽ với 7 con người quanh em. 7 người đó chỉ có cha và mẹ, 5 người còn lại là những người đến với
cả tình người vì rằng trước đây họ chẳng hề biết em và em cũng chẳng hề biết
họ.

Em đã đến trong đời một cách lặng lẽ và ra đi cũng âm thầm : Âm thầm đến độ đám
tang em chẳng có người nào thân ở bên cạnh ngoại trừ cha và mẹ của em. Âm thầm
đến độ không có tấm hình nào ghi lại di ảnh của em khi còn sống.

Phận đời nghiệt ngã, em cũng nghiệt ngã theo. Sau một thời gian lâm trọng bệnh, em
được nhiều người giới thiệu Chúa cho em và em đã được học biết Chúa. Những ngày
cuối đời em biết được một Thiên Chúa đã yêu thương em và cho em chào đời. Em đã
đón nhận Bí Tích Thanh Tẩy sáng hôm qua và chỉ trong vài giờ đồng hồ, em trở về
cùng Chúa là nguồn cội.

Trong bài chia sẻ, cha giảng gợi cho cộng đoàn gồm có các sơ và cha mẹ của em là
người ngoại đạo về niềm tin của đời sau. Cha giảng gợi lên hình ảnh của người
thợ làm vườn nho giờ thứ 11. Người thợ giờ thứ 11 đón nhận đồng lương như bao
người khác đã vào làm từ sớm. Em Têrêsa đây cũng sẽ được vào hưởng nhan thánh
Chúa như lời Ngài đã hứa … trong niềm tin ấy, cộng đoàn tin tưởng em sẽ được
Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót đón em vào hưởng nhan Ngài.

Xong phận vụ, tôi lại trở về cõi của mình.

Trên đường về, miên man suy nghĩ về em, suy nghĩ về đời.

Đã từng tham dự những tang lễ hoành tráng với vài giám mục và hàng trăm tu sĩ linh
mục và cả ngàn tín hữu, đông đến độ trong nhà thờ dù khá lớn nhưng chẳng còn
chỗ cho giáo dân. Cũng đã từng tham dự những lễ tang nghèo đến độ phải nhờ vào
tình thương của nhiều người nhưng cũng nhiều kẻ đón người đưa. Tang lễ hôm nay
của em phải nói rằng nghèo cả tinh thần lẫn vật chất. Chiếc áo quan em nằm tạm
đó được gửi đến bởi một ân nhân người Hoa gần nơi em ở. Còn tinh thần thì thật
đơn sơ với vài người bé nhỏ.

Nghĩ đến em, tôi trộm ước rằng những Thánh Lễ như thế này có sự hiện diện của những vị chủ chăn cao lớn hằng hiện diện trong những lễ nghi hoành tráng hay những
tang lễ vĩ đại. Có những vị không hề quen biết nhưng tang lễ lại đến và cử hành
như người thân nghĩa bởi lẽ gia đình của người quá cố quá giàu có. Kẻ nghèo hèn
như cô bé Têrêsa này làm gì được diễm phúc như thế.

Ước xong lại vội trách mình, các ngài làm gì có thời gian hay có chỗ cho những con
người nhỏ bé như thế này. Và, các ngài bận bịu trăm công nghìn việc, làm gì có
thời gian để lo những chuyện cỏn con như thế này. Nghĩ đi nghĩ lại thấy sao
mình vô duyên đến thế !

Thôi thì không mơ nữa, không ước nữa kẻo không người ta lại bảo mình vớ vẩn vu
vơ.

Sống trên đời là như vậy. Giàu hay nghèo rồi cuối cùng cũng chỉ là một hũ tro nho
nhỏ. Giám mục, linh mục, đại gia hay tiểu gia hay thấp hèn như em rồi cuối cùng
cũng chỉ vào trong cái hủ nhỏ nhoi. Chuyện quan trọng là có được ơn cứu độ mà
cả đời người ta ngong ngóng và đi tìm hay không mà thôi.

Em nghèo, nhà em nghèo thật nhưng em là người hạnh phúc bởi lẽ giờ đây trong Chúa không còn nghèo hay giàu, sang hay hèn nữa mà em đang được ở trong cung lòng của Thiên Chúa. Em là người thợ thứ 11 thật có phúc được thưởng công theo lòng
thương xót của Chúa.

Có thể giàu sau phú quý ở đời này thật nhưng chuyện cần hơn cả là có được một chỗ
trong cung lòng Thiên Chúa hay không mà thôi.

Vũ Hưu Dưỡng

Làm sao không cằn nhằn con cái ?

Làm sao không cằn nhằn con cái ?

Đăng bởi lúc 1:24 Sáng 25/01/13

nguồn:chuacuuthe.com

VRNs (25.01.2013) – Sài Gòn – Một trong những vấn đề quan trọng trong cách cư xử của cha mẹ đối với trẻ là làm sao không cằn nhằn con cái. Những vết xước trên bàn, những vết bẩn trên tường, những đồ chơi bừa bộn khắp nhà,… Đó là những thứ khiến cha mẹ cảm thấy “nóng gáy”, thế là cằn nhằn hoặc la rầy con cái.

Một cuộc nghiên cứu đã cho thấy rằng cằn nhằn là một trong những “âm thanh” làm người ta “không để ý” nhiều nhất – điều này chắc hẳn cha mẹ cũng đã biết hồi còn nhỏ! Có thể đó là lý do trẻ em có vẻ như đã được “lập trình gen” để có thể làm điều đó rất tự nhiên theo bản năng, như loài cá biết bơi hoặc loài chim biết bay vậy.

Tuy nhiên, cha mẹ có thể ảnh hưởng động thái thách đố này. Cách chúng ta phản ứng khi cằn nhằn con cái và điều chúng ta nói để hướng dẫn con cái có thể tạo nhiều khác biệt khi nhìn cách con cái phản ứng và mức độ “khó chịu” ở chúng.

Nên nhớ rằng nên giảm cằn nhằn theo tỷ lệ nghịch với độ tuổi con cái lớn dần. Cha mẹ luôn phải kiềm chế bản thân, và cố gắng dùng cách nói khéo để dạy con cái ý thức khi làm việc gì đó. Không dễ thực hiện, nhưng cố gắng thì việc gì cũng khả thi.

Đây là 5 “chiến lược” giúp các bậc cha mẹ không cằn nhằn con cái:

1. Tự điều chỉnh. Cha mẹ cần hiểu rằng lời cằn nhằn là lời “không lọt lỗ
tai”. Cần gì cứ nói thẳng đừng lẩm bẩm hoặc nói xiên nói xeo. Khi thất vọng,
con cái cũng lẩm bẩm để người khác nghe thấy. Hãy cho chúng biết ngay đó là
thói xấu. Nếu đó là thói xấu, chính cha mẹ cũng phải tự điều chỉnh để không cằn
nhằn người khác. Trẻ đang độ tuổi phát triển có nhiều thứ phức tạp, vì thế mà
cha mẹ phải cảm thông và hiểu đó là quá trình phát triển tốt ở trẻ.

2. Cân nhắc vấn đề. Trẻ cũng như người lớn, nghĩa là chúng cũng có những
ngày cảm thấy mệt mỏi, nhất là khi việc học căng thẳng và “quá tải”. Những thay
đổi trong sinh hoạt như khi có thêm em bé, chuyển nhà hoặc chuyển trường,… cũng
có thể khiến chúng căng thẳng. Người lớn cũng vậy thôi, vì thế mà nên nhẹ nhàng
giải thích cho chúng hiểu và an ủi chúng. Có thể bảo chúng đi chơi với bạn bè,
đi xe đạp, hoặc cho trẻ cùng làm bếp,… để chúng quên sự căng thẳng.

3. Bình tĩnh. Cố gắng bình tĩnh khi thấy con cái làm điều gì không
vừa ý. Còn trẻ người non dạ, chúng chưa kinh nghiệm nên vụng về và lóng ngóng
là điều tất nhiên thôi, chẳng ai sinh ra mà thông thạo ngay việc gì, dù là
thiên tài cũng vẫn cần được hướng dẫn làm cho đúng phương pháp. Đừng vội chê
trách trẻ, vì chê trách sẽ làm chúng nản lòng, mất tự tin mà nhụt chí. Cứ bình
tĩnh hướng dẫn chúng, rồi sẽ ổn thôi.

4. Kiên nhẫn. Được hướng dẫn tỉ mỉ nhiều lần mà chúng vẫn không làm
được, hãy hướng dẫn lại, nhưng phải “nhấn mạnh” việc tự nỗ lực và tự tin thì
mới có thể thành công. Tuy nhiên, cha mẹ cũng phải xem lại cách hướng dẫn của
mình có rõ ràng và hợp lý hay không. Không có phương pháp thì người tài cũng
hóa vụng về, nhưng có phương pháp thì người thường cũng khả dĩ làm được việc phi
thường.

Lão Tử nói: “Kẻ biết người là người khôn, kẻ biết mình là người sáng”. Giáo dục người là điều cần và khó lắm, nhất là giáo dục con trẻ, nhưng có lẽ giáo dục chính mình mới là điều khó nhất. Thật vậy, “khối cẩm thạch có bị gọt đẽo thì bức tượng mới nên hình nên dáng” (Danh họa Michelangelo). Một câu nói thật chí lý!

TRẦM THIÊN THU

Cuối năm Nhâm Thìn

 

NĂM HỒNG ÂN

NĂM HỒNG ÂN

“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4:18-19).

***

Bạn thân mến! Trên đây là tiếng nói vang vọng của Đức Giêsu khi Ngài đọc sách Thánh trong hội đường Do Thái tại Nadarét. Trong chuyến trở về thăm lại quê hương xứ sở, nơi mà Ngài đã sống 30 năm trong thân phận con người.  Làm sao Ngài quên được mảnh đất làng quê đã ấp ủ mình, nơi có bà con họ hàng, láng giềng, bè bạn.  Hơn nữa Ngài cũng không cắt đứt với tôn giáo của cha ông.  Ngài vẫn là một người
Do Thái ngoan đạo, quen lui tới hội đường cùng với dân làng vào ngày sa-bát, để
thờ phượng Thiên Chúa mà Ngài âu yếm gọi là Cha.

Sau khi đọc xong sách Thánh, Ngài ngồi xuống và giải thích Lời Chúa cho mọi người.  Cử chỉ của Ngài thật trang trọng, đĩnh đạc, khi nhận sách, mở sách, cũng như khi cuộn sách để trả lại. Có một bầu khí cầu nguyện sâu lắng ở hội đường.  Mọi
người đều chăm chú nghe lời Ngài giảng.

Ðoạn sách Ngài đọc hôm ấy là của ngôn sứ Isaia. Isaia đã nói lên ơn gọi và sứ mạng của mình. Ông được xức dầu để trở thành ngôn sứ cho những người Do Thái mới thoát khỏi cảnh lưu đày.  Ông được sai đi để loan báo thời cùng khốn đã chấm dứt và công bố khai mở một thời kỳ đầy ân sủng và tự do. Ðức Giêsu đã bị đánh động bởi đoạn sách này. Vì thế Ngài mới lên tiếng nói với dân chúng: “Hôm nay đã ứng
nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe
” (Lc.4.21 Ngài thấy đoạn sách
phản ánh chính ơn gọi và sứ mạng của mình. Ðây là một hướng đi mà Ngài phải
theo đuổi, một chương trình hành động mà Ngài muốn hoàn thành.

Suốt đời Ngài sẽ thực hành chương trình này.). Vì thế đoạn sách Isaia ứng nghiệm vừa do thánh ý Chúa Cha vừa do ý chí của Chúa Giêsu quyết tâm thực hành thánh ý Chúa Cha.

Ðức Giêsu là người đầy tràn Thánh Thần cách đặc biệt. Thánh Thần chi phối toàn bộ lời nói, việc làm của Ngài. Ngài được sai đi đem Tin Mừng cho người nghèo, nghèo tiền bạc, nghèo sức khỏe, nghèo tiếng nói. Ngài được sai đến với những kẻ bị giam cầm bởi nỗi lo sợ, bởi thành kiến, bởi ích kỷ tham lam. Ngài cho người mù được sáng mắt và nhìn thấy trong niềm tin.  Ngài trả lại tự do cho cả người bị áp bức lẫn
người gây áp bức bóc lột.  Ngài mời gọi cả hai sống thanh thoát như Ngài,
sống như con của Cha và như là anh em của nhau. Ngài khai mạc một Năm Thánh,
Năm Hồng Ân Ơn Cứu Độ.

***

Lạy Chúa Thánh Thần!  Xin cho con nhận ra sự hiện diện của Ngài giữa lòng thế giới và trong lòng mọi người xung quanh con. Xin cho  con luôn tìm đến với
anh chị em của con hơn là tìm an nhàn cho chính bản thân mình, để nhờ biết quan
tâm cho người chung quanh, con cũng sẽ được vui hưởng niềm vui Ơn Cứu Độ và
lãnh nhận hồng phúc của năm Hồng Ân mà Thiên Chúa đã hứa ban. Amen.

(Tổng hợp từ R. Veritas)

(BĐ1: Nêhêmya 8,1-4a.5-6.8-10; BĐ2:1Côrintô 12,12-30; PÂ: Luca 1,1-4; 4,14)

Anh chị Thụ & Mai gởi

CHÂN PHÚC ANRÊ PHÚ YÊN: HÃY LẤY TÌNH YÊU ĐỂ ĐÁP LẠI TÌNH YÊU

CHÂN PHÚC ANRÊ PHÚ YÊN: HÃY LẤY TÌNH YÊU ĐỂ ĐÁP LẠI TÌNH YÊU

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Chúa Nhật 5-3-2000 trong khung cảnh Đại Năm Thánh
2000, Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Thầy Giảng Anrê Phú Yên lên hàng Á Thánh. Trong tập sách nhỏ về nghi thức tôn phong chân phước được phân phát dịp này có phần Việt ngữ sơ lược tiểu sử vị Tôi Tớ Chúa tử
vì đạo như sau.

THẦY GIẢNG ANRÊ,

VỊ TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI CỦA GIÁO HỘI VIỆT NAM

Thầy Giảng Anrê, gốc tỉnh RanRan (Phú Yên), là con út của
một phụ nữ tên thánh là Gioanna. Tuy góa bụa nhưng bà đã giáo dục con
cái với tất cả lòng tận tụy và khôn ngoan. Anrê là một cậu bé mảnh khảnh, nhưng
tư chất rất thông minh, có óc phán đoán tốt và tâm hồn hướng chiều về sự thiện.
Do lời năn nỉ của bà mẹ, cha Đắc Lộ, vị Linh Mục thừa sai dòng Tên nổi tiếng,
đã nhận cậu Anrê vào số các môn sinh của ngài. Anrê chăm chỉ học chữ Nho và
chẳng bao lâu trổi vượt các bạn đồng môn.

Anrê được lãnh nhận bí tích Rửa Tội cùng với mẹ ba năm trước khi bà qua đời,
tức là năm 1641, khi Anrê được 15 tuổi. Anrê sinh năm 1625 hay 1626, không rõ
ngày tháng, và lúc chịu chết năm 1644, Thầy trạc độ 19 hay 20 tuổi.

Một năm sau khi chịu phếp Rửa Tội, tức năm 1642, Anrê được cha Đắc Lộ nhận vào
nhóm cộng sự viên thân tín của ngài, và sau một năm huấn luyện thêm về tôn giáo
và văn hóa, Anrê được gia nhập Hội Thầy Giảng gọi là ”Nhà Đức Chúa Trời” mà Cha
Đắc Lộ đã khôn ngoan thành lập: các thành viên Nhà Đức Chúa Trời cam kết, bằng
lời hứa chính thức và công khai, suốt đời phụng sự Giáo Hội trong việc giúp các
linh mục và truyền bá Tin Mừng.

Lòng hăng say của Thầy Anrê sống trọn điều quyết tâm khi chịu phép Rửa đã chuẩn
bị cho Thầy can đảm đương đầu với cuộc tử đạo và ngoan ngoãn đón nhận ơn tử đạo
Thiên Chúa rộng ban cho Thầy.

Trước cuối tháng 7 năm 1644, quan Nghè Bộ trở lại tỉnh nơi Thầy Giảng Anrê sinh
sống. Quan mang theo sắc lệnh của chúa Nguyễn cấm truyền bá Đạo Kitô trong
nước: vì thế quan quyết định hành động trước tiên chống lại các thầy giảng.

Cha Đắc Lộ không hề hay biết ý định này của quan, nên tới thăm quan vì xã giao,
nhưng ngay sau đó cha được biết chúa Nguyễn rất giận dữ khi thấy vì cha mà có
đông người dân bản xứ theo Đạo Kitô. Vì thế cha phải bỏ xứ Đàng Trong để trở về
Macao và không được phép dạy giáo lý cho dân nữa. Còn các tín hữu theo đạo thì
bị trừng phạt rất nặng nề.

Rời dinh quan Nghè Bộ, cha Đắc Lộ đi thẳng xuống nhà tù nơi giam giữ một Ông
Trùm, cũng tên Anrê, đã 73 tuổi, mới bị bắt hai ngày trước đó. Trong khi ấy,
quan ra lệnh cho lính tới nhà cha lùng bắt một thầy giảng khác tên là Ignatio.
Nhưng thầy Ignatio đã đi làm việc tông đồ. Lính chỉ tìm thấy Thầy Giảng Anrê.
Để khỏi trở về dinh quan Bộ tay không, lính đánh đập Thầy Anrê, trói Thầy lại,
rồi giải xuống thuyền đem về dinh quan trấn thủ. Chiều ngày 25 tháng 7 năm
1644, Thầy được dẫn tới trước mặt quan. Lính thưa với quan rằng họ không tìm
thấy thầy Ignatio, nhưng đã bắt được một ”thầy giảng khác giống như vậy, vì
suốt cuộc hành trình, anh ta luôn nói về Đạo Kitô và khuyến khích họ theo Đạo”.

Nghe vậy quan tìm mọi cách làm cho Thầy Anrê ”từ bỏ cái đạo điên rồ đó và bỏ
lòng tin”.

”Nhưng thanh niên can trường ấy trả lời quan rằng mình là Kitô hữu, và
rất sẵn sàng chịu mọi khổ hình chứ không từ bỏ Đạo mình tuyên xưng: vậy xin quan cứ tùy ý chuẩn bị các hình cụ, chàng vui lòng đón nhận, với xác tín rằng, vì đức tin, càng chịu khổ đau chừng nào thì càng chết vinh quang chừng ấy”.

Tức giận vì sự bất khuất của Thầy Anrê không hề sợ hãi trước những lời đe dọa,
quan truyền đóng gông và giải Thầy vào ngục, cùng nơi giam giữ Ông Trùm Anrê.

Cha Đắc Lộ và một vài thương gia Bồ Đào Nha tới thăm hai thầy: Thầy Giảng Anrê
thanh thản và vui mừng vì được chịu khổ đau vì Chúa Kitô đến độ những người đến
thăm Thầy bịn rịn không rời Thầy được, và nước mắt tràn bờ mi, họ xin Thầy nhớ
đến họ trong lời cầu nguyện. Thấy vậy, Thầy tự nhạo cười mình và xin họ cầu
nguyện cho Thầy, để Chúa ban cho Thầy ơn trung thành với Chúa cho đến chết, ”dâng hiến mạng sống trong tình yêu trọn vẹn, hầu đáp trả tình yêu thương vô biên của Chúa, Đấng đã hiến mạng sống vì loài người .. Những lời Thầy luôn lập lại cho
đến khi trút hơi thở cuối cùng là:
Chúng ta hãy lấy tình yêu để đáp lại
Tình Yêu của Chúa chúng ta, hãy lấy mạng sống đáp lại mạng sống
.

Sáng hôm sau, 26 tháng 7 năm 1644, hai tín hữu Kitô cùng tên Anrê, Ông
Trùm Anrê 73 tuổi và Thầy Giảng Anrê, cổ mang gông, bị dẫn qua các đường phố
đông người qua lại nhất trong thành, băng qua chợ Kẻ Chàm, đến dinh quan trấn
thủ để bị tra hỏi công khai. Quan trấn triệu tập một vài quan khác, lôi kéo họ
về phía mình và tuyên án tử cho Thầy Giảng Anrê, rồi ra lệnh dẫn Thầy về ngục
thất. Còn Ông Trùm Anrê thì được tha vì lý do tuổi tác, nhờ lời xin của cha Đắc
Lộ và các thương gia Bồ Đào Nha.

Vào khoảng 5 giờ chiều, một viên chỉ huy cùng với 30 người lính vào nhà tù, nơi
vị Tôi Tớ Chúa bị giam giữ, và ra lệnh cho Thầy phải đi theo tới nơi hành
quyết. Thầy Anrê cảm tạ Chúa vì giờ hiến tế đã tới, và sau khi chào mọi người
hiện diện trong tù, Thầy nhanh nhẹn bước đi. Quân lính vây chặt chung quanh và
dẫn Thầy Anrê đi qua các đường phố ở Kẻ Chàm, tới một cánh đồng ngoài thành.
Cha Đắc Lộ, nhiều Kitô hữu Bồ Đào Nha và Việt Nam cũng như nhiều người lương đã
đi theo và chứng kiến cuộc xử tử vị Tôi Tớ Chúa.

Theo thói quen tại đây, cha Đắc Lộ xin và được phép trải một tấm chiếu dưới
người Thầy Anrê để hứng lấy máu Thầy, nhưng Thầy không muốn nhận điều ấy. Thầy
muốn máu mình rơi xuống đất, như trường hợp Máu Cực Trọng Chúa Kitô đã đổ ra.
Trong khi đó, Thầy Anrê nhắn nhủ các Kitô hữu hiện diện hãy luôn kiên vững
trong Đức Tin, đừng buồn phiền vì cái chết của Thầy, và hãy giúp lời cầu cho
Thầy được trung thành tới cùng.

Cuộc hành quyết Thầy Giảng Anrê được thi hành bằng mấy nhát lao đâm thấu cạnh
sườn bên trái, và sau cùng khi một người lính sắp dùng đao chém đầu, Thầy lớn
tiếng kêu lên ”GIÊSU”.

Cho tới hơi thở cuối cùng, Thầy Giảng Anrê đã chứng tỏ lòng kiên trung trong
việc chấp nhận dâng hiến tế cuộc sống vì lòng tin yêu Chúa Kitô.

… Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu
thương anh em. Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc của chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi CHA Thầy, Thầy đã cho anh em biết
(Gioan 15,13-15).

(BEATIFICAZIONE, Piazza San Pietro, 5 Marzo 2000, Ufficio delle
Celebrazioni Liturgiche del Sommo Pontefice, trang 83-86)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

 

Phiên họp giữa Đức Giáo Hoàng và Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.

Phiên họp giữa Đức Giáo Hoàng và Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.

Nguyễn Long Thao

1/22/2013

VATICAN CITY 22/1/2013. _ Tin Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam hội kiến với
Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI tại Vatican vào buổi sáng ngày 22 tháng 1 năm 2013
đã được các hãng thông tấn quốc tế loan tải một cách rộng rãi. Nói chung, các
bản tin nhận định rằng quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh Vatican và Việt Nam
đang từng bước được củng cố thêm qua việc Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI lần đầu
tiên tiếp một vị không phải là nguyên thủ một quốc gia mà là Tổng Bí Thư của
một đảng phái chính trị.

Trong cuộc họp báo, Linh mục Federico Lombardi, phát ngôn viên Tòa Thánh, cho
biết: Phái đoàn của ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng có 11 người, gồm giới chức
cao cấp trong đảng và chính quyền. Phái đoàn đã được Tòa Thánh đón tiếp với tất
cả nghi thức ngoại giao dành cho vị nguyên thủ quốc gia.

Ông Tổng Bí Thư đã hội kiến riêng với ĐGH nửa giờ đồng hồ trong phòng đóng kín.
Sau đó, ông Tổng Bí Thư và phái đoàn đã gặp Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc
Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti, Bộ Trưởng Ngoại Giao đặc trách liên lạc giữa Tòa Thánh với các quốc gia. Phái đoàn cũng đã gặp một
số giới chức khác trong Bộ Ngoại Giao Tòa Thánh

Thông cáo báo chí của Tòa Thánh cho biết các buổi thảo luận đã diễn ra trong
tinh thần thân ái, thành thật và xây dựng. Hai bên hy vọng những vấn đề còn tồn
đọng sẽ được giải quyết sớm và sự hợp tác có kết quả hiện nay được củng cố
thêm.

Tòa Thánh Vatican và Việt Nam đang hướng đến việc thiết lập đầy đủ quan hệ
ngoại giao. Hiện giờ Tòa Thánh chỉ có đại diện không thường trú tại Việt Nam và
cả hai bên đang tiếp tục thảo luận vấn đề này.

Sau khi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Đức Thánh Cha vào năm 2007, Tòa Thánh và
Việt Nam đã thiết lập uỷ ban nghiên cứu quan hệ ngoại giao. Đây là cuộc họp đầu
tiên giữa Thủ Tướng Việt Nam với giới chức cao cấp của Tòa Thánh. Đến năm 2009
Chủ Tịch Nhà Nước, Ông Nguyễn Minh Triết, đã gặp ĐGH và giới quan sát cho đây
là một bước tiến mới trong quan hệ Việt Nam – Vatican. Sau đó, Đức Tổng Giám
Mục Leopoldo Girelli đã được bổ nhiệm làm Đại Diện không thường trú tại Việt
Nam. Vậy sau phiên họp này, liệu có bước đột phá nào trong quan hệ ngoại giao
giữa Vatican và Việt Nam không? Chúng ta còn phải chờ xem.

Trên bình diện ngoại giao, theo nhận định của giới quan sát, mối liên hệ
Vatican – Hà Nội đã có tiến triển và vấn đề tự do tôn giáo đã có cải thiện.
Nhưng các chính phủ và các cơ quan nhân quyền trên thế giới vẫn coi Việt Nam là
nước đàn áp tôn giáo, đặc biệt là Thiên Chúa Giáo. Chính quyền Việt Nam bắt
chước Trung Quốc vẫn can thiệp vào việc bổ nhiệm Giám Mục. Tại các giáo phận và
các giáo xứ xa xôi, việc hành đạo vẫn bị giới hạn và gặp nhiều khó khăn, vẫn
phải qua thủ tục xin – cho. Tài sản Giáo Hội vẫn bi tịch thu. Người Công Giáo
vẫn bị coi là thành phần không đáng tin cậy, không được hưởng trọn vẹn quyền
lợi dành cho một công dân bình thường