AI ĐÃ THÀNH LẬP GIÁO HỘI VIỆT NAM

 AI ĐÃ THÀNH LẬP GIÁO HỘI VIỆT NAM?    

Tác giả:  Gs. Nguyễn Đăng Trúc (chuyển ngữ).
 
 LTS Tập San Định Hướng :  Nhật báo Công Giáo Pháp La Croix ngày 18/1/1996 tường trình về chuyến viếng thăm chính thức của phái đoàn hàng giáo phẩm Công Giáo Pháp đến Việt Nam. Phái đoàn do Tổng Giám Mục Joseph Duval, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp hướng dẫn. Ký giả Frédéric Mounier viết rằng: “Cho đến ngày 28-1, các Giám Mục Pháp sẽ gặp các Giám Mục Việt Nam. Chuyến đi sẽ dẫn họ từ Hà Nội đến Huế. Dẫu có lời yêu cầu của họ, chính quyền không cho phép họ đi đến miền Nam. Đức Cha Duval nhấn mạnh đến “bổn phận” của Giáo Hội Pháp đối với Giáo Hội huynh đệ Việt Nam. “Giáo Hội này có gốc từ Pháp, nó đã được thành lập nhờ những nỗ lực của các nhà truyền giáo Pháp”. Như thế trong tinh thần của những người đã khai sáng nên Giáo Hội này, đây đúng là một cuộc hành hương”. Mười Linh Mục của Hội Thừa Sai Balê đã chết tử đạo tại đây, và đã được phong thánh…”.

Lối tường trình sự kiện và nội dung câu trích dẫn lời phát biểu (nhấn mạnh) của Giám Mục Joseph Duval đã dấy lên một câu hỏi cho Roland Jacques, một nhà nghiên cứu về lịch sử Giáo Hội Việt Nam: trên bình diện khách quan của lịch sử, có những vấn đề nào cần lưu ý về lời phát biểu này?. Tháng 2-96, Roland Jacques đã viết thư cho Đức Tổng Giám Mục Joseph Duval để trình bày về quan điểm của mình liên quan đến lời phát biểu đó.

Một bản văn tóm lược bức thư này đã được đăng trên nhật báo La Croix vào tháng 6-1997. Nguyên bản bức thư được Nguyễn-Đăng-Trúc, dịch ra Việt ngữ  và đăng  trên Tập San Định Hướng số  14 / Winter 1997  Pp 120-124- *  Tập San Đinh Hướng,  Trung Tâm Văn Hóa Nguyễn Trường Tộ

  Giáo Hội Công Giáo Việt Nam có phải phát xuất từ Pháp không? 

 

Ts Roland Jacques.

           Gs khoa trưởng Phân khoa Giáo Luật,

Đại hc Công Giáo St Paul, Ottawa, Canada

  Thư gởi Đức Cha Joseph Duval,

 Chủ Tịch Hội Đồng Các Giám Mục Pháp.

 Kính Đức Cha, 

Nhật báo Công Giáo La Croix ngày 18-1-1996 đã cho phổ biến một bài báo ký tên Frédéric Mounier với tựa đề: “Giáo Hội Pháp quay lại với Giáo Hội của Việt Nam”. Cơ hội để có bài báo này, một bài báo vốn rất đáng lưu ý, là cuộc khởi hành của một phái đoàn Giám Mục Pháp đi Việt Nam. Ký giả trích dẫn trong ngoặc kép những lời phát biểu mà Đức Cha đã nói để giải thích lý do chuyến viếng thăm này: “Giáo Hội này có gốc từ Pháp, nó đã được thành lập nhờ những nỗ lực của các nhà truyền giáo Pháp”. Có lẽ người ta đã méo mó những lời nói của Đức Cha, nhưng dẫu sao một sự xác quyết như thế là một sự sai lầm lịch sử, và là một phương cách rất đáng tranh cãi để chuẩn bị khung cảnh (thuận lợi) cho cuộc gặp gỡ. 

Ai đã thành lập nên Giáo Hội Việt Nam? 

Trả lời cho câu hỏi có tính cách lịch sử này, phải khẳng định (sans ambiguité) rằng các vị thành lập, kể từ năm 1615, là những giáo sĩ dòng Tên của tỉnh dòng Nhật Bản, tỉnh dòng có tính cách quốc tế trong việc tuyển chọn (nhân sự) và thuần túy Bồ Đào Nha trong các mối lệ thuộc về mặt pháp lý. Từ thế kỷ 16, các vị thừa sai Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha thuộc nhiều Hội dòng tu khác nhau đôi lúc đã cố thử mở đường rao giảng Phúc Âm, nhưng phải đợi đến phương pháp và sự kiên trì quyết tâm của các tu sĩ dòng tên để thấy được những hy vọng đó được cụ thể hóa. Khi những vị người Pháp đầu tiên – các tu sĩ Joseph Francis Tissanier và Pierre Jacques Albier – đi tàu biển đến xứ này vào năm 1658, thì có gần 70 vị truyền giáo gồm tám quốc tịch đã tiếp tục nhau đến trước, trong số đó có 35 vị người Bồ Đào Nha, 19 vị người Ý và 7 vị người Nhật. Vào chính thời gian này, theo những ước tính lạc quan nhất, thì số người Kitô hữu Việt Nam đã có trên 100.000 rải rác trong vài trăm cộng đoàn địa phương. Những người giáo dân được đào tạo kỹ lưỡng hướng dẫn họ; (những giáo dân này) có đủ khả năng để đương đầu với những hoàn cảnh khó khăn nhất; ngay từ các năm 1644 đến 1645, họ đã có những vị tử đạo của họ, đó là những vị tử đạo đầu tiên với một danh sách rất dài.

Thật sự có sự kiện là lịch sử được viết theo lối người Pháp cố nêu lên sự nghiệp to lớn này cho một mình cha Alexandre de Rhodes. Tuy nhiên cần thiết phải đặt lại con người truyền giáo nổi danh này trong khung cảnh thực (của lịch sử). Ngài sinh tại Avignon, lãnh địa của Giáo Hoàng, cha Rhodes cũng không phải người Pháp như trường hợp của thánh François de Sales, dẫu ngài thuộc nền văn hóa Pháp như vị kia. Ngài vào Hội Dòng Chúa Giêsu tại Roma, và chính lý lịch Roma này đã cho phép ngài được đi đến Đông Phương vào một thời kỳ mà người Pháp không có quyền. Khi cha Rhodes đến Việt Nam vào năm 1624, các nền tảng xây dựng Giáo Hội Kitô giáo đã được thành lập vững chắc tại vùng miền Trung; công trạng lớn lao của ngài là đã đưa cuộc truyền bá Phúc Âm đến miền Bắc xứ này; ở đây ngài chỉ lưu lại một thời gian duy nhất từ năm 1627 đến năm 1630 và đó là một thành quả lớn lao cho việc truyền giáo. Ngoài ra, tên tuổi ngài được gắn liền với các công trình ngữ học về tiếng Việt nhờ những tác phẩm ngài đã xuất bản tại Âu Châu vào năm 1651. Trong lãnh vực này cũng như trong công việc truyền giáo nói riêng, sự thành công của ngài lệ thuộc vào công trình của các vị tiên phong đi trước ngài. Đây là một công trình tập thể rõ rệt, không thể gán cho công lao một xứ nào riêng, dẫu người Bồ Đào Nha gián tiếp đã là những bậc thầy thi công, cũng như họ là những người thợ đông nhất. 

Hội Dòng Truyền Giáo Ngoại Quốc Paris (MEP) và các vị tử đạo. 

Khởi từ năm 1664 (miền Trung Việt Nam) và 1666 (miền Bắc), Hội Dòng Truyền Giáo Ngoại Quốc Paris đã cống hiến một thế hệ thứ ba các người thợ Phúc Âm, và đặc biệt những vị Giám Mục đầu tiên mà Roma muốn ban cho Giáo Hội còn trẻ này. Tiếp đó, các Cha đường du Bac đã đóng một vai trò có tầm vóc quan trọng to lớn không thể chối cãi được trong Giáo Hội của Việt Nam. Nhưng không vào một thời kỳ nào bất kỳ, kể cả dưới thời thực dân Pháp trong các năm của thập niên 1860, các vị truyền giáo Pháp không phải đã là những vị truyền giáo duy nhất tại Việt Nam. Tác giả bài báo đã nhắc lại rất đúng rằng mười trong các vị truyền giáo Pháp đã bị giết chết vì đức tin trong thế kỷ 19; cách đây vài năm, họ được tôn vinh vào bậc thánh tử đạo cùng một lúc với 96 vị tử đạo tại Việt Nam. Nhưng khi nói đến các vị truyền giáo ngoại quốc chịu tử đạo, có lẽ đúng hơn đừng cho người ta hiểu rằng người Pháp là những vị tử đạo đầu tiên, và chỉ có người Pháp mà thôi. Trong nhóm các vị thánh đã được Giáo Hội tôn vinh, thực ra có 11 vị dòng Đaminh gốc Tây Ban Nha, mà những vị lâu đời nhất trong họ đã từng chịu án tử ngay từ năm 1745, nghĩa là 88 năm trước thánh François Isidore Galelin. Còn những vị tu sĩ Dòng Tên thuộc tỉnh dòng Nhật bản, họ lại đã đi trước tất cả các vị này, với hai vị tử đạo người Ý vào năm 1723, ba vị người Bồ Đào Nha và một vị người Đức vào năm 1737; sự việc Roma đã chưa chuẩn y sự tử đạo của hai nhóm này lệ thuộc vào những hoàn cảnh lịch sử, trong đó các nạn nhân này không can dự gì. 

Những người Công Giáo Việt Nam và nước Pháp.

Trong các lời nói của Đức Cha, không phải chỉ có sự sai lầm lịch sử là đáng tiếc. Thật vậy, hẳn nhiên là vô tình, nhưng Đức Cha đã mang lại một thế dựa cho một luận cứ từng gây nên nhiều tai hại cho người Công Giáo Việt Nam, và luận cứ đó từ mấy năm nay lại dấy lên lại một cách mạnh mẽ. Lời mỉa mai của dân chúng hoặc cả đến các giáo sư đại học tên tuổi đã từng kịch liệt chứng minh về sự thông đồng giữa Chủ Nghĩa Thực Dân Pháp và sự lan tràn của đạo Công Giáo vào Việt Nam. Nhiều đợt, người Công Giáo xứ này đã phải đương đầu với lời luận tội như là “đảng” của người ngoại quốc, đóng vai kẻ thù của xứ sở. Hôm nay cũng như hôm qua, ở Việt Nam và ở hải ngoại, nhiều người thuộc nhiều chủ trương ý hệ khác nhau dường như muốn thấy tôn giáo nhập cảng từ trong các gói hành lý của người Pháp (theo lối nói của họ) tan biến đi. Nếu ngày nay các mối liên hệ của Giáo Hội Việt Nam với các Giáo Hội anh em trên toàn thế giới còn gặp nhiều khó khăn, một phần lớn cũng do sự nghi ngờ luôn hiện hành này, do chính sự bất công lịch sử trong đó chúng ta, những người Pháp, không phải là bàn tay hoàn toàn sạch.

Vào lúc lên đường đến Việt Nam, Đức Cha thấy phải khẩn trương để nhắc lại cho Giáo Hội xứ này một nguồn gốc người Pháp nặng tính cách giả thiết này hay không? Làm như thế, các lời nói của Đức Cha dường như lại đặt Giáo Hội ấy trong một vị thế mãi lệ thuộc và mang nợ với Giáo Hội Pháp, hoặc nước Pháp nói gọn như thế; các lời ấy củng cố cho những lập trường của những người gièm pha Giáo Hội Việt Nam, và làm giảm uy thế những luận chứng của tất cả những ai đang nỗ lực thiết định lại chân lý lịch sử hầu trả lại danh dự cho Giáo Hội Việt Nam.

Kính thưa Đức Cha, không phải như thế, Giáo Hội Việt Nam không phải phát sinh do người Pháp. Giáo Hội đó là con của Giáo Hội hoàn vũ đúng theo mẫu mực điển hình của nó; trong thời còn non trẻ, Giáo Hội này đã hưởng được sự cung ứng của nhiều nền văn hóa và truyền thống dị biệt, cho phép nó dần hồi bước đến tuổi trưởng thành theo con đường đặc thù của mình. Ngày nay, khi phải đương đầu với nhiều vấn đề, Giáo Hội này ưu tiên phải (tự củng cố), xác định vị thế đặc thù của mình, tìm lại chỗ đứng trọn vẹn trong lòng của xã hội Việt Nam và trong nền văn hóa có từ ngàn năm của Việt Nam, với những giá trị mà Giáo Hội đó đang ôm sẵn và chúng cũng là những giá trị của Công Giáo tính phổ quát. Trong viễn tượng này, Giáo Hội Việt Nam không cần đến một quyền lực đỡ đầu, nó không chờ đợi để được “bú mớm” bởi bất cứ ai. Người Công Giáo Việt Nam chỉ cần tìm lại những mối liên hệ hiệp thông, chia sẻ và liên đới cụ thể hơn và thiết thực hơn với những người Kitô hữu anh em trên thế giới, như bao nhiêu người Công Giáo trong tất cả các xứ khác. Chúng ta hết lòng mong mỏi rằng cuộc viếng thăm của phái đoàn Giám Mục Pháp sẽ cống hiến điều đó.                                  

Nguồn: conggiaovietnam.net

5 cách sống đức tin khi bị căm ghét và xáo trộn

5 cách sống đức tin khi bị căm ghét và xáo trộn

Nữ tác giả Brianna Heldt

 Tin là chấp nhận hoặc từ chối. “Người tin thì không cần giải thích, người không tin thì giải thích cũng vô ích!” (Thánh Bernadette, Lộ Đức).

 Mới đây tôi có nói với một người bạn rằng tôi đã đã suy nghĩ nhiều, cứ suy đi nghĩ lại, chưa bao giờ tôi như vậy.  Cô bạn tôi nói về cách mà Thiên Chúa cho mỗi người chúng ta hiện diện ở đây, vào thời điểm đặc biệt đó và đặt vào lịch sử, vì một mục đích. Chúng ta không sinh trong thập niên 1800, cũng không ở đâu đó trong cuộc chiến thành Troa (Trojan War). Hiện nay chúng ta ở đây và lúc này.

 Càng nghĩ về điều đó tôi càng thấy đây thực sự là điều thâm sâu – trước đây tôi chưa bao giờ thấy mình hiện hữu trong ý nghĩa này.

 Sau đó tôi cũng nghĩ về cách mà chúng ta sống trong một kỷ nguyên của thuyết tương đối về luân lý, con người trở thành làn chớp và cách nhìn về tôn giáo đang thay đổi. Bạn có thấy bìa tuần báo Newsweek dịp lễ Phục sinh 2012? Hoặc nếu bạn sống ở Denver (Hoa Kỳ), sự lan rộng sẽ thế nào trong năm 5280? Ái chà! Rồi chỉ mới đêm qua, có một cuộc họp tại thành phố của tôi để thảo luận xem trường trung học có được phép phổ biến biện pháp tránh thai cho học sinh hay không (dĩ nhiên không cần cha mẹ cho phép).

 Làm sao giải thích đức tin của mình rạch ròi trong thế giới ngày nay? Vì không ngẫu nhiên mà bạn hiện hữu ở đây, còn tôi ở đó. Không gì lạ khi văn hóa của chúng ta đang càng ngày càng trở thành “hậu Kitô giáo”, và càng ngày càng ít chấp nhận quan niệm của Kitô giáo Do Thái truyền thống. Thế nên chúng ta thực sự không nên hy vọng điều gì khác – cũng không nên ngạc nhiên – khi các Kitô hữu bị “gắn mác” là cố chấp và mê tín vì bảo thủ ý kiến.

 Hiện nay đa số chúng ta không tích cực cho lắm về lĩnh vực chính trị, cũng chẳng muốn bày tỏ chính kiến. Nhưng chúng ta vẫn đi làm, đi mua sắm, vui chơi, và ăn uống với bạn bè. Đây là những cơ hội để bày tỏ mình có muốn hay không.

Theo tôi, có 5 cách thực tế để bày tỏ đức tin.  Không phải luôn dễ thực hiện với một thế giới không hiểu bạn, nhưng bây giờ là lúc cần áp dụng.

1. Sống ơn gọi. Tôi chia sẻ ở đây về việc đưa ra những hình ảnh của một phụ nữ sống hạnh phúc với ơn gọi của mình. Vì tôi thực sự tin rằng có một điều mà thế giới cần, đó là những phụ nữ vui vẻ sống được làm nữ giới. Tôi giao tiếp cái gì với thế giới khi tôi la rầy con cái, tức giận và khổ sở vì điều gì đó? Có thể có điều gì đó rất khác vời những gì tôi giao tiếp khi tôi vui cười với con cái hoặc chỉ đơn giản là ngồi tĩnh lặng. Kế hoạch của Thiên Chúa dành cho nữ giới và người mẹ là điều tốt đẹp và tự do – ngay cả trong sự hỗn độn và nước mắt. Thế giới của chúng ta không muốn thấy điều đó. Đây là lý do mà tôi cố gắng trang điểm và ăn mặc khi tôi đi đâu đó với 7 đứa con của tôi. Chúng ta khả dĩ phát triển khi chúng ta sống ơn gọi của mình.

2. Xuất hiện. Trước đây tôi chưa bao giờ thấy cái đó? Có vẻ nói vậy là chuyện dĩ nhiên, nhưng đôi khi chỉ là người mà chúng ta là cũng đủ là điều kỳ diệu. Đó có thể là một thách đố, nhưng tôi không cố gắng hối tiếc về việc có nhiều con, là người Công giáo, về việc phản đối ngừa thai, về việc chấp nhận là giỏi giang (bee’s knees), hoặc về các giá trị truyền thống đã cũ rích và lỗi thời (ôi, khiếp quá!). Tôi thường tâm sự khi tôi có chuyện gì, và dù tôi không đưa ra các ý kiến của tôi, tôi cũng vẫn cố gắng là chính tôi.

3. Ấp ủ cuộc sống. Chúa Giêsu đến ban cho chúng ta sự sống dồi dào, nếu điều đó không gợi hứng thì tôi chẳng biết đó là gì. Dù là ai hoặc ở đâu, chúng ta vẫn có thể cho phép mình cởi mở với cuộc đời trong mọi hình thức. Bằng cách nào? Chúng ta có thể nhìn con cái là kết quả của tình yêu trong hôn nhân. Chúng ta có thể tình nguyện đi khám thai, và chờ đợi đứa con sinh ra (dù sinh một hoặc sinh đôi, sinh bốn,…), hoặc phấn khởi vì thấy một phụ nữ sinh con. Chúng ta có thể yêu thương mọi người xung quanh mình bằng nhiều cách – có thể là khó lắm! Văn hóa sự sống là văn hóa tình thương, và ngược lại.

4. Yêu sự thật. Tôi biết mình đang đi trên vùng đất có mìn khi tôi đề nghị những điều như vậy. Chúng ta sống trong một xã hội cho rằng cái gì thật với mình mới là thật, và cái gì thật với tôi mới là thật – mặc dù đó là những đòi hỏi lẫn nhau không thể chấp nhận. Tuy nhiên, tôi thuộc về niềm tin mà Thiên Chúa đã tỏ chính Ngài cho chúng ta. Có một số điều thật và một số điều sai, nhưng vẫn có sắc thái. Vâng, có sự thất vọng, có bóng tối ảm đạm. Nhưng luôn có khoảng bao la chứa Lòng Thương Xót của Chúa ngay trong những đau khổ và tuyệt vọng của chúng ta. Cuộc đời chúng ta tươi đẹp biết bao nếu chúng ta thực sự bám vào chân lý, nếu chúng ta theo sau Đức Giêsu bằng sự tuân phục tận đáy lòng, đồng thời đắm mình vào Kinh thánh, những sách đạo đức, những lời cầu nguyện và những mối quan hệ có sức nuôi dưỡng đức tin.

5. Đừng sợ! Chúa Giêsu đã nhiều lần nói vậy, và Chân phước GH Gioan Phaolô II cũng đã nhắc nhở điều đó. Điều đó có thể đe dọa chúng ta khi chúng ta bảo vệ đức tin chứ không a dua theo đám đông phản đối. Cứ sống, chúng ta có thể trở nên nhân chứng sống động của các giá trị tôn giáo, giá trị đích thực của đức tin. Người ta muốn biết bạn làm điều này hoặc tin điều đó, nhưng chúng ta có thể tin rằng nếu chúng ta độ lượng, tử tế, chân thật và hòa nhã, chúng ta có thể khiêm nhường nhưng lại cho họ câu trả lời về niềm hy vọng mà chúng ta đã tìm ra. Cần phải can đảm, nhưng có thể đó là lý do mà Thiên Chúa đặt bạn ở đây, ngay bây giờ.

 TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ New Advent)       từ Maria Mai chuyển

BÌNH AN GIỮA NHỮNG LÀN TÊN, MŨI ĐẠN

BÌNH AN GIỮA NHỮNG LÀN TÊN, MŨI ĐẠN

tác giả PM Cao Huy Hoàng

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 3 Phục Sinh B

 Án tử hình dành cho một “con người mang tên Giêsu, Con Thiên Chúa”  thật là khủng khiếp: vác thập giá, đội mão gai, đánh đập, đóng đinh treo trên thập giá, lưỡi đòng đâm vào tim cho chết… Từ tạo thiên lập địa đến giờ chưa hề có án nào khủng khiếp như thế. Khủng khiếp vì tính tàn nhẫn trong cách thi hành án vô nhân đạo của bạo quyền: “Họ đã nhìn xem Đấng họ đã đâm thâu qua”. Khủng khiếp vì bạo quyền không màng đến tiếng nói hay nỗi lòng của bần dân, họ cốt sao đạt được mục đích là triệt tiêu cho được cái ảnh hưởng không nên có, cái uy tín không cần thiết, và sự  hiện diện của tên Giêsu nguy hiểm cho việc tồn tại quyền lực của họ…

Án tử hình khủng khiếp ấy gây nên bao hoảng sợ trong dân, và càng hoảng sợ hơn đối với các tông đồ, các môn đệ – những người có liên can với tên tử tội. Ấy vậy mới có chuyện “cửa nhà các tông đồ đóng kín”, mới có chuyện hai môn đệ kia – tạm gọi là hai giáo dân kia – không dám ở trong thành mà phải lên đường đi về phía Emmaus tạm lánh những làn tên, mũi đạn của đám bạo quyền lộng hành.

Trên đường đi tìm nơi tạm lánh, Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra với hai giáo dân này, và củng cố đức tin cho hai ông qua việc bẻ bánh và giải thích thánh kinh. Hai ông đã bỏ ý định chia tay các tông đồ, đã trở lại thành với các tông đồ và báo tin mình đã gặp được Đấng Phục Sinh.

Cùng lúc ấy, Chúa Giêsu lại hiện ra với các tông đồ. Tâm trạng của các ông theo Thánh Luca diễn tả là vẫn còn đang “kinh hồn bạt vía, hoảng hốt, ngờ vực, chưa tin, ngỡ ngàng”. Vì thế, Chúa Giêsu củng cố tinh thần và niềm tin của các ông: “Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?”. “Người đã cầm lấy cá nướng mà ăn trước mặt các ông”. Và Người giải thích cho các ông rõ về những lời kinh thánh đã tiên báo việc Người phải sống lại từ trong cõi chết.

 Tin mừng phục sinh của Chúa Giêsu là chính Ngài cho biết “Ngài đã chết thật và đã sống lại thật”, chứ không chỉ nói về việc sống lại mà quên đi việc đã chết. Việc ấy là hẳn nhiên, vì không thể có sự “sống lại” mà trước đó không có sự “chết đi”.

 Đó cũng là Tin Mừng muôn đời cho mỗi chúng ta, cho mỗi Kitô Hữu Công Giáo, cho mỗi người theo con đường, theo giáo lý Chúa Giêsu Kitô: Tin Mừng của sự “chết đi” và “sống lại”. Ai không bằng lòng chết đi  như Chúa Giêsu, với Chúa Giêsu, theo cách thức của Chúa Giêsu, thì không được sống lại như Ngài, với Ngài, và theo cách thức của Ngài. Thiết tưởng các tông đồ, các giáo dân thưở xưa khi được Chúa Giêsu hiện ra tỏ tường cái Thân Xác Phục Sinh của Ngài, hẳn không phải là để cho các ông được thoải mái dễ dàng cuộc sống ở đời này, mà ngược lại, là để cho các ông vững tin vào cuộc phục sinh mà chấp nhận đi giữa những làn tên mũi đạn oan nghiệt trong cuộc đời, vững tin và hiên ngang làm chứng cho cuộc sống lại cùng Đức Kitô, bất chấp cái chết.

Thảo nào, tuần qua, tư tưởng của Đức Cha Daniel R. Jenky, C.S.C., Giám Mục Peoria, Illinois, trong bài Giảng vào Thứ Bảy Tuần Bát Nhật Phục Sinh 2012 đã gây chấn động cả thế giới: “Làm một Kitô hữu không bao giờ dễ dàng và nó không giả thiết là dễ dàng! Thế gian, xác thịt và ma quỷ sẽ luôn luôn yêu những gì thuộc về chúng, và sẽ luôn luôn ghét chúng ta. Như Chúa Giêsu đã từng bảo trước, chúng đã ghét Thầy, thì chúng chắc chắn sẽ ghét các con. Nhưng đức tin của chúng ta, khi được sống cách trọn vẹn, là một đức tin chiến đấu và một đức tin không hề sợ hãi.”

Suy niệm của Đức Cha Daniel R. Jenky quả là chí lý. Đúng là Ngài đã thẩm thấu Tin Mừng Phục Sinh là tin mừng của việc “chết đi và sống lại” và suy niệm của Ngài như một thông điệp tái khẳng định lại con đường của các Kitô Hữu: con đường chiến đấu, con đường không sợ hãi, con đường bình an vì Đức Tin vào Chúa Kitô Phục sinh và vì niềm hy vọng phục sinh vĩnh cửu.

Không ở đâu xa, nhìn vào cuộc sống của các Kitô Hữu Việt Nam cũng đủ để chứng minh rằng cuộc sống Kitô hữu không hề dễ dàng và không giả thiết  dễ dàng. Vâng, các Kitô hữu Việt Nam luôn đi giữa những làn tên, mũi đạn đầy oan nghiệt – không chỉ những Kitô hữu sống trong cái túi của số phận lịch sử bức bách, mà cả những Kitô Hữu đang tưởng mình tự do trên đất khách quê người. Nếu trong cái túi đang có những làn tên bắn thẳng vào người công giáo gây kinh hồn bạt vía để họ khuất phục quyền bính của thế gian, cho dù là loại quyền bính kiểu bạo lực hay côn đồ, thì ngoài xa kia các Kitô hữu cũng đang phải đau cái đầu vị bị những mũi đạn nhắm thẳng vào giáo hội trước những vấn đề luân lý và đức tin truyền thống, vấn đề bảo vệ luật Chúa và Hội Thánh. Có nơi nào làm Kitô hữu dễ dàng đâu?

Cụ thể và gần nhất, ngay nơi bản thân, trong gia đình bạn, gia đình tôi cũng có biết bao sự khốn khó mà chúng ta phải bằng lòng chấp nhận cái chết để có sự sống lại: chấp nhận từ bỏ những ý riêng, từ bỏ những quyến rũ của thế gian xác thịt, chấp nhận chết đi tính ích kỷ, lòng tham, cơn kiêu căng tự phụ;  cha mẹ phải hao mòn, tàn tạ và chết đi cho con cái; mỗi người phải nhẫn nhịn cho dù nhục nhã để giữ mối tình thân trong làng xóm, trong họ đạo…Và xa hơn một chút, một số giáo dân, linh mục chịu bức bách, xử oan, đánh đập, tù tội vì nhân danh Chúa Kitô bênh vực cho công lý, trải tình thương cho kẻ cô nhi, đem tin mừng cho người nghèo khó, đem ân sủng của Thiên Chúa cho anh em thiểu số nơi cao nguyên đại ngàn, heo hút…

Hình ảnh của Giáo Hội sơ khai trong những ngày tang tóc sau cái chết của Chúa Giêsu vẫn luôn là hình ảnh của chúng ta hôm nay, cụ thể nhất là những người đang sống trong gọng kìm của bạo quyền không tin Thiên Chúa và luôn chống lại Thiên Chúa.

Nhưng tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng ta. Sự bình an mà Chúa Kitô ban cho mỗi chứng nhân tin mừng của Ngài là niềm bình an đích thực…Bình an trước bạo lực, lộng hành, trước làn tên, mũi đạn; bình an trong cuộc chiến đấu cam go để bảo vệ đức tin và chân lý. Đó là bình an của Đức Kitô Phục Sinh ban cho những người chấp nhận sống trước mầu nhiệm phục sinh của đời mình. Đúng như Đức Cha Daniel R. Jenky kết luận:

 “Đức Kitô Phục Sinh là Chúa Vĩnh Cửu của chúng ta; Đầu của Thân Thể Người, là Hội Thánh; vị Thượng Tế của chúng ta; Thầy của chúng ta; vị Chỉ Huy của chúng ta trong cuộc chiến đáng chiến đấu này.

Chúng ta không có gì để sợ hãi, nhưng chúng ta có một thế giới để chinh phục cho Người. Chúng ta không có gì để sợ hãi, vì chúng ta có một số phận vĩnh cửu trên thiên đàng. Chúng tôi không có gì để sợ hãi, dù đất có thể động, vương quốc có thể mọc lên và xụp xuống, ma quỷ có thể dữ tợn, nhưng Thánh Michael Tổng Lãnh Thiên Thần, và tất cả các đạo binh thiên quốc, chiến đấu thay cho chúng ta.

Bất kể điều gì xảy ra trong thời điểm chóng qua này, vào cuối thời gian và lịch sử, Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa và Chúa Giêsu là Chúa, đến muôn thủa muôn đời.

Christus vincit! Christus regnat! Christus imperat!

Đức Kitô chiến thắng! Đức Kitô hiển trị! Đức Kitô truyền lệnh!

Lạy Chúa, xin cho chúng con xác tín rằng Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh đang đồng hành với chúng con trong hành trình  dương thế, đồng hành với chúng con giữa những làn tên, mũi đạn, giữa những bức bách đau thương, đồng hành với chúng con trong cuộc chiến đấu với tử thần; và cùng Đức Kitô, chúng con sẽ chiến thắng. Amen.

 PM. Cao Huy Hoàng, 20-4-2012

Câu chuyện chưa được kể về một linh mục Công Giáo trên con tàu định mệnh Titanic.

Câu chuyện chưa được kể về một linh mục Công Giáo trên con tàu định mệnh Titanic

                                                                               Anthony Dũng

LTCG (21.04.2012) – Toronto, USA – Những ngày vừa qua đã có một loạt các hoạt động kỷ niệm 100 năm tàu Titanic gặp nạn diễn ra trên toàn thế giới, nhất là tại thành phố Belfast, nơi “khai sinh” ra con tàu.

Trong số những bí mật chưa được khám phá hết về vụ đắm tàu lịch sử này có câu chuyện về một linh mục Công Giáo, cha Thomas Byles, người đã sẵn sàng nhường phao cứu hộ cho người khác để ở lại trên con tàu Titanic và ban các bí tích sau cùng cho các nạn nhân.

Cha Byles khi ấy 42 tuổi, đang trên chuyến hải trình định mệnh đến New York để làm lễ cưới cho người em của mình là William.

Một số nạn nhân sống sót trong thảm kịch Titanic kể lại rằng khi con tàu đâm vào khối băng ngầm thì cha Byles đang đọc kinh thần vụ ở tầng trên của boong tàu. Khi đó là ngày Chúa Nhật 14 tháng 4 năm 1912.

Cũng theo các nhân chứng có mặt, khi con tàu sắp chìm, vị linh mục này đã mau chóng giúp đỡ các trẻ em và phụ nữ xuống các xuồng cứu hộ, đồng thời ngài cũng tranh thủ giải tội, ban ơn xá giải và sau đó thì lần chuỗi mân côi với các hành khách đang gặp nạn trên tàu.

Bà Agnes McCoy, một trong những nạn nhân sống sót trong thảm họa này, kể lại: “Khi con tàu sắp chìm, Cha Byles đứng dưới boong tàu cùng với các tín hữu Công Giáo; các tín hữu Tin lành và Do thái cũng quỳ cầu nguyện quanh ngài.”

Bà Agnes kể lại với tạp chí New York Telegram ra ngày 22 tháng 4 năm 1912 rằng “cha Byles âm thầm lần chuỗi cầu nguyện cho các linh hồn sắp phải lìa bỏ cõi đời.”

Bạn của cha Byles là cha Patrick McKenna cho biết: “cha Byles đã hai lần từ chối xuống xuồng cứu hộ và để dành chỗ đó cho người khác. Ngài sẵn sàng ở lại trên tàu để hoàn thành trọn vẹn vai trò của mình trong tư cách một linh mục khi mà người khác đang cần đến sứ vụ của ngài.”

Câu chuyện về cha Thomas Byles quả thật là một nét đẹp và đầy ý nghĩa giữa những tang thương và chết chóc trong thảm kịch Titanic.

Anthony Dũng

Dựa theo Patrick B. Craine

Nguồn: VRNs

9 điều cần nhớ.

9 điều cần nhớ:

 Cuộc đời ngắn ngủi của chúng ta sẽ ý nghĩa biết bao với 9 điều đáng nhớ này. 

 1. Đừng xem trọng bề ngoài vì nó có thể đánh lừa bạn. Đừng xem trọng sự giàu sang vì nó có thể mất dần. Hãy đến với người biết làm bạn cười, vì chỉ có nụ cười mới biến ngày buồn thành vui. Chúc bạn tìm được người như thế.

2. Có những lúc trong cuộc đời, bạn nhớ một người đến nỗi chỉ muốn kéo người ấy ra khỏi giấc mơ để ôm chặt lấy. Chúc bạn có được người ấy.  

3. Hãy đến nơi bạn thích, hãy trở thành người mà bạn muốn. Bởi lẽ, bạn chỉ có một cuộc đời và một cơ hội để thực hiện tất cả những gì mong mỏi. Chúc bạn có lòng can đảm.

 4. Chúc bạn có đủ hạnh phúc để được dịu dàng, đủ từng trải để được mạnh mẽ, đủ nỗi buồn để biết cảm thông, đủ hy vọng để biết hạnh phúc.
  
5. Khi cánh cửa hạnh phúc đóng lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra. Thường bạn sẽ ngắm mãi cánh cửa đóng lại để rồi không thấy cánh cửa đang mở ra. Chúc bạn nhận ra cánh cửa của mình.
 
 6. Người bạn tốt nhất là người có thể im lặng cùng bạn khi ngồi ngoài hiên, để rồi khi quay đi, bạn cảm thấy như vừa được trò chuyện thật thích thú. Chúc bạn có nhiều bạn bè.
 

 7. Bạn sẽ chẳng biết mình đang hưởng gì nếu không mất nó. Bạn sẽ chẳng mong mỏi gì nếu không mất nó. Chúc bạn không biết để không chịu đau khổ như thế.

 8. Luôn đặt mình vào vị trí của người khác. Nếu trong vị trí đó, bạn thấy đau, có lẽ người kia cũng sẽ cảm thấy như vậy.

 9. Một lời bất cẩn có thể gây bất hòa. Một lời độc ác có thể làm hỏng cả cuộc đời. Một lời đúng lúc có thể làm giảm căng thẳng. Một lời yêu thương có thể đem lại hạnh phúc. Chúc bạn biết cách điền vào chỗ trống của cuộc đời.

 nguồn: Maria Mai     

  
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 

 

 

 

 

 

 
 
 
 

Niềm tin?

Niềm tin?

 Nếu bạn là một người theo Đạo Thiên Chúa Giáo, câu chuyện dưới đây rất đáng để bạn nên đọc, tin tôi đi 🙂

Giáo sư : Con trai là một người theo đạo Thiên Chúa Giáo đúng không?

Sinh viên : Dạ đúng thưa giáo sư

Giáo sư : Vậy con có tin vào Chúa không?

Sinh viên : Tất nhiên rồi thưa giáo sư

Giáo sư : Chúa tốt lành chứ?

Sinh viên : Chắc chắn là như vậy

Giáo sư : Chúa có tất cả quyền lực không?

Sinh viên : Dạ có

Giáo sư : Anh trai tôi chết vì ung thư mặc dù anh ấy đã cầu nguyện với Chúa chữa lành cho anh ấy rất nhiều. Hầu hết trong chúng ta ai cũng đã cố gắng giúp đỡ người khác khi họ đau ốm. Nhưng Chúa thì không. Vậy cậu nói xem Chúa tốt lành như thế nào?

(Sinh viên im lặng)

Giáo sư : Cậu không thể trả lời phải không? Vậy chúng ta lại bắt đầu lại với câu hỏi : Chúa tốt lành không?

Sinh viên : Dạ có

Giáo sư : Quỷ Satan có tốt lành không?

Sinh viên : Không.

Giáo sư : Vậy quỷ Satan là đến từ đâu?

Sinh viên : Dạ, từ …Chúa mà ra…

Giáo sư : Đúng rồi. Con trai hãy nói cho ta biết, tội ác có tồn tại trên thế giới này không?

Sinh viên : Dạ có

Giáo sư : Tội ác ở khắp mọi nơi phải không? Và Chúa tạo nên tất cả mọi thứ, đúng không?

Sinh viên : Đúng!

Giáo sư : Vậy ai tạo ra tội ác?

(Sinh viên không trả lời)

Giáo sư : Vậy còn bệnh tật? sự đồi bại? lòng thù hận ? sự xấu xa? Tất cả những thứ kinh khủng đó vẫn tồn tại trên thế giới chứ?

Sinh viên : Dạ đúng , thưa Giáo sư

Giáo sư : Vậy, ai tạo nên chúng?

(Sinh viên không trả lời)

Giáo sư : Khoa học nói rằng chúng ta có 5 Giác quan để nhận định và quan sát thế giới xung quanh ta. Hãy nói cho ta biết, con đã từng thấy Chúa chưa?

Sinh viên : Dạ chưa.

Giáo sư : Nói cho ta biết cậu đã từng nghe Chúa nói chưa?

Sinh viên : Chưa, thưa Giáo sư

Giáo sư : Cậu đã từng cảm nhận thấy CHÚA, nếm được mùi vị của CHÚA, ngửi được CHÚA chưa? Cậu đã từng bao giờ nhận thức được bằng bất cứ giác quan nào về Chúa chưa?

Sinh viên : Chưa thưa Giáo sư. Con e là chưa cảm nhận được giác quan nào cả

Giáo sư : Vậy cậu còn tin vào Chúa không?

Sinh viên : Dạ có

Giáo sư : Theo kinh nghiệm, những thử nghiệm, những phương pháp chứng minh khác, Khoa học nói rằng CHÚA không hề tồn tại. Con nói về điều này thế nào, con trai?

Sinh viên : Không là gì cả. Tôi chỉ có niềm tin.

Giáo sư : Đúng rồi, đức tin. Và đó là vấn đề mà Khoa học gặp phải

Sinh viên : Thưa Giáo sư, có tồn tại một thứ gọi là “nóng” không?

Giáo sư : Có!

Sinh viên : Và có tồn tại thứ gọi là “lạnh” không?

Giáo sư : Có!

Sinh viên : Không có, thưa Giáo sư. Nó không hề có.

(Giảng đường bỗng trở nên im lặng với câu trả lời bất ngờ của cậu sinh viên)

Sinh viên : Thưa Giáo sư, giáo sư có thể có rất nhiều thứ gọi là nóng, và còn có thể nóng hơn, siêu nóng, cực kì nóng, nhiệt độ nóng trắng. Nhưng chúng ta không có bất cứ gì gọi là lạnh. Chúng ta có thể đạt đến nhiệt độ dưới 0 đến – 458 độ, nhưng chúng ta không thể đạt đến mức thấp hơn con số đó. Không có bất cứ thứ gì gọi là lạnh. Lạnh là một từ ngữ chúng ta dùng để mô tả sự vắng mặt của nóng. Chúng ta không thể đo lường được lạnh. Nóng là một loại năng lượng. Lạnh không phải là mặt trái của nóng, thưa giáo sư, chỉ là sự vắng mặt của nóng mà thôi.

(Giảng đường thinh lặng với những giải thích của cậu sinh viên)
Sinh viên : Còn về bóng tối thì sao thưa Giáo sư ? Có thứ gì để gọi là “bóng tối” không?

Giáo sư : Có. Đêm tối là gì, nếu nó không phải là bóng tối ?

Sinh viên : Giáo sư lại sai nữa rồi. Bóng tối là sự thiếu vắng của một thứ khác. Giáo sư có thể có được ánh sáng yếu, ánh sáng trung bình, ánh sáng mạnh, ánh sáng chớp. Nhưng nếu không có ánh sáng một cách thường xuyên, Giáo sư sẽ chẳng có cái gì để gọi là “bóng tối” đúng không? Trong thực thế, không có bóng tối. Nếu có , Giáo sư có thể làm cho bóng tối trở nên tối hơn không thưa Giáo sư?

Giáo sư : Vậy vấn đề mà con đang muốn đề cập ở đây là gì , chàng thanh niên trẻ tuổi?

Sinh viên : Thưa giáo sư, điều mà tôi muốn nói ở đây là tiền đề triết học của Giáo sư có chỗ thiếu sót.

Giáo sư : Thiếu sót? Cậu có thể giải thích rõ hơn không?

Sinh viên : Thưa giáo sư, giáo sư đang giải thích trên tiền đề của sự đối ngẫu 2 mặt. Giáo sư chỉ rõ rằng có cuộc sống và có cái chết, có Chúa tốt và Chúa xấu. Giáo sư đang nhìn vào khái niệm về Chúa chỉ như một tập hữu hạn,chỉ bằng một cái gì đó có thể đo lường được. Thưa Giáo sư, Khoa học thậm chí không thể giải thích về một cách thức con người suy nghĩ như thế nào. Có thể là dùng những tín hiệu về xung điện và từ ngữ gì đó, nhưng chúng ta không bao giờ thấy được, nhưng bằng cách nào đấy chúng ta vẫn cũng có thể hiểu được người khác. Nếu chúng ta xem xét về cái chết là đối lập với sự sống, nghĩa là đang phớt lờ đi sự thật rằng cái chết không thể tồn tại như một thứ gì đó mà tồn tại hữu hình.
Sự chết không phải là đối lập với sự sống, chỉ là sự vắng mặt của sự sống. 
Điều này giải thích rằng : bệnh tật, tội ác, tất cả những thứ kinh khủng trên thế giới này đều không tồn tại, mà là vì chúng ta đang thiếu vắng đi 1 thứ, đó là tình yêu của 1 đấng tối cao nào đó.

Bây giờ Giáo sư hãy nói cho tôi biết, Giáo sư có dạy cho sinh viên của mình rằng họ tiến hóa như bây giờ từ loài khỉ không?

Giáo sư : Nếu như cậu đang đề cập về quá trình tiến hóa tự nhiên thì dĩ nhiên là có.

Sinh viên : Đã bao giờ giáo sư quan sát được quá trình tiến hóa bằng mắt thường chưa Giáo sư?

(Giáo sư lắc đầu và cười, bắt đầu nhận ra rằng vấn đề của cuộc tranh luận đang đi về đâu)

Sinh viên : Bởi vì không ai có thể quan sát được quá trình tiến hóa trong công việc và càng không thể chứng minh rằng quá trình này là một quá trình đang diễn ra. Vì thế thưa Giáo sư, có phải giáo sư không dạy bằng quan điểm cá nhân của giáo sư đúng không? Giáo sư là một nhà khoa học hay chỉ là một người thuyết giáo suông dạy đời?

(Lớp học bỗng trở nên ồn ào)

Sinh viên : Có ai trong lớp học này đã từng nhìn thấy được bộ não của Giáo sư chưa?

(Lớp học ồ lên những tiếng cười lớn)

Sinh viên : Có ai đó đã từng nghe về bộ não của Giáo sư, cảm nhận được bộ não đó, chạm được nó, hoặc ngửi được nó chưa? Không ai có mặt ở đây đã làm điều đó cả. Vì thế, theo như quy luật được thiết lập bởi kinh nghiệm, sự thử nghiệm, các phương pháp chứng minh, Khoa học nói rằng Giáo sư không có bộ não . Vậy chỉ bằng lòng kính trọng, thì làm sao chúng tôi có thể tin những gì Giáo sư dạy được, thưa Giáo sư?

(Căn phòng im lặng. Giáo sư nhìn chằm vào cậu sinh viên, không đoán được cậu ấy đang nghĩ gì )

Giáo sư : Tôi nghĩ là cậu hãy cứ để những thứ đó cho niềm tin, cậu con trai ạ.

Sinh viên : Đúng là thế đấy, thưa Giáo sư….Chính xác! Sự kết nối giữa con người và Chúa đó là NIỀM TIN. Tất cả những điều đó giữ cho mọi thứ vẫn tiếp tục sống, tiếp tục còn đó và phát triển.

P/S:
Tôi tin là tất cả các bạn đã cảm nhận được cuộc đối thoại trên đây theo một cách thú vị. Và nếu đúng như vậy, chắc chắn bạn cũng muốn bạn bè và đồng nghiệp của mình sẽ đọc được mẩu chuyện này đúng không?

—Nhân tiện, cậu sinh viên trong câu chuyện trên đây chính là EINSTEIN – Nhà khoa học vĩ đại nhất mọi thời đại—

HS (Sưu tầm)

Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận

Vài suy nghĩ về ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

một chứng nhân cho đức tin tình yêu Thiên Chúa

và tinh thần khiêm tốn, phó thác

  by Msgr Peter Nguyen Van Tai

 Vài suy nghĩ về ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận: một chứng nhân cho đức tin,  tình yêu Thiên Chúa và tinh thần khiêm tốn, phó thác.

(Radio Veritas Asia – 17/09/2002) – ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình qua đời lúc 18 giờ (giờ Roma) thứ hai  ngày 16/09/2002, tại “Bệnh Viện Pio XI” ở Roma, trên đường Aurelia, sau bốn tháng điều trị, trước hết tại  Bệnh viện Gemelli và sau đó Bệnh Viện Pio XI, nơi người qua đời.

Sau lễ Phục sinh năm 2001, ÐHY đã được giải phẫu tại Boston (Hoa kỳ). Cuộc giải phẫu lần thứ hai vào tháng 5 năm  2002, được làm tại Trung tâm ung thư quốc tế ở Milano, một trong bẩy trung tâm thời danh chuyên về ung thư trên thế giới: Milano, Lyon, Paris, London, Amsterdam, Washington và Tokyo. Sau hai cuộc giải phẫu, bệnh tình của ÐHY không khả quan hơn. Thực ra chứng ung thư của ngài có tính cách khác thường. Tại Ý cứ một triệu người mới có một người mắc chứng ung thư này. Tuy vậy, trên nguyên tắc, chứng ung thư nầy không phải là chứng bệnh không thể chữa được. Nhưng trong trường hợp của ÐHY, thì chứng bệnh ung thư,  đã đi vào giai đoạn  khó khăn. Vì thế, trong cuộc giải phẫu lần thứ hai tại Milano, nhóm bác sĩ không thể làm gì hơn. Trong  những tháng điều trị tại hai bệnh viện ở Roma. Không bao giờ nghe ÐHY than phiền. Trong những lúc đau đớn, bác sĩ muốn cho thuốc làm dịu cơn đau, ngài không muốn, hay chỉ dùng một chút, để làm vui lòng bác sĩ mà thôi. Dù trong tình trạng yếu mệt, ngài không bao giờ từ chối các người đến viếng thăm. Ngài nhớ từng người và có lúc còn khôi hài, để làm cho các người viếng thăm lên tinh thần. Chỉ trong ít ngày trước khi qua đời, vì quá yếu sức, ngài mở mắt như chào các người viếng thăm, nhưng không nói gì nữa.

Nói đến đây, chúng tôi nhớ lời ngài thuật lại trong thời gian ở tù, như sau: “Nếu tôi đợi đến lúc được trả tự do mới làm việc, thì không biết chờ đợi đến bao giờ. Chúa cho mình ở trong tình trạng này, mình làm việc theo hoàn cảnh này”. Có thể trong những tháng trên giường bệnh, ÐHY cũng theo nguyên tắc như lúc ở trong tù: làm việc trong cơn bệnh và làm tông đồ, truyền giáo bằng đau khổ lại có giá trị và công hiệu lớn lao hơn nữa, vì được cộng tác với công việc cứu chuộc của Chúa Kitô trên Thánh giá. Những ai đọc các sách ngài viết, có thể hiểu ngài đã sống những điều ngài viết ra như thế nào. Ngài đã sống những điều ngài đã viết ra.  Những người đã đọc sách của ngài và nghe ngài giảng đều công nhận ngài là chứng nhân của đức tin, của tình yêu và của tinh thần khiêm tốn, phú thác.

Chứng nhân của Ðức tin – ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận không phải đổ máu như nhiều vị tử đạo trong các thời kỳ bách hại, nhưng trong hơn 13 năm tù, ngài đã sống  “Via Crucis” (chặng đường Thánh giá) của Chúa Giêsu. “Per Crucem ad Lucem”: qua đau khổ mới tới vinh quang.

ÐHY Phanxicô là chứng nhân của tình yêu. Trong những năm sống trong tù, ngài chỉ dùng tình yêu thương để chinh phục các người gây đau khổ cho ngài hoặc anh em công an canh giữ ngài. Trong những năm làm việc tại Roma, chúng tôi thường đến viếng thăm ngài, nhưng không bao giờ nghe ngài nói xấu ai, cả những người đã gây đau khổ, tù đầy cho ngài. Ngài không hở miệng chỉ trích Nhà Cầm quyền đã giam tù ngài. Ngài chỉ lấy đức ái đáp lại những lời chỉ trích, vu khống,  theo gương Chúa Giêsu trên Thánh giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”.

ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận là gương mẫu đức khiêm tốn, phú thác. Trong những năm ngài sống tại Roma, mọi người đều thấy rõ sự khiêm tốn của ngài, cách riêng các vị cộng tác của ngài tại Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình. Một vị cấp cao của cơ quan làm chứng rằng: “Ngài thật  là người cha của riêng tôi và của tất cả chúng tôi”. Luôn luôn hiền từ, dịu dàng, nhã nhặn, khiêm tốn với người trên cũng như người dưới. Ân cần hỏi thăm, và hiểu biết từng nhân viên làm việc với mình.

Vì là chứng nhân của đức tin, của tình yêu thương, và khiêm tốn – phú thác, ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã được mọi người mến phục, không phải chỉ các người thường dân, nhưng cả các vị cấp cao trong Giáo hội hoặc thuộc giới chính trị, trí thức, ngoại giao. Ngài đã được mời diễn thuyết tại Ðại học Nhà nước ở Roma hai lần. Vào các ngày Chúa nhật, ngài thường được mời  đi giảng hay diễn thuyết nơi này, nơi kia, không những trong nước Ý, nhưng còn tại Pháp, Ðức, Thụy sĩ, Hoa kỳ. Ngài không đi nghỉ hè. Ngài dùng các ngày nghỉ để đi giảng hoặc diễn thuyết các nơi. Vì chứng tá đời sống của ngài, nhiều giám  mục Ý và nước ngoài thường mời ngài giảng tuần tĩnh tâm cho các linh mục hoặc thanh niên. Trước khi đi Milano giải phẫu, theo lời thỉnh cầu của ÐHY Giovanni Battista Re, Tổng trưởng Bộ Giám mục, bạn thân của ngài, đã mời ngài đến Brescia giảng. ÐHY Camillo Ruini, Tổng đại diện Roma, thường mời ngài giảng tại Ðền thờ Thánh Gioan in Laterano cho nhóm nay, nhóm khác… Với sự khiêm tốn ngài trả lời: “Chúng con ở trong giáo phận Roma, con cái ÐHY. ÐHY dạy bảo  gì con xin vâng như vậy”. Vì là một chứng tá sống động, ÐTC chỉ định ngài giảng Tuần tĩnh tâm của Giáo Triều, với sự hiện diện của ÐTC. ÐHY  nhận với nhiều lo sợ. Trở lại nhà,  ngài chạy vào nhà nguyện quì gối cầu nguyện: “Lạy Chúa xin dạy con phải nói gì”. Ðơn sơ, khiêm tốn, phú thác: đây là tinh thần của ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Ngài qua đi, nhưng sách vở và nhất là chứng tá đời sống của ngài sẽ không qua đi.

Vài nét chấm phá về Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận:   xem thêm

Bài vở liên quan đến Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận    xem thêm

NẾU MỘT NGÀY…

NẾU MỘT NGÀY…

–         Nếu một ngày, bạn cảm thấy sầu khổ và muốn khóc.  Hãy gọi cho tôi … Tôi không hứa sẽ làm cho bạn cười. Nhưng tôi có thể cùng khóc với bạn.

–         Nếu một ngày bạn đứng trước thất bại và muốn bỏ chạy. Đừng ngại gọi cho tôi…Tôi không hứa sẽ giúp bạn hết thất bại,  hết chạy trốn… Nhưng tôi có thể cùng chạy với bạn.

–         Nếu một ngày, bạn cảm thấy mệt mỏi, đuối sức, không đủ năng lực để làm việc. Hãy gọi cho tôi bạn nhé… Tôi không chắc sẽ giúp bạn hết mệt mỏi, hết đuối sức … Nhưng tôi sẽ cùng nghỉ ngơi với bạn… Những giây phút nghỉ ngơi bên nhau sẽ giúp bạn có thêm sức mạnh, thêm năng lực để làm việc và để tiếp tục bước đi trên đường đời .

Hãy gọi cho tôi…Hãy gọi cho tôi bạn nhé…Số phone của tôi là: 1-800-CẦU-NGUYỆN

Nhưng nếu một ngày nào đó bạn gọi mà không thấy tôi trả lời. Hãy mau mau đến thăm tôi bạn nhé … Vì tôi cũng đang cần đến bạn, cần tiếng nói của bạn, cần những lời nói chuyện tâm tình của bạn. Tôi ở trong khu phố NHÀ THỜ, đường NHÀ TẠM, căn nhà có ghi hai chữ THÁNH THỂ.

Thân mến,

Giêsu.

                         ***

“Tất cả những ai đang vất vả, mang gánh nặng nề … hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng..”(Mt.11:28)

Lạy Chúa Giêsu! Xin cho con biết chạy đến với Chúa, biết qúy trọng những giây phút thinh lặng bên Chúa …. Vì Chúa là Đấng ban ơn trợ giúp và là nguồn ơn sức mạnh của đời con. Amen

Sưu tầm

Thánh Anxenmô, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh

Ngày 21/4: Thánh Anxenmô, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh.

Thánh Anxenmô là một người Châu Âu. Ngài sinh năm 1033 tại Aốtta. Sau đó ngài trở thành Đan sĩ và Viện phụ tại Đan Viện Béc miền Notmandi (nước Pháp). Cuối cùng ngài trở thành Tổng Giám mục thành Cantorbơri và Thượng Phụ cả nước Anh từ năm 1093 đến 1109.

Với chức vụ như thế, ngài là người tiên phong đấu tranh cho sự tự do của Hội Thánh thoát khỏi áp chế của thế quyền mà sau này Đức Thánh cha Grêgôriô VII sẽ tiếp nối. Hai lần ngài phải bị lưu đày.

Ngài là một nhà suy tư triết học lẫn thần học theo cách riêng của mình và được xem như là tổ phụ của Thần Học Kinh Viện. Ngài tìm cách đặt thần học bị trói buộc vào thời đại ngài trên một nền tảng mới: thay vì đặt thần học trên nền tảng của các người xưa có uy tín hay dựa theo Thánh Kinh. Ngài muốn thần học phải có lôgic của lý trí. Đức tin sẽ soi sáng lý trí. Như thế, Anxenmô đứng giữa thánh Augustino và thánh Tôma Aquinô. Ngài qua đời ngày 21.4.1109 tại Cantorbơri.

Chúa đã ban cho thánh Giám mục Anxenmô được ơn tìm hiểu và giảng dạy lẽ khôn ngoan siêu việt của Chúa. Xin ban ơn đức tin để soi sáng trí lòng chúng con và cho tâm hồn chúng con biết say mê những điều Chúa mạc khải.

KHÔNG TRÁCH MẮNG

KHÔNG TRÁCH MẮNG

Tôi quen gia đình nhà White khi mới vào đại học. Họ hoàn toàn khác gia đình tôi, mặc dù vậy ở bên họ, lúc nào tôi cũng cảm thấy hết sức thoải mái. Jane White với tôi thoạt tiên là bạn trong trường, rồi kế tới cả gia đình đón tiếp tôi- một người ngoài- như thể đón một
người em họ mới tìm ra.

Ở nhà tôi, mỗi khi có chuyện gì không hay xảy ra, luôn luôn nhất thiết là phải tìm cho ra thủ phạm để trách mắng.

“Cái này là ai làm đây?”. Mẹ tôi sẽ hét lên như thế trong nhà bếp hỗn độn như bãi chiến trường.

“Đó là tại con đó, Katharine!”. Cha tôi sẽ đay nghiến mỗi khi con mèo biến mất hoặc cái máy giặt không làm việc.

Ngay từ khi còn nhỏ, anh chị em chúng tôi vẫn hay nói với nhau là trong nhà mình còn một người nữa là ông Trách Mắng. Mỗi tối ngồi vào bàn nhớ dọn cả cho ông ấy một phần ăn!

Nhưng gia đình nhà White lại không bao giờ quan tâm đến ai vừa gây ra việc gì, họ chỉ thu dọn những mảnh vỡ và tiếp tục sống vui vẻ. Tôi chỉ thực sự hiểu hết nét đẹp của nếp sống này vào mùa hè mà Jane qua đời.

Ông bà White có sáu người con, ba trai, ba gái. Vào tháng bảy, ba người con gái nhà White và tôi quyết định làm một chuyến đi từ Florida đến New York. Hai cô lớn nhất, Sarah và Jane đều là sinh viên. Người nhỏ nhất, Amy, thì vừa mới có được bằng lái xe. Tự hào vì điều
đó, cô rất mong đến chuyến đi để được thực tập.

Hai cô chị chia nhau lái suốt chặng đầu của chuyến đi, đến một khu thưa dân cư họ mới cho Amy lái. Thế rồi cô bé đột nhiên đi lạc vào đường ngược chiều, đã vậy mà Amy vẫn tiếp tục cho xe chạy băng băng không dừng lại. Một chiếc xe tải đã không kịp dừng lại nên lao thẳng
vào xe chúng tôi.

Jane chết ngay tại chỗ.

Khi ông bà White đến bệnh viện, họ thấy hai cô con gái còn sống sót của mình nằm chung một phòng. Đầu Sarah thì quấn băng còn chân Amy thì bó nạng. Hai ông bà ôm lấy chúng tôi khóc buồn vui  lẫn lộn khi gặp lại các con. Họ lau nước mắt cho các con và thậm chí còn trêu Amy khi thấy cô bé học sử dụng nạng.

Với cả hai cô con gái, đặc biệt là với Amy, họ nói đi nói lại:” Bố mẹ mừng biết bao khi thấy con còn sống.”

Tôi vô cùng kinh ngạc, không có kết tội, không có trách mắng ở đây.

Về sau, tôi hỏi ông bà sao lại không có một lời kết tội nào đối với việc Amy đã đi vào đường cấm.

Bà White bảo:”Jane đã mất rồi và chúng tôi thương nhớ nó kinh khủng, nhưng nói hay làm gì thì có mang Jane về được đâu. Trong khi đó Amy còn cả một cuộc đời trước mặt. Làm sao nó có thể sống một cuộc đời hạnh phúc nếu cứ cảm thấy rằng chúng tôi oán trách nó vì nó
đã gây ra cái chết của chị gái?”

Họ nói đúng, Amy tốt nghiệp đại học và lấy chồng vài năm sau đó. Cô trở thành mẹ của hai bé gái, và bé lớn nhất tên là Jane.

Tôi đã học được từ gia đình White một điều thực sự quan trọng trong cuộc sống: Trách mắng quả thật không cần thiết, đôi khi đó còn là một việc hoàn toàn vô ích.

(Không rõ tác giả)

Chân Phước Pedro de San José Betancur

Chân Phước Pedro de San José Betancur

(1626 – 1667)

Pedro sinh trong một gia đình nghèo ở Tenerife thuộc quần đảo Canary. Ngay từ nhỏ, cậu rất muốn trở thành một linh mục, nhưng Thiên Chúa đã có hoạch định khác cho cậu.

Pedro làm nghề chăn cừu cho đến khi 24 tuổi, anh thực hiện cuộc du hành sang Guatemala, hy vọng sẽ tìm được một người bà con đang làm việc cho chính phủ ở đây. Nhưng mới đến Havana, anh đã cạn hết tiền. Sau khi phải  làm việc để kiếm thêm tài chánh, mãi một năm sau anh mới đến thủ đô Guatemala. Ðến nơi, anh quá túng thiếu đến độ phải sống nhờ vào nhà phát chẩn của dòng Phanxicô.

Sau đó không lâu, Pedro ghi tên theo học trường Dòng Tên với hy vọng sẽ trở thành một linh mục. Nhưng dù cố gắng đến đâu đi nữa, anh vẫn không thể tinh thông các môn học; do đó anh phải bỏ dở. Năm 1655 anh gia nhập Dòng Phanxicô Thế Tục. Ba năm sau thầy Pedro mở một chẩn y viện cho người nghèo; một trung tâm cho người vô gia cư và sau đó ít lâu, thầy mở một trường học cho các trẻ em nghèo. Cũng không quên đến người giầu có ở thủ đô Guatemala, thầy đi vào khu phố của họ, vừa rung chuông vừa kêu gọi họ ăn năn sám hối.

Dần dà nhiều người khác đến chia sẻ công việc của Pedro. Không bao lâu, họ thành lập Tu Hội Bêlem mà tu hội này đã được Tòa Thánh chính thức công nhận sau khi Thầy Pedro từ trần.

Thầy thường được coi là người khởi xướng hoạt cảnh Ðêm Giáng Sinh, trong đó Ðức Maria và Thánh Giuse đi từng nhà để tìm chỗ trọ. Truyền thống này lan ra tới Mễ Tây Cơ và các quốc gia Trung Mỹ cho đến ngày nay.

Thầy được phong chân phước năm 1980.

Lời Trích

Ðề cập đến Thầy Pedro và bốn vị khác cùng được phong chân phước với thầy, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Thiên Chúa rộng rãi ban phát cho họ sự nhân hậu và lòng thương xót của Ngài cũng như ban cho họ tràn đầy ơn sủng; Thiên Chúa yêu thương họ với tình yêu của một người cha, nhưng rất đòi hỏi, mà sự hứa hẹn chỉ là những khổ nhọc và đau thương. Thiên Chúa mời gọi họ sống cuộc đời thánh thiện cách anh hùng; Ngài lôi họ ra khỏi quê hương và gửi họ đến các phần đất xa lạ để loan truyền phúc âm, giữa những
khó khăn và cực nhọc không thể diễn tả được” (L’Observatore Romano).

nguồn : Maria Thanh Mai gởi

Ai là bổn mạng các game thủ ?

Ai là bổn mạng các game thủ ?

 Tác giả Thomas L. McDonald

 Trầm Thiên Thu chuyển ngữ

Xin trả lời ngay và ngắn gọn: “Chẳng có ai cả”. Tuy nhiên, khi tìm những câu hỏi khác nhau đã đưa nhiều người đến với blog trò chơi của tôi, có thể vì thanh bên cạnh (sidebar) có hình Thánh Balthasar, bổn mạng những nhà sản xuất các lá bài. Từ khi đọc lịch sử Giáo hội và có bộ sưu tập tiểu sử các thánh, tôi nghĩ tôi phân loại như thế để người ta không lang thang trên internet tìm những thông tin không chính xác về các thánh, về bổn mạng, về trò chơi, và về các vấn đề có liên quan.

 Hóa ra đó là bài phổ biến quan trọng, thế nên tôi đọc lại và cập nhật hóa điều đó vì Thiên Chúa. Đây là một số đề nghị của các độc giả:

Thánh Balthasar

Thánh Balthasar thường được coi là “bổn mạng của những nhà sản xuất các lá bài”. Tôi đã dạy các học sinh nhiều năm, tôi phải nói với bạn rằng đó là một trong những điều kỳ diệu nhất mà tôi đã phát hiện. Tôi đã tìm hiểu sâu xa để nghĩ ra cách thức và lý do mà Thánh Balthasar “gắn liền” với những lá bài hoặc việc chơi bài, nhưng lại gắn liền với những nhà sản xuất các lá bài.

 Thánh Balthasar, cùng với Thánh Melchior và Thánh Caspar, là một trong các đạo sĩ đã dâng vàng, nhũ hương và mộc dược cho Chúa Giêsu. Tuy nhiên, Kinh thánh không nói tên các đạo sĩ này, không nói có mấy người (thường nói có 3 người vì chỉ có 3 lễ vật, nhưngmột số nguồn cổ nói có 12 người), và cũng không nói họ là ai (chiêm tinh gia, thuật sĩ, vua, hoặc đơn giản là “những người khôn ngoan”. Mãi tới thế kỷ V, tên của 3 vị này mới được biết đến.

 Chúng ta không biết gì khác về Thánh Balthasar. Có vài ngôi mộ được coi là của ba đạo sĩ này, nhưng không ai dám chắc chắn. Nếu có nguồn hoặc tài liệu nào đó giải thích lý do Thánh Balthasar được coi là người “quan tâm” những người đánh bài, thì điều này vượt ngoài tầm hiểu biết của tôi. Những lá bài đầu tiên chỉ được in hoặc các nghệ sĩ làm ra.

 Thiếu chứng cớ giải thích việc đánh bài có liên quan Thánh Balthasar, lý do rõ ràng nhất có thể là câu trả lời thực tế. Thánh Balthasar là một “ông vua” (king), vì bộ bài có những “quân già” (kings). Như vậy, tự nhiên chọn một trong 3 quân già, thế là Thánh Balthasar “bị chết tên”.

Thánh Cajetan

 Thánh Cajetan (tiếng Tây Ban Nha là Cayetano) là bổn mạng dân đánh bạc. Thánh Cajetan sinh năm 1480 trong một gia đình giàu có, ngài là luật sư. Ước muốn cải cách Giáo hội, ngài đi Rôma, rồi làm linh mục, và lập dòng. Ngài dùng tài sản của gia đình để mở các bệnh viện phục vụ nhu cầu tâm linh và thể lý của người nghèo. Ngài cũng mở các tiệm cầm đồ và thẻ tín dụng để người nghèo vay vốn.

 Thánh Cajetan có liên quan việc đánh bài rất mơ hồ. Truyền thuyết cho rằng người ta xin ngài ủng hộ, và “đặt cược” với ngài một xâu chuỗi mà ngài không thể hiểu. Từ khi ngài hiểu ra, ngài có thể làm người ta cầu nguyện nhiều hơn. Dựa vào những gì chúng ta biết về các thánh, điều này có vẻ như việc trang bị thêm về lòng đạo đức của lý do nói ngài là bổn mạng người đánh bài, và nghe chừng không ổn chút nào. 

Rất có thể là số tiền vay đã giúp người ta khỏi bị ăn lời cắt cổ (predatory interest rates), và nhiều món tiền này là hậu quả của nợ đánh bài. Lúc đó, cũng như ngày nay, một tay có máu chơi bài có thể làm tan nát gia đình, cho nên có vẻ như Thánh Cajetan có thể “gỡ gạc” cho mấy tay chơi bài trở về đường ngay nẻo chính cả về tài chính lẫn luân lý.

 Thánh Aloysiô Gonzaga

 Một độc giả khác là Mark Franceschini nói thế này: “Tôi luôn đề xuất Thánh Aloysius Gonzaga (1568–1591), dựa vào truyện mà tôi đã đọc. Ngài chơi cờ với một số chủng sinh, và có người hỏi: “Ngài sẽ làm gì nếu biết chỉ còn sống một giờ nữa?”. Có người nói sẽ đi xưng tội, người khác nói sẽ cầu nguyện trước Thánh Thể, nhưng Thánh Aloysiô Gonzaga thì không. Ngài lý luận rằng vì các Bề trên cho phép chơi nên ngài không có trách nhiệm nào khác, rõ ràng đây là điều Thiên Chúa muốn ngài làm. Như vậy, trong giờ sau hết, ngài sẽ chơi cho xong ván cờ! Vậy với tôi, Thánh Aloysiô Gonzaga là bổn mạng các game thủ là hợp lý!”.

Thánh Matthia Tông đồ

 Một độc giả khác nói rằng Thánh Matthia nên đưa vào danh sách vì ngài được chọn để thay thế Giuđa bằng cách rút thăm, như trong Cv 1:23-26: “Họ đề cử hai người: ông Giôxếp, biệt danh là Basaba, cũng gọi là Giúttô, và ông Matthia. Họ cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người; giữa hai người này, xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai để nhận chỗ trong sứ vụ Tông Đồ, chỗ Giuđa đã bỏ để đi về nơi dành cho ông”. Họ rút thăm trúng ông Matthia: ông được kể thêm vào số mười một Tông Đồ”.

Vâng, họ chọn người thay người phản bội Chúa Giêsu bằng cách tung hột xúc xắc.

 Mà cũng có thể không là hột xúc xắc, dù họ có thể có hột xúc xắc, vì hột xúc xắc đã có ít nhất từ 5.000 năm trước, và hột xúc xắc đã được dùng ở Hy Lạp cổ đại và Rôma. Rút thăm là cách phổ biến tìm Ý Chúa trong Do Thái giáo (Judaism), với một trưởng tư tế rút ra một trong hai hòn đá thánh từ chiếc giáp che ngực (breastplate) để trả lời cho câu hỏi đôi (binary question). Đây là Urim  Thummim. Người ta có thể tìm thấy một số ví dụ của việc rút thăm trong sách Sử biên niên, chương 24 và 26, dĩ nhiên có cả trong sách Giôna và sách Ét-te. “Purim” là tiếng Do Thái cổ nghĩa là “rút thăm”, cũng như tên của “ngày thánh” (thánh nhật) của người Do Thái để tưởng nhớ các sự kiện của Ét-te.

 Vấn đề là Thánh Matthia không còn dấu vết sau đó. Có thể do vị trí tông đồ thứ 12 bị nguyền rủa. Có thể ngài bị đóng đinh ở Ethiopia, bị ném đá ở Giêrusalem, hoặc qua đời vì cao niên. Không thể chết vì lớn tuổi: Ít các vị lãnh đạo Kitô giáo thời sơ khai đều chết an bình trên giường. Trong số 12 Tông đồ, chỉ có Thánh Gioan qua đời theo cách tự nhiên.

 Thánh Matthia là bổn mạng những người uống rượu, thợ mộc, thợ may và… thành phố Gary của Ấn Độ.

 Vĩ ngôn

Cuối cùng, chúng ta vẫn còn vài sự kiện và không có thánh bổn mạng của các game thủ. Tuy nhiên, tôi nghĩ Thánh Cajetan “đủ tiêu chuẩn” nhất. Ngài có mối liên quan nào đó với việc chơi trò chơi, điều này có thể là yếu tố của việc chơi trò chơi. Nhưng ngài cũng có những mối liên quan với ngân hàng, điều này được tái tạo trong nhiều trò chơi. Ngài đã dùng tài sản của mình để giúp đỡ người khác, và có ý nghĩa sâu xa của lòng trắc ẩn. Ngài đã chống lại sự đồi trụy của các giáo sĩ thời của ngài bằng cách sống gương mẫu về đức ái Kitô giáo và quan tâm người nghèo, đồng thời là người tốt.

Vì thiếu một “ứng viên” hợp lý, tôi muốn chọn Thánh Cajetan là bổn mạng các game thủ.

 TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Patheos.com)