Chỉ cần mang theo YÊU THƯƠNG sang bên kia Thế Giới …!

 Chỉ cần mang theo YÊU THƯƠNG

          sang bên kia Thế Giới …!

 Glitter Image

TÌNH BẠN TRONG ĐỜI

Dù đã sẵn sàng hay còn chưa chuẩn bị, nhưng rồi một ngày kia, chúng ta cũng phải chia tay thế giới này !
Sẽ chẳng còn ánh mặt trời chói chang chào đón, sẽ chẳng còn một ngày mới bắt đầu bằng giọt nắng trong vắt của buổi bình minh.
Sẽ không còn nữa những ngày Xuân hiền hòa, ấm áp.
Tiền bạc, danh vọng, quyền lực,… tất cả với ta cuối cùng cũng sẽ trở thành vô nghĩa. Còn ý nghĩa chăng là những gì ta tạo ra đối với Thế giới này.
Vậy điều gì là thật sự quan trọng lưu lại dấu ấn của ta trong cuộc sống ?
Quan trọng không phải là những thứ Bạn mang theo bên mình, mà là những gì Bạn đã chân thành đóng góp cho tha nhân.
Quan trọng không phải là những thứ Bạn nhận được mà là những gì Bạn đã cho đi.
Quan trọng không phải là những thành công Bạn đã có được trong cuộc đời, mà là ý nghĩa thanh cao của chúng.
Quan trọng không phải là những thứ Bạn học được, mà là những gì Bạn đã truyền lại cho người khác.
Quan trọng không còn là năng lực của Bạn, mà chính là tính cách – là những gì mà Bạn đã cư xử với mọi người xung quanh.
Quan trọng là những khoảnh khắc cử chỉ, thái độ mà Bạn đã vô tình hay cố ý khắc ghi trong lòng người khác, khi cùng chia sẻ với họ những lo âu, phiền muộn, khi Bạn an ủi và làm yên lòng họ bằng cách riêng nào đó của mình, hay chỉ đơn giản là một nụ cười hoan hỹ hay một cái nắm tay, đỡ cho một người khỏi ngã.
Quan trọng không chỉ là những ký ức, mà phải là ký ức về những người đã yêu thương Bạn. 
Quan trọng đâu chỉ là Bạn sẽ được mọi người nhớ đến trong bao lâu, mà là họ nhớ gì về Bạn (tốt hay xấu).
Quan trọng không phải là Bạn quen biết thật nhiều người, mà là bao nhiêu người sẽ đau xót khi mất Bạn trong đời.
Vậy thì, Bạn ơi, hãy nhìn cuộc sống bằng ánh mắt yêu thương và hiểu biết. Bởi vì, chỉ có tình yêu thương, sự hiểu biết mới đem lại những điều kỳ diệu cho cuộc sống, Bạn ạ.


HSN – [ Sưu tầm ]

 

CHỨNG NHÂN TÌNH YÊU

CHỨNG NHÂN TÌNH YÊU

 

                                                                                               Lm. John Nguyễn, New York.

Vào ngày 13 tháng 11 năm 2009, theo tờ Dallas Morning News đã đưa tin, bà Carrie Gehling, 45 tuổi, đã bị mất cả hai chân vì bệnh tiểu đường, đau tim, và cần được ghép thận sau nhiều năm lọc thận.  Bác sỹ cho biết bà đang gặp nguy cơ đến tính mạng.  Trong lúc bệnh tật và khó khăn, Bà Gehling chạy đến Đức Ông và cũng là cha xứ Mark Seitz tại nhà thờ Saint Rita ở Dallas, tiểu bang Texas, để nhờ ngài tìm kiếm quả thận cho bà.  Khi nhận được tin này, Đức Ông Seitz đã suy nghĩ, tại sao không phải là tôi?  Sau đó, ngài quyết định tặng quả thận của mình cho bệnh nhân, ngài coi việc hiến tặng này là biểu lộ tình yêu và nhiệm vụ của linh mục.  Ngài nói rằng: “Tôi noi gương Chúa Giê-su vì Ngài đã hy sinh mạng sống cho tôi, thì tôi cũng có thể cho đi một quả thận cho người đang cần được sống”.

 

 Hơn nữa, ngài rất ngưỡng mộ lòng dũng cảm của bà Gehling khi phải đối phó với căn bệnh khủng khiếp này, nhưng bà ấy luôn vẫn tin tưởng vào lòng nhân từ và tình yêu của Thiên Chúa khi tiếp cận với những người khác.  Để có được đức tin mạnh mẽ như thế, thì bà ta cũng đã trải qua một kinh nghiệm về quá khứ của tuổi trẻ.  Như lời bà Gehling nói với Dallas Morning News rằng: Khi được 20 tuổi, bà đã bị mất niềm tin một thời gian sau khi người cha qua đời vì căn bệnh đau tim.  Một ngày kia, tôi tỉnh dậy và nghĩ rằng, mình thật là điên khùng.  Bà nói tiếp: Nếu cha tôi còn sống sau cơn đau tim, thì ông ta chỉ sống như một loài thực vật.  Vậy những gì Chúa đã làm là tốt nhất.  Lời sau cùng, bà Gehling nói rằng: Không có từ ngữ nào có thể nói lên lời cảm ơn.  Làm thế nào để có thể nói lời cảm ơn với một người đã cho bạn một cuộc sống mới!  Bà đã gọi đây là quả “thận thánh”, trong khi đó vị linh mục Seitz nói, món quà ấy chỉ là một cố gắng sống theo gương của Chúa Kitô.

 

Gương mục tử hiến tặng quả thận có thể dẫn đưa chúng ta đến gần với trang Tin mừng hôm nay về sự từ bỏ, quên mình và làm chứng cho Tin mừng, cho tình yêu Thiên Chúa một cách sống động và thiết thực hơn.  Cha Seitz đã chia sẻ sự sống của mình cho bà Gehling, một người đang khát khao để được sống.

 

Khi Chúa Giê-su sai các Tông đồ đi rao giảng, thì Ngài ban cho các ngài được quyền chữa trị trên các thần ô uế, và chỉ thị đầu tiên của Ngài đối với các Tông đồ là không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không mang lương thực, bao bị, tiền bạc v.v… Khi nghe những lời căn dặn này, chúng ta nghĩ rằng, nó không thực tế trong bối cảnh của xã hội ngày nay.  Bởi vì, chung quanh chúng ta đâu có ai nghèo đến nỗi không có hai áo, giày dép, bao bị, tiền bạc, ngay cả các linh mục, tu sỹ cũng ăn mặc đàng hoàng, và có những điều kiện tối thiếu để sinh hoạt hàng ngày, đằng khác có người còn dư thừa không chỉ có hai bộ mà có cả tủ quần áo thì sao!  Chúng ta có lý do để cho rằng, lời dặn của Chúa Giê-su không phù hợp với những gì con người đang có, sử dụng và hưởng thụ.

 

Cho nên, chúng ta cần tìm hiểu sâu hơn trong bối cảnh của đoạn Tin mừng.  Lúc bấy giờ dân chúng đang sống trong cảnh lầm than, đói khổ, bệnh tật và hoạn nạn, bị áp bức và thống trị, cho nên họ cũng mong được giải thoát khỏi cảnh khốn khổ lầm than.  Chúa Giê-su là nhà cách mạng cho công lý, cho sự thật, cho hòa bình trước khổ đau của con người.  Lời căn dặn và chỉ thị của Ngài mang ý nghĩa nhân sinh hơn, bởi vì lời rao giảng đó phải được gắn liền với việc làm.  Nếu các Tông đồ không sống, không thực hiện đời sống khó nghèo thì giáo lý của Chúa Giê-su rao giảng cho ai?  Khi Chúa trao cho các ông có quyền trong tay, rồi chuyện gì sẽ xảy ra, vì lòng tham của con người là vô tận.  Đằng sau lời căn dặn đó, Chúa Giê-su muốn các Tông đồ đừng bám víu vào của cải vật chất, phải siêu thoát và từ bỏ, thì mới có thể rao giảng và làm chứng cho Thiên Chúa giàu lòng từ bi và nhân ái.  Ấy thế mà vẫn có Giu-đa bán Thầy vì tham tiền.

 

Có lẽ bài học được rút ra từ Lời Chúa cho chúng ta hôm nay, bài học đó không chỉ dừng lại trên phương việc sử dụng của cải vật chất sao cho hợp lý, mà còn là bài học của cái tâm biết thương người.  Giáo hội cần có tấm lòng quảng đại của những vị mục tử tốt lành dám hy sinh vì đoàn chiên bệnh tật, nghèo nàn, đau khổ, và tất cả mọi người kitô hữu mang danh Chúa Kitô dám sống và làm chứng cho tình yêu.  Nếu chúng ta nhận ra khuôn mặt của Chúa Giê-su đang hiện diện trong những người nghèo khổ, bệnh tật, bị áp bức là lúc chúng ta sống với giá trị của Tin mừng.

 

Cho dù, những lời chỉ thị của Chúa Giê-su cho các Tông đồ ngày xưa trong hoàn cảnh khác xa với hiện tại ngày nay, nhưng lời đó vẫn tiếp tục mời gọi mọi người chúng ta thực hiện trong cuộc sống hôm nay.  Như lời cha Seitz nói: “Việc làm của tôi là cố gắng theo gương Chúa Giê-su”. Và Mẹ Têrêxa Calcutta thì nói: “Không ai nên Thánh một mình, và không ai lên Thiên Ðàng một mình”.

 

Lạy Chúa, mọi người chúng con được Chúa sai đi làm chứng nhân tình yêu Thiên Chúa giữa dòng đời, thì xin cho chúng con biết sống yêu thương, chia sẻ, cảm thông, và biết tìm kiếm Nước Trời là cùng đích của cuộc đời chúng con.

 

Lm. John Nguyễn, New York.

KHIÊM TỐN VÀ HIỀN LÀNH ĐÍCH THỰC

KHIÊM TỐN VÀ HIỀN LÀNH ĐÍCH THỰC

* Con chỉ hiểu được đức khiêm nhường khi suy niệm cả cuộc đời Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa hạ mình chịu mọi sự ngớ ngẩn, dốt nát, hiểu lầm, sâu độc, suốt 33 năm vì yêu chúng ta (DHV 510).

* Chỉ người khiêm nhường thật mới được an vui như Chúa Giêsu dạy:  Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường thật trong lòng và các con sẽ tìm thấy bình an trong tâm hồn? (DHV 516).

* Không thể tránh căng thẳng, nhưng giảm bớt căng thẳng được.  Trước hết Chúa không buộc con làm tất cả mọi sự.  Thứ đến việc gì Chúa giao con làm, Chúa ban thời giờ và phương tiện.  Nếu với tất cả cố gắng và thiện chí, con không thực hiện được là Chúa không muốn.  Tại sao con căng thẳng ngã lòng? Cứ bình an (DHV 522).

Thánh Phanxico Salesio có bẩm tính rất nóng nảy, họ hàng bè bạn ai cũng biết thế …

Một hôm, có người đến Toà Giám Muc Annecy để thăm thánh nhân.  Trong câu chuyện trao đổi hai bên, ông ta nhiều lần lớn tiếng cãi vã, đấm bàn đấm ghế, chỉ trích phê bình và mắng nhiếc thánh nhân thậm tệ. Thế nhưng, thánh Phanxicô vẫn cứ ngồi nghe cách thinh lặng, thỉnh thoảng lai nhã nhặn mời ông khách xơi trà, hút thuốc.  Trước những câu nói nặng nề xấc láo, thánh nhân vẫn đáp lại bằng những lời lẽ hết sức dịu dàng, khiến ông khách qúy bắt đầu cảm thấy thẹn thùng rồi từ từ rút lui.

Người anh của thánh nhân ngồi ở phòng sau chăm chú theo dõi câu chuyện hai bên.  Khi người khách vừa ra khỏi cổng, ông phóng ngay ra phòng thánh nhân và lạ thay….  Phanxicô vẫn tươi cười bình tĩnh! Ông liền nói:

– Nè, chú Phanxicô, xưa nay chú tính nóng như lửa, sao độ này lại hiền từ nhịn nhục đến thế????  Tôi ở phòng sau nghe lão ta nói mà sốt ruột lộn gan, muốn nhào ra đánh một trận cho vỡ mặt hắn ra.  Ðồ lếu láo mất dạy!

– Anh à, ai cũng có máu Adong cả.  Em cũng bực tức xung giận lắm, nhưng em cố gắng theo gương Chúa Giêsu, hiền lành và khiêm nhường trong lòng.  Cứ mỗi dịp như vừa rồi, em lại tập thêm được một chút ít bằng cách tự bảo: này hỡi Phanxicô, hãy đậy kỹ vung, đừng mở, đừng nói gì ráo!  Cuối cùng em thấy rằng: lấy một giọt mật, bắt được cả bầy ruồi; chứ lấy cả thùng giấm, chẳng tóm được một con.

ĐHY Nguyễn Văn Thuận

Câu chuyện thành công của một khoa học gia gốc Việt tại Mỹ

Câu chuyện thành công của một khoa học gia gốc Việt tại Mỹ

                                                                                 nguồn:  VOA

 Tiến sĩ Cai Văn Khiêm

Tiến sĩ Cai Văn Khiêm

Trà Mi-VOA

13.07.2012

Một người Việt tị nạn ở Mỹ tạo lập cuộc sống mới từ đầu bằng cách vừa đi phụ việc ở nhà hàng và xưởng đóng giày vừa cùng lúc dùi mài đèn sách để cuối cùng trở thành một nhà khoa học đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo cao cấp của các công ty khoa học kỹ nghệ danh tiếng của Mỹ, với trên 25 văn bằng phát minh sáng chế và nhiều giải thưởng vinh dự. Đó là câu chuyện thành công của tiến sĩ Cai Văn Khiêm mà Tạp chí Thanh Niên hân hạnh giới thiệu đến quý vị trong chương trình hôm nay.
 

Tiến sĩ Khiêm vượt biên sang Mỹ năm 1975 sau khi quân cộng sản Bắc Việt thu tóm miền Nam Việt Nam. Những ngày đầu tới Mỹ, ông đã phải vất vả ngày đêm với công việc bồi bàn ở nhà hàng vào mỗi tối, tới khuya thì sang phụ việc cho một hãng đóng giày, còn thời gian ban ngày ông dồn tất cả vào đèn sách. Có lúc trong nhiều ngày liền ông không có được một giấc ngủ. Vậy mà chỉ hai năm đầu ở xứ người, ông đã lấy được bằng thạc sĩ và liền 4 năm sau đó, ông tốt nghiệp Tiến sĩ từ cùng trường đại học Purdue, bang Indiana, với luận án về viễn thông băng tần rộng, một trong luận án tiền phong trong ngành viễn thông di động.

Ông vào làm việc cho công ty Hughes Aircraft Company và trở thành Khoa học gia Trưởng của bộ phận chuyên trách lĩnh vực truyền thông bí mật và vô tuyến định nghĩa bằng phần mềm của hãng. Khi công ty hội nhập với tập đoàn danh tiếng Raytheon, ông được bổ nhiệm làm Chuyên gia Cao cấp của Raytheon, phụ trách các đề án phát triển trong lĩnh vực truyền thông Multiband-Multimode và hệ thống định vị toàn cầu mới GPS III. Năm 2002, trung tâm nghiên cứu của ông tách rời ra khỏi Raytheon để thành một công ty riêng có tên là TelASIC, ông đảm nhiệm chức Phó Giám đốc Kỹ nghệ Hệ thống của công ty này. Tại đây ông đã nghiên cứu phát triển kỹ nghệ truyền thông di động. Khi TelASIC nhập vào hãng MTI vào năm 2009, những kỹ nghệ ông phát minh được chuyển thành sản phẩm bộ thu phát vô tuyến từ xa cho thị trường điện thoại di động. Hiện ông là Phó giám đốc Cao cấp phụ trách về Công nghệ Di động Toàn cầu của hãng MTI, có nhiệm vụ khuếch trương trung tâm nghiên cứu kỹ thuật của công ty ở Mỹ và Đan Mạch.

Định cư tại bang California, Tiến sĩ Khiêm đang sở hữu hơn 25 bằng phát minh sáng chế trong lĩnh vưc truyền thông-tín hiệu và nhiều giải thưởng, trong đó có các giải thưởng của hãng Hughes dành cho kỹ sư trẻ xuất sắc và dành cho phát minh xuất sắc. Ông cũng là tác giả của nhiều bài viết đăng trên các đặc san khoa học kỹ thuật. Đến với Tạp chí Thanh Niên hôm nay, Tiến sĩ Khiêm sẽ chia sẻ với các bạn trẻ về bí quyết thành công của mình.
   
Tiến sĩ Cai Văn Khiêm: Tôi cũng chỉ có một thành công rất khiêm nhường thôi, không có gì quan trọng lắm, nhưng dĩ nhiên là ai cũng phải đi qua những chặng đường khó khăn, vất vả để đạt được kết quả mình muốn. Đó là chất xúc tác để mình cố gắng hơn. Tôi nhớ năm 1975 khi tôi đến Mỹ, có khoảng thời gian tôi phải làm việc suốt mà không có được phút nào ngủ cả vì lúc đó tôi phải làm 2 công việc. Tôi làm bồi bàn tại một nhà hàng và làm trong một hãng đóng giày. Tối tôi làm nhà hàng, khuya tôi đi đóng giày, ban ngày tôi phải học để thi cuối khóa. Làm đóng giày tôi kiếm được khoảng 1,25 đô la/giờ. Lương làm nhà hàng chủ yếu nhờ vào tiền ‘tip’. Sau đó, trường đại học Purdue ở bang Indiana cho tôi học bổng vào chương trình cao học nên tôi không phải trả học phí. Trường lại trả lương cho tôi làm nghiên cứu khoa học. Cho nên, trong khoảng thời gian đó, tôi chỉ việc cắp sách đến trường. Hồi tưởng trở lại, tôi cũng không thấy gì gọi là nặng nhọc lắm. Có lẽ nhờ thời tôi ở Việt Nam, tôi có sức chịu đựng rất cao. Người ta thường đi xe Honda hay xe đạp đến trường, tôi hằng ngày đi bộ 1 tiếng rưỡi đồng hồ tới trường. Học xong đi bộ về nhà 1 tiếng rưỡi nữa. Tôi muốn tự ép mình chút xíu về sức chịu đựng. Tôi cảm thấy đó là một sự tranh đấu cần thiết để rèn luyện sức chịu đựng của mình một chút. Khi tôi vào đại học Phú Thọ, ban ngày tôi đi đạp xe đi dạy kèm 2, 3 chỗ vì kế sinh nhai. Những điều đó tạo cho mình một sức chịu đựng và sau này trở thành những lợi thế cho tôi trong những hoàn cảnh khó khăn hơn.

Trà Mi: Một người Việt ngồi vào ghế điều hành cao cấp của các công ty khoa học kỹ nghệ uy tín hàng đầu của Mỹ, cảm giác của tiến sĩ như thế nào?

Tiến sĩ Cai Văn Khiêm: Ước mơ của tôi là tìm ra một hướng đi, một cái nhìn mới trong lĩnh vực khoa học-kỹ thuật. Năm tôi 35 tuổi, họ mời tôi vào chức vụ Khoa học gia Trưởng. Công ty khoảng 60 ngàn nhân viên chỉ có 9 Khoa học gia Trưởng thôi. Tôi bước vào vị trí này giữa những người tóc bạc, tôi rất ngạc nhiên và hơi bàng hoàng lúc ban đầu. Tôi đặc biệt cảm ơn quốc gia này vì họ có cái nhìn rất cởi mở. Nếu họ cảm thấy mình có thể làm được việc, họ sẽ mở cánh cửa cho mình bước vào. Nói về cảm tưởng, tôi cảm thấy rất vinh dự cho cá nhân tôi và cho những người làm việc chung với tôi. Mình lại có một trách nhiệm cao hơn, làm sao có thể thỏa mãn được những trách nhiệm đó thì mình cảm thấy vui rồi. Tôi luôn cảm thấy hạnh phúc với công việc của mình. Bên cạnh tôi là những cộng tác viên luôn đem lại cho tôi những giây phút hào hứng làm việ c chung.

Trà Mi: Từ các vị trí cao cho tới những bằng phát minh và các giải thưởng, những thành tích có ý nghĩa thế nào đối với tiến sĩ?

Tiến sĩ Cai Văn Khiêm: Những bằng cấp hay bằng phát minh đó, khi mình phát minh rồi, nó trở thành những phần tử chết, tức là những cái đã xảy ra rồi. Nó có thể đem lại cho tôi những hồi ức vui vẻ trong giây phút thôi, nhưng những cái làm tôi phấn chấn nhất là những bài toán mà chúng tôi đang đương đầu trong hiện tại và tương lai. Thành ra, nhiều khi tôi cũng không quan tâm lắm đến các thành quả đã đạt được vì đó là những cái đã đạt được rồi. Nhiều khi mình quan trọng hóa các thành quả cũ đó cũng làm mất đi ý nghĩa vì những phần tử mớ, phần tử sống nằm ở hiện tại và tương lai. Tôi chú tâm và muốn tìm những hạnh phúc mới của tôi trong những giờ giải những bài toán mới.

Trà Mi: Có thể nói đối với tiến sĩ, thành công và thành tựu là quá trình phấn đấu không ngừng, không có điểm dừng.

Tiến sĩ Cai Văn Khiêm: Dạ vâng.

Trà Mi: Nhìn lại chặng đường đã đi qua bằng một từ ngắn gọn để mô tả về nó, tiến sĩ sẽ nói gì?

Tiến sĩ Cai Văn Khiêm: Chặng đường đó mỗi người phải tự tìm ra mục đích, hướng đi, và hạnh phúc của mình nằm ở đâu. Nếu chúng ta không thích làm việc đó, thì chắc chắn sự thành công nếu có cũng chỉ giới hạn thôi. Cho nên, chúng ta phải tìm ra sự thích thú trong công việc.

Trà Mi: Nhiều người ngày nay đánh giá sự thành công dựa trên hai yếu tố chính. Một là học vấn. Hai là có vai trò lãnh đạo. Liệu có phải đây là thước đo chính xác? Có thể có những con đường thành công khác hơn ngoài hai bàn đạp là học vấn và lãnh đạo hay không? Vừa là một nhà khoa học, vừa trong vị trí một người lãnh đạo, cái nhìn của ông về vai trò và tầm quan trọng của học vấn và tinh thần lãnh đạo đối với giới trẻ ra sao?

Tiến sĩ Cai Văn Khiêm: Người Việt Nam đặt sự thành công vào vấn đề khoa bảng. Nghĩa là muốn thành công phải đi qua con đường học vấn, dùng đó làm bàn đạp tới thành công. Điều đó không chắc hẳn như vậy. Tại Mỹ như chị cũng biết có các trường hợp, như ông Bill Gates chẳng hạn, trở thành những người thành công nhất. Tôi cho rằng có nhiều phương pháp dẫn tới sự thành công, chứ không dứt khoát phải đi qua chương trình học. Tuy nhiên, khi chúng ta đi học, chúng ta còn học cách làm người nữa. Cho nên, tôi nghĩ bước đường đi học rất quan trọng, giúp chúng ta biết cách ngoại giao, cách làm việc, cách suy nghĩ. Nếu chúng ta theo khuôn mẫu tạo thành công qua học vấn hay quản trị thì đó cũng chỉ là những cái giới hạn thôi. Thành công đối với tôi là đạt được những cái mà mình muốn giúp ích cho xã hội.

Trà Mi: Người Việt tại Mỹ có rất nhiều gương thành công, thành danh mà câu chuyện của tiến sĩ Khiêm đóng góp một phần trong đó. Ông có cảm nghĩ thế nào?

Tiến sĩ Cai Văn Khiêm: Tôi biết chắc là người Việt của chúng ta có rất nhiều người thành công. Có một chút đóng góp, tôi cũng cảm thấy rất hãnh diện và cảm thấy rất vui. Người Mỹ đã mở những cánh tay rất rộng đối với tôi, cho tôi những cơ hội này. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Môi trường tại Mỹ giúp chúng ta đạt được những thành công cao hơn. Ví dụ như ở Việt Nam có một hạn chế là những người đảng viên hay con cái của đảng viên mới được nắm giữ những chức vụ quan trọng. Điều này hạn chế số người thành công rất ít. Môi trường làm việc ở Mỹ mở rộng hoàn toàn, đào tạo ra rất nhiều người thành công và mọi người cảm thấy thoải mái. Đó là một chất kích thích giúp nước Mỹ này thành công. Theo tôi, chúng ta nên mở rộng cánh cửa cơ hội cho mọi người, nên sử dụng những người có khả năng. Như cách làm việc của người Mỹ ở đây, tôi cảm thấy rất thoải mái.

Trà Mi: Tiến sĩ vừa nói tới ‘chất kích thích’ mà xã hội Mỹ giúp các cá nhân trong xã hội có được cơ hội thành công hơn, tức là mọi người có nhiều cơ hội đa dạng khác nhau. Còn về ‘chất kích thích’ giúp cho một nhà khoa học có nhiều bằng phát minh sáng chế như tiến sĩ đây là gì, thưa ông?

Tiến sĩ Cai Văn Khiêm: Chất kích thích đó là mình phải có sự đam mê tìm kiếm những điều mới lạ trong công việc. Có một số người chỉ vui vẻ làm công việc cho xong. Có những người muốn giải quyết công việc xong rồi mới về nhà. Làm khoa học đòi hỏi phải có sự đam mê. Chất kích thích đối với tôi là tìm ra phương pháp mới. Thời tôi còn đi học chương trình tiến sĩ ở đại học Purdue, có một bài toán nan giải trong luận án của tôi. Hằng đêm, trước khi đi ngủ và trong giấc ngủ của tôi, tôi cứ mãi suy nghĩ về bài toán đó. Tôi tìm ra lời giải khoảng 2-3 giờ sáng và ngồi dậy viết lên giấy. Khi tôi làm cho công ty Hughes, có một số bài toán khó, tôi đã bỏ 6 tháng trời để tìm ra lời giải hầu đưa tất cả hệ thống truyền thông kết hợp lại với nhau.

Trà Mi: Nếu có một lời khuyên đối với giới trẻ từ câu chuyện thành công của mình, tiến sĩ sẽ nói gì?

Tiến sĩ Cai Văn Khiêm: Đầu tiên, nói về phương pháp để thành công, chúng ta cần phải giữ một tư cách đàng hoàng, một thiện chí làm việc, và cố gắng trau giồi kiến thức. Những người xung quanh thấy mình có khả năng, họ sẽ đưa mình vào một vai trò làm việc thăng tiến hơn. Người Mỹ có câu vai trò quản trị là vai trò của sự tin tưởng. Mình tạo sự tin tưởng qua những việc mình làm, tư cách làm việc, và thiện chí làm việc của mình. Họ thấy mình có thể làm việc được, họ sẽ cho mình những cơ hội. Nếu những người xung quanh không mở cánh cửa cho chúng ta đi, chúng ta không thể vào vườn hoa xinh đẹp nào cả. Thứ nhì, mình phải tìm mục đích, hướng đi, và những người cộng tác để cùng làm việc và chia sẻ những thành quả với nhau. Có những người làm việc chung cố dấu những ý nghĩ của họ để giữ phần thưởng riêng cho họ. Những điều đó sẽ trở nên rất tầm thường và không vui. Phải nên thích làm việc với những người cộng tác xung quanh mình.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Khiêm đã dành cho Tạp chí Thanh Niên của đài VOA cuộc trao đổi này.

Tiến sĩ Cai Văn Khiêm: Cảm ơn quý vị thính giả đã theo dõi.

Sống thanh thoát

Sống thanh thoát

                                                                                         Lm. Jos Tạ Duy Tuyền 

 

Muốn đất nước phát triển: “Hãy loại trừ tham nhũng”, đó là vấn đề được bàn luận sôi nổi nhất nơi các kỳ họp quốc hội Việt Nam. Tham nhũng là gì?
 
Tham nhũng không đơn thuần là lấy của công thành của riêng. Tham nhũng không dừng lại ở việc lợi dụng chức quyền để vun quén cho bản thân mà còn cho cả dòng họ. Đúng như cha ông ta đã nói: “Một người làm quan cả họ được nhờ”. Điều tệ hại của tham nhũng đó là lòng tham đã ăn sâu vào xương tủy những người làm quan. Lòng tham khiến họ không còn chí công vô tư khi thi hành chức vụ. Lòng tham khiến họ không thể sống thanh liêm chính trực. Lòng tham dẫn họ đi sâu vào tội ác và dối trá. Nếu xã hội không còn những người thanh liêm thì làm sao tránh khỏi ăn bẩn, ăn chận của người thấp cổ bé miệng và đói nghèo. Nếu xã hội không còn những con người chí công vô tư thì làm sao có công lý và tình thương trong xã hội hôm nay. Tất cả chỉ là dối trả và phỉnh lừa lẫn nhau. 

Lời Chúa hôm nay gợi lên một  hình ảnh thật đẹp về những sứ giả tin mừng. Họ là những người được tuyển chọn để cứu nhân độ thế. Họ dấn thân vào đời để giải cứu thế gian khỏi ba thù hiểm độc. Thế gian có quá nhiều mưu mô và xảo quyệt. Ma qủy có quá nhiều phương cách để cám dỗ. Họ cần phải ra đi với đôi chân nhẹ nhàng và lòng thanh thoát. Họ không được mang bao bị, không mang bạc tiền của nhân thế. Họ là những người chấp nhận cuộc sống nổi trôi “ba chìm bảy nổi chín lênh đênh”. Sứ mệnh của họ là đẩy lùi sự dữ và thi thố tình thuơng. Họ không thể bận tâm đến của cải thế gian. Họ không để lòng mình bị ràng buộc bởi nhu cầu vật chất và tiện nghi. Nếu họ quá quan tâm đến mình sẽ bỏ quên đồng loại. Nếu họ quá chú trọng đến vật chất sẽ dẫn đến lo hưởng thụ và tích góp cho bản thân. Thiện chí sẽ mất. Hướng đi sẽ chệch đường lạc lối. Lý tưởng ban đầu sẽ bị đảo ngược. Thay vì cứu đời sẽ chỉ còn lại sự lợi dụng địa vị chức quyền để vun quén cho bản thân.

Người ta kể rằng: có một đệ tử muốn từ bỏ mọi sự của thế gian để sống tu trì. Anh quyết định vào rừng vắng sống ẩn tu. Hành trang duy nhất anh mang là chiếc áo ăn mày để khất thực sống qua ngày.

Ngày kia, anh đau đớn vô cùng khi thấy chiếc áo phơi ở bờ sông đã bị chuột cắn nát tả tơi. Không còn cách nào khác, anh phải vào trong làng xin một chiếc áo khác. Chiếc áo thứ hai này cũng bị cùng chung số phận, nát tả tơi vì chuột cắn. Anh nghĩ rằng chỉ có nuôi mèo mới giữ được chiếc áo. Anh quyết định nuôi mèo. Thế nhưng, khi có mèo anh lại phải lo kiếm thêm phần ăn cho con mèo được nuôi để đuổi chuột.

Ngày ngày vác bị đi khất thực, anh cảm thấy mình như một gánh nặng đối với dân làng. Nghĩ thế, anh cố gắng chắt chiu để kiếm tiền nuôi  một con bò để thêm phần thu nhập. Nhưng có bò lại phải kiếm cỏ cho bò ăn. Chăn nuôi gia súc khiến anh không thể có thời giờ cầu nguyện, anh lại phải thuê người cắt cỏ nuôi bò. Càng ngày bò càng sinh sản, người cắt cỏ cũng phải gia tăng. Thời gian trôi qua, mảnh đất hoang sơ đã biến thành một trang trại rộng lớn. Gia súc và người làm ngày càng thêm đông. Con người đã một thời muốn từ bỏ mọi sự để trở thành một tu sĩ, nay nghiễm nhiên trở thành một ông chủ trang trại.

Có tiền của và tài sản to lớn, anh lại muốn có người chia sẻ công việc của mình. Anh cưới vợ và sinh con. Anh trở thành một người chồng, người cha trong một gia đình hạnh phúc. Thế là lý tưởng ban đầu đã hết. Anh đã đánh mất lý tưởng chỉ vì mải lo gìn giữ một “cái áo rách”.

Chuyện có vẻ hoang đường nhưng lại là thật. Ma qủy thường cám dỗ từng bước. Ma qủy thường gợi lên những điều hay, điều tốt để dẵn dắt con người đi theo chương trình của nó. Adam – Evà đã nhìn thấy trái táo thơm ngon mà quên đi thân phận phải vâng lời Thiên Chúa. Khi tỉnh lại chỉ còn thất vọng và hổ thẹn lương tâm. Người tu sĩ đã lạc bước khi quá bận tâm đến nhu cầu vật chất, đến đồng tiền bát gạo, khiến tâm hồn anh không còn thời giờ để vun đắp, định hướng cho hướng đi của mình. Cái thất bại của anh thật tẻ nhạt, chỉ vì mải lo gìn giữ một “chiếc  áo rách”. 

Thực vậy, vì tiền bạc, mà người ta có thể đánh mất lý tưởng cuộc đời. Vì tiền mà “nhân chi sơ tính bổn thiện” đã không còn. Vì tiền mà người ta có thể chối bỏ niềm tin. Đó là nguy cơ mà bất cứ ai cũng có thể rơi vào.

Đó là bài học cho tất cả chúng ta. Đồng tiền thật cần thiết cho cuộc sống nhưng không phải là cứu cánh cho cuộc đời. Đừng quá lệ thuộc vào của cải vật chất. Nó chính là con dao hai lưỡi có thể làm hại cuộc đời chúng ta, nếu không khôn ngoan, sáng suốt để nhận định đúng giá trị của nó. Chúng ta cần can đảm để trong khi mưu tìm của cải vật chất, chúng ta có đủ nghị lực khước từ mọi hành vi bất chính, mọi thoả hiệp với lừa đảo, gian trá của thế gian.

Con người luôn hướng về sự thiện. Con người luôn mong muốn cống hiến cuộc đời mình cho tha nhân. Đó chính là mục đích mà Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa. Thế nhưng ma quỷ luôn vẽ lối chúng ta đi sai đường Chúa. Ước gì lời Chúa hôm nay thức tỉnh chúng ta, hãy lo tìm kiếm những điều đẹp ý Chúa hơn là thế gian. Hãy để tâm làm việc phụng sự Chúa hơn là làm tôi cho tiền bạc và tiện nghi. Đừng để lòng mình lệ thuộc vào vật chất mà quên đi gía trị tinh thần. Xin Chúa giúp chúng ta biết sống theo lời Chúa để được phúc lành mai sau. Vì  “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ”. Amen

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

nguồn: từ Bryan Do gởi

CHÍNH ĐỨC TIN HƯỚNG DẪN ĐƯỜNG ĐI NƯỚC BƯỚC CỦA TÔI

CHÍNH ĐỨC TIN HƯỚNG DẪN ĐƯỜNG ĐI NƯỚC BƯỚC CỦA TÔI

trích: vietvatican.net

… Từ một năm qua bà Claudette Serafino – góa phụ Công Giáo 52 tuổi – là nhân viên thiện nguyện của Hội chăm sóc hòa-hoãn (Association des soins palliatifs) các bệnh nhân giai đoạn cuối đời. Ngoài việc thăm viếng các bệnh nhân ở giai đoạn cuối đời bà Claudette cũng viếng thăm các thân chủ của dưỡng đường Thánh nữ Elisabeth ở Marseille miền Nam nước Pháp. Phần đông các thân chủ này là những người tàn tật với đủ loại khuyết tật tâm linh và thể xác khác nhau. Đôi khi có những người suốt ngày không mở miệng nói lời nào.

Với tất cả các bệnh nhân và người khuyết tật đau khổ, bà Claudette chỉ mong ước mang đến cho họ niềm vui hài hước, tâm tình lắng nghe, hoặc đôi khi chỉ là sự hiện diện trìu mến. Và nhất là, bà âm thầm cầu nguyện cho tất cả mọi người. Bà tâm sự: Chính Đức Tin Công Giáo hướng dẫn đường đi nước bước của tôi. Tôi không bao giờ nói với các bệnh nhân về tôn giáo nhưng chỉ tìm cách thông truyền cho họ điều chính yếu: Niềm Hy Vọng. Ngoài ra tôi cũng tháp tùng một số bệnh nhân ra đi về thế giới bên kia. Trong các trường hợp này, tôi cố gắng tối đa làm sao cho cuộc chuyển tiếp từ đời này sang đời sau được diễn ra trong an bình thanh thản.

Ngược dòng thời gian, cách đây đúng 5 năm, hiền phu tôi, lúc ấy mới 54 tuổi và là tài xế xe car, đang đong đầy sinh lực và sức khoẻ bỗng bị một chứng ung thư quật ngã. Anh qua đời chỉ vỏn vẹn sau ba tháng lâm trọng bệnh. Trong thời gian hiền phu tôi nằm liệt giường, đều đặn mỗi ngày có bác sĩ đến tận nhà chăm sóc anh và giúp thoa dịu nỗi đau đớn. Nếu không có sự hiện diện tốt lành trìu mến của vị bác sĩ, chắc hẳn tôi cũng bị quật ngã và ra đi theo chồng về thế giới bên kia!

Nhưng trước đó rất lâu, vào năm lên 15 tuổi, tôi đã bị đau nơi hai khuỷu tay và nơi đầu gối khiến cho chân đi không vững, dễ bị lảo đảo hoặc bị té! Ngoài kinh nghiệm về bệnh tật, sau cái chết của chồng, tôi còn hiểu thế nào là nỗi cô đơn, mặc dầu vẫn có sự hiện diện dấu ái của ba đứa con. Thêm vào đó, nỗi lo âu về bệnh tật vẫn còn lẩn quẩn trong gia đình. Bởi vì, một trong ba đứa cháu của tôi bị một con vi-khuẩn tàn phá hồng huyết cầu.

Chính các kinh nghiệm về bệnh tật và nỗi cô đơn đã thúc đẩy tôi đi đến quyết định dành một số giờ trong tuần để làm công tác thiện nguyện. Tôi đến nhà thương nơi khu vực dành cho những bệnh nhân ở giai đoạn cuối đời và đến dưỡng đường Thánh nữ Elisabeth với đủ hạng người mang đủ thứ khuyết tật khác nhau. Tôi mang đến cho họ nụ cười, chia sẻ nỗi khổ đau với họ và gieo rắc niềm hy vọng.

… Một nữ bệnh nhân là bà Mireille mắc chứng ung thư toàn diện đã nói về bà Claudette Serafino như sau.

Bà Claudette biểu lộ một sự nhẫn nại bao la. Bà lắng nghe hết mọi nỗi khổ đau của chúng tôi. Bà mang đến cho tôi một sự hiện diện tại một nơi chốn và vào một thời điểm mà tôi cần đến hơn bao giờ hết! Khi một người nằm yên suốt ngày trên giường bệnh giống như tôi và biết chắc chắn mình không bao giờ có cơ may xuất viện, thì người ấy thật sự cảm thấy cuộc đời bị vứt đi! Trong một hoàn cảnh đau thương như thế mà có một phụ nữ dành thời giờ đích thân đến thăm viếng ủi an thì quả thật đáng giá nghìn vàng! Bà Claudette có thể dành thời giờ để đi làm kiếm tiền và săn sóc những người thân yêu. Nhưng bà không so đo tính toán. Bà dành thời giờ để viếng thăm tôi y như thể đó là chuyện rất tự nhiên của một tình nghĩa không biên giới. Đức lang quân của tôi cũng thường xuyên viếng thăm tôi khiến tôi thật cảm động. Bởi vì tôi nghĩ rằng trong hoàn cảnh tang thương rách nát của tôi, anh không còn muốn đến thăm tôi nữa! Nhưng không phải như vậy! Anh đến thăm tôi. Rồi bà Claudette cũng đến thăm tôi. Và mỗi lần có sự hiện diện của một trong hai người này, tôi cảm thấy được khoẻ khoắn hơn.

… “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa thế; một thời để trồng cây; một thời để nhổ cây: một thời để giết chết, một thời để chữa lành; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng; một thời để khóc lóc, một thời để vui chơi; một thời để than van, một thời để múa nhảy; một thời để quăng đá, một thời để lượm đá; một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn; một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất; một thời để giữ lại, một thời để vất đi; một thời để xé rách, một thời để vá khâu; một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng; một thời để yêu thương, một thời để thù ghét; một thời để gây chiến, một thời để làm hòa” (Sách Giảng Viên 3,1-8).

(”OMBRES & lumière”, Revue Chrétienne Des Personnes Malades Et Handicapées, De Leurs Familles Et Amis, No 185, Janvier-Février 2012, trang 44-45)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

10 lối đi kỳ quặc nhất thế giới

10 lối đi kỳ quặc nhất thế giới 
 
 Lối đi xuyên qua một thân cây ở California, Mỹ, đường ray phủ đầy cây xanh lãng mạn ở Ukraine hay đường hầm đầy hoa ở Nhật Bản mang đến cho người đi đường cảm giác đầy mê hoặc.
 
 

Lối đi kỳ quặc này nằm ở Công viên Quốc gia Sequoia ở California, Mỹ và được tạo từ một thân cây đổ ngang đường từ năm 1937. Thay vì chuyển nó ra khỏi đường, ban quản lý công viên tạo một lối đi xuyên thân cây rộng 5,18m và cao 2,44m.

Prairie Lights là một lối đi tuyệt đẹp gắn hơn 4 triệu bóng đèn ở công viên Lynn Creek, Texas Mỹ. Đây được xem là lối đi gắn bóng đèn dài nhất thế giới.
Lối đi tàu hỏa được bọc kín bởi 2 hàng cây ven đường ở Kleven, Ukraine. Nhờ khung cảnh đầy lãng mạn, đây được gọi là “Con đường Tình Yêu”.
Lối đi xuyên qua núi ở Rock Canyon, Utah, Mỹ.
Đây là một lối đi kỳ quặc và đầy ảo giác. Đường hầm này chạy dưới sông Hoàng Phố ở Thượng Hải, Trung Quốc, nối tháp truyền hình Thượng Hải với phía đông Nam Kinh. Đường hầm dài 647m, gắn nhiều đèn, tạo ra cảm giác hư ảo cho các tài xế khi đi qua đây.
Hầm đường bộ bên sườn núi.
Ngôi nhà này được dùng làm không gian triển lãm và các lớp học nghệ thuật suốt 30 năm qua. Sử dụng những tấm gỗ nhiều màu sắc, hai nghệ sĩ Dan Havel và Dean Ruck tạo ra một đường hầm xuyên qua ngôi nhà. Đây là một tác phẩm nghệ thuật khiến người xem có ảo giác như đang nhìn vào một chiếc hố bí ẩn.
Thị trưởng thành phố Rotterdam, Hà Lan vừa công bố khởi công xây dựng một trung tâm mua sắm có hình giống đường hầm khổng lồ. Bên trong ngôi nhà này sẽ gắn những màn hình LCD để chiếu hình các sản phẩm bày bán. Ngôi nhà này còn là sự kết hợp của nhiều nhà ở, cửa hàng, nhà hàng và chợ, đóng vai trò là trung tâm của các hoạt động lớn trong thành phố. Dự án này đang được công ty Provast thực hiện.
Lối đi đầy hoa với tên gọi là đường hầm Wisteria ở vườn Kawachi Fuji (Kitakyushu, Nhật Bản).
Lối đi dưới nước tại Trung tâm L’Oceanographic ở Valencia, Tây Ban Nha.

Lương Y Mất Lương Tri

Lương Y Mất Lương Tri    

                                                                                       trích: Vietbao.com

(07/12/2012)

                                                                               Tác giả : Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức

 

Cuối tháng 5, 2012 vừa qua, Hiệp hội Y sĩ nước Đức đã có một hành động đầy nhân tính và  ngoạn mục. Họ đã công khai xin lỗi về những thử nghiệm mà các bác sĩ Đức quốc xã đã thực hiện với dân Do Thái trong các trại tập trung vào thời kỳ Hitler nắm quyền từ năm 1933-1945.

Theo Hội, đây không phải là hành động riêng rẽ của cá nhân y sĩ, mà liên quan tới các cấp đầu não của tập thể y sĩ thời đó. Trái với thiên chức cứu chữa bệnh tật thì các y sĩ này đã vi phạm quyền làm người của nạn nhân với nhiều thử nghiệm giả nhân giả nghĩa khoa học. Hội Cầu xin sự tha thứ của các nạn nhân còn sống hoặc đã mệnh một cũng như xin lỗi con cháu của những nạn nhân này.

Hậu quả của các Holocaust là 5 triệu người Do Thái bị tiêu diệt bằng  nhiều phương thức tàn nhẫn vô nhân đạo.

Một trại tập trung bị lây bệnh chấy rận ư? Thì viên y sĩ bèn giải quyết bằng cách ra lệnh xịt hơi ngạt, để 700 nữ nạn nhân chết cùng với bọ hút máu.

Viên y sĩ riêng của Hitler thực hiện chương trình gây chết không đau cho người già, người bệnh bất khả trị, người mất trí, trẻ em tàn tật tại nhà dưỡng lão, bệnh viện, nhà tế bần bằng cách chích độc chất. Họ bị coi như  ăn không ngồi rồi, vô dụng cho quân đội.

Một nữ bác sĩ chà đinh sét rỉ, mảnh vụn thủy tinh sắc bén lên vết thương của nạn nhân để đo lường sức chịu đựng với đau đớn.

Để tìm phương thức điều trị cóng giá, nạn nhân bị ngâm trong bể nước đá cả 3 giờ hoặc phơi trần ngoài trời trong thời tiết dưới không độ, rồi sưởi ấm nạn nhân với nhiều cách để so sánh hiệu quả.

Muốn tìm thuốc diệt trừ sốt rét thì bác sĩ chích vi khuẩn  cho nạn nhân rồi dùng nhiều hóa chất khác nhau, tìm thuốc chữa bệnh.

Muốn biến nước biển thành nước uống được, bác sĩ bỏ đói nạn nhân, chỉ cho uống nước biển, gây thương tích rồi quan sát phản ứng.

Độc chất được bác sĩ chộn trong thức ăn của nạn nhân nhân rồi mổ cơ thể để so sánh tác hại, tìm độc chất mạnh dùng sau này.

Và nhiều thử nghiệm dã man khác.

Hành động của Hội Y Sĩ Đức được dư luận rất tán thưởng.

Phải chi những người gây ra đấu tố giết hại địa chủ, lập ra những trại tập trung tù đầy hành xác tại quê hương trước đây cũng có những lời SORRY tương tự thì lòng người chắc sẽ thuận hòa hơn, để cùng nhau góp phần xây dựng đất nước.

Cần nhớ để biết việc gì sắp xảy ra trong cơ thể.

 Cần nhớ để biết việc gì sắp xảy ra trong cơ thể. 

 Có những triệu chứng tưởng chừng rất mơ hồ nhưng nếu không chủ quan, sớm nhận biết và được chẩn đoán đúng, nhiều khả năng giúp “thoát” được những căn bệnh hiểm nghèo. Dấu hiệu cảnh báo các bệnh hiểm nghèo

1. Dấu hiệu cảnh báo ung thư

 Khi ung thư vừa phát sẽ không thấy đau đớn hay có dấu hiệu nào, nên các xét nghiệm tầm soát là rất quan trọng. Khi ung thư phát triển theo các loại khác nhau, các dấu hiệu cảnh báo có thể xuất hiện.

 Tuy nhiên, những dấu hiệu này có thể xuất phát từ nguyên nhân khác. Nên đi gặp bác sĩ. Trong nhiều trường hợp phát hiện và điều trị ung thư càng sớm càng có nhiều cơ may chữa dứt bệnh

Ung thư bàng quang: 

 – Tiểu ra máu. Nước tiểu có màu đỏ sậm hay mờ nhạt, lợn cợn.

– Đau buốt khi tiểu..

– Đi tiểu nhiều lần hay tiểu gấp

Ung thư vú:

 – Cảm thấy có một cục u dày lên trong ngực, vùng xung quanh, dọc theo vùng xương cổ và dưới bầu vú hay vùng nách.

– Thay đổi kích cỡ hay hình dáng bầu vú.

– Chảy nước (không phải sữa) hay máu từ núm vú.

– Thay đổi màu sắc hay cảm giác ở da vú. Núm vú, hay quầng vú (vùng thâm xung quanh núm vú). Da vú bị co rút, nhăn hay có vảy.

Mặc dù hiếm, đàn ông vẫn có thể bị ung thư vú và nếu thấy một cục trong vú nên đi gặp bác sĩ.

 

Ung thư đại tràng, trực tràng:

 – Thay đổi thói quen đi cầu

– Táo bón. Đi cầu nhiều lần và hay phân lỏng bất thường.

– Cảm thấy ruột luôn đầy.

– Máu nằm trong hay ngoài phân. Có thể màu đỏ sậm hay đỏ tươi.

– Phân ra hẹp hơn bình thường.

– Bao tử phình to, đầy hay co rút.

– Thường sình hơi.

– Sụt cân không lý do.

– Mệt mỏi thường xuyên.

Ung thư thận:

 – Tiểu ra máu

– Một khối ở vùng hông

– Đau mơ hồ vùng lưng hay vùng hông

– Ho không rõ nguyên nhân trên ba tuần

Ung thư phổi:

– Ho kéo dài, có thể là ho vì hút thuốc trở nên nghiêm trọng hơn.

– Tức ngực. Có người bị đau lưng.

– Khàn tiếng.

– Thở đứt quãng hay khò khè.

– Viêm phổi hay viêm cuốn phổi nhiều lần.

– Ho ra máu.

– Mệt mỏi, ăn không ngon, sụt cân.

– Cảm thấy vai, cánh tay, bàn tay yếu đi.

Ung thư buồng trứng:

 Thường không có triệu chứng sớm. Khi có triệu chứng, các dấu hiệu bao gồm:

 – Sưng nề hay khó chịu vùng bụng dưới

– Cảm thấy đầy bụng sau bữa ăn nhẹ. Sụt cân và chán ăn

– Đầy bụng, khó tiêu, buồn ói

– Tiêu chảy, bón hay tiểu nhiều lần

– Chảy máu từ âm đạo

 Thường thì ung thư đã phát tán ở thời điểm phát hiện

Ung thư tuyến tiền liệt:

 Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn sớm thường không có triệu chứng. Nếu có, các dấu hiệu này là:

 – Đi tiểu nhiều lần, nhất là về đêm

– Khó tiểu, nhất là lúc bắt đầu, khó giữ lại nước tiểu hay không tiểu được

– Dòng nước tiểu yếu hay bị gián đoạn

– Đau hay cảm giác rát bỏng khi đi tiểu

– Đau khi phóng tinh

– Máu trong nước tiểu hay tinh dịch

– Đau kéo dài hay cứng vùng phía dưới lưng, hông hay bắp đùi.

Ung thư tinh hoàn: 

– Một khối ở tinh hoàn

– Cảm giác nặng ở bìu

– Đau âm ỉ vùng bụng dưới hay ở hang

– Đột ngột có nước ở bìu

– Đau hay khó chịu một bên tinh hoàn hay bìu

– Vú to lên hay nặng

Đàn ông từ 15 tuổi trở lên nên tự khám tinh hoàn đều đặn để phát hiện khối u hay thay đổi kích thước, hình dạng tinh hoàn

Ung thư họng:  

– Khàn tiếng hay thay đổi giọng nói

– Khối ở vùng cổ hay cảm giác có một cục trong họng

– Ho kéo dài

– Khó nuốt. Cảm giác nặng hay rát bỏng khi nuốt

– Thường xuyên bị khó tiêu và nóng ngực. Hay bị ói hay nghẹn.

– Đau trong ngực hay trong họng

2. Những dấu hiệu cảnh báo tiểu đường:  

1/3 người bị tiểu đường không biết mình mắc bệnh. Nên đi gặp bác sĩ ngay nếu có ít nhất một trong các dấu hiệu sau :

 – Tiểu nhiều lần

– Khát quá mức

– Đói quá mức

– Sụt cân bất thường

– Mỏi mệt

– Bứt rứt

– Mờ mắt

 Ở tiểu đường loại 1, các triệu chứng diễn ra nhanh chóng hơn. Với loại này, cơ thể không tạo được Insulin hay số lượng rất ít

 Ở tiểu đường loại 2, các triệu chứng diễn ra chậm hơn. Cơ thể không tạo ra đủ Insulin hay tạo ra không đúng cách. Loại này thường gặp ở người trên 40 tuổi, béo phì và không tập thể dục.

 Tiền tiểu đường xảy ra trước khi bị tiểu đường loại 2. Chẩn đoán và điều trị loại này giúp không bị tiểu đường loại 2.

 Tiểu đường có thể diễn ra âm thầm không triệu chứng. Phát hiện và điều trị sớm giúp giảm nguy cơ biến chứng

 3. Những dấu hiệu cảnh báo lên cơn đau tim (heart attack):

 – Khó chịu ở ngực. Thường diễn ra trên vài phút hay biến mất rồi bị lại, cảm giác giống như đè ép, nặng ngực hay đau.

 – Khó chịu ở nửa trên thân người. Có thể đau hay khó chịu ở một hay hai tay hay ở lưng, cổ, hàm hay vùng bao tử

 – Thở gấp.Thường đi kèm với khó chịu ở ngực nhưng cũng có thể xảy ra trước đó

 – Các triệu chứng khác. Bao gồm vã mồ hôi lạnh, buồn ói hay đầu óc quay cuồng

 Triệu chứng thường gặp nhất ở cả nam lẫn nữ là đau hay khó chịu ở ngực… Nhưng phụ nữ thường có thêm các dấu hiệu khác như thở gấp, buồn ói và đau lưng hay đau hàm

 Nếu có dấu hiệu cảnh báo đau tim, nên đi cấp cứu ngay

4. Những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ (stroke):

 – Đột ngột bị tê hay yếu ở mặt, tay hay chân, đặc biệt ở một bên người

 – Đột nhiên bị lẫn lộn, khó nói chuyện hay nói bậy bạ vô nghĩa

 – Đột ngột khó nhìn ở một hay hai mắt

 – Đột ngột khó đi, chóng mặt, mất thăng bằng hay không phối hợp được

 – Đột ngột nhức đầu dữ dội không rõ nguyên nhân.

 Đây là hướng dẫn chung. Nếu bạn có nhiều nguy cơ bệnh tật, các xét nghiệm nên làm sớm hơn. Các xét nghiệm phụ trợ như tầm soát tiểu đường hay tăng nhãn áp cũng có thể cần thiết. Nên theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Câu chuyện cánh tay cụt

The Story of The LOST HANDS
 
One morning as I knelt and pray,
I gazed at the statue of Christ in clay
And lo! to my dismay
He’s got no arms and hands that sway.
I looked around and search from roof to ground and even beyond
His wounded hands cannot be found.
So I turned to Him and asked our Lord if it’s a dream;
Why in His glorious seat He seems to be incomplete?
Then kindly He replied,
YOU ARE MY HANDS
… heal the wounds of the afflicted
… care for the poor
… give hope to the helpless
… caress the weary
… clothe the naked.
By doing this my child,
… you will restore my hands.
 
Câu chuyện cánh tay cụt
 
Một buổi sáng khi tôi đang quỳ cầu nguyện,
Tôi nhìn vào bức tượng Chúa trên tường
Và rồi làm tôi ngạc nhiên
Ðôi cánh tay của Ngài đã bị mất.
Tôi nhìn chung quanh và tìm trên dưới khắp mọi nơi
Tìm chẳng thấy đôi tay cụt của Chúa
Và rồi tôi quay nhìn Ngài và hỏi Chúa có phải tôi đang mơ;
Tại sao vinh quang như Ngài mà lại không hoàn toàn?
Và rồi Ngài nhẹ nhàng trả lời,
Con chính là Ðôi Tay của Ta
… hãy chữa lành các vết thương của những ai đang đau đớn
… hãy chăm sóc những người nghèo khổ
… hãy đem hy vọng đến cho những người đang thiếu thốn
… hãy nâng đỡ những người mệt nhọc
… hãy cho những ai rách rưới có áo mặc
Hỡi con, khi con làm những việc này,
… con đã ráp lại hoàn thành đôi tay của Ta.

 

Ngọc Nga sưu tầm

 

Stress huỷ hoại cuộc sống bạn như thế nào?

Stress huỷ hoại cuộc sống bạn như thế nào?

Trong cuộc sống bộn bề hiện nay, stress thực sự được coi là một sát thủ dấu mặt với những tác động có thể ngoài sức tưởng tượng.

Hiện nay ngày càng có nhiều người đã tự nhận rằng mình là một nạn nhân của stress. Cuộc sống căng thẳng và đặc biệt là lịch làm việc dày đặc đã khiến số người bị stress theo dạng này hay dạng khác ngày một cao. 

Thực tế, cứ 5 người Mỹ thì có 1 người tuyên bố rằng họ cảm thấy “cực kỳ” căng thẳng. theo một nghiên cứu của Hiệp hội tâm thần Mỹ.

Những người bị căng thẳng quá độ thường cũng gánh chịu những tác động về sức khoẻ như trầm cảm, đau tim, v…v….đó thực sự là vấn nạn cần được giải quyết.

Dưới đây là những sự thật về stress có thể bạn chưa biết.

1. Cơ thể không thể phân biệt được stress nặng và stress nhẹ. Căng thẳng về kẹt xe cũng sẽ gây tổn hại tương tự như căng thẳng do li dị.

2. Stress có thể gây ra hiện tượng “ức chế vỏ não”, theo đó một vài phần của bộ não có thể ngừng hoạt động và khiến bạn không thể tiếp tục làm việc.

3. Một nghiên cứu đã chỉ ra: Kiếm tra thông tin trên Smartphone càng nhiều, càng dễ bị stress. Tuy nhiên đây được coi là một vòng quay luẩn quẩn vì khi một người càng cảm thấy lo lắng và stress, họ càng có xu hướng check thông tin trên điện thoại.

4. Email cũng gây ra những tác động bất lợi. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng những người tránh xa email trong 5 ngày có nhịp tim đựơc cải thiện rõ rệt.

5. Nhịp tim và áp huyết tăng tỷ lệ thuật với stress, do đó có thể gây ra những cơn đột quỵ.

6. Nhiều người bị stress trở nên hoài nghi với những gì “nằm ngoài khuôn khổ” thông thường.

7. 75% chi phí sức khoẻ có liên quan đến các cơn ốm có tính chu kỳ, và stress là nguyên nhân số 1 gây ra những cơn ốm thất thường đó.

8. Những người cha trong gia đình nếu chịu nhiều áp lực trong việc trang trải sinh hoạt gia đình thường có xu hướng bị bệnh khớp.

9. Stress kéo dài sẽ làm gián đoạn phần lớn các quá trình trong cơ thể người, tăng nguy cơ bị các bệnh như: Tiểu đường, đau tim ,v…v….

10. Stress sẽ dẫn đến bị kích động.

11. Trong những sự kiện bi thương liên quan đến người thân chúng ta. Nguy cơ bị đau tim lên cao tới hơn 21 lần.

12. Một bà mẹ đang mang thai gặp nhiều stress có nguy cơ sinh con bị dị tật và chậm phát triển.

13. Trẻ con sớm bị căng thẳng quá độ sẽ gây nên những tác hại rất to lớn trong sự phát triển tâm lý trong tương lai.

14. Bị stress cũng dễ bị cảm cúm.

Với những tác hại kể trên, Stress được coi như một “sát thủ thầm lặng” trong cuộc sống. Trong cuộc sống hối hả và bộn bề ngày nay, đừng quá chạy theo công việc để rồi phải gánh chịu những hậu quả về sức khoẻ cũng như gia đình. Sinh hoạt điều độ, bố trí thời gian biểu hợp lý, đặc biệt là dành thời gian tập thể dục sẽ làm giảm nguy cơ căng thẳng xuống rất nhiều. Đừng tự biện hộ rằng “tôi không có thời gian”, người ta sẽ luôn có đủ thời gian cho những việc họ coi là quan trọng nhất. 

Theo Cafef/TTVN/Foxbusiness/DVT 

nguồn: từ Maria Thanh Mai gởi

Những bức ảnh xuất sắc về nghệ thuật chụp tốc độ chậm

Những bức ảnh xuất sắc về nghệ thuật chụp tốc độ chậm
 
Bản chất của chụp ảnh là sự phơi sáng vì khi chụp, ống kính mở ra cho ánh sáng vào phim hay sensor vừa đủ để đảm bảo chất lượng ảnh. Trong đó, kỹ thuật Long Exposure (thời gian phơi sáng lâu, tốc độ chậm) có thể mang lại những khung hình đẹp và ấn tượng. Phương Lan mời các bạn cùng xem lại những bức ảnh chụp tốc độ chậm dưới đây :
 
30 giây. Ảnh: John A Ryan.
117,4 giây. Ảnh: Matthew Fang.
10,9 giây. Ảnh: Express Monorail.
20 giây. Ảnh: MumbleyJoe.
Thời gian phơi sáng 114 giây. Ảnh: MumbleyJoe.
124 giây. Ảnh: Paulo Brandão.
20 giây. Ảnh: Sara Heinrichs.
253 giây. Ảnh: Dave Smith.
656 giây. Ảnh BurBlue.
31,9 giây. Ảnh: MumbleyJoe.
60 giây. Ảnh: c@rljones.
30 giây. Ảnh: Andrew Stawarz.
 
 (theo Digital-Photography-School)