KHO BÁU ẨN DẤU VÀ VIÊN NGỌC QUÍ

KHO BÁU ẨN DẤU VÀ VIÊN NGỌC QUÍ

Sống là một hành trình tìm kiếm và chọn lựa liên lỉ.  Tìm kiếm chân thiện mỹ, chọn lựa tốt xấu, lành dữ.

Trong tác phẩm nổi tiếng “la Pensées”, Pascal (triết gia công giáo pháp) cho rằng có ba thứ bậc của sự cao trọng.  Bậc thứ nhất liên quan đến vật chất hay con người: nó đề cao những ai giàu có, những ai có sức khoẻ hay dung nhan xinh đẹp.  Bậc này có một giá trị không thể xem thường, nhưng nó chỉ ở cấp thứ nhất.

Bậc thứ hai cao trọng hơn là bậc của tài năng siêu việt mà các triết gia, khoa học gia, nghệ sĩ và các nhà thơ nắm giữ.  Đây là một bậc có một phẩm chất khác.  Giàu hay nghèo, đẹp hay xấu, không thêm không bớt điều gì từ những thiên tài.  Trước họ chúng ta phải ngưỡng mộ, nhưng nó chưa phải là bậc cao nhất.

Còn có một thứ bậc cao hơn, đó là thứ bậc của tình yêu, của lòng tốt mà Pascal gọi đó là thứ bậc của thánh thiện và ơn sủng.  Gounod cho rằng: “Một giọt thánh thiện đáng giá hơn một đại dương tài năng.” Đẹp hay xấu, học thức hay dốt nát không thêm hay bớt đi điều gì khỏi một người thánh thiện, một vị thánh.  Sự cao cả của ngài thuộc về một thứ bậc khác, vượt trên cả hai bậc kia.  Điều này rất phù hợp với quan niệm của người Việt Nam: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” (Nguyễn Du, Truyện Kiều).

Có thể nói rằng đức tin Kitô giáo thuộc về bậc thứ ba này, bởi lẽ cốt lõi của Đạo chúng ta là Tình Yêu, và mời gọi đạt tới sự Thánh Thiện.  Hay nói đúng hơn, những ai đã được rửa tội, là Kitô hữu đều được mời gọi sống cho Tình Yêu và sự Thánh Thiện này, ngay trong chính đời sống của mình.

Lời Chúa hôm nay cũng nói tới sự cao cả và lời mời gọi này:  Vua Salômon trong bài đọc I không xin Chúa cho được giàu có, sống lâu, nhưng ông chỉ xin cho tâm hồn khôn ngoan để lãnh đạo dân Chúa và phân biệt lành dữ.  Điều ông xin đẹp lòng Chúa và Chúa ban cho ông được khôn ngoan và có tất cả.

Dụ ngôn “kho báu giấu ở thửa ruộng” và “viên ngọc quí” diễn tả sự cao trọng, sự vô giá của Nước Trời, mà không có cái gì, không có vàng bạc hay tài năng nào sánh được. “Kho báu” và ‘viên ngọc quý” ở đây là chính Đức Giêsu Kitô, Ngài là đối tượng lớn nhất, là niềm vui, là hạnh phúc để chúng ta tìm kiếm và sở hữu.  Không có gì đẹp hơn, bởi được tìm biết Đức Kitô, có Ngài chúng ta có tất cả!  Nói như Thánh Phaolô hôm nay là: trong Người, chúng ta “những người theo dự định của Chúa, được kêu gọi nên thánh,” trở nên giống với hình ảnh Chúa Con, trở nên giống Đức Kitô.  Như thế, lời mời gọi nên thánh chính là trở nên giống Đức Kitô, sống theo Đức Kitô.

Khủng hoảng lớn nhất của con người hôm nay là khủng hoảng về các giá trị, các bậc sống bị đảo lộn. Tiền bạc lên ngôi, trở thành tiên, thành phật; sự thánh thiện và tình yêu trở thành một thứ secondhand, “hàng ế”!  Thiên Chúa bị loại ra khỏi đời sống.  Đức Giáo Hoàng Benedetto XVI nói rất chính xác rằng: “Trong lòng nhiều người sống trong xã hội chúng ta, bên cạnh sự thịnh vượng vật chất là sự lan rộng của sa mạc tâm linh, một sự trống rỗng nội tâm, nỗi sợ không tên, và một cảm thức lặng lẽ của tuyệt vọng” (Bài giảng ở Sydney 2008).  Nếu cuộc sống chúng ta vắng bóng Thiên Chúa, nếu Thiên Chúa không được tìm kiếm và quy chiếu như sự thiện tuyệt đối, như là mục đích tối hậu của đời người, thì chúng ta sẽ bị vong thân, cuộc sống đánh mất nền tảng căn bản.

Như hai người trong Tin Mừng tìm kiếm kho báu và viên ngọc quí, tất cả chúng ta đều được mời gọi tìm kiếm Thiên Chúa như là kho báu, là viên ngọc quí, là mục đích tối hậu trong cuộc đời mình.  Trong gia đình, chúng ta đừng đánh giá nhau chỉ dựa trên tiền bạc của cải.  Các bạn trẻ đừng bao giờ nghĩ rằng, tình dục là tất cả để tìm kiếm, để hưởng thụ.  Có một sự bận tâm cao hơn đó là “tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Trời”; có những giá trị còn lớn lao hơn, đó là hãy sống thánh thiện và tìm kiếm Thiên Chúa là chân thiện mỹ của đời ta.  Amen!

Lm Pietro Nguyễn Hương

http://vietcatholic.org

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

Cô Meriam Ibrahim người Sudan tiếp kiến Đức Thánh Cha

Cô Meriam Ibrahim người Sudan tiếp kiến Đức Thánh Cha

Chuacuuthe.com

VRNs (25.07.2014) – Sài Gòn- Cô Meriam Ibrahim, từng bị tuyên án tử hình vì cải đạo sang Công giáo, đã có buổi gặp gỡ Đức Thánh Cha vào thứ 5, 24.07.2014, tại nhà khách Santa Marta, Vatican. Cô đến đây cùng với chồng, anh Daniel Wani và hai con (Martin một tuổi rưỡi và Maya sinh trong tù cách đây hai tháng).

1

Thứ trưởng Bộ ngoại giao Ý, ông Lapo Pistelli đã hộ tống gia đình cô Marian. Trước đó, ông đã thương thuyết và sắp xếp chuyến bay và đi cùng cô tới Ý. Pistelli đã có buổi nói chuyện với phóng viên Susy Hodges sau buổi tiếp kiến Đức Thánh Cha về kết quả đạt được trong công vụ của mình.

Sau đây là nội dung bài phỏng vấn của  Susy Hodges với Thứ trưởng Bộ ngoại giao Ý, ông Lapo Pistelli:

Thứ trưởng phát biểu một cách vui vẻ và hài lòng về những mối bận tâm liên quan tới cô Meriam và chuyến đi của gia đình cô từ Sudan tới Ý để tiếp kiến Đức Thánh Cha. Pistelli cho biết trong buổi nói chuyện với Bộ Trưởng ngoại giao Sudan, ông được biết tin rằng chính quyền Khartoum đang xem xét “suy nghĩ lại” bộ luật hình sự và luật hiện hành về sự cải đạo có thể được “thay đổi hoặc xóa bỏ”.

Giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cha Federico Lombardi, cho biết cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và cô Merian cùng gia đình diễn ra trong bầu không khí “gần gũi và thân mật”. Đức Thánh Cha Phanxicô cám ơn cô Meriam vì “là chứng nhân can đảm trong việc giữ đức tin”.

Cha Lombardi cho biết cô Meriam cám ơn Đức Thánh Cha vì đã cầu nguyện cho cô và cô bật mí rằng những lời cầu nguyện đó đã nâng đỡ và khuyến khích cô rất nhiều.

Thủ tướng Ý, ông Matteo Renzi trước đó đã chào đón gia đình cô Merian tại sân bay Ciampino và gọi đó là “ngày để tán dương”.

Cô Meriam Ibrahim bị kết án tử hình với tội danh bỏ đạo, vì cha cô là người Hồi Giáo. Cô kết hôn với một người Công giáo. Lễ cưới được tổ chức tại một nhà thờ vào năm 2011. Cô được hứa hẹn nếu chấp nhận theo Hồi giáo sẽ được tự do. Tuy nhiên, cô tuyên bố trước tòa rằng cô sẽ không bao giờ chối bỏ đức tin Công giáo của mình. Án tử của cô được xóa bỏ vào tháng 6, nhưng sau đó cô bị chặn tại sân bay. Các viên chức Sudan nghi ngờ giấy tờ đi lại của cô và  không cho cô rời khỏi đất nước này.

Cha Lombardi nói rằng việc Đức Thánh Cha gặp gia đình Merian cho thấy “sự gần gũi, quan tâm và cầu nguyện” của Ngài đối với tất cả những ai đang phải chịu đau khổ vì đức tin và đặc biệt là những tín hữu bị bách bớ hoặc bị giới hạn quyền tự do tôn giáo.

Merian cùng gia đình sẽ định cư tại Mỹ.

Minh Trang

Xem thêm: Vietcatholic.net

Phụ nữ bị án chết treo ở Sudan đã đến Ý, gặp riêng với Đức Giáo Hoàng

Bạn sẽ làm gì khi tiểu sử bị xuyên tạc?

Bạn sẽ làm gì khi tiểu sử bị xuyên tạc?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2014-07-24

maclam07242014.mp3

ScreenPart_2012-06-19_20-305.jpg

Cuốn sách có tên “Hồ Chí Minh sinh bình khảo” tuy được giới thiệu là tài liệu lịch sử nhưng nhiều người đã chỉ ra nó được xuất bản với mục đích duy nhất là bẻ cong tiều sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Courtesy photo

Sau khi cuốn sách chữ Hán viết về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh có tên: “Hồ Chí Minh sinh bình khảo” của tác giả Hồ Tuấn Hùng được xuất bản và phát hành rộng rãi tại Đài Loan, vẫn không thấy một động tĩnh gì từ phía Việt Nam trước sự bóp méo và xuyên tạc tiểu sử của người được xem là khai sinh đảng cộng sản Việt Nam.

Mục đích bẻ cong tiều sử HCM?

Cuốn sách có tên “Hồ Chí Minh sinh bình khảo” tuy được giới thiệu là tài liệu lịch sử nhưng nhiều người đã chỉ ra nó được xuất bản với mục đích duy nhất là bẻ cong tiều sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ một người Việt Nam biến thành Hồ Tập Chương, một nhân vật điệp viên của tình báo Hoa Nam đội lốt Hồ Chủ tịch xuất hiện từ sau năm 1934 cho tới khi mất năm 1969. Trong suốt quảng thời gian dài đó cả nước không hề biết và ngay cả báo chí cũng như các cơ quan tình báo quốc tế cũng không hay. Câu hỏi đặt ra giá trị khả tín của cuốn sách này ra sao và tại sao chính phủ Việt Nam im lặng trong suốt hơn sáu năm kể từ khi quyển sách được xuất bản vào năm 2008 và được Bắc Kinh cổ vũ trở lại hồi gần đây.

Hồ Tập Chương được miêu tả trong sách là người Hẹ ở Đài Loan, có gương mặt hao hao với Hồ Chí Minh, nói tiếng Việt trôi chảy như người Việt và tất cả những ai tiếp xúc với nhân vật này đều không thể nghĩ rằng y đang đóng giả vai lãnh tụ Hồ Chí Minh, người được cả miền Bắc biết tới như trong gia đình qua vai trò “Cha già dân tộc”.

Cục tình báo Hoa Nam ngay sau khi quyền sách ấn hành đã nhận công vào mình như một chiến tích có một không hai của ngành tình báo thế giới.

Sách của nước ngoài mà Trung Quốc viết về ông Hồ là người Trung Quốc, người Hán là Hồ Tập Chương như thế thì đảng và nhà nước phải biết chứ, vấn đề là phải làm rõ ra.
-Ông Phạm Quế Dương

Tuy nhiên các nhà nghiên cứu nhanh chóng phát hiện ra nhiều lỗ hổng trong cái gọi là nghiên cứu của tác giả cũng như công lao của tình báo Hoa Nam. Thứ nhất, cuốn sách đưa ra dữ kiện sau khi Hồ Chí Minh thật chết vào năm 1932 lúc đó đã 42 tuổi Hồ Tập Chương được thay thế vào khi tuổi mới 32. Tuổi tác chênh nhau 10 năm không thể qua mặt 11 triệu người dân miền bắc cũng như cả Bộ Chính Trị Việt Nam trong đó quá nhiều người sống chung với ông từ những ngày đầu kháng chiến.

Hai nữa theo nhà văn Vũ Thư Hiên, người có cha là ông Vũ Đình Huỳnh từng nhiều năm là thư ký riêng của Hồ Chí Minh cho rằng, về khả năng ngôn ngữ, một người Hẹ sống tại Đài Loan như Hồ Tập Chương không thể nào học và thông thạo tiếng Việt để có thể nhập vai Hồ chủ tịch mà không ai phát hiện được. Nhà văn từng gặp Hồ Chí Minh trong buổi mừng thọ 60 tuổi tại thác Dẫng khi đã 17 tuổi. Vũ thư Hiên cho biết lúc ấy chủ tịch Hồ Chí Minh là một ông già 60 chứ không phải có khuôn mặt 49 tuổi như Hồ Tuấn Hùng diễn tả qua nhân vật Hồ Tập Chương.

Cuốn sách được gọi là nghiên cứu đó hoàn toàn có khả năng là một âm mưu của người viết lẫn những người giấu mặt phía sau, tuy nhiên vấn đề đặt ra không phải truy tìm nguyên nhân mà là thái độ của những người có trách nhiệm đối với uy tín của một lãnh tụ.

Bí ẩn sau nhân thân Chủ tịch HCM?

000_ARP2238192-250.jpg

Chủ tịch TQ Lưu Thiếu Kỳ (phải) tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bắc Kinh tháng 8 năm 1959. AFP PHOTO.

Sáu năm là một thời gian quá dài, chưa có một bài viết nào từ báo chí hay của các cơ quan tuyên giáo đặt vấn đề này ra trước công luận. Hai giả thiết được đưa ra trước sự im lặng này: Thứ nhất, đó là âm mưu xuyên tạc tiểu sử lãnh tụ vì vậy không đáng đặt ra việc nên hay không nên làm rõ. Thứ hai, còn quá nhiều bí ẩn phía sau nhân thân Chủ tịch Hồ Chí Minh nếu làm ra chuyện không khéo sẽ lấn sang một sự thật khác khó bào chữa hơn.

Lý do thứ nhất không đứng vững vì đây là vấn đề thể diện quốc gia có liên quan đến uy tín ông Hồ Chí Minh và từ đó dẫn đến các hệ lụy khác nếu tác giả Hồ Tuấn Hùng không bị mang ra đối chất.

Chính quyền Đài Bắc hoàn toàn có quyền bác bỏ việc xem ông Hồ Tuấn Hùng phạm tội xuyên tạc vì ông ta có quyền trưng dẫn những bằng chứng cho cuốn sách, mặc dù các bằng chứng ấy không thuyết phục theo tinh thần khoa học. Tuy nhiên, vì Hà Nội im lặng nên người đọc sẽ nghĩ rằng những tài liệu, chứng cứ, hình ảnh trong cuốn sách là chính xác và khả tín.

Thứ hai, nếu cho rằng không làm ra chuyện vì sợ những bí mật khác bị phanh phui. Đây là một luận cứ khó chấp nhận. Một tên trộm cần phải bị bắt vì hành vi của nó, không vì sợ nó khai đã nhìn thấy khổ chủ cũng là ăn trộm mà không bắt nó. Luật pháp nghiêm hay không qua cách làm này.

Ông Phạm Quế Dương, nguyên Đại tá Tổng biên tập Tạp chí Lịch sử Quân sự là người sớm lên tiếng yêu cầu đảng Cộng sản Việt Nam nhanh chóng đem vụ này ra ánh sáng, ông nói:

Tôi nghĩ là về đảng thì không dám lên tiếng nữa rồi bởi vì dù sao cái đảng này nó đã tồn tại dựa trên những sự dối trá.
-TS Nguyễn Thanh Giang

“Hồ Tuấn Hùng là anh em với Hồ Tập Chương trong đó viết là ông Nguyễn Ái Quốc mất năm 1932 đó là thứ nhất. Thứ hai nữa cũng có cuốn sách của tác giả Huỳnh Tâm, vốn là lính đang đánh nhau ở Việt Nam, cuối cùng thì viết sách viết báo, thu góp tài liệu tình báo Hoa Nam và tài liệu đều có ảnh hết. Chụp cả ảnh mẹ của Hồ Tập Chương. Ảnh của Hồ Tập Chương và em trai. Mình thấy như thế nên hơi thắc mắc bởi vì sách của nước ngoài mà Trung Quốc viết về ông Hồ là người Trung Quốc, người Hán là Hồ Tập Chương như thế thì đảng và nhà nước phải biết chứ, vấn đề là phải làm rõ ra chứ vì nó bịa đặt ra như thế thì phải kiện ra tòa quốc tế chứ?”

TS Nguyễn Thanh Giang, một người bất đồng chính kiến từ nhiều chục năm qua cũng băn khoăn về sự im lặng của Hà Nội, ông cho biết:

“Tôi nghĩ là về đảng thì không dám lên tiếng nữa rồi bởi vì dù sao cái đảng này nó đã tồn tại dựa trên những sự dối trá, bây giờ nó tiếp tục dối trá thì nó mới tồn tại được cho nên không trông mong gì họ dám lên tiếng cả. Trung Quốc thì nó có âm mưu muốn thổi phồng việc đó lên, nó quy kết tất cả vấn đề lịch sử của dân tộc của Việt Nam là của Trung Quốc. Đấy là những vấn đề đau lòng mà tôi không muốn nghĩ tới nữa.”

Đại tá Phạm Quế Dương kể lại mẩu chuyện mà ông từng biết trong thời đại Lê Duẩn về điều mà dư luận gọi là tai nạn được xếp đặt cho chủ tịch Hồ Chí Minh:

“Dư luận từ lâu rồi từ năm 1959 khi Lê Duẩn từ miền Nam ra ngoài miền Bắc này thì đã có nghi vấn ông Hồ là người Trung Quốc do đó muốn gây ra vụ tai nạn máy bay ở Gia Lâm định giết ông Hồ mà không giết được. Hồi đó báo chí cũng đăng ông Hồ suýt bị tai nạn máy bay và đồn Lê Duẩn là người gây ra vụ đó. Báo chí hồi đó khen phi công thông minh có tài năng tránh được cái chết cho ông Hồ khi đó.

Các cụ có nói thời gian là tòa án của lịch sự do đó vấn đề này là vấn đề thời gian. Thời gian sớm muộn gì cũng sẽ làm sáng tỏ.”

Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang có cái nhìn về thân thế của ông Hồ Chí Minh với câu hỏi đặt ra về công trạng lẫn sai lầm của người có quá nhiều bí ẩn này, trong đó có nhân vật Tăng Tuyết Minh như trong tác phẩm “Hồ Chí Minh sinh bình khảo” mà Hồ Tuấn Hùng nhắc tới:

Cái mà tôi quan tâm nhất về ông Hồ Chí Minh đúng là tôi cũng thấy rằng ổng cũng có những mối trăn trở đối với dân tộc với đất nước thật. Tôi cũng thấy những điều ông ấy làm đối với cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm tất cả những điều đó thì ông ấy phải chịu trách nhiệm, nhất là ông ấy có sự giả dối coi ổng như là ông thánh, vì đất nước vì dân tộc mà không nghĩ đến chuyện vợ con mà thật ra bây giờ có đến 99.9% người ta tin rằng ổng đã từng ngủ với Nông Thị Xuân để có con rồi để cho Nông Thị Xuân bị giết chết. Rồi đám cưới của ông ấy đối với Tăng Tuyết Minh ở Trung Quốc có cả quan chức Trung Quốc dự. Tất cả những cái đó cho thấy tài ba của ổng kiểu nào không biết, dù sao cũng đã đánh lừa dân tộc vào một thứ chủ nghĩa để rồi ông lãnh đạo cách mạng đánh thắng cả Pháp cả Mỹ thì ông có tài. Nhưng về cái đức của ổng thì ai cũng biết con quỷ trong con người của ông ấy.”

Vấn đề Hồ Tập Chương bao lâu chưa được giải mã thì dư luận vẫn còn rất nhiều câu hỏi về tiểu sử thật sự của ông Hồ Chí Minh. Nếu Đảng muốn ông sống mãi với người dân thì nên chấm dứt sự im lặng, bằng không hình ảnh của bác sẽ khó vẹn toàn trong lòng quần chúng đối với người mà họ từng tin tưởng.

 

HRW kêu gọi Australia thúc ép Việt Nam cải thiện nhân quyền

HRW kêu gọi Australia thúc ép Việt Nam cải thiện nhân quyền

VOA

Phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của tổ chức Human Rights Watch Phil Robertson

Phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của tổ chức Human Rights Watch Phil Robertson

25.07.2014

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế Human Rights Watch kêu gọi Australia thúc đẩy Việt Nam chứng tỏ cải thiện nhân quyền nhân cuộc đối thoại song phương sắp diễn ra tại Hà Nội vào ngày 28/7/14.

Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia nói cuộc đối thoại nhân quyền lần thứ 11 với Việt Nam là cơ chế quan trọng giúp chuyển tải tới Hà Nội các quan ngại về nhân quyền một cách hệ thống và thường xuyên, đồng thời cũng là phương tiện để trao đổi thẳng thắn về những vấn đề nhạy cảm.

Human Rights Watch ngày 25/7 nói Australia cần vận dụng cơ hội này để thúc ép Việt Nam phải thực hiện các bước cải thiện cụ thể, đáp ứng nghĩa vụ quốc tế về tôn trọng nhân quyền.

Bấm vào để nghe bài tường trình

Trong cuộc trao đổi với VOA Việt ngữ, phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á trong Human Rights Watch nói các lĩnh vực chính cần tập trung lưu ý bao gồm quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, và tự do lập hội.

Ông Phil Robertson cho biết thêm:

“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Australia, nhân cuộc đối thoại nhân quyền ở Hà Nội lần này, yêu cầu Việt Nam phải cải thiện 3 vấn đề chính. Thứ nhất là vấn đề giam giữ tù nhân lương tâm. Thứ hai là tình trạng đàn áp quyền tự do tôn giáo. Thứ ba là nạn cưỡng bức lao động trong các trung tâm cai nghiện ma túy. Theo thống kê của chúng tôi, hiện có khoảng trên dưới 200 nhà hoạt động và bloggers đang chịu những án tù dài hạn tại Việt Nam chỉ vì thực thi các quyền căn bản của con người và càng ngày càng có thêm các vụ bắt giữ và đem ra xử án. Đây rõ ràng là một vấn đề tiếp diễn và Australia cần phải mạnh mẽ thúc ép Việt Nam phải thay đổi.”

Vẫn theo lời ông Robertson, Human Rights Watch cũng đặc biệt quan ngại về các trường hợp bắt bớ, giam cầm các tín đồ tôn giáo mà nhiều người trong số này đang bị suy kiệt sức khỏe trầm trọng trong các trại giam.

Ngoài ra, Phó giám đốc theo dõi nhân quyền khu vực Châu Á của Human Rights Watch nói các trung tâm cai nghiện ma túy tại Việt Nam không những giam người không qua xét xử mà còn cưỡng ép lao động, tra tấn, ngược đãi họ và Việt Nam cần phải chấm dứt ngay các vi phạm này.

Ông Robertson cho hay những khuyến nghị vừa nêu Human Rights Watch đã trình bày cặn kẽ trong phúc trình 7 trang gửi tới Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia trước khi Canberra ngồi vào bàn đối thoại nhân quyền với Hà Nội vào đầu tuần sau.

Tổ chức bảo vệ nhân quyền này cảnh báo nếu Australia nói riêng và quốc tế nói chung ‘dễ dãi’ với Việt Nam trong các cuộc đối thoại nhân quyền thì khó trông thấy những thay đổi đáng kể đối với ‘thói quen đàn áp’ của Việt Nam.

Human Rights Watch nhấn mạnh việc Hà Nội bác các khuyến nghị quan trọng trong phiên Kiểm điểm nhân quyền Định kỳ Phổ quát UPR mấy tháng trước tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc chưa cho thấy Việt Nam có thiện chí cải thiện thành tích nhân quyền của mình.

Human Rights Watch kêu gọi các nước đối thoại nhân quyền với Việt Nam công bố công khai nội dung trao đổi, hiệu quả đối thoại và phản hồi nhận được từ Hà Nội sau các cuộc gặp này để tăng thêm áp lực cần thiết buộc Việt Nam phải cải thiện theo các chuẩn mực quốc tế về tôn trọng quyền con người.

Tại phiên điều trần UPR ở Geneva hồi tháng 2, Hà Nội tuyên bố nhân quyền luôn được tôn trọng và thực thi nghiêm túc tại Việt Nam.

Các chỉ trích nói Việt Nam vi phạm nhân quyền trước nay thường được Hà Nội mô tả là những cáo buộc ‘không có cơ sở’, ‘thiếu khách quan’ của những thế lực ‘thù địch’ ‘thiếu thiện chí’ với Việt Nam.

Xem thêm: Đài RFI

HRW: Úc cần thúc Việt Nam tôn trọng nhân quyền (RFI)

Human Rights Watch (HRW).

Đóng cửa trường dạy trẻ tự kỷ bằng gậy gộc

Đóng cửa trường dạy trẻ tự kỷ bằng gậy gộc
July 24, 2014

Nguoi-viet.com
SÀI GÒN (NV)Ngành giáo dục Sài Gòn lại thêm tai tiếng vì vụ người nuôi dạy trẻ tự kỷ bằng gậy gộc, vừa được tung lên các phương tiện truyền thông ở Việt Nam.

Theo báo Thanh Niên, ngôi trường này được gọi là “Trường tiểu học chuyên biệt Anh Vương,” tọa lạc tại phường 15, quận Tân Bình, Sài Gòn. Trường hiện có khoảng 30 trẻ thuộc nhiều lứa tuổi, bị mắc bệnh tự kỷ được cha mẹ gửi đến để được săn sóc về vật chất lẫn tinh thần, cho ăn uống và dạy học.


Ðánh đập, hành hạ trẻ tự kỷ của cô giáo trường tiểu học Anh Vương. (Hình: báo Thanh Niên)

Ðội ngũ nhân viên của trường khoảng 5 người, lớn tuổi nhất là bà Lê Thị Thúy Vân, 56 tuổi, quê ở Vĩnh Long. Người trẻ nhất trong nhóm là Ðỗ Thị Trúc, 21 tuổi, sinh viên một trường đại học sư phạm, quê ở Bình Ðịnh…

Một đoạn clip quay lén của báo Thanh Niên cho thấy, riêng trong một tuần lễ, từ ngày 7 đến ngày 13 tháng 7, 2014, các cô giáo, nhân viên của trường Anh Vương thường xuyên đánh đập các em. Các em bị hành hạ nhiều lần nhất là Trần Minh Sang, 8 tuổi; Nguyễn Phi Bằng, 8 tuổi; Danh Phương, 5 tuổi, và Trần An Tường, 18 tuổi. Các em bị đánh bằng roi vọt, có em trai bị bẹo bộ phận sinh dục nhiều lần…

Xem đoạn clip trên, người ta còn thấy có cô cũng vật học trò tự kỷ của mình xuống nền gạch, đấm đá tới tấp. Nguyên nhân khiến các em bị đòn, chỉ vì đòi về nhà, hái cây lá trong vườn, đi uống nước trong lúc ăn, bật tivi hoặc mặc lộn áo của bạn…

Báo Thanh Niên dẫn lời ông Nguyễn Hữu Thế Trạch của Ðoàn Luật Sư Sài Gòn cho rằng, tệ hành hạ trẻ em ở đây trầm trọng không kém vụ xảy ra tại trường mẫu giáo Phương Anh ở quận Thủ Ðức mới đây. Ðiều đáng nói, học sinh của trường Anh Vương là học sinh bị bệnh tự kỷ, không nhận thức đầy đủ hành vi của mình, không thể bị hành hạ bằng hành vi bạo lực.

Báo Thanh Niên cho biết thêm, bảng hiệu của trường tiểu học Anh Vương đã bị gỡ bỏ từ sáng ngày 22 tháng 7. Sáng ngày 23 tháng 7, đoàn cán bộ của Phòng Giáo Dục quận Tân Bình cũng đã đến xem xét tình hình tại trường Anh Vương. Công an quận Tân Bình cũng cho hay đã mời ba giáo viên trường Anh Vương đến trụ sở để thẩm vấn.

Kết luận cuối cùng về việc liệu có vi phạm hình sự tại trường Anh Vương hay không, sẽ được công an địa phương thông báo trong vài ngày tới. (PL)

 

‘Không ai sống sót’ vụ máy bay Algerie

‘Không ai sống sót’ vụ máy bay Algerie

Thứ sáu, 25 tháng 7, 2014

Toàn bộ số hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay AH5017 của hàng không Algerie đã thiệt mạng, theo lời của Tổng thống Pháp Francois Hollande.

Ông Hollande nói đã thu được hộp đen của máy bay sau khi lính Pháp tìm kiếm ở vùng xảy ra tai nạn ở Mali.

Máy bay do hãng hàng không Air Algerie vận hành bị rớt cách biên giới Burkina Faso chừng 50km, theo quân đội nước này.

Kiểm soát không lưu mất liên lạc với chiếc máy bay vào sáng thứ Năm giờ địa phương sau khi phi công cho hay đang gặp bão lớn.

Trong số các hành khách có 51 công dân Pháp.

Chiếc máy bay McDonnell Douglas MD-83 – chuyến bay số hiệu AH 5017 – được thuê từ hãng hàng không Swiftair của Tây Ban Nha.

Truyền hình nhà nước Mali xác nhận rằng xác chiếc máy bay được trực thăng của Burkina Faso tìm thấy tại làng Boulikessi.

Gilbert Diendere, một viên tướng của Burkina Faso, nói Mali đã đồng ý tổ chức tìm kiếm xuyên biên giới sau khi một người dân ở Gossi cho biết đã nhìn thấy máy bay rơi xuống phía tây nam thị trấn này.

Ông nói với hãng AP: “Họ đã tìm thấy xác người và mảnh vỡ của chiếc máy bay bị cháy và rơi tung tóe”.

Mất liên lạc

Chiến đấu cơ của Pháp và trực thăng của Liên Hiệp Quốc đã tìm kiếm máy bay tại khu vực sa mạc xa xôi thuộc miền bắc Mali giữa Gao và Tessalit.

Liên lạc với chuyến bay AH 5017 bị mất khoảng 50 phút sau khi cất cánh từ Ouagadougou vào sáng thứ Năm, theo hàng không Air Algerie.

Phi công đã liên lạc với đài kiểm soát không lưu của Niger tại Niamey lúc khoảng 01:30 GMT (08:30 sáng giờ Hà Nội) để yêu cầu chuyển hướng vì bão cát.

Quan chức Burkina Faso nói rằng trong danh sách hành khách có 27 công dân Burkina Faso, 51 công dân Pháp, tám người Lebanon, sáu người Algeria, hai người Luxembourg, năm người Canadia, bốn công dân Đức, một công dân Cameroon, một người Bỉ, một người Ai Cập, một người Ukraine, một người Thụy Sỹ, một người Nigeriavà một công dân Mali.

Phi hành đoàn sáu người đều là người Tây Ban Nha.

Chuyến bay AH 5017 bay chặng Ouagadougou-Algiers bốn lần một tuần, theo thông tấn xã AFP.

Phóng viên BBC tại Tây Phi Thomas Fessy nói chặng bay này có nhiều hành khách Pháp sử dụng.

Nhiều chủ Facebook Việt ‘mất tài khoản’

Nhiều chủ Facebook Việt ‘mất tài khoản’

Thứ sáu, 25 tháng 7, 2014

Luật sư Lê Công Định là nạn nhân mới nhất của đợt báo cáo sai lên Facebook

Hàng chục trang Facebook cá nhân của những nhà hoạt động và cây viết có tiếng đã bị tạm thời khóa lại trong gần hai tuần qua.

Một số người dùng Facebook nói lý do của tình trạng này là sự lạm dụng chức năng báo vi phạm lên Facebook.

Nhà báo Huy Đức nói có người đã báo với Facebook rằng chủ tài khoản Osin Huy Đức, vốn có 40.000 người đăng ký nhận tin, chưa tới 13 tuổi.

Nạn nhân mới nhất là luật sư Lê Công Định người viết hôm 24/7 trên trang Facebook được lập ra trước đây của ông nhưng nay lấy tên là ‘LS Lê Công Định’:

“Nếu trang này bị report nữa, tôi sẽ tiếp tục nhẫn nại tạo ngay những trang mới mà không oán trách hoặc lên án ai, bởi lẽ quyền tự do tư tưởng phải được bảo vệ một cách kiên trì bằng thái độ ôn hòa.

“Mọi mưu toan tước đoạt quyền tự do của con người chắc chắn sẽ thất bại. Đó là niềm tin bất diệt của tôi.”

Các cá nhân và tổ chức khác nhau nói họ đã liên hệ trực tiếp với các bộ phận khác nhau của Facebook ở Hoa Kỳ để phục hồi lại hoạt động của các tài khoản bị báo cáo sai.

Đảng Việt Tân cho biết hôm 25/7 rằng họ đã gửi danh sách khoảng 30 tài khoản bị ảnh hưởng tới Facebook và các tài khoản này nay đã hoạt động trở lại.

Facebook báo lỗi khi truy cập vào các tài khoản bị ‘tấn công’

Trong số những người bị ảnh hưởng ngoài nhà báo Huy Đức và luật sư Lê Công Định còn có các cây viết Đoan Trang, Người Buôn Gió, Mẹ Nấm, Nguyễn Tường Thụy và Nguyễn Lân Thắng.

Hai trang Osin Huy Đức và Mẹ Nấm nay hoạt động trở lại với tên thật Bấm Trương Huy SanBấm Nguyễn Như Quỳnh.

Đại diện của Facebook ở London nói với BBC Tiếng Việt chính sách từ trước tới nay của họ là các trang cá nhân phải dùng tên thật.

Họ cũng nói chính sách báo lỗi hay sai phạm của Facebook là để bảo vệ cộng đồng hơn một tỷ người dùng nhưng họ cũng biết chính sách này bị lạm dụng tại một số nơi.

Facebook nói khi một tài khoản bị tố cáo, Facebook sẽ đưa tài khoản này vào ‘checkpoint’, tạm dịch là ‘khu cách ly’.

Tài khoản không bị xóa mà bị ngưng hoạt động trong khi chờ chủ tài khoản cung cấp các tài liệu cần thiết để chứng minh họ không vi phạm, chẳng hạn các giấy tờ xác định rằng mình đã trên 13 tuổi như trong trường hợp của nhà báo Huy Đức.

Họ nói hầu hết các tài khoản là đối tượng của việc báo cáo được giải quyết trong vòng ba ngày nhưng cũng có người sử dụng từ Việt Nam nói họ phải chờ đợi lâu hơn thế.

BBC cũng đang đợi câu trả lời từ Facebook về chuyện ai đứng đằng sau các vụ báo cáo hàng loạt các tài khoản vừa qua và liệu những chủ tài khoản ở Việt Nam có thể đề nghị để Facebook chứng thực tài khoản cho họ.

Những tài khoản được chứng thực sẽ có một dấu xanh hình chữ V nhỏ như trên tài khoản của danh hài Bấm Xuân Hinh hoặc của người nổi tiếng Bấm Lê Thị Huyền Anh.

Ống Ðiện Thoại Sống

Ống Ðiện Thoại Sống

Xã hội càng văn minh, kỹ thuật càng tân tiến, thì người già càng bị ngược đãi trong nhiều nước trên thế giới hiện nay.

Tại Roma chẳng hạn, trước năm 1968 với khoảng 3 triệu dân cư, người ta ước tính có đến trên sáu trăm ngàn người già.  Chỉ có một số nhỏ được săn sóc đàng hoàng, đa phần phải trải qua một trong những thử thách lớn nhất của tuổi già là cô đơn và nhiều sự ngược đãi khác.

Từ đó phát sinh ra Cộng đồng Thánh Egidio, gồm một số thanh niên trung-học ở Rôma.  Người chủ xướng là Andrea Riccardi.  Họ đã dấn thân một cách đặc biệt trong việc bảo vệ quyền lợi của người già.  Về sau thêm các việc giúp đỡ người mắc bệnh AIDS, và những người vô gia cư.  Họ có in một quyển sách nhỏ tựa đề “Where to Eat, Sleep, Wash in Rome”.  Chủ tịch cộng đồng thánh Egidio hiện nay là Marco Impagliazzo.

Điểm đặc biệt là cộng đồng này đã đưa ra một sáng kiến gọi là “Cú điện thoại chống lại bạo động và bênh vực quyền lợi của người già”.  Với sáng kiến này, cộng đồng đã thiết lập một đường dây điện thoại đặc biệt nhằm giúp cho những người già đang sống một mình hoặc bà con thân thuộc của họ có thể liên lạc để xin trợ giúp trong bất cứ nhu cầu nào.

Túc trực điện thoại trên đường dây này là 60 nhân viên, tất cả đều đã từng có kinh nghiệm trong nhiều ngành khác nhau như luật pháp, cán sự xã hội, y tá, nói chung trong mọi lĩnh vực có liên quan đến các vấn đề của người già.

Qua sáng kiến trợ giúp trên đây, nhiều người già cả đã ý thức hơn về quyền lợi của họ cũng như tìm được nhiều an ủi đỡ nâng qua chính những người chỉ túc trực ở điện thoại để lắng nghe.

Một tác giả đã viết về sự cô đơn như sau:

“Cô đơn là cho đi mà không có người nhận, muốn nhận mà chẳng có ai cho.

Cô đơn là chờ đợi, mà cái mình chờ chẳng bao giờ đến.  Như hai bờ sông nhìn nhau mà vẫn nghìn trùng cách xa bởi dòng sông.

Cô đơn là gần nhau mà vẫn cách biệt.  Không phải cách biệt của không gian mà là cách biệt của cõi lòng.

Bởi đó, vợ cô đơn bên chồng, con cái cô đơn bên cha mẹ.  Càng gần nhau mà vẫn cách biệt thì nỗi cô đơn càng cay nghiệt mà vẫn phải gần nhau thì lại càng cô đơn hơn.

Tôi cô đơn khi tôi bị vây bọc bởi những con sông thờ ơ, những mây mù ảm đạm.  Tôi có thể cô đơn vì tôi không đến với những người khác…”.

Những dòng trên đây như muốn nói lên một sự thật :  ai trong chúng ta cũng đều có thể rơi vào cô đơn.  Trong bất cứ tuổi tác nào, trong bất cứ địa vị nào trong xã hội, ai cũng có thể làm mồi cho cô đơn.

Liều thuốc để ra khỏi sự cô đơn, chính là ra khỏi chính mình để làm cho người khác bớt cô đơn.

Xã hội sẽ được ấm tình người hơn nếu mỗi người biết ra khỏi cái vỏ ích kỷ hẹp hòi của mình để đến với người khác, để trở thành một đường dây điện thoại sống cho người khác.

Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài

NƯỚC MỸ SỐ MỘT VÌ “TOILET”?

NƯỚC M S MT VÌ “TOILET”?

Tác giả: Phượng Vũ

http://www.gocnhinalan.com/wp-content/uploads/2013/09/toilet.jpeg

Lợi tức đầu người (GDP) dân Na Uy đứng hạng 3 trên thế giới : 65,500 USD 1 năm, Mỹ hạng 7 = 50,000usd,  nhưng vật giá ở Na Uy cao hơn Mỹ gần 3 lần, xăng giá 11usd /1 gallon, sale tax 25%, nhà hàng không cho free nước đá lạnh như Mỹ, khát phải mua 1 chai nước nhỏ giá 24 Krone = 4USD, suy ra nếu so sánh GDP Mỹ với vật giá Âu Châu thì GDP Mỹ phải cao hơn 150,000 USD !

Ngay giữa thành phố Oslo là công viên tên Vigelandsparken Sculpture Park có những bức tượng điêu khắc mỹ thuật, rộng 80 mẫu, hàng triệu du khách đến mỗi năm..nhưng chỉ có 1

nhà vệ sinh bên cạnh quán nước ngoài cổng, phải nhét đồng 10 Krones (1.75USD) để sử dụng, nhìn đoàn người xếp hàng rồng rắn bên ngoài chờ là.. nhịn luôn !

Nước Mỹ số một…

Các công viên, các khu “rest area” dọc các xa lộ, thậm chí ở những buổi meeting, hội chợ… cũng có những cầu tiêu tạm cho mọi người dùng khi cần đến và chẳng bao giờ phải tốn một xu nào.

“Đi cho biết đó biết đây
Ở hoài một chỗ, biết ngày nào “khôn”

Ông bà ta từ ngàn xưa đã có cái “nhìn xa trông rộng” thấy được nhu cầu phát triển sự hiểu biết, sự “khôn” lên qua việc đi đó đây. Vì thế ngày nay du lịch là ngành “kỹ nghệ không khói” nhưng đem lại lợi nhuận lớn cho rất nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra nhờ đi đó đây, ta mới có dịp mở rộng tầm nhìn, có dịp so sánh để “biết mình, biết người”.
Ở Mỹ lâu năm, quen hưởng những tiện nghi đời sống căn bản của mọi người trong xã hội ( kể cả người nghèo), riết trở thành quen, thấy bình thường và xem đó là lẽ đương nhiên. Ví dụ như nhu cầu vệ sinh: ở Mỹ cầu tiêu công cộng có ở khắp nơi, giấy vệ sinh, giấy lau tay xài thoải mái, vòi nước uống cũng được thiết kế khắp nơi. Các công viên, các khu “rest area” dọc các xa lộ, thậm chí ở những buổi meeting, hội chợ… cũng có những cầu tiêu tạm cho mọi người dùng khi cần đến và chẳng bao giờ phải tốn một xu nào.
Nhưng khi du lịch ra nước ngoài khac mới “thấm thía”! Cái gì cũng phải trả tiền, kể cả nhu cầu vệ sinh (giá từ 1$ – 1.5$/1 lần, tùy nơi, tùy nước). Không phải chỉ tốn tiền mà còn “gian nan” khi hữu sự, để tìm cho ra “nơi cần đến”, ngay cả ở những thủ đô văn minh lẫy lừng lâu đời của thế giới!

Tôi nhớ có một lần khi thăm thủ đô Paris, một người trong đoàn cần toilet, bác tài chạy xuôi, chạy ngược, vòng vòng mãi mà vẫn không tìm ra! Cuối cùng một sáng kiến được nêu ra: tới một nhà hàng nào đó vô mua bất kỳ món gì đó để được đi toilet! Đó là nỗi khổ tâm lớn của các vị cao niên khi đi du lịch châu Âu, các vị phải nhắc nhau nhịn uống nước (điều này lại rất hại cho sức khỏe) để khỏi “khốn đốn” khi hữu sự!

Tôi nhớ một lần ở Rome, hướng dẫn viên dẫn một bà đi mãi qua đường này, tới ngõ nọ mà vẫn không tìm ra “nơi phải đến”, “bí” quá bèn hỏi:
– Bà có chịu tốn 10 Euro để vô restaurant kia mua thứ gì đó để được đi WC không?
– Nín hết nổi rồi, bây giờ không phải 10 Euro mà 20 Euro tôi cũng chịu luôn!
Có những WC có người ngồi thâu tiền còn đỡ, có những nơi, họ thiết kế sẵn phải bỏ đúng số tiền (cắc) quy định thì cổng mới mở cho vô. Khi đi du lịch đâu phải ai cũng có sẵn tiền cắc (Euro) trong túi, có một bà “mắc” quá nhưng không đổi được tiền cắc, nên phải mượn tứ tung trong đoàn, mỗi người thương tình móc hầu bao bỏ vô máy một ít, máy nuốt hết nhưng còn thiếu mấy xu, chưa đủ tiền, máy không mở cổng! Thật khốn đốn với máy móc vô tình!

Ở một số nước châu Á như Trung quốc, khách du lịch phải luôn thủ sẵn giấy vệ sinh trong bóp, vì trong toilet không có giấy vệ sinh. Tôi cứ bị ấn tượng mãi về một lần thăm Bắc Kinh (cách đây hơn 10 năm), đoàn du khách được một dàn các cô gái trẻ đẹp mặc xường xám đón chào tưng bừng ngay từ lối vào nhà hàng. Nhà hàng thiết kế rực rỡ sang trọng, đèn đuốc sáng choang như… cung đình. Sau bữa ăn khi cần đi WC, tôi ngạc nhiên khi bước vào thấy có một bàn trải khăn trắng bóc, trên bàn có một bình hoa tươi thật to, đẹp, và một cô gái xinh đẹp rực rỡ mặc xường xám ngồi đó chỉ để làm nhiệm vụ phát cho mỗi khách 1- 2 miếng giấy vệ sinh nhỏ.

Ôi “cung đình” mà không có giấy vệ sinh! Đúng là XHCN, hình thức trình diễn thì xôm tụ, nhưng nhu cầu căn bản thì không được đáp ứng. Trong đời sống có những nhu cầu xem ra có vẻ nhỏ nhặt, tầm thường, nhưng khi cần đến mà không có thì nó trở thành một trở ngại lớn, khiến người ta “điêu đứng” vì nó.

Nghe kể có một đoàn du khách nước ngoài viếng các lăng tẩm của triều đình Huế, đi từ lăng này đến lăng kia, cảnh đẹp hùng vĩ bao la…, bỗng một du khách cần đi WC, hướng dẫn viên tìm hoài không ra, bèn chỉ khách vào bụi cây xài đỡ,khách cương quyết không chịu! Vậy là cả đoàn phải ngưng tham quan, ra xe trở về khách sạn.
Phi trường ở Mỹ, ghế ngồi chờ đợi cho hành khách là ghế nệm dày và lúc nào cũng dư thừa, thậm chí lúc ít khách có thể nằm ngủ thoải mái. Toilet và vòi nước uống có khắp nơi, bây giờ lại có thêm những chỗ cho hành khách charge pin điện thoại, laptop, I pad, I phone…

Nhưng khi tới phi trường Paris (CDG) những nhu cầu căn bản đó hình như biến mất. Thực ra trước đây tôi đã đến phi trường Paris nhiều lần, nhưng đều đi ra ngay luôn. Lần này chuyến bay chuyển ở Paris trước khi tới Berlin nên tôi mới có cơ hội thâm nhập CDG. Trước hết khi máy bay đáp xuống CDG, tôi ngạc nhiên khi thấy phải đi cầu thang sắt xuống, với va li carry-on, nếu kéo đi thì nhẹ nhàng, nhưng phải xách nó lên và leo mấy chục bậc thang xuống thì không dễ chút nào! Sau đó, leo lên xe buýt chở vô phi trường.

Vô đây tôi lại tiếp tục chạy vòng vòng, mệt “bở hơi tai” vì phải xách carry-on lên xuống cầu thang nhiều lần đi từ khu này qua khu khác, phải qua khu x-ray (khám bằng tay là chính) rồi mới tới được cổng đổi chuyến bay! Khu nhà kiếng tương đối nhỏ nhưng có tới 12 cổng, mỗi cổng chỉ vỏn vẹn có một quầy nhỏ và một computer. Có một số băng ghế sắt trong khu vực cho hành khách ngồi đợi nhưng quá ít so với nhu cầu, nên hành khách ngồi la liệt dưới đất, khắp lối đi. Một số ông thì ngồi vắt vẻo trên các lan can, bờ tường. Tôi vừa mỏi chân, vừa mệt vừa khát nước, nhưng nhìn quanh cả khu vực không thấy có vòi nước uống nào, cả WC cũng không có, chỉ thấy toàn người là người
Khi lên được máy bay Air France, ngồi yên chỗ quan sát, tôi có cảm tưởng nó là “xe đò bay” thì đúng hơn (khi so sánh với máy bay Mỹ mà tôi vừa đi) vì ghế ngồi và thiết bị cũ kỹ như từ thế kỷ trước. Lúc máy bay cất cánh tôi nghe nó gầm gừ “phành phành” rồi “ạch ạch” như đang cố sức nâng cái thân già nua bốc lên khỏi mặt đất, tôi chỉ lo nó rớt (may là tôi có mua bảo hiểm rồi nên đỡ lo). Cuối cùng sau một hồi “lắc lư con tàu” nó cũng bay lên được. Yên tâm rồi, tôi mệt mỏi ngủ thiếp đi (vì chẳng có phương tiện giải trí nào: nhạc, tivi…).
Cơn khát nước làm tôi chợt tỉnh, thấy chung quanh ai cũng có ly nước, tôi bèn yêu cầu một nam tiếp viên cho xin ly nước, nhưng hắn trố mắt ra ngó tôi như tôi đang đòi hỏi một điều gì quá đáng, rồi hắn phớt lờ (đúng là tính “ga lăng” của đàn ông Pháp đã trở thành quá khứ). Có lẽ họ cho rằng họ chỉ phát nước theo giờ của họ, hết giờ là hết phát? Sau khi yêu cầu 2 lần không được, khát quá tôi đợi lúc bà tiếp viên trưởng đi ngang để lập lại yêu cầu, bà bảo tôi đợi một lát và mang đến cho tôi một ly nước nhỏ. Hình như nước trở thành hiếm quý và cách phục vụ lịch sự cũng hiếm quý luôn!

Ôi Air France! một thuở mơ ước khi tôi còn học trung học ở Saigon, lúc nhìn những hình ảnh quảng cáo của Air France trên các tạp chí nước ngoài! Ôi mộng và thực đúng là “nghìn trùng xa cách”! Xin tạm biệt Air France và phi trường Paris (kinh đô ánh sáng một thời) mà không mong ngày gặp lại! Có lẽ từ đây nếu có du lịch châu Âu, tôi phải lo học thuộc lòng câu của William Shakespear: “I always feel happy, you know why? Because I don’t expect anything from anyone.”
Tới phi trường Berlin (TXL) lại cũng phải đi cầu thang sắt xuống, rồi đi xe bus vô phi trường, xem ra phi trường này còn nhỏ và thiếu tiện nghi hơn phi trường Paris, tôi lại tiếp tục xách carry-on mệt nghỉ, chứ không kéo đi nhẹ nhàng như ở các phi trường Mỹ. May mà hai nước Pháp và Đức là hai nước lớn lại có nền kinh tế vững mạnh trong khối châu Âu!
Đúng là có đi ra ngoài mới thấy tien nghi o nước Mỹ là số một, đó là chưa kể đến vụ so sánh giá cả hàng hóa ở Mỹ và châu Âu, hàng hóa ở Mỹ vừa nhiều vừa rẻ. Sau này về đến phi trường LAX tôi thấy thật nhẹ nhàng, thoải mái, tất cả đều được chuẩn bị phục vụ chu đáo nhanh gọn, lịch sự.

Đúng là “sweet home” Ôi! “My beautiful America”. Bây giờ tôi mới cảm thấy thực sự yêu mến và tự hào về quê hương thứ 2 của tôi : Nước Mỹ yêu dấu! Quả là:
“Phải chờ đến xế chiều
Ta mới thấy ánh sáng ban ngày rạng rỡ biết bao!”

Nói đến niềm tự hào về nước Mỹ, tôi lại nhớ đến sự việc trên chuyến Cruise Coastal cua Duc vừa đi. Ngày thứ hai lên tàu thì toilet trong phòng bị nghẹt, tôi gọi điện cho họ sửa mấy lần mà tình trạng vẫn không thay đổi, tôi phải xuống chỗ “Customer Service” để xếp hàng đi khiếu nại.

Thật ngạc nhiên khi họ “tỉnh bơ” cho biết không phải chỉ riêng phòng tôi mà các phòng ở tầng 2,5,8 đều bị như vậy, họ đang sửa, khi nào xong họ sẽ thông báo. Tôi bèn hỏi:
– Trong khi chờ sửa, thì khách giải quyết vụ toilet ra sao?
– Đi kiếm mấy cái toilet công cộng mà xài
– Nhưng chúng ở đâu?
Sau một hồi thắc mắc tới lui, họ mới chịu lục sơ đồ ra để tìm và cho biết một cái ở lầu 9, một cái khác ở lầu 4. Nghĩa là khi hữu sự phải “ôm bụng” chạy vòng vòng mấy tầng lầu để đi tìm cái toilet công cộng và xếp hàng chờ tới phiên. Chắc là dân châu Âu quen kiểu này rồi nên không thấy phiền?
Trở về phòng, tôi bực bội kể lại cho chị bạn cùng phòng nghe, chị là bác sĩ hưu trí ở Đức. Sáng nay chị đã là nạn nhân “ôm bụng” chạy vòng vòng, may mà tình cờ tôi nhớ ra cái toilet công cộng ở lầu 9 cạnh bên nhà hàng, nên chỉ cho chị. Do đó tôi tưởng chị là “đồng minh” bèn nói:
-Hệ thống phục vụ trên tàu quá tệ! Đã vậy xem ra họ còn thản nhiên cho đó là chuyện nhỏ, không hề có một lời xin lỗi khách hàng. Ở Mỹ thì họ đã xin lỗi ríu rít rồi…
Không ngờ chị phản ứng mạnh:
– Mệt quá, Mỹ cái gì cũng tốt, cũng ngon lành hết! Dân Mỹ được nuông chiều quá hóa hư! Bởi vậy trên thế giới, Mỹ đi đâu cũng bị chúng ghét, bị khủng bố cho chết hết là đúng rồi! Lúc nào cũng đòi hỏi thứ này, thứ kia , còn đòi xin lỗi…“nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột”…
Chị mắng cho một hồi “tràng giang đại hải” mà vẫn chưa hả cơn giận. Tôi ngơ ngác vì bỗng dưng mình bị “giũa” một trận te tua chỉ vì là “dân Mỹ” mà nào tôi có đòi hỏi điều gì cao cấp đâu, chỉ là những nhu cầu căn bản thôi. Thôi “một sự nhịn chín sự lành”, nên tôi nín nhịn vì chị lớn hơn tôi nhiều, coi như mình nhịn “chị hai” trong nhà cho mọi chuyện êm xuôi tốt đẹp trong chuyến đi chơi!

Suy ra mới biết tinh thần “bài Mỹ” ở các nước Âu châu khá mạnh (ghé vô Nga 1 ngày tham quan cũng phải nộp tiền làm đơn xin visa). Kiểu này qua các nước Trung Đông chắc bị “xơi tái” quá, nhưng tôi nhớ một lần cách đây 5,6 năm dân Mỹ qua Ai cập thì lại được đối xử như VIP, đi đâu cũng được ưu tiên và có xe jeep hộ tống “tiền hô, hậu ủng” rất oai!
Hôm sau tâm sự với một chị bạn khác về nỗi ấm ức bị mắng oan. Chị trả lời:
– Chắc tại chị ấy ở Đức lâu, nên ngấm tinh thần “tự tôn dân tộc” của dân Đức, không muốn nước nào qua mặt, mà như vậy là tự ái dân tộc dỏm, vì dù gì mình cũng là người Viết Nam! (Chị cười) Ai bảo Mỹ giàu hơn, mạnh hơn nên dễ bị chúng ghét!
Tôi chán ngán:
– À thì ra vậy! Hèn gì em nghe người ta thường nói “ở đời mình thua chúng khinh, mình hơn chúng ganh ghét, mình bằng chúng nói xấu”.
Không biết đến bao giờ các dân tộc trên thế giới sẽ sống với nhau trong tâm trạng “để hận thù người người lắng xuống” hầu không còn ai cảm thấy:
“Đôi khi ta muốn thoát ly
Đi thật xa khỏi cuộc đời này
Xa lìa chuyện ganh đua với chê bai” (L.H.H.)
Dù sao nhờ có đi ra ngoài, có dịp mở rộng tầm nhìn, có dịp so sánh, tôi mới biết trân quý hơn những điều tôi đang được hưởng mỗi ngày ở xã hội này, mà đôi khi quá quen, tôi cứ xem đó là lẽ đương nhiên, là chuyện thường tình (giống như trong đời sống gia đình có nhiều người có phước có được những bà vợ, ông chồng rất tốt, rất tử tế, nhưng họ không hề biết quý và cứ nghĩ đó là chuyện đương nhiên và bình thường, cho đến khi không còn nữa mới hối tiếc thì đã muộn!).

Khi ý thức lại những tiện nghi của đời sống ở Mỹ mà tôi vẫn xem đó là chuyện bình thường, tôi mới biết đôi khi nó là niềm ước mơ của biết bao người trên thế giới nói chung và dân tộc Việt Nam nói riêng. Họ không chỉ cần những nhu cầu vật chất căn bản của đời sống nhưng còn cần những nhu cầu căn bản về tinh thần (quyền làm người, quyền tự do…) mà họ khát khao nhưng không hề được đáp ứng!
Xin cám ơn Chúa, xin cám ơn đời đã cho tôi có một cuộc sống tương đối an lành trên xứ Mỹ này, để từ đó tôi biết yêu thương và chia sẻ nhiều hơn với những mảnh đời bất hạnh khác nơi quê nhà, vì có thể “Một tình thương cho cuộc sống đang chờ đợi ta” bởi:
“Tình yêu là trái chín của mọi mùa
Nằm trong tầm với của mọi bàn tay” (Mẹ Theresa)

Phượng Vũ
9/2013

 

10 ĐIỀU SUY NGẪM


10 ĐIỀU SUY NGẪM

1. Cầu nguyện không phải là “bánh xe dự phòng” để lấy ra khi gặp khó khăn, nhưng là “tay lái” để lái đi đúng đường suốt cuộc tạm hành trên đất này.

2. Tại sao xe hơi có KIẾNG TRƯỚC lớn hơn nhiều so với KIẾNG CHIẾU HẬU?  Vì QUÁ KHỨ của chúng ta không quan trọng so với TƯƠNG LAI. Vậy, hãy nhìn thẳng phía trước và đi tới.

3. Tình bạn như một QUYỂN SÁCH. Chỉ cần vài phút để đốt đi, nhưng cần vài năm để viết.

4.  Tất cả những điều mình có trong đời sống nầy đều tạm bợ. Nếu được hạnh thông, hãy vui hưởng, vì nó sẽ chóng qua. Nếu không thuận lợi, cũng đừng lo lắng, vì nó cũng sẽ không kéo dài.

5. Bạn cũ là Vàng! Bạn mới là Kim Cương! Nếu ta có Kim Cương, đừng quên Vàng! Vì muốn giữ được Kim Cương, ta luôn cần Vàng để bọc Kim Cương!

6. Thường khi ta mất hy vọng và nghĩ đây là đoạn cuối đường, Thượng Đế ở trên cao cười và nói: “Hãy thư giãn, con yêu của ta. Đó chỉ là khúc quanh, chứ không phải là đường cùng”.

7. Khi Thượng Đế giải quyết những vấn đề của ta, ta đặt niềm tin nơi Ngài.  Khi Thượng Đế không giải quyết những vấn đề của ta, Ngài đặt niềm tin vào khả năng của ta.

8. Một người mù hỏi thánh Anthony: “Có thể còn điều nào khổ hơn là bị mù không?”  Ông thánh trả lời: “Có, lúc ngươi mất định hướng!”

9. Khi chúng ta cầu nguyện cho người khác, Thượng Đế lắng nghe và ban phước cho người đó. Và đôi khi chúng ta bình an, hạnh phúc, hãy nhớ rằng một người nào đó đã cầu nguyện cho ta.

10. Sự LO LẮNG không dẹp bỏ được sự KHÓ KHĂN ngày mai, nhưng nó lấy đi sự BÌNH AN hiện tại.

Đài Loan : Tai nạn hàng không, 48 người chết

Đài Loan : Tai nạn hàng không, 48 người chết

RFI

Chiếc máy bay GE222 của TransAsia Airways, rơi rã từng mảnh. Anh ngày 24/07/2014.

Chiếc máy bay GE222 của TransAsia Airways, rơi rã từng mảnh. Anh ngày 24/07/2014.

Reuters

Thanh Hà

Chuyến bay GE222 của hãng hàng không Đài Loan TranAsia Airways bị rơi vào tối  23/07/2014 tại huyện Bành Hồ (Penghu), miền tây Đài Loan. Tai nạn xảy ra vào lúc bão Matmo đang đổ xuống Đài Loan. Theo điều tra sơ khởi, chiếc máy bay nói trên bị nổ trước khi đáp xuống phi trường Mã Công (Magong). Trong số các nạn nhân thiệt mạng có hai công dân Pháp.

Máy bay bị nạn là một chiếc ATR 72-500 xuất phát từ Cao Hùng (Kaoshiung) để bay tới Bành Hồ. Đây là một địa điểm nghỉ mát nổi tiếng của Đài Loan. Theo các nguồn tin từ sân bay thuộc thị xã Mã Công – Bành Hồ, vào lúc 7 giờ tối hôm qua, chiếc máy bay của hãng hàng TransAsia Airways đã bị rơi trước khi tiến vào phi đạo. 5 người trong khu vực bị thương. Một phóng viên của AFP tại chỗ cho biết chiếc máy bay đã bị rã ra từng mảnh. 48 người thiệt mạng trong số 58 hành khách và phi hành đoàn.

Báo chí Đài Loan nêu lên câu hỏi vì sao chuyến bay GE222 đã được phép cất cánh trong lúc cơn bão Matmo đang ập vào hòn đảo này. Bộ trưởng giao thông Đài Loan thì cho rằng, các điều kiện thời tiết không bắt buộc các giới chức không lưu phải hủy các chuyến bay. Các toán cứu hộ vừa tìm thấy hộp đen của chiếc máy bay bị nạn.

TransAsia Airway là hãng hàng không lớn nhất của Đài Loan, bảo đảm các chuyến bay nối liền hòn đảo này với Hoa Lục, Nhật Bản Singapore, Hàn Quốc và Việt Nam.

 

Thế giới có trên 2,2 tỉ người nghèo và cận nghèo

Thế giới có trên 2,2 tỉ người nghèo và cận nghèo

RFI

Thiên tai, một nguyên nhân dẫn đến thiếu ăn. Một cảnh tượng ở Quảng Đông, Trung Quốc do cơn bão Rammasun. Ảnh ngày 19/07/2014.

Thiên tai, một nguyên nhân dẫn đến thiếu ăn. Một cảnh tượng ở Quảng Đông, Trung Quốc do cơn bão Rammasun. Ảnh ngày 19/07/2014.

Reuters

Thụy My

Liên Hiệp Quốc hôm nay 24/07/2014 cảnh báo, trên 2,2 tỉ người trên thế giới là người nghèo hay cận nghèo ; con số này còn có thể tăng lên theo với các cuộc khủng hoảng tài chính và thiên tai.

Trong báo cáo năm 2014 được công bố hôm nay tại Tokyo, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) nêu ra giá thực phẩm và các cuộc xung đột dữ dội, trong số những nguyên nhân làm trầm trọng thêm nạn nghèo khó.

Cho dù nhìn trên toàn cầu thì nạn nghèo khổ có giảm bớt, nhưng UNDP cảnh báo tình trạng bất bình đẳng đang tăng lên. Bên cạnh đó là những « yếu kém mang tính chất cơ cấu » mà theo cơ quan Liên Hiệp Quốc, đã tạo nên những mối đe dọa nghiêm trọng cho cuộc đấu tranh nhằm xóa đói giảm nghèo.

Báo cáo mang tên « Tiến bộ bền vững cho nhân loại : giảm nghèo và tăng cường sức chịu đựng » của UNDP cho rằng : « Diệt trừ tình trạng cực nghèo không có nghĩa là đạt đến mức zéro rồi dừng lại. Cần phải đặc biệt bảo vệ những ai bị đe dọa bởi các thiên tai, thay đổi khí hậu hay các cú sốc tài chính. Đặt vào trung tâm lịch trình phát triển việc giảm bớt tính dễ tổn thương trước các nguy cơ, là phương tiện duy nhất đảm bảo tiến bộ lâu dài và bền vững ».

Bản báo cáo cho biết : « Bảo đảm các phúc lợi xã hội cơ bản cho người nghèo trên toàn thế giới chiếm chưa đến 2% tổng sản phẩm nội địa. Việc này có thể thực hiện được nếu các quốc gia thu nhập thấp tái phân phối và tăng cường nguồn lực trong nước, với sự hỗ trợ của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế ».

Theo UNDP, hiện nay có khoảng 1,2 tỉ người đang sống với 1,25 đô la một ngày, thậm chí còn thấp hơn. Trên toàn thế giới có gần 1,5 tỉ người phải sống trong cảnh nghèo đói tại 91 quốc gia đang phát triển, cộng thêm 800 triệu người khác đang ở bên bờ vực của sự nghèo khổ.

Báo cáo nhấn mạnh, tình trạng thất nghiệp thường đi kèm với tỉ lệ tội phạm tăng lên, bạo động, tiêu thụ ma túy và tự tử.

Bà Helen Clark, giám đốc UNDP trong phần lời nói đầu của báo cáo đã viết : « Khi tấn công vào những yếu kém này, tất cả mọi người có thể cùng chia sẻ tiến bộ, và sự phát triển trở nên công bằng, bền vững ».