Gian dối mụ mị không bao giờ là nền tảng của xã hội tốt
7/8/2017
Gian dối mụ mị không bao giờ là nền tảng của xã hội tốt
7/8/2017
Ông Nguyễn Phú Trọng từng nói “Nhìn tổng quan, đất nước có bao giờ được như hôm nay?”. Và nếu mang câu nói này ra mổ xẻ, có vẻ như nó chính xác 100% với hiện tình đất nước. Và cái chữ “được”, chữ then chốt trong câu nói này cũng chính xác 100%.
Được nhìn thấy sự thật, được hiểu biết chính trị, được lo lắng, được cõng nợ, được nổi giận, được im lặng nhìn hàng loạt vấn đề sai trái của nhà cầm quyền, được ăn cá nhiễm độc, được lội bùn đỏ bì bõm, được biểu tình và gào khản cổ kêu đòi công lý trước khi công an gô cổ đánh đập, được đi xe buýt hiện đại trong cách hành xử của người thô lỗ mông muội, được chứng kiến cảnh xe container và cảnh sát giao thông rượt đổi nhau như phim hành động… Có cả hàng ngàn cái được, trong đó, được nhất vẫn là nhìn đồng hồ nợ công nhích dần từ 700 Mỹ kim, rồi 800, 900, và gần đây là 1000 Mỹ kim/đầu người, con số này biến thiên nhanh chóng trong vòng chưa đầy 5 năm!
Rồi thêm chuyện cấm người ta chơi đàn ngoài bờ hồ Hoàn Kiếm, bắt chẹt người đi làm giấy khai tử để nhận tiền phong bì. Quan chức, từ thời ông Nông Đức Mạnh phơi bày đời sống như một ông hoàng đến nay có thêm hàng trăm quan chức cấp tỉnh, cấp huyện chẳng cần giấu diếm sự giàu có xa hoa, sống chễm chệ, phè phỡn, sung túc trên nỗi khổ, trên nợ công, trên cái đói vì thiên tai, nhân họa do chính các ông gây ra…
Và gần đây nhất, có lẽ, cái được lớn nhất của người dân là được mở ,mắt nhìn giới lãnh đạo Cộng sản ra lệnh cho công an, quân đội chuẩn bị vào cuộc để chiến đấu với dân nếu như nhân dân biểu tình yêu cầu nhà nước phải có thái độ rõ ràng, minh bạch và dứt khoát trước sự lấn lướt của Trung Cộng trong khu vực thuộc quyền khai thác tài nguyên biển Việt Nam, cụ thể là lô 136 – 03, nơi công ty Repsol đang khai thác dầu theo hợp đồng với Việt Nam mà nếu Việt Nam chịu lùi bước trước Trung Quốc, đơn phương rút hợp đồng thì không những mất hàng núi tiền đền bù mà còn mất cả chủ quyền quốc gia.
Điều này khiến cho người ta đặt ra một câu hỏi và một giả định: Liệu đây có phải là nước cờ của kẻ bán nước? Và đây có phải là thương vụ xông ống cháo cho đảng Cộng sản Việt Nam, một thương vụ mà ít nhất trong lúc này là giữ được cái túi mang tên “ngân sách nhà nước” không bị trống rỗng? Liệu có khi nào các ông, các bà chấp nhận bán đứng chủ quyền quốc gia cho Trung Quốc với giá hàng trăm tỉ Mỹ kim để rồi chấp nhận đền bù cho Repsol vài tỉ Mỹ kim, số tiền còn lại tha hồ bỏ túi, tha hồ phân bổ ngân sách nhà nước để rồi sau đó tính tiếp?
Bởi hơn bao giờ hết, đảng Cộng sản Việt Nam đang ngồi trên lưng cọp, tuy bên ngoài vẫn giao du, quan hệ với các nước, thậm chí vẫn bỏ ra vài chục triệu Mỹ kim để hỗ trợ cho Lào, Campuchia (mà mới nhìn thì có vẻ như đây là cách để giữ chân các quốc gia này bớt lún sâu vào vũng lầy Trung Cộng. Nhưng thực tế, khi đặt câu hỏi liệu với tình hình nợ nần, ngân khố báo động như đang thấy thì lấy đâu ra tiền để hỗ trợ cho quốc gia khác?) nhưng thực tế bên trong thì đã mọt ruỗng, hoại thư giai đoạn cuối bởi các chính sách vĩ mô lựa chọn từ đầu.
Thử đặt câu hỏi: Liệu đảng Cộng sản tồn tại được bao nhiêu ngày nếu như họ liên tục trong hai tháng không có tiền để trả lương cho bộ máy cồng kềnh gồm hơn hàng chục triệu con người lãnh lương nhà nước, từ đương chức, đương nhiệm cho đến về hưu và những gia đình chính sách, đó là chưa muốn kể đến các hội đoàn, trực thuộc đảng? Sở dĩ xảy ra chuyện này là do chính sách tuyển dụng mập mờ, đưa những con người thừa gian manh từ bằng cấp cho đến biển thủ nhưng lại thiếu năng lực để tạo ra lợi tức trong công việc. Và bên cạnh đó, chính sách tuyển dụng vô tội vạ, dựa trên lý lịch đỏ là chính đã dẫn đến cả một hệ thống nhà nước từ trung ương xuống địa phương giống hệt như một bầy giun bâu bám đông đúc trong một cơ thể ốm yếu có cái tên là Việt Nam. Cái con vật mang tên Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam này chỉ cần thiếu ăn vài giờ thì phải lăn ra chết vì giun hút sạch máu.
Bán lãnh thổ, lãnh hải theo kiểu cho thuê lâu dài để rồi người Trung Quốc được quyền xây riêng những biệt khu của họ với mọi quyền lợi, quyền hạn chẳng khác nào một lãnh sự quán của họ trên đất Việt Nam, để rồi sau cùng là bán lãnh hải bằng một kịch bản nhún nhường, lép vế nhưng thực tế là bán để cứu ngân sách, để cứu đảng. Đó có phải là giải pháp cấp thời của đảng Cộng sản Việt Nam?
Bởi hiện tại, mối nguy lớn nhất ảnh hưởng đến sự tồn vong của đảng là những tướng lĩnh quân đội có tài thì hoặc là họ đã bị loại ra khỏi vòng quyền lực, hoặc là họ không coi đảng ra gì, đứng riêng một cõi để làm kinh tế, để tạo lập vương quốc quyền lực và tiền bạc. Và không chừng, họ là những kẻ đảo chính đầu tiên khi thấy cần thiết có sự thay đổi. Còn những kẻ bất tài trong hệ thống quân đội thì rất trung thành với đảng nhưng thực ra, sự trung thành này là kiểu trung thành của một phép ăn chia, còn lợi nhuận thì còn trung thành, hết lợi nhuận, hết trung thành, quay ra đối nghịch.
Thử hỏi, với một cơ thể chứa toàn mối nguy như vậy, liệu đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tồn tại như thế nào nếu như ngân sách trống rỗng? Và các động thái huy động vốn từ người dân, huy động vàng trong dân hoặc bán trái phiếu đều xoay quanh vấn đề ngân sách chop thấy điều gì? Bây giờ, đùng một cái Nguyễn Phú trọng mang số tiền hàng triệu Mỹ kim sang tài trợ cho Campuchia, rồi sắp tới đây lại bỏ ra hàng tỉ Mỹ kim đền bù hợp đồng cho Repsol. Đó là chưa muốn nhắc đến hàng chục tỉ Mỹ kim mà ông Phúc đã dắt các doanh nhân Việt Nam sang ký hợp đồng với Mỹ trong vài tháng trước.
Trong khi đó, Việt Nam không có bất kì thứ gì để bán kiếm tiền ngoài đất đai và tài nguyên. Các doanh nhân sừng sỏ xứ Việt, nói cho sang vậy thôi chứ thực lực của họ cũng chỉ xoay quanh đất đai, tài nguyên và quyền lực nhóm, họ không có đù khả năng sáng tạo hay sáng chế một con ốc cho ra hồn. Điều này khác xa với doanh nhân tư bản có thể không có những thương vụ hàng trăm tỉ sau một chữ kí nhưng họ lại bán được những phần mềm, những con ốc, những cái ca nhựa, hay những vỏ lon với giá vài xu, và bán hàng triệu cái, hàng tỉ cái trên thế giới. Sự giàu có của phương Tây dựa trên tính sáng tạo và thiết thực, sự giàu có của Việt Nam dựa trên mánh khóe và hoang tưởng, đó là sự khác biệt rất rõ.
Với tiềm lực kinh tế như vậy, với năng lực quản lý và làm kinh tế như đã thấy suốt nửa thế kỉ qua, Việt Nam chỉ có bán và bán, và khi không còn thứ gì để bán nữa, người ta xoay sang bán nước, đó là hệ quả tất yếu của những kẻ chỉ biết bán để ăn. Điều này chẳng khác nào một chủ nhà có nhiều của cải ông bà để lại, đến thời anh ta chỉ có bán và ăn. Bán mãi rồi cũng hết, bán nốt căn nhà, không còn nhà để bán ăn nữa thì chuyển sang bán vợ đợ con. Cái mô hình BDA (bán ăn dần) có vẻ như người Cộng sản đã đến lúc xoay sang bán căn nhà của họ. Bởi nếu không bán thì chết đói, anh em nồi da xáo thịt.
Nhưng thiết nghĩ, tại sao ngay lúc đói nhất, lúc sắp bán căn nhà, người ta không vùng dậy và lao động như một con người để kiếm hạt gạo mà sống, mà thay đổi cuộc sống? Chuyện này đâu có khó. Nó cũng giống như người Cộng sản lúc này, lẽ ra họ phải bình tĩnh hơn và bỏ thói quen làm liều để tránh tình trạng chết chùm. Mà muốn tránh tình trạng hiện tại hoàn toàn không khó. Muốn biết nó không khó như thế nào thì hãy quay lại với nhân dân và hãy để chính những trí thức đích thực họ chỉ cho cách tồn tại. Bởi chó chết thì mèo cũng nhăng răng, họ cũng chẳng dại gì để đất nước bị mất dần vào tay kẻ khác để rồi cùng cảnh chết chùm!
* Bài viết không thể hiện quan điểm của đài Á Châu Tự Do
Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)
“A taxi driver” là cuốn phim mới được phát hành ở Nam Hàn hôm Thứ Tư, 2 Tháng Tám, được trình chiếu ở 1,446 rạp với gần 700,000 vé đã bán được. Bộ phim này sẽ xuất hiện trên các màn ảnh Bắc Mỹ từ ngày 11 Tháng Tám, tại Úc và New Zealand ngày 24 Tháng Tám, và tại các nước Châu Á trong Tháng Chín.
Cuốn phim nói về câu chuyện của ký giả người Ðức Jurgen Hinzpeter năm 1980 đến làm phóng sự về cuộc tranh đấu dân chủ của dân chúng thành phố Gwangju bị chính quyền đàn áp tàn bạo. Những hình ảnh và bài viết của Hinzpeter bí mật chuyển ra nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc giúp thế giới hiểu được thực trạng của chế độ độc tài quân phiệt và trợ lực thúc đẩy phong trào tranh đấu của dân chúng Nam Hàn tiếp tục tiến tới kết quả cuối cùng là cuộc bầu cử tự do dân chủ năm 1987.
Những năm sau đó, ký giả Jurgen Hinzpeter được giải thưởng của hiệp hội nhà báo Nam Hàn và nhiều tổ chức dân sự khác. Ông qua đời năm ngoái ở tuổi 78. Thành phố Gwangju, 1.5 triệu cư dân, ở miền Nam Nam Hàn đặt bia tưởng niệm ông.
Tướng Pak Chung-hee, tổng thống thứ ba của Nam Hàn từ 1963, bị ám sát Tháng Mười, 1979. Hai tháng sau, bằng một cuộc đảo chính quân sự, Trung Tướng Chun Doo-hwan nắm quyền lãnh đạo Nam Hàn, viện lý do chống sự xâm nhập từ Bắc Hàn, cho thi hành quân luật và ngăn cản phong trào tranh đấu dân chủ.
Ngày 18 Tháng Năm 1980, sinh viên và dân chúng Kwangju biểu tình chiếm tòa thị chính phản đối, ông Chun Doo-hwan ra lệnh thẳng tay đàn áp. Quân đội, lực lượng đặc biệt có chiến xa và trực thăng võ trang yểm trợ đánh chiếm lại tòa thị chính.
Cuộc biểu tình biến thành nổi dậy bạo loạn, chiếm các đồn cảnh sát và lấy vũ khí giao tranh với quân đội. Sau hơn một tuần lễ, phong trào tranh đấu dân chủ tan rã, hàng trăm sinh viên bị bắt. Theo thông báo chính thức, gần 200 người chết kể cả 20 binh sĩ, nhưng theo các ước lượng khác có khoảng 600 người thiệt mạng. Tướng Chun Doo-wan sau đó trở thành tổng thống nhưng chỉ làm một nhiệm kỳ 7 năm và không tái tranh cử.
Nhận biết tin tức có biến động ở Gwangju, ký giả Hinzpeter lúc đó là phóng viên thường trú ở Tokyo cho đài truyền hình Ðức ARD, cùng chuyên viên âm thanh Henning Rumohr bay sang Seoul. Nhờ có người trung gian sắp xếp trước, hai phóng viên Ðức được một người lái taxi tên Kim Sa-bok đón tại phi cảng quốc tế Kimpo và đưa xuống miền Nam.
Theo lời ký giả Hinzpeter kể lại sau này, thì toàn thể vùng Gwangju bị phong tỏa chặt chẽ, binh sĩ trấn đóng trên tất cả những đường vào thành phố, người ngoại quốc cũng như dân Nam Hàn đều bị cấm và rất nguy hiểm cho những ai tìm cách vượt qua. Ông nói là chưa từng gặp sự khó khăn như vậy ở đâu kể cả khi làm việc ở Việt Nam trong thời gian chiến tranh. Phóng viên Nam Hàn bị kiểm soát nghiêm ngặt không thể làm việc, chỉ có rất ít phóng viên ngoại quốc cố gắng len lỏi đến làm phóng sự quay phim, chụp hình,
Tài xế taxi Kim Sa-bok hiểu rõ những rủi ro ấy nhưng đã nỗ lực trợ giúp đưa Hinzpeter vào thành phố Gwangju. Khi gặp trạm kiểm soát không cho đi, ông Kim lái xe theo đường nhỏ vào các làng để đi vòng qua. Ký giả Hinzpeter nói rằng khi gặp một trạm kiểm soát cuối cùng trước khi đến Gwangju, ông phải đặt chuyện giải thích với các binh sĩ rằng ông cần phải tìm người sếp của mình bị kẹt ở đây để đưa ra.
Hinzpeter trở thành ký giả đầu tiên vào được thành phố và có thể quay phim, chụp hình, gặp hỏi chuyện gia đình những nạn nhân bên cạnh các quan tài ở bệnh viện. Nhưng tiếp theo thì việc chuyển tin và tài liệu về không phải là dễ dàng. Các đường dây liên lạc điện thoại đều bị cắt và nếu muốn tìm một máy điện thoại công cộng còn dùng được, phải đi bộ nhiều dặm đến các làng kế cận.
Ký giả Hinzpeter cho những khúc phim đã dùng vào trong vỏ bọc cũ làm như chưa sử dụng và xếp vào trong một hộp bao bằng giấy mạ vàng có quấn băng xanh giống như một món quà cưới. Bằng cách ấy ông đã có thể đem được tài liệu ra khỏi Gwangju và trạm kiểm soát an ninh ở phi cảng Kimpo để đưa về Tokyo ngày 22 Tháng Năm. Ngay sau đó, Hinzpeter bay trở lại Seoul và tiếp tục tìm cách len lỏi vào Gwangju với sự hướng dẫn của Kim Sa-bok để quay phim làm phóng sự quân đội đang tấn công các cơ sở dân sự ở thành phố.
Chính quyền Nam Hàn lúc đó giải thích rằng họ dẹp bạo loạn do Cộng Sản sách động và quân đội làm nhiệm vụ bảo vệ dân chúng. Nhưng những phóng sự của Hinzpeter chứng tỏ cho thế giới và người Nam Hàn thấy rằng lời tuyên truyền ấy là giả trá.
Trong nhiều năm, ký giả Hinzpeter, với sự giúp đỡ của nhiều người dân Nam Hàn, kể cả Park Un-kyoung, nhà sản xuất bộ phim “A Taxi Driver” sau này, không thể nào tìm ra người lái taxi mang tên Kim Sa-bok. Dù cho câu chuyện đã trở thành phổ biến trong dư luận từ thời gian bộ phim được làm, từ Tháng Sáu đến Tháng Mười, 2016, không có ai tự đứng ra xác nhận mình là Kim Sa-bok và đối tượng này dường như mãi mãi là một người anh hùng vô danh trong lịch sử cuộc tranh đấu dân chủ ở Nam Hàn.
XIN LỖI
Một trong những ngôn từ đẹp và uy lực nhất trong cuộc sống, đó là lời “xin lỗi.” Chúng ta biết rằng ai cũng có lỗi lầm và sai phạm ít hay nhiều, vì vô tình hoặc hữu ý. Là người công giáo, mỗi khi tham dự thánh lễ, trong phần sám hối, chúng ta đọc Kinh Cáo Mình xưng thú tội lỗi: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng.” Lỗi tại tôi, nên tôi xin Thiên Chúa Toàn Năng và anh chị em tha lỗi. Lời Kinh rất đẹp và ấn tượng, nhưng điều quan trọng là tâm hồn của chúng ta có thật sự hối lỗi hay không?
Lời “xin lỗi” trong mọi hoàn cảnh đều rất quan trọng. Xin lỗi là bước đầu của sự hòa giải, là cầu nối của sự cảm thông, và là nền tảng của sự bình an trong tâm hồn. Xin lỗi là khai mở một chân trời mới trong tình người. Làm lỗi thi hãy mau xin lỗi. Lời “xin lỗi,” xem ra rất đơn giản, nhưng rất khó thực hiện. Nó đòi hỏi một thái độ khiêm nhu, hạ mình, thành thật và chạnh lòng. Người ta thường nói: “Đánh kẻ chạy đi, chứ không ai đánh kẻ chạy lại.”
Thiên Chúa thưởng phạt công minh. Dân Do-thái, dọc theo lịch sử Ơn Cứu Độ, đã nhiều lần dân chúng phạm tội bất tuân và phản nghịch, nhưng khi họ biết hối lỗi quay về, Thiên Chúa đã thứ tha. Như câu truyện của Vua Đavid đã phạm tội ngoại tình và giết người, sau khi được cảnh tỉnh, Đavid đã cúi mình nhận tội hối lỗi và xin lỗi Chúa. Chúa đã thứ tha. Có rất nhiều gương sám hối của các vị thánh nhân như Phêrô, Phaolô, Augustinô…. các ngài đã tỉnh thức nhận lỗi, sửa lỗi và xin lỗi. Các ngài đã trở nên những vị thánh vĩ đại.
Nhiều khi chúng ta đã làm điều sai trái và phạm lỗi lầm, nhưng nếu bị người khác hạch hỏi hay chất vấn, chúng ta thường giận dữ, biện hộ, chối quanh, đổ lỗi hoặc tránh né. Chối tội như kiểu ông bà nguyên tổ Ađam và Evà. Sau khi phạm tội trái lệnh Thiên Chúa, Chúa hỏi tội: Ông Ađam đã đổ lỗi cho bà Evà và Evà đổ lỗi cho con rắn. Để tìm sự công bằng thưởng phạt, các tổ chức xã hội đã lập ra các nhà giam, nhà tù, nhà cải huấn, rồi có các luật sư và trạng sư…. để điều tra phân xử. Có nhiều người đã phạm tội, nhưng vì sợ, đã không đủ can đảm để khai báo sự thật. Họ tìm cách giấu diếm phi tang lỗi phạm. Tâm hồn họ chưa tìm sự bình an đích thực. Họ chưa thể thắng vượt mình. Thật vậy, thắng mình không luôn dễ.
Sống chung với nhau trong gia đình hay ngoài xã hội, qua cách ứng xử hằng ngày, chúng ta không thể tránh khỏi mọi sự va chạm, hiểu lầm và gây gỗ. Dù sống bên nhau và gần nhau lâu, nhưng chưa hẳn đã cảm thông và hiểu nhau. Có nhiều điều rất nhỏ như một câu nói gắt gỏng, một lời diễu cợt, một câu viết mơ hồ hoặc một thái độ hờ hững có thể làm phật lòng nhau. Cách chữa lành hiệu qủa và nhanh nhất, đó là lời “xin lỗi.” Vậy thì: Ai là người phải xin lỗi trước? Ai là người phải làm hòa trước? Vấn đề căn cốt là cái “tôi.” Tự vấn: Tôi không làm gì sai. Tôi không phải xin lỗi ai cả. Cái “tôi” tự ái thổi phồng. Thánh Luca nhắc nhở: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?” (Lc 6, 41).
Các bạn ạ, ai trong chúng ta cũng có lầm lỗi. Điều quan trọng là chúng ta có dám nhận lỗi và xin lỗi hay không. Thánh Gioan khẳng định: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (1Jn. 1, 8). Biết mình là đầu mối sự khôn ngoan. Ai biết nhận lỗi và xin lỗi là người khôn và cao thượng. Lời “xin lỗi” sẽ giúp phá vỡ tất cả các bức tường ngăn cách, ghen ghét, thù hận và hiểu lầm. Người dám nói lời xin lỗi là người thắng cuộc. Thắng mình và thắng người. Lời “Xin Lỗi” cần có đối với tất cả mọi người trong mọi hoàn cảnh, không phân biệt cấp bậc và vị thế, từ các nhà lãnh đạo cao nhất của xã hội, cũng như giáo hội, tới mọi thành phần dân chúng.
Đẹp biết bao khi bề trên biết xin lỗi kẻ dưới, thầy xin lỗi trò, trò xin lỗi thầy, chồng xin lỗi vợ, vợ xin lỗi chồng, con cái xin lỗi cha mẹ, cha mẹ xin lỗi con cái, anh chị em xin lỗi nhau và bạn bè xin lỗi lẫn nhau. Gia đình sẽ sống trong bầu khí an vui, cộng đoàn sẽ lạc an và thế giới sẽ hòa bình. Nhận lỗi về mình là một cung cách cao đẹp. Biết rằng đôi khi sự gây lỗi có thể do hiểu lầm, thiếu hiểu biết, nông cạn, tự ái hay thiển cận trong vấn đề. Gây lỗi, chúng ta hãy xin lỗi. Chiếc bóng đầy hơi sẽ xẹp. Giây cung căng sẽ chùn. Cơn nóng giận sẽ nguôi. Sự háo thắng sẽ hạ. Cầu thông cảm sẽ nối và tình người sẽ hòa.
Biết xin lỗi, chúng ta sẽ được lợi nhiều điều. Chúng ta sẽ tránh được biết bao đổ vỡ và nghi kỵ. Chúng ta sẽ thắng mình và thắng bạn. Cuộc sống sẽ an vui. Tâm hồn được thanh thản và an lạc. Quan trọng nhất là chúng ta được giao hòa cùng Thiên Chúa: “Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính” (1Jn. 1, 9).
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York
From: Langthangchieutim
Formosa bị nông dân Mỹ kiện đòi bồi thường vì tàn phá môi trường
Các cư dân sống gần nhà máy sản xuất hóa chất của Formosa ở Point Comfort, Texas đã kiện công ty này vì xả thải các viên nhựa làm ô nhiễm nặng môi trường vùng biển xung quanh nhà máy.
Đơn kiện Formosa được trình lên ngày 31.7 bởi công ty Trợ Giúp Pháp Lý TexasRioGrand (Texas RioGrande Legal Aid); Công ty luật môi trường Frederick, Perales, Allmon và Rockwell (Environmental law firm Frederick, Perales, Allmon and Rockwell); Công ty luật Sico, Hoelscher, Harris & Braugh.
Nhóm công ty luật nói trên thay mặt cho các nguyên đơn là nông dân, ngư dân sống quanh nhà máy của Formosa ở Point Comfort kiện công ty Formosa vì đã vi phạm Luật Nước sạch (Clean Water Act) một cách “nghiêm trọng, kéo dài và đang diễn ra” gây ô nhiễm cho Vịnh Lavaca và các tuyến đường thủy khác.
Nguyên đơn cho rằng rác thải gây ô nhiễm do Formosa xả ra làm nguy hại đến các loài cá và động vật hoang dã trong khu vực.
Nhóm trợ giúp pháp lý yêu cầu Formosa phải chấm dứt hành động xả thải của mình trong tương lai, dọn dẹp những ô nhiễm môi trường mà họ gây ra và phải bị phạt tổng cộng 57,45 triệu USD.
Nguyên đơn Diane Wilson, cựu ngư dân đánh bắt tôm và là người đứng đầu tổ chức Bảo vệ bờ sông và vùng Vịnh San Antonio (San Antonio Bay Estuarine Waterkeeper) trong nhiều năm qua đã theo đuổi thủ tục pháp lý kiện Formosa khi cho rằng nhà máy tại Point Comfort đã thải bất hợp pháp các viên nhựa vào dòng nước xung quanh nhà máy….
http://motthegioi.vn/…/formosa-bi-nong-dan-my-kien-doi-boi-…
Cha Antoni Moreno, Giám Tỉnh Dòng Tên ở Phi Luật Tân nói với báo Rappler vào ngày 30 tháng Bẩy rằng nhà dòng đã được phép bắt đầu mở hồ sơ phong thánh cho thày Fernando.
Thày Richard (còn gọi là Richie) Fernando thuộc Dòng Tên đã đến Cam-bốt vào năm 1995 trong một tu hội Dòng Tên để phục vụ những người bị khuyết tật do bệnh tật, bom mìn hay những tai nạn khác.
Theo các tu sĩ dòng tại Hội Nghị Châu Á Thái Bình Dương, thày Richie mau chóng được sự tin tưởng quý mến của các học sinh khi thày học tiếng địa phương và dành thời gian lắng nghe những câu chuyện thương tâm.
Một trong các học sinh của thày là một trẻ mồ côi tên là Sarom đã bị bắt đi lính vào năm 16 tuổi và bị tàn phế bởi bom mìn. Ngay cả nhiều người cho rằng thái độ của Sarom gây rắc rối thì thày Richie trong một lá thư gởi cho các bạn của mình vẫn xác định rằng Sarom luôn có chỗ đứng trong trái tim mình.
Vào ngày 17 tháng Mười, 1996, Sarom đến trường học của nhà dòng gặp ban giám hiệu để xin được tiếp tục đi học sau khi em đã hoàn tất chương trình, và lời yêu cầu của em bị từ chối vì ban giám hiệu cho rằng Sarom là người đã gây nhiều rắc rối trong trường.
Tức giận vì bị từ chối, Sarom liền lấy ra một trái lựu đạn để sẵn trong túi xách và tiến đến một lớp học đang có rất nhiều học sinh. Cửa sổ của lớp học đóng kín và học sinh không có lối thoát.
Thày Richie nhanh chân bước đến phía sau Sarom và cố nắm lấy trái lựu đạn mà Sarom toan ném vào lớp học.
Sarom giằng co, “Hãy để kệ em, em không muốn giết thày đâu”. Thế rồi trái lựu đạn bất ngờ rớt xuống phía sau Sarom và thày Richie và nổ tung, giết chết vị tu sĩ dòng Tên, đang nằm đè lên mình Sarom để cứu em và mọi người trong lớp khỏi phải chết.
Totet Banaynal là một tu sĩ dòng Tên nói rằng bốn ngày trước khi chết, Richie đã viết một lá thư cho các bạn và các tu sĩ cùng dòng như sau “Tôi biết trái tim tôi hiện đang ở đâu. Tim tôi đang ở cùng Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã dành tất cả cho người nghèo, người bệnh, trẻ mồ côi… Tôi vững tin rằng Thiên Chúa không bao giờ quên dân của ngài là những anh chị em khuyết tật của chúng ta. Và tôi rất vui mừng vì Thiên Chúa đã dùng tôi để bảo đảm với anh chị em của chúng ta là Thiên Chúa yêu thương anh chị em. Tôi tin tưởng rằng đây chính là ơn gọi của tôi.”
Trong nhật ký tĩnh tâm của mình, thày Richie đã viết rằng “Tôi ước rằng khi tôi chết đi, người ta sẽ không nhớ là tôi giỏi giang, mạnh mẽ và tài năng như thế nào, nhưng nhớ đến những việc tôi phục vụ, những lời tôi nói về sự thật, tôi làm chứng cho những điều phải, tôi chân thành trong mọi công việc và hành động, nói một cách khác, tôi đã yêu và bước theo chân Chúa Giêsu.”
Vào năm 1997, cha mẹ của thày Richie đã viết thư cho Ông Hoàng Norodom Sihanouk của Cam-bốt, xin tha thứ cho Sarom. Một lần nữa, Sarom nói anh ta không muốn giết thày Richie và anh ta coi thày như một người bạn.
Phi Luật Tân là một nước đa số theo đạo Công Giáo, nhưng cho đến nay mới chỉ có hai vị tử đạo vào thế kỷ 17 được phong thánh, đó là Thánh Lerenzo Ruiz, tử đạo ở Nagasaki và Thánh Pedro Calungsod, tử đạo ở Guam.
Tuy nhiên rất nhiều hồ sơ phong thánh đã được mở ra trong những năm gần đây.
Ngày 31 tháng Bẩy là ngày lễ kính Thánh I-Nhã, vị sáng lập Dòng Tên, cha Moreno nói rằng thày Richie là một trong số các tu sĩ dòng Tên noi gương Thánh I-Nhã “tự hiến đời mình bằng việc hy sinh phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.”
Trong bản ghi nhớ của Tỉnh Dòng Tên của Phi-Luật Tân, cha Moreno ghi rằng “nhiều biểu lộ khác nhau về lòng tôn kính đối với Richie đang nở rộ và vẫn tiếp tục, không những chỉ ở Phi Luật Tân và Cam-Bốt mà còn ở nhiều nơi khác nữa.”
Một trang mạng xã hội Facebook đã vinh danh ngài được đặt tên là “Các bạn của thày Richie R. Fernando, dòng Tên.”
Bước kế tiếp trong tiến trình phong thánh của thày Richie là tìm hiểu về cuộc đời đạo hạnh của thày qua các bài viết, cuộc nói chuyện, và phỏng vấn những người đã từng biết thày và những sự việc liên quan khác.
Cha Moreno nói rằng, “Chúng ta cùng cầu nguyện, xin Chúa giúp cho tiến trình phong thánh và nếu ngài muốn, việc ấy sẽ đem lại phần ơn ích cho mọi người.”
Giuse Thẩm Nguyễn
Cho đi
Cậu bé nọ ăn cắp chai thuốc trị bệnh. Bà chủ tiệm giựt lại chai thuốc và chửi mắng cậu ta xối xả.
Có người đàn ông, là chủ quán ăn, động lòng thương, liền chạy ra, hỏi cậu để biết rõ sự việc.
Khi hay rằng cậu bé ăn cắp chai thuốc vì mẹ của cậu đang bệnh nặng, ông chủ quán ăn liền trả tiền cho bà chủ tiệm thuốc, rồi tặng cậu bé chai thuốc ấy và còn bảo con gái của ông mang cho cậu bé ít thức ăn.
Ba mươi năm sau, người đàn ông tốt bụng xưa kia vẫn còn là chủ quán ăn cùng cô con gái đã lớn.
Ngày nọ, ông bị đột quỵ và phải nhập viện. Muốn chạy chữa thì ông ta phải trả số tiền quá lớn!
Cô con gái tính đến chuyện bán quán ăn..
Nào ai ngờ rằng ”cậu bé ăn trộm năm xưa” giờ là bác sỹ tình cờ tiếp nhận bệnh nhân là ân nhân của mình.
Với lòng biết ơn, ”ông bác sỹ chịu ơn” quyết tâm chữa trị cho ân nhân, mà không để ông ta phải trả tiền bởi vì
” Sở phí bịnh viện của người đàn ông ngày hôm nay đã được trả trước cách đây ba mươi năm!!!”
Anh chị Thụ & Mai gởi
Tham nhũng tuổi thơ
Ngọc Tuyên
Họ đâu có những câu đao to búa lớn:
“TẤT CẢ VÌ TƯƠNG LAI CON EM CHÚNG TA”
“TRẺ EM HÔM NAY THẾ GIỚI NGÀY MAI”…
Trước khi rời quán, tôi xin phép và hỏi người ngoại quốc, mới biết ông làm việc ở lãnh sự quán Pháp. Tôi hỏi ông rằng, ở quê hương ông, trẻ em có phải đi bán vé số như vậy không? Ông nhìn tôi hồi lâu và nói:
“Trẻ em xứ tôi mà đi làm việc như vậy, thì đảng phái cầm quyền nên giải tán đi cho rồi”.
Được người bạn mời đi ăn tối ở một quán ăn quận Phú Nhuận. Chuyện tôi viết ra đây, tôi tin rằng không một ai ở SG hay những thành phố lớn ở xứ thiên đường này mà không được một lần thấy và biết.
Quán khá đông khách, tiếng khui bia liên tục vang lên, tiếng dô dô vang lên không ngớt. Bàn ăn của chúng tôi lạc lõng với những chai nước suối. Cô độc trong tiếng hò hét cụng li, là tiếng mời gọi của một em bé gái bán vé số mưu sinh. Tôi lặng lẽ quan sát em từ khi em bước chân vào quán. Vóc dáng nhỏ thó, đen nhẻm và già trước tuổi. Em đến mời hai người khách bàn kế bên chúng tôi, trong đó có một người ngoại quốc, sau này tôi mới biết là người Pháp.
Tôi thấy người đàn ông ngoại quốc này, không tỏ vẻ khó chịu về em, ông nở nụ cười hiền lành, và ông tặng em một ít tiền. Tôi mến ông từ nụ cười nhân văn ấy! Đến bàn của tôi, em cũng mời tôi như bao người khác. Tôi khẽ lắc đầu, vì tôi không mua vé số. Tôi hỏi em đã ăn tối chưa? Em nói rằng chưa, dù lúc này đã hơn 8h tối! Tôi mời em cùng ăn với chúng tôi! Trong bữa ăn, tôi hỏi thăm về gia cảnh của em. Ba mẹ em làm nghề chích cá, đánh bắt bằng điện từ bình ắc-quy. Em được đến trường đúng 5 năm. Em nghỉ học phụ cha mẹ từ đó. Năm nay em tròn 12 tuổi!
Tôi lại nhớ, cách đây hơn tuần lễ, hơn 12h trưa, ngay ngã ba Mũi Tàu (Trường Chinh-Cộng Hoà), mọi người như đang trốn chạy cái nắng gay gắt, thì một người đàn ông tuổi trung niên, bị tật nguyền ở chân. Ông ta cố gắng vẫy xấp vé số trên tay… Tôi dừng đèn đỏ, sát bên ông, nên cũng hỏi thăm về ông. Ông cùng quê với Phan Văn Khải. Tôi mời ông bữa cơm chiều, chứ tôi cũng không mua vé số giúp ông…!
Sáng nay, báo đăng hơn 10 người chết vì lũ quét ở Mù Cang Chải. Số phận con người, mà là dân xứ này sao nhỏ bé quá! Vài ngày trước, báo cũng đăng về đại án tham nhũng cả vài ngàn tỉ, đó là những vụ án được phanh phui mà thôi. Họ đang tham nhũng không phải là tiền, mà là tuổi thơ của em bé tôi gặp tối nay, là đôi chân tật nguyền của người đàn ông tôi gặp hơn tuần trước…! Những người dân nghèo này, phải oằn lưng để đóng thuế xây villa, mua siêu xe, và cung phụng cả khoản tình dục chân dài cho quan chức…!
Chẳng ai chọn cho mình được nơi sinh, nhưng bọt bèo thay khi không may mắn phải sinh ra nơi thiên đường. Trước khi rời quán, tôi xin phép và hỏi người ngoại quốc, mới biết ông làm việc ở Lãnh sự quán Pháp. Tôi hỏi ông rằng, ở quê hương ông, trẻ em có phải đi bán vé số như vậy không? Ông nhìn tôi hồi lâu và nói:
“Trẻ em xứ tôi mà đi làm việc như vậy, thì đảng phái cầm quyền nên giải tán đi cho rồi”.
N.T.
Nguồn: FB Ngọc Tuyên
Đứa con dâu
Tràm Cà Mau
Bà Năm rất hãnh diện vì Tâm, đứa con trai học hành chăm chỉ. Tâm tốt nghiệp bằng bác sĩ y khoa, thực tâp tại bệnh viện sắp xong, và chuẩn bị đi làm việc.
Tâm thường ôm đàn, búng tưng tưng và hát nghêu ngao.Tâm thường lập đi lập lại những câu hát ca ngợi “người em gái” nào đó. Lời rất dịu dàng, êm ái. Bà Năm nghe Tâm hát mãi, nói rằng:
– Em gái của anh, thì anh la mắng, nạt nộ, sai làm chuyện nầy, bảo làm chuyện kia, còn bắt phạt, bắt quỳ. Còn em gái người ta, thì bốc lên thấu tận trời xanh.
Tâm trả lời yếu đuối:
– Bài hát mà má. Thì rồi em Hương nhà mình, cũng sẽ được mấy anh con trai dại dột khác, bốc lên thấu trời xanh thôi.
– Sao anh không bốc em của anh lên một chút, cho nó vui, sung sướng. Có hơn là đi bốc thiên hạ không?
Bà Năm thường làm hết mọi việc trong nhà ngoài ngõ. Anh con trai chưa bao giờ mó tay vào làm bất cứ chuyện nhỏ nhặt nào trong gia đình nầy, từ rửa chén bát, hút bụi nhà, sửa cái bóng đèn đứt dây, cắt cỏ, quét lá trong vườn. Anh như một người khách thuê khách sạn, trong ngoài, mọi sự đã có người khác lo.
Một buổi sáng Chủ Nhật, bà thấy Tâm đem máy ra, cắt cỏ sân trước nhà. Bà ngạc nhiên, há hốc miệng đứng nhìn đứa con trai đang hì hục, vụng về đẩy chiếc xe cắt cỏ. Xưa nay, anh chưa hề đụng đến việc nhà. Anh đã quen thói. Có nhờ được anh cũng khó khăn, và chưa chắc đã làm. Anh cứ lần khân mãi, rồi quên việc người khác nhờ.. Hôm nay bà thấy Tâm cắt cỏ cẩn thận, cắt đi cắt lại, nghiêng đầu nhìn ngắm mãi, cho đến khi vừa lòng mới thôi. Bà Năm đứng chống nạnh, âu yếm nhìn con:
– Sao hôm nay con giỏi thế? Cắt cỏ giúp cho bố mẹ. Lại cắt cẩn thận, cắt đẹp nữa!
Tâm nhìn mẹ cười, và nói tỉnh bơ:
– Tuần trước, Lam ghé đây chơi, thấy cỏ cao, bảo con sao không cắt cho đẹp vườn.
– Lam là ai?
– Là bạn gái của con.
Bà Năm hừ một tiếng nhỏ tức tối. Con của Bà sinh ra, nuôi nấng, thương yêu, bà nhờ không được, bà nói không nghe, thế mà cái con Lam nào đó, mới mở miệng một tiếng, thì nó lại răm rắp làm. Trong lòng bà, bỗng thấy không ưa cái con Lam kia. Bà cảm thấy hơi buồn
2.
Sáng chủ nhật, bà pha cà phê cho chồng, và pha luôn cho Tâm một ly. Bà biết hai bố con đều ghiền, buổi sáng không có ly cà phê thì xem như mở mắt không ra. Thấy anh con trai không buồn động đến ly cà phê thơm, bà hỏi:
– Sao con không uống liền đi, để nguội mất ngon, hương cà phê bay đi hết.
– Thôi, con không uống cà phê nữa má à. Con đang tập bỏ cà phê.
– Sao vậy?
– Lam bảo con bỏ cà phê! Uống cà phê không tốt.
Nghe con nói mà bà điên tiết, muốn lộn máu lên. Lam là đứa nào, có quyền lực gì, mà làm cho thằng con trai cưng, thương yêu của bà răm rắp tuân lời? Bà thương con, muốn cho con vui, bà ra lệnh:
– Uống đi. Mẹ đã pha ra rồi. Ðừng uống quá nhiều thì thôi, chứ vừa phải, cà phê cũng tốt cho sức khỏe.
Anh con trai cưng của bà, đánh trống lảng, rồi bỏ lên lầu, không đụng đến ly cà phê bà đã pha. Bà Năm bực bội, quậy ly cà phê và uống từng ngụm nhỏ. Bà nói với chồng:
– Thằng Tâm nhà mình thế mà dại gái. Cha mẹ nói cho rát họng, thì không nghe, cái con nhỏ vất vơ nào đó, nói ra cái gì, thì nó răm rắp nghe theo như kinh điển. Thiệt là bực. Con mình sinh ra, dạy dỗ, nuôi nấng, mà nó không xem mình bằng …
Ông chồng bà cắt ngang:
– Thôi bà ơi. Nó cũng đã lớn rồi, khi mới yêu, thì ai cũng vậy, mai mốt sẽ khác. Bà có nhớ không, hồi xưa khi tôi mới yêu bà, tôi cũng nghe theo bà răm rắp …
– Bây giờ thì ông không thèm nghe theo tôi bất cứ chuyện gì nữa. Lại còn nạt nộ, gầm gừ.
– Có chứ, khi nào bà nói đúng thì tôi nghe theo, chứ bà sai, bắt tôi theo sao được? Ngay cả bà nội tôi, nếu nói sai, thì tôi cũng phải thưa lại cho đúng, chứ huống chi là vợ?
– Ừ, bây giờ anh có tôi rồi, thì xem thường nhé!
– Vẫn quý vợ như thường. Nhưng đúng sai, phải làm cho ra lẽ.
Mỗi lần bà thấy Tâm không hớt tóc theo kiểu cũ, lối tóc xửng ra như rễ tre, mà hớt lối mới trông gọn gàng, lịch sự hơn. Bà khen Tâm. Tâm nói rằng Lam không thích kiểu tóc cũ. Nghe mà bà giận, bực mình. Nhưng bà công nhận kiểu tóc mới, con bà trông đàng hoàng hơn.
Mấy tuần sau, khi Hương đi chơi về, báo cho bà Năm biết:
– Mẹ ơi, Con gặp anh Tâm đang bưng thức ăn cho khách tại tiệm Hương Bình. Anh còn cắt rau, nhặt tôm, phụ bếp nữa.
– Mẹ không hiểu con nói gì.
– Tiệm của bố mẹ chị Lam ấy mà! Anh ấy đến đó làm việc, lấy điểm với ông bà già chị Lam.
Bà Năm mặt mày nhăn nhó, thở dài, thất vọng nói:
– Tiền bạc nó đâu có thiếu. Ở nhà thì chưa bao giờ rửa cái bát. Chưa bao giờ nấu nồi nước sôi giúp mẹ. Chắc cũng làm không công. Thế mà, thế mà …
Ngay tức thì, bà kêu Hương lái xe cho bà đi xem mặt mũi cái con Lam kia ra thế nào, mà sai khiến được ông con cưng của bà như vậy.
3.
Bà Năm hầm hầm đi theo con gái, miệng mím lại. Hương dặn bà đừng vào tiệm, đi ngang qua bên ngoài dòm vô thôi. Hai mẹ con đi qua tiệm nhiều lần. Khi được nhìn thấy mặt đứa con gái tên Lam, bà càng giận hơn. Trở về nhà, bà bứt rứt, đi lui đi tới, chờ anh con trai cưng về; bà sẽ cho một trận tơi bời cho đã giận. Khi Tâm về nhà, chưa kịp thay áo, đã bị bà Năm gào to:
– Khôn nhà dại chợ, việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng. Việc nhà không đụng móng tay vào, ra ngoài thì làm mọi không công cho thiên hạ. Học hành cho giỏi, đỗ đạt bằng cấp nầy nọ, mà vẫn cứ ngu dại như thường.
– Thưa mẹ, mẹ nói gì?
– Thằng ngu! Cái con Lam đó, xấu xí, da ngăm, trán ngắn, mắt hí, mũi xẹp, miệng móm, ngực lép, mông teo. Ðã ăn phải bùa mê thuốc lú của nó chưa, mà đi làm mọi cho gia đình nó? Nếu nó đẹp đẽ, nghiêng nước nghiêng thành, mà mê nó, thì không nói làm chi. Xấu xí như vậy, mà cũng mê muội, mới tức chứ. Cha mẹ nói thì không nghe, lại nghe lời đứa con gái vất vơ đó. Tưởng cành vàng, lá ngọc, con vua, cháu chúa chi cho cam, con nhà tiệm ăn …
– Mẹ đừng kỳ thị. Mẹ từng nói với con, nghề nào cũng quý. Sao bây giờ mẹ chê nghề tiệm ăn? Mẹ thấy Lam xấu, mà con thấy đẹp thì sao? Tùy theo khiếu thẩm mỹ của mỗi người.
Bà Năm cười chán nản, và chế nhạo. Lặp lại một lần nữa, cái nhận xét của bà về cô Lam:
– Ừ, cái khiếu thẩm mỹ của anh lạ lắm, đen điu, trán ngắn, mắt hí, mũi xẹp, miệng móm, người lép kẹp, là đẹp, đẹp lắm. Ha ha ha …
– Nhưng tổng hợp tất cả lại, thì nhìn rất có duyên mẹ à. Con gái, có duyên thì thu hút và hấp dẫn hơn đẹp. Con không cần vợ đẹp. Mấy cô đẹp, thì kênh kiệu, vác cái mặt lên, đòi hỏi đủ điều, và tham vọng không bao giờ ngừng. Họ khó khăn, họ tưởng đâu có cái đẹp là có quyền hành như bà hoàng. Lấy mấy cô nầy làm vợ, mệt lắm, và chưa chắc đã được lâu bền.
Bà Năm há miệng ra vì ngạc nhiên, nhìn ông con trai của bà chòng chọc. Bà nói:
– Khiếp, ăn nói như cụ già tám mươi. Ai dạy cho anh những điều đó? Thôi, anh đã khôn đến vậy, thì mẹ chịu thua.
– Thì ba mẹ vẫn thường nói vậy, và kinh nghiệm riêng của con cũng thấy thế.
Thương và cưng con, bà không muốn con bà thương ai hơn, nghe lời ai hơn là nghe lời bà. Cái ác cảm với cô Lam không làm sao vơi được trong lòng bà.
4.
Những khi Tâm mời Lam về nhà chơi, bà Năm cố tình làm mặt lạnh nhạt, và để lộ ra rằng, bà không ưa cô. Bà còn nói bóng gió xa gần rằng, đàn bà không có ngực, sau nầy khó nuôi con. Ðàn bà vòng mông nhỏ, sinh con khó, hiếm muộn. Lam vẫn vui vẻ, bình thường, làm như không biết bà Năm đang ám chỉ cô. Thấy thái độ của mẹ, Tâm không dám đem Lam về thăm nhà thường xuyên. Ông Năm khuyên vợ rằng:
– Bà càng tỏ ra chống đối, thì chúng nó càng khắng khít. Tình yêu là một thứ kỳ cục, càng có nhiều trắc trở, thì càng nhiều nồng nàn, cháy bỏng. Tình yêu xuôi chèo thuận mái quá, thì cũng không bền. Bà cứ để cho chúng nó tự do tìm hiểu nhau, đừng gây trắc trở, khó khăn, mà sau nầy có hậu quả không tốt, con dâu nó xa lánh gia đình chồng, và mình cũng mất con luôn.
Bà Năm cũng hiểu thế. Nhưng cái ghét bỏ cô Lam vẫn tiềm tàng trong lòng bà. Có lẽ tại vì Tâm nghe lời cô nầy răm rắp, mà không nghe lời bà, là người mẹ đã dành hết yêu thương cho con. Nó coi người khác quan trọng hơn bà. Ông Năm nói rằng, việc chi mà ganh tị tình thương? Khi còn trẻ, thì ganh với bà mẹ chồng, bây giờ thành bà mẹ chồng, thì lại ganh với con dâu.
Cứ cái vòng luẩn quẩn quay đi quay lại mãi, không được gì, mà chỉ gây thêm sứt mẻ, lộn xộn. Dân Á đông, thì mẹ chồng nàng dâu lục đục. Dân Âu Mỹ, thì mẹ vợ và con rễ không ưa nhau. Có cả ngàn câu chuyện chế giễu bà mẹ vợ do các ông viết ra. Như chuyện diễu về ông Adam, thủy tổ loài người, bảo rằng ông nầy là người đàn ông sung sướng nhất, vì ông không có một bà mẹ vợ.
Dù cho bà Năm có bóng gió, nói xấu cô Lam đến mấy, anh con trai cưng của bà vẫn không suy suyển cái tình si dành cho cô nầy. Bà mẹ có dàn cảnh, giới thiệu cho anh bao nhiêu cô gái khác, đẹp hơn, anh cũng không màng liếc mắt đến.
Bà Năm cắn răng chấp nhận cho Tâm cưới cô Lam. Bà tiếc rằng, từ nay những bà bạn có con gái đến tuổi cặp kê, hết o bế bà, bớt nồng nàn, tử tế như xưa.
5.
Sau đám cưới, bà Năm xuống nước năn nỉ Tâm khoan dọn ra riêng. Anh con trai không trả lời dứt khoát, và cho biết tùy theo ý kiến của vợ. Bà Năm phải nói thẳng với cô con dâu rằng, nếu các con khoan dọn ra riêng, thì sẽ tiết kiệm được một số tiền, mua nhà sớm hơn, và tốt hơn.
Cô con dâu vui vẻ trả lời rằng, nếu ba mẹ cho chúng con ở chung trong thời gian đầu, thì chúng con mừng lắm, được ba mẹ cho ở, cho ăn, và gia đình sum vầy, thì vui hơn là tách biệt ra. Câu nói của đứa con dâu làm bà mát ruột. Sau thời gian đầu bỡ ngỡ, đứa con dâu dần dần thích nghi với sinh hoạt của gia đình. Ban đầu, bà Năm nghĩ rằng, lại phải hầu hạ thêm một cô nương nữa. Bà không ngại, miễn sao giữ anh con trai cưng của bà lại trong gia đình là được. Mỗi khi cô con dâu tự ý làm giúp cho ông bà việc gì, bà Năm nói nhỏ với chồng:
– Cô dâu nầy, ưa làm màu lắm.
Ông chồng bà trả lời:
– Thà có đứa con dâu làm màu, còn hơn là đứa ngang ngạnh, không coi ai ra gì.
Nhiều buổi sáng rất sớm, bà Năm nghe tiếng thở phì phò, tiếng huỳnh huỵch ngoài phòng khách, bà tưởng hai vợ chồng anh con trai đang làm trò khỉ. Một lần bà hé cửa nhìn xuống lầu, thấy Tâm và Lam đang múa tay, múa chân tập thể dục. Bà lắc đầu. Con trai bà, chưa thấy tập thể dục bao giờ, nay vì vợ mà tập. Bà cho rằng, con trai mà nghe lời vợ quá, cũng không tốt. Bà thử múa tay, uốn éo thân mình theo các cử động của hai người, bà nghe khoái cảm trong bắp thịt, xương cốt, và tiêu tan bớt rất nhiều mỏi mệt. Không lâu sau đó, nhiều buổi sáng, bà tập thể dục theo con, và cả ông Năm cũng tham gia. Trong phòng khách buổi sáng, theo tiếng hô của Lam, bốn người nhịp nhàng múa tay chân, hít thở trong vòng hai mươi phút trước khi ăn điểm tâm và đi làm việc. Mỗi sáng thứ bảy, chủ nhật, Tâm lái xe ra công viên rất sớm, cùng cha mẹ và vợ, chạy bộ vòng quanh sân cỏ, hít thở không khí trong lành, tập những động tác uyển chuyển.
Sau đó, cùng đi ăn sáng. Bà Năm cảm thấy, nhờ có đứa con dâu mà tình mẹ con của bà gần gũi hơn, sau bao nhiêu năm gần như gián đoạn, kể từ ngày anh bước vào tuổi mười tám, hai mươi.
Hai ông bà Năm trở nên mê cái món cháo gạo lức, nấu đặc rền, ăn với cá nục kho khô, mặn, có tiêu ớt. Ăn vào buổi sáng, do cô con dâu nấu. Ban đầu bà Năm cười cái món ăn nầy của người nhà quê. Nhưng cô dâu nói rằng, đây là món ăn vua chúa, chứ không phải món nhà quê. Sử sách có chép rõ, các ông vua triều Nguyễn rất khoái ăn cháo trắng buổi sáng. Ông bà Năm cũng phải công nhận ăn cháo vừa ngon, vừa tốt cho sức khỏe, bớt được chất béo, chất đường.
6.
Mỗi buổi chiều, bà Năm về nhà trước con dâu chừng nửa giờ. Bà vào bếp chuẩn bị, cắt rau, cắt thịt. Cô con dâu vất xong cái cặp vào phòng, chạy vội xuống bếp, phụ mẹ chồng sửa soạn cơm tối. Thời gian đầu, cô phụ làm các việt lặt vặt, chỉ làm những chuyện mẹ chồng sai bảo. Cô con dâu phụ bếp, dù không phụ được gì nhiều, nhưng bà Năm thấy vui, tự ái của bà không bị tổn thương. Bà có thể hầu chồng, hầu con, chứ không muốn mang tiếng làm mọi cho cả con dâu. Nhìn thấy cô con dâu vui vẻ, hát hò trong khi làm bếp, bà cũng vui lây. Thì ra, cô làm với tấm lòng, với sự chia xẻ, chứ không phải miễn cưỡng. Cô con dâu múa dao lia lịa, cắt hành, cắt rau, ớt, nhanh như các anh đầu bếp Tàu chiếu trên truyền hình. Thỉnh thoảng, cô con dâu đề nghị bà Năm nấu món ngon cho cả nhà, ăn chơi cho vui, ăn chơi ngon hơn ăn thật, cô lảnh trách nhiệm nấu các món nầy. Cô nấu phở, bún bò, cháo lòng, hủ tiếu, bánh canh, bún riêu, mỗi chiều ăn một món thay cơm. Cả nhà vui vẻ hơn, ông Năm nói rằng, nấu ở nhà ngon như thế nầy, thì đi tiệm làm gì. Bà Năm học thêm được những bí quyết nấu ăn của cô dâu, và cộng thêm kinh nghiệm cũ, bà nấu càng ngon hơn. Bà mời bạn bè chồng đến, trổ tài nấu nướng. Nhiều người khen và khuyến khích bà ra mở tiệm ăn. Bà con, bạn bè đòi hùn vốn mở tiệm. Bà Năm sung sướng và quyết định thôi việc, ra làm kinh doanh. Trong một bữa ăn, cô con dâu nói với ông bà:
– Dì Chính bảo rằng, nếu mình ghét ai thậm tệ, muốn trả thù, thì cứ đem tiền cho mượn, xúi họ mở tiệm ăn, cho họ khổ, bỏ ghét. Làm tiệm ăn, khách ít thì lo, khách đông thì khổ, làm một ngày mười sáu, mười tám giờ cũng không hết việc. Nắng cũng lo, mưa cũng lo. Cực lắm, đầu bếp cũng cực, phụ bếp cũng cực, chủ tiệm còn cực hơn. Dì Thu bạn của mẹ con mở tiệm phở, bị ông đầu bếp bóp cổ, phải kêu cảnh sát can thiệp. Ông đầu bếp mệt và cực quá, mà Dì thì quá lo lắng, thúc hối, hỏi han. Ông nổi khùng, bóp cổ Dì. Bố mẹ con, lỡ mở tiệm, không lui được nữa, cực lắm lắm, ông bà mệt quá, gây gỗ nhau hoài. Nếu mẹ muốn mở tiệm ăn, thì hãy suy nghĩ cho kỹ lại. Ít nhất cũng giả vờ đi làm công cho thiên hạ, phụ bếp hoặc làm đầu bếp vài ba tháng cho biết đá biết vàng. Rồi quyết định.
Nghe con dâu nói bà hoảng hồn. Không dám ra làm kinh doanh nữa.
7.
Nhiều hôm, cô con dâu hớt hải chạy về kêu bà Năm thay áo quần ra xe đi gấp, ra phố mua hàng với cô. Vì hàng hạ giá, chỉ còn một hôm nữa là hết hạn. Cô ríu rít khoe rằng có người mách cho biết, hàng hạ xuống trên bảy mươi lăm phần trăm, không mua uổng lắm.
Bà vui vẻ ngồi bên đứa con dâu, cô vừa lái xe vun vút trên xa lộ, vừa nói chuyện vui vẻ. Khi vào tiệm, cô ép bà thử áo nầy, thử váy kia, tíu tít. Rồi cô con dâu dành trả tiền mua áo quần cho mẹ chồng. Để bà khỏi thắc mắc, cô nói:
– Tiền nầy do anh Tâm làm ra, mẹ có quyến xài. Anh Tâm sẽ rất vui, khi biết mẹ dùng tiền nầy.
Sau đó, hai mẹ con rủ nhau đi ăn, ngồi nói chuyện trong quán, và mua thức ăn về cho cả nhà. Có lần bà Năm giận ông chồng, ngồi khóc. Cô con dâu đến ôm bà, vuốt ve và hôn lên trán bà mà an ủi. Cô kéo bà đứng dậy, đi rủ bà lên San Francisco chơi.
Hai mẹ con đi bộ long rong qua chợ Tàu. Khi đã mỏi chân, cô con dâu cùng bà vào quán cà phê, ngồi ở dãy bàn dọn lấn ra trên lề đường cùng uống trà, ăn kem. Ngồi nhìn thiên hạ qua lại, cô con dâu nói với bà:
– Ngồi đây, đôi khi cũng thấy tâm hồn thư thái. Nhìn cái tất bật của thiên hạ, thấy cái nhàn nhã của mình, rồi biết quý cái hạnh phúc đơn sơ mà mình đang có.
Bà Năm cũng thấy vui vui, và quên bớt đi cái giận hờn ông chồng. Cô dâu nói với bà:
– Trời có khi nắng khi mưa, vợ chồng có khi vui khi buồn. Rồi mọi sự đều qua. Khi nào buồn, con đem mẹ đi chơi, giải trí. Hôm nào hai mẹ con mình rủ nhau đi xem chớp bóng, khuya mới về, để cho các ông ở nhà chờ, và đói một bửa chơi. Như vậy, các ông mới biết quý cái không khí ấm áp của bữa cơm bình thường mỗi ngày trong gia đình.
Mỗi buổi sáng, ông Năm đều nhắc rằng, nhờ có cái máy cà phê áp suất do cô con dâu mua tặng, nên ông có cà phê ngon mà uống. Đến sở khỏi phải tốn tiền mua cà phê áp suất bên góc đường. Nhiều hôm cô con dâu mua thức ăn ngon bên ngoài đem về. Ríu rít nói là cô ăn ngon quá, mua về cho cả nhà ăn cho vui. Không cần ăn ngon hay dở, nghe thế là bà Năm đã cảm động. Xưa nay, con bà, chồng bà, chưa hề thấy ngon mà mua về cho bà.
Sau một thời gian ở chung với cô con dâu, đi đâu, bà Năm cũng khoe là bà có thêm một đứa con gái, có thêm một người bạn thân để tâm sự khi vui buồn. Bà nói thêm, từ ngày anh con trai có vợ, gia đình thấy vui vẻ, hạnh phúc và thương yêu nhau hơn. Bà khen anh con trai khôn ngoan và khéo chọn bạn trăm năm. Bà không còn chê cô dâu là trán ngắn, mắt hí, miệng móm nữa.
8.
Một hôm đã khuya, bà Năm thức giấc xuống lầu uống nước, thấy có bóng người thấp thoáng ở sân sau nhà, bà ghé mắt nhìn. Trăng vằng vặc trải ánh vàng xuống khắp vườn. Bà thấy Tâm quàng tay qua vai vợ ngồi tựa ngữa, chân gác lên ghế. Bà nghe tiếng thì thầm:
– Đôi khi thấy mẹ anh thương, và bênh em, làm anh phát ghen lên. Em làm gì mà mê hoặc được mẹ anh đến thế?
Tiếng cô con dâu trong trẻo đáp lại:
– Thương yêu và thông cảm. Đem hết tấm lòng mình ra mà đãi người, rồi sẽ được đáp lại bằng tấm lòng. Nhờ em biết thương yêu ba mẹ anh như ba mẹ ruột, thì ông bà mới thương yêu em như con ruột. Em có thêm một ông bố, một bà mẹ, một cô em, có thêm nhiều tình thương. Từ đó, vợ chồng mình hòa thuận hơn, thương yêu nhau hơn, và lâu bền hơn, hạnh phúc hơn.
Bà Năm len lén trở lại phòng, chíp miệng và nghĩ rằng, bà đã già một đời mà còn ngu dại, cứ ganh ghét với gia đình chồng, ganh ghét với con dâu. Bọn trẻ con ngày nay, có nhiều đứa khôn nứt hạt.
Tràm Cà Mau
Nói chung ông Trọng tính không bằng trời tính. Kế hoạch “đưa TXT về đầu thú” được tính toán rất kỹ càng, sử dụng cả “chim mồi” gì đó, đưa được TXT về rồi, báo chí VN được phép loan tin rồi, ông Tổng rất lấy làm hể hả, chuyến này củi tươi củi ướt gì cũng cháy bùng bùng, thêm đám DLV hả hê cười chế nhạo cảnh sát, an ninh Đức dở ẹt, để cho mật vụ VN vào bắt cóc người ngay giữa Berlin…Mà không biết rằng cảnh sát Đức đã biết ngay sau khi vụ bắt cóc vừa xảy ra nhưng vì sự an ninh của TXT và vì họ còn phải điều tra nên họ chưa lên tiếng. Đến khi phía VN lên tiếng, họ mới phản đòn, dữ dội, dựa trên toàn bộ chứng cứ họ nắm được.
Người tính không qua Trời tính. Có ít nhất 4 yếu tố ngoài dự đoán, tính toán của cha con ông Trọng. Thứ nhất là vụ bắt cóc có người chứng kiến, ghi lại biển số xe và báo ngay cho cảnh sát Đức. Thứ hai, ông TXT lại…làm rớt cái điện thoại di động tại hiện trường, thế là những cú điện thoại liên lạc của ông với ai, với ai, cảnh sát Đức sẽ nắm được. Thứ ba, như các tờ báo Đức đưa tin, mật vụ VN đã hết sức sai lầm khi thuê xe hơi có hệ thống định vị GPS chống trộm xe, thế là toàn bộ lịch trình đi lại của cái xe vào ngày TXT bị bắt cóc, cảnh sát nắm hết. (“Lỗi lầm cốt tử của mật vụ Việt Nam: Hệ thống định vị GPS chống trộm xe”, Vietnamweek). Thứ tư, VN đã chọn không đúng ngày thực hiện vụ bắt cóc. Cũng báo chí Đức đưa tin, vào ngày CN khi vụ việc vừa xảy ra thì thứ Hai TXT có một cuộc hẹn quan trọng với chính quyền Đức về vụ đơn xin tỵ nạn, nên khi TXT không đến và điện thoại không liên lạc được thì các luật sư của TXT đã báo ngay cho cảnh sát và cảnh sát link ngay vụ này với vụ bắt cóc người tại công viên Tiergarten, chứ nếu không có cuộc hẹn đó thì chắc cũng phải ít nhất vài ba ngày, cả tuần nữa an ninh tình báo Đức mới link được hai vụ với nhau.
Và có vẻ như phía Đức vẫn còn nhiều “bài” lắm, điều tra tới đâu cảnh sát sẽ “nhá” cho báo chí truyền thông tới đó, còn phía VN ép được TXT lên TV đầu thú là “lá bài” quá thấp, chả ai tin. Và chính phủ Đức cũng còn nhiều biện pháp để trả đũa VN lắm, chứ VN có cái gì để trả đũa lại Đức?
Không hiểu làm thế nào mà đám dư luận viên cho tới mật vụ, cho tới ông Tổng Trọng lại nghĩ rằng họ có thể qua mặt được an ninh, cảnh sát Đức-đất nước từng có tổ chức tình báo và cảnh sát bí mật khét tiếng Gestapo của phát xít Đức, ai nghe tới cũng lạnh người, cho tới tổ chức an ninh mật vụ Stasi thời cộng sản Đông Đức- được miêu tả như là một trong những cơ quan tình báo và cảnh sát bí mật hiệu quả và có sức mạnh nhất đã từng tồn tại? Cũng như làm sao họ lại nghĩ họ có thể dỡn mặt với Đức-quốc gia nổi tiếng thượng tôn pháp luật, nói là làm, hơn cả Mỹ hay Pháp?
Có người hỏi tại sao mình lại thừa thì giờ đi theo dõi vụ TXT này. Xin thưa, ngoài việc theo dõi vụ việc như mọi sự kiện chính trị xã hội khác ở VN thì dưới góc độ làm phim hay viết kịch bản, mình thấy vụ bắt cóc này rất thú vị. Biết đâu, một ngày nào đó có cơ hội viết kịch bản phim, mình sẽ đưa vụ này vào. Nhiều khi cuộc đời còn thú vị, bất ngờ hơn tiểu thuyết, hơn phim ấy chứ. Đúng không?
Song Chi
Lương Văn Can added 39 new photos — with Ngoc Tuyet Nguyen and 5 others.
PHÉP MÀU NÀO CHO CÔ…
—–
…8 giờ 30 sáng ngày 3/8/2017 chuyến xe 16 chỗ ngồi cũ kỹ đưa Thầy trò chúng tôi gồm Thầy Cô Hưng, cô Hường (phu nhân Thầy Lý), cô Cúc Thái, chị Tuyết Lâm k.72, 8 bạn k.75 và Hà k.76 (cũng là bà xã Bùi Ngọc Châu k.75)…thẳng tiến từ SG lên Trảng Bàng thăm cô Phạm thị Khắc, nguyên là giáo sư anh văn.
Nghe tin cô không được khỏe, chúng tôi cứ liên tưởng đến hình ảnh cô nằm yếu ớt trên giường nhưng không, khi đến nơi cô đã đứng chờ sẵn trong sân với bộ nâu sòng và nụ cười trên môi…Mọi người xuống xe và lần lượt bắt tay, ôm cô thật cảm động. Cô vẫn an nhiên, tự tại, bình thản và nụ cười luôn nở trên môi như chưa hề bị bệnh. Sau màn chụp hình lưu niệm Thầy trò vào khuôn viên bên hông chùa ngồi chuyện trò, ăn bánh uống nước. Tiếng nói của cô vẫn vậy, giọng nói vẫn như xưa, rõ ràng .Cô vui lắm nói chuyện huyên thuyên, trả lời mọi câu hỏi một cách nhiệt tình, bình tĩnh.
…rồi cô lại quay sang nói về tôi – đứa học trò gần cô nhiều nhất khi xưa, vì ngoài việc được cô dạy anh văn từ đệ thất, đệ lục, đệ ngũ, cô còn là giáo sư hướng dẫn lớp tôi hai năm liền, và hơn thế nữa khi mới ra trường tôi được may mắn về dạy chung trường với cô …Cô nhắc chuyện chúng tôi làm đơn xuống phòng Thầy Hiệu trưởng khóc lóc đòi cô tiếp tục hướng dẫn lớp đệ ngũ., cô lại nhắc chuyện tình học trò của tôi…rồi bất chợt cô hỏi tôi bây giờ sao rồi… cô làm tôi xúc động bồi hồi không ngờ cô còn nhớ tất cả mọi chuyện cách đây hơn 40 năm…
Cô có điện thoại của anh Phuc Nguyen trong lúc cô nói chuyện tôi nắm bàn tay cô chợt phát hiện cánh tay phải to tròn hơn cánh tay trái rất nhiều, vén tay áo lên cao thì thấy bắp tay đỏ sần, tôi hỏi, cô bảo là tay cô đã bị di căn do ung thư vú , cô phải tập luyện mỗi ngày, viết chữ, quét sân khi có thể… tôi hỏi cô có uống thuốc hay xoa bóp cho tay trở lại bình thường được không, cô nói :” nó sẽ ngày càng sưng to chứ không nhỏ lại nữa…”, tôi chợt nhớ đến cô bạn đồng nghiệp Hưng phú B khi xưa, cũng bị ung thư vú, rồi một cánh tay sưng to đau nhức dữ dội, chị ấy mất sau đó chẳng bao lâu… tôi nhìn cô và hiểu, vậy mà cô bình tĩnh lạ thường…
Cô đầy nghị lực, cô vui, cô thản nhiên chỉ để mọi người tin là cô vẫn khỏe chứ cô thật sự biết mình như thế nào . Cô nói cô đã chuẩn bị tất cả rồi, cô bảo khi cô đi thì không làm đám tang rình rang, không kèn trống, các em thương cô thì lặng lẽ thắp nhang thôi… ngồi nghe cô nói mà xót xa, thương cô mà chẳng biết phải làm sao…Tôi cầm điện thoại khoe tấm hình cô và cô Cúc vừa mới chụp cho cô xem cô ngắm rồi khen cô Cúc trẻ đẹp quá, còn cô chỉ là một bà già…tôi vô duyên chưa từng có khi an ủi cô” nếu cô để tóc dài, trang điểm lên thì cô cũng trẻ đẹp mà.” Ngoc Suong nhìn tôi khoác tay và lắc đầu, tôi chợt hiểu… có tiếng bạn nào chữa cháy: “cô 80 tuổi mà như vầy, không biết tụi em tới tuổi đó biết có được như cô không?”.
Đến giờ phải về, mọi người lại mời cô ra sân chụp hình lưu niệm, trước khi lên xe ai cũng ngậm ngùi ôm hôn cô từ giã, tự hỏi không biết có phải đây là lần gặp gỡ sau cùng hay không? nhưng lòng vẫn mong sẽ còn gặp cô nhiều lần nữa.
Ra về mà tôi cứ canh cánh suy nghĩ đến những khi đau nhức không biết có ai bên cạnh để xoa bóp, an ủi cô không ? dù cô nói cô luyện tập, thiền, đọc kinh,…tôi mong sao có phép màu nào đó giúp cô được khỏe qua được bệnh tật , sống thêm được nhiều năm, hoặc nếu không thì phép màu nào giúp cô không phải đau đớn trong những ngày cuối đời cho cô ra đi thật bình yên…
Chúng em thương Cô lắm Cô ơi !
Tác giả: Cỏ Tím.
Cảm ơn bạn Nguyễn Thị Hiệp đã tổ chức chuyến đi này, cảm ơn Thầy Cô và các bạn.)
Qua các vụ việc liên quan đến giới chức cao cấp trong ngành ngân hàng như ông Trầm Bê bị bắt, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa không được thực hiện chấp nhận thủ tục xin thôi việc và cựu giới chức ngành dầu khí, ông Trịnh Xuân Thanh được nói ra đầu thú sau gần 1 năm bị phát lệnh truy nã… có phải chiến dịch chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề xướng bắt đầu đi vào giai đoạn nước rút trước khi ông thôi vai trò Tổng Bí thư tại Đại hội giữa nhiệm kỳ của Đảng Cộng Sản Việt Nam diễn ra vào đầu tháng 1 năm 2018?
Giống như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi” tại Hoa Lục, ông Nguyễn Phú Trọng, hồi năm 2012 ban hành quyết định tái lập Ban Nội chính Trung ương với nhiệm vụ chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ sau một năm ông được bầu vào vị trí Tổng Bí thư Đảng. Tuy nhiên chiến dịch chống tham nhũng do tân Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đề xướng lúc bấy giờ cần theo chủ trương “diệt chuột đừng để vỡ bình”.
Với quyết tâm chống tham nhũng của người đứng đầu Đảng lãnh đạo như vừa nêu, dư luận trong và ngoài nước không mấy trông chờ vào kết quả khả quan trước tệ trạng tham nhũng tràn lan mà dân chúng trong nước kêu than từ địa phương đến trung ương đều tham nhũng. Nguyên Đại Biểu Quốc Hội Lê Văn Cuông từng khẳng định với Đài Á Châu Tự Do rằng mặc dù Đảng và Nhà Nước quyết liệt chống tham nhũng nhưng vẫn không đạt được hiệu quả vì:
“Hoạt động của bộ máy chống tham nhũng là chưa có kết quả, bởi vì mang tính chất hô hào chứ chưa đi vào hoạt động một cách có trách nhiệm hay có hiệu lực. Điều đó cho thấy cần một cách thức chỉ đạo giải quyết vấn đề này một cách quyết liệt và hiệu lực hơn. Còn nếu như lâu nay thì tình trạng rất khó có sự chuyển biến mang tính chất đột phá.”
Chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam được ghi nhận đạt thành tích qua việc Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam kỷ luật Ủy viên Bộ Chính Trị, ông Đinh La Thăng tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5, Khóa 12 hồi đầu tháng 5 năm 2017, cũng như trước đó, ngay sau Đại hội Đảng lần thứ 12 vào đầu năm 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiến hành chưa có tiền lệ là cách chức một người đã về hưu, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và truy nã đối với ông Trịnh Xuân Thanh, cấp dưới của ông Đinh La Thăng trong vụ đại án tham nhũng ở Tập đoàn Dầu Khí, nhưng ông Thanh đã bỏ trốn ra nước ngoài.
Tôi hoan nghênh những vụ án tham nhũng lớn bắt đầu có thể mở ra và việc bắt Trịnh Xuân Thanh về nước và Trầm Bê cùng một số vụ án khác thì có lẽ sẽ còn đi vào các mối quan hệ lớn mà từ trước giờ nhiều người mong đưa ra rằng sau đứng những những nhân vật đó là ai? Tại sao những người làm sai thời gian dài như thế mà không xử lý
-Luật sư Trần Quốc Thuận
Ngay thời điểm ông Đinh La Thăng bị kỷ luật, buộc phải ra khỏi Bộ Chính Trị, Giáo sư Vũ Tường, giảng dạy trong Khoa Chính trị, tại Đại học Oregon, Hoa Kỳ và cũng là nhà quan sát chính trị Việt Nam nói với RFA rằng “Đó là một thành công rất nhỏ bé” và Giáo sư Vũ Tường nhấn mạnh:
“Tôi còn chờ xem họ sẽ có đưa ông Thăng và tay chân ông ấy ra pháp luật hay không? Nếu làm được điều đó thì mới có tiến bộ.”
Sự chờ đợi không chỉ của riêng Giáo sư Vũ Tường đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu mà nhiều người cho là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang ráo riết thực hiện quyết tâm của ông trong chiến dịch chống tham nhũng, trước khi ông thôi chức vụ Tổng Bí thư vào Đại hội giữa nhiệm kỳ của Đảng Cộng Sản Việt Nam, diễn ra trong đầu tháng 1 năm 2018.
Chỉ trong mấy ngày qua, những thông tin dồn dập được truyền thông nhà nước loan đi liên quan hai giới chức cao cấp của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín-Sacombank, ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang bị khởi tố bắt tạm giam về tội “cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa không được chấp nhận cho thôi việc trong quá trình bà Thoa bị xem xét kỷ luật do nghi vấn khối tài sản giá trị lớn của bà bất minh và thông tin nổi cộm nhất là ông Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú sau gần một năm trốn sang Đức và xin quy chế tị nạn.
Trước những thông tin như thế, rất nhiều người tỏ ra phấn khởi, như Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội Việt Nam, chia sẻ với RFA:
“Tôi hoan nghênh những vụ án tham nhũng lớn bắt đầu có thể mở ra và việc bắt Trịnh Xuân Thanh về nước và Trầm Bê cùng một số vụ án khác thì có lẽ còn đi vào các mối quan hệ lớn mà từ trước giờ nhiều người mong đưa ra rằng sau đứng những những nhân vật đó là ai? Tại sao những người làm sai thời gian dài như thế mà không xử lý? Theo tinh thần, nghị quyết của Đảng là không chừa người nào, cho dù người đó đang làm việc hay đã nghỉ thì cũng phải xử lý đến nơi đến chốn. Đó là dấu hiệu tích cực.”
Hầu hết những người quan sát về chính trường và nội bộ của Đảng Cộng Sản Việt Nam và những người cầm quyền thì đều cho đây họ chỉ núp danh chống tham nhũng, thực tế đều nghĩ rằng đó là sự đấu đá nội bộ và phe nhóm thôi
-Nhà báo tự do Sương Quỳnh
Thế nhưng, Đài Á Châu Tự Do cũng ghi nhận không ít người lại lo ngại rằng “dấu hiệu tích cực” theo như nhận xét của Luật sư Trần Quốc Thuận sẽ theo hướng nào vì một số nhà phân tích tình hình chính trị Việt Nam cho rằng cuộc tranh giành và đấu đá quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng Sản đang đến hồi gay cấn khi nhóm thuộc phe của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị “vào tròng”.
Nhà báo tự do Sương Quỳnh nói với chúng tôi về quan điểm của bà trước diễn tiến trong những ngày đầu tháng 8:
“Hầu hết những người quan sát về chính trường và nội bộ của Đảng Cộng Sản Việt Nam và những người cầm quyền thì đều cho đây họ chỉ núp danh chống tham nhũng, thực tế đều nghĩ rằng đó là sự đấu đá nội bộ và phe nhóm thôi. Bây giờ thấy qua cách bắt bớ và làm một việc hết sức bất lợi cho Việt Nam, đó là bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, theo lời cáo buộc của Đức. Nếu đúng như vậy thì họ không cần biết đến ngoại giao đối với các nước như thế nào, họ không cần quan tâm đến dư luận của thế giới nữa thì chỉ là nhóm lợi ích này hay nhóm lợi ích khác hoặc quyền lực này hay quyền lực khác đánh nhau mà thôi.”
Đồng quan điểm với Nhà báo tự do Sương Quỳnh, một số nhà quan sát tình hình chính trị trong nước mà chúng tôi tiếp xúc cho biết khó tiên liệu được kết quả của cuộc đấu đá nội bộ mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa có lời ví von “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy”, nhưng họ đều khẳng định Đảng Cộng Sản lãnh đạo thừa biết và nhận thức rõ tệ trạng tham nhũng chỉ giải quyết được một khi thể chế chính trị tại Việt Nam thay đổi.