httpv://www.youtube.com/watch?v=JMf7gbJA6pU
Lễ Các Thánh-Kiên Cường Chuyển Đổi Trần Hoàn, Trung Trinh Tỏa Chiếu Thiên Quang Muôn Đời-Cha Hồng
httpv://www.youtube.com/watch?v=JMf7gbJA6pU
Lễ Các Thánh-Kiên Cường Chuyển Đổi Trần Hoàn, Trung Trinh Tỏa Chiếu Thiên Quang Muôn Đời-Cha Hồng
Vì sao người lương thiện cả đời gặp nỗi buồn và trắc trở
Tôi đã tìm một người thầy thông thái và đạo hạnh xin chỉ bảo:
-Vì sao những người lương thiện như con lại thường xuyên cảm thấy khổ, mà những người ác lại vẫn sống tốt như vậy
Thầy hiền hòa nhìn tôi trả lời:
– Nếu một người trong lòng cảm thấy khổ, điều đó nói lên rằng trong tâm người này có tồn tại một điều ác tương ứng. Nếu một người trong nội tâm không có điều ác nào, như vậy, người này sẽ không có cảm giác thống khổ. Vì thế, căn cứ theo đạo lý này, con thường cảm thấy khổ, nghĩa là nội tâm của con có tồn tại điều ác, con không phải là một người lương thiện thật sự. Mà những người con cho rằng là người ác, lại chưa hẳn là người thật sự ác. Một người có thể vui vẻ mà sống, ít nhất nói rõ người này không phải là người ác thật sự.
Có cảm giác như bị xúc phạm, tôi không phục, liền nói:
-Con sao có thể là người ác được? Gần đây, tâm con rất lương thiện mà!
Thầy trả lời:
-Nội tâm không ác thì không cảm thấy khổ, con đã cảm thấy khổ, nghĩa là trong tâm con đang tồn tại điều ác. Con hãy nói về nỗi khổ của con, ta sẽ nói cho con biết, điều ác nào đang tồn tại trong con.
Tôi nói:
-Nỗi khổ của con thì rất nhiều! Có khi cảm thấy tiền lương thu nhập rất thấp, nhà ở cũng không đủ rộng, thường xuyên có “cảm giác thua thiệt” bởi vậy trong tâm con thường cảm thấy không thoải mái, cũng hy vọng mau chóng có thể cải biến tình trạng này; trong xã hội, không ít người căn bản không có văn hóa gì, lại có thể lưng quấn bạc triệu, con không phục; một trí thức văn hóa như con, mỗi tháng lại chỉ có một chút thu nhập, thật sự là không công bằng; người thân nhiều lúc không nghe lời khuyên của con, con cảm thấy không thoải mái…
Cứ như vậy, lần lượt tôi kể hết với thầy những nỗi thống khổ của mình.
Thầy gật đầu, mỉm cười, một nụ cười rất nhân từ đôn hậu, người từ tốn nói với tôi:
– Thu nhập hiện tại của con đã đủ nuôi sống chính con và gia đình. Con còn có cả phòng ốc để ở, căn bản là đã không phải lưu lạc nơi đầu đường xó chợ, chỉ là diện tích hơi nhỏ một chút, con hoàn toàn có thể không phải chịu những khổ tâm ấy.
-Nhưng, bởi vì nội tâm con có lòng tham đối với tiền tài và của cải, cho nên mới cảm thấy khổ. Loại lòng tham này là ác tâm, nếu con có thể vứt bỏ ác tâm ấy, con sẽ không vì những điều đó mà cảm thấy khổ nữa.
– Trong xã hội có nhiều người thiếu văn hóa nhưng lại phát tài, rồi con lại cảm thấy không phục, đây chính là tâm đố kị. Tâm đố kị cũng là một loại ác tâm. Con tự cho mình là có văn hóa, nên cần phải có thu nhập cao, đây chính là tâm ngạo mạn. Tâm ngạo mạn cũng là ác tâm. Cho rằng có văn hóa thì phải có thu nhập cao, đây chính là tâm ngu si; bởi vì văn hóa không phải là căn nguyên của sự giàu có. Tâm ngu si cũng là ác tâm!
– Người thân không nghe lời khuyên của con, con cảm thấy không thoải mái, đây là không rộng lượng. Dẫu là người thân của con, nhưng họ vẫn có tư tưởng và quan điểm của riêng mình, tại sao lại cưỡng cầu tư tưởng và quan điểm của họ bắt phải giống như con? Không rộng lượng sẽ dẫn đến hẹp hòi. Tâm hẹp hòi cũng là ác tâm.
Sư phụ tiếp tục mỉm cười:
– Lòng tham, tâm đố kỵ, ngạo mạn, ngu si, hẹp hòi, đều là những ác tâm. Bởi vì nội tâm của con chứa đựng những ác tâm ấy, nên những thống khổ mới tồn tại trong con. Nếu con có thể loại trừ những ác tâm đó, những thống khổ kia sẽ tan thành mây khói.”
– Con đem niềm vui và thỏa mãn của mình đặt lên tiền thu nhập và của cải, con hãy nghĩ lại xem, căn bản con sẽ không chết đói và chết cóng; những người giàu có kia, thật ra cũng chỉ là không chết đói và chết cóng. Con đã nhận ra chưa, con có hạnh phúc hay không, không dựa trên sự giàu có bên ngoài, mà dựa trên thái độ sống của con mới là quyết định. Nắm chắc từng giây phút của cuộc đời, sống với thái độ lạc quan, hòa ái, cần cù để thay thế lòng tham, tính đố kỵ và ích kỷ; nội tâm của con sẽ dần chuyển hóa, dần thay đổi để thanh thản và bình an hơn.
-Trong xã hội, nhiều người không có văn hóa nhưng lại giàu có, con hãy nên vì họ mà vui vẻ, nên cầu chúc họ càng giàu có hơn, càng có nhiều niềm vui hơn mới đúng. Người khác đạt được, phải vui như người đó chính là con; người khác mất đi, đừng cười trên nỗi đau của họ. Người như vậy mới được coi là người lương thiện! Còn con, giờ thấy người khác giàu con lại thiếu vui, đây chính là tâm đố kị. Tâm đố kị chính là một loại tâm rất không tốt, phải kiên quyết tiêu trừ!”
– Con cho rằng, con có chỗ hơn người, tự cho là giỏi. Đây chính là tâm ngạo mạn. Có câu nói rằng: “Ngạo mạn cao sơn, bất sinh đức thủy” (nghĩa là: ngọn núi cao mà ngạo mạn, sẽ không tạo nên loại nước tốt) người khi đã sinh lòng ngạo mạn, thì đối với thiếu sót của bản thân sẽ như có mắt mà không tròng, vì vậy, không thể nhìn thấy bản thân có bao nhiêu ác tâm, sao có thể thay đổi để tốt hơn. Cho nên, người ngạo mạn sẽ tự mình đóng cửa chặn đứng sự tiến bộ của mình. Ngoài ra, người ngạo mạn sẽ thường cảm thấy mất mát, dần dần sẽ chuyển thành tự ti. Một người chỉ có thể nuôi dưỡng lòng khiêm tốn, luôn bảo trì tâm thái hòa ái từ bi, nội tâm mới có thể cảm thấy tròn đầy và an vui.
-Bầu trời có thể bao dung hết thảy, nên rộng lớn vô biên, ung dung tự tại; mặt đất có thể chịu đựng hết thảy, nên tràn đầy sự sống, vạn vật đâm chồi! Một người sống trong thế giới này, không nên tùy tiện xem thường hành vi và lời nói của người khác. Dẫu là người thân, cũng không nên mang tâm cưỡng cầu, cần phải tùy duyên tự tại! Vĩnh viễn dùng tâm lương thiện giúp đỡ người khác, nhưng không nên cưỡng cầu điều gì.
-Nếu tâm một người có thể rộng lớn như bầu trời mà bao dung vạn vật, người đó sao có thể khổ đây?
Vị thầy khả kính nói xong những điều này, tiếp tục nhìn tôi với ánh mắt đầy nhân từ và bao dung độ lượng.
Ngồi im lặng hồi lâu…xưa nay tôi vẫn cho mình là một người rất lương thiện, mãi đến lúc này, phải! chỉ đến lúc này, tôi mới biết được trong tôi còn có một con người rất xấu xa, rất độc ác! Bởi vì nội tâm của tôi chứa những điều ác, nên tôi mới cảm thấy nhiều đau khổ đến thế. Nếu nội tâm của tôi không ác, sao tôi có thể khổ chứ?
Xin cảm tạ thầy, nếu không được người khai thị dạy bảo, con vĩnh viễn sẽ không biết có một người xấu xa như vậy đang tồn tại trong con!
TÊRÊSA AVILA, TÂM HỒN NHẠY CẢM
Trong kho tàng truyện kể về đời thánh nữ Têrêsa Avila, có một truyện được nhiều tác giả nhắc đến, vừa như một điển hình đời sống thiêng liêng, vừa như một tính cách rất riêng của thánh nữ. Đó là truyện “Hèn chi Chúa có ít bạn.” Chắc nhiều người đã biết? Truyện kể: Trong lần xuất thần, thánh nữ nhìn thấy tình trạng tội lỗi con người xúc phạm đến Chúa ghê gớm quá, nặng nề quá. Thế là thánh nữ buồn bã vật vã ba ngày liên tiếp không ăn uống gì. Cuối ngày thứ ba, Chúa Giêsu hiện ra, dáng vẻ dịu hiền, an ủi bằng cách trao cho thánh nữ một miếng bánh và một ly nước. Nhưng thánh nữ làm mặt giận chối từ. Chúa Giêsu dỗ dành: “Con không biết rằng Cha thường đối xử với bạn bè bằng cách gửi cho họ Thánh giá sao?” Và thánh nữ trả lời: “Hèn chi Chúa có ít bạn.” Vâng, chỉ với mẩu truyện đó thôi, có lẽ người ta cũng nhận ra tính cách của Têrêsa Avila. Đó là sự nhạy cảm.
Đọc Phúc Âm, ai trong chúng ta cũng biết định nghĩa nổi tiếng của thánh Gioan “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8), nhưng để cảm nghiệm thế nào là sức nặng của định nghĩa vắn gọn và tầm cỡ này, đó lại là chuyện không chỉ dừng lại trong ngôn từ sách vở một thời, mà còn cần đến cả một đời dấn bước kiếm tìm, thậm chí vào sinh ra tử nữa kìa. Thánh Gioan Tông đồ được Chúa Giêsu yêu dấu, nên từ cảm nhận tới cảm nghiệm có thể là vắn gọn như chính định nghĩa về Thiên Chúa của ông, nhưng với Têrêsa Avila lại là cả một sự vật lộn giữa sóng gió cuộc đời vừa hoạt động để kiếm tìm, vừa chiêm niệm để chiêm ngưỡng.
Trên bức tượng “Ecce Homo – Này là Người” (Ga 19,5) trình bày Chúa Giêsu vì yêu thương loài người mà chịu khổ nạn, để nên tình yêu lớn nhất của người dám chết vì người mình yêu, Têrêsa đã gặp được “tiếng sét ái tình” vào năm 1545, để nghiệm ra rằng: nếu Chúa vì yêu con người mà phải chịu khổ, thì con người cũng phải làm sao đáp lại cho cân xứng, với tình yêu của Chúa dành cho mình. Và thế là khởi đi từ sự nhạy cảm trong nhận thức ấy, thánh nữ đã tìm ra nẻo đi của riêng mình là “lấy tình yêu đáp trả tình yêu,” và cứ thế, như ngọn lửa một khi đã bừng lên thì không gì có thể dập tắt được nữa, thánh nữ làm tất cả mọi sự do tình yêu thúc đẩy và dâng hiến tất cả cho tình yêu.
Chả thế mà người ta vẫn bảo: đường nên thánh của Têrêsa là con đường “bốc lửa”: lửa chiêm niệm tìm ra ý Chúa mãnh liệt đến độ thường xuyên xuất thần mỗi khi cầu nguyện, và lửa yêu thương tìm gặp gỡ Chúa khít khao như lòng với lòng, đến nỗi có cảm tưởng rằng cuộc đối thoại giữa thánh nữ với Chúa không khác chi những lời gần gũi giữa cánh bạn bè, của người bạn dành cho bạn mình.
Một khi đã coi “phải làm sao cho xứng với tình yêu của Chúa” như một hướng sống, một hướng nên thánh, một hướng cải cách đời tu, thì tâm hồn Têrêsa Avila bỗng trở nên nhạy cảm vô cùng trước những gì được xem là không xứng với tình yêu ấy, trong đó tội lỗi là điều đáng buồn nhất, không phải vì nó xúc phạm tới Thiên Chúa tối cao cho bằng nó phản bội lại Thiên Chúa tình yêu, Đấng đã làm tất cả vì con người và cho con người.
Phản bội trong chính trường được xem là mưu mô, phản bội trong thương trường được coi là mánh mung, nhưng phản bội trong tình trường, dù là tình Chúa hay tình người đi nữa, cũng vẫn là điều đáng buồn nhất. Chính Chúa Giêsu đã buồn rầu hỏi Giuđa trong vườn Cây Dầu là “anh lấy cái hôn mà nộp Con Người sao?” (Lc 22,48) vì Giuđa là kẻ phản bội. Và trong truyện “Hèn chi Chúa có ít bạn” kể trên, Têrêsa buồn bã những ba ngày liền, không phải vì tội mình mà vì tội tình của người khác, đã cho thấy một con tim nhạy cảm, không rỗi hơi thương vay khóc mướn, mà chỉ vì tê tái quặn đau thấy người ta phản bội tình yêu của Chúa, còn mình trong tư cách là bạn tâm giao lại chẳng có cách nào mà can ngăn.
Rõ ràng, Têrêsa là một tâm hồn nhạy cảm. Từ nhạy cảm ngây ngất trước tình thương xót khôn cùng của Chúa, một tình yêu dám từ bỏ “lá ngọc cành vàng” để đành đoạn ôm lấy “phận cỏ mình rơm” cho rặm bụng một đời cứu thế, Têrêsa tự nhiên nhạy cảm khổ đau trước sự khốn cùng của tội lỗi nhân sinh, tội bạc tình, một thứ tội làm tê dại cõi lòng. Hoá ra, ai càng nhạy cảm với tình thương xót của tấm lòng Thiên Chúa, càng nhạy cảm hơn với sự khốn cùng của tội lỗi con người.
Đã có lần Chúa Giêsu bảo “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám thí mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15,13), để rồi từ đó trở thành quy luật của muôn đời cho những ai dám gán đời mình cho tình yêu Thiên Chúa hoặc mon men muốn nên bạn hữu của Ngài. Vâng, “yêu ai yêu cả đường đi”, yêu Chúa cũng yêu cả con đường Chúa đi năm xưa là đường Thánh giá, không phải là “mười bốn chặng đường” ngắn ngủi êm ả dễ chịu trong giáo đường, mà là những cảnh đời thường lặp đi lặp lại mỗi ngày, ở đó ý Chúa như búa đập trên ý mình và ý mình như kình chống lại ý Chúa.
Nếu “yêu là chết ở trong lòng một ít”, thì yêu Chúa cũng là phải chết đi ít một trong ý riêng để ý Chúa được thể hiện từng ngày. Như lương thực hằng ngày của “Kinh Lạy Cha” mà người theo Chúa phải làm quen dần dần từ những bước chập chững đầu tiên cho đến khi thuần thục nhuần nhị để có thể hiên ngang tiến tới trên đường trọn hảo. Đó là đường tình yêu. Mênh mông tình Chúa, mong manh tình người, nên cũng là đường Thánh giá, đường Thương khó.
Đó, “yêu Chúa” nói và hát thì dễ, nhưng khi dấn bước vào, người ta mới thấy những nỗi đa đoan vất vả không bao giờ hết, mà chỉ có những tâm hồn nhạy cảm mới có thể dự đoán và an tâm bước đều. Chúa chúng ta kỳ lắm. Người yêu những kẻ đóng đinh Người và tha thứ cho họ dễ dàng, nhưng Người lại đóng đinh những kẻ Người yêu và tặng những kẻ yêu Người Thánh giá, không chỉ một lần mà xem ra còn dai dẳng hoài hoài trong đời. Bằng một tâm hồn nhạy cảm thánh đức, Têrêsa đã hiểu đó là lộ trình nên thánh cho bất cứ ai chọn đi theo Chúa.
Tóm lại, ba nét nhạy cảm: với tình yêu vô biên của Thiên Chúa, với tội lỗi thấp hèn của nhân loại và với bước đường Thánh giá, với tội lỗi thấp hèn của nhân loại và với bước đường Thánh giá, hy vọng đã một phần nào phác vẽ lên cách đơn giản chân dung của một vị thánh lớn, thánh Têrêsa mẹ, vị anh thư cải cách dòng Cát Minh thế kỷ XVI tại Tây Ban Nha, vị tiến sĩ đã để lại cho Hội Thánh bí quyết chinh phục đỉnh cao tình yêu Thiên Chúa, và cũng còn là vị thánh thân thương có một tâm hồn nhạy cảm phi thường muốn đem tình yêu Thiên Chúa nhân rộng đến hết mọi người.
Xin nhờ lời chuyển cầu của ngài, cho cộng đoàn Cát Minh và cho những ai chân thành yêu mến thánh nữ, được luôn nhạy cảm bền bỉ khơi lên ánh lửa yêu mến trước tình yêu Chúa, để đến khi Chúa muốn, Người sẽ cho biến thành những đám cháy kỳ diệu có khả năng thiêu huỷ tội lỗi, thanh tẩy tâm hồn và lôi cuốn người ta đến với tình yêu thánh hoá, cho dẫu trước mắt vẫn còn là ngổn ngang những Thánh giá của mùa xây dựng, nhưng trong lòng đã nóng bừng hy vọng. Mong rằng câu nói “Hèn chi Chúa có ít bạn” không phải là một chân lý bất biến, nhưng là một câu nói đang chờ sự đáp ứng, để một khi mọi người đều nhạy cảm quan tâm trở nên bạn hữu của Chúa, thì thay vì ba ngày buồn bã, có lẽ Têrêsa Avila sẽ có nhiều lần ba ngày vui vẻ vì ngỡ ngàng thấy Chúa luôn có nhiều bạn mới.
Vũ Duy Thống, Gm
From: suyniemhangngay1 & NguyenNThu
Tiệm nail bị khách quỵt tiền, làm sao đòi?
Tâm An/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – “Quản lý tiệm phải biết chọn lọc khách hàng, đừng nên thấy khách nào cũng ‘hốt,’ để rồi ‘hốt’ phải ‘rác.’ Nếu thấy khách có dấu hiệu không đàng hoàng, tốt hơn hết là quý vị nên tìm cách từ chối phục vụ hoặc yêu cầu khách trả tiền trước.”
Đó là chia sẻ của chị Gina Nguyễn, ở Garden Grove, người đã có trên 20 năm kinh nghiệm làm trong ngành nail hiện đang làm việc tại tiệm Passion Beauty Salon, khi phóng viên nhật báo Người Việt hỏi về kinh nghiệm “chận” hành vi quỵt tiền của khách.
Để đề phòng khách kiếm cớ kêu mất đồ trong tiệm, chị Gina tiết lộ: “Ngoài ra, chúng tôi còn có một dòng chữ nhỏ, gắn ngay sau bảng hiệu ‘OPEN’ của tiệm như sau: ‘Chúng tôi không chịu trách nhiệm về tài sản tư trang của quý vị.’”
Nhiều cách để “đòi” tiền
Chị Vickie Ngô, quản lý tiệm Star Nails ở Long Beach, kể chuyện khách đưa ba thẻ credit card đều không có tiền: “Khi ‘cà’ ba cái thẻ đều không có tiền, chúng tôi đề nghị khách để lại điện thoại, khi nào có tiền thì tới chuộc. Nhưng cô ta viện lý do nhà xa, quên đường về, cần điện thoại để nhìn bản đồ chỉ đường… Sau đó, chúng tôi đề nghị cô ta ngồi đó gọi điện thoại cho người thân mang tiền tới. Chúng tôi gồm ba người, cả thợ, quản lý và chủ tiệm đều kiên nhẫn ngồi chờ. Cuối cùng, cô ta phải nhờ người nhà mang tiền tới, lúc đó mới biết, nhà cô ta chỉ cách tiệm có vài phút lái xe.”
Chị Gina Nguyễn gợi ý cách giải quyết: “Có rất nhiều cách lấy tiền của khách hàng muốn quỵt. Nếu họ lấy lý do như quên ví, quên thẻ thì có thể trả bằng cách chuyển tiền qua Zelle, PayPal, Venmo trên điện thoại. Điều quan trọng là chúng ta phải bình tĩnh, nhẹ nhàng, lịch sự với khách và đưa ra các giải pháp cốt để lấy được tiền.”
“Nếu khách vẫn không có tiền trả, thì có thể yêu cầu khách để lại ID và hẹn họ thời hạn phải trả tiền, nếu quá thời hạn sẽ báo cảnh sát. Hoặc chúng ta có thể cho họ trả góp làm nhiều lần,” chị nói tiếp.
“Nếu khách từ chối đưa ID, lên xe bỏ chạy, thì cứ bình tĩnh lấy điện thoại ra chụp thật rõ bảng số xe rồi báo cảnh sát. Đừng bao giờ bám theo xe để bị kéo lê theo xe, bị đánh hoặc bị tông xe. Hoặc chủ tiệm nên gắn camera ở trong và ngoài tiệm, giúp ghi lại toàn bộ thông tin của người khách quỵt tiền và bỏ chạy, để cung cấp cho cảnh sát,” chị Gina Nguyễn nói thêm.
Nói chuyện với phóng viên nhật báo Người Việt, chị Thúy Huỳnh, chủ tiệm Nails & Spa ở thành phố Detroit, tiểu bang Michigan, rút ra bài học khi bị khách dùng thẻ “ăn cắp” để trả tiền và kết quả là ba tuần sau chị bị mất $200 trong ngân hàng: “Từ đó về sau, tôi học được bài học là không bao giờ đưa máy ‘cà’ thẻ của mình cho khách đánh số vào mà phải tự mình làm cho chắc. Đồng thời phải kiểm tra kỹ tên trên thẻ ID của khách xem có trùng với tên trên thẻ tín dụng của họ không. Nhìn kỹ hình trên thẻ và mặt họ xem có giống nhau không, phòng khi người ta lấy cả thẻ cả ID của người ở cùng nhà. Bởi vì chuyên gia ở nhà băng giải thích cho tôi biết, ngay cả khi khách mang thẻ và ID của người thân họ cho mình ‘cà,’ cũng không hợp pháp, nếu không được sự đồng ý của người đó.”
Giữ điện thoại, ghi lại ID, chụp bảng số xe…
Là người chuyên xây dựng những tiệm nail với quy mô cả triệu đô la ở Dallas, Texas, rồi đào tạo thợ, quản lý tiệm, sau khi gây dựng cho có khách thì bán tiệm, nên anh Đắc Phạm có hẳn một quy trình “tân tiến” về quản lý tiệm nail.
Anh cho biết: “Chúng tôi áp dụng công nghệ quản lý của nhà hàng vào để quản lý tiệm nail. Tiệm của chúng tôi có ba khu vực riêng biệt: Lễ tân, khu phục vụ nail-spa cho khách và khu vực riêng cho thợ. Tất cả các khu đều có camera và màn hình ti vi hiển thị các thông tin quan trọng.”
Anh giải thích tiếp về mô hình “quản lý nhà hàng” như sau: “Khách bước vào quầy lễ tân, muốn làm dịch vụ gì, có màn hình máy tính bảng (iPad hoặc tablet) để khách tự chọn giống như là tới nhà hàng chọn món ăn (gọi là order). Mỗi dịch vụ có hiện giá tiền rõ ràng, khách đồng ý thanh toán, mới bước vào trong phòng phục vụ, ngồi vào ghế có đánh số thứ tự. Đồng thời, ‘order’ sẽ gửi xuống khu vực thợ, màn hình ti vi sẽ hiện rõ các thông tin như order số mấy, khách đang ngồi ghế số mấy, khách cần làm dịch vụ gì, tên nhân viên phục vụ là ai?”
“Khi thấy tên mình trên ti vi, người thợ đó mang dụng cụ nail, massage lên để phục vụ khách. Làm xong thợ lại mang dụng cụ xuống phòng chờ. Khách ra quầy tính tiền với người quản lý tiệm,” anh nói tiếp.
“Nguyên tắc của chúng tôi là nhân viên không được nói chuyện riêng ồn ào trong phòng phục vụ khách, không phải lo mất lượt (còn gọi là turn) vì đã chia ‘turn’ tự động bằng máy tính, bảo đảm tính công tâm. Các thợ đều được đào tạo kỹ để có trình độ tay nghề đồng đều như nhau .Khách không phải lo chọn thợ này, từ chối thợ kia. Hệ thống như trên hạn chế tối đa việc khách kiếm cớ không trả tiền,” anh Đắc nói thêm.
Trong trường hợp vẫn gặp phải chuyện khách quỵt tiền không muốn trả, anh Đắc khuyên: “Quản lý tiệm cứ bình tĩnh, không nên lớn tiếng dọa nạt, xúc phạm hay xô xát với khách hàng. Bởi vì khách có thể sẽ kiện ngược lại chúng ta về những tội nặng như kỳ thị, phỉ báng, đánh người, đe dọa… Lúc đó sẽ tốn rất tiền bạc, thậm chí còn bị bỏ tù. Chúng ta chỉ cần giữ lại điện thoại hoặc ID của khách, hoặc chụp bảng số xe và báo cảnh sát.”
Mới đây, vào ngày 17 Tháng Tám, đài truyền hình ABC10 đưa tin một người đàn ông 40 tuổi, tên Chinh Van Tran, chủ tiệm Rose’s Nails ở thành phố Hallandale Beach, tiểu bang Florida, bị bắt vì tội rút súng ra đe dọa người khác tại tiệm nail của ông. Hiện ông Chinh đang bị giam giữ chờ ngày xét xử với số tiền tại ngoại hậu tra $15,000 và có thể đối mặt với nhiều rắc rối liên quan tới tội hình sự.
Chị Gina Nguyễn và anh Đắc Phạm đều có quan điểm giống nhau về vấn đề kỳ thị: “Nếu nói khách Mỹ đen là khách hay quỵt tiền thì hoàn toàn không đúng. Tôi đã chứng kiến rất nhiều khách quỵt tiền có đủ màu da chủng tộc khác nhau.”
“Trong trường hợp khách đi một nhóm đông 3-4 người, quản lý tiệm phải hỏi họ ai là người trả tiền? Trả một mình hay cho cả nhóm? Quản lý tiệm chính là người phải để mắt tới người chịu trách nhiệm trả tiền, không để họ đùn đẩy trách nhiệm hoặc lẩn trốn,” anh Đắc Phạm nói thêm.
Có nên kiện ra tòa?
Mới đây, nhiều người trên Facebook có chia sẻ kinh nghiệm của người có tên là Angie Huong Le, kể về việc ra tòa để lấy lại $85 từ một khách quỵt tiền làm nail. Chị cho biết đã thu ID của khách và do khách không quay lại trả tiền nên chị báo cảnh sát và kiện ra tòa án địa phương.
Chị viết: “Hôm nay ngày ngày 8 Tháng Tám, 2019, khách phải ra tòa. Cô ta [khách hàng quỵt tiền] phải trả tiền cho mình và còn bị đi tù nữa. Nhưng mình xin xóa cho cô ta không bị đi tù, mình chỉ muốn dạy cho cô ta một bài học để nhớ đời. Đừng có giỡn mặt với luật pháp nói chung và ngành nail nói riêng của cộng đồng Việt Nam của chúng ta…”
Chị đưa ra lời khuyên: “Cho nên cả nhà mình đừng có đánh lộn hay gây lộn với khách làm gì. Cứ lấy thông tin của khách sau đó gọi cảnh sát đến làm việc. Ở Mỹ này luật pháp không tha cho bất cứ ai làm gì sai luật.’”
Kinh nghiệm mới mẻ của chị Angie Huong Le nhận được hơn hai ngàn lượt chia sẻ, bình luận trên Facebook.
Tuy nhiên, theo ông Simon Nguyễn tại văn phòng Simon Nguyen ở Westminster, tuy không phải là luật sư nhưng ông là người có kinh nghiệm hơn 30 năm trong việc hỗ trợ thủ tục giấy tờ để giúp người dân tự bào chữa tại tòa, nhất là trong các vụ kiện nhỏ, thì: “Chuyện người khách quỵt $85 thì có thể lấy lại tiền là đúng. Nhưng nếu nói khách này bị đi tù vì tội quỵt tiền là không chính xác. Luật pháp Mỹ không có chuyện bắt bỏ tù một người vì hành vi dân sự như quỵt tiền, cho dù có quỵt số tiền lớn hàng trăm ngàn đô la.”
“Quý vị chỉ cần lấy thông tin khách hàng như tên, địa chỉ, số nhà, số điện thoại là đủ. Không ai có quyền giữ bản chính ID của khách cho dù là lý do gì. Nếu làm vậy, quý vị sẽ gặp rắc rối khi khách thông báo lên DMV là họ bị quý vị lấy cắp ID. Hoặc khi khách phải lái xe mà không có ID, nếu gặp cảnh sát tra hỏi họ sẽ bị phạt rất nặng. Khi ấy, người khách có thể tố cáo với cảnh sát là quý vị đang thu giữ ID của họ một cách trái phép. Lúc đó quý vị có thể sẽ gặp rắc rối về luật pháp,” ông Simon giải thích thêm.
Theo báo Los Angeles Times, một cơ sở thương mại có thể đòi số tiền lên đến $5,000 (đối với cá nhân, số tiền đòi lên đến $10,000) thông qua các vụ kiện nhỏ. Mức án phí nộp cho tòa tùy vào số tiền đòi nợ và tùy địa phương, nhưng nhìn chung chỉ từ $30 đến dưới $100. Bên nào bị xử thua kiện, sẽ phải trả toàn bộ tiền lệ phí cho bên thắng kiện. Muốn tìm địa chỉ tòa án và văn phòng hỗ trợ pháp lý tại địa phương, có thể vào trang web www.courts.ca.gov/selfhelp-advisors.htm và điền đơn ngay trên website.
Tuy nhiên, thực tế thì đa số các thợ nail, vốn không quen với việc kiện tụng, đều cho rằng: “Với số tiền nhỏ, việc ra tòa là không đáng làm, vì mất thời gian và phải rành về tiếng Anh và luật pháp mới làm được. Thôi đành bỏ qua. Chỉ cần nhớ mặt khách đó lần sau không phục vụ. Thời gian đi kiện thôi để làm nail kiếm lại từ khách khác hay hơn!” (Tâm An)
—-
Liên lạc tác giả: [email protected]
Những trận đánh không có thương binh
Một trận đánh không có thương binh có nghĩa là chỉ có lính tử trận, hoặc là một trận đánh mà cấp chỉ huy không muốn đem thương binh về. Thương binh bị bỏ lại trận địa, vì quá xa hậu cứ, không có phương tiện và nhân lực tản thương, không đủ bệnh viện hay thuốc men để săn sóc họ. Do vậy, thương binh có thể bị phát đạn ân huệ cuối cùng của đồng đội, để khỏi bị vào tay giặc, giữ kín được tin tức tình báo.
Việt Cộng thường có chủ trương nghiên cứu kỹ chiến trường, đánh mạnh và rút nhanh vì sợ viện binh, pháo binh tiếp ứng hay phi cơ thả hoả châu soi sáng trận địa, nên vấn đề đem thương binh theo khi rút khỏi chiến trường, là chuyện bất khả thi.
Nếu đem những con số chênh lệch khó tin giữa con số binh sĩ tử thương và thương binh của cả hai phía, Bắc Việt và VNCH cũng như quân đồng minh, chúng ta sẽ thấy rõ chủ trương của Bắc Việt, thường không coi mạng người là quý.
Không thể có một cấp chỉ huy vô lương tâm nào hơn những cấp chỉ huy quân sự của Bắc Việt. Tướng Giáp đã từng nói: “Mỗi một phút, có hàng trăm ngàn người chết trên khắp thế giới. Cái sống hay cái chết của hàng ngàn người, ngay cả khi họ là người cùng quê hương, có ý nghĩa rất ít trong thực tế.”
Ở một chỗ khác: “Non! Pas du tout!” Ðó là câu trả lời lạnh lùng của Võ Nguyên Giáp cho báo chí quốc tế khi người ta hỏi viên tướng này là ông có hối tiếc gì về chuyện 4 triệu người Việt chết vì chủ nghĩa Cộng Sản hay không?
Thử nhìn lại những con số về binh sĩ tử trận và thương binh của cả hai bên:
– Quân lực Việt Nam Cộng hòa có 310,000 tử trận và 1,170,000 người bị thương. Tính ra 1 người tử trận, có 4 người bị thương.
– Hoa Kỳ khoảng 58,200 tử trận và hơn 304,000 bị thương. Tính ra 1 người chết có đến 5 người bị thương.
– Nam Hàn có 5,099 tử trận và 11,232 bị thương. Tính ra 1 chết thì có hơn 2 người bị thương.
– Thái Lan có 351 tử trận và 1.358 bị thương. Tính ra 1 chết có gần 5 người bị thương.
– New Zealand có 55 tử trận và 212 bị thương. Tính ra 1 chết có 4 người bị thương.
Về phía Cộng Sản Bắc Việt, theo tài liệu thống kê chính thức của Cục Chính Sách – Tổng Cục Chính Trị – Bộ Quốc Phòng thì đến năm 2012, toàn quốc có 1,146,250 “liệt sĩ” và chỉ có khoảng 600,000 thương binh. Tính ra số tử trận của quân Bắc Việt cao gấp hai lần số thương binh, trong khi phía tự do cứ 5 thương binh đem về hậu cứ mới có một người tử trận. Điều này cho chúng ta thấy rõ thế nào là “một trận đánh không có thương binh!”
Sau chiến thắng Tháng Năm, 1975, Bắc Việt ngoài hàng triệu “bộ đội” tử trận chưa được thông báo, để cho dân chúng thấy được bộ mặt huy hoàng của người thắng trận, Bắc Việt đã “cách ly” tất cả thương binh đến những vùng xa, khỏi những nơi dân cư đông đúc.
Không phải chỉ có thương binh, mà ngay cả tù binh sau khi lọt vào tay địch, được giải thoát mang về, để khỏi bị lộ những bí mật quân sự, cũng được Cộng Sản thủ tiêu. Theo Phan Ba‘s Blog, ngay cả trong chiến tranh biên giới Hoa- Việt, năm 1989, được biết Quân đội Bắc Việt có đến 10% nữ làm tù binh, nhưng chính quyền Việt Cộng dối trá chưa bao giờ tuyên bố con số tù binh nằm trong tay Trung Cộng, vì Cộng Sản hẹp hòi tính dân tộc, yếu hèn sợ mất lòng Trung Cộng.
Những nữ tù binh này không được về lại quê hương, sau khi trao trả tù binh, Việt Cộng lập tức phi tang họ trong rừng sâu. Cho đến ngày nay nhân dân Việt Nam không hề biết thân phận của tù binh chiến tranh sống chết thế nào! Việt Cộng không công bố lấy lý do là vì “bí mật quốc phòng.”
Trong một cuộc họp mặt của cán bộ Cộng Sản cũ với nhà tranh đấu Bùi Minh Hằng tại Vũng Tàu vào Tháng Sáu, 2017, một cán bộ ly khai đã phát biểu về những gì ông biết về thương binh bộ đội. Người cộng sản ly khai này, dù không là Đảng viên, nhưng cũng là một nhân viên cao cấp, đã xác nhận việc giết sạch các thương phế binh bộ đội. Và nhiều chuyện kinh hãi khác nữa!!
Theo ông thời chống Pháp, như Phạm Duy đã viết “Nạng thương binh chống rổ mặt đường làng,” nhưng vào thời chống Mỹ, thương binh bị giết sạch, y như Trung Cộng sau chiến tranh biên giới, thương binh của họ bị tập trung lại, rào dây thép gai và đốt cháy. Sau năm 1975 chỉ thấy thương binh chế độ cũ mà không thấy thương binh chế độ mới. Vậy thì họ ở đâu? Đều bị thủ tiêu ở chiến trường! Không lẽ bộ đội khiêng nhau mà đi hành quân? Cuộc gặp gỡ và lời phát biểu này có quayy phim và đưa lên youtube. (*)
Dương Thu Hương, một người “ở trong chăn” Bắc Việt cũng đã tiết lộ: “Đến tận bây giờ, cuộc chiến vẫn ám ảnh tôi. Lúc tôi tình nguyện vào Nam, số học sinh của cả bốn lớp 10 của trường chúng tôi vào chiến trường khoảng 120 người, vậy mà chỉ 2 người may mắn sống sót, là tôi và một người nữa… Khi tôi đi tìm mộ của những bạn đã chết, tôi mới biết, trong những trận đánh mà bộ đội miền Bắc thua, thì người ta xóa sạch dấu vết và tên tuổi liệt sĩ không được ghi lại. Họ giải thích rằng dân tộc ta là dân tộc anh hùng phải chiến thắng quân thù, nhưng trận này chưa thắng cho nên không thể kiểm kê các liệt sĩ được. Cho nên hàng trăm người chết dưới đáy hồ, dưới đáy vực mà hoàn toàn không ai tìm được tung tích.” (“Ký 2” của Đinh Quang Anh Thái.)
Chính vì vậy mà sau này, Bắc Việt đã quy tập hàng chục nghìn mộ tử sĩ để lập nên những nghĩa trang “hoành tráng” nhưng phần lớn chỉ là những “mộ gió” hay chôn xương trâu xương bò, tất cả đều là những nấm mồ vô danh, không tên tuổi. Vì với trận địa rải rác quá lớn, thời gian và thời tiết tàn phá, thiên nhiên thay đổi và vì chính sách đã có từ trước, gia đình tử sĩ hầu hết chỉ nhận được một cái giấy ghi công, công nhận là gia đình liệt sĩ, nhưng xương cốt chưa bao giờ được về nhà!
Không phải lúc nào kẻ thiện cũng thắng phe tà!
(Huy Phương)
QUANH ĐÁM TANG THÂN MẪU CỦA TỔNG THỐNG HÀN QUỐC
Bài của Nguyễn Trường Uy
Một câu chuyện đáng chia sẻ với mọi người về đám tang của thân mẫu Tổng thống Hàn quốc Moon Jae In vừa tạ thế thọ 92 tuổi.
Đây là lần đầu tiên một tổng thống Hàn Quốc chịu tang mẹ khi đang đương chức. Ông Moon ra thông cáo nhấn mạnh: các quan chức chính quyền không cần tới viếng, mà phải tiếp tục thực hiện công tác điều hành quốc gia như bình thường, không nên dành thời gian đi viếng ảnh hưởng công việc chung. Tổng thống sẽ trở lại làm việc ngay sau lễ tang mẹ.
Thông cáo ghi rõ: Ngoài người thân trong gia đình, tổng thống không nhận vòng hoa viếng, không tiếp các cuộc thăm viếng của các quan chức nhà nước. Không gian lễ đường trang nghiêm, trầm mặc với sự hiện diện của các ma sơ và thành viên gia đình. Có một số chính trị gia gửi hoa đến viếng nhưng đều bị gửi trả lại.
Tổng thống muốn lễ tang là một sự kiện riêng tư của gia đình, không để ảnh hưởng công việc chung và không muốn lễ tang là cơ hội cho bất kỳ ai.
Hàn quốc là một quốc gia Á đông song giờ văn minh không khác gì Âu Mỹ.
https://www.facebook.com/100008789401804/posts/2143265972643029/
XIN MỘT PHÚT MẶC NIỆM CONTAINER VÀ MỘT PHÚT MẶC… MẸ CHUYÊN CƠ!
“Phương tiện lưu vong” của 4 triệu người Việt Nam ở hải ngoại, sau 44 năm đất nước chấm dứt nội chiến, đã ghi thêm 2 kỳ tích (sự tích kỳ cục) là vượt biên bằng chuyên cơ lẫn container.
Trước và sau giờ tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, quân, dân, cán, chính bên thua cuộc đã chen nhau di tản bằng 2 phương tiện: phi cơ quân sự (trực thăng và 1 đầm già ra Hàng Không Mẫu Hạm, phi cơ cánh cứng qua Thái Lan) và tàu quân sự cùng 1 tàu buôn Việt Nam Thương tín. Cuộc di tản khá an toàn, trừ những máy bay bị phòng không bắn hạ.
Sau cuộc cải tạo tư sản lần thứ nhất (từ 4/9/1975), người Hoa rồi người Việt lần lượt vượt biên bằng ghe, số lượng ngày càng tăng dần, số người chết đói, chết khát, bị cướp biển, đàn bà bị hiếp dâm nhiều vô số kể.
Số người ra khỏi hải phận VN và đến được trại tỵ nạn của các nước ĐNA chỉ còn phân nửa. Số người bị bắt tại bãi và trong hải phận VN bị ở tù vì tội phản quốc.
Một chiếc tàu đi bán chính thức bị nổ ở Cát Lái, 300 xác trôi về tới Nhà Bè, xác được vớt tập trung nhiều chỗ, để BS pháp y Nguyễn Thanh Tuyền đến khám tử thi.
Vậy mà, người ta cứ bỏ đi, nếu cột đèn có chân nó cũng đi.
Để dần chấm dứt tình trạng vượt biển bằng ghe (Năm 1997 đóng cửa các trại tỵ nạn) từ năm 1980, Mỹ lập ra chương trình Ra Đi Có Trật Tự (Orderly Departure Program – O.D.P) cho 3 nhóm đối tượng:
Diện HO (Humanitarian Operation) là các cựu tù nhân trại cải tạo, có tên chính thức là Special Release Reeducation Center Detainee Resettlement Program (Chương trình tái định cư phóng thích đặc biệt tù nhân trung tâm cải tạo).
Diện U11 là các cựu nhân viên chính phủ Hoa Kỳ.
Diện V11 là các cựu nhân viên của công ty tư nhân hoặc tổ chức của Hoa Kỳ.
Trước năm 1980, nhiều gia đình diện H.O, U11, V11 đã chia người thân ra vượt biển bằng nhiều chuyến, có chuyến có người thân chết, nên gia đình đã “vắng vẻ” còn định cư ly tán ở nhiều nước.
Trong khi đó, những gia đình 3 diện này không vượt biển, đều định cư cùng “bầu đoàn thê tử”, an toàn trên máy bay. Bởi vậy, kiều bào ta mới có từ mỉa mai: Người sau: DIỆN Ô – ĐI – PI, Kẻ trước: DIỆN Ô – ĐI – GHE.
Diện Ô – ĐI – GHE của bên thua cuộc ôm nhiều tủi hờn nhất, khi nhìn thấy con cái của cán bộ bên thắng cuộc được định cư theo DIỆN Ô – ĐI – DU (học); hoặc cả gia đinh cán bộ cao cấp tham nhũng định cư theo DIỆN Ô – ĐI – I – BI – PHAI (DIỆN EB5).
Mới đây, trang sử luu vong ghi thêm 2 diện vượt biên ô nhục và tang tóc: DIỆN Ô – ĐI – CHUYÊN – CƠ và DIỆN Ô – ĐI – CÔNG – TEN – NƠ.
Khi TBT Nguyễn Phú Trong hỏi “Đất nước ta chưa bao giờ có được như ngày hôm nay” và chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói “luật Thanh niên sửa đổi phải giúp thanh niên đọc vào thấy được mình đã làm gì cho Tổ quốc”, thì là lúc người dân phát minh 2 hai phương tiện vượt biên mới: “chuyên cơ” và “container”.
2 chữ hơi đồng âm (homonym) nhưng rất tương phản (contrast). Chín người vượt biên bằng chuyên cơ đều giàu và có thế lực lớn. 39 vượt biên trong container lạnh đều nghèo hèn, đói khổ.
Hai thanh niên Phạm Thị Trà My và Nguyễn Đình Tứ chưa làm gì cho Tổ quốc, nhưng không làm nhục Tổ quốc như bà Ngân đi chuyên cơ còn chở 9 người vượt biên.
Vượt biên băng chuyên cơ làm nhục quốc thể, còn vượt biên bằng container chỉ làm “nhớ nước đau lòng con quốc quốc, thương nhà mỏi miệng cái gia gia”.
Xin một phút mặc niệm 39 người trong container và một phút mặc… mẹ Nguyễn Thị Kim Ngân vả 9 người trên chuyên cơ!
MAI BÁ KIẾM
****
QUỐC THỂ CHO AI?…
1. Thi thoảng nhìn tấm khăn len trên vai người con gái Việt ở miền Nga giá buốt, nghe một điệu hát quê hương bên ánh lửa xứ Lào, lòng tôi rức lên một cảm xúc hỗn mang.
Tôi vui vì đồng bào tôi tìm được một nơi cho họ một cuộc sống khác. Tôi cũng buồn, trong mắt của những người viễn xứ luôn có điều gì đó buồn bã, tiếc nuối.
Bạn tôi ở Úc, lấy vợ Việt. Vợ 17 tuổi làm lễ rồi đợi đủ tuổi làm đăng ký. Đợi thêm vài năm để vượt qua các cuộc sát hạch của xứ bạn. Họ kiểm tra cả những tấm hình trước kết hôn để chắc rằng họ không đính hôn giả.
Anh tôi sang Úc tìm đường cho các con mai này. Anh làm công việc cắt thịt, làm cả hai ca, là một điều cấm. Ngày làm đêm ngủ, bàn tay bấy máu. Anh live stream về cho chị, hai người tươm nước mắt…
Những người quen tôi những tháng đi về để giữ điều kiện nhập tịch. Họ bảo cô đơn và lạnh lẽo, buồn lắm nhưng vì con.
2. Úc, Mỹ Canada… với những chính sách nhập cư hà khắc, không còn là “thiên đường” của người Việt. Nó chỉ còn rộng cửa với người giàu. Mỗi năm tầm 9 tỷ đô ra nước ngoài, theo các chuyên gia. Và trong số những người giàu đó, chắc rằng không ít quan chức.
Thiên đường thứ hai của người Việt hiện tại hầu hết là Đông Âu, để lưu lại được vào Nhật, Hàn cực khó. Mẹ bạn tôi ở Nga bao nhiêu năm, đến khi xế bóng muốn về quê nhưng hai bàn tay trắng. May mắn sao bạn tôi có chút công danh như ý, đón mẹ về.
Nước Lào đang là lựa chọn mới nổi. Người miền Trung sang bên đó làm gỗ, làm ve chai. Mấy lúc nhàn rỗi lại về. Họ dắt díu nhau đi tìm đất sống. Nước Lào hiền dịu cưu mang rất nhiều người con quê tôi.
Ly hương là lựa chọn nghiệt ngã. Càng nghiệt ngã hơn cho những con người “sống chui” nơi đất khách. Nép mình trong phòng sợ hãi. Chờ siêu thị hết giờ để lấy thịt hết hạn, ăn nội tạng mà người ta không ăn…
3. Tôi không cổ suý đồng bào tôi ra đi. Nhưng tôi lấy gì để níu họ ở lại? Tôi nhìn vào thực tế đắng cay: Ai cũng muốn ra đi. Tài năng chất xám ra đi, người giàu có ra đi, tôi chưa bao giờ trách họ.
Tôi trách quốc gia. Một quốc gia để công dân của mình không có đất sống, phải ngậm đắng ra đi lựa chọn cuối cùng. Quốc gia mà đến y tế và giáo dục người ta cũng tìm đường tị nạn. Đến cả việc dồn dân đô thị cũng không còn đất cho người nữa rồi.
Tôi trách quan chức. Họ cũng là những kẻ ra đi. Nhưng là đi trong nhung gấm. Tài sản ở nước ngoài, con cái ở nước ngoài. Tiền đó ở đâu? Chắc chắn là góp lại từ những mảnh đời của nhân dân tôi lam lũ.
Nhân dân đánh bạc với cuộc đời cũng chỉ để mong chắt mót một chút của cải từ viễn xứ mang về quê hương, cho mình và cho người xung quanh mình. Họ có thể sai nhưng có gì đáng tội?
So với quan chức vơ vét quê hương để mang đi vương giả đầm ấm ở thiên đường, ai mới là tội phạm?
Quốc gia rừng vàng biển bạc đã không nuôi nổi những công dân lương thiện. Để họ phải vượt sóng xé trời tìm nơi khác. Quốc gia ấy lấy tư cách gì đòi hỏi nhân dân giữ gìn quốc thể?
Quan chức ăn là mặc lượt đu bám những chuyến xuất ngoại. Quan chức mang cả vợ con bằng tiền của nhân dân đi du lịch shopping có nghĩ đến quốc thể hay không?
Đừng nói về quốc thể. Khi quốc thể của các người là miếng bít tết vào mỗi buổi sáng, còn quốc thể của nhân dân là tô cơm hẩm cuối chiều!”
NB NGUYỄN TIẾN TƯỜNG
Tôi tặng bài viết này cho những người bạn của tôi đã đến được bến bờ bình yên. Tôi khóc tặng cho những người bạn đã mãi mãi rời xa tôi nơi biển đen lạnh lẽo.
Sau khi viết bài “Vượt biển do nhà nước tổ chức và những cái chết tang thương“, có quá nhiều người đã chia sẻ, với nhiều phản hồi trên trang tôi và các trang mạng khác. Nhưng xúc động nhất vẫn là những cuộc điện thoại bất ngờ…
Thuyền nhân Việt Nam. Photo Courtesy
Nửa đêm, thằng bạn Đinh Thanh Lương gọi điện từ Thụy Sĩ, giọng xúc động xen lẫn tiếng nấc. Nó nói vừa đọc bài viết này khiến kỷ niệm đen hiện về. Shock nặng nên gọi về để trang trãi nỗi lòng, may ra tâm hồn được nguôi ngoai. Thanh nói sẽ không có bài viết nào đầy đủ để thế hệ sau có thể thấy rõ những nỗi tủi nhục, khổ sở của người thuyền nhân miền Nam phải chịu đựng sau ngày 30/04/1975.
Đi bán chính thức lúc đó như một ngày hội. Thị trấn Rạch Giá- Rạch Sỏi nườm nượp người từ Sài Gòn xuống. Cả gia đình Thanh có 15 người, đóng 180 lạng vàng. Thuyền của Thanh nhỏ hơn 1/2 thuyền ở Cát Lại (25x5m) nhưng lại chở gấp đôi đôi người, 564 người. Chỉ có Phật Bà Quan Âm và Đức Mẹ Maria mới có thể cứu được chiếc thuyền quá tải trên biển cả mênh mông!
Ngày tàu của Thanh xuất bến, có 6 thuyền đều có quy mô và số người như nhau. Ước tính có khoảng 3.500 thuyền nhân, số vàng trả cho ngày hôm đó khoảng 40.000 lạng vàng. Nhà nước CS thu được bao nhiêu và công an địa phương thu bao nhiêu? Trong một tháng có bao nhiêu người đi và bao nhiêu người mãi mãi nằm dưới đáy biển sâu?
Một trong những chiếc tàu ra đi đã bị chìm. Photo Courtesy
Sáu chiếc khởi hành gần như cùng lúc. Tình cờ Thanh kịp nhận ra và vẫy tay chào thằng Nguyễn Đức Hùng VTT từ thuyền bên kia. Lúc đó nó không biết rằng nó mãi mãi không gặp lại thằng Hùng vì chiếc của Hùng nằm trong 3 chiếc bị chìm xuống đáy biển. Chỉ trong 1 ngày, 1.500 con người chết chỉ vì sự tham lam và độc ác của CSVN.
Thuyền của Thanh bị cướp 6 lần. Có một cô gái khoảng 22 tuổi ra đi bằng số vàng của người yêu từ nước ngoài gửi về. Cô bị hãm hiếp ngay trên tàu, trước mặt mọi người. Không chịu nổi sự kinh hoàng, nhục nhã và để giữ gìn sự trinh trắng của tâm hồn, cô đã nhảy xuống biển trong đêm tối. Thanh la toáng lên, mọi người thảy phao xuống biển, cô không nhận phao nhưng đã bơi ra xa chiếc thuyền rồi chìm mất trong đêm đen…
Có một bà mẹ khoảng 40 tuổi đã cởi trần truồng trước mặt cướp biển, chấp nhận hãm hiếp để cứu lấy những đứa con gái 14 và 15 tuổi của mình. Có hai bạn Facebook mà tôi chưa kết bạn đã điện thoại kể cho tôi nghe nhiều chuyện mà tôi không dám viết ra đây. Mà họ có kể gì đâu, tôi chỉ nghe họ khóc suốt buổi. Giữa cuộc nói chuyện của chúng tôi có một khoảng lặng rất dài đầy nước mắt từ cả hai đầu dây…
Tôi nói với Thanh và những bạn thuyền nhân rằng HÃY ĐỂ NGÀY ẤY LỤI TÀN nhưng trước hết hãy để cho tôi được kể cho thế hệ sau biết về sự thật trong chương đen tối nhất trong lịch sử Việt Nam. Tôi sẽ kể rằng:
“Ngày xưa khi người CSVN kết thúc cuộc chiến, họ đã đày đọa người lính miền Nam trong trại tù khắc nghiệt, ngăn chặn không cho các con của họ vào đại học và đẩy vợ con họ ra biển… “
BAOTIENGDAN.COM
ĐẮK LẮK, Việt Nam (NV) – Chỉ rà soát một phần nhỏ nhân viên ngành y tế, Công An tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện 10 trường hợp sử dụng bằng cấp giả hoặc không hợp pháp. Trước đó, tỉnh này đã buộc thôi việc nhiều cán bộ lãnh đạo xài bằng cấp giả để tiến thân.
Ngày 29 Tháng Mười, 2019, ông Nay Phi La, giám đốc Sở Y Tế tỉnh Đắk Lắk, xác nhận với báo Người Lao Động, đang tiến hành xử lý 10 trường hợp là nhân viên trong các cơ sở y tế của tỉnh sử dụng “bằng cấp không hợp pháp.”
Trước đó, Công An tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Sở Giáo Dục và Đào Tạo tỉnh Đắk Lắk cùng công an một số tỉnh, thành xác minh bằng cấp của một số người được tuyển dụng vào làm việc trong ngành y tế.
Sau khi rà soát, giới hữu trách phát hiện 10 trường hợp là nhân viên, điều dưỡng, kỹ thuật viên tại một số bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế sử dụng bằng cấp Trung Học Phổ Thông (Tú Tài) và bằng ngoại ngữ, tin học “không hợp pháp.”
Từ đó, công an đề nghị Ủy Ban Nhân Dân tỉnh và Sở Y Tế tỉnh Đắk Lắk “thu hồi các quyết định tuyển dụng, buộc thôi việc các trường hợp sử dụng bằng cấp giả, bằng cấp không hợp pháp.”
Trước khi lên làm trưởng Phòng Quản Trị Văn Phòng Tỉnh Ủy Đắk Lắk, bà Trần Thị Ngọc Ái Sa là nhân viên kế toán tại Nhà Khách tỉnh Đắk Lắk. (Hình: VietNamNet)
“Sáu trường hợp dùng bằng tốt nghiệp Trung Học Phổ Thông giả sẽ bị buộc thôi việc. Những trường hợp còn lại thiếu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ thì sẽ yêu cầu bổ sung trong thời gian nhất định,” ông Phi La cho biết.
Một lãnh đạo Phòng An Ninh Chính Trị Nội Bộ Công An tỉnh Đắk Lắk, cho biết những người này đã mua bằng cấp và chứng chỉ giả để được tuyển vào cơ quan nhà nước “tư lợi cá nhân, ảnh hưởng đến chất lượng bộ máy nhà nước.”
Theo đánh giá của Công An tỉnh Đắk Lắk, việc sử dụng bằng cấp giả để được tuyển dụng vào làm việc trong ngành y tế đã vi phạm pháp luật. Riêng Hội Đồng Tuyển Dụng Viên Chức Ngành Y Tế đã “không thực hiện đúng các quy trình xét tuyển, không phối hợp với các cơ quan hữu trách đối chiếu, kiểm tra các văn bằng, chứng chỉ gốc có liên quan trước khi ra các quyết định tuyển dụng.”
Liên quan đến việc dùng bằng giả ở tỉnh Đắk Lắk, theo báo VietNamNet, trước đó hôm 23 Tháng Mười, Văn Phòng Tỉnh Ủy Đắk Lắk đã ký quyết định kỷ luật bà Trần Thị Ngọc Ái Sa, trưởng Phòng Quản Trị Văn Phòng Tỉnh Ủy Đắk Lắk (có tên thường gọi Trần Thị Ngọc Thảo, tên trong hộ khẩu Trần Thị Ngọc Thêm), bằng hình thức “khai trừ ra khỏi đảng và buộc thôi việc” do bà này đã sử dụng bằng cấp, tên tuổi của chị gái mình để công tác và thăng tiến.
Cùng ngày, Văn Phòng Tỉnh Ủy Đắk Lắk cũng đã thi hành kỷ luật bà Bùi Thị Thân, phó trưởng Phòng Hành Chính-Tiếp Dân, thuộc Văn Phòng Tỉnh Ủy Đắk Lắk, bằng hình thức “cảnh cáo về mặt đảng, cách chức đương nhiệm” do sử dụng bằng tốt nghiệp Trung Học Phổ Thông giả. (Tr.N)
NGUOI-VIET.COM