ÔN CỐ TRI TÂN

Nghệ Lâm Hồng

“Ngành giáo dục của Miền Nam trước đây không có ngày vinh danh Nhà Giáo, không có danh hiệu giáo viên dạy giỏi, không thầy giáo ưu tú cũng chẳng có thầy giáo nhân dân, thế mà các Thầy dạy chúng tôi ai cũng dạy giỏi, ai cũng đạo đức, công tâm giảng dạy từ tiểu học cho đến đại học. Bù cho những danh hiệu hoa mỹ ấy, lương tiền của nghề giáo khá cao, các Thầy không phải bận tâm gì hết ngoài việc lo nghiên cứu, học tập để giảng dạy học sinh cho tốt, cho giỏi.

Trong suốt 12 năm học, tiểu học, trung học đệ nhất cấp (cấp 2), đệ nhị cấp (cấp 3), tôi không thấy có hiệu trưởng, cán bộ của ty giáo dục hay bất kỳ ai đến dự giờ, đánh giá giáo viên, ở đại học lại càng không có chuyện đó, thầy giảng dạy, thi cử kiểu gì thì chúng tôi học tập và thi cử kiểu đó (3). Phải chăng đây là sự tôn trọng phương pháp dạy riêng của mỗi thầy giáo?

Sách giáo khoa như tôi đã nêu ở trên rất độc lập, tùy theo từng trường, từng ty thậm chí tùy thuộc vào giáo viên. Điều này chứng tỏ thầy giáo có quyền tự do chọn sách giáo khoa, chọn phương pháp giảng dạy sao cho học sinh học tốt nhất.

Các trường tiểu học, trung học đệ nhất cấp, đệ nhị cấp đều bình đẳng, giữa nông thôn và thành thị giữa công lập và tư thục. Không có trường chuyên, lớp chọn, không có trường điểm, trường chất lượng cao… Lên cấp ba tùy năng lực, học sinh tự do chọn ban mà mình yêu thích. Ban B (còn gọi ban Toán) dành cho học sinh có năng khiếu về Toán – Lý – Hoá. Ban C (ban văn chương) cho học sinh giỏi văn chương, sinh ngữ. Ban A (ban vạn vật) cho học sinh có năng khiếu học Vạn Vật – Lý – Hoá.

Trong 12 năm học chỉ có 3 kỳ thi chính rất nghiêm túc và khó: Thi vào đệ thất (lớp 6) để vào học trường công lập. Học lớp 11 thi tú tài I (từ năm 1973 bỏ luôn kỳ thi tú tài I), đậu tú tài I mới được lên học lớp 12 để thi tú tài II. Đậu tú tài II thì bước chân vào Đại Học có thể ghi danh hoặc thi tuyển. Ngoài các kỳ thi đó, tôi không thấy kỳ thi học sinh giỏi môn này, môn kia, cấp này, cấp kia…

(Năm 1959 bỏ phần thi vấn đáp rồi đến niên học 1966–67 thì Bộ Quốc gia Giáo dục bãi bỏ hẳn kỳ thi Trung học đệ nhất cấp)

Giữa các trường không có sự phân biệt học sinh trường này hơn học sinh trường kia, giáo viên dạy trường này hơn giáo viên dạy trường kia, xã hội cũng công nhận như vậy…”

( Sư Phạm Và Bằng Hữu )


 

Được xem 7 lần, bởi 7 Bạn Đọc trong ngày hôm nay