Nước nghèo có thể dân chủ không? Người dân Malawi nói có
Phương Tây ngả mũ trước nỗ lực gìn giữ nền dân chủ của một đất nước châu Phi bé nhỏ.
30/12/2020
By JASON NGUYEN
Cử tri Malawi mừng chiến thắng của Tổng thống tân cử Lazarus Chakwera trong cuộc bầu cử lịch sử năm 2020. Ảnh: Amos Gumulira/ AFP.
Năm 2020, tổ chức Freedom House đánh giá rằng tình hình dân chủ đã xấu đi ở ít nhất 80 nước, trong đó có cả nước Mỹ.
Theo đó, các giá trị dân chủ đã xói mòn trong bối cảnh đại dịch. Nhiều quốc gia đã có những động thái như giới hạn tự do truyền thông và ngôn luận, trì hoãn nhiều cuộc bầu cử quan trọng, cũng như tăng cường giam giữ những tiếng nói đối lập – tất cả với lý do phòng chống dịch bệnh.
Duy chỉ có một đất nước có điểm số dân chủ tăng lên, đó là Malawi. Tạp chí The Economist (Anh) mới đây đã trang trọng gọi đất nước châu Phi này là quốc gia của năm.
Tình hình dân chủ xấu đi ở nhiều quốc gia trong năm 2020. Malawi là điểm sáng duy nhất. Đồ họa: The Economist.
Theo nhận định của Freedom House, câu chuyện ở Malawi đã “nêu bật tầm quan trọng của các thiết chế nhà nước độc lập cũng như một khu vực xã hội dân sự năng động trong việc duy trì tính toàn vẹn và dân chủ của bầu cử, đồng thời đưa ra các bài học quan trọng cho các cuộc bầu cử tương tự trong khu vực”.
Câu chuyện về mặt hồ phát sáng
Malawi là một quốc gia còn khá xa lạ với nhiều người trên thế giới, không riêng gì với người Việt Nam. Nằm giữa vùng Đông Nam châu Phi với dân số khoảng 19 triệu người, Malawi tiếp giáp với ba quốc gia là Mozambique, Tanzania, và Zambia.
Thu nhập bình quân đầu người của Malawi vào năm 2019 chỉ là 411 USD, theo số liệu của World Bank. Mức thu nhập này chỉ bằng ⅙ của Việt Nam. Malawi, theo đó, là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới.
Ánh bình minh phản chiếu trên mặt hồ Malawi khi các ngư dân trở về nhà sau một đêm làm việc dài. Ảnh: Marcus Westberg/ New York Times.
Địa danh nổi tiếng nhất tại quốc gia này có lẽ là hồ Malawi – một trong những hồ nước ngọt chứa lượng cá phong phú nhất thế giới. Dù có diện tích tương đối nhỏ (chỉ bằng một nửa Việt Nam), Malawi sở hữu đến 1/3 diện tích nước ngọt của cả châu Phi. Tên gọi của quốc gia này phản ánh đặc trưng đó. Malawi trong tiếng bản địa nghĩa là “vùng nước phát sáng” (flaming waters), tượng trưng cho hình ảnh mặt hồ Malawi phản chiếu những tia nắng mặt trời.
Malawi chỉ trở thành tên gọi chính thức khi quốc gia này giành độc lập khỏi Anh Quốc vào ngày 6/7/1964, thay cho tên cũ là Nyasaland (mang nghĩa “vùng nước rộng lớn” – broad waters).
Vào ngày độc lập, hơn 40.000 người đã đổ ra Quảng trường Trung tâm (Central Stadium) tại thủ đô Lilongwe và hô vang ‘Ufulu! Ufulu’ (‘Tự do! Tự do!) cho một khởi đầu mới của đất nước, và của chính họ.
Trong một khu vực vẫn còn mang nặng quá khứ thuộc địa, Malawi được xem là một hình mẫu khá thành công. Khi các quốc gia châu Phi khác vẫn đang phải đắm chìm trong xung đột giữa các bộ tộc, Malawi đang từng bước vững chãi chuyển mình sang thể chế dân chủ hậu thực dân.
Thăng trầm dân chủ hóa
Không lâu sau khi giành được độc lập, một cuộc tranh chấp quyền lực xảy ra giữa thủ tướng lúc bấy giờ là Hastings Kamuzu Banda và các bộ trưởng trong nội các chính phủ. Ba bộ trưởng sau đó bị bãi nhiệm, ba người khác từ chức.
Vào ngày 6/7/1966, Malawi trở thành một nước cộng hòa, và Banda được bầu làm tổng thống. Năm 1971, ông được bổ nhiệm làm tổng thống trọn đời. Hiến pháp cũng chính thức công nhận Đảng Quốc hội Malawi (Malawi Congress Party – MCP), lúc bấy giờ do tổng thống Banda lãnh đạo, là chính đảng duy nhất tại đây.
Tuy là đảng phái lâu đời nhất và có sức ảnh hưởng tại Malawi, nhưng bên cạnh công trạng lớn trong việc đưa quốc gia này thoát khỏi thuộc địa Anh và thúc đẩy phát triển kinh tế, MCP được cho là dùng phần lớn thời gian trong suốt 31 năm cầm quyền của mình để củng cố quyền lực và xây dựng một chế độ độc đảng.
Tổng thống đầu tiên của Malawi từ ngày giành độc lập – Hastings Banda, cùng với Nữ hoàng Anh Elizabeth II tại Blantyre, Malawi vào ngày 22/7/1979. Ảnh: Popula.com/ AP.
Mọi chuyện chỉ thay đổi từ ngày 8/3/1992, khi một lá thư mục vụ (pastoral letter) của Hội đồng Giám mục Công giáo Malawi được đọc tại các nhà thờ trên khắp đất nước.
Nội dung lá thư bày tỏ mối quan tâm về tình hình nhân quyền tồi tệ, nạn nghèo đói, và những ảnh hưởng nghiêm trọng của chúng đến cuộc sống của người dân lúc bấy giờ. Xuất hiện vào một thời điểm không thể thích hợp hơn, lá thư này như một luồng gió khích lệ với các đảng phái đối lập đang hoạt động ngầm. Họ chờ đợi cơ hội khơi mào một chiến dịch cải cách dân chủ.
Thổi thêm vào luồng gió này là áp lực từ quốc tế, khi chính phủ các quốc gia viện trợ đe dọa sẽ cắt các nguồn trợ cấp nếu Malawi không chịu đa nguyên hóa thể chế chính trị.
Các yêu cầu cải cách đã có một chiến thắng vang dội.
Vào cuối năm 1992, hai đảng phái đối lập trong nước là Liên minh cho Dân chủ (Alliance for Democracy) và Mặt trận Dân chủ Thống nhất (United Democratic Front – UDF) chính thức được thành lập và ra mắt công chúng.
Tháng 5/1994, cuộc bầu cử tự do đầu tiên chính thức diễn ra tại Malawi sau 30 năm kể từ ngày giành độc lập. Thủ tướng Banda sau đó bị ứng cử viên Bakili Muluzi của đảng đối lập UDF đánh bại. Đảng UDF cũng đã giành được đa số ghế trong quốc hội sau cuộc bầu cử này.
Năm 1995, một hiến pháp mới ra đời, đặt những viên gạch nền tiếp theo giúp Malawi chuyển mình sang một xã hội dân chủ. Hiến pháp mới cũng giới hạn số nhiệm kỳ của tổng thống Malawi xuống tối đa là hai, với mỗi nhiệm kỳ kéo dài 5 năm.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, tổng thống Muluzi đã tiến hành những cải cách dân chủ sâu rộng hơn, thúc đẩy các quyền tự do cơ bản như quyền tự do ngôn luận và hội nhóm. Đó là một giai đoạn trái ngược hoàn toàn với thời kỳ lãnh đạo của cựu tổng thống Banda.
Tưởng chừng mọi việc đã an bài, thế nhưng, nền dân chủ của Malawi lại bị đe dọa một lần nữa.
Muluzi tái đắc cử tổng thống vào năm 1999, nhưng nhiệm kỳ thứ hai của ông không suôn sẻ như nhiệm kỳ đầu. Kết quả bầu cử bị đặt nghi vấn, kéo theo đó là một giai đoạn của các cuộc biểu tình, bạo lực, và cướp bóc.
Tổng thống Muluzi bị các tiếng nói cả trong và ngoài nước chỉ trích vì đã có những động thái ngày càng chuyên quyền. Không muốn bị giới hạn chỉ trong hai nhiệm kỳ, ông cũng đã nỗ lực sửa đổi hiến pháp nhằm gia hạn thời gian cầm quyền của mình, nhưng bất thành.
Bingu wa Mutharika và Bakili Muluzi, hai tổng thống của Malawi. Ảnh: Maravipost.com.
Không thể tiếp tục nắm quyền, vào cuộc bầu cử tiếp theo (năm 2004), Muluzi đề cử một ứng viên khác của Đảng UDF là Bingu wa Mutharika. Ông Mutharika sau đó đắc cử tổng thống.
Mutharika, giống như những người tiền nhiệm của mình, là đại diện cho một tình trạng đáng lưu tâm trong tiến trình dân chủ hóa ở các quốc gia châu Phi. Đó là việc người lãnh đạo trở nên chuyên quyền sau một thời gian tại vị.
Là một trong những thành viên sáng lập chủ chốt của Đảng UDF, Mutharika có một nền tảng học thuật và hoạt động công ích vững chắc. Ông từng làm việc tại các tổ chức quốc tế lớn như Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế giới trước khi bước vào chính trường.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Mutharika, Malawi trải qua nhiều thách thức lớn. Đất nước nhỏ này phải đối mặt với cuộc khủng hoảng dịch bệnh HIV/AIDS. Bên cạnh đó là sự thiếu hụt các đòn bẩy kinh tế, mất cân bằng an ninh lương thực, nền giáo dục xuống cấp, và cơ sở hạ tầng yếu kém.
Giống những người tiền nhiệm, Mutharika đã tiến hành nhiều cải cách quan trọng, trong đó nổi bật nhất là về kinh tế và chính trị.
Về kinh tế, ông tập trung vào việc chống tham nhũng và thiết lập các chính sách kinh tế bền vững để giúp đưa nền kinh tế thoát khỏi suy thoái. Còn về chính trị, Mutharika tập trung vào quá trình cải thiện tình hình nhân quyền và pháp quyền với một tôn chỉ: vì người dân Malawi.
Thế nhưng vào nhiệm kỳ thứ hai, bắt đầu từ năm 2009, chính sách của Mutharika đã quay ngoắt 180 độ so với những gì ông cố thực hiện trước đó. Có thể nói, Mutharika của năm 2004 và 2009 là hai phiên bản đối nghịch của nhau.
Mutharika ngày càng trở nên chuyên quyền và kém khoan dung trước những lời chỉ trích. Ông cách chức tùy tiện các quan chức chính phủ, sách nhiễu các nhà hoạt động phản đối chính sách mình đưa ra, công khai tuyên bố rằng sẽ “xử lý” và bỏ tù những người tổ chức các cuộc biểu tình chống lại chế độ của mình.
Biểu tình lớn ở Malawi năm 2011. Ít nhất 19 người đã chết trong cuộc đụng độ với quân đội. Ảnh: VOA.
Vào tháng 7/2011, sức ép lên chính quyền của Mutharika càng lên cao. Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra tại Malawi vì người dân bất mãn với giá lương thực tăng cao và cuộc khủng hoảng năng lượng trên toàn quốc. Quân đội được triển khai để trấn áp. 19 người biểu tình bị giết chết, hàng trăm người khác bị thương.
Ngày 5/4/2012, một sự kiện bất ngờ xảy ra: Mutharika đột ngột qua đời vì một cơn đau tim.
Cái chết của vị tổng thống chỉ được công bố chính thức hai ngày sau đó. Lý do là vì các quan chức chính quyền (vốn theo Mutharika) không muốn phó tổng thống lúc bấy giờ là Joyce Banda thế vào chỗ trống theo hiến pháp. Tấm thảm dẫn tới ghế tổng thống lúc đó đã được trải sẵn cho cậu em trai Peter Mutharika. Tuy vậy, với sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân trong nước và quốc tế, Banda vẫn nhậm chức tổng thống tạm quyền.
Đến cuộc bầu cử năm 2015, Peter Mutharika giành thắng lợi với 36,4% số phiếu bầu. Ông vượt qua Lazarus Chakwera, ứng cử viên của đảng MCP, và Tổng thống tạm quyền Banda (đạt lần lượt là 27,8% và 20,2% số phiếu). Mặc dù Banda cáo buộc có gian lận bầu cử, Tòa án Tối cao Malawi đã bác bỏ cáo buộc này.
Tuy nhiên, chỉ vài năm sau, mọi sự tập trung không dành cho người về nhất, mà lại đổ dồn vào người về nhì: Lazarus Chakwera.
Khi người dân quyết tâm giành lại cuộc bầu cử
Lazarus Chakwera là một cái tên khá mới mẻ trong chính trường Malawi. Cuộc đời ông lẽ ra đã được định sẵn để trở thành một mục sư, chứ không phải là tổng thống.
Sinh ra trong gia đình có cha là một nhà truyền giáo, Chakwera theo học và tốt nghiệp cử nhân triết học tại Malawi, sau đó theo học thạc sỹ ngành thần học (theology) tại Nam Phi và Hoa Kỳ. Ông quyết định xông pha vào chính trường khi nhận thấy rằng đất nước của mình đang lâm vào khủng hoảng và trở nên chia rẽ hơn bao giờ hết trong suốt 25 năm qua.
Dáng dấp của Chakwera gợi nhớ đến một trong những nhà lãnh đạo dân sự vĩ đại nhất nước Mỹ – mục sư Martin Luther King Jr. – và bài phát biểu “Tôi có một giấc mơ” (I have a dream) nổi tiếng. Trong các bài diễn thuyết của mình, Chakwera thậm chí còn truyền đi những hy vọng táo bạo hơn.
“Đã đến lúc chúng ta vươn xa hơn những giấc mơ của mình”, ông nói. “Tất cả phải thức dậy, bởi vì đây chính là thời điểm để thoát khỏi giấc ngủ dài và biến giấc mơ của chúng ta thành hiện thực”.
Đó cũng chính là thời khắc người dân Malawi chợt thức tỉnh.
Lazakrus Chakwera gợi nhớ đến huyền thoại Martin Luther King Jr. Ảnh: Reuters.
Vào cuộc bầu cử tổng thống tháng 5/2019, cái tên Peter Mutharika lại được xướng lên là người chiến thắng với 38,57% số phiếu, theo sau là Chakwera với 35,41%. Thế nhưng, chiến thắng lần này của ông Mutharika không kéo dài được lâu.
Ủy ban Bầu cử Malawi (MEC) nhận được 147 báo cáo về gian lận bầu cử, trong đó có việc sử dụng hóa chất Tipp-Ex để tẩy xóa các phiếu bầu của ứng cử viên đảng đối lập. Các đảng đối lập đệ đơn lên Tòa án Hiến pháp, còn người biểu tình Malawi thì tràn ra đường để cất lên tiếng nói ủng hộ quyết định trên.
Vào tháng 2/2020, Tòa án Tối cao Malawi đưa ra phán quyết rằng đã có những sai sót “lớn, mang tính hệ thống, và nghiêm trọng” trong quá trình bầu cử; đồng thời yêu cầu tổ chức lại một cuộc bầu cử mới trong vòng 150 ngày.
Lần này thì hàng triệu cử tri Malawi quyết tâm không để gian lận bầu cử lặp lại.
Đại dịch COVID-19 ngăn cản các quan sát viên quốc tế đến giám sát cuộc bầu cử mới, nhưng điều này chẳng thành vấn đề. Các tổ chức dân sự, phóng viên, và các nhà hoạt động xã hội địa phương đã thay phiên giám sát từng quá trình, từ vận động, bầu chọn, cho đến kiểm và đếm phiếu.
Để đảm bảo không có gian lận xảy ra, người dân tuần hành “hộ tống” các thùng phiếu đến các trung tâm kiểm phiếu. Quân đội lại được triển khai, nhưng giờ đây là để bảo vệ dòng người biểu tình đang diễu hành đòi công lý.
Tháng 6/2020, cả đất nước trải qua giai đoạn hồi hộp nhất kể từ ngày độc lập. Người người chăm chú bên chiếc radio trong hàng tháng trời để dõi theo từng diễn biến của cuộc bầu cử mới.
Sau biết bao chờ đợi, người dân Malawi đã có lý do để ăn mừng. Kết quả cuối cùng không phụ lòng họ.
Người dân Malawi đón mừng phán quyết của Tòa án Tối cao tại thủ đô Lilongwe. Ảnh: The Economist/ AP.
Trong cuộc bầu cử “sạch” này, ứng cử viên Lazarus Chakewra đã chiến thắng với 59% trong tổng số 4,4 triệu phiếu bầu, bỏ xa đối thủ Mutharika.
Đây không chỉ là chiến thắng của riêng Chakewra, mà còn là của cả người dân Malawi trong nỗ lực bảo vệ nền dân chủ của mình.
Điều này cũng cho thấy tầm quan trọng của các thiết chế vững chãi đối với những quốc gia đang bước đầu xây dựng nền dân chủ: một hệ thống tòa án độc lập, một khu vực xã hội dân sự sôi động, một nền báo chí dấn thân, và một quốc hội đủ mạnh. Tất cả kết hợp lại sẽ khiến cho những kẻ đam mê quyền lực khó lòng bám trụ vào ảo tưởng của mình.
Đây cũng là một bài học cho tất cả các quốc gia khác – những nước xét về quy mô dân số và điều kiện phát triển đều hơn hẳn quốc gia châu Phi nhỏ bé này.
Người Malawi đã lựa chọn dân chủ. Họ không viện dẫn cái nghèo để thờ ơ với chính trị, hay để những kẻ chuyên quyền tước đi các quyền dân sự cơ bản nhất của mình: quyền được cất lên tiếng nói, quyền được bầu chọn người lãnh đạo, và quan trọng hơn hết, quyền được tiếp cận sự thật.
Malawi đáng được ngưỡng mộ vì lẽ đó. Tạp chí The Economist vinh danh họ là quốc gia của năm 2020 với một phát biểu hùng hồn:
“Dù đất nước còn nghèo, nhưng người dân Malawi không chấp nhận làm đối tượng bị cai trị. Họ là những công dân tự do.”
Sẽ còn rất nhiều việc phải làm để cải thiện đời sống của những công dân tự do nơi đây. Nhưng trước mắt họ đang là rất nhiều hy vọng.
Tham khảo:
How Malawi saved its democracy, The Continent
Which is The Economist’s country of the year?, The Economist
A historic day for Malawi’s democracy, The Economist
Malawi’s re-run election is a victory for democracy, The Economist
Nyasaland Becomes Malawi, 37th Free African Country; New Name Helps Mark Shift of Control From Whites to Black Majority, New York Times
History of Malawi, Britannica
The Erosion of Democracy in Malawi: President Bingu wa Mutharika’s Unholy Conversion, Brookings Institution