Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
NƯỚC MẮT CỦA MỘT TÌNH YÊU BỊ CHỐI TỪ
Thứ Sáu Tuần XXXIII – Mùa Thường Niên
“Chúa Giêsu đến gần Giêrusalem, trông thấy thành thì Ngài khóc!”.
W. Wiersbe nói, “Điều chúng ta cần không phải là tức giận, nhưng là đau khổ, một kiểu đau khổ mà Môisen bộc lộ khi ông đập vỡ hai bia đá và sau đó, lên núi cầu bầu cho dân; hoặc như Chúa Giêsu, khi Ngài thanh tẩy đền thờ và sau đó, Ngài khóc khi thấy nó. Sự khác biệt giữa tức giận và đau khổ là một trái tim tan vỡ. Nước mắt của Ngài là ‘nước mắt của một tình yêu bị chối từ!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Ý tưởng của Wiersbe được gặp lại trong Lời Chúa hôm nay khi cả hai bài đọc nói đến nước mắt. Tác giả Khải Huyền khóc “vì chẳng ai xứng đáng mở và đọc cuốn sách”; Chúa Giêsu cũng khóc khi Ngài “trông thấy thành!”. Trái tim Ngài thật sự tan vỡ khi nhìn những con người đang choáng ngợp bởi sự hùng vĩ của Giêrusalem, nhưng tâm hồn họ lại rỗng tuếch bởi họ chối nhận Đấng viếng thăm thành, Chủ nó; nước mắt của Ngài là ‘nước mắt của một tình yêu bị chối từ!’.
Sách Khải Huyền mô tả Gioan khóc nức nỡ vì chẳng ai xứng đáng mở và đọc cuốn sách hằng sống. May thay, sau đó thiên thần lại nói, “Đừng khóc nữa! Này đây, Sư Tử Giuđa, Chồi Non Đavít sẽ mở cuốn sách và bảy ấn niêm phong”. Thật thú vị, qua Tin Mừng hôm nay, Sư Tử Giuđa, Đức Kitô, được Luca mô tả trong một trạng thái rất xúc động, Ngài khóc khi Giêrusalem không tiếp đón cũng không nhận ra Ngài, một Thiên Chúa viếng thăm dân Ngài. Từ đây, thành sẽ phải sống với hậu quả của việc từ chối Vua Trời, từ chối sứ giả Ngài sai đến. Có một cảm giác rằng, Chúa Giêsu, và Chúa Cha, Đấng sai Ngài, đã bất lực trước sự thờ ơ này. Đối diện sự lạnh lùng của lòng người, Chúa Giêsu không thể cầm mình, và tất cả những gì Ngài có thể làm là khóc; những giọt ‘nước mắt của một tình yêu bị chối từ!’. Ngài đến, tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất; trong đó, có chúng ta, cũng đang từ chối Ngài. Giá mà chúng ta biết cởi mở, đáp lại tình yêu của Ngài; Ngài sẽ gõ cửa, vào dùng bữa với chúng ta. Ngài đợi chúng ta nói với Ngài những gì hai môn đệ Emmaus đã nói, “Xin ở lại với chúng con, vì trời đã xế chiều!”.
Trước đó, cũng trong Luca, khi nhìn về Giêrusalem, Chúa Giêsu đã thổ lộ, “Đã bao lần muốn tập họp con cái ngươi lại như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh”; thế mà chúng không sẵn lòng. Chúa Giêsu có thể tự làm nhiều điều để bước vào mối quan hệ yêu thương với chúng ta; nhưng Ngài cần đến sự cởi mở, một sự phản hồi tự do thực sự từ phía chúng ta. Vậy mà chúng ta vẫn đang tâm quay lưng với Ngài! Tuy nhiên, tin tốt lành từ các Phúc Âm là Ngài vẫn trung thành, kiên tâm chờ đợi, ngay cả khi ai đó chỉ có thể đến với Ngài vào giờ thứ mười một. ‘Nước mắt của một tình yêu bị chối từ’ nơi Chúa Giêsu không làm Ngài cay đắng hay đóng chặt trái tim; đó là nước mắt của một tình yêu thuỷ chung, bền chặt trước sự phản kháng của con người.
Anh Chị em,
“Trông thấy thành thì Ngài khóc!”. Đấng Cứu Thế đã khóc thật sự! Ngài khóc không vì tủi thân, nhưng khóc vì Giêrusalem không nhận ra giờ mình được viếng thăm. Từ chối Giêsu, là từ chối sống. Ngài là Chủ vạn vật, Chúa mọi tâm hồn; “Ngài đã đến “nhà Ngài”, nhưng người nhà không tiếp nhận”. Như đã đến với Giêrusalem, Chúa Giêsu cũng đang đến với từng người chúng ta qua từng con người, từng biến cố; và quan trọng nhất, giây phút Ngài ngự đến khi chúng ta hiệp lễ. Đó là khoảnh khắc ‘Trời thăm đất’, ‘Chúa thăm người’, ‘Đấng Toàn Thánh thăm tội nhân’ và cả hai ‘nên một’. Thiên Chúa là tình yêu, Chúa Giêsu không ngừng ước được sống mãi trong chúng ta, sống với chúng ta; một khi có Ngài, chúng ta được sống, và ngày mới lại đầy hân hoan! Nào bạn hãy nhìn lại chính mình mỗi khi rước Chúa; hãy tự hỏi, Chúa Giêsu muốn gì lúc đó? Ngài đói khát tình yêu của bạn và tôi! Vậy mà, trong thực tế, không ít lần Ngài đã phải nhỏ lệ, nhỏ xuống trần gian này thêm những giọt ‘nước mắt của một tình yêu bị chối từ!’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con đừng bỏ lỡ ân huệ được Chúa viếng thăm mỗi ngày. Con sẽ chuẩn bị tốt nhất, hãy coi ‘lòng con’ là ‘nhà Chúa’, và Chúa không còn phải giọt vắn giọt dài!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
From: Kim Bang Nguyen