Nói cho con người: Lm. Chân Tín (25)

Nói cho con người: Lm. Chân Tín (25)

Đăng bởi lúc 1:55 Sáng 27/12/12
nguồn: Chuacuuthe.com

VRNs (27.12.2012) – Sàigòn –

Nhận định:

Bài nói của ông Đỗ Mười

tại Hội nghị Cán bộ, ngày 3/3/1994

Trong tình hình Mỹ bỏ cấm vận, mở cửa kinh tế theo thị trường tự do của các nước tư bản, với ‘diễn biến hòa bình’, trong và ngoài nước, ông Đỗ Mười kêu gọi đảng viên “trước hết phải đứng vững trên quan điểm giai cấp và đấu tranh giai cấp”.

Giai cấp nào đây? Đây là vấn đề then chốt: Giai cấp những người lao động nghèo đói bị bóc lột ngày hôm nay trên Đất nước này, hay ‘giai cấp công nhân’ không có gì là công nhân, nhưng là giai cấp của các ‘quan cách mạng’, ‘giai cấp mới’ bóc lột nhân dân lao động đến xương tủy. Đấu tranh giai cấp để giai cấp thống trị hiện nay mãi độc quyền, độc tôn, nắm toàn quyền kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục, y tế vv…

Để bảo đảm độc quyền của ‘giai cấp mới’ phải nô lệ hóa nhân dân, phải đạp lên con người, đạp lên trên những quyền căn bản nhất của con người. Con người có tự do, không ai có quyền tước đoạt tự do của con người, bằng cách lập luận “mỗi nước có đặc thù, có  truyền thống, có luật pháp của mình”. Truyền thống hay luật pháp bất công, đàn áp con người, thì truyền thống đó, luật pháp đó, phải bị hủy bỏ.

Nhân loại càng thông minh càng phải làm cách mạng hủy bỏ cái truyền thống, cái luật pháp bất công đó. Ông Đỗ Mười nêu lên truyền thống độc quyền, luật pháp vi hiến, chống lại bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền mà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam  đã đặt bút ký với các dân tộc văn minh.

Ông Đỗ Mười nói đến công lao của Đảng Cộng sản Việt Nam đã “giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động, xóa bỏ ách thống trị, bóc lột, áp bức bất công, mang tự do, hạnh phúc cho mọi người”. Có phải vậy không? Công nhân thứ thiệt vẫn nghèo đói, vẫn bị bóc lột, vẫn bị áp bức còn hơn thời thực dân. Chỉ có một nhóm người nhỏ tự cho mình là ‘giai cấp công nhân’ mới được giàu có, quyền chức, sống trên đầu trên cổ của người lao động nghèo, những công nhân sống với đồng lương chết đói. Họ xóa bỏ ách thống trị thực dân, để áp một ách thống trị nặng nề hơn, khắc nghiệt hơn.
Lịch sử 73 năm chế độ cộng sản ở Liên Xô và 45 năm ở Đông Âu, và nay ở Trung
Quốc, Bắc Triều Tiên, Cu Ba và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cũng đủ để
chứng minh cái ách thống trị độc tôn, độc đảng, độc quyền đó. Ngày nay bóc lột,
áp bức, bất công càng lớn hơn tất cả các chế độ thực dân phong kiến xưa nay.
Thời phong kiến ngày xưa là phong kiến tự phát nơi này nơi khác không có tổ
chức, không để cho nô lệ thiếu đói, chết bệnh, không bắt nô lệ ca ngợi mình.
Ngày nay chế độ cộng sản là một tập đoàn phong kiến có tổ chức: mất hết tự do,
không có hạnh phúc mà người dân phải nói mình có hạnh phúc, mình tự do, mình
sống trong chế độ dân chủ hơn cả triệu lần dân chủ tư bản.

Về đấu tranh tư tưởng, tôi nghĩ những Hà Sĩ Phu, những Nguyễn Hộ, những Phan Đình Diệu, những Bùi  Tín, những Lữ Phương là những đảng viên có cỡ đã nói quá nhiều về sự lỗi thời, sự lạc hậu, sự tàn lụi của chủ nghĩa Mác-Lê.

Ông Đỗ Mười, để ca ngợi chủ nghĩa Mác-Lê, chỉ lặp lại bài học cũ kỹ: Mác Anghen, Lênin đã phân tích sâu sắc bản chất chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc, chỉ ra con đường đấu tranh để giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động, giải phóng dân tộc, xóa bỏ ách thống trị, bóc lột, áp bức, bất công, mang tự do hạnh phúc cho mọi người. Ông Đỗ Mười nói thuộc lòng bài học đã nhét vào đầu từ khi mới vào Đảng. Lý thuyết là thế, mà sự thực trái ngược, như mọi người dân hôm nay đều thấy, các
nhà trí thức, các nhà khoa học lên án nặng nề chủ nghĩa xã hội và chế độ xã hội
chủ nghĩa ở Liên Xô. Ở Việt Nam, ông Đỗ Mười nổi sùng đập bàn bảo “cán bộ trong
các viện nghiên cứu khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, các nhà chính trị,
các nhà văn hóa phải có thái độ, phải lên tiếng. Tại sao ta lại ngồi yên, ở thế
bị động suốt mấy năm nay. Sắp tới ta còn bị động nữa…” Ông Đỗ Mười kêu gào
“đừng để chúng vừa ăn cướp, giết người, vừa la làng”. Ai la làng đây? Tước hết
nhân quyền và dân quyền của người dân, rồi bảo chế độ ta dân chủ hơn cả triệu
lần. chỉ một điểm chính yếu đó cũng đủ biết ai la làng.

Ông Đỗ Mười bảo: “Một số  phần tử xấu nói thể kỷ XX là thế kỷ cộng sản giết người lớn nhất trong lịch sử, nên phải chôn vùi nó”. Chủ nghĩa cộng sản, chế độ cộng sản chỉ tồn tại hơn 70 năm trên đất nước Liên Xô, 45 năm trên Đông Âu, 40 năm ở Việt Nam, thế mà bao cuộc tàn sát của Stalin, thủ tiêu hàng triệu sinh mạng vì họ là những người vô
tội, bất đồng chứng kiến. Ngay ở Việt Nam bao nhiêu người chết vì bị đấu tố để
cướp đất đai của dân, những cuộc thanh trừng các nhà văn, nhà trí thức, cách riêng
thời ‘nhân văn giai phẩm’, bao nhiêu người bị tù đày, thanh toán vì nói ngược
Đảng. Ở Liên Xô từ ngày có phong trào dân chủ, người ta vạch trần thời ghê rợn
của chế độ cộng sản ở Liên Xô. Vụ hàng ngàn sĩ quan Ba Lan bị tàn sát tại
Katyn, trước kia Liên Xô đổ cho Đức quốc xã, nhưng nay được chứng minh là chính
Liên Xô đã tàn sát một năm trước khi Đức quốc xã đến.

Ông Đỗ Mười hỏi: “Ai gây ra chiến tranh thế giới lần thứ hai, làm thiệt mạng mấy chục triệu người?” Ông không nhớ rằng chiến tranh đó Đức quốc xã khởi sự chiến tranh với sự đồng lõa của Liên Xô vào những năm đầu của chiến tranh thế giới thứ hai. Những hàng triệu người chết vì bom đạn của chiến tranh, khác với việc cố tình tàn sát hàng
triệu người vô tội không cầm khí giới chỉ vì họ bất đồng chính kiến với Đảng
cộng sản.

Ông Đỗ Mười tố “các thế lực thù địch vu cáo Đảng ta độc tài, không có dân chủ”. Người ta nói vậy không đúng hay sao? Hay phải gọi độc tài là dân chủ, dân chủ là độc tài? Các chế độ khác có những hạn chế trong một vài lãnh vực, và dân chủ trong nhiều lãnh vực. Ở Việt Nam, độc tài trên mọi lãnh vực: không tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do phát biểu ý kiến, không có tự do tôn giáo cho các giáo hội tổ chức nội bộ,
đặt chức sắc, in ấn sách vở tôn giáo, không được tự do đi lại, cư trú, cái hộ
khẩu nhân dân gọi là ‘hậu khổ’ một tờ giấy cầm tù tại gia. Muốn ở chỗ khác phải
xin phép mà các cơ quan cách mạng tự do từ chối. Còn bầu cử tự do, phải có ứng
cử tự do. Tại Việt Nam chả có ứng cử tự do, hay có để người ứng cử tự do cho có
hình thức, họ cũng bị loại trước khi bầu cử, hoặc làm cò mồi để lót đường cho
các quan cách mạng được Đảng chọn qua cái gọi là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Sự
thật như thế mà gọi là dân chủ, là không độc tài? Là dân chủ hơn cả triệu lần?
Người ta ăn nói mà không ngượng miệng. Người ta coi nhân dân là đám con nít hay
là đám nô lệ cúi đầu chịu, khi Đảng bảo cái đen là trắng thì cố dạ dạ vâng vâng
bảo là trắng. Khổ và nhục cho dân Việt có bốn ngàn năm văn hiến.

Về nhân quyền, ông Đỗ  Mười bảo “Điều thứ nhất trong Công ước của Liên Hiệp Quốc là tôn trọng độc lập, chủ quyền và quyền tự quyết của các dân tộc”. Nhưng độc lập, chủ quyền, tự quyết để làm gì? Là để đem tự do, hạnh phúc cho người dân, nhưng nếu độc lập, để cô lập đất nước bằng một chế độ hà khắc, không muốn ai can thiệp để bảo vệ
con người, thì độc lập đó có lợi ích gì cho con người, cho người dân? Nếu tự
quyết do một đảng phái áp đặt một hệ thống cai trị ngược lại với các quyền căn
bản của con người, thì tự quyết đó không phải là của nhân dân. Đảng Cộng sản
Việt Nam luôn nói nhân dân chọn chủ nghĩa xã hội, nhân dân nào đây? Một nhóm
người rồi bảo nhân dân. Đảng cộng sản thử làm một cuộc trưng cầu ý dân tự do để
coi được mấy người ủng hộ chủ nghĩa xã hội và chế độ xã hội chủ nghĩa hôm nay
trên đất nước. Chắc chắn là ĐCS không dám rồi.

Về kinh tế, ông Đỗ Mười nói “ta đã đi vào thị trường”. Thị trường gì đây? Thị trường tự do với luật lệ hẳn hoi có kỷ cương luật hay là thị trường hỗn loạn, không có luật lệ rõ ràng, tình trạng buôn lậu (người người buôn lậu, nhà nhà buôn lậu, cơ quan nhà nước buôn lậu, kể cả Ủy ban Nhân dân và Đảng bộ như vụ Đỉnh Họt), tình trạng tham
nhũng lan tràn. Kinh tế còn có sự quản lý, can thiệp của Nhà nước, của Đảng như
ông Đỗ Mười nói, kinh tế ấy chỉ làm lợi cho những người có chức, có quyển, có ô
dù, một thứ Mafia được tổ chức khắp nước, khắp tỉnh thành, để làm lợi cho bản
thân họ và cho cả các nước ngoài, để có những hợp đồng sang nhượng đất đai, nhà
cửa, cơ sở với giá thấp. CHXHCN Việt Nam hôm nay, thấy làm ăn quốc doanh lỗ lã,
chạy theo thị trường cách hỗn loạn.

Ông Đỗ Mười nói đến bốn nguy cơ, trong đó có một nguy cơ khách quan và ba nguy cơ chủ quan, đang đe dọa chế độ cộng sản Việt Nam.

Nguy cơ khách quan là các thế lực thù địch muốn lật đổ chế độ: “Chúng đánh ta, ta đánh lại”. Đây chỉ là hoang tưởng. Thời nay là thời mà Đảng gọi là ‘diễn biến hòa bình’. Đảng Cộng sản hôm nay rất sợ diễn biến hòa bình. Vác súng đánh giặt, thì Đảng có nhiều kinh nghiệm. Coi như Cộng sản Việt Nam không ngán chiến tranh, nhưng lại ngán hòa bình. Diễn biến hòa bình, thì ai làm tốt, ai đem tự do, hạnh phúc cho dân
thì dân theo. Nếu ĐCS đem tự do, hạnh phúc no ấm hơn ai hết, thì có gì Đảng
phải sợ ‘diễn biến hòa bình’?

Còn ba nguy cơ chủ quan, ông Đỗ Mười đưa ra trước hết ‘nguy cơ chệch hướng’. Hướng nào đây? Hướng của dân hay của Đảng? Hướng của dân là tự do, là dân chủ, là tôn trọng nhân phẩm, nhân quyền, dân quyền. đúng là Đảng đi ‘lệch hướng’ của nhân dân và ông Đỗ Mười gọi cái hướng của nhân dân là cái hướng lệch, phải áp đặt thêm nữa hướng độc tài, độc tôn của Đảng. Chính đây là cái nguy cơ chệch hướng đã lâu rồi và Đảng chưa đổi hướng cho đúng hướng của dân.

Nguyễn Trãi nói: “Chở thuyển là dân mà lật thuyền cũng là dân”. Đừng sợ kẻ thù lật thuyền. Khuyên ông Đỗ Mười đổi hướng cho đúng hướng của người dân.

Về nguy cơ tham nhũng, ông Đỗ Mười tự an ủi là thời nào cũng có tham nhũng, nước nào cũng có tham  nhũng. Tham nhũng của các nước dân chủ có giới hạn và bị phanh phui và đưa ra tòa kể cả Tổng thống, Thủ tướng. Ở đất nước này, tham nhũng tràn lan khắp nơi, khắp mọi lãnh vực, mọi cấp bậc. Có bắt tham nhũng cũng ở cấp nào đó, còn mấy “quan cách mạng” cao cấp lắm ô dù cho tay chân tham nhũng, buôn lậu thì vẫn yên vị hay còn lên chức.

Còn nguy cơ ‘cơ sở yếu’, thiếu tính chiến đấu: Thượng bất chính, hạ tất loạn. Trên tác oai, tác quái. Cứ đi điều tra các xí nghiệp sẽ thấy, các đảng viên là những kẻ tác oai, tác quái, tổ chức tham nhũng! Như vậy, làm thế nào mà triệt được tham nhũng như ông Đỗ Mười hô hào rát cả cổ. Đảng chống tham nhũng, tham nhũng càng phát triển cách tinh vi hơn, như báo chí của Đảng mới đây có viết.

Nói tóm, bài nói của ông Đỗ Mười không có điểm nào được cả. muốn đổi mới mà cứ các giáo điều cũ. Không nhìn vào thực tế, cứ mãi chủ nghĩa Mác Lê như hồi trước. Các nước cộng sản sụp đổ mới mở mắt đảng viên, để đổi mới cho đúng với hướng nhân dân. Nếu nay mai, Đảng Cộng sản ở Nga và các nước Đông Âu có ảnh hưởng người dân là vì họ đã đổi mới, đã đòi dân chủ, đòi đa nguyên, đa đảng, đòi tự do, đòi nhân quyền cũng như các đảng khác.

 

Lm. Chân Tín


(Tin Nhà số 16, trang 12-13)

 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay