Những hiểu lầm về tự tử

 Những hiểu lầm về tự tử

  • TS Nguyễn Phương Mai
  • Viết cho BBC News Tiếng Việt 

BBC 19/02/2022.

Câu chuyện bạn sinh viên đeo đá tự vẫn mới đây khiến chúng ta ai nấy đều đau đớn. Đó không chỉ là một cái chết thương tâm mà còn là bao nhiêu câu hỏi sẽ còn quanh quẩn day dứt với người ở lại. 

Trong những khắc khoải đòi câu trả lời ấy, có một vài điều chúng ta cần chia sẻ rộng hơn để xã hội thêm sự thấu cảm với những cái chết như vậy.    

Chỉ những người bị trầm cảm hay có vấn đề về tinh thần mới tự sát 

Đúng là trầm cảm chiếm tỷ lệ lớn, đôi khi đến 50% số người tự sát. Tuy nhiên, lý do để một người chấm dứt cuộc đời đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. 

Theo một báo cáo của UNICEF ở Việt Nam, lý do tự sát vô cùng đa dạng: áp lực học hành, bị bắt nạt, thất tình, bất hạnh và xung khắc với gia đình, gánh nặng kinh tế, bị ép buộc cưới sớm hoặc bị cản trở trong hôn nhân, áp lực phải thành công và mạnh mẽ…vv.

Như vậy, ta không nên coi tất cả những người tự tử là bệnh nhân trầm cảm vì như vậy giải pháp sẽ chỉ dồn về việc chữa trị một căn bệnh. Trong khi đó, nguyên nhân tự sát không chỉ là một căn bệnh đơn lẻ. Rất nhiều áp lực, bất công và vấn đề trong cuộc sống hàng ngày đều có thể là lý do để người thân của chúng ta tìm đến cái chết. 

Trong báo cáo của UNICEF về Việt Nam có một chi tiết khá quan trọng, đó là việc sống riêng có tác dụng bảo vệ người có ý định tự tử. Lý do có thể đến từ việc cha mẹ mong đợi quá nhiều ở con cái, biến yêu thương thành áp lực.      

Những người tự tử thường hành động bất ngờ, chẳng có dấu hiệu gì báo trước

Một trong những hình xăm tạo viral trên mạng khi mới xuất hiện là dòng chữ “I’m fine” (tôi ổn mà), nhưng khi nhìn ngược lại, chính dòng chữ ấy có thể đọc là “save me” (cứu tôi với). 

Khi một người ra đi, họ đã bằng nhiều cách khác nhau để lại những tín hiệu của dự định tìm đến cái chết. Câu hỏi là liệu xung quanh họ có những người đủ gần gũi, đủ sắc bén, đủ thấu cảm để nhận ra những tín hiệu đó?

Danh sách những tín hiệu của ngõ cụt, đường cùng bao gồm: xa lánh người xung quanh, buồn bã, không chăm sóc bản thân, có hành vi khác thường, thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt theo hướng tồi tệ hơn, giận giữ, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, dùng chất kích thích, tự làm đau bản thân, than thân trách phận, có cái nhìn bế tắc với cuộc sống, tin rằng mình là gánh nặng cho người khác, coi bản thân là sự thất bại, tự coi mình là vô nghĩa, và bộc lộ suy nghĩ về tự sát. 

Từ khía cạnh sinh học tiến hóa, hành vi tự tử là kết quả cuối cùng của một chuỗi những tín hiệu cảnh báo mà không được để ý (bargaining model). Giả thuyết này cho rằng những người gặp vấn đề đã vô thức tìm đến việc phát đi tín hiệu cứu giúp ở mức độ cao nhất, và cái chết chỉ là một hệ quả không hề mong muốn của tín hiệu đường cùng đó. 

Nói về tự tử là vẽ đường cho hươu chạy

Không hẳn, bởi con hươu ấy đã đang chạy rồi, và chạy trong một ma trận không có đường thoát. Cách xã hội nhìn tự tử như một chủ đề nhạy cảm và cấm kỵ khiến ma trận đó càng khó giải hơn. Vấn đề này cũng khá giống cách một xã hội bảo thủ nhìn tình dục hay LGBTQ. Tìm hiểu về sex không có nghĩa là con trẻ sẽ tìm đến sex, nói về tình dục đồng giới không có nghĩa là góp phần bẻ thẳng thành cong. 

Người có ý định tự sát sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi được chia sẻ. Ba câu hỏi mà các chuyên gia khuyên nên dùng, theo thứ tự, chỉ hỏi câu tiếp theo khi câu đầu tiên trả lời là “có”:

  • Bạn có nghĩ rằng cuộc đời này đáng sống hay thà chết còn hơn? 
  • Bạn đã bao giờ nghĩ về tự tử chưa?
  • Bạn có nghĩ mình sẽ chấm dứt cuộc đời không? Bạn đã từng thử làm điều đó chưa? 

Những khó khăn về tinh thần cũng giống như những khó khăn về cơ thể, đều cần trị liệu mới khỏi. Một người gãy chân không thể tự đứng dậy mà đi. Tương tự, một người bị áp lực tinh thần không thể cứ vui lên mà sống tiếp mà không có sự chia sẻ, trợ giúp và nâng đỡ nào.

Những người tự tử là kẻ ích kỷ 

Một cái chết luôn để lại đau thương cho người ở lại. Chính vì thế mà kẻ tự tử bị coi là ích kỷ khi chỉ nghĩ đến giải thoát cho chính mình. 

Tuy nhiên, việc “bôi đen” hành động tự tử cũng là một cơ chế tâm lý vị kỷ nhằm gián tiếp bảo vệ bản thân kẻ phán xét. Ta sợ rằng mình sẽ là nạn nhân của sự đau khổ ấy, từ đó vô thức tìm cách giảm thiểu khả năng xảy ra hành vi tự tử bằng cách dán cho hành vi ấy một cái nhãn xấu xí

Trong thực tế, bất chấp giá trị thực trong mắt xã hội, nhiều người tìm đến cái chết thường thật lòng tin rằng họ là một gánh nặng cho người xung quanh. Họ coi tự tử là một giải pháp quên mình, xóa đi một mối lo, bỏ đi một mắt xích lỏng lẻo, khiến những người ở lại có thể trút được một phần khổ đau. 

Điều này chính là giả thuyết thứ hai của hành vi tự tử từ góc nhìn sinh học tiến hóa (adaptive suicide). Các nghiên cứu về vấn đề này cho rằng, khi tìm đến cái chết, những người tự tử không hẳn chỉ tìm đến sự giải thoát cho bản thân mà còn là sự giải thoát cho những người xung quanh, giống như một sự hy sinh vô thức cho lợi ích của cộng đồng.

Những người tự tử là kẻ yếu đuối 

Con người chúng ta sinh ra không hề bình đẳng. Chúng ta chỉ có quyền đấu tranh để đạt được điều đó. Không ai có thể chọn cho mình một sức khỏe hoàn hảo, một gia đình hạnh phúc, một ngôi nhà giàu sang, một đất nước phồn vinh vv…rồi mới chấp nhận chào đời. 

Bởi mỗi chúng ta đều mang vác trên mình những gánh nặng vô hình rất khác nhau của sức khỏe và tâm sinh lý, thật khó để phán xét rằng tại sao tôi cũng bị áp lực như bạn mà tôi không bỏ cuộc. Ngưỡng chịu đựng của mỗi người khác nhau bởi nguồn tài nguyên cung cấp cho sự sống của mỗi người là khác nhau. 

Đây chính là giả thuyết thứ ba của hành vi tự tử, nhìn từ góc độ sinh học tiến hóa (pain-brain hypothesis). Giả thuyết này cho rằng chỉ loài người mới có khả năng nhìn nhận và đánh giá nỗi đau của mình, rồi dùng bộ não để lập kế hoạch tự hủy diệt nhằm chấm dứt nỗi đau ấy. 

Cao hơn, đó thậm chí còn là câu hỏi về quyền tự quyết. Ta đã không được chọn phương cách được sinh ra, nhưng ta có thể chọn phương cách mình chết đi. 

Sự phán xét, thậm chí rủa xả những người tự tử là kẻ hèn nhát phản ánh nhiều điều, trong đó rõ nhất là khả năng thấu cảm của người phán xét. Những người có ý định tự sát khi đọc được những lời phán xét đó có thể tìm cách vượt qua nỗi đau. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, sự phán xét đó cũng khiến họ che giấu nỗi đau kỹ hơn, từ chối tìm đến sự trợ giúp. 

Đây chính một trong những nguyên nhân lớn nhất giải thích cho việc tỷ lệ nam giới tự vẫn luôn cao gấp nhiều lần nữ giới, ở Việt Nam là gấp hai, ở Úc là gấp ba. 

Như vậy có phải là đàn ông bản chất là yếu đuối hơn phụ nữ hay không? 

Đàn ông vốn được cho là phái mạnh. Họ cũng bị áp lực phải là phái mạnh. Nếu họ thất bại trong cuộc sống, đó là do họ yếu đuối, nhu nhược, là do tự bản thân họ không xứng đáng chứ không phải do các nguyên nhân khác. 

Lấy ví dụ như bạo hành. Không khó để thấy những câu chuyện đàn ông bị đánh đập và thiên hạ thi nhau thả mặt cười. Sự chế giễu “đàn ông mà yếu đuối” vô tình ngăn cản họ tìm kiếm sự giúp đỡ, xuất phát từ nỗi sợ rằng không ai tin họ. Họ tự xấu hổ và trách móc chính bản thân mình.

Như vậy, không chỉ xã hội đổ lỗi cho nạn nhân (đàn ông mà thế à?) mà chính nạn nhân cũng đổ lỗi cho chính mình (tại bản thân tôi yếu kém). Kết cục là người đàn ông phải đối mặt với không chỉ một mà tận hai tầng chướng ngại vật, khiến họ phải trả giá đắt vì phải chịu đựng, che dấu các vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần. 

Thậm chí chính người đàn ông cũng cố gắng tự coi đó là chuyện nhỏ để tránh làm mình bị tổn thương hơn, hoặc để không bị xấu hổ. Tại Mỹ chẳng hạn, tỷ lệ những người bị mắc chứng trầm cảm tìm đến giải pháp tự sát là 1% với phụ nữ, nhưng với đàn ông, tỷ lệ đó là 7%. 

Việc tỷ lệ nam giới tự tử cao gấp nhiều lần nữ giới khiến ta hiểu rằng, các vấn đề trong cuộc sống không đứng riêng lẻ mà tương tác với nhau. Như một kẻ bị đánh hội đồng, các vấn đề liên quan đến giới, giai tầng xã hội, tuổi tác, sức khỏe, tài chính, tinh thần …vv cùng “xúm vào” dần cho nạn nhân tơi tả, không có thời gian hồi phục. Chính vì thế, ta nên cân nhắc để không so sánh một cú đấm riêng lẻ với một trận tấn công dồn dập, để từ đó phán xét rằng kẻ tự tử chỉ là một kẻ yếu đuối. 

Vả lại, cái chết luôn là điều đáng sợ. Vì sự sinh tồn, tạo hóa đã cài đặt nỗi sợ ấy sâu đến mức con người luôn bằng mọi giá né tránh cái chết. Dù là tự tử, cảm tử, trợ tử, hay thậm chí chết vì danh dự, những con người tự nguyện đối mặt với cái chết đều có một động lực mạnh mẽ hơn cả cái chết. Vượt qua được nỗi sợ có tính bản năng đó có thể nào thuần túy là hèn nhát yếu đuối không hay thực sự là một trạng thái của lòng can đảm? 

*PGS.TS Nguyễn Phương Mai làm việc tại ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan. Bà nghiên cứu quản trị đa văn hoá bằng phương pháp liên ngành kết hợp với kiến thức thần kinh não bộ (neuroscience). Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

From: Đỗ Tan Hung & KimBang Nguyen

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay