Nhìn lại chặng đường 69 năm ngày Quốc Khánh

Nhìn lại chặng đường 69 năm ngày Quốc Khánh

Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ
2014-09-01

RFA

09012014-quockhanh-gm.mp3

000_Hkg10092627.jpg
Panô, bảng hiệu tuyên truyền kỷ niệm 69 năm ngày quốc khánh tại Hà Nội chụp hôm 28/8/2014.
AFP photo

Hà Nội đang kỷ niệm 69 năm ngày quốc khánh khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, nay là Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Câu hỏi thường được nêu ra nhân dịp ngày 2 tháng 9 như thế là sau mấy mươi năm xây dựng chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đa số người dân Việt Nam được thụ hưởng những quyền và cuộc sống như các dân tộc khác, ít nhất là những nước trong khu vực hay chưa?

Tuyên ngôn độc lập

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, ông Hồ Chí Minh, chủ tịch nước đọc Tuyên Ngôn khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa. Bản Tuyên ngôn Độc lập có những đoạn trích trong Tuyên Ngôn Độc lập của Hoa Kỳ 1776 với nội dung “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.”

Bản Tuyên Ngôn Độc lập do ông Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình cách đây 69 năm cũng trích dẫn Bàn Tuyên Ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách Mạng Pháp năm 1791 với điểm ‘Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi’.

Trước kia đúng là một lòng một dạ, cùng đảng viên với nhau là như một phục vụ dân đến hơi thở cuối cùng. Bây giờ họ không nghĩ đến dân, họ coi thường dân, coi người dân như ‘cái rơm, cái rác’.
– Bà Ngô Thị Đức

Những điểm trên được nêu ra trong Tuyên Ngôn Độc Lập nhằm tố cáo thực dân Pháp suốt 80 năm đô hộ Việt Nam đã tước mất mọi quyền căn bản của người dân Việt Nam, bóc lột họ đến tận xương tủy, thực hiện chính sách ngu dân để dễ bề cai trị…

Đảng Cộng sản Việt Nam cũng luôn lên án thực dân, đế quốc theo chủ nghĩa tư bản chỉ vì lợi nhuận mà bất kể đến tình đồng loại. Đảng cộng sản giương lên ngọn cờ giải phóng giai cấp công nhân và nông dân khỏi ách thống trị của những thế lực như thế.

Thực tế đời sống

Đã 69 năm trôi qua, khoảng thời gian cũng gần bằng 80 năm thực dân Pháp đô hộ Việt Nam trước đây mà theo ông Hồ Chí Minh là một giai đoạn tăm tối, kìm hãm sức phát triển của dân tộc Việt Nam.

Nhiều người từng vì lý tưởng yêu nước, mong muốn giành được quyền sống và ấm no hạnh phúc cho mọi người, đã nghe theo lời kêu gọi của Đảng, đóng góp hết sức mình cho công cuộc cách mạng, nhưng về cuối đời họ lại bị chính những đảng viên cộng sản hiện đang nắm chính quyền trù dập họ vì dám phản đối lại những việc làm bị cho là không đúng pháp luật, đi ngược lại quyền lợi của người dân.

Mới hôm cuối tháng 8 vừa qua, một cựu đảng viên với thâm niên 49 tuổi đảng, bà Ngô Thị Đức tại khu phố Trịnh Nguyễn, thị xã Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh, phải chặt một ngón tay trỏ để phản đối việc bức ép của công an buộc bà nhận tội gây rối trật tự khi cùng nhiều người khác lên tiếng phản đối một dự án xử lý nước thải nhưng sẽ gây hại cho cuộc sống người dân. Bà đưa ra nhận định về những đảng viên hiện nay như sau:

Trước kia đúng là một lòng một dạ, cùng đảng viên với nhau là như một phục vụ dân đến hơi thở cuối cùng. Bây giờ họ không nghĩ đến dân, họ coi thường dân, coi người dân như ‘cái rơm, cái rác’. Họ cho sống thì sống, có nghĩa bắt chết phải chịu! Chẳng hạn như ngày 18 tháng 6 năm ngoái, công an đánh dân, đánh người già, đánh trẻ con mà họ có ‘ấy’ đâu! Nhưng mà họ đánh dân lại không có tội. Công an được ăn, được học, được cơm gạo nông dân sản xuất ra nuôi, ‘manh cơm, tấm áo’ do dân đóng góp vào để làm thế nào phục vụ dân; nhưng bây giờ lại coi dân không ra gì.

Cứ nói thì hay nhưng thực hiện thì không đúng. Đơn giản như chuyện ‘uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây’ nhưng chỉ nói vài hôm vào ngày 27 tháng 7 thôi; chứ còn thực tế chả tạo điều kiện cho gia đình liệt sỹ gì cả. Như gia đình tôi khổ quá, năm ngoái cũng vì ‘nước thải’ này thôi mà giữ xe công nông mất 8 tháng. Bây giờ kinh tế không còn, chính trị mất hết, không có công ăn việc làm gì cả.

Một người dân Hà Nội suốt nhiều năm kêu oan vì bị lấy đất một cách phi pháp nhưng không được giải quyết, trái lại còn bị hành hung đánh đập đến ngã bệnh, bà Nguyễn thị Thanh Hương, nói về tình hình đất nước sau gần 7 thập niên được gọi là độc lập:

Chúng tôi sống và làm việc theo pháp luật nhưng không được pháp luật bảo vệ. Người dân sống không trông vào đâu được. Tài sản bị cướp, nhiều người bị đốt nhà, đánh đập như thế tại phường Hoàng Văn Thụ xảy ra bao nhiêu năm rồi, không ai giải quyết. Nhiều người đi khiếu kiện ức quá, bị nhồi máu cơ tim qua đời!

Tôi không hiểu sao phường Hoàng Văn Thụ, do ông chủ tịch Nguyễn Viết Cương, không có bằng cấp, không có học hành gì, cướp đất công xây nhà ba tầng, rồi dùng đất để đi biếu các lãnh đạo; cuối cùng hại dân. Sự việc rành rành các văn bản, bằng chứng rõ ràng mười mươi như vậy mà không có cấp nào của thành phố ( mà họ còn đồng lõa vào)… nên tôi không hiểu luật pháp của Việt Nam bây giờ như thế nào rồi!

Thực tế một người thương binh như tôi đã cống hiến một phần xương và máu thịt mà bị đối xử như vậy thì mọi người dân bình thường của Việt Nam bị đối xử như thế nào thì anh hiểu.
– Bà Lê thị Ngọc Đa

Bà Lê thị Ngọc Đa, một thương binh, nay là một dân oan và từng bị bỏ tù do khiếu kiện, bảy tỏ hối tiếc vì đã nghe theo cách mạng để tham gia hoạt động từ năm lên 9 tuổi:

Giờ nói tự do tôi không biết tự do theo kiểu gì, đi đâu cũng ‘tai mắt’ nhìn vào, điện tới điện lui, yêu cầu phải đăng ký thế này, thế nọ, thế kia.

Thực tế một người thương binh như tôi đã cống hiến một phần xương và máu thịt mà bị đối xử như vậy thì mọi người dân bình thường của Việt Nam bị đối xử như thế nào thì anh hiểu. Trừ trường hợp dòng họ của họ, ‘đảng dòng, đảng họ’ mà, đảng làm sao cho đông để giành.

So sánh với nước khác

Một số thống kê gần đây cho thấy Việt Nam tụt hậu cả nửa thế kỷ so với Thái Lan trong các công bố về khoa học. Trong lĩnh vực kinh tế, thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam hiện cũng tụt hậu so với các nước khác trong khối ASEAN. Cách đây 5 năm, báo cáo của Ngân Hàng Thế giới đưa ra số năm tụt hậu đó là 158 năm so với Singapore, 95 năm so với Thái Lan và 51 năm so với Indonesia…

Hồi tháng 2 vừa qua, thông tin cho biết Kampuchia sản xuất được ô tô, trong khi đó công nghiệp lắp ráp ô tô tại Việt Nam đến nay vẫn còn ì ạch.

Trong hội thảo nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 được tổ chức vào tháng 9 năm ngoái, các diễn giả tham dự đều đưa ra nhận định là Việt Nam ‘suy yếu, tụt hậu và khoảng cách kém cỏi như thế ngày càng xa so với thế giới’.

Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan phát biểu tại hội thảo chính sai lầm chủ quan dẫn đến những bất ổn vĩ mô.

Trong những năm qua, nhiều vị trí thức trong và ngoài nước, ngay cả những đảng viên lão thành cách mạng cũng đã có những kiến nghị tập thể thúc giục đảng và nhà nước phải cải cách, từ bỏ con đường phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa lỗi thời để theo xu thế chung của thời đại… Nhưng rồi những tiếng nói tâm huyết như thế vẫn không được lắng nghe. Đất nước vẫn mỗi lúc một kém cỏi thêm so với những nước mà trước đây họ đã từng ngưỡng mộ Việt Nam dưới thời Cộng hòa được mệnh danh ‘Hòn Ngọc Viễn Đông’.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay