Van Pham is with Tú-Minh Hoàng Phạm
Nhân bầu cử Mỹ nghĩ về chia rẽ và đồng thuận cho VN
Song Chi
Ngày 23/11/2020, bà Emily Murphy, người đứng đầu Văn phòng Quản trị Dịch Vụ Công (General Services Administration – GSA) của Mỹ, đã gửi thư cho tổng thống đắc cử Joe Biden, thông báo rằng chính quyền tổng thống Trump đã sẵn sàng để bắt đầu tiến trình chuyển giao quyền lực chính thức.
Ngày 24/11, Tổng Thống đắc cử Joe Biden đã giới thiệu với người dân Mỹ một số khuôn mặt trong nội các, phụ trách về ngoại giao và an ninh, bao gồm Anthony Blinken, giữ chức vụ Ngoại trưởng, Alejandro Majorkas-Bộ trưởng An ninh nội địa, Avril Hayne-Giám đốc Tình báo quốc gia, Linda Thomas-Greenfield, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, Jake Sullivan, Cố vấn An ninh quốc gia và john Kerry, đặc phái viên của Tổng thống về khí hậu.
Ngoài ra còn có Janet Yellen, Bộ trưởng Tài Chính. Một dàn nhân sự được nhiều người nhận xét là đa dạng, giàu kinh nghiệm, có đầy đủ uy tín và năng lực để sẵn sàng bắt tay vào công việc.
Đã kết thúc hay còn chưa xong?
Dù Tổng thống đương nhiệm Donald Trump vẫn chưa nhận thua và vẫn đang tiếp tục những cáo buộc, kiện cáo về “cuộc bầu cử gian lận”, nhưng với những người Mỹ tỉnh táo, mọi chuyện xem như đã kết thúc. Nước Mỹ sẽ bước vào một chương mới kể từ ngày 20/01/2021 sắp tới, với một đường lối chính sách hoàn toàn khác, đặc biệt là về đối ngoại, dưới thời Joe Biden. Đường lối chính sách đó có thể được tóm gọn trong thông điệp của Tổng thống tân cử Joe Biden “America is back, ready to lead the world, not retreat from it” (Nước Mỹ đã trở lại, sẵn sàng lãnh đạo thế giới chứ không rút lui”.
Nhưng với những người ủng hộ Tổng thống Trump, mọi chuyện vẫn chưa xong, ít nhất là cho tới ngày 20/01. Thậm chí sau đó. Sự chia rẽ gay gắt giữa những người ủng hộ-phản đối Tổng thống Trump trong suốt 4 năm qua quá lớn để có thể nhanh chóng hàn gắn. Hơn nữa, đó không đơn thuần chỉ là sự chia rẽ gây ra bởi cá nhân Tổng thống Trump, mà cả đường lối chính sách của chính phủ Trump, chủ nghĩa Trump (Trumpism), cộng thêm bao nhiêu mâu thuẫn, xung đột âm ỷ lâu nay trong xã hội Mỹ, những bất cập trong hệ thống chính trị, luật pháp, và cả Hiến pháp Mỹ, sự xuất hiện của những nhóm cực đoan cánh tả, cực đoan cánh hữu… Dù Tổng thống Trump có ra đi thì những điều này vẫn còn và người ta không rõ chính phủ của ông Biden liệu sẽ hàn gắn, giải quyết được bao nhiêu phần trăm.
Chuyện của nước Mỹ vàchuyện của người Việt?
Dù sao đó là chuyện của người Mỹ, nước Mỹ. Còn với người Việt trong và ngoài nước, 4 năm qua chúng ta cũng chứng kiến một sự chia rẽ không kém, chỉ vì yêu, ủng hộ hay ghét, phản đối Tổng thống Trump.
Khác với người Mỹ có vô vàn lý do khác nhau để ủng hộ và bỏ phiếu cho Tổng thống Trump, lý do chính khiến người Việt, nhất là người Việt trong nước, ủng hộ Tổng thống Trump cuồng nhiệt, là vì tin rằng Trump chống Trung Cộng, rằng chính sách của Trump sẽ dẫn tới việc nước Trung Quốc cộng sản bị lao đao, suy thoái mạnh về kinh tế, từ đó có khả năng bị sụp đổ. Và một khi nước này sụp đổ thì Việt Nam cộng sản cũng sẽ sụp đổ theo.
Trong số những người Việt ủng hộ Tổng thống Trump vì lý do này, không hiếm những khuôn mặt trí thức, luật sư, nhà hoạt động đấu tranh dân chủ nổi bật ở Việt Nam.
Vì quá yêu mến, ủng hộ Tổng thống Trump, nhiều người đã chỉ trích thậm tệ đảng Dân chủ, những chính khách thuộc đảng Dân chủ-từ cựu Tổng thống Bill Clinton, bà Hillary Clinton-cựu Ngoại trưởng, cựu Tổng thống Barack Obama…cho tới ứng cử viên Tổng thống và bây giờ là Tổng thống mới đắc cử Joe Biden; chỉ trích toàn bộ báo chí truyền thông đưa tin bất lợi về Trump, là “thổ tả”, fake news (tin giả tin vịt), và dứt khoát không đọc, không tin. Vì ủng hộ Tổng thống Trump, nhiều người cũng đã tin lời ông Trump rằng cuộc bầu cử 2020 là gian lận “ở tầm mức quy mô”, như đã tin và bênh vực mọi điều ông Trump nói, mọi chính sách đối nội, đối ngoại của Tổng thống Trump, trong đó có việc chỉ trích những tổ chức quốc tế mà Việt Nam đã và vẫn sẽ cần tới như Liên Hiệp Quốc, WHO, hay chê bai, chỉ trích các nước châu Âu “đã lợi dụng nước Mỹ” v.v…
Đến lúc nhìn lại và suy ngẫm
Tôi đặt ra câu hỏi liệu đã đến lúc người Việt chúng ta nhìn lại những phản ứng có phần cực đoan của mình và rút ra được điều gì từ đó?
Sự thay đổi số phận của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia phải do dân tộc ấy là chính.
Với nước Mỹ, thực tế là dù Tổng thống nào lên, Dân chủ hay Cộng hòa, thì cũng sẽ vì quyền lợi của nước Mỹ, dân Mỹ là trên hết.
Việt Nam dù là một quốc gia trung bình về diện tích và dân số, nhưng là một nước “nhỏ” về nhiều mặt khác, hiện tại VN cũng không phải là đồng minh của Mỹ để có thể trông chờ vào sự hỗ trợ của Mỹ khi phải đối đầu với Trung Quốc cộng sản. Trong ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương này, Mỹ còn có bao nhiêu đồng minh lâu đời như Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Philippines… và Mỹ sẽ giúp các nước này trước, khi cần, chứ không phải Việt Nam.
Tổng thống Mỹ dù quyền hạn lớn đến đâu, cũng chỉ tại vị 4 năm, hay 8 năm. Chính vì vậy người Việt nói chung và những người đấu tranh dân chủ cho Việt Nam nói riêng, rất không nên đặt tất cả niềm tin, sự hy vọng vào một Tổng thống Mỹ mà phải tranh thủ sự ủng hộ của lưỡng đảng, không chỉ vào một nước Mỹ mà cả châu Âu, cả thế giới tự do.
Đừng quên những năm qua không chỉ riêng Mỹ lên tiếng trước sự vi phạm nhân quyền trắng trợn của nhà cầm quyền Việt Nam, không chỉ Hoa Kỳ mà nhiều quốc gia tự do, dân chủ khác là nơi nương náu của hàng trăm ngàn người Việt bỏ nước ra đi vì nhiều lý do khác nhau, cho tới những người bất đồng chính kiến phải xin tỵ nạn nước này nước khác. Có được sự ủng hộ của cả Mỹ, châu Âu và thế giới tự do, phong trào đấu tranh dân chủ của Việt Nam mới càng mạnh mẽ.
Tôn trọng và nhất quán với các giá trị dân chủ, tiến bộ
Nếu là một người dân bình thường, chúng ta có thể không quan tâm lắm các giá trị dân chủ, nhưng nếu là người đang hoặc sẽ lên tiếng đấu tranh đòi dân chủ cho Việt Nam, theo tôi rất cần tôn trọng và đi theo những tiêu chuẩn giá trị về dân chủ, nhân quyền, tiến bộ chung của nhân loại, như tôn trọng tự do ngôn luận, tôn trọng phụ nữ, tôn trọng sự khác biệt về chủng tộc, màu da, tôn giáo, giới tính, xu hướng tình dục…, tôn trọng sự bình đẳng, thượng tôn pháp luật v.v…
Và phải có quan điểm, thái độ rõ ràng trước mọi cá nhân, tổ chức, quốc gia có những lời nói, hành vi, chính sách đi ngược lại những giá trị phổ quát đó.
Nếu không sẽ là “tiêu chuẩn kép”, khi lên án những hành vi, chính sách nào đó của nhà cầm quyền Việt Nam, nhưng lại bỏ qua những hành vi, chính sách tương tự của một Tổng thống Mỹ hay Nga, hoặc chống nhà cầm quyền Trung Quốc cộng sản độc tài, bành trướng, nhưng lại bỏ lơ người Duy Ngô Nhĩ (Uighur) hay phong trào dân chủ của người Hong Kong, chẳng hạn.
Dân chủ phải bắt đầu từ mỗi cá nhân
Một điểm dễ thấy là sự thiếu khoan dung, độ lượng, hoặc là một dạng thiếu dân chủ trong tư duy, quan điểm của nhiều người Việt, thể hiện qua những cuộc tranh cãi về chính trị nói chung và nước Mỹ nói riêng.
Điều đáng nói là sự thiếu vắng tinh thần dân chủ, không có thói quen tôn trọng sự khác biệt đó không chỉ ở nhiều người Việt trong nước, vốn thiệt thòi khi phải sống trong một chế độ độc tài tệ hại do đảng Cộng sản cầm quyền suốt bao nhiêu năm nên không thể không ảnh hưởng, mà có thể bắt gặp ngay trong nhiều người đã sống nhiều năm ở một quốc gia tự do, dân chủ, văn minh.
Chúng ta sẵn sàng miệt thị nhau bằng những từ ngữ nặng nề, block nhau trên facebook, từ mặt nhau ngoài đời… chỉ vì ủng hộ hay phản đối một Tổng thống Mỹ, một chính đảng của Mỹ.
Nếu không bắt đầu từ việc xây dựng một ý thức, quan điểm, cách nhìn, cách nghĩ, cách sống dân chủ trong mỗi cá nhân, thì khó lòng nghĩ đến việc xây dựng một quốc gia dân chủ sau này, khi cộng sản sụp đổ.
Cuối cùng, suốt mấy năm qua, phong trào đấu tranh dân chủ của Việt Nam dường như chìm lắng nhiều vì sự chia rẽ của người Việt từ những quan điểm khác nhau về chính trị của nước Mỹ.
Mải chỉ trích nhau, lắm khi chúng ta quên đi sự thối nát, hà khắc của nhà cầm quyền Việt Nam, số phận của những người bất đồng chính kiến, tù nhân lương tâm ở Việt Nam và bao nhiêu vấn đề ngổn ngang khác.
Vậy liệu đã đến lúc chúng ta trở lại với những vấn đề của Việt Nam?
HÌNH:
– Tổng thống đắc cử Joe Biden giới thiệu các nhân sự đề cử và chính sách chính về đối ngoại và an ninh quốc gia hôm 24/11/2020 ở Wilmington, Delaware
– Người Việt đang có nhiều cách thức hơn để bày tỏ thái độ và cung bực quan tâm của mình trong thời đại điện thoại thông minh và mạng xã hội
– Người Việt trẻ có nhiều sự quan tâm trong đời sống thường nhật
– Người dân đạp xe trong một cuộc diễu hành ủng hộ quyền của người đồng tính tại Hà Nội
– Một người Việt trưng bức hình gia đình của một người Mỹ gốc Việt, ông Michael Nguyễn, người đã bị giam tại Việt Nam từ năm 2018, trong thời gian ông chưa được trả tự do