Nhà chức trách Nghệ An bỏ lửa sang tay người

Nhà chức trách Nghệ An bỏ lửa sang tay người

Blog RFA

Nguyễn Tường Thụy

17-2-2017

Một số nạn nhân trong vụ đàn áp ngày 14/2/2017 ở Nghệ An:

h1

Trong dân gian có nhiều thành ngữ gần nghĩa nhau như “gắp lửa bỏ tay người”, “ngậm máu phun người”, “đổi trắng thay đen”, “vừa ăn cướp vừa la làng” v.v… Nhưng tội của mình nhưng lại đổ vấy cho người khác thì chưa có thành ngữ nào có thể diễn đạt chính xác nên tạm gọi là “bỏ lửa sang tay người” với ý nghĩa là lửa đang trên tay mình lại bỏ sang tay người khác (chứ không phải gắp từ chỗ khác bỏ vào).

Sau khi đánh giáo dân xứ Song Ngọc đi khiếu kiện bầm dập, nhà chức trách Nghệ An cho truyền thông địa phương mở chiến dịch vu cáo Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân đi khiếu kiện, đẩy giáo dân tới hành vi vi phạm pháp luật. Báo Nghệ An còn kiếm ra đâu được ông Tiến sĩ luật sư quốc doanh Nguyễn Trọng Hải nào đó đe rằng “Nếu không tỉnh táo, lựa chọn cách hành xử như diễu hành tụ tập, gây rối hoặc có những hành vi khác ảnh hưởng đến trật tự chung thì những người tham gia dễ rơi vào những hệ lụy pháp lý như cấu thành “Tội gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại Điều 245 Bộ luật Hình sự (1999) hoặc “Tội chống người thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 257 Bộ luật Hình sự (1999) cũng như những tội danh khác được quy định trong Bộ luật Hình sự”.

Truyền hình Nghệ An cho một phát thanh viên nữ trẻ, cáo buộc Linh mục Nguyễn Đình Thục và xuyên tạc việc giáo dân Giáo xứ Song Ngọc đi khiếu kiện với giọng xách mé, rằng “Cuối và chiều nay, Nguyễn Đình Thục cùng một số phần tử cực đoan đã kích động đoàn người đi khiếu kiện tấn công lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ….”

Phụ họa với truyền thông Nghệ An thấy có Vietnamnet. Một số trang báo đưa tin dè dặt hơn. Ngoài ra còn một vài trang mạng khác. Có trang mạng còn đòi “bắt và xử lý linh mục Nguyễn Đình Thục và đồng bọn”.

Không rõ vì sợ công luận lên án hay có âm mưu đối với Linh mục Nguyễn Đình Thục từ trước mà nhà chức trách Nghệ An tìm cách đổi trắng thay đen, xuyên tạc trắng trợn sự việc. Từ tội đàn áp, đánh đập người dân đi khiếu kiện hết sức dã man, họ tìm cách xoay ngược 180 độ, đổ cho linh mục và Giáo dân xứ Song Ngọc.

*

Tội đầu độc biển Miền Trung của tập đoàn formosa bị phát lộ từ tháng 4/2016. Việc xả chất thải một cách bừa bãi, không được kiểm soát làm hủy hoại môi trường biển không chỉ khoanh lại 4 tỉnh nhà cầm quyền thừa nhận mà còn ở nhiều tỉnh ven biển khác trong đó có Nghệ An. Còn với tư duy của nhà cầm quyền thì chỉ 4 tỉnh bị thảm họa thôi. Nếu biển tỉnh khác bị nhiễm độc thì không được kiện.

Ngư dân Nghệ An bị thiệt hại nặng nề vì Formosa là một thực tế. Linh mục Nguyễn Đình Thục chia sẻ:

Là một linh mục, tôi đau xót cho nỗi đau của đồng bào, khi ngư dân phải hứng chịu thiệt hại.

Cả một quãng thời gian dài sau khi Formosa xả chất độc xuống biển hồi tháng 4/2016, cá đánh bắt lên không thể bán được, ngư dân bị mất nghề, cho đến nay, đã có 18/40 con thuyền của ngư dân đã phải bán đi để trang trải nợ nần.

Quyết định 1880 của TTCP lại quy định chỉ đền bù cho bà con ngư dân của 4 tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế chứ không có Nghệ An đã đánh mất đi niềm hy vọng cuối cùng của bà con ngư dân, khiến bà con vô cùng phẫn nộ” (FB Dũng Phi Hổ)

Ngày 14/2/2017 nhà chức trách tỉnh Nghệ An đã đàn áp thô bạo những người dân Giáo xứ Song Ngọc (Quỳnh Lưu, Nghệ An) đi khiếu kiện. Chưa rõ là 500 người hay hơn nữa được huy động vào cuộc đàn áp này, gồm cảnh sát các loại, an ninh mật vụ và không thể thiếu hình bóng của họ là côn đồ. Theo thống kê chưa đầy đủ, ít nhất có 22 người bị bắt, bị đánh đập, bị đập vỡ hoặc cướp điện thoại. Người thì bị đánh gãy sống mũi, phải điều trị tại bệnh viện, người gãy đến 4 chiếc răng cửa liên tiếp. Những hình ảnh, lời tố cáo của những nạn nhân này tràn ngập trên những trang mạng. Linh mục Nguyễn Đình Thục bị đánh toạc môi. Ông cầm loa, động viên, khuyên bảo bà con giáo dân trong khi máu miệng ông đang chảy.

Tối ngày 13 và cả ngày 14, tất cả những người yêu Công Lý trong và ngoài nước căng mình lên theo dõi tình hình bà con Giáo xứ Song Ngọc, vừa phẫn nộ, vừa xót xa cho những người dân lương thiện đi tìm công lý bị công an và côn đồ đánh đập. Những người làm truyền thông tại chỗ được chú ý đặc biệt. Họ bị đánh, bị bắt dần nhưng vẫn gan góc đưa những thông tin nóng bỏng từ hiện trường.

Nhà chức trách Nghệ An đã chặn đứng đoàn người đi khiếu kiện khi họ mới đi được 1/10 quãng đường.

Vậy mà truyền thông Nghệ An quay quắt, tìm cách đổ ngược cho Cha Thục và giáo dân. Không ai có lỗi khi khi đi khiếu kiện vì quyền lợi chính đáng bị xâm phạm. Không ai có lỗi khi lưu thông trên đường bằng xe máy hay đi bộ trong trật tự. Mà cứ cho rằng ảnh hưởng đến giao thông đi chăng nữa thì kẻ nào gây nên? Nếu nhà chức trách không gây sức ép đối với nhà xe, yêu cầu nhà xe không được chở người dân đi khiếu kiện thì làm gì có người đi bộ hay xe máy rồi đổ cho dân gây cản trở giao thông. Mục tiêu của họ là không cho dân đi khiếu kiện để bảo vệ Formosa, kẻ đã gây tội ác đối với nhân dân và đất nước Việt Nam.

Họ đổ cho Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân. Giọng này đã quá quen thuộc. Người dân đâu phải là trẻ con mà bảo là bị kích động, bị mua chuộc. Mỗi công dân đều có năng lực hành vi và phải chịu trách nhiệm trước việc làm của mình. Nói họ bị kích động là coi thường người dân, cho người dân không có suy nghĩ. Sao họ không tự hỏi, mấy tờ báo nói trên bị ai kích động, mua chuộc mà ăn nói tráo trở như vậy?

Có cả một số màn kịch bày đặt ra rồi vu cho Cha Thục và giáo dân khá lộ liễu. Hình ảnh chiếc xe được cho là giáo dân ném đá đã bị nhiều người phân tích và vạch ra sự vô lý của nó, cho rằng công an tự thương để ăn vạ. Ai là người ném đá về phía cảnh sát? Có phải là giáo dân hay là những tên tay sai đóng giả giáo dân, hoặc công an cởi bỏ sắc phục? Những video phát trực tiếp cho thấy vào giờ phút căng thẳng nhất khi bà con bị cảnh sát tấn công, Cha Thục kêu gọi mọi người bảo nhau hãy bình tĩnh, không manh động, không mắc mưu cộng sản. Và tất cả ngồi xuống đọc kinh cầu nguyện. Đấy mới là sự thật về cách hành xử của giáo dân xứ Song Ngọc ngày hôm đó.

Có câu chuyện khá khôi hài. Nghe họ nói Giám đốc công an Nghệ An bị ném trọng thương nhưng không thấy hình ảnh nào. Có trang đưa hình anh Hoàng Đức Hảo bị côn đồ chém trọng thương trước đó, bảo đấy là Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An bị giáo dân chém. Báo Nghệ An còn đăng “Tâm thư của giáo dân gửi ông Nguyễn Đình Thục” ký tên “Người anh em cùng đức tin” mà ai đọc cũng cho rằng đó là sản phẩm sáng tác. Ngày hôm nay, 16/7, Đài truyền hình Nghệ An vẫn còn dựng cảnh giáo dân đập phá xe của cảnh sát giao thông từ hai hôm trước, bị người dân phát hiện và ghi hình được. Có tờ báo đưa tin lập lờ rằng “lãnh đạo tỉnh Nghệ An có mặt để giải thích, vận động người dân quay về. Sáng 15.2, người dân đã quay về nhà”. Họ viết thế để người đọc hiểu rằng, người dân do nhẹ dạ cả tin bị kích động nhưng sau khi được lãnh đạo giải thích, vận động họ đã thông và quay trở về. Còn thực tế thì họ nghe lời Cha của họ, chứ đâu phải là do được lãnh đạo vận động, giải thích. Kiểu đưa tin này cũng là cách qui thêm “tội” kích động cho Cha Thục.

Các bài viết qui chụp Linh mục Nguyễn Đình Thục loanh quanh chỉ là kích động giáo dân đi kiện rồi suy diễn ra đủ thứ.  Không có một dòng nào nói đến việc họ  ép nhà xe không cho chở giáo dân. Không có lời hay hình ảnh nào về mấy chục giáo dân bị đánh.

Máu giáo dân Song Ngọc và Cha xứ của họ đổ do công an Nghệ An gây nên, điều này không thể chối cãi. Chính họ mới là kẻ gây bạo loạn.

Hành vi của nhà chức trách Nghệ An vi phạm nhiều điều khoản của pháp luật:

Theo điều Điều 96 của Luật Khiếu nại tố cáo thì:

– Người giải quyết khiếu nại, tố cáo nếu có hành vi “Gây phiền hà, sách nhiễu, cản trở việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo” thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Suy rộng ra thì những ai lợi dụng chức vụ, quyền hạn “Gây phiền hà, sách nhiễu, cản trở việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo” đều bị xử lý theo điều này.

-Theo điều 132 Bộ Luật Hình sự “Tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo” thì Người nào có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc khiếu nại thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

-Điều 104 Bộ Luật Hình sự: “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác”, khoản e “phạm tội có tổ chức”

-Họ còn vi phạm điều 245 Bộ Luật Hình sự “Gây rối trật tự công cộng” và có thể còn nhiều điều khác nữa.

Tuy nhiên, luật thì như vậy nhưng không riêng gì Nghệ An, ở tất cả các địa phương khác trong cả nước, nhà chức trách vẫn chọn cách hành xử theo luật rừng. Họ vẫn chọn cách đối đầu với dân, rạch ròi ranh giới kẻ cai trị và người bị trị. Họ sẵn sàng đàn áp nhân dân nếu không làm theo ý muốn của họ, bất kể có đúng pháp luật và đạo lý hay không chứ không chịu hành xử theo cách của loài người văn minh. Họ không bao giờ thừa nhận, và mỗi lần như vậy, họ lại dùng hệ thống truyền thông khổng lồ tìm cách đổ tội cho người khác.

Cần tôn vinh những con người dũng cảm, không sợ bạo quyền, sẵn sàng dấn thân để bảo vệ giá trị con người, xác định rõ trách nhiệm của mình đối với cộng đồng và đất nước. Giáo dân Giáo xứ Song Ngọc là những người như thế.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay