Những con đường lậu sang Anh
Hà Mi
Thứ hai, 4 tháng 3, 2013
Một số người Việt Nam di trú bất hợp pháp cho biết họ tới Anh qua ngả Nga và Pháp
Một tòa án tại Anh vừa đưa ra xử những người có liên quan tới một cuộc dàn xếp đám cưới giả đã bị phát hiện tại Anh năm 2010 khi cô dâu đi nghỉ ở nước ngoài với một người đàn ông khác chỉ 6 ngày sau lễ cưới của người phụ nữ này với một chú rể người Việt, Lư Hoàng Tuấn, theo tờ Mail Online tại Anh đưa tin.
Bà Amanda Nolan, 28 tuổi, được nhận 5 ngàn bảng để “kết hôn trục lợi” với một người đàn ông Việt Nam muốn tìm cách ở lại Anh “hợp pháp” qua con đường hôn nhân, và vụ việc được một chủ tiệm sơn móng tay người Việt, Lưu Thị Thúy Trang, 24 tuổi, dàn xếp.
Tại tòa, người ta được biết một số người Anh đã được trả tới 10 ngàn bảng để “kết hôn trục lợi” với người Việt đang ở Anh bằng visa ngắn hạn và muốn chuyển sang visa hôn nhân để ở lại lâu dài.
Hiện tại Lưu Thị Thúy Trang đã bỏ trốn. Cô này đã dùng mối quan hệ của mình với ba tiệm sơn móng tay tại Preston, Chorley và Blackburn để tổ chức ba cuộc đám cưới giả trong thời gian từ năm 2008 đến 2010.
Trả lời BBC Việt Ngữ, người phát ngôn Cơ quan Biên phòng Anh Quốc, Bộ Nội Vụ Anh, có tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không chấp nhận tình trạng lạm dụng luật di trú và sẽ ngăn chặn các vụ đám cưới giả trên cả nước.
“Cơ quan Biên phòng Anh Quốc đang làm việc để chấm dứt tình trạng lao động bất hợp pháp, đám cưới giả, đi học giả và những kẻ tổ chức đưa lậu người có tổ chức của những người nước ngoài muốn tìm cách ở lại Anh bất hợp pháp.”
Số liệu
Đám cưới giả chỉ là một trong nhiều hình thức được những người muốn định cư tại Anh, trong đó có người Việt, tìm cách thực hiện qua các con đường bất hợp pháp, đặc biệt qua các đường dây đưa lậu người.
Theo đánh giá tình báo năm 2011 của Cơ quan chống các tội phạm nghiêm trọng có tổ chức của Anh – SOCA – người Việt chiếm 5% số nạn nhân của các đường dây buôn lậu người từ 75 quốc gia.
Nạn nhân là trẻ em từ Việt Nam chiếm 13% trong tổng số 489 trẻ em từ 43 nước – đứng thứ hai trong danh sách các nước có nạn nhân trẻ em, chỉ sau Rumania – trong khi Trung Quốc chiếm 3%.
Vẫn theo số liệu do SOCA công bố tính riêng trong năm 2011, thì những người được đưa lậu vào Anh có thể bị bóc lột dưới nhiều hình thức, trong đó cao nhất là bị buộc phải bán dâm (639 người, chiếm 31%), lao động (461 người, chiếm 22%), làm người giúp việc gia đình (222 người, chiếm 11%) và làm các việc làm phi pháp khác (353 người, chiếm 17%).
8% các nạn nhân bị buộc phải làm những việc phi pháp cho biết họ phải trông nom các cơ sở trồng cần sa trong đó 90% những người này là người Việt.
Việt Nam cũng nằm trong số 10 quốc gia có số người được đưa lậu vào Anh cao nhất trong năm 2011 và đứng đầu trong số các quốc gia đưa lậu người vào Anh để làm các việc làm phi pháp.
Hình thức hoạt động
Những người di trú lậu phải trả một khoản tiền lớn với hứa hẹn công ăn việc làm.
Một số nạn nhân của nạn buôn lậu người là người Việt cho biết họ được đưa từ Việt Nam tới Anh qua ngả Nga và Pháp. Một số người đi bằng đường hàng không và một số khác đi bằng đường bộ.
Nạn nhân thường là những người phải bỏ ra những khoản tiền lớn với hứa hẹn sẽ có công ăn việc làm, cơ hội học tập và một đời sống tốt đẹp hơn. Nhiều người đã phải vay nợ để chi trả cho chuyến đi, có thể lên tới 70 ngàn euro, vẫn theo Đánh giá tình báo của SOCA, và vì thế những người này bị buộc phải lao động, hay bán dâm hoặc các hình thức làm việc phi pháp khác cho tới khi trả hết nợ.
Trong một số trường hợp, tiền nợ còn tiếp tục tăng lên do bị tính tiền ăn ở đắt đỏ mà lương thấp và nạn nhân thậm chí không đủ tiền giảm hoặc trả được món nợ ban đầu.
Hồi tháng Sáu năm 2010, 31 người Việt bị tình nghi đưa lậu người và 66 người Việt di trú bất hợp pháp đã bị bắt trong một chiến dịch chống di trú bất hợp pháp có tổ chức.
Phần lớn những người này bị bắt tại Hungary, Pháp và Đức, và Anh là điểm đến được lựa chọn của những người di trú bất hợp pháp này, sau đó đa số các nạn nhân bị buộc phải làm việc trông nom các cơ sở trồng cần sa để trả nợ cho việc được đưa vào Anh.
Tiếp đó, tháng Tư năm 2011, 98 người tổ chức đưa lậu người bị bắt giữ, cùng với phát hiện 114 nạn nhân, trong số đó một số đã được đưa về lại Việt Nam, và đây là kết quả của một dự án thực thi pháp luật của châu Âu, mang tên Tội phạm di trú có tổ chức của người Việt, bắt đầu hồi năm 2009.
Theo SOCA cho biết thông thường những người di trú lậu tới các nước Đông Âu bất hợp pháp hoặc bằng visa ngắn hạn. Từ đây họ có thể dễ dàng đi lại giữa các nước trong khối Schengen – vốn có thỏa thuận không kiểm soát biên giới giữa các nước này – và đến vùng eo biển thuộc Pháp giữa Anh và Pháp. Chỉ khi vào Anh những người này mới cần phải xuất trình giấy tờ.
Hợp tác Anh Việt
Mở bằng chương trình nghe nhìn khác
Mới đây, Việt Nam và Anh Quốc đã ký Thỏa thuận ghi nhớ về thông tin xuất nhập cảnh giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Anh theo Bấm Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết trong chuyến thăm Anh của phái đoàn cao cấp Việt Nam do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu hồi tháng Giêng năm nay. Bấm
ông Tô Lâm nhấn mạnh hai nước đã hợp tác “rất tích cực trong việc chống nạn di cư bất hợp pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho di cư hợp pháp. Nhu cầu đi lại giữa hai nước rất lớn. Người Anh muốn du lịch, làm việc ở Việt Nam. Công dân Việt Nam cũng có nhu cầu đi làm, lao động, học tập, du lịch thăm thân,” ông Tô Lâm nói.
Thứ trưởng Công an Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng tôi đề nghị với Anh và các nước châu Âu tạo điều kiện tốt cho di cư hợp pháp, thì sẽ giảm bớt vấn đề di cư bất hợp pháp.”
Khi được hỏi về nạn buôn lậu người, ông Tô Lâm nói “đây là tội phạm quốc tế” và “Việt Nam đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng của Anh trong giải quyết những vấn đề này”.
Trước đó, vào tháng Ba 2009, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội đã công bố việc ký kết với Cục Xuất nhập cảnh Việt Nam khoảng tài trợ 100.000 bảng Anh cho việc thực hiện một chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về nạn di cư bất hợp pháp và buôn bán người.
Hợp tác này bao gồm các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện Biên bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Anh về các vấn đề di trú được ký năm 2004.