Nguyễn Bích Lan – Người thắp lửa
Mời quí anh chị đọc cho vui một bài viết về một cô bé ở 1 làng quê nghèo bên bờ sông Hồng tỉnhThái Bình. Em đã dũng cảm chống lại định mệnh khắc nghiệt gây ra bởi bệnh Muscle Diseases (Muscular Dystrophy) đau đớn làm liệt 2 chân ở tuổi 13 và không có thuốc chữa. Nhà nghèo không sắm nổi xe lăn; hàng ngày khi bố mẹ đi làm, em chỉ biết ngồi giam mình trong phòng và nhìn đời qua khung cửa sổ trước mặt mà buồn cho thân phận. Rồi trong đớn đau tuyệt vọng, em tìm đọc sách và tự học English, mở lớp dậy anh văn miễn phí trước sân nhà cho trẻ em làng xóm, tự học sử dụng computer, internet, rồi bắt đầu dịch thuật những tác phẩm của các văn hào nổi tiếng trên thế giới cho các nhà xuất bản ở Hànội. Em cũng làm thơ, viết văn và cho xuất bản mấy cuốn sách thuộc loại best seller cho lớp trẻ VN hiện nay. Em cũng đoạt nhiều giải thưởng văn học, và được nhiều người mến mộ.
Cách nay hơn 10 năm tôi tình cờ quen biết em khi ủy ban xây dựng thánh đường quê tôi đã tới nhà em gần đó, nhờ em làm trung gian gởi các tin tức tiến triển về công trình xây dựng thánh đường qua emails cho tôi để tôi quyên góp trợ giúp tài chánh. Và vì thế tôi được biết hoàn cảnh bệnh tật ngặt nghèo của em. Bẵng đi 1 thời gian không liên lạc nhau vì gia đình em dọn lên Hànội để tiện việc chữa bệnh và em làm việc với các xuất bản sách. Mới đây tôi tình cờ vào Facebook và liên lạc lại được với em. Dưới đây là tin nhắn của em gởi cho tôi, kèm theo 1 bài báo viết về em. Mời quí anh chị đọc cho vui.
Thân mến,
tn- B
Nguyễn Bích Lan – Người thắp lửa
TP – Gần đây, khi đến thăm bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, tôi thấy một nhóm người nước ngoài đang trầm trồ trước khu trưng bày vinh danh tám người phụ nữ Việt Nam hiện đại. Họ dừng lại rất lâu trước những bức ảnh của một cô gái gầy gò – người trẻ nhất trong số tám nhân vật được tôn vinh.
Rồi họ lặng đi trước câu chuyện về tài năng và tấm gương nghị lực của cô gái ấy. Đứng cạnh họ, lòng tôi trào dâng niềm tự hào. Niềm tự hào ấy khởi nguồn từ bốn năm về trước, vào ngày 23/1/2011, khi tôi quan sát chính cô gái gầy gò ấy lên sân khấu nhận giải thưởng dịch thuật từ Hội Nhà văn Việt Nam: Giải thưởng Văn học năm 2010 cho bản dịch tiểu thuyết Triệu phú khu ổ chuột. Dù được em trai dìu đi, từng bước chân của cô gái – dịch giả, nhà văn Nguyễn Bích Lan – khó nhọc và chậm rãi. Cô nở nụ cười trấn an những người đang lo lắng. Hình dáng nhỏ bé của cô dường như lọt thỏm giữa sân khấu lớn, nhưng ánh mắt của cô bừng lên ánh sáng ấm áp của niềm tin và nghị lực.
Khi đôi chân không thuộc về mình
Những ai biết Bích Lan nhiều năm về trước chắc hẳn khó tưởng tượng rằng một ngày cô gái có bề ngoài dễ vỡ ấy có thể chinh phục được số phận, vượt qua bệnh tật và sự rình rập của cái chết để đứng trong hàng ngũ những nhà văn, dịch giả có đóng góp đáng trân trọng cho sự phát triển của văn học Việt Nam hiện đại.
Sinh năm 1976 tại một làng quê nhỏ ở Thái Bình, Bích Lan chưa kịp đi qua tuổi học trò ngây thơ thì thế giới đổ sụp xuống cô. Một ngày mùa đông, ở tuổi mười ba đầy trong trẻo, Bích Lan đang hăm hở đạp xe lướt đi trên con đường nhỏ xuyên qua những cánh đồng lúa xanh rì rào để đến trường thì đôi chân của cô bất ngờ mất khả năng cử động. Sự hoảng sợ thít chặt lấy cô, và cô ngã nhào từ xe xuống chiếc mương lõng bõng bùn nước. Càng vùng vẫy, Bích Lan càng tuyệt vọng. Đôi chân dường như không thuộc về cô nữa. Cô không thể nào đứng dậy được. Cô chỉ có thể thoát ra khỏi cái mương sâu hoắm ấy, khỏi sự giá lạnh và sợ hãi khi một người bạn cùng lớp ào xuống, kéo cô lên. Nhưng cũng từ đó, sự đau đớn dai dẳng đeo bám cô và triền miên hành hạ cô. Từ nhiều tháng trước đó, Bích Lan đã bị sụt cân, và giờ đây cô phải nằm bẹp trên giường, bất lực nhìn cuộc sống chầm chậm trôi qua. Cô ngơ ngác không hiểu điều gì đang xảy ra với mình.
Gia đình cô đã đưa cô đi chạy chữa khắp nơi. Rồi khi thầy thuốc tìm ra căn bệnh của cô, mọi hy vọng trong cô dường như bị dập tắt: bệnh của cô là một loại bệnh hiếm gặp và hiện chưa có thuốc chữa – bệnh loạn dưỡng cơ. Các bác sĩ cảnh báo căn bệnh này sẽ khiến cho cơ thể của cô ngày càng suy yếu, khiến cô dần mất khả năng di chuyển. Thậm chí nhiều bác sĩ tin rằng Bích Lan sẽ chỉ sống được một thời gian ngắn, vì căn bệnh sẽ khiến cô suy nhược trầm trọng.
Nguyễn Bích Lan.
Học để được sống
Những ngày ấy, sự đớn đau thể xác, bóng tối dày đặc của tương lai, và sự kiệt quệ về tài chính rất dễ khiến một người bình thường buông xuôi tất cả. Và sẽ thật dễ dàng khi Bích Lan để sự chán nản và tự ti chiếm lĩnh lấy cô. Nhưng thật kỳ diệu, chính trong những giây phút tăm tối nhất, Bích Lan khao khát được sống. Không chỉ sống, mà sống có ý nghĩa. Như cô đã viết trong truyện ngắn Những ngọn lửa: “Tôi cảm thấy từ một góc bí mật nào đó rất sâu trong con người mình, một ngọn lửa bắt đầu được nhóm lên. Mãi về sau tôi mới biết gọi tên ngọn lửa đó là ước mơ”.
“Tôi cảm thấy từ một góc bí mật nào đó rất sâu trong con người mình, một ngọn lửa bắt đầu được nhóm lên. Mãi về sau tôi mới biết gọi tên ngọn lửa đó là ước mơ”.
Nguyễn Bích Lan
Bích Lan ước mơ chinh phục số phận của mình. Và trong căn phòng nhỏ bé nơi cô đã phải giam mình trong thời gian dài, cô gái bé nhỏ 14 tuổi ấy bắt đầu hành trình tiếp thu tri thức của thế giới. Vượt qua tất cả mọi đau đớn thể xác, cô lao vào đọc sách. Cô đọc và đọc tất cả những quyển sách mà cô mượn được, về tất cả các lĩnh vực. Không có được diễm phúc đến trường, cô tự học một cách mê say. Học để quên đi đau đớn. Học để được sống. Học để một ngày có cơ hội báo hiếu với mẹ.
Một hôm, nhìn em trai học tiếng Anh, Bích Lan quyết định tiếp cận với môn ngoại ngữ ấy- môn học còn rất xa lạ với rất nhiều học sinh thời đó – bằng những quyển sách mà cô mượn được, bằng băng cassette và bằng trí thông minh và tinh thần kiên định. Rồi cô chập chững bước những bước đầu tiên vào biển tri thức vốn đã tồn tại hàng nghìn năm nay ở thứ ngôn ngữ thông dụng nhất thế giới – tiếng Anh. Càng đọc, càng học, cô càng đứng vững trên đôi chân của trí tuệ. Rồi cô bước đi, cô chạy, cô tung tăng vùng vẫy trong biển tri thức. Ở đó, Bích Lan tìm thấy chiếc chìa khoá để tự cứu mình và sống có ý nghĩa: cô bắt đầu dịch các tác phẩm văn học mà cô yêu thích.
Những ngón tay nhỏ bé và gầy guộc của Bích Lan, yếu đến nỗi không thể cầm vững chiếc bút, nay được tiếp thêm sức mạnh khi chúng giúp cô chuyển tải vẻ đẹp của văn học thế giới sang ngôn ngữ Việt. Thật kỳ diệu khi trong vòng 13 năm qua, giữa những cơn đau thể xác vẫn dai dẳng khôn nguôi, Bích Lan miệt mài làm việc, cho ra đời 30 quyển sách dịch, tất cả đều là những tác phẩm văn học kinh điển hoặc những quyển sách đầy ắp tính nhân văn. Hàng triệu người Việt đã được truyền thêm nghị lực sống từ “người không tay không chân” Nick Vujicic, qua bốn quyển sách của anh mà cô là dịch giả. Cũng qua Bích Lan, bạn đọc Việt Nam được đắm mình trong vẻ đẹp huyền ảo và trí tuệ sâu sắc trong các tác phẩm của những nhà văn lừng danh thế giới như William Faulkner, Rabindranath Tagore, JP. Donleavy, Vikas Swarup, Julia Otsuka…
Những ngọn lửa
Nhưng dịch thuật chưa đủ, Bích Lan gửi trọn tâm huyết và khát khao sống mãnh liệt của mình qua từng trang viết. Cô sáng tạo miệt mài, cẩn trọng, đầy trách nhiệm và say mê như thể mỗi phút giây của cuộc đời này là giây phút cuối. Cô đều đặn có những tác phẩm thơ, văn xuôi, và báo chí nóng hổi tính thời đại in đều đặn trên các tờ báo uy tín. Đến giờ, Nguyễn Bích Lan đã là tác giả của những quyển sách như Không gục ngã (Tự truyện, Nhà xuất bản Trẻ, 2010), Sống trong chờ đợi (Thơ và truyện ngắn, NXB Trẻ, 2012).
Là người dõi theo các sáng tác của Bích Lan, tôi hồi hộp mở tập truyện ngắn mới nhất của cô – Những ngọn lửa (NXB Phụ nữ, 2015). Và như tôi đã mong đợi, Bích Lan không làm tôi thất vọng. Mỗi câu chuyện trong quyển sách này kéo tuột tôi vào từng ngóc ngách sâu thẳm của một xã hội Việt Nam thời hiện đại. Ở nơi ấy, áp lực kinh tế đang khiến con người sống vô cảm, tàn nhẫn với nhau. Con vô cảm với mẹ ruột, mẹ ruột vô cảm với con, thầy vô cảm với trò… Bằng giọng văn sắc sảo, lúc thì đầy ắp chất thơ, lúc thì dịu dàng, nóng bỏng, lúc thì chua chát, ngoa ngoắt, Bích Lan phác thảo rõ nét những sắc thái của cuộc sống thời hiện đại, để những câu chuyện của cô cứa vào chúng ta sắc lẹm như những lưỡi dao. Bóng tối của lòng tham, của sự ích kỷ đang phủ trùm lên chúng ta. Cô thắp lên những ngọn lửa – những ngọn lửa của hy vọng, của lòng nhân ái, vị tha, của tình yêu giữa con người với con người vẫn tồn tại đâu đó trên cõi đời này.
Đọc quyển sách, ta không khỏi khát khao thay đổi bản thân mình, nhắc nhở mình phải sống tốt hơn, nhân ái hơn với những người xung quanh.
Vài năm trước, khi đại diện của quỹ văn học Akademie Solitude (Đức) nhờ tôi giới thiệu một nhà văn Việt Nam để họ trao học bổng sáng tác, tôi không ngần ngại đề cử Nguyễn Bích Lan. Tôi rất vui khi quỹ Akademie Solitude trao học bổng cho Bích Lan năm ấy sau khi đánh giá tầm ảnh hưởng của những tác phẩm văn học của cô.
Hiện nay, Bích Lan vẫn chỉ nặng 28kg. Cô miệt mài làm việc 9 tiếng một ngày, tuân thủ những nguyên tắc khắt khe nhất của một người sống bằng nghề viết. Từ thứ Hai đến thứ Sáu, cô dịch sách. Vào thứ Bảy và Chủ nhật, cô viết hoặc dịch bài cho báo. Xen kẽ vào những công việc ấy, cô viết truyện ngắn hoặc thơ.
Độc giả Diệu Trâm từ Hội An, sau khi đọc các tác phẩm của Bích Lan, chia sẻ: Đôi khi gục lên ngã xuống nhiều lần để rồi nhận ra chuyến hành trình của mình không là gì cả so với những gì tôi biết được biết về chị Bích Lan, về những gì mà chị đã từng đối mặt và vẫn đang vượt qua… Tôi muốn gửi đến chị lời cảm ơn vì đã nhóm lên ngọn lửa niềm tin và hi vọng trong cuộc sống vốn dĩ rất ngắn ngủi này.
Không phàn nàn về số phận
Bích Lan cho biết, cô không có gì phải phàn nàn về hoàn cảnh của mình hiện tại. Cô cảm thấy ổn cho dù vẫn đau yếu bởi cô đã tìm ra cách sống chung với bệnh tật để ngày nào của mình cũng là một ngày hữu ích. Trong năm nay, ngoài tập thơ Ru và tập truyện ngắn Những ngọn lửa, Bích Lan sẽ hoàn thành bản dịch truyện cổ Andersen, và cuốn Màu của nước – tiểu thuyết nổi tiếng về phân biệt chủng tộc của nhà văn Mỹ James McBride.
Xin khép lại bài viết này với lời chia sẻ của bà Tống Thị Ninh, mẹ của Bích Lan: Bích Lan tuy không được trời cho một sức khỏe tốt, nhưng lại có được tinh thần mạnh mẽ. Những cuốn sách mà Lan đã dịch và viết mang đến cho bản thân cháu và gia đình rất nhiều người bạn đáng quý ở trong và ngoài nước. Tôi thật vui vì cháu dám sống một cuộc đời hữu ích.
Anh chị Thụ & Mai gởi