Người bên thua cuộc – Trần Bạch Thu- Truyện ngắn HAY

Ba’o Nguoi -Viet

July 2, 2025

Trần Bạch Thu

Trời chưa tắt nắng, những tia sáng màu vàng ối còn chiếu rọi qua hàng cây cao trên con đường mùa Hè làm thành một vùng ánh sáng chói lòa đan xen vào nhau, soi rõ từng đám bụi mù chen lẫn với khói xe lãng đãng trên con đường chật cứng xe cộ đang di chuyển vào một chiều thứ Bảy ở thành phố Westminster.

Tôi đi đến nhà hàng The Villa nằm trên đường Beach để dự đám cưới của một đứa cháu gái kêu vợ chồng tôi bằng dì dượng. Đây là một nhà hàng rất quen thuộc với người Việt Nam lúc gần đây, nơi nầy thường được người địa phương đến đặt tiệc cưới vì giá cả tương đối trung bình với thức ăn Việt hoàn toàn và đặc biệt hơn nữa là nhà hàng tọa lạc trong một khu vườn cây cao bóng mát, bãi đậu xe rộng rãi, nhất là nhà hàng thiết kế nhiều chỗ chụp hình được trang hoàng cây cảnh rất đẹp.

Vì là người thân trong gia đình họ nhà gái nên chúng tôi đến rất sớm, khi bên trong khu nhà tiếp tân chỉ có một ít nhân viên đang sửa soạn quầy rượu cùng với các cô phụ dâu đang sắp xếp bàn ghế trưng bày ảnh của cô dâu, chú rễ cũng như kê bàn đặt phiếu dành cho khách mời đến lấy dễ dàng và dò biết mình thuộc bàn số mấy, tất cả đều rất ngay ngắn, ngăn nắp sao cho mọi người đều có thể thấy rõ.

Đúng 6 giờ tối quầy rượu bắt đầu hoạt động, nhân viên nhà hàng bưng từng khay đựng thức ăn nhẹ đi quanh khu nhà tiếp tân để mời mọi người thưởng thức những món ăn được ghim sẵn để trên khay như chạo tôm, bánh bao nhỏ nhưn mặn, tôm chiên giòn, bánh nướng …. Mọi người đứng quanh từng nhóm năm, ba người tụm nhau trò chuyện râm ran chật kín cả khu tiếp tân. Âm thanh ồn ào, mọi người đi đi, lại lại thật là uyên náo. Ở đầu cửa ra vào một số người đang xếp hàng để đến lượt ra đứng bên cạnh cô dâu chú rể chụp hình kỷ niệm, lấy liền sau chừng nửa tiếng đồng hồ, hình được đặt trên bàn ở gần chỗ chụp hình cho chủ nhân hình ai nấy tìm.

Đang còn loay quay trò chuyện với nhiều người quen thân, bất ngờ có một người đàn ông chen chân bước tới nhìn sững ngay trước mặt khiến tôi hơi ngờ ngợ, nhưng rồi sau đó hai người chợt bùng lên một tràng cười như bể rạp. Người đàn ông ấy vẫn gương mặt thật hiền lành, tuy có vài nếp nhăn nhưng không thể nào lầm lẫn vào đâu được qua cặp mắt u uất, buồn rười rượi dài hơn thế kỷ. Anh Võ Ngọc Hòa nguyên Tỉnh đoàn trưởng Cán bộ Xây Dựng Nông Thôn tỉnh Kontum! Tôi ôm chầm lấy anh mà nước mắt muốn ứa ra. Gần 40 năm trời chưa một lần gặp mặt. Biết bao nhiêu câu chuyện đời tưởng chừng như đã đi vào quên lãng, nay bất chợt hiện về, rõ mồn một như một khúc phim quay chậm.

* * *

Hồi ấy tôi mới lên Kontum nhận nhiệm sở về quận, anh là tỉnh đoàn trưởng xây dựng nông thôn nhiều năm trước đó, anh có gương mặt thật hiền như “thầy tu.” Tôi gặp anh qua những lần họp hàng tháng ở Tòa hành chánh tỉnh. Trong buổi họp anh ngồi im, ít nói nhưng khi trình bày công việc ở ty sở thì anh lại nói năng rất mạch lạc hấp dẫn. Tôi rất thích kiểu cách nầy nên bắt đầu làm quen thân với anh từ đó. Cứ một vài hôm, chiều ở quận về sớm là tôi đến rủ anh ra quán bún thịt nướng uống bia. Lâu dần tôi biết anh là người chăm sóc gia đình, một vợ 4 con, ba gái một trai rất chu đáo đầy trách nhiệm với tình thương yêu hết mực. Trong xứ đạo Tân Hương (Kontum) gia đình anh là một gia đình công giáo thuần thành.

Lúc bấy giờ có chương trình “ngủ ấp,” các viên chức và cán bộ tối về sinh hoạt ở nông thôn theo lịch định kỳ cho nên tất cả đều mặc bộ đồ “bà ba” đen, xây dựng nông thôn, vải kaki dày cho tiện lợi. Anh tặng cho tôi hai bộ đồ để thay đổi, ngoài ra anh còn tặng thêm một cái áo jacket hai lớp màu xanh trây dzi “mặc cho ấm” trên đường đi xuống quận.

Anh em gần gũi nhau qua những lần đi công tác chung, tiếp nhận các dự án xây dựng đường xá, cầu cống hay trạm xá, trường học ở các xã, ấp. Có khi ngủ lại ở nơi đây, sáng cùng lên trực thăng về lại tỉnh. Vui buồn đời công vụ ở tỉnh lẻ, thật thắm tình đồng đội.

Mãi cho đến Tháng Ba năm 1975, tôi di tản về Sài Gòn an toàn, anh cùng vợ con chạy giặc tới sông Ba, Phú Bổn bị địch pháo kích dữ dội nên cùng đường, hết lương thực cả gia đình bèn trở về lại Kontum.

Khi về tới nơi thì cộng sản đã chiếm được thị xã, anh và vợ con phải trốn ngược lên phía Đakto ở nhờ nhà người bà con để rồi từ từ sẽ tìm đường vượt thoát vào Nam. Chưa được bao lâu thì nhận được tin Sài Gòn thất thủ, tướng Dương Văn Minh đầu hàng, chiến tranh kết thúc, anh đành thúc thủ tại quê nhà.

Ở địa phương Kontum, một vài viên chức VNCH trở cờ, tham gia hăng hái vào hàng ngũ bộ đội cộng sản làm kẻ chỉ điểm, ruồng bố vào từng nhà bắt giữ đồng đội cũ của mình. Anh bị bắt trong đợt truy quét nầy do một viên chức trước đây từng là Chánh văn phòng Tòa hành chánh tỉnh chỉ điểm.

Anh bị bắt đưa đi nhốt ở Trung Tâm Cải Huấn cũ của VNCH. Đến khoảng trung tuần tháng Năm năm 1975 thì anh bị đưa ra Sân Vận Động tỉnh xét xử công khai cùng với hơn 20 người khác được cho là có nợ máu với nhân dân.

Hôm ấy, dân chúng tụ tập rất đông theo lệnh của cán bộ cộng sản. Chủ trì phiên tòa xét xử là một cán bộ nằm vùng, tục gọi là chị Ba ngồi trên chiếc ghế sa lon màu đỏ huyết dụ đặt ở giữa sân, phía sau lưng là 2 cái bàn dài dành cho 3 cán bộ miền Bắc đầu đội mũ cối, bên hông giắt súng ngắn cùng với 4 nam, nữ dân quân du kích mặc đồ bà ba đen đội mũ xanh tai bèo.

Mở đầu phiên xét xử, chủ tọa gọi tên từng người ra đứng đối diện với chủ tọa đoàn khai tên họ và chức vụ trong bộ máy chính quyền cũ, sau đó chỉ một mình chị Ba đứng lên nêu tội ác của các đương sự một cách chung chung. Rồi cũng chính chị ấy tuyên án mà không có tranh cải. Đến phiên anh, sau khi khai rõ họ tên chức vụ, chủ tọa buổi xét xử đột nhiên rời ghế bước tới tát vào mặt anh liên tiếp và gầm lên, mắng như mưa:

-Mày là đồ ngụy gian ác mang nợ máu với nhân dân, chống phá cách mạng triệt để.

Sau đó trở về chỗ cũ, chị đứng thẳng người lên dõng dạc đề nghị xử tử hình tên tỉnh đoàn trưởng ngụy.

Đám đông dân chúng im phăng phắc, không có một ai lên tiếng, rồi cũng giống như các trường hợp vừa xử trước vì không có ai lên tiếng nên chị Ba giảm án dần xuống còn 20 năm, 15 năm, 10 năm… và khi đến mức 5 năm thì cán bộ ra hiệu cho mọi người giơ tay lên đồng ý. Lúc bấy giờ chị Ba mới ra lệnh cho tội nhân phải quỳ xuống chấp nhận bản án và cúi đầu nói lời xin lỗi nhân dân. Tiếp theo sau đó, hai cán binh đến kè xốc nách dẫn tội nhân đi nhanh để phiên tòa còn tiếp tục xử người khác.

Kể từ sau ngày đó, anh bị chuyển đi khắp các trại cải tạo từ Nam ra Bắc, thời gian kéo dài hơn 6 năm rồi mà vẫn chưa được thả, mặc dù đã có án 5 năm cải tạo như phiên tòa xét xử năm 1975. Cho đến khi được chuyển về trại Gia Trung ở Plei ku anh mới có hy vọng là sẽ được thả trong một thời gian ngắn chừng một, hai năm nữa, theo như lời kể của các bạn tù ở đây, nhiều năm kinh nghiệm. Trong tù anh thuộc diện “mồ côi” không có thăm nuôi, họa hoằn lắm đôi ba lần anh mới được người nhà gởi theo thân nhân đi thăm tù cải tạo một gói quà chừng 5 kí lô, gồm một ít đường tán và muối đậu.

Khi về tới Gia Trung, tình hình cải tạo bớt căng thẳng, không còn hà khắc như ở miền Bắc, tù cải tạo được sinh hoạt thoải mái trong trại, nấu ăn và tụ tập từng tụm 5,7 người trong những ngày nghỉ lao động. Lúc bấy giờ các Cha, Thầy cũng được xả ra nhốt chung với ngụy quân, ngụy quyền. Đặc biệt là các Cha còn bí mật làm lễ trong trại cải tạo, hình thức cũng đơn giản và kín đáo, cũng có đọc kinh ban phép lành và cho rước bánh Thánh (Mình Thánh Chúa) được lén lút đưa từ bên ngoài vào trại.

Không biết cán bộ biết tin từ đâu, có thể là do “ăng ten” mật báo không chừng mà có một hôm toàn trại được lệnh tập trung mang hết đồ đạc cá nhân ra sân thật khẩn trương, ban đầu mọi người tưởng là chuẩn bị chuyển trại vì đã quen rồi với việc tập họp đột biến như vậy, nhưng hôm nay khác, sau khi tập họp xong cán bộ quản giáo cho biết trong trại có một số trại viên phản động đã cử hành bí mật lễ nghi tôn giáo là điều cấm kỵ, vi phạm nội quy của trại và ra lệnh ai đã tham gia thì phải khai ra để được khoan hồng còn bằng không thì sẽ bị thi hành kỷ luật tùy theo mức độ nặng nhẹ.

Mọi người im lặng không có một ai lên tiếng tự giác hay tự thú về sự vi phạm vừa nêu nên cán bộ ra lệnh bắt đầu lục soát tất cả tư trang của tù nhân. Lúc bấy giờ anh em đều kín đáo liếc nhìn về phía anh Hòa để xem anh phản ứng như thế nào. Tuyệt nhiên không thấy có dấu hiệu gì lo sợ từ phía anh.

Thình lình loa trại phát thanh “Trâu xảy chuồng! Trâu xảy chuồng!” và cán bộ trại yêu cầu anh Hòa là người tù tự giác chăn đàn trâu hơn 40 con phải xuất trại gấp để lùa trâu vô chuồng, vì không nói ra nhưng mọi người đều thừa biết rằng hơn 40 con trâu mà lạc vào khu rẫy đang trồng hoa màu thì thiệt hại chắc chắn là không nhỏ.

Một số anh em tù nhân trong trại thở phào nhẹ nhõm vì chính anh Hòa là người cất giữ bánh Thánh. Nếu không có bàn tay của Chúa phù trợ thì sự thể xảy ra không biết sẽ tồi tệ đến mức nào khi mà cán bộ phát hiện ra chứng cứ. Hơn nữa bản chất con người của anh là rất tận tâm trong công việc được giao phó, làm đến nơi đến chốn “từ khởi sự cho đến lúc hoàn thành”, biết kính trên nhường dưới nên rất được mọi người kính mến từ xưa đến nay dù ở bất cứ nơi đâu trong mọi hoàn cảnh.

Thật ra anh Hòa là một người công giáo thuần thành được nhiều người tin cẩn thì sẽ không dễ gì anh tự mình tiêu hủy Mình Thánh Chúa. Chưa biết ra sao, nhưng rồi trong khoảnh khắc linh thiêng ấy anh đã cầu nguyện và xin phó thác. Chúa đã nhậm lời cho anh thời cơ có một không hai để giữ gìn được bánh Thánh và sau đó anh cầu nguyện xin được giấu Mình Thánh Chúa trên trần nhà chuồng trâu.

Tất cả mọi việc đều êm xuôi và anh em sau đó vẫn tiếp tục kín đáo cử hành thánh lễ ngay trong trại cải tạo, duy chỉ có một điều là từ nay anh Hòa sẽ cất giấu Chúa ở ngoài chuồng trâu.

Câu chuyện “Võ Hòa giấu Chúa” được loan truyền rộng rãi trong mọi người như là một phép mầu khiến cho nhiều người tin vào quyền năng Thiên chúa nhiều hơn và có không ít người đã xin rửa tội theo đạo công giáo ngay trong trại cải tạo Gia Trung kể từ sau đó.

Sau gần 7 năm cải tạo, anh được thả ra cho về nguyên quán tỉnh Kontum, ngày anh ra tù, nguyên Chánh văn phòng Tòa hành chánh tỉnh theo cách mạng ngày 30 vẫn còn ở lại trong tù, vẫn tiếp tục được ưu đãi “đoái công chuộc tội” là hàng ngày xách tông đơ đi hớt tóc cho tù nhân, khỏi phải đi lao động ngoài ruộng rẫy. Có lẽ đến giờ nầy ông ấy mới thấm thía câu nói của Tổng Thống Thiệu “Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm.”

Đã trải qua muôn vàn khó khăn, ngày về của anh Hòa còn thảm thương hơn nhiều, nhà cửa ở thị xã bị cộng sản tịch thu, cả gia đình bị bắt đi vùng kinh tế mới tận trên Ngô Trang (Đakto). Khi anh đi mấy đứa con còn nhỏ dại chưa quen đời sống kham khổ nay đối diện với cuộc sống khó khăn, thiếu thốn vật chất đã đành giờ còn thêm chấn thương về tinh thần. Cha đi tù, mẹ bỏ đi biệt xứ từ rất sớm, bốn anh chị em thì đứa con gái thứ hai mất vì bệnh tật, đứa con trai kế đi chăn bò bị điện giật chết, chỉ còn hai đứa sống nhờ vào người bà con bên Nội ở khu kinh tế mới xã Ngô Trang. Không còn gì để nói thêm nữa, tình cảnh cura anh thật vô cùng bi đát.

Nhưng trong mọi hoàn cảnh anh đều tin có Chúa quan phòng nên rất vững tâm, phấn đấu xây dựng lại cuộc sống. Trong những năm còn ở trong trại cải tạo, thỉnh thoảng anh có nhận được những gói quà 5kg, giờ mới biết đó là do một phụ nữ láng giềng ở khu kinh tế mới giúp đỡ gởi cho. Đồng thời chị cùng hết lòng trợ giúp 2 đứa con của anh, kể từ khi vợ anh bỏ đi biệt không về. Người đàn bà tốt bụng nầy biết anh Hòa trước đây, thời chế độ cũ. Nay thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình nên chị tự nguyện đứng ra giúp đỡ vậy thôi. Riêng anh Hòa, không thể không nói lời mang ơn nặng đối với người đàn bà có lòng từ tâm nầy khi anh trở về. Chỉ có một cách để đền ơn là ngỏ lời cầu hôn với chị.

Ba tháng sau, đám cưới của hai người đã diễn ra ở khu kinh tế mới Ngô Trang dưới sự chủ tế của Cha sở tại cùng với đông đảo bà con, chòm xóm xung quanh. Kể từ sau đó vợ chồng anh bắt đầu xây dựng lại một mái ấm gia đình thật hạnh phúc, sinh sống bằng nghề nông, trồng lúa, làm rẫy ở nông trường Ngô Trang.

Đến năm 1989 anh nộp đơn xin đi Mỹ định cư theo diện HO, hồ sơ gia đình gồm hai vợ chồng bốn đứa con, hai đứa đời vợ trước, hai đứa đời vợ sau, lại thêm một cháu trai, con của đứa con gái lớn. Thật cũng hơi rắc rối.

Trong khoảng thời gian anh còn ở trại cải tạo, hai đứa con anh sống côi cút ở khu kinh tế mới Ngô Trang, có một anh bộ đội còn trẻ đóng quân ở Đakto thấy hoàn cảnh đáng thương của hai chị em, ngày ngày ra đồng làm thuê, làm mướn sống qua ngày, cô chị tuy đen đúa nhưng không giấu được nét trâm anh và duyên dáng của người thiếu nữ mới lớn nên anh bộ đội ban đầu động lòng trắc ẩn chỉ muốn giúp đỡ thôi, nhưng dần dần theo thời gian thấy vừa hợp nhãn lại vừa lòng nên hai người đã yêu nhau và có với nhau được một đứa con trai. Sau đó anh bộ đội ra quân về sinh sống luôn ở Ngô Trang với gia đình hai chị em trước khi anh Hòa về.

Đến khi có chương trình đi Mỹ theo diện HO, anh Hòa quyết định là hai mẹ con cô con gái lớn được liệt kê trong danh sách gia đình đi định cư với sự đồng ý ở lại của anh con rễ. Khi lên phỏng vấn anh trả lời thật về hoàn cảnh gia đình riêng của mình và được phái đoàn phỏng vấn chấp thuận. Năm 1992 cả gia đình anh lên máy bay đi Mỹ còn anh bộ đội năm xưa đành trở về quê cũ, một làng quê xa xôi ở tận ngoài miền Bắc. Trời Ngô Trang hôm ấy mưa bão sụt sùi.

* * *

Sau khi tàn tiệc cưới, gia đình tôi mời hết gia đình anh 6 người gồm cả con cháu hẹn nhau về Long Beach chơi một bữa BBQ sườn bò Đại Hàn trước khi anh trở về thành phố Baton Rouge, Louisiana. Bữa ấy vui lắm, rượu vào lời ra biết bao nhiêu câu chuyện đời của nhau được kể ra, nhưng cảm động nhất là câu chuyện đứa con gái lớn của anh, sau khi đến Mỹ được hai năm, có nhiều mai mối đàng hoàng đứng đắn, con nhà tử tế ở đây muốn kết tình sui gia với anh nhưng anh để tùy con quyết định.

Một buổi tối, sau khi cơm nước xong xuôi, cô con gái lớn quyết định dứt khoát xin phép ba má cho về quê anh bộ đội năm xưa để làm đám cưới, mặc dù lúc bấy giờ liên lạc về Việt Nam, nhất là ngoài miền Bắc còn rất hạn chế. Anh đồng ý… Và hôm nay trong bữa tiệc tại nhà tôi có sự hiện diện của anh con rể ấy, rất hiền lành, ăn nói thật lễ phép. Tôi nói đùa:

-Thế thì em Trang làm sao quên được.

Nói chung gia đình anh rất an vui hạnh phúc. À mà quên nữa, em Trang sau nầy còn bảo lãnh cho mẹ ruột của mình sang Mỹ sum họp, ở với gia đình em. Thế mới biết con lúc nào cũng thương Mẹ nên không bao giờ lên án mẹ. Tôi hỏi, còn riêng anh thì sao, có gì lấn cấn không. Anh nói:

-Bây giờ mọi chuyện xem như nước chảy qua cầu, tất cả mọi sự trên đời đều do Chúa xếp đặt. Mình có biết đâu mà lấn cấn, còn chuyện vợ chồng còn duyên phận thì ở với nhau, hết duyên thì xa nhau. Chỉ có vậy thôi.

Hiện nay tất cả các con anh đều có gia đình nhà cửa riêng và công ăn việc làm tốt, ổn định. Hai đứa con với người vợ sau, một đứa trai là bác sĩ y khoa, một đứa gái là tiến sỹ vật lý cùng làm việc ở Louisiana, Hoa Kỳ.

Anh nói thêm, sau nầy khi gia đình có đám tiệc mọi người đều cùng họp mặt chung với nhau rất vui vẻ. Tôi hơi liếc khéo nhìn về phía anh vì tôi biết người vợ trước của anh… cũng một thời sắc nước hương trời. Biết ý nhau anh nói nho nhỏ cho tôi vừa đủ nghe:

-Già rồi tình nghĩa là chính, sự đời đã tắt lửa lòng lâu rồi bạn ơi!

Nghe xong tôi chợt nhận ra năm nay anh cũng đã U90 rồi, quỹ thời gian chắc không còn nhiều. Bất giác tôi nhìn lên cổ áo, anh đang đeo một sợi dây chuyền vàng mặt cây thánh giá to quá khổ. Tôi biết anh thường có trang sức dây chuyền mặt cây thánh giá lâu lắm rồi kể từ thời trước nhưng sợi dây chuyền ngày xưa nhuyễn hơn nhiều chứ không to bản như bây giờ. Thấy lạ tôi hỏi như đùa:

-Chắc bây giờ ở Mỹ anh được ơn Chúa nhiều hơn chăng?

-Đúng vậy, sinh hoạt chính hiện nay của tôi là tham dự vào các công tác thiện nguyện ở nhà thờ giáo xứ nơi tôi cư ngụ để tạ ơn Chúa đã cho gia đình tôi nhiều hồng ân chan chứa.

-Anh có về Việt Nam không?

-Có, cách đây vài năm tôi có về Việt Nam lo mồ mả cho cha mẹ, ông bà ở Bình Định.

Anh kể cũng là một chuyện lạ. Anh rời Qui Nhơn (Bình Định) lúc còn nhỏ nên chỉ nhớ lờ mờ khu nghĩa trang địa phương, sau nầy chính quyền giải tỏa biến thành khu đất canh tác, phân lô cho dân chúng trồng trọt. Khi đến nơi quê xưa chốn cũ anh còn nhận ra được khu mộ, một dãy 5 ngôi mộ gần liền nhau của cha mẹ ông bà, trong khi chung quanh mọi người đã san bằng tất cả. Anh hỏi người chủ miếng đất có 5 ngôi mộ sao vẫn còn y nguyên, chị kể:

Khi được chia đất về đây đã có sẵn 5 ngôi mộ nầy, thay vì để thành mã lạn, tôi giữ lại bằng cách bồi đắp mỗi năm vì tin rằng sống trên đời có âm có dương, có người sống cũng có người khuất nên lấy lòng thành mà tôn kính, biết đâu sẽ được người khuất phò hộ.

Nghe qua rất cảm động, anh đề nghị mua riêng khu đất có 5 ngôi mộ này, chị trả lời là không cần thiết, nhưng anh cũng xin một tờ giấy viết tay ghi rõ chu vi khu đất nhỏ nấy dành riêng cho gia đình anh, người em của anh ở Sài Gòn sẽ giữ tờ giấy nầy. Anh tặng cho chị chủ nhân miếng đất 5 ngàn đô la và xin được giúp xây  sửa lại căn nhà của chị cho khang trang hơn, đồng thời hằng năm anh sẽ gởi về cho chị chút đỉnh tiền coi như tiền trông nom mả mồ cho gia đình anh.

Thế mới biết sống hiền lành tử tế, biết giữ gìn nhân cách không có ác tâm, biết thờ kính người đã khuất dù thân hay sơ, rồi ra sẽ được ơn trên phù trợ, giúp tai qua nạn khỏi, chưa kể là sẽ được phúc lộc trời ban.

Chuyện đời của anh đến đây xem như đã nhẹ, giờ đây anh chỉ còn sống theo câu châm ngôn thuộc nằm lòng “kính Chúa yêu người” kể cả người cộng sản.

Trời càng lúc càng khuya, tôi tiễn gia đình anh ra về mà lòng bâng khuâng khó tả, biết còn có ngày gặp lại nữa không. Đời là vô thường mà.

(Long Beach, 2025)


 

Được xem 4 lần, bởi 4 Bạn Đọc trong ngày hôm nay