Ngoại trưởng Việt Nam sẽ gặp Ngoại trưởng Mỹ về Biển Đông
Friday, May 23, 2014
HÀ NỘI (NV) .- Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Phạm Bình Minh sẽ gặp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry để “trao đổi nhiều vấn đề,”phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN xác nhận như vậy hôm 23 tháng 5, 2014.
![]() |
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bắt tay ngoại trưởng CSVN Phạm Bình Minh khi hai người mở họp báo chung ở Hà Nội ngày 16/12/2013. (Hình: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images) |
Trong cuộc họp báo ở Hà Nội hôm Thứ Sáu, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN Lê Hải Bình xác nhận rằng “hai bên đang sắp xếp thời gian đảm bảo phù hợp nhất” mà lý do chính yếu được hiểu là các bối rối của Việt Nam cần đồng minh trong việc đối phó khó khăn ở thế yếu với Trung Quốc. Tuy nhiên, không thấy nói hai ông ngoại trưởng sẽ gặp nhau ở đâu.
Khi được hỏi nội dung cuộc họp sẽ được chuẩn bị, ông Lê Hải Bình cho hay ngoài những vấn đề song phương và khu vực “tất nhiên sự việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam sẽ được nhắc đến.”
Hôm 21 tháng 5, 2014, ông Phạm Bình Minh có cuộc điện đàm với ngoại trưởng Mỹ John Kerry vào lúc tình hình căng thẳng giữa Việt Nam và Trung quốc vẫn diễn ra ở khu vực giàn khoan HD981 trong vùng biển đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Luật Biển.
Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) tường thuật cuộc điện đàm cho biết, ông Phạm Bình Minh đã “thông báo (với ông Kerry) về những diễn biến mới nhất liên quan đến việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; cho biết Trung Quốc liên tục gia tăng số lượng tàu, trong đó có tàu hộ vệ tên lửa, tàu tuần tiễu tấn công nhanh và tàu đổ bộ lớn… khiến tình hình rất căng thẳng.”
Ông Phạm Bình Minh được tường thuật “Khẳng định Việt Nam đã hết sức kiềm chế, kiên trì thông qua đối thoại, tránh xung đột, đồng thời kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu hộ tống khỏi khu vực vì đây là hành động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, đe dọa ổn định, an toàn trên biển, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.”
Theo hãng tin AP, nói chuyện với Ngoại trưởng CSVN, ông John Kerry “bầy tỏ quan ngại về những hành động khiêu khích của Trung Quốc khi đem dàn khoan và rất nhiều tàu bảo vệ tới vùng biển tran hchấp với Việt Nam. Vì vậy đã tạo ra căng thẳng ở khu vực và dẫn tới các vụ bạo động nhắm vào các hãng xưởng ngoại quốc tại Việt Nam.”, theo lời bà phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Jen Psaki.
Theo lời bà Psaki thuật lại, ông Kerry khuyến cáo hai bên nên kềm chế để làm giảm cường độ căng thẳng, bảo đảm cho tàu bè qua lại và giải quyết các tranh chấp xuyên qua các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế. Cách đây ít ngày, Ngoại trưởng Mỹ cũng đã lên ánh hành động Trung quốc đem giàn khoan HD981 tới vùng biển tranh chấp với Việt nam là “khiêu khích” và là nguyên nhân của sự căng thẳng.
Trong cuộc họp báo ở Bộ Ngoại Giao Mỹ, bà Psaki nói ông Kerry mời ông Phạm Bình Minh đến Washington DC “để tham khảo một loạt rộng rãi về các vấn đề song phương và khu vực vốn là một phần của thỏa thuận Đối tác Toàn diện giữa hai nước”.
Nhiều nhà phân tích thời sự quốc tế cho rằng Việt Nam đang cảm thấy cô đơn vì không có một đồng minh nào khi phải đối phó với một nước Trung Quốc to lớn, hùng mạnh kinh tế và quân sự và càng ngày càng lộ rõ tham vọng bá quyền bành trướng.
Một số nhà phân tích thời sự cũng cho rằng khi Việt Nam xích lại gần Mỹ hơn, có thể sẽ được Washington bãi bỏ lệnh cấm bán võ khí sát thương. Đây là điều các lãnh đạo Việt Nam khi gặp các giới chức cao cấp Hoa Kỳ đều kêu ca nhưng đến nay vẫn chưa thấy phía Mỹ nhúc nhích. Một trong những điều kiện được đặ ra là Việt Nam phải cải tiến nhân quyền mà điều này cũng không thấy Hà Nội nhúc nhích, nếu không muốn nói mỗi ngày một tệ hại hơn.
Khi đến Việt Nam hồi giữa Tháng 12 năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ loan báo chương trình viện trợ gần 40 triệu USD cho một số nước Đông Nam Á trong đó có 18 triệu đô la giúp Việt Nam mua 5 tàu tuần tra biển cỡ nhỏ. Tuy nhiên, cái mà Việt Nam đang muốn từ Mỹ là các máy bay tuần tra biển Orion P-3, các dàn radar và nhiều thứ khác. (TN)