Nghèo đói vẫn cao, đất đai rơi vào tay nhà nước tại nông thôn VN
Theo khảo sát, có 27% các hộ nông thôn đã bị mất đất trong năm 2014, tức tăng 10% so với 2 năm trước đó. Trên 98% đất nông dân bị mất trong thời gian 2012-2014 là vào tay nhà nước.
Đời sống ở nông thôn Việt Nam còn ‘ảm đạm’ theo một nghiên cứu mới công bố ngày 26/8 tại Hà Nội được Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online trích dẫn hôm nay.
Cuộc khảo sát mang tên ‘Đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam: Kết quả điều tra hộ gia đình nông thông năm 2014 tại 12 tỉnh’ được thực hiện trên 3648 hộ gia đình từ Bắc chí Nam do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, và Viện Chính sách Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn phối hợp thực hiện trong năm 2014.
Báo cáo cho biết tình trạng nghèo khó ở các vùng nông thôn Việt Nam vẫn còn cao dù tỷ lệ đói nghèo có giảm từ 27,1% năm 2012 xuống còn 13,2% trong năm ngoái.
Vẫn theo báo cáo, tuy tỷ lệ nghèo giảm, người nông dân Việt Nam chưa thể thoát nghèo ‘một cách bền vững’, khả năng bị nghèo trở lại còn rất cao.
Bị giải tỏa đất đai thiệt thòi quá lớn. Tôi không nói dân nữa, tôi nói ngay tôi bây giờ bị thiệt thòi quá lớn. Con cái giờ không có nhà ở, còn phải đi thuê nhà ở. Nói sự thật thì chúng tôi khó nói mà nói giả dối thì không nói được…Chúng tôi là gia đình cách mạng, chúng tôi đang chiến đấu vì cuộc sống này, đấu tranh chống tham nhũng vì cuộc sống này.
Ông Út Long, nông dân ở Hà Tây.
Các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam như Lào Cai và Điện Biên có tỷ lệ nghèo cao nhất, với 44,3% và 37,3%.
Nông dân ở Lào Cai và Lai Châu có thu nhập trung bình hằng năm thấp nhất, tương ứng từ 16 đến 17 triệu đồng/người. Dân nông thôn ở Phú Thọ, Long An, và Hà Tây được đánh giá có lương bình quân cao nhất, từ 35 đến 38 triệu đồng/năm.
Dù Long An là một trong ba tỉnh nông dân có thu nhập hằng năm cao nhất theo cuộc khảo sát, nhưng bà Nguyễn Thị Bảy, một nông dân trong vùng cho biết đời sống kinh tế của bà con địa phương càng ngày càng eo hẹp, xuống dốc:
“Nói chung đời sống kinh tế của nhân dân eo hẹp hơn mấy năm trước dữ lắm, mùa màng giờ buôn bán bị thất giá chứ không được như mấy năm trước. Đời sống mình thấy cũng tạm ổn thôi chứ cũng chật hẹp lắm. Thấy càng ngày càng khó khăn hơn. Chế độ độc tài cộng sản đâu để cho người dân được thoải mái đâu. Mình cũng tạm mà sống thôi.”
Bà Bảy nói các chính sách hỗ trợ của nhà nước dành cho gia đình nghèo chưa công bằng và không hiệu quả vì nạn tham nhũng và truyền thống ưu tiên cho các hộ ‘có công với cách mạng’:
“Hộ nghèo không giảm, mấy hộ nghèo theo cộng sản thì có giảm. Gia đình nghèo của họ, họ mới giảm thôi. Số người nghèo không tham gia, không thuộc diện chính sách thì đâu được hưởng gì đâu. Họ ưu tiên cho gia đình chính sách không à. Gia đình thường không được ưu tiên.”
Báo cáo nói dù thu nhập trung bình và tiêu chuẩn sống của cư dân nông thôn Việt Nam có cải thiện, nhưng vẫn còn khoảng cách lớn về mặt thu nhập, tiếp cận các dịch vụ công, và có được lương thực đầy đủ giữa các gia đình khá giả với các hộ kém may mắn.
Tình trạng thất nghiệp ở nông thôn, theo báo cáo, cũng chưa được giải quyết tận gốc.
“Hộ nghèo không giảm, mấy hộ nghèo theo cộng sản thì có giảm. Gia đình nghèo của họ, họ mới giảm thôi. Số người nghèo không tham gia, không thuộc diện chính sách thì đâu được hưởng gì đâu. Họ ưu tiên cho gia đình chính sách không à. Gia đình thường không được ưu tiên.
Bà Nguyễn Thị Bảy, nông dân ở Long An, nói.
Khảo sát cũng cho biết người dân ở nông thôn Việt Nam còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách liên quan đến đất đai và rằng đa số đất canh tác của nông dân bị rơi vào tay nhà nước.
Theo khảo sát, có 27% các hộ nông thôn đã bị mất đất trong năm 2014, tức tăng 10% so với 2 năm trước đó. Trên 98% đất nông dân bị mất trong thời gian 2012-2014 là vào tay nhà nước.
Nghệ An và Hà Tây là hai tỉnh có tỷ lệ nông dân bị mất đất cao nhất, theo cuộc nghiên cứu. Ở hai nơi này, cứ 10 hộ dân có tới gần 5 hộ bị nhà nước tịch thu đất đai, phương tiện sinh kế chủ yếu của họ.
Ông Út Long, nông dân ở Hà Tây, là một nạn nhân bị nhà nước trưng thu đất. Gia đình ông ròng rã đi khiếu kiện từ năm 2004 tới nay nhưng chưa được giải quyết dù ông là một cán bộ hưu trí thuộc diện ‘có công với cách mạng.’ Ông Long chia sẻ tình cảnh của mình:
“Bị giải tỏa đất đai thiệt thòi quá lớn. Tôi không nói dân nữa, tôi nói ngay tôi bây giờ bị thiệt thòi quá lớn. Con cái giờ không có nhà ở, còn phải đi thuê nhà ở. Nói sự thật thì chúng tôi khó nói mà nói giả dối thì không nói được. Nói tóm lại, bị giải tỏa đất đai đời sống sa sút quá lớn. Chúng tôi là gia đình cách mạng, chúng tôi đang chiến đấu vì cuộc sống này, đấu tranh chống tham nhũng vì cuộc sống này.”
Những mặt tiến bộ được phản ánh trong phúc trình vừa công bố về đời sống nông thôn Việt Nam bao gồm việc tiếp cận nước sạch, vệ sinh môi trường, và chất lượng nhà ở.
Tình trạng di cư ở nông thôn được xem là có cải thiện. Tỷ lệ dân nông thôn di cư trong năm 2012 là 22%, nhưng tới năm ngoái đã giảm xuống còn 15%, theo cuộc khảo sát.
Truyền thông trong nước trích dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng dân nông thôn Việt Nam dễ bị tác động bởi các yếu tố môi trường xung quanh và ‘thiếu các biện pháp phòng vệ.’
Khảo sát đầu tiên được thực hiện vào năm 2002 và kể từ năm 2006 tới nay được tiến hành mỗi hai năm một lần. Các câu hỏi đặt ra trong cuộc nghiên cứu tập trung về thu nhập, tiền để dành, sở hữu đất đai, di cư, và giáo dục của người dân nông thôn.