Nghề… (phần 5)

Nghề… (phần 5)

Châu Đình An

Dù sao, cuối cùng, ngày vui cũng tàn phai nhanh chóng, tôi phải trở về trại cải tạo để tiếp tục sống một quãng đời vô định tương lai, thỉnh thoảng tôi phá hư cái chén dầu, hoặc ống dẫn hơi vào dàn chảo, thế là tôi lại được phép lái máy cày về thị xã sửa chữa. Ông quản giáo Hai Thì bực mình ra mặt vì máy hư làm nông xuất bị chậm trễ vụ mùa. Có lẽ chỉ tiêu ông ta hứa với cấp trên cung cấp bao nhiêu khoai, bao nhiêu sắn, bao nhiêu bắp mà không làm kịp.

Khi sửa máy cày chưa kịp xong và tối phải ở lại thị xã Phan Rang, tôi bị đưa vào ty Công An Phan Rang và bị nhốt chung với đám hình sự đang bị tạm giam, phòng giam bẩn thỉu, chật chội không có chỗ ngả lưng qua đêm, và thiếu sự bình an với đám tù xì ke ma tuý đâm chém cướp giật. Một thằng chân cà thọt, da trắng bủng, nó nói giọng Bình Định đặc sệt đến doạ tôi, nó hất hàm bảo mày tên gì, vì sao vào đây. Tôi chẳng thèm trả lời thì nó thụi vào bụng tôi một cái cùi chỏ làm tôi thốn muốn ói. Tôi la lên, sao mày đánh tao, thì nó nhảy lên đá vào ngực tôi. Tôi phải tự vệ chứ, né qua một bên, nó mất đà chúi đầu ngả vào vách một cái rầm.

Cả bọn tù ồ lên một tiếng, nó bị nằm xuống nền xi măng nhơ nhớp, mặt nó tái xanh với hai con mắt ốc nhồi trắng phếu, giận dữ, nó gầm lên, đứng dậy với cái chân cà thọt, và nó chửi thề “Đm mày tới số rồi”. Nó tiến đến định thoi tôi vào mặt, tôi cũng không vừa, định dợm chân đá cho nó một phát, nhưng có hai thằng đồng bọn của nó ôm cứng tay tôi từ phía sau, và nó chơi đòn hèn đánh tôi cú thôi sơn vào mặt, đau quá tôi hét vang và công an chạy vào thổi tu huýt liên hồi. Bọn nó dạt ra, công an đưa tôi đến phòng chấp pháp, là cái phòng điều tra, ở đấy tôi gặp thằng Việt vệ binh, nó nhìn tôi với cái môi đang bị chảy máu không nói gì.
Nó đưa tôi miếng bông gòn thấm máu mồm, và bảo tôi ngủ trên tấm phản cuối phòng tối nay ở đây, sáng mai ra xem máy cày sửa xong sẽ về.

Mỗi khi đi sửa máy, là tôi được ăn cơm trắng với một miếng gà nướng, và vài lát cà chua cũng như dưa leo. Ôi chao! Ngon nhất trần gian là thế. Phần ăn này do ông chủ tiệm sửa xe máy cày mời cho. Ông ta biết tôi là dân miền Nam bị tù cải tạo nên thương cảm, và đã thế ông còn cho tôi đường đen, thịt heo kho ruốc khô để tôi mang vào trại cải tạo ăn. Những thứ này rất xa xỉ phẩm trong giai đoạn cả nước đang đói vì thiếu ăn.

Về lại trại cải tạo tự dưng ý định bỏ trốn trại thoáng trong đầu, nhất là mỗi 5 giờ sáng đang lơ mơ ngủ là nghe cái loa chỉa vào nhà một, nhà hai, nhà ba với giọng phát thanh chua chát của nữ xướng ngôn viên, đã thế còn phải tập họp hát chào cờ “mặt trận giải phóng” mỗi sáng.

Cái bài hát của ông Lưu Hữu Phước, cũng là tác giả của bài quốc ca VNCH (cái này lạ thiệt) với những câu:
“giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước. Diệt đế quốc Mỹ phá tan bè lũ bán nước…”

Trong trại cải tạo, anh em cải biên thành ca khúc mang tựa đề “những món ăn chơi”.
“Hủ tiếu bò kho bánh canh bò tái cháo huyết, một dĩa bánh cuốn, với lại một chén nước mắm.
Ôi nhân tôm, bánh căng, thịt bò xào cháo lòng, cơm tấm hay patê bánh mì.
Măng cụt, sầu riêng, chôm chôm hay chuối già, ăn trái cây xong rồi uống nước trà.
Cà phê, sô đa, trà chanh đá đường (Vùng lên nhân dân miền Nam anh hùng)
Mình uống nước xong rồi, mình kiếm điếu thuốc lào, giờ đây mang thuốc ra hút.
Mình không có thuốc lào, thì vấn điếu thuốc rê, còn sang hơn điếu cáp tăng (capstan), con mèo”

Đói quá nên dân gian tưởng tượng những món ăn chơi, hát lên là thèm nhỏ rãi để nhạo lại cái bài chào cờ. Nhưng, chỉ có môt vài tên thân thiết hát cho nhau nghe rồi cười khúc khích, nhìn ngang dọc kẻo quản giáo, vệ binh nghe được thì chết xác!

Mỗi khi đứng trong hàng chào cờ, ai hát mặc ai, tôi nhấp môi và nghĩ đến mấy món ăn chơi mà không khỏi thầm cười trong bụng. Nhưng cũng có lúc tôi quen mồm nghêu ngao hát khi cày đất, hát trong tiếng máy cày nổ vang nào ai nghe được. Kể cả thằng vệ binh Việt canh giữ tôi, nó chẳng nghe gì, chỉ thấy tôi hát vui và nó hỏi tôi hát bài gì thế? Tôi bảo bài hát Xuân này con không về. Nó nói thích bài này lắm, và xin tôi chép hộ. Tôi hứa.

Những ngày mưa lớn thì tôi lại “thất nghiệp” nghề lái máy cày, quản giáo bắt tôi vào đội văn nghệ do ông Nguyễn Đình Kim làm trưởng ban, ông Kim nguyên là Trưởng Ty Kinh Tế Phan Rang thời VNCH. (Hiện nay ông Kim đang định cư ở Minnesota, Hoa Kỳ). Ông giỏi nhạc lý, biết sư phạm chỉ dẫn, do vậy quản giáo bắt ông tập dợt cho ban văn nghệ của trại tù. Cái ban này được tuyển chọn đàng hoàng, nghĩa là phải biết đàn địch hát xướng thì mới vào được. Ưu tiên khỏi phải làm lao động trong thời gian tập dợt. Mục đích của ban này là phải “biểu diễn” nhân ngày lễ quân đội nhân dân, lễ sinh nhật Hồ Chí Minh, lễ lao động…

Vì công “chùa” nhiều nên quản giáo bắt cả trại dựng một hội trường rộng dài, lợp bằng tranh và chung quanh bao bọc bằng thân cây dầu ghép lại. Sân khấu khá “hoành tráng” thời bấy giờ, cũng có màn kéo màu đỏ, và bạn biết mà, dân miền Nam mình khéo tay nên vẽ đẹp, viết cắt chữ khéo và trang trí hết ý. Vì có cán bộ cấp cao trên tỉnh xuống để thăm và xem anh em “nguỵ quân, nguỵ quyền” học tập đến đâu, do vậy phải có văn nghệ văn gừng với những bài hát cách mạng!

Có chị Thiếu Uý trong ban quản giáo tên là Hường, người Bắc, tóc kết đuôi dài xuống mông, người khá đẹp với nước da trắng là có vẻ cảm tình với tôi sau khi nghe tôi hát bài “gặp em trên cao lộng gió, đường trường sơn ào ào lá đỏ” trên sân khấu trại. Cảm tình thế thôi chứ làm sao được khi một thằng tù “nguỵ” và một cô cán bộ cộng sản. Chị này chắc là cũng lãng mạn, vì là Thiếu Uý lo về kế toán của trại tù nên chị ta có một căn phòng nằm sát bờ sông Cái, bên hông căn phòng là cái cửa sổ nhỏ, mỗi khi tôi lái máy cày lao động trở về phải đậu nơi nhà chứa xe đối diện với cái khung cửa sổ của chị Hường. Tôi vẫn thấy thấp thoáng đôi mắt đen của chị ta nhìn thằng tôi mỗi lần như thế.

Trong khu vực sân của dãy nhà ban quản giáo rất rộng lớn, ông Hai Thì có thả một con heo nọc. Đây là loại heo chuyên đi nhảy mái, do vậy nó to, và mồm nó lúc nào cũng chảy nước dãi trắng, là giống heo sung sức chuyên gầy giống, nên nó phá lắm, vồng khoai nào vừa lên vồng với khoai lang lú đọt là nó “dớt” hết.

Một hôm chị Hường đến nói với tôi là, chị muốn tôi làm giúp cho chị cái giàn mướp, vì con heo nọc của ông Hai Thì dùng mỏ hất tung cái giàn mà chị cất công làm. Tôi ngần ngại bảo là phải xin phép giám thị Hai Thì, nhưng chị ta bảo đây là lệnh của chị, tôi phải thi hành.

Thế là qua hôm sau, không hiểu chị thiếu uý Hường nói gì với giám thị Hai Thì, mà tôi được nghỉ nhà một ngày để làm giàn mướp cho chị ta. Trước khi bắt tay vào việc, chị thiếu uý Hường “bồi dưỡng” tôi bằng một ổ bánh mì kẹp thịt. Chị bảo tặng tôi, ăn xong rồi làm.

Ông bà cha mẹ ơi! ở tù trong rừng sâu nước độc, đói ăn thiếu mặc mà có ổ bánh mì thịt do “người nữ có chút nhan sắc” tặng cho, thì bạn thử nghĩ làm sao mà không lên mây nhỉ? Ngồi bệt xuống đất dựa lưng vào vách nhà và vừa nuốt miếng bánh đầu tiên, chị Hường bỗng xuất hiện, đứng trước mặt tôi nhoẻn miệng cười, và hỏi tôi là ăn có ngon không.

Tôi ngồm ngoàm chưa nói kịp, thì chị bảo, ăn xong vào phòng làm việc của chị, để chị nhờ tí việc…
(Còn tiếp)

Ghi chú: Hình có tính cách minh hoạ

Image may contain: 1 person, hat, outdoor and closeup
Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay