NGƯỜI NỮ CÔNG GIÁO VIỆT NAM THỜI CẤM ĐẠO
Tạ Thanh Minh-Khánh
1/16/2013
nguồn:vietcatholic.net
Sự hiểu biết của tôi về chuyên đề nầy rất giới hạn, lại nữa cũng không có được
nhiều tài liệu để tham khảo, tôi chỉ cố gắng sắp xếp những gì đọc được, xem như
góp chút phần nhỏ vào việc chung : nhớ về kỷ niệm 25 năm tôn phong hiển thánh
117 vị tử đạo Việt Nam (1988-2013).
I. Bối cảnh lịch sử thời cấm đạo
Nước ta lúc ấy, thế kỷ 16, thời Nam Bắc phân tranh, các vua chúa Lê, Mạc rồi
Trịnh, Nguyễn đều cho phép mở cửa biển đón các tàu buôn ngoại quốc vào giao
thương. Bởi thế, mới có người Âu Châu sang Việt Nam để buôn bán và truyền đạo.
Khi đó vua Lê giữ hư vị. Họ Trịnh và họ Nguyễn cùng dùng danh nghĩa phò Lê,
nhưng đều mưu cũng cố cơ nghiệp riêng.
Họ Trịnh xưng chúa, cha truyền con nối, nắm giữ quyền hành ở miền Bắc, xưa gọi
Đàng Ngoài.
Cũng thế, họ Nguyễn lập nghiệp chúa ở phương Nam, gọi Đàng Trong.
Sau 7 lần đánh nhau (45 năm) mà chưa bên nào trọn thắng, nên đồng ý lấy sông
Gianh làm ranh giới, mỗi bên tự lo việc trị an, kinh tế, văn học và ngoại
thương. Chúa Trịnh mở cảng Phố Hiến (Hưng Yên), chúa Nguyễn mở cửa Hội An
(Quảng Nam) cho các tàu buôn của nước ngoài vào buôn bán và các giáo sĩ Tây
phương đã theo tàu buôn nhập cảnh Việt Nam. Thế giới bấy giờ có trào lưu bành trướng thuộc địa, liên kết những người cầm quyền chính trị với các tập đoàn thương mại đi tìm thị trường. Bồ Đào Nha tới Ma Cao (Tàu), Tây Ban Nha bảo hộ Phi Luật
Tân, Hòa Lan chiếm Java (Indonesia) làm thuộc địa. Sau đó mới có thêm Anh, Pháp
đến Ấn Độ.
Bài nầy giản lược, chỉ kể lại một số sự việc liên quan đến vấn đề truyền giáo
tại Việt Nam.
II. Sự hiện diện của các giáo sĩ Âu châu tại Việt Nam
Lúc đầu, chỉ là các giáo sĩ Bồ Đào Nha làm tuyên úy cho thương thuyền, từ từ về
sau mới có thêm giáo sĩ Tây Ban Nha và Pháp đến giảng đạo.
Ngoài Bắc, vua Lê chúa Trịnh
Trước đó, từ đời nhà Mạc (1527-1592) đã có giáo sĩ Tây phương vào truyền đạo.
– 1533, thời vua Lê Trang Tông có người tên Inê Khu (Ignatio) đi đường biển vào
giảng đạo ở làng Ninh Cường, Quần Anh (Nam Định) và làng Trà Lũ, huyện Giao
Thủy. (Theo sách Khâm Định Việt Sử)
– 1583 Các giáo sĩ Diego de Oropesa, Bartolomeo Ruiz, Petro Ortiz, Francisco de
Montila và 4 trợ sĩ dòng Phanxicô từ Phi Luật Tân theo tàu Bồ đến truyền giáo
tại Thăng Long, Bắc Việt.
– 1590 giáo sĩ Ordeonez de Cevallos đi tàu gặp bão, trôi giạt đến bờ biển Bắc
Việt, được vua Lê Thế Tông tiếp kiến. Chị của vua là công chúa Chiêm (giữ tước
vị nhiếp chính vì vua còn vị thành niên) được cha Cevallos dạy đạo và rửa tội,
tên thánh gọi Mai Hoa (Việt-hóa tên Maria). Bà là con vua Lê Anh Tông.
– 1626 giáo sĩ Giuliano Baldinotti, dòng Tên và trợ sĩ Giulio Piani (người
Nhật) theo tàu Bồ Đào Nha đến Bắc Việt, được chúa Trịnh Tráng tiếp kiến vì cha
Baldinotti giỏi thiên văn, được nhà chúa yêu cầu giải thích việc vận hành các
tinh tú, được đãi tiệc và tặng phẩm vật. Chúa Trịnh còn gửi thư và lễ vật đến
ĐGH Urbano VIII hứa sẽ thu xếp chỗ ở cho các giáo sĩ tới giảng đạo.
– 1627 giáo sĩ Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) và Pedro Marquez đến Cửa Bàng (Thanh Hóa), xin vào yết kiến chúa Trịnh Tráng ở Hà Nội. Cha dâng tặng một đồ hình quả đất có chữ Hán do các giáo sĩ bên Tàu dịch, và chú thích. Sau đó, được nhà chúa vời đến giải thích thêm. Lần nầy, cha biếu một đồng hồ treo có chuông
gõ báo giờ với kim ngắn chỉ giờ, kim dài chỉ phút. Đây là chiếc đồng hồ đầu
tiên tới đất Bắc. Chúa Trịnh có cảm tình cho phép cha truyền đạo trên lãnh thổ
thuộc quyền (theo Việt Sử Giai Thoại, Đào Trinh Nhất). Cha Đắc Lộ đã dạy đạo,
rửa tội cho người em gái chúa Trịnh, tên thánh gọi Catarina. Cha còn được phép
cất một nhà thờ ở gần đền vua.
– 1631 chúa Trịnh Tráng muốn các tàu Bồ Đào Nha trở lại buôn bán nên cho phép
các giáo sĩ Antonio de Torres, Francesco Gardim, Gasparo d’Amiral trở lại miền
Bắc.
– 1647 vua Lê Chân Tông ban sắc nhận giáo sĩ dòng tên Felix Morelli làm dưỡng
tử (Dòng Máu Anh Hùng III, Vũ Thành trang 341).
– 1676 giáo sĩ Juan de Santa Cruz và Juan Arjona đến Trung Linh, Phố Hiến (Hưng
Yên).
– 1678 một người Pháp tên Boureau-Deslandes vào yết kiến chúa Trịnh, dâng thư
của vua Louis XIV xin cho các giáo sĩ vào giảng đạo tại Việt Nam.
– 1685 chúa Trịnh Căn không làm khó việc truyền giáo, bằng lòng nhận quà của
vua Pháp Louis XIV gởi tặng.
– 1745, thời chúa Trịnh Doanh, mời 6 cha dòng Tên giảng dạy toán học. Nhưng khi
các ngài đến nơi thì nhà chúa đổi ý.
– 1748 chúa Trịnh Sâm đình chỉ việc cấm đạo vì trong chiến lợi phẩm thu được có
một số súng ghi chữ Hòa Lan. Nhà chúa cho lệnh tìm các giáo sĩ. Bấy giờ cha
Vinceslas Paleuk, dòng Tên, quốc tịch Đức đang ẩn trú ở Hà Nội, biết tiếng Hòa
Lan, giải thích được nhà chúa hài lòng.
Trong Nam, chúa Nguyễn
– 1550 giáo sĩ Gaspar de Santa Cruz, dòng Đa Minh, từ đảo Malacca, theo tàu
buôn Bồ Đào Nha đến truyền giáo tại Hà Tiên.
– 1580 giáo sĩ Luis de Fonseca và Grégoire de la Motte, dòng Đa Minh, cũng từ
Malacca đến truyền giáo tại Quảng Nam.
– 1596 đời chúa Nguyễn Hoàng, có giáo sĩ Tây Ban Nha Diego Adverte vào Nam
giảng đạo. (theo sách Nam Sử của Trương Vĩnh Ký)
– 1615 giáo sĩ Francesco Buzomi và Diego Carvalho tới Đà Nẵng.
– 1619 chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho phép các giáo sĩ dòng Tên tự do đi lại
truyền đạo. Các cha còn được phép cất hai nhà thờ ở Hội An và Quảng Nam.
Quan trấn thủ Bình Định cũng mời cha Francesco Buzomi tới truyền giáo và cất
cho một nhà thờ.
– 1620 giáo sĩ Cristoforo Borri người Ý truyền đạo tại Nước Mặn (Bình Định).
– 1624 cha Francesco di Pina dạy đạo và rửa tội cho bà Minh Đức Vương Thái Phi,
vợ thứ chúa Nguyễn Hoàng, tên thánh gọi Maria Mađalêna và 50 người trong giới
quan lại, học thức.
– 1640 cha Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) trở lại Thuận Hóa, dâng biếu nhiều lễ
vật cho chúa Nguyễn Phúc Lan, hi vọng nhà chúa nới tay cho các giáo sĩ giảng
đạo, nhưng rồi sau đó chính cha cũng bị trục xuất (1645).
– 1645 hai giáo sĩ và 4 chị dòng Thánh Phanxicô Tây Ban Nha bị nhà cầm quyền Bồ
Đào Nha trục xuất khỏi Macao (khi ấy thuộc quyền bảo hộ của Bồ Đào Nha). Trên
đường về Phi Luật Tân, tàu bị bão, ghé vào Hải Phố (Cửa Hàn) được chúa Nguyễn
Phúc Lan cho vào kinh, được bà Minh Đức Vương Thái Phi tiếp đón tử tế và ngỏ ý
xin các chị một chiếc áo dòng để mặc lúc lâm chung.
– 1656, 1657 : chúa Nguyễn Phúc Tân thắng chúa Trịnh ở Bố Chính, định tiến quân
ra Bắc nên dễ dãi cho hai giáo sĩ Francisco Rivas và Pedro Marquez được giảng
đạo, miễn không rời khỏi Cửa Hàn và Hội An.
– 1704 chúa Nguyễn Phúc Chu lơi việc cấm đạo do bởi giáo sĩ Juan (Antonio) de
Arnedo, dòng Tên Tây Ban Nha được trọng dụng (nhà toán học của triều đình) vì
cha rất giỏi thiên văn và là thầy thuốc riêng của nhà chúa. Thời ấy cha
Langlois còn được phép làm thuốc chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.
– Về sau chúa Nguyễn Phúc Khoát (1725-1768) cũng dùng cha Siebert làm y sĩ cho
triều đình và khi anh em nhà Tây Sơn khởi nghĩa cũng nhờ một cha dòng Phanxicô
làm y sĩ.
– 1777 Giám Mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) được quan trấn thủ Hà Tiên cho
đến truyền giáo. Họ đạo Hà Tiên được thành lập trên phần đất của quan trấn thủ
tặng.
Trên đây là một số giao tiếp của vua, chúa với các giáo sĩ Tây phương lúc ban
đầu, thời Trịnh – Nguyễn phân tranh.
III. Thời cấm đạo
Rồi các giáo sĩ cứ dần dần vào nước dạy đạo, mà người mình càng ngày càng theo
đạo cũng nhiều. Nhưng nước ta, từ xưa đến nay vẫn theo Nho giáo, lấy sự thờ
cúng ông cha làm trọng, lấy sự tế tự thần thánh làm phải… Đột nhiên thấy nhiều
người mình theo đạo Thiên Chúa, bỏ cả các thói cũ, chỉ chuyên về một mặt theo
đạo mới, bởi vậy cho nên trong Nam, ngoài Bắc, vua chúa đều cho ấy là một tả
đạo, làm hủy hoại cả cái phong hóa của nước nhà xưa nay, bèn xuống chỉ cấm
không cho người trong nước theo đạo nữa và đặt ra phép nghiêm để bắt tội những
kẻ không theo chỉ dụ ấy. (Việt Nam Sử Lược II, Trần Trọng Kim, trang 99)
Liên tiếp khởi từ Trịnh – Nguyễn phân tranh, rồi nhà Tây Sơn và các vua nhà
Nguyễn sau đó (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức) vẫn duy trì việc cấm đạo.
Vua Gia Long vì mang ơn Giám Mục Pigneau de Béhaine, Bá Đa Lộc (giúp đỡ lúc sa
cơ cùng cực, chưa lên ngôi vua, bị nhà Tây Sơn truy lùng) nên ban phép cho
giảng đạo nhưng không ban hành sắc dụ nào bãi bỏ việc cấm đạo.
Lý do cấm đạo : Lý do chính được nêu truyền là người tín hữu Ki-tô không thờ
kính tổ tiên. Tại sao việc tôn kính tổ tiên lại trở thành vấn đề trầm trọng khi
mà điều răn thứ tư của Thiên Chúa giáo có ghi rõ “thảo kính cha mẹ” ? Nghĩa vụ
hiếu đạo khuyên nhắc con cái hành xử đối với cha mẹ khi còn sống cũng như lúc
đã qua đời không khác văn hóa tín ngưỡng Gia tiên “sự tử như sự sinh, sự vong
như sự tồn”?
Ngoài ra, có lẽ còn một lý do khác là luật “một vợ một chồng”. Có lần vua Gia
Long nói với GM Pigneau de Béhaine : Đạo của Đức Cha là một đạo tốt lành, nhưng
nghiêm khắc quá, ai mà có thể giữ được ? Tôi không thể nào chỉ cưới có một vợ.
(Dòng Máu Anh Hùng II, Vũ Thành, trang 5)
Lịch sử truyền đạo Thiên Chúa vào Việt Nam đã từng là đề tài tranh luận. Theo
nhà văn Thế Uyên, ông Trần Quốc Vượng, tác giả quyển Trong Cõi đã chiếu một cái
nhìn ngay thẳng của sử gia vào thời kỳ đầu của đạo Công giáo ở miền Bắc.
Thoạt kỳ thủy đạo Thiên Chúa được truyền bá vào Việt Nam thì nó lại được sự
hưởng ứng trước hết của những người nghèo, trước hết là dân chài, những người
bị gạt ra ngoài lề của xã hội Quân chủ Nho giáo và những người bình dân nghèo
khó.
Đi thực tế điền dã và điều tra hồi cố ở miền Bắc Việt Nam, tôi nhận thấy các
cộng đồng Thiên Chúa Giáo Việt Nam được phát triển trước hết ở vùng ven biển,
các cửa sông tập trung nhiều dân chài. Do nhu cầu tâm linh, dân chài có nhu cầu
tôn giáo, nhu cầu cúng quẩy… Thế mà từ đại triều đình ở Thăng Long đến các tiểu
triều đình làng xã Việt Nam ngày trước đều gạt dân chài ra rìa, không những các
sinh hoạt xã hội cộng đồng mà cả các sinh hoạt tâm linh tôn giáo cộng đồng.
… Khi đạo Thiên Chúa được truyền bá đến với lý tưởng ”Bác Ái” và tình ”Huynh
đệ phổ quát”, dân chài và dân cày nghèo ”cùng đinh” của làng xã và xã hội
Quân chủ Nho giáo lập tức theo Công giáo ngay… Đạo Thiên Chúa vào ngày ấy có
tác dụng giải tỏa dồn nén những người cùng đinh và dân chài Việt Nam, những
người ở vị thế bên lề.
Ông nhận xét Xã hội Việt Nam là xã hội Nho giáo phụ hệ nên chỉ đàn ông mới ra
đình hội họp và tế lễ, thỏa mãn được nhu cầu tâm linh. Trong khi đó, Công giáo
tôn trọng phụ nữ hơn nhiều, các nữ tín đồ được ngồi chung với nam trong mọi
buổi lễ ở nhà thờ.
Chế độ đa thê tạo ra tầng lớp bị thiệt thòi nhiều là các bà vợ lẽ, nàng hầu ;
bởi thế thành phần nầy theo đạo trước tiên”. Theo ông Trần Quốc Vượng Sự truyền
bá đạo Thiên Chúa vào Việt Nam là một phương tiện vô thức và hữu thức phủ định
nền văn hóa Nho giáo cổ truyền và đưa Việt Nam vào quĩ đạo giao lưu văn hóa Tây
phương. Vì lẽ đó mà vua chúa Việt Nam cấm đạo. (Thế Uyên đọc “Trong Cõi” của
Trần Quốc Vượng, NXB Trăm Hoa, CA, U.S.A. – Báo Hợp Lưu số 10 tháng 2-1993,
trang 184-187)
Các sắc lệnh cấm đạo : Khởi từ vua Lê, chúa Trịnh-Nguyễn, nhà Tây Sơn rồi nhà
Nguyễn (vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức) ghi được tất cả 54 sắc lệnh cấm đạo
và 2 kiến nghị của các quan triều (năm 1826, 1830) mục đích thắt ngặt thêm sự
bách hại.
Ban đầu cấm không cho theo đạo, cấm giảng đạo, trục xuất giáo sĩ Tây phương,
rồi hiểu dụ, phạt vạ, đeo gông xiềng xích, giam tù, tra khảo, tịch thu ảnh
tượng, của cải, tài sản, phá hủy nhà thờ, trường học, khắc chữ “tả đạo” lên
mặt, phân sáp, lưu đày biệt xứ, cuối cùng đến xử tử, voi giày, thắt cổ, bỏ đói
cho chết, thiêu sống, trói cột từng 5 người thả trôi sông, chém đầu quăng sông,
xử phân thây…
Các biện pháp trừng trị được áp dụng từ hạ tầng cơ sở, thôn ấp, xã làng,
huyện tỉnh tới tận kinh đô :
– Trẻ trên 15 tuổi phải thường xuyên trình diện định kỳ trước nhà cầm quyền sở
tại.
– Nam 20 tuổi bị xung vào quân ngũ làm tạp dịch.
– Đàn ông bị cưỡng bách đánh trận dẹp giặc loạn.
– Đàn bà làm nô tỳ trong các nhà quan.
– Phân sáp : chia rẽ các thành phần trong gia đình, cha mẹ, con cái, anh em đày
đi các nơi khác nhau.
– Công quyền không thu dụng người bên đạo. Đang làm việc phải chối bỏ đạo, nếu
không thì bị giáng cấp lưu đày, bãi nhiệm, xử tù hay xử tử.
– Cấm cho người bên đạo vay tiền, cấm đi lại buôn bán, đóng cửa các tiệm buôn
có sẵn.
Ki-tô giáo bị coi là “tả đạo” rồi “dịch tể” (Sắc lệnh vua Tự Đức 7-6-1857),
người Tây phương bị coi là “mọi rợ”, không dung thứ người “mọi rợ” đến giảng
đạo, cấm các sách viết bằng chữ “mọi rợ” (chữ quốc ngữ thuở ban đầu. TTMK),
tịch thu và tiêu hủy tất cả (Kiến nghị của quan Bộ Hình năm 1830). Dân Việt Nam
bên đạo gọi là “dữu dân” (dân xấu).
IV. Người nữ thời cấm đạo
Dù không có điều kiện để đọc được nhiều sử liệu về nữ giới thời cấm đạo, tôi
vẫn nhìn thấy rải rác đó đây hình ảnh phụ nữ trong suốt tiến trình truyền giáo
tại Việt Nam ; giới hạn ở bài nầy là thời kỳ 300 năm bị ngăn cấm bách hại. Trừ
một số ít có được vài chi tiết, phần đông chỉ ghi vắn tắt tên thánh (lúc rửa
tội) không có tên Việt đi kèm.
Trong hàng phẩm tước
Công chúa Mai-Hoa con vua Lê Anh Tông. Để rảnh tay với người Chiêm ở mạn
Nam, nhà vua có cưới một công chúa người Chiêm là em vua nước Chiêm Thành. Khi
vua nước nầy chết, không con nối nghiệp, con gái mới sinh của vua Lê Anh Tông
(công chúa Mai-Hoa – TTMK) được hưởng tước Bà chúa Chiêm, hay Bà chúa Chàm hoặc
Chèm. Bà vào đạo năm1591, kéo theo các nàng hầu, cung nữ, tất cả 72 người.
Bà cho sửa sang khu chính cung điện thành nhà nguyện, cha Ordeonez de Cevallos
(người rửa tội cho bà) đã đến dâng lễ lần đầu. Bà còn lập tu viện Đức Mẹ Vô
Nhiễm, ngày đó có 51 người nữ gia nhập đời sống tu trì (Có lẽ chỉ là sống
chung, để cùng nhau giữ đạo, rèn tập nhân đức, làm việc từ thiện… chớ không hẳn
là dòng tu với thủ bản, lề luật. Đến 1670 dòng Mến Thánh Giá mới được thành lập
qui cũ và là dòng nữ đầu tiên trên đất nước Việt Nam). Nhờ bà, có thêm nhiều
người chịu phép rửa. Vua em, Lê Thế Tông cho bà một khu đất rộng, để lập một
làng đạo Gia-tô. Bà Hoàng Thái Hậu cũng nhận phép rửa trước khi qua đời. “Hiện
nay vẫn còn một nền nhà thờ và một giếng Da Tô do công chúa cho đào tại An
Trường, xã Phúc Lập, Thanh Hóa”. (theo Bách khoa Toàn thư Wikipedia.org : công
chúa Mai Hoa)
Bà Minh Đức Vương Thái Phi (1568-1648) mẹ chúa Nguyễn Phúc Nguyên và
Nguyễn Phúc Khê. Bà là vợ thứ chúa Nguyễn Hoàng, đã giúp chồng dựng nghiệp, lại
có con trai nối nghiệp chúa, nên việc bà nhập đạo cũng có ảnh hưởng. Bà cất một
nhà nguyện rất đẹp trong khu dinh của bà, người bên đạo được tự do tới lui thờ
phượng. Bà bảo vệ nhà nguyện qua những lần cấm cách gắt gao. Bà đưa được nhiều
người có vị thế trong phủ chúa, hoàng gia vào đạo.
Năm 1643 các thầy giảng tổ chức lễ giáng sinh ở dinh Tổng Trấn Nguyễn Phúc Khê.
Không có linh mục hành lễ, chính bà Minh Đức Vương Thái Phi đã nói về ý nghĩa
Chúa Giáng Trần.
Cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) cũng có dịp làm lễ ở nguyện đường nầy. Năm đó,
1639, cha rửa tội cho ba người trong hoàng tộc và một thầy sãi nổi tiếng.
Bà mộ đạo, đến cuối đời còn tiếp đón tử tế hai giáo sĩ và bốn chị dòng Phanxicô
Tây Ba Nha, ngỏ ý xin một chiếc áo dòng để mặc lúc lâm chung, hưởng thọ khoảng
80 tuổi.
Công chúa Catarina Em hay chị của chúa Trịnh Tráng (vì tài liệu tiếng
Pháp chỉ ghi là sœur). Bà được cha Đắc Lộ dạy đạo và rửa tội khoảng năm 1627.
Bà nhiệt thành truyền đạo, kết quả là 18 người trong hoàng cung, có thân mẫu
bà, theo đạo.
Bà viết “Lịch Sử Giáo Hội” bằng chữ nôm. “Bà đặt thành thơ, vãn tất cả lịch sử
đạo Công giáo bắt đầu từ tạo thiên lập địa đến khi Chúa xuống thế làm người,
đời sống, cuộc tử nạn, phục sinh và lên trời của Đấng Cứu Thế, Chúa Giêsu
Ki-tô, Chúa chúng ta, và ở cuối còn phụ thêm đoạn kể chuyện chúng tôi (các cha
dòng Tên – TTMK) tới xứ Tonkin và truyền giáo ở đó. Bà làm rất hay. Sau nầy vãn
còn được các người có đạo truyền tụng cho nhau, họ ngâm lén, lúc làm việc ở
nhà, ngoài đồng hay lúc đi đường. Dân bên lương cũng thích ngâm vịnh ; nhờ
những thơ, vãn đó mà nhiều người đã trở lại”. Bà còn bắt chước làm các ảnh
tượng bằng sáp theo mẫu cha Đắc Lộ phân phát (không đủ) để đưa tiếp cho các
người mới theo đạo.
Bà Mađalêna (Phú Yên) là vợ trấn thủ dinh Trấn Biên. Sau khi vào đạo, bà
lập nhà nguyện ngay trong tư dinh, với sự đồng ý của chồng. (Ông không theo
đạo, nhưng mến đạo). Có lần bà mời cha Đắc Lộ vào dinh dâng lễ, cha lưu lại đó
4 ngày để dạy giáo lý, rửa tội 90 người, trong số đó có con gái bà. Bà còn mở
nhà thương, đi thăm kẻ yếu, người già, người nghèo. Được nhiều người tiếp giúp
; nhờ thế nhiều người theo đạo.
Bà Ursula phu nhân đại sứ An Nam tại Cao Miên năm 1618, thời chúa Nguyễn
Phúc Nguyên. Trước cuộc trấn nhậm xa nhà, bà xin học đạo, được cha Francesco
Buzomi rửa tội cùng với 25 gia nhân tại nhà thờ Nước Mặn, Qui Nhơn. (Bà là con
gái quan phủ Qui Nhơn). Ban tối bà tổ chức đọc kinh chung, lần hạt trước bàn
thờ. Trong số tùy tùng rửa tội có các cô vợ nhỏ của quan đại sứ. Bà giải thích
lề luật “một vợ một chồng”, các cô đồng ý, bà thu xếp gả chồng, tìm nghề cho
từng cô. Quan đại sứ cũng bằng lòng xa hết các cô vợ nhỏ, sau đó chịu phép rửa
cùng với 20 gia nhân tùy tùng, tên thánh gọi Inhaxu.
Bà Gioanina quả phụ quan Trần Kẻ Chợ (cuối thời chúa Trịnh Tráng). Sau
khi chồng qua đời, được gọi vào phủ trông coi các cung nữ. Bà đã đưa nhiều cung
phi vào đạo, trong đó có hai bà Pia và Colomba là vợ hoàng tử và một hầu nữ
Bianca. Cả ba người nầy cùng bà Gioanina hợp nhau truyền giáo trong cung phủ.
Có những người không theo đạo nhưng mến đạo và tìm cách giúp đạo khi bị cấm
cách. Nhờ họ, cha Phanxicô Rangel được khỏi tù năm 1656.
Bà Anna em chúa Trịnh Tráng. Chồng là quan triều đi làm nhiệm vụ ở Thanh
Hóa, bất ngờ bị bệnh nặng, muốn được về nhà gặp giáo sĩ. Cha Đắc Lộ không đến
kịp để rửa tội. Chỉ có vợ quan và bà mẹ già theo đạo. Bà góa Anna chuyên lo đọc
kinh và làm việc bác ái. Một số khác theo gương bà, vào đạo như bà Monica…
Ngoài ra còn có công chúa Ngọc Liên (con chúa Nguyễn Phúc Nguyên, vợ
quan trấn thủ Quảng Bình), bà Thượng Trâm, quê ở Hải Dương, mẹ Hoàng tử Sáu…
Đó là những người thuộc hoàng tộc, quan quyền theo đạo lúc ban đầu, nhờ họ đạo
được truyền nơi cung vua phủ chúa, đó là chỗ nương tựa của Giáo hội thời mới
chớm nở (lời cha Đắc Lộ).
Ngoài hàng thứ dân
Bà Eulalia vợ ông Andréa, là một trong các gia đình theo đạo đầu tiên ở
Quảng Nam. Nhà bà là nơi hội họp người bên đạo thời bình, nơi ẩn trú khi bị bắt
đạo. Nhiều người chịu phép rửa tại đó, cũng nhiều lần bị khuấy phá, là một
trong những người bị tù giam vì đạo lúc đầu tiên ở đấy…
Bà Paola vợ thầy sãi Antôniô. Ở làng Vũ Xá có một bà vương phi muốn được
đặt làm thần hoàng xã đó sau khi chết, nên cất một ngôi đền. Trong đền chỉ có
một chiếc ngai sơn son thếp vàng để trống. Bà tin rằng khi bà chết, hồn bà sẽ
ngự trên ngai đó, và dân làng phải cúng tế bà như một vị thần. Thầy sãi Antôniô
được dân làng giao việc trông coi ngôi đền của bà vương phi. Khi hai ông bà
Antôniô và Paola theo đạo, bà vương phi bắt ông Antôniô trói cột giữa chợ, đánh
đòn, nhưng ông bà không bỏ đạo, nên bị tịch thu tài sản, đuổi ra khỏi làng. Ông
bà tiếp giúp các thầy giảng, đưa nhiều người tới học đạo, rửa tội được hàng
trăm người.
Bà Lina ở bên sông làng Văn No, khuyên được người chồng xa rời vợ nhỏ,
rửa tội tên thánh Giuse. Các con cũng nhập đạo. Ông bà hiến nhà mình làm nhà
thờ, cất một nhà tế bần giúp người già cả đau yếu.
Bà Lina (khác) cũng là một trong những người rửa tội đầu tiên ở đất Bắc.
Bà giàu có nên rộng rãi phân phát thức ăn cho người nghèo túng. Bà cất một nhà
cho các thầy giảng trú ngụ. Bà nhiệt thành làm việc bác ái thời đó : góp giúp
những người bên đạo bị tịch thu tài sản và việc thờ phượng công ích.
Bà Saula người bên đạo, được phủ chúa Trịnh Tráng tin cẩn dùng vào việc
phục dịch cơm nước. Có dịp, bà thường lập lại lời giảng của các linh mục. Nhờ
đó, bà cô chúa Trịnh Tráng theo đạo, tên thánh rửa tội Gioanna.
Bà Luxê có chồng là Phaolô ở Kẻ Bờ. Nghe tin cha Đắc Lộ đến, bà mời cha
tới nhà làm lễ, giới thiệu một số người muốn học đạo.
Bà Colombia xây nhà nguyện, nhà giáo lý, giúp thuốc men, quần áo cho các
thầy giảng, thương người nghèo cô đơn. Bà bị té trên đường đi thăm bệnh nhân.
Trước khi chết, trối dặn chôn theo với bà cây thánh giá.
Bà Anna có chồng là Gioan, thầy sãi, ở An Vực. Cả gia đình thầy sãi được
cha Đắc Lộ rửa tội. Nhà thầy trở thành nhà nguyện. Đền thờ, tài sản của thầy
được bán đi để làm việc từ thiện. Bà Anna rất năng động, nhờ đó mà nhiều người
vùng An Vực xin tòng giáo.
Ngoài các người nữ được nêu nhắc kể trên, còn một số rất đông, tầng lớp thầm
lặng. Họ là những người vợ, người mẹ, những bà nội, bà ngoại… sốt sắng giữ đạo,
truyền đạo, mà sách sử chỉ tóm ghi trong vài dòng ngắn gọn :
– Các bà thấy một thiếu niên nghèo, chăn trâu cho nhà dòng, tính nết lễ độ, nên
cùng nhau xin cho thiếu niên ấy được vào học trong chủng viện. (Sau thành linh
mục : cha Phêrô Phan Văn Thi, tử đạo năm 1839, lúc gần 70 tuổi)
– Khi xem phương pháp truyền đạo của GM Etienne Cuénot Thể, 1802-1861, Hội Thừa
Sai Paris – Missions Etrangères de Paris, M.E.P.) : “Ngài cho tập họp từng
nhóm, độ 15-20 người, rồi đàn ông dạy đàn ông, đàn bà dạy đàn bà.”
– “Cha mẹ là những tín hữu sốt sắng”, “Sinh trưởng trong một gia đình cha mẹ
đạo đức” hay “Được cha mẹ lo cho kết hôn với một thiếu nữ nết na, đạo hạnh”…
(tiểu sử các thánh tử đạo).
Trên đây là hình ảnh của nữ giới tuy sống thời cấm đạo mà tương đối được bình
yên. Nhưng nắng ấm hiếm hơn cuồng phong, giông bão. Giáo hội Công giáo Việt Nam
trải qua những tháng năm đau thương mà nhà văn quá cố Cao Thế Dung gọi là “đất
thảm trời sầu”. Người nữ hiện diện lúc bình minh quang đãng thì cũng hiện diện
trong đêm đen, lắm khi tối đến kinh hoàng.
Người nữ chịu khổ vì đạo
Đây là những chứng từ :
Truyện chân phước Anrê (Phú Yên) : Bà góa Gioanna thuộc hàng vọng tộc,
được cha Francesco Buzomi rửa tội cùng với 90 người khác, trong đó có con trai
út của bà là Anrê (1641). Năng động trong các sinh hoạt đạo giáo, bà gởi gắm
cha Đắc Lộ huấn dạy cho cậu Anrê làm thầy giảng. Thầy bị bắt, tử đạo năm 1644,
lúc 19 tuổi.
Truyện thánh Anrê Trần Văn Trông (tử đạo năm 1835) : con trai của bà
Gia, làm nghề nuôi tầm dệt vải, nguyên là binh sĩ trong đội dệt tơ lụa của
triều đình, vì không chịu bỏ đạo nên bị xử chém. Trước giờ tử biệt, bà mẹ nầy
muốn biết coi con bà có còn mang mắc nợ nần gì của ai chăng để bà thay con hoàn
trả giúp con giữ lẽ công bằng. Theo con ra tận pháp trường, khi đầu con rơi
xuống, bà nộp tiền xin chuộc rồi dùng tà áo bọc lấy mang về chôn.
Truyện thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ (tử đạo năm 1838), vốn là lý trưởng,
thấy cuộc bắt đạo ngày một gia tăng, nhiều người đã chết vì đạo, ông hỏi vợ là
nếu ông tử đạo thì bà có bằng lòng không ? Bà trả lời : “Nếu Chúa muốn, và ông
được phúc tử đạo thì bà và các con chẳng những bằng lòng mà lại còn vui lòng
nữa”…. “Hãy trung thành với Chúa cho tới cùng, đừng lo nghĩ về mẹ con tôi.
Thiên Chúa quan phòng tất cả. Đến thăm ông lần cuối, cầu xin Chúa cho ông vâng
theo thánh ý Ngài.”
Truyện chủng sinh Phaolô Bột bị bắt lúc 17 tuổi, bị hăm dọa, được chiêu
dụ dỗ dành, hứa hẹn, đã khước từ “quá khóa” (bước qua thập giá) hai lần, nhưng
tới lần thứ ba thì bằng lòng để cho người ta khiêng qua thập giá vẽ dưới đất.
Về đến nhà, nhìn thấy nét thất vọng của bà mẹ, cậu ăn năn hối hận, xin mẹ tha
thứ, rồi đi tìm linh mục xưng tội, sau đó trở lại nộp mình, chịu voi giày năm
1858.
– Có một bà bị bắt giam, phải nộp phạt 3000 đồng vì cổ đeo chuổi tràng hạt
(không thấy nêu tên).
– Năm người đàn bà làng Văn Cui bị bắt giam, sau được thả ra (năm 1714).
– Bắt được mấy người đàn bà mang thư liên lạc.
– Có hai, ba người đàn bà bị bắt, bị đánh đòn.
– Nhiều giáo dân bị bắt ở Đà Nẵng và Phố Hiến, trong đó có những phụ nữ bị đeo
xiềng xích nơi cổ.
– Bà Mađalêna Hồ bị phạt 2 roi, 3 lần khác bị đánh 14 roi móc chì.
– Ba cô Monica, Nympha, Phanxica trên đường ra Hà Nội hành đạo, bị bắt bỏ xuống
hố, lấp đất tới cổ, nhờ người bên đạo đi ngang trông thấy cứu lên.
– Bà Ysave và con gái không chối đạo, bị giam tù, mang gông rồi được thả về.
– Một bà người hầu trong cung đời chúa Nguyễn Phúc Chu bị hành hạ, tra khảo
bằng cực hình dùng kim tẩm dầu đốt các ngón tay (sau nầy tử đạo).
– Một thiếu nữ 16 tuổi bị đánh đòn vì nhất quyết không chỉ nơi trú ẩn của giáo
sĩ Pierre Borie (Cao), M.E.P.
– Bà Trương ở Phú Yên, đời chúa Nguyễn Phúc Thuần, bị tra khảo vì không chỉ chỗ
chôn dấu các đồ đạo và nơi các giáo sĩ ẩn trú.
– Bà A-nê Thu để linh mục làm lễ tại nhà, bị phạt một ngày tù. (Thánh linh mục
Thomas Đinh Viết Dụ, tử đạo 1839)
Ngoài ra còn những người nữ không trực tiếp bị đánh đập, bắt giam… họ thinh
lặng hành động : cho các giáo sĩ bị truy nã nương ẩn trong nhà, khuyên chồng
con giữ vững niềm tin, thấy các ông bên đạo bị bắt phơi nắng, các bà lấy quạt
ra che và nấu cơm cho ăn, lo tiền lính canh để vào thăm nuôi, chăm sóc thương
tích, đưa tin tức, thư từ cho những người bị bắt giam, mang chiếu trải cho
người sắp tử đạo quì, chứng kiến các cuộc xử tử, xin lãnh xác về chôn… Những bà
Ngoan, Nghiêu, Xinh, Mai, Huyên, Ngôn, Thao, Nho, Dân… những dì Phụng, Vân,
Hiền, Ơn… là những dấu chỉ thông hiệp với niềm tin, mộ đạo.
V. Người nữ tử đạo
Nhìn qua danh tánh 117 vị tử đạo ở Việt Nam được tôn phong hiển thánh bởi ĐGH
Gioan Phaolô II tại quảng trường Roma năm 1988, có một bà mẹ gia đình, nữ thánh
đầu tiên của Giáo hội Công giáo Việt Nam.
A. Thánh Agnès Lê Thị Thành, còn gọi là A-nê Đê hay I-nê Đê Thành.
Đê : tên con trai đầu lòng. Theo tục lệ nơi bà cư ngụ, dân làng lấy tên con
trai đầu lòng để kêu cha mẹ, do đó ông bà được gọi là ông bà Đê. Chính thực tên
ông là Nguyễn Văn Nhất.
Bà Đê sinh khoảng 1781 tại làng Bái Điền, tỉnh Thanh Hóa, con của ông Carôlô và
bà Save. Gia đình có 12 con, bà Đê là người thứ 8. Từ thuở nhỏ đã theo mẹ về
bên quê ngoại, xứ Phúc Nhạc, Ninh Bình.
Theo GM Pierre Retord (Liêu), 1803-1858, M.E.P., viết trong thư ngày 10-2-1843
thì “bà sống nết na, đạo hạnh, biết phụ mẹ kiếm sống bằng cách têm trầu để bán,
siêng năng đọc kinh, xem lễ”.
Năm bà 16 tuổi, mẹ mất. Năm bà 19 tuổi thành hôn với ông Marcô Nguyễn Văn Nhất,
có 6 con : 2 trai (Đê, Trân), 4 gái (Thu, Nam, Duyên, Nụ).
Gia đình thuận hòa, sống bằng nghề làm ruộng và nuôi tằm ; cho đến lúc bà qua
đời, ông bà có tất cả 17 cháu trai và gái.
Hạnh tích kể rằng : bà rất quan tâm đến việc dạy dỗ con cái, giúp người hoạn
nạn. Chính vì niềm tin, vì mộ đạo, thương người bị ngược đãi, bách hại mà bà
cho ẩn trú, che giấu các giáo sĩ thừa sai bị truy lùng để rồi chịu giam cầm,
đòn bọng và chết đi trong niềm tin phó thác (giáo sĩ Galy Lý bị bắt lúc ẩn trốn
sau vườn nhà bà).
Trong Tự Điển Việt-La (Dictionarium Latino-Anamiticum) do GM Jean Louis Taberd
(Từ), 1794-1840, M.E.P., ấn hành có đăng bài Inê Tử Đạo Vãn (Agnetis Martyrium)
của thánh Philipphê Phan Văn Minh, gồm 563 câu, trang 110-134. Qua đó, có thể
biết thêm về bà.
Trung thành với đức tin :
– Khi bị buộc phải đạp ảnh thánh giá, bà từ chối
Ảnh nầy hình Chúa tôi xưa
Khi nào thờ phượng bây giờ đạp đi.
– Trả lời quan nghè tra xét
… Chúng tôi giữ đạo Chúa Cha nhơn từ
Thật đàng công chính chẳng tư…
Tôi đâu dám bỏ công phu ngãi người.
Mặc ông tha, giết hai lời
Tôi thà chịu chết cõi trời nên công
Giết tha thì mặc lượng ông
Kim thạch là lòng chẳng chậy mỗ phân.
– Khi ông Marcô, chồng bà vào ngục thăm, thấy cảnh bà chịu roi đòn, ngõ ý xa
xôi muốn bà liệu cách trở về nhà lo cho con nhỏ. Bà nói Chớ ra lòng mọn lỗi
nghì chẳng nên.
Gìn giữ gia phong, bình tĩnh toan liệu mọi điều trước khi tử đạo
– Với cha mẹ chồng
Kính thăm nhạc phụ, từ mẫu song thân
Nữ tử vọng ân trăm đàng miễn chấp…
– Với anh chị em
Thăm trên dưới huynh đệ họ hàng.
– Với láng giềng
Chào cựu bang từ rày ly biệt.
– Trối với chồng
Thiếp dầu lỗi tam tùng tứ đức
Dốc trọn nguyền vạn thọ cõi xa
Xin lang quân chớ chấp ngãi hòa
Thương ấu nữ mồ côi mất mẹ…
Chàng thì chớ nại, giữ đạo cho bền
Đến cõi trường niên hai ta lại hiệp.
Nếu tái hôn thì
Phải chọn bề nhơn đức đạo cao
Gởi ấu tử cho con nương cậy…
Sau, con dầu khôn lớn thành hình
Xin dạy dỗ ủi an chớ bỏ.
– Dặn các con
Trước kính tin một Chúa chớ nài
Sau thảo kính hai bên cha mẹ.
Khi cha tái hôn
Dầu cha cải nghiệp, kế mẫu qui đàng
Hai con thìn khiêm nhượng kính đang
Chớ khá ở bạc tình, kiêu ngạo.
Lời lành dặn bảo, thương mẹ thì nghe
Cho mẹ đặng ngày sau thấy mặt
Bức thơ nầy để lại cho con
Sau khôn lớn mọi lời cho biết.
– Khuyên người em tên Du Minh bị bắt giam chung
Chị em cốt nhục đồng bào mẹ cha
Đồng sinh đồng tử hai ta
Trả công ơn Chúa một nhà hiệp nhau.
Lo nghĩ tương lai dân Chúa :
Khi người anh cả là linh mục Lôrensô muốn tự ra nộp mình, ở tù chung với hai
em, để cùng chịu tử đạo, bà can ngăn
Khuyên cha, cha hãy nghe tôi kẻo lầm
Nước nầy đạo Chúa ngăn cầm
Ngày sau giáo hữu mê tâm nguôi lòng
Cha mà toan chịu tử đồng
Ắt là bổn đạo lạt lòng ngãi nhơn.
Chẳng bằng ở lại thì hơn
Giữ gìn xem sóc mọi nơi linh hồn.
Ngoài ra, còn chứng từ của hai người con gái.
Người con út tên Nụ kể : Mẹ tôi rất lo lắng về việc giáo dục con cái. Chính bà
đã dạy chúng tôi đọc chữ và học giáo lý. Khi chúng tôi bắt đầu khôn lớn, bà dạy
cho biết cách dự lễ và lãnh nhận các phép bí tích. Chúng tôi không ai có thể hờ
hửng không đi xưng tội. Mẹ tôi nhắc nhở, thúc hối cho đến khi tất cả đều nhận
lãnh bí tích nầy. Riêng chúng tôi là gái, bà cho vào hội Đạo Binh Đức Mẹ, gia
nhập nhóm thiếu nữ mang trách nhiệm kinh sách trong nhà thờ mỗi ngày.
Một người khác tên Nam kể : Cha mẹ chúng tôi lo cho chúng tôi kết bạn với người
Công giáo tốt lành. Sau khi tôi lập gia đình, mẹ tôi thường hay lui tới thăm
hỏi, khuyên dạy. Tôi còn nhớ bà nói : ”Con đã được Chúa soi sáng đi kết bạn.
Đó là trách nhiệm. Con phải ăn ở tốt lành, đừng gây chuyện với bố mẹ chồng. Con
phải sẵn sàng đón nhận thánh giá Chúa gởi tới cho con.” Bà còn nói với hai vợ
chồng tôi : ”Các con hãy sống trong tình đoàn kết, thuận hòa. Chớ gì không một
ai nghe thấy chúng con cãi vã nhau”.
Gia đình không giàu, nhưng không bao giờ từ chối một ai đến xin ăn mà không
cho.
Đó là cách dạy con của người mẹ hiển thánh, đồng thời cũng là cách hành xử quen
thuộc của rất nhiều bà mẹ Công giáo Việt Nam. Thoạt nghe không thấy gì cao
siêu, mới lạ nhưng đó là thực tế sống động, truyền trải bao đời để hướng dẫn
con cháu thành những cha mẹ tốt, vô cùng cần thiết cho gia đình, xã hội.
B. Những người nữ tử đạo khác: Cho tới nay, thánh I-nê Đê Thành là nữ
giáo dân đầu tiên và duy nhất mang chính danh tử đạo, nhưng không phải là người
độc nhất tử đạo. Một số người nữ khác cũng chịu chết vì niềm tin, đủ cách :
– Chết vì bị xử giảo : Bà Tuân giúp thầy F.X. Hà Trọng Mậu ẩn trú, thấy
quan quân truy lùng ráo riết, bà gởi sang nhà bên lương nhưng rồi bị họ làm
phản, tố cáo, bà bị bắt, xử giảo năm 1839.
– Chết vì bị xử voi giày : Bà mẹ ông Alexi Đâu, bà Isave (1650), bà Monica,
bà Agatha, bà Gioanna, bà Bênêđita, cô Luxia (con ông Phêrô Kỳ tử đạo) và bà
Maria, 1665.
– Chết vì bị xử trảm : Bà Matta Phước và Monica (1661), cô Fidelis (1666),
bà Thảo cho cha Phêrô Nguyễn Văn Tự ẩn trú, bà Mađalêna Huỳnh Thị Lựu cho
GM Etienne Cuénot Thể và 2 chủng sinh trú ngụ (1861).
– Chết vì bị bỏ đói trong tù : Bà Agnès Bưởi, bà A-nê (em linh mục Lôrensô
Lâu), bà Maria Thanh, bà Monica Sum (1700), bà Anna Ven, bà Benoît…
Tương tự như lời thơ “Thiên Đường Máu”
Tôn giáo pháp đình,
Một tòa án nghe tên
Muôn đời sau còn dựng óc…
… Một pháp đình thần sầu quỷ khốc
Những giá treo cổ người
Đêm nghiến răng rong róc
Những giàn lửa thiêu tươi
Bao con chiên hiền đạo nhất. (Hữu Loan)
– Chết vì bị thiêu sống (tập thể) 14-12-1861 : Lúc người Pháp tiến đánh
Biên Hòa, có một trại nhốt khoảng 300 tín hữu, trước khi rút về Bà Rịa,
người cầm binh triều cho đốt trại. Chỉ có 5 người thoát được, trong đó có một
thiếu nữ trèo lên cành cây cao, bị cháy hai bắp đùi, sau qua đời tại Sàigòn ;
và cô Mađalêna bị lưỡi đòng lướt qua đầu, cô bất tĩnh, lính tưởng cô chết nên
bỏ đi. Cô là nhân chứng kể thuật lại câu chuyện nầy.
– Đợt sát hại tại Bà Rịa 7-1-1862 : Có mấy trại giam nhốt vài trăm người
bên đạo. Khi lính Pháp tới, quân binh nhà Nguyễn đốt trại, lần ấy 288 đàn ông,
106 phụ nữ và 50 trẻ em chết trong lửa đỏ. Họ cũng làm ngơ để cho một số đàn bà
và trẻ em chạy thoát. Người tử đạo cao niên nhất là bà Maria Liệu, 76 tuổi.
– Có trường hợp một phụ nữ bị thả xuống giếng 2 lần (lần đầu 1 ngày, lần
sau 4 ngày), đói khát, đơn độc trên xác chết những người đồng đạo, mà bà được
sống sót để làm chứng nhân cho tập thể tử đạo vô danh, trong đó có nhiều người
nữ.
Trên đây là hình ảnh người nữ tử đạo sống giữa đời thường, những nữ giáo dân.
Trong thành phần dân Chúa, còn một lớp người nữ dấn thân vào đường tu dòng, đặc
biệt sớm hơn hết ở Việt Nam là dòng Mến Thánh Giá.
C. Dòng Mến Thánh Giá do Giám Mục Phêrô Maria Lambert de la Motte, Đại
Diện Tông Tòa tiên khởi, 1624-1679, M.E.P., sáng lập năm 1670 ở Đàng Ngoài
(Bắc) – và năm 1671 ở Đàng Trong (Nam), chính thức đi vào lịch sử Giáo hội Công
giáo Việt Nam. Khai sinh bởi ý thức truyền giáo cho người Việt, hành đạo ngay ở
thời kỳ bị cấm đoán, bách hại, các dì Mến Thánh Giá thầm lặng, tích cực, hữu
hiệu. Theo qui định : sống tập thể (nhà dòng), cọng hưởng thành quả vật chất do
tất cả chung tay gầy dựng với tinh thần khó nghèo, vâng phục bề trên, giữ đức
trinh khiết. Khi gặp cơn bắt đạo ngặt nghèo, các dì phải phân tán, về gia đình
ẩn cư một thời gian, chỉ để 2 dì cao tuổi giữ nhà dòng, sau đó tình hình lắng
dịu thì lần lượt trở lại. Khép mình theo kỷ luật, cầu nguyện, suy gẫm về sự khổ
nạn của Chúa Ki-tô trên thập giá làm hành trang sống đạo giữa đời.
HÌNH ẢNH CÁC DÌ MẾN THÁNH GIÁ
– Qua tiểu sử thánh GM Etienne Cuénot (Thể) : cha mở nhà nuôi trẻ mồ côi và
chuộc những trẻ em bị bán đem về cho ở đó. Mỗi nhà độ 30 em, đa số là bé gái,
trao cho 2 dì phước và 2 em lớn trông coi. Khi nhà hết chỗ, cha xoay sở cất
thêm nhà khác.
– Từng 2 dì, đi bán thuốc để giúp đỡ, an ủi giáo hữu, rửa tội trẻ em sắp lìa
đời.
– Lo việc săn sóc trẻ mồ côi, viếng bệnh nhân, thăm người nghèo, giúp các giáo
sĩ ẩn lánh khi bị truy lùng… như dì Anna Nguyễn Thị Nhường, Mến Thánh Giá Qui
Nhơn ; dì Thủ, Mến Thánh Giá Huế.
– Một nữ tu bị bắt ở Kẻ Báng vì trữ giấu các đồ đạo và thông tin liên lạc. Dì
Ysave Ngọ ở Cái Mơn bị giam tù, đánh đập.
– Dì Anna Khiêm và A-nê Thanh bị bắt giam chung với thánh I-nê Đê Lê Thị Thành.
Hai dì bị thả rắn trong quần áo, rồi buộc chặt ống quần và tay áo, cốt làm
hoảng sợ để chối đạo và chỉ nơi các giáo sĩ ẩn trốn.
Có lẽ do hoàn cảnh thực tế của Giáo hội Công giáo Việt Nam thời đó, nên các nữ
tu Mến Thánh Giá không chỉ chuyên cần cầu nguyện, mà còn thể hiện tinh thần
nhập thế của Ki-tô giáo, chia xẻ nghĩa vụ với nhân gian. Các dì canh tác ruộng
vườn, dệt chiếu, làm và bán thuốc tễ (thuốc viên theo đông y) để tự lực cánh
sinh, đồng thời chú tâm dạy dỗ các trẻ nữ, giảng giáo lý cho người tân tòng
(muốn theo đạo), nuôi dưỡng trẻ mồ côi, săn sóc người bệnh tật, rửa tội người
hấp hối, liên lạc, giúp đỡ, mang Mình Thánh Chúa cho các người bên đạo bị giam
tù, theo hỗ trợ tinh thần người bị xử tử tới tận pháp trường, đọc kinh cầu
nguyện, tìm xin lãnh xác những người tử đạo về mai táng hoặc cải táng.
Các dì là phụ tá của hàng giáo sĩ, thầy giảng, góp phần đắc lực bù đắp nhu cầu
của một Giáo hội đang đà phát triển đồng thời cũng bị giới hạn, cấm cách, bách
hại. Vì thế, đương nhiên các dì phải hiện diện trong danh sách những người chịu
khổ vì đạo, chết vì đạo như các người nữ tín hữu khác.
CÁC DÌ MẾN THÁNH GIÁ TỬ ĐẠO
Thỉnh nguyện thư ngày 14-1-1917 xin phong Thánh 1265 vị tử đạo, trong đó có 270
dì Mến Thánh Giá. Và một thỉnh nguyện thư khác ngày 13-12-1918 xin phong Á
thánh cho 2 dì Mến Thánh Giá ở Láng Mun, bị xử giảo tại Phan Rí năm 1861-1862,
bằng 2 cuộn giây thừng chế tạo từ cây dừa ra, 2 cuộn giây ấy dùng để siết cổ 2
Đấng Đáng Kính I-nê Soạn và Anna Trị, nữ tu Việt Nam. Hai cuộn giây thừng ấy
được lưu giữ, chưng bày nơi Phòng Các Thánh Tử Đạo của Hội Thừa Sai Paris.
(Chứng từ của linh mục Eugène Marie Durand Lộc, 1840-1904, M.E.P., là người
viết nhiều bài báo giới thiệu Dòng Mến Thánh Giá với độc giả Âu Châu, theo bản
dịch Việt ngữ của linh mục Đào Quang Toản). Hai dì được “công nhận là Tôi Tớ
Chúa đã hy sinh tính mệnh vì Đức Tin”.
Trước đó, một nữ tu khác, cũng được biết đến như “tử đạo”, dì Maria Mađalêna
Nguyễn Thị Hậu (1814-1841) thuộc dòng Mến Thánh Giá Nhu Lý, Quảng Trị. Tóm tắt
theo tài liệu của LM Đào Quang Toản : Đêm 12 rạng 13 tháng 4 năm 1839, trên
đường đưa linh mục Gilles Joseph Louis Delamotte (Y), 1769-1840, M.E.P., đi lánh
nạn truy nã bằng đường thủy, dì Hậu bị bắt cùng với bà Maria Trần Thị Vững (chủ
thuyền), cha Delamotte, lương y Simon Phan Đắc Hòa, lương y Trần Văn Thuật.
Ngoài 5 người kể trên, còn thêm 3 người liên can bị bắt sau đó : ông xã trưởng
Nhu Lý Phêrô Nguyễn Công Duyên, ông xã Nguyễn Công Nghiêm (còn gọi Gioan
Baotixita Trang) bị bắt thay con trai (vì chú Điền giúp việc thư ký cho cha
Delamotte đã trốn thoát), ông Nguyễn Viết Tốt (Vincentê Luật), người làng An
Do. Tổng cộng 8 người. Trừ bà chủ thuyền Maria Vững, 7 vị khác đều tử đạo.
Dì Maria Hậu bị giam ở nhà tù Trấn Phủ Huế, bị đánh 5 đòn, bị hình phạt “trùng
rúc” (trói 2 chân lại, bắt đứng trong một chậu nước vo gạo có thả nhiều trùng
đất : vers de terre), rồi còn phải quỳ trên tấm gỗ có đinh nhọn.
Tháng 12 năm 1840, dì Hậu và bà Vững cùng bị lưu đày làm nô tỳ nơi nước độc
chướng khí. Nhưng vị quan trông coi vùng ấy là người bên đạo nên cho dẫn Dì Hậu
và bà Vững về Đá Hàn, rồi Phủ Cam. Tại đây, dì Hậu ở trong nhà dòng Mến Thánh
Giá, nhưng chỉ vài ngày sau đó, lâm bạo bệnh, dì qua đời lúc 27 tuổi (1841).
Lời nói của dì được ghi nhắc Tôi xin các quan cứ chặt tôi ra làm ba, tôi sẽ sẳn
lòng vui chịu, nhưng đạp thánh giá dưới chân thì tôi sẽ không bao giờ ưng chịu.
VÀI CHỨNG TỪ VỀ DÌ HẬU :
– “Annales de la Propagation de la Foi” là tập san do Hiệp Hội Công Giáo tại
Lyon xuất bản, phổ biến khắp Âu Châu, trong số 16 năm 1844, đã dành 10 trang
nói về vụ Nhu Lý, bài do các giáo sĩ Hội Thừa Sai Paris gởi về, có những lời
sau đây … Dù sự hy sinh của chị đã không hoàn tất bằng lưỡi gươm, chị thật xứng
đáng được kể vào số những vị tử đạo sáng chói nhất của Giáo hội An Nam.
– Thánh GM E. Cuénot Thể, giám mục địa phận nơi dì Hậu cư ngụ Thực tình mà nói
thì chị đã không chết trên trận chiến, nhưng có đủ chứng cớ để tin rằng cơn
bệnh và cái chết của chị là do bởi thời gian tù đày, tra tấn, hành hạ mà người
ta bắt chị phải chịu gây nên… Người trinh nữ can đảm Marie Mađalêna Hậu có thể
được xem như vị tử đạo của Chúa Ki-tô.
– GM Dominique Lefèvre (Ngãi), 1810-1864, M.E.P., có một thời làm phụ tá cho GM
Cuénot Thể, người theo dõi các sự việc, thu thập nhiều dữ kiện về vụ án, thẩm
định rằng Chị Hậu xứng đáng lên trời lãnh nhận triều thiên dành cho những kiệt
sĩ anh hùng đức tin.
Tóm lại người nữ, giáo dân hay tu sĩ Mến Thánh Giá đều đã trầm luân theo dòng
lịch sử bách hại, chịu mọi cực hình, là tác nhân thầm lặng suốt quá trình gian
khổ dài hơn 300 năm của Giáo hội Công giáo trên giang sơn đất Việt thời cấm
đạo.
VI. Những cảm thông
Sử gia Trần Trọng Kim viết … Nhà vua mà dùng uy quyền để giết hại bao nhiêu thì
dân sự lại khổ sở bấy nhiêu, chứ lòng tin tưởng của người ta không sao ngăn cấm
được. Vả lại đạo Thiên Chúa cũng là một đạo tôn nghiêm, dạy người ta lấy lòng
nhân ái, việc gì mà làm khổ dân sự như thế ?!
Đó cũng là ý nghĩ của một số người bên lương sống trong thời cấm đạo. Qua sử
sách, thấy những dấu chỉ cảm thông đối với các người bên đạo bị giam tù, xử tử
:
– Ông Phan Đình Phùng, 1847-1895, nói Đạo Thiên Chúa lấy Gia Tô làm Trời, cũng
như Thích Ca Mâu Ni là Trời của đạo Phật, hay Khổng Phu Tử là Trời của nhà Nho.
Hể ai đã tín ngưỡng điều gì thì điều ấy là Trời của mình. Mình muốn người ta
đừng xâm phạm đến tín ngưỡng của mình thì mình cũng đừng xâm phạm đến sự tín
ngưỡng của người ta. Thiên Chúa cũng là một thứ tôn giáo, mặc ai tin thì theo.
(Đào Trinh Nhất, Việt Nam Chí Sĩ Phan Đình Phùng, trang 20)
– Có quan huyện cáo tế với trời đất Tôi không muốn bắt người hiền lành. Án phạt
có xuống thì xuống cho người ra lệnh.
– Người lãnh lệnh hành hình miệng niệm Nam Mô A Di Đà Phật, tội phạm đến các
ngài, không phải là tôi, xin đừng thù oán.
– Ông cai đội Tham ngầm giúp đỡ cho phép các bà vào ngục săn sóc vết thương,
tiếp tế thức ăn. Người chết trong tù được ông giúp thay quần áo sạch sẽ và khấn
Lạy ông, khi ông lên trời xin nhớ đến tôi cùng.
– Ông cai Tấn, mỗi lần quan trên ra lệnh bắt đạo, ông tình nguyện dẫn lính đi
rình canh bắt, nhưng rồi lại báo cáo là không tìm thấy ai, có khi còn chỉ đường
cho người bên đạo trốn.
– Đao phủ tên Minh Thưa cha, con bị cưỡng ép làm theo lệnh vua, con sẽ ráng hết
sức chém ngon ngọt và khi cha về trời xin cầu nguyện cho con.
– Một bà bán hàng nói Tôi thờ Trời đất và Thần Phật, tôi rất nghèo, không có gì
để dâng cúng, chỉ có cái chậu nhỏ nầy xin dâng cha với tất cả tấm lòng. Khi cha
khát có thể dùng nó để chứa nước.
– Trong tiểu sử các vị tử đạo, không thiếu trường hợp các quan án hỏi cung tỏ
ra thông cảm với niềm tin của người bị kết tội : trải chiếu cho ngồi, mời trà,
cho thân nhân chuộc đầu người bị xử chém mang về ráp lại chôn (thay vì quăng
sông hay bêu đầu giữa chợ)…
– Khi giặc loạn nổi lên ở miền Bắc, quan Tổng Đốc Nam Định nói rằng tỉnh được
bình yên nhờ có đông người công giáo, còn xin vua trợ cấp nhà tế bần nuôi người
cùi tại Kẻ Vĩnh của GM Pierre Retord Liêu, 1803-1858, M.E.P. (Vũ Thành, Dòng
Máu Anh Hùng III, trang 102).
Nhưng vào thời cấm đạo, một Phan Đình Phùng nêu lên tiêu ngữ “Lương-Giáo Thông
Hành” để cùng chống Pháp đã không thắng nổi các quan quyền Văn Thân hô hào
“Bình Tây Sát Tả”. Tại kinh đô, họ liên kết với Nhóm Hồng Tập (7 người trong
hoàng tộc) chủ động hẹn ngày 3-8-1864 đồng loạt nổi lên định giết ông Phan
Thanh Giản và các người theo đạo Thiên Chúa bị qui trách nhiệm làm mất nước. Họ
dự mưu đưa ông Hồng Tập lên ngôi thay vua Tự Đức. Nhưng công việc bất thành.
Sau sự thể ấy, vua Tự Đức ra Sắc Chỉ tháng 7 năm 1864 :
… Các người Công giáo đã trải qua tình thế khốn khổ nhất nhưng vẫn trung thành
với đạo và cũng trung thành với triều đình. Triều đình không thể không khen
ngợi và ghi nhận điều đó. Vì thế, sau khi được tự do, triều đình coi Công giáo
như lương dân, các người phải biết rõ điều đó. Các người không được để trong
lòng những oán thù vì như thế là không vâng mệnh vua, không vâng mệnh vua là
phản nghịch thì làm sao nói được là người Công giáo nữa. Hãy làm việc để đạt
tới mức hoàn thiện và lời cầu nguyện của các người dễ được chấp nhận. Vua cũng
khuyên các quan triều và giới ăn học nên cởi bỏ hận thù và nghi ngờ người bên
đạo. (Dòng Máu Anh Hùng III trang 348, Vũ Thành) (1)
Năm 1869, vua lại ban Sắc chỉ cho phép người bên đạo được trở về làng cũ, cấm
lương dân không được sách nhiễu người công giáo, các giáo sĩ được tự do đi lại
giảng đạo, miễn là phải báo cho quan sở tại biết.
Cuộc nổi loạn của nhóm Văn Thân đến tháng 5 năm 1874 mới chấm dứt. Nhưng có lẽ
hệ quả vẫn còn âm-ỷ, nên vua Hàm Nghi ra Chỉ Dụ ngày 23-9-1885 :
Ngăn cấm không được đánh phá những người theo đạo Gia Tô vì giáo dân cũng là
những người đồng tộc loại, chỉ vì họ theo tôn giáo nước ngoài mà bất đồng thôi.
Và người Pháp hiếp nước ta chẳng phải là mưu của giáo dân. Triều đình mong muốn
lương giáo chung sống và các thân hào sĩ dân đừng vì chống Pháp mà tức giận
đánh phá giáo dân (Việt Sử Đại Cương, trang 199, Phạm Ngọc Huyền, Cổ Kim Thư
Hương Paris 1983).
VII. Thay lời kết
Thân phận con người, trong hoàn cảnh lịch sử chính trị nhiêu khê, cực kỳ biến
động, chập chùng những hệ lụy, nhưng với thời gian mọi sự dần dần lắng đọng.
Nói về tín ngưỡng ông Phan Xuân Hòa nhận định Dân Việt Nam hầu hết theo Phật
giáo, lấy lòng từ bi bác ái làm trọng, đồng thời tôn sùng đạo Lão, tin thuyết
thần tiên bất tử, phụng sự tổ tiên, tôn kính thần thánh. Từ ngày tiếp xúc với
Tây phương, một số dân theo đạo Gia Tô và Cơ Đốc Cải Cách cũng chú trọng vào từ
tâm, ham làm việc thiện. … Dân tộc Việt Nam không bài bác tôn giáo nào (trừ mấy
vua đầu nhà Nguyễn và một số đình thần thủ cựu dưới triều đại ấy) mà cũng không
chấp nê mê muội vì tôn giáo nào. Mọi người đều tự do trên đường ”tín ngưỡng”.
Không ai vì theo tôn giáo khác nhau mà khích bác, chê bai lẫn nhau.… Trong lúc
bên Âu Châu từng xảy ra “chiến tranh tôn giáo” và bên Ấn Độ thì hai
người khác tôn giáo nhất quyết không đi lại với nhau. Dân tộc Việt Nam, trái
lại ngoài đời tín ngưỡng luôn luôn sống chung thân thiện và đoàn kết.
Người ngoại quốc không thể không lấy làm ngạc nhiên khi thấy trong một gia đình
Việt Nam mà có những trường hợp anh theo tôn giáo nầy, em theo tôn giáo khác ;
hay bố mẹ đi tế lễ ở chùa đình, con cái lại đi cầu nguyện ở giáo hội. Thế mà
mọi người vẫn sống chung yên vui hàng ngày, không hề có chuyện xích mích.… Do
lẽ ấy, trong nước Việt Nam, hầu khắp các nơi đã có chùa thờ Phật Thích Ca Mâu
Ni và các vị Bồ Tát, lại có ngay bên cạnh, nào đền thờ Thái Thượng Lão Quân,
nào giáo đường thờ Đức Chúa Trời, nào đền đình thờ chư vị Thánh Thần, anh hùng
liệt sĩ, và thành Hoàng…
Trong đời sống thực tế, mọi người Việt Nam, dầu theo tôn giáo nào cũng thế, đều
lấy lòng Hiếu-Đễ ở trong gia đình làm trọng ; đối với xã hội lấy đức Tín nghĩa
làm đầu ; đứng trước Tổ quốc lấy sự Trung hiếu làm mục tiêu.
Chính lý tưởng “sống vì quyền lợi chung” đặt quyền lợi tổ quốc trên
hết mà dân Việt Nam vẫn sẵn sàng tiếp rước bất luận tôn giáo nào truyền vào
trong nước, để rồi gạn lọc lấy những tinh túy mong giúp ích cho thực tế hằng
ngày, xây dựng trên một nền gia đình giáo dục truyền thống. (Việt Nam Gấm Vóc,
Phan Xuân Hòa, trang 164-168)
Tạ Thanh Minh-Khánh. (Tháng 10 năm 2012)
(1) Thời vua Tự Đức (1848-1883), các giáo sĩ thuộc Hội Thừa Sai Paris, M.E.P. :
1. Linh mục Pierre-Jean Marie GENDREAU (ĐÔNG), (1850-1935), 1887 là Giám mục
địa phận Nam Đàng Ngoài (Vinh) ;
2. GM Jean Denis Gauthier (HẬU) (1810-1877), 1942 địa phận Tây Đàng Ngoài (Hà
Nội) ;
3. GM Joseph Hyacinthe Sohier (BÌNH) (1818-1876), địa phận Bắc Đàng Trong (Huế)
;
Làm đơn xin Bộ Lễ đổi bốn chữ “tả đạo, dữu dân” thành “dân đạo hoặc giáo dân”
được chuẩn y, có ghi trong Đại Nam Thực Lục Chính Biên Đệ Tứ Kỷ, quyển LII
(Thoáng nhìn Giáo hội Công giáo VN, Trần Anh Dũng, trang 228).
Tài liệu tham khảo :
– Việt Nam Sử Lược II, Trần Trọng Kim, Institut de l’Asie du Sud-Est,
I.D.A.S.E. Paris.
– Việt Sử II, Một Nhóm Giáo Sư, I.D.A.S.E. Paris.
– Việt Nam Gấm Vóc, Phan Xuân Hòa, I.D.A.S.E. Paris.
– Việt Sử Biên Niên Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Trần Anh Dũng, Orlando 1986.
– Dòng Máu Anh Hùng I, II, III, Vũ Thành, Phong Trào Thanh Sinh Công VN tại Hoa
Kỳ, xuất bản 1987, 1988.
– Inê Tử Đạo Vãn – Tự Điển Việt-La, Jean Louis Taberd, trang 110-134.
– Nữ Tu Nguyễn Thị Hậu, Đào Quang Toản, Imprimerie “Médiations” Toulouse, năm
2000.
– Vai Trò Phụ Nữ Việt Trong Vấn Đề Truyền Giáo Tại Việt Nam, Teresa Huỳnh, Báo
Giáo Xứ Việt Nam Paris, 1988.
– Làm Chứng Cho Tin Mừng, Phạm Bá Nha, 2006