Người “Canh Gác” giữa đời thường

Người “Canh Gác” giữa đời thường

Tâm Thương

 

WGPSG — Góc nhìn xã hội

Bạn thân mến, nơi mảnh đất Sài Gòn này có biết bao người canh gác và bảo vệ. Người canh gác đứng ở một nơi trên cao để quan sát. Họ là những người lính ở các đồn biên phòng hay nơi hải đảo xa xôi. Họ là những người bảo vệ đầu đội trời chân đạp đất chứ không phải ở “vọng gác canh sương” hay “lầu son gác tía”. Họ bảo vệ cho công ty. Bảo vệ cho ngân hàng. Bảo vệ cho trường học. Bảo vệ cho bệnh viện. Bảo vệ cho siêu thị v.v… Nói tóm lại,  đó là dịch vụ người bảo vệ. Công việc của họ thấy dễ mà khó. Họ phải được huấn luyện và phải có kinh nghiệm. Họ phải quan sát tỉ mỉ từng người, từng biến cố xảy ra trong từng khoảnh khắc của một ngày sống. Công việc của họ đòi hỏi sự
nhạy bén quan sát tinh tế và tinh thần trách nhiệm cao. Họ phải hy sinh thời
gian, sức khỏe thức khuya, dậy sớm, xa nhà xa quê hương vì nhiệm vụ đã được
giao phó.

Khởi đi từ góc nhìn như thế, cha mẹ cũng đóng vai trò người canh gác cho con cái. Người mẹ phải thức trắng đêm để canh chừng người con gái vừa mới mổ ruột thừa ở bệnh viện đa khoa Sài Gòn. Người mẹ phải mất ngủ cả đêm vì con mình đang bệnh sốt cao. Người cha phải thấp thỏm lo âu vì tối nay đứa con trai của ông đi mừng sinh nhật bạn bè tới khuya không thấy về. Nói tóm lại, cha mẹ là người luôn dõi ánh mắt về con.

Góc nhìn tôn giáo

Vậy, dưới góc nhìn tôn giáo, người “Canh Gác” có gì khác và giống với người “Canh Gác” ở góc độ xã hội? Tôi nhớ lại bài đọc 2, giờ Kinh Sách, ngày 03.09.2012, ngày lễ nhớ Thánh Giáo hoàng Ghê-gô-ri-ô Cả. “Người Canh Gác” là ba từ được ngài lặp lại tới bốn lần: “Hỡi con người, Ta đã đặt người làm người canh gác cho nhà Ít-ra-en. Cần lưu ý rằng Chúa gọi kẻ Người sai đi rao giảng là người canh gác. Người canh gác luôn luôn phải đứng trên cao, để thấy được từ xa chuyện gì xảy tới. Và bất cứ ai được đặt làm người canh gác…” Thế thì đâu là những phẩm chất của một người “Canh Gác” lý tưởng như lòng Chúa ước mong?

Người “Canh Gác” biết quan sát “nhìn xa trông rộng”

Trước tiên, người Canh Gác phải có khả năng quan sát tốt và tầm nhìn xa. Điều này làm ta nghĩ tới Đức Giáo hoàng, các Hồng y, các Đức Giám mục và linh mục. Các ngài là những người “Canh Gác” của Giáo hội và của Chúa Kitô. Các ngài được đặt lên làm mục tử chăn giữ đoàn chiên. Người mục tử luôn quan sát từng con chiên một. Người mục tử để ý đến nhu cầu  của từng con chiên. Người mục tử để ý đến những gì nguy hiểm xảy đến cho đoàn chiên mình chăn dắt. Vì thế, Thánh Giáo hoàng Ghê-gô-ri-ô Cả mới nói: “Người canh gác luôn luôn phải đứng trên cao, để thấy được từ xa chuyện gì xảy tới.”

Thế nhưng, thời đại hôm nay có quá nhiều bất ngờ phức tạp. Xã hội càng văn minh lại càng sa sút về đạo đức. Bởi vậy, không dễ gì bắt kịp thời cuộc. Không dễ gì lội ngược dòng. Do đó, trọng trách của những người “Canh Gác” cho Giáo hội Chúa Kitô thật nặng nề. Bởi lẽ, các ngài cũng chỉ là những con người yếu đuối. Điều này đã được Thánh Giáo hoàng Ghê-gô-ri-ô Cả trải nghiệm: “Thật vậy, tôi buộc phải suy xét về các vấn đề của các Giáo hội cũng như các tu viện, nhiều lần tôi nghĩ tới nếp sống và hành vi của các cá nhân; hơn nữa, tôi còn phải giải quyết một số công việc của người
dân, phải lo lắng vì quân mandi xông vào giết chóc, phải đề phòng những con sói
đang rình rập đàn chiên đã ủy thác cho tôi… Có lúc phải bình tĩnh chịu đựng
những quân trộm cướp, nhưng cũng có lúc phải đối đầu với chúng để bảo trì đức
ái.” Thế nên, người canh gác không chỉ biết thời cuộc mà còn phải biết chính
mình. Ngoài ra, người “Canh Gác” cần có những phẩm chất nào khác hơn?

Người “Canh Gác” trách nhiệm và nhiệt tâm

Một cha sở nói với thầy xứ như thế này: “Con cố gắng chu toàn những việc bổn phận như nguyện gẫm, đi lễ, viếng Chúa, dạy giáo lý. Cố gắng làm việc với tinh thần trách nhiệm. Vậy mới làm gương cho người khác và bước đường ơn gọi của mình sẽ cảm thấy hạnh phúc.” Còn một linh mục khác nói với thầy giúp xứ như sau: “Cha luôn ưu tư làm sao thổi ngọn lửa nhiệt tình vào trong lòng mỗi người trẻ hôm nay. Nơi họ có một tinh thần dấn thân rất cao. Vì thế, làm sao để huấn luyện tốt nhằm khơi lên ngọn lửa nhiệt huyết nơi giới trẻ và những người làm tông đồ.” Tựu trung lại, người canh gác cần sự nhiệt tâm và trách nhiệm trong công việc. Trách nhiệm chỉ dừng lại ở mức độ làm cho đủ. Nhiệt tâm vượt xa mức độ đủ và vươn tới sự dấn thân.

Bạn thân mến, có bao giờ bạn đặt câu hỏi: hạnh phúc của người linh mục là gì không? Phải chăng hạnh phúc của các ngài là hạnh phúc của người khác? Hạnh phúc khi người linh mục đi thăm những gia đình nghèo. Hạnh phúc khi linh mục đem Mình Thánh Chúa cho nhiều bệnh nhân hấp hối. Hạnh phúc khi ngồi tòa giải tội lắng nghe những tiếng nói, những giọt nước mắt của nhiều hối nhân đang đau khổ. Hạnh phúc khi khám bệnh cho nhiều bệnh nhân nghèo khổ, già cả lương cũng như giáo v.v.. Và phải chăng hạnh phúc sâu xa nhất của người linh mục là được kết hiệp với Chúa qua từng Thánh lễ, từng giờ nguyện gẫm, giờ kinh phụng vụ mỗi ngày…? Hạnh phúc ấy không đơn giản đạt được. Hạnh phúc ấy đòi hỏi người linh mục có tầm nhìn, sự hy sinh, trách nhiệm và thức tỉnh với bổn phận Chúa giao phó cho các ngài. Thế nên, Thánh Cả Giáo hoàng Ghê-gô-ri-ô Cả cảm thấu: “Tôi nhìn nhận là tôi có lỗi, tôi thấy mình uể oải và lơ là. Khi ở đan viện, tôi có thể vừa giữ miệng lưỡi không nói lời vô ích, vừa hầu như liên lỉ cầm trí lo việc cầu nguyện. Nhưng một khi đã ghé vai mang gánh
nặng mục vụ thì tôi bị chi phối về nhiều chuyện nên không thể dễ dàng hồi tâm
được.”

Người “Canh Gác” là đầy tớ khiêm tốn phục vụ Chúa Kitô

Cuối cùng, người canh gác là đầy tớ khiêm tốn phục vụ Chúa Kitô. Phục vụ như, vì và trong Chúa Kitô. Vì thế, Chúa Giêsu đã nhắn nhủ các tông đồ: “Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10). Bởi vậy, Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II thường dùng câu nói: “Tôi Gioan Phaolô II, tôi tớ của mọi tôi tớ.” Thật vậy, người đầy tớ không hơn chủ. Người đầy tớ phục vụ chủ của mình. Thế nên, Chúa Giêsu mới dạy các tông đồ: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em” (Mt 23,11).

Vậy, người “Canh Gác” của Giáo hội là người cắm mốc cuộc đời vào Chúa Kitô. Họ còn là người luôn mở lòng phục vụ tha nhân với cả tấm lòng yêu thương. Vì thế, ước mong mỗi Kitô hữu chúng ta cũng cảm thấu mình là người canh gác vốn dĩ thấp hèn yếu đuối như Thánh Giáo hoàng Ghê-gô-ri-ô Cả đã thú nhận: “Vậy, tôi là ai và tôi thi hành nhiệm vụ canh gác như thế nào, nếu tôi không đứng trên núi cao là công việc
phải làm, mà vẫn còn nằm bẹp dưới thung lũng là tính yếu đuối của tôi ? Nhưng
dù tôi bất xứng, thì Đấng tạo dựng và cứu chuộc loài người vẫn có khả năng ban
cho tôi cả đời sống cao quý lẫn tài nói năng thuyết phục, bởi lẽ vì yêu mến
Người mà tôi không quản ngại nói về Người.”

Maria Thanh Mai gởi

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay