Nếu nợ công là 431 tỷ USD, ai trả nợ cho DNNN thua lỗ?
Theo một phân tích của Tiến sĩ Vũ Quang Việt, cựu Vụ trưởng Vụ thống kê của Liên Hiệp Quốc, vào năm 2011, nợ công việt Nam về thực chất đã tăng đến 106% GDP, nếu tính cả nợ của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Vào thời điểm đó, con số báo cáo của Chính phủ về nợ công quốc gia chỉ vào khoảng 50% GDP.
Đầu năm nay, tại hội nghị tổng kết ngành tài chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra cảnh báo rằng “nợ công nếu tính đủ đã vượt trần chứ không chỉ sát trần”. Người đứng đầu Chính phủ cũng dẫn lời chuyên gia nhận định nếu không chấm dứt tình trạng này thì sự sụp đổ nền tài khóa quốc gia là không thể tránh khỏi.
Tiến sĩ Vũ Quang Việt dẫn số liệu được cho là tin cậy cho thấy nợ Chính phủ năm 2015 là 115 tỷ USD bằng 59,5% GDP và ước tính nợ Chính phủ năm 2016 lên tới ít nhất 131 tỷ USD, bằng 63,9% GDP.
Theo phân tích của Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nợ của khoảng 3.200 DNNN theo điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2014 là 4,9 triệu tỷ đồng (231 tỷ USD), gấp nhiều lần con số 1,5 triệu tỷ đồng mà Bộ Tài chính đưa ra chỉ cho một số tập đoàn và công ty lớn. Ước tính thêm cho thấy năm 2016, nợ của DNNN là 324 tỷ USD, bằng 158% GDP.
Như vậy, cộng cả nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp nhà nước sau khi trừ đi phần Chính phủ bảo lãnh trùng lặp, tổng số nợ năm 2016 là 431 tỷ USD, bằng 210% GDP.
Như vậy, cả nước làm ra 100 đồng nhưng có tới 210 đồng là vay nợ và nợ công tính theo đầu người Việt Nam sẽ rơi vào khoảng 100 triệu đồng.