Mỹ đi lại được mời về?
Nguyễn Giang
Thứ hai, 11 tháng 8, 2014
Câu chuyện về hai điểm nóng đang bùng phát dữ dội, một ở Iraq, một ở Nigeria khiến người ta lại có dịp phàn nàn về Hoa Kỳ.
Người dân Iraq vùng bị quân IS xua đuổi đang chờ cứu trợ quốc tế
Nhưng các đài báo ở Anh và cả Trung Đông và châu Phi lần này không muốn người Mỹ đi, mà lại than phiền sao họ không quay lại hoặc vào cuộc mạnh hơn để ngăn Nhà nước Hồi giáo (IS) và nhóm Boko Haram.
Đài ITV ở Anh còn có vẻ trách cứ Tổng thống Barack Obama sao không ‘hung hăng hơn’ (more aggressive) mà bỏ đi nghỉ hè với gia đình sau khi tuyên bố Mỹ chỉ giúp Iraq không kích quân IS chứ nhất định không đổ bộ trở lại.
Đuổi đi rồi cố gọi về?
Trên truyền hình BBC tối hôm qua, Chủ Nhật, người ta cũng trích lời lực lượng Kurdistan yêu cầu Hoa Kỳ phải giúp bắn phá quân IS hơn nữa.
Chính quyền Mỹ còn bị phê đã không vũ trang cho lực lượng du kích peshmergas của người Kurd để họ đủ sức chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan.
Khổ nỗi, sau cuộc chiến Iraq, chính Hoa Kỳ vì tôn trọng tính thống nhất lãnh thổ của Iraq – gồm ba phần khác nhau rõ rệt, Hồi giáo Sunni, Shia và Kurdistan – nên đã không trao vũ khí hạng nặng cho quân Kurd.
“Hoa Kỳ can thiệp quá thì đương nhiên bị chỉ trích, nhưng muốn tách ra, không dính líu nữa thì lại bị phê là thiếu trách nhiệm”
Hoa Kỳ can thiệp quá thì đương nhiên bị phê, nhưng muốn tách ra, không dính líu nữa (disengagement) thì lại bị chỉ trích là thiếu trách nhiệm.
Thực ra tôi không lạ với giọng văn phê phán Mỹ đã thành truyền thống ở những nước châu Âu như Pháp.
Nhưng có vẻ như ở cả các nước từng muốn Hoa Kỳ đi cho nhanh như Iraq nay lại có ‘trào lưu’ mong họ trở lại.
Philippines cũng từng mời Hoa Kỳ rút khỏi căn cứ ở Subic Bay hồi năm 1991, nhưng gần đây nay lại ký thỏa thuận để thủy quân lục chiến Hoa Kỳ luân chuyển qua, giúp họ luyện quân, bảo vệ biển đảo.
Việt Nam, dù còn khác biệt nhiều về quan niệm nhân quyền và thể chế chính trị, cũng muốn Hoa Kỳ trở lại và có sự hiện diện rõ rệt hơn ở Biển Đông để cân bằng lại với Trung Quốc.
Ông Obama bị phê phán đã không ra tay đánh phe IS mạnh hơn nữa
Quả thật là Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama đã và đang bị phê phán từ nội bộ nước Mỹ vì thiếu quyết đoán, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Một số cây bút như Bấm Steve Hunley cho rằng ngoại giao Mỹ đang ‘thoái lui’, thậm chí ‘gần sụp đổ’ (near collapse), hay gần đây nhất là bà Bấm Hillary Clinton lên tiếng nói ông Obama quá lưỡng lự ở Syria, gửi ra tín hiệu ‘Mỹ yếu’ cho cả thế giới.
Bà nói lời của ông Obama chỉ ‘khuyên bảo đừng làm việc dại dột’ với các nước không thể là chính sách ngoại giao có nguyên tắc cho Mỹ được.
Nhưng đó là chuyện của Hoa Kỳ.
Còn nhìn ra bên ngoài, phê phán Mỹ không đơn thuần là một phản ứng tình thế mà còn có gốc rễ trong lịch sử, khiến cách nhìn mọi hành vi tốt hay xấu của Washington cũng rất đa dạng.
Nhiều kiểu bài Mỹ
Các nước lớn như Nga và Trung Quốc nếu có bài Mỹ cũng là chuyện dễ hiểu vì tầm vóc và vị thế khiến họ là đối thủ cạnh tranh ‘tự nhiên’ của Hoa Kỳ.
Pháp thì từ thời Charles de Gaulle đã luôn phản ứng lại Mỹ vì mặc cảm tự cao văn hóa và vì mất vị thế đế quốc.
Một số giới tại Anh đến nay vẫn không ưa Hoa Kỳ vì cho rằng Anh có truyền thống sâu sắc, tinh tế hơn.
Nhưng đây là một phần chưa hết của nỗi ngậm ngùi mà Anh rơi xuống hàng đồng minh nhỏ hơn Mỹ từ Thế Chiến 2 vì mất hết các thuộc địa.
Nhưng trên bình diện rộng hơn, ý thức hệ và tư duy chính trị của một nước cũng giúp thói bài Mỹ nảy nở.
Không quân của Hải quân Mỹ đã oanh kích trở lại vùng Bắc Iraq, ngăn quân IS
Các đảng cộng sản và thiên tả thường rơi vào bệnh ‘left-wing paranoia’, một chứng hoang tưởng có màu sắc giai cấp và đổ cho giới tư bản Mỹ mọi tội lỗi trên đời này.
Họ tin rằng tư bản Mỹ – từ các tay buôn chứng khoán đến giới sản xuất vũ khí, dầu lửa – luôn có mục tiêu tối thượng là chiếm đoạt thị trường toàn cầu.
Từ đó, người ta tin vào các thuyế́t âm mưu rằng tư bản Mỹ dùng các dạng luật lệ bất chính để kiểm soát vốn liếng, tỷ giá tiền tệ, và chính quyền Hoa Kỳ ra chính sách gì thì cũng để phục vụ cho tư bản Mỹ.
Cũng vì thế, họ thường không trả lời được câu hỏi Hoa Kỳ đầu tư là để giúp một chính quyền ‘xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội’, ‘bảo vệ Hồi giáo’, hay để thúc đẩy nước này giống Mỹ hơn.
Các nước có chế độ độc đoán thiên hữu thì lại dễ dị ứng với ‘văn hóa Mỹ’ vì đầu óc dân tộc chủ nghĩa và vì lý do tôn giáo.
Đôi khi họ ngăn chặn hiện đại hóa vì coi đó là biểu hiện của thói bá quyền văn hóa (cultural hegemony) từ Mỹ.
Họ sẵn sàng nhận viện trợ từ nhưng không phải để mở rộng dân chủ, tự do theo mô hình Mỹ mà để củng cố vị trí ‘khách hàng duy nhất’ của mối quan hệ với Hoa Kỳ.
Điểm chung của lãnh đạo cả phe tả và hữu ở mọi nước là đều muốn giáo dục Mỹ cho thế hệ trẻ của họ và không ai từ chối các thành quả văn minh ‘Made in USA’.
Nếu gộp cả bệnh bài Mỹ của phe tả và phe hữu lại thì ta có thể thấy hiện ra một nghịch lý: cả hai đều cần nước Mỹ nhưng chỉ cần những phần phù hợp với nhu cầu của họ.
Bài Mỹ trở thành một điểm chung cho nhiều quốc gia và thế hệ
Như thế, vấn đề không phải ở chỗ nước Mỹ hay dở ra sao mà là nhu cầu của bạn thế nào.
Người ta cũng nói về ‘khả năng’ chơi với Mỹ, hàm ý Hoa Kỳ vốn thực dụng và điều quan trọng là tầm của bạn đến đâu thì nước Mỹ chơi với bạn đến đó.
Chuyện Hoa Kỳ bỏ Nam Việt Nam vẫn đang được nhắc đến trong bối cảnh hậu Afghanistan, Iraq và bài của tác giả Bấm Nguyễn Tiến Hưng ‘Từ Watergate tới sụp đổ Sài Gòn’ vẫn thu hút nhiều bạn đọc Việt Nam trên trang nhà của chúng tôi.
Nhưng tôi chưa thấy ai đặt câu hỏi nếu vào lúc này mà không còn nước Mỹ nữa thì tình hình thế giới sẽ diễn biến ra sao?