MỘT SỐ NGHỊCH LÝ TRONG GIÁO DỤC VIỆT NAM…

 

 8 SÀI GÒN

MỘT SỐ NGHỊCH LÝ TRONG GIÁO DỤC VIỆT NAM…

Một nhìn nhận chung nhưng có thiên về môn ngữ văn nhiều hơn.

  1. Giáo viên dạy văn nhưng không viết văn. “Viết” là một trong những năng lực cơ bản mà giáo dục phải hình thành cho người học, nhất là đối với giáo dục nặng về thi cử như Việt Nam, và chỉ thi viết, nhưng kỳ lạ là giáo viên dạy học trò viết văn hay nhưng chính giáo viên lại không viết bao giờ. Gần như phải đến 90% giáo viên chưa từng viết 1 bài nào hoàn chỉnh, nghiêm túc sau cả chục năm đi dạy. Đó là 1 sự kiện kỳ quặc và có lẽ chỉ có trong nền giáo dục của chúng ta. Khi quan sát đã thấy như vậy; và để kiểm tra tôi trực tiếp hỏi nhiều bạn dạy văn về điều này và đa số họ xác nhận rằng mình chưa từng viết 1 bài nghị luận nào! Đó là một điển hình của căn bệnh lý thuyết, hình thức và giáo điều trong giáo dục Việt Nam.

Giáo viên dạy toán nhưng không hiểu bản chất của công thức; giáo viên dạy hóa nhưng không biết “hóa trị” thực ra là cái gì (trong khi giải toán và cân bằng hóa học nhanh như chớp); giáo viên dạy sử nhưng không “nghiên cứu” lịch sử. Đa số giáo viên ở các môn tự nhiên không thể tự mình sáng tạo ra đề/bài tập mà chủ yếu sưu tầm và cóp nhặt từ nhiều nguồn; giáo viên các môn xã hội thì ra đề nặng về hướng “học thuộc”, ít có khả năng kích thích tư duy…

  1. Học nhưng không sử dụng. Học rất nhiều với tham vọng giáo dục “toàn diện” nhưng hầu hết kiến thức nặng về giáo điều, ít tính thực tiễn, chủ yếu “học thuộc”; thi xong là quên. Ở THPT với 13 môn học nặng nề nhưng chủ yếu học để phục vụ cho các kỳ thi chứ không mấy khi được dùng trong cuộc sống cá nhân của người học; thậm chí lúc cần dùng đến thì cơ bản không biết dùng thế nào vì kiểu học nhồi nhét kiến thức dẫn đến lõm bỏm hoặc không vận dụng được. Phần lớn kiến thức dạng này là vô dụng, nếu không nói là có hại.

Càng học càng ù lỳ, càng học càng mất đi tinh thần hiếu tri; theo thời gian, niềm ham thích hiểu biết chuyển dần thành sự đối phó; càng học càng “lùn” đi.

  1. Quy trình ngược. Khó học trước, dễ học sau; công cụ lý thuyết không trang bị nhưng lại yêu cầu khai thác tri thức… Chương trình văn học trung đại có khoảng cách văn hóa xa hơn nên khó hơn văn học hiện đại nhưng lại học trước (“quốc tộ”, “cáo tật thị chúng”… mà dạy cho học sinh lớp 10 trong khi “Việt Bắc” dạy cho học sinh 12… là những ví dụ). Chương trình phổ thông năng mà đại học nhẹ; phổ thông khó mà đại học dễ; phổ thông và đại học bị đứt gãy, ít có tính liên tục. Những tri thức phổ thông sẽ bỏ lại gần hết khi bước chân vào cổng trường đại học…
  2. Dạy làm người nhưng chính mình lại méo mó. Dạy học trò trung thực, chính trực, trọng nghĩa khinh tài, thương yêu nhân ái… nhưng chính giáo viên lại là nhóm người “nhát” nhất, tủn mủn, “nhiều chuyện”, thị phi và vạch vãnh. Thấy bất công “không dám kêu đòi”; bưng tai bịt mắt trước cái xấu, cái ác… Rất ít có một tổ chuyên môn nào (đặc biệt là tổ ngữ văn trong các trường phổ thông) cơm lành canh ngọt. Từ những mâu thuẫn cá nhân tủn mủn rồi chia nhóm chia phe, rạn nứt âm ỷ và xé to ra theo thời gian.

Nạn hối lộ, từ hối lộ vặt (quà cáp) đến chạy việc, chạy chức; xu nịnh, bè phái, đấu đá lẫn nhau… đang diễn ra phổ biến trong các nhà trường và trong hệ thống ngành giáo dục.

THÁI HẠO

Tây Lạc Viên, 23/8/2020

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay