Macao tổ chức trưng cầu dân ý đòi dân chủ

Macao tổ chức trưng cầu dân ý đòi dân chủ

RFI

Lãnh đạo hành pháp Macao không do dân bầu trực tiếp, mà do một ủy ban 400 đại cử tri thân Bắc Kinh, đề cử - DR

Lãnh đạo hành pháp Macao không do dân bầu trực tiếp, mà do một ủy ban 400 đại cử tri thân Bắc Kinh, đề cử – DR

Tú Anh

Sau Hồng Kông, đến lượt người dân Macao thách thức Bắc Kinh. Kể từ hôm nay chủ nhật 24 đến thứ bảy 30/08/2014, các nhóm dân chủ Macao tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý bán chính thức, động viên 640.000 dân địa phương đòi Trung Quốc chấp nhận quyền tự do lựa chọn người lãnh đạo trong cuộc bầu cử 2019.

Cũng như Hồng Kông từ năm 1997, Macao là nhượng địa cũ do Bồ Đào Nha trao trả cho Trung Quốc vào năm 1999. Macao được hưởng quy chế chính trị khác với Hoa lục. Cũng như Hồng Kông, quyền tự do phát biểu tại Macao được pháp luật bảo đảm nhưng lãnh đạo hành pháp không do dân bầu trực tiếp mà qua sự « đề cử » của một ủy ban 400 đại cử tri thân Bắc Kinh.

Các nhóm dân chủ muốn chấm dứt tình trạng bất công này. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Jean Scheubel phân tích :

Cuộc trưng cầu dân ý,bị chính quyền Macao tuyên bố « phi pháp », không có đủ trọng lượng như cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6 tại Hồng Kông. Những người chủ xướng muốn lập ra những phòng phiếu nhưng tư pháp Macau không chấp thuận. Do vậy, các thành viên tổ chức lấy ý kiến dân chúng ngay trên đường phố với máy điện toán cầm tay thay thế thùng phiếu và lá phiếu.

Câu hỏi như sau : lãnh đạo hành pháp, nhân vật số một của Macao cần phải được bầu theo lối phổ thông và trực tiếp hay không ? Cho đến bây giờ, việc chọn lãnh đạo hành pháp Macao diễn ra theo lối gián tiếp. Một ủy ban bầu cử gồm 400 ủy viên phát xuất từ giới nghề nghiệp hay xã hội chỉ định. Theo các nhà dân chủ thì để công bằng, tất cả công dân Macao đều phải được quyền bỏ phiếu.

Cách Macao 30 cây số, Hồng Kông đã được Bắc Kinh « hứa » cho phép từ năm 2017. Nhưng ở Macao, không một dự án cải cách chính trị nào được dự kiến. Cũng phải nhìn nhận rằng Macao nhỏ hơn Hồng Kông, chỉ bằng một phần bốn mươi diện tích và chỉ bằng 1/13 dân số. Sự nghi ngờ của công luận đối với chính quyền cũng ít hơn và Bắc Kinh chưa bao giờ bị áp lực mạnh.

Kết quả trưng cầu dân ý tại Macao sẽ được công bố vào ngày 31/08/2014, ngày bầu chủ tịch hành pháp Macao mà ứng cử viên duy nhất không ai khác hơn là chủ tịch mãn nhiệm Fernando Chui.

Cảnh sát Macau trấn dẹp cuộc biểu tình trưng cầu dân ý

RFA

24-08-2014

Bốn người bị bắt giữ tại Macau sáng nay khi cảnh sát ra tay trấn dẹp một cuộc trưng cầu dân ý bắt đầu hôm nay và dự định kết thúc vào ngày 30/8 tới đây.

Một trong những người tổ chức là ông Jason Chao nói rằng cảnh sát đã tịch thu các thiết bị như ipad mà người ta dùng để bỏ phiếu trên mạng.

Cảnh sát Macau chưa xác nhận tin này.

Các nhà hoạt dân chủ định tổ chức cuộc trưng cầu dân ý này nhằm hỏi ý kiến người dân về mô hình bầu người đứng đầu ngành hành pháp ở cựu thuộc địa Bồ Đào Nha này.

Hồi 2h ngày hôm nay những nhà tổ chức cho hay đã có 1300 người bỏ phiếu. Nhưng sau khi nhà cầm quyền ngăn chận như thế không rõ là cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tiếp tục hay không.

Văn phòng đại diện của Hoa lục ra tuyên bố nói rằng cuộc trưng cầu dân ý là bất hợp pháp và không có giá trị.

Macau được trao trả về cho TQ vào năm 1999 và giống như Hồng Kong, người đại diện lãnh thổ này được một ủy ban gồm nhiều người thân Hoa lục chọn ra.

Hồi tháng năm 2000 người dân Macau đã xuống đường chống lại một đạo luật cho phép các bộ trưởng của chính phủ giữ nhiều quyền lợi sau khi về hưu.

Ở cựu thuộc địa Anh Hong kong thì cũng đã diễn ra một cuộc trưng cầu dân ý tương tự vào tháng sáu năm nay có đến gần 800,000 người tham gia.

 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay