Một đời người, một ước mơ
Nguoi-viet.com
Cô Hai Vườn Chuối
Trời tối đen như mực. Trên chiếc ghe nhỏ chỉ đủ sức chứa hai người, đứa trẻ 11 tuổi đang nằm ngủ co ro, gối đầu lên chân một người phụ nữ. Trước, sau là hai người đàn ông đang chăm chú nhìn vào màn đêm phía trước, đôi tay không ngừng chèo.
“Bi, dậy đi con, leo lên ngồi cạnh bác Tuấn đi, để Má tạt nước ra,” tiếng của người phụ nữ khẽ nói. Đứa nhỏ choàng thức giấc, nước đã vào nửa mạn thuyền.
“Ráng ăn đi con, đường còn xa lắm. Cơm với trứng chiên con thích ăn nè.”
“Ủa sao mình nấu cơm được vậy Má?”
“Của mấy cô chú bên thuyền bên kia đưa qua. Ăn đi con.”
Đứa nhỏ cầm chén cơm ăn ngon lành. Món ăn nó thích nhất mà. Thêm vào đó là một ngày một đêm không có gì vào bụng.
“Ráng đi con. Rồi mọi chuyện sẽ tốt hơn,” ông linh mục Tuấn (nó luôn gọi như thế) vừa nói vừa đều tay khua mái chèo.
Nó không biết tốt hơn về cái gì, nó chỉ biết rằng Má không cho nó quay đầu nhìn lại ngôi nhà của mình trong buổi sáng bước ra cửa, dù biết rằng phía sau có Ngoại đang nhìn theo cho đến khi Má và nó khuất khỏi con hẻm. Nó chỉ biết rằng trong đêm cuối cùng ngủ ở nhà, Má nói với nó là “mình đi đến một nơi mà con sẽ có khoảng sân rộng phía trước nhà để trồng hoa.”
***
Hơn hai mươi năm rồi, tôi vẫn nhớ không sai một chi tiết nhỏ nào trong đêm hôm đó. Chuyến đi vượt biển lần đó không thành.
Thế rồi tôi quay trở lại trường học. Má quay trở lại với chiếc xe đạp cọc cạch mỗi ngày đến sở làm. Lúc đó, tôi nào biết đồng lương cắc cỏm ba cọc ba đồng của cái thời “xếp hàng mua gạo”, hay “mua thịt theo chỉ tiêu” nó đáng sợ biết chừng nào. Vì tôi nào có được “tận hưởng” một ngày nghèo khó. Tôi vẫn được theo học theo cách “trưởng giả”, đó là được cô giáo đến nhà dạy thêm. Cái thời 7 ngày cúp điện hết 6 ngày rưỡi đó làm cho bọn con nít chúng tôi thích thú vì mỗi tối được chơi đèn cầy, đóng vai hoàng tử công chúa. Vì thích thú nên tôi đâu có thấy cái vất vả của Má ngồi quạt cho tôi mỗi khi tôi ngồi học bài.
Tuổi thơ của tôi cứ thế lớn lên trong sự hồn nhiên và những tiếng cười trong vắt. (Hình: tác giả) |
Tuổi thơ của tôi cứ thế lớn lên trong sự hồn nhiên và những tiếng cười trong vắt. Má vui và thưởng cho tôi những tháng tôi được xếp đầu lớp. Má bắt tôi nằm xuống để tự tôi đếm từng nhịp roi vào những lúc tôi không nằm trong “top 3” của lớp. Má mang tôi đi khắp mọi nơi. Những người bạn Gia Long của Má trở thành “bạn già” của tôi. Có thể vì như thế mà tôi thấm nhuần cái mộng tưởng của những cô nữ sinh Sài Gòn ngày xưa. Có thể vì như thế mà tôi thuộc nằm lòng tất cả những bài hát “Vàng” một thời. Và cũng có thể vì như thế, mà tôi cũng luôn khắc khoải trong suy nghĩ của tôi về một Sài Gòn hoa lệ “đâu hết rồi giọng hát Khánh Ly.”
Rồi sau này, cái ngày đưa tôi ra phi trường, Má bỏ vào hành lý của tôi 1 lá thư.
Chuyến bay dài hơn mười tiếng, lần đầu tiên đi xa nhà đến nửa vòng trái đất. Tôi không sao ngủ được dù đèn trong máy bay đã tắt. Mọi người xung quanh đã ngủ say. Có lẽ họ đã quen với những chuyến bay dài thế này. Tôi lấy lá thư của Má ra xem.
Má tôi, sinh viên luật khoa, Đại học Luật Saigon và là thư ký của Phó thủ tướng VNCH Phan Quang Đán. Ngày 30 Tháng Tư, 1975 cũng là ngày chấm dứt tất cả ước mơ, sự nghiệp của Má tôi, cũng như của rất nhiều những người ưu tú của thế hệ đó.
Má tôi đã gói ghém tất cả những mộng ước, những bay bổng của một thời nữ sinh Gia Long nhiều mộng đẹp và gửi vào tương lai của tôi. Tôi rời khỏi Việt Nam với vỏn vẹn $300. Hơn ai hết, tôi hiểu, Má tôi là người dân bình thường. Rất bình thường!
Chiếc máy bay cất cánh đưa tôi rời khỏi Việt Nam cùng với những kỷ niệm của 1 thời đi học, trường lớp bạn bè, và hơn tất cả là 1 ước mơ cháy bỏng mà những người thuộc thế hệ của Má tôi, những người nữ sinh Áo Tím, Gia Long phải gác lại vì biến loạn. Lúc đó tôi như kẻ mang trọng trách thực hiện ước mơ mà Má tôi và những cô, dì, chú, bác, chưa, và không làm được.
Tôi bắt đầu những ngày tháng một mình nơi xứ người. Thời đó, dễ gì để có được cuộc gọi điện thoại về nhà. Vì cước phí rất cao. Tất cả chỉ qua email. Tôi không có máy tính riêng. Má cũng chưa biết dùng internet. Mỗi sáng tôi đến trường rất sớm, tranh thủ vào thư viện để gửi mail. Má cũng đạp xe đến một tiệm internet để nhờ đọc và gửi mail cho tôi. Thời gian đó, những lá thư điện tử của Má có sức mạnh vô cùng để tôi có thể thức dậy vào lúc 4 giờ sáng, học bài ,đến trường, rồi đi làm thêm, và khi về đến nhà là 1 giờ sáng.
Ngôi trường đại học, nơi tôi thực hiện ước mơ của mình và của một thế hệ của Má tôi. (Hình: tác giả) |
Má tôi biết hết những điều đó cho dù tôi không một lần kể ra. Có lẽ tình thương yêu và sự từng trải cùng với nghị lực phi thường của người phụ nữ đã mang đến cho Má tôi những nhạy bén kỳ lạ.
Những năm tháng nơi xứ người, tôi sống với người dưng khác họ cũng có, người “dưng cùng họ” cũng có, sống một mình cũng có. Tôi hiểu được giá trị của cái gọi là “gia đình”, và hơn thế nữa, tôi hiểu được cái gì gọi là “nước mắt chảy xuôi”. Sau khi hoàn thành xong nhiệm vụ học tập, tôi nhận được cũng khá nhiều thành công trong công việc. Tôi tự hào tất cả những điều đó do tôi đã cố gắng và có được bằng chính bước đi của mình. Nhưng chưa một vinh quang nào, mức lương nào, hay cái title nào trên cái name card có thể làm cho tôi hãnh diện bằng câu nói của mọi người “Má con đúng là người phi thường”, hay là lời nói từ những người bạn: “Mày có hai Bà Mẹ trên cả tuyệt vời”.
Bao nhiêu năm qua, Má tôi vẫn làm bạn với chiếc xe đạp cũ kỹ mỗi ngày đến chỗ làm. Tôi cũng không muốn Má nghỉ làm. Vì tôi hiểu tuổi già sẽ làm cho người ta rất dễ cảm thấy cô đơn. Má vẫn ủng hộ tôi trong những gì tôi làm, tôi muốn. Má thương cả những người bạn của tôi như chính con của bà.
Tôi cũng gặp thất bại như người ta. Cũng đánh mất niềm tin trong một lúc nào đó trong đời. Cũng sai lầm trên bước đường mình đi. Cũng cố chấp cho rằng mình đúng trong những quyết định sai lầm.
Má không bỏ rơi tôi. Chưa bao giờ rời xa tôi. Má luôn đứng ở nơi nào đó, rất gần, trong cuộc đời tôi…dù Má không sanh ra tôi.